Càng già, người ta càng yếu đuối, dễ mủi lòng, dễ giận dỗi như trẻ con. Thấy tôi săm sắn thu xếp quần áo, mẹ tôi khóc sùi sụt, bảo bố tôi:
- Giờ anh ấy như chim ra giàng rồi, anh ấy bay nhảy, chẳng đoái hoài gì tới hai nắm xương khô ở đây.
Bố tôi tán đồng ngay ý nghĩ đó và nói rằng tôi không còn giữ được gốc rễ, không yêu thương thờ phụng đất tổ tiên, rằng tỉnh lỵ Q mới là nơi toàn thể gia tộc chúng tôi gửi xương, gửi cốt, muôn ngàn kiếp chứ không phải Hà Nội. Cãi lý với người già là việc điên khùng mà tôi đã sớm rút ra bài học từ đám bạn học cùng tuổi. Tôi treo áo quần lên mắc, hứa sẽ ở lại Q nửa tháng nữa. Khi bố mẹ tôi yên tâm rồi, tôi đến nhà Vũ Sơn thông báo và khuyên anh đi trước nếu cần đi.
Vũ Sơn đang nằm, thò cổ khỏi chăn đáp:
- Ừ ừ… để tôi xem đã…
Hẳn anh đang nghĩ tới đoạn đường ô tô bụi bặm và những bến phà:
- Quê với quán, cách rách sông đò, không nghĩ thì thôi, nghĩ thêm chán ngắt. Giờ còn cứng xương, săn thịt, đi lại chưa ngại. Mai sau gối chùng, chân mỏi, cứ lọm cọm từ đây ra đến Hà Nội cũng đủ hết hơi…
Anh làu bàu, trước khi vớ chiếc điếu cày, nạp một mồi rõ to rít lên sòng sọc. Chúng tôi nhìn qua sân thấy đứa con trai lớn của anh đang vật nhau với một thằng bé khác. Cu cậu cố sức giằng lấy hòn bi trong tay đối thủ. Tôi định chạy ra can, Vũ Sơn gạt đi:
- Kệ nó. Được nó ăn, thua nó chịu. Đời công bằng, không ai che đỡ nổi cho ai.
Trong một phút sơ hở, thằng bé kia vùng chạy, tay vẫn nắm chặt hòn bi. Đứa con trai Vũ Sơn cắm đầu đuổi theo vẻ quyết liệt và cả hai đứa mất hút sau cánh cổng. Chúng tôi nhìn ra đường, nơi thi thoảng gió tung lên một đám bụi, xe và người qua lại thưa thớt, chậm chạp, đúng với âm điệu muôn đời tỉnh lỵ. Ở đây, khó có cái gì khuấy được bầu không khí yên ả ngái ngủ này, một thứ không gian gợi cho ta những cảm xúc mờ nhạt, khó nhận biết, một chút nhớ nhung xa vắng, một chút bân khuâng khi hồi ức trở về, một chút khát khao khi tiếng còi tàu vọng từ nhà ga nào đó tới, cả một chút day dứt, bực dọc mà chẳng hiểu nguyên cớ ở đâu…
Chừng như hiểu những ý nghĩ của tôi, Vũ Sơn nói:
- Ở đây lâu ngày, người tinh khôn mấy cũng hóa đần. Cuộc sống này không buộc người ta phải giao tiếp, phải cọ xát với các tình huống, phải phản ứng trước những…
Tới đó, tiếng máy ầm ĩ vọng đến cắt lời anh. Một chiếc mô- tô ba bánh lao vào, đổ sát cánh cổng và một chiến sĩ công an trẻ nhảy xuống. Anh ta gỡ mũ, chạy qua sân:
- Anh Sơn, anh Sơn ơi…
Vũ Sơn vẫn ngồi xổm trên giường, vai khoác chăn, đáp:
- Vào đây uống nước đã Khánh. Đi đâu mà vội thế chú mày?
Khánh bảo:
- Đi đi anh. Có một vụ tự vẫn vừa xảy ra. Tổ thằng Thăng đã xuống theo dõi, lập biên bản. Em nhớ tới anh nên vòng xe lại đây. Khẩn trương lên, kẻo xuống tới nơi, họ xóa hiện trường rồi thì hết chuyện.
Nhanh như sóc, Vũ Sơn hất chăn khỏi vai, nhảy xuống giường mặc quần áo. Vừa cài khuy, anh vừa hỏi:
- Cả bạn tôi đi, được không?
Khánh gật đầu:
- Vâng, xin mời anh.
Vũ Sơn nhảy lên xe, kéo tôi theo. Lúc này, anh hoàn toàn là một phóng viên thiện nghệ.
Khánh nổ máy, cua ra đường phố. Chiếc xe của anh vọt lên thả đám vọt lên thả đám khói về phía sau. Chừng tám cây số ngược lên phía bắc, đến ngã ba, nơi con đường chia hai nhánh, Khánh rẽ sang tay trái. Từ đây, xe chạy dọc theo sống đê, có đoạn bằng phẳng, có đoạn gồ ghề, tốc độ chậm lại. Tuy thế, cũng chỉ mười lăm phút sau, Khánh đã tắt máy, khóa xe dưới một gốc bàng đứng chơ vơ trên gò đất giữa ruộng. Anh dẫn chúng tôi lội qua khúc đồng hẹp, leo lên bờ đê. Tới đó đi xuôi xuống chừng non trăm mét, nơi khóm thuyền neo cụm lại, một đám đông tụ tập sát mí nước. Thấp thoáng mấy bộ đồng phục cảnh sát trong đám người lố nhố. Khánh giơ tay chỉ:
- Tổ của Thăng đang còn làm việc.
Vũ Sơn và tôi không hỏi gì thêm, hối hả bước. Vũ Sơn cao hơn cả, chân anh sải như chân cò. Tôi và Khánh phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp anh. Tới nơi, Khánh rẽ đám đông đi trước, Vũ Sơn và tôi bám lưng anh. Khi đã lọt giữa vòng người, chúng tôi dừng lại: Trên nền cỏ ướt, xác người thiếu phụ có nước da ngà còn tươi rói. Tôi nhắm mắt lại. Khi cơn choáng váng qua, tôi cố gắng tự trấn tĩnh để nhìn gương mặt hứa hẹn biết bao yêu đương dịu ngọt giờ nằm phơi dưới ánh trời. Hai bầu má mịn màng tưởng chừng sắp lay động, xoáy xuống một lũm đồng tiền và phô nụ cười rực rỡ. Những món tóc đen nhánh của chị bết trên trán, rơi thành từng món trên đám cỏ ven sông. Cặp mi khép lại nhưng dường như chính lúc ấy nó khơi mở cho cuộc đời một thế giới bí ẩn và sống động. Một tay người đàn bà vắt trên ngực, tay kia thủ dọc theo sườn. Lúc tự vẫn chị đang mặc bộ quần áo trong nhà, chưa kịp thay. Một chiếc quần lụa mỏng và tấm áo cộc tay. Tất cả dán vào da thịt thiếu phụ, nửa như che dấu lại nửa như phô phang tấm thân thon thả, tràn trề sinh lực. Tiếng ai đó thì thào:
- Lúc đó, tôi đang vo gạo nấu cơm trên thuyền. Tôi tưởng chị ta tắm vì chị ta còn bơi một hồi nhanh như con rái nước. Tôi lãng đi, lúi húi nhóm lửa. Rồi bỗng dưng, tôi thấy nóng ruột. Tôi bỏ nồi cơm lên bếp chạy ra mũi thuyền, thấy bong bóng sủi từ đáy nước lên…
Mắt mời đi, tôi không nghe được những lời khai tiếp của các nhân chứng với tổ công an đang hành sự. Người đàn bà ấy nằm trước mắt tôi, như đang ngủ, như sắp nhỏm dậy mỉm cười. Ánh mắt ngỡ ngàng và cầu khẩn, cặp môi như trái chín, vẻ cam chịu xé lòng… Chị hiện lên trong tôi, sống động và gần gũi, trong buổi trưa tràn trề nắng, bên những vườn cà vườn ớt xanh thắm, bên dòng nước sủi bọt… Tôi bỗng thấy lạnh, thấy cô đơn. Tôi chìm trong cảm giác đó mãi, cho tới lúc một người đàn ông xô gạt đám đông, nhảy bổ vào. Anh ta ôm thiếu phụ, bỏ mặc mọi lời ngăn cản. Ngay tức khắc, tôi hiểu đó là chàng thiếu úy giải ngũ, tính tò mò khiến tôi tĩnh trí lại. Tôi lùi về phía sau, ngắm nghía. Anh ta cũng trạc tuổi tôi, nhưng rắn rỏi hơn. Da ngăm đen, ngực nở. Tấm thân cân đối tràn đầy sinh lực. Mái tóc rất đẹp với những gợn sóng quăn tự nhiên. Anh úp mặt xuống xác người đàn bà, những thớ thịt trên vai và lưng rung chuyển. Người đàn ông đang cố ghìm giữ nỗi đau đớn. Ngay cả tiếng nức nở của anh cũng chỉ là một tia lửa vụt khỏi miệng hỏa diệm sơn đang sôi sục dưới lòng sâu.
- Tôi đã giết vợ tôi…
Luồn một cánh ta, nâng vai thiếu phụ lên, anh ta lẩm bẩm:
- Hồng ơi, chính anh đã giết em… Sao anh ngu dại vậy? Anh đâu có ngờ vực em, nhưng anh nặng lời để em phải trạnh lòng, anh muốn em cương quyết chấm dứt cảnh sống ngang trái này đi. Anh muốn chúng ta hạnh phúc… Trí óc anh ngắn ngủi, anh không hiểu rằng một lời cay độc của anh cũng làm em đau đớn hơn trăm trận đòn thù của kẻ kia… Anh đã giết em…
Toàn thân anh ta rung lên dồn dập, trong một cơn nấc kéo dài. Ghì xiết xác thiếu phụ như muốn níu kéo lại sự sống hạnh phúc, người đàn ông cất tiếng cao hơn, hối hả, thống thiết:
- Này, Hồng… Em có nghe anh nói không? Nghe anh nói đã…
Đừng đi đâu nữa, chờ ở đây. Anh về lấy thuyền đưa em sang bên sông…
Tôi bảo Vũ Sơn:
- Cho tôi về. Tôi muốn về.
Vũ Sơn lẳng lặng kéo áo Khánh. Anh công an lách khỏi đám đông, đưa chúng tôi ra. Ngược bờ đê, chúng tôi lội qua đồng, tới gốc bàng để chiếc xe mô- tô của Khánh. Anh công an bảo Vũ Sơn:
- Con gái làng Mơ đẹp nhất tỉnh mà cũng đa đoan nhất tỉnh. Cách đây bốn năm cũng đã có một cô trầm mình ở khúc sông này, hồi đó anh có ở nhà không?
Vũ Sơn đáp:
- Dạo đó tôi đang dự cuộc họp do hội nhà báo quốc tế tổ chức. Lúc về, tôi có nghe.
Chúng tôi lên xe trở về thị xã.
Đêm ấy, tôi không ngủ được. Trăng đầy sân, làm những chiếc thau nhôm sáng như bạc. Các bức tường gấp khúc, đổ bóng xuống. Ngoài đường, rặng cây du trắng xóa như phủ bột vôi. Không gian trở nên mênh mông xa lạ, từ dãy phố hẹp tới những ngọn đèn trên cây cột sắt cổ lỗ, từ chóp nhà thờ sau ngọn đồi phía Tây tới khoảng sân lầm bụi, nơi đám người bán quà rong cho khách quá giang ngồi túm tụm đánh cờ… Dường như chúng đã tách khỏi cuộc đời bình ổn nơi tỉnh lỵ, tựa ruột một trái cây tách khỏi lớp vỏ bao bọc, lơ lửng giữa những gợn gió vô hình của tai ương, chìm nổi giữa những con sóng bạo liệt, tối tăm nơi dục vọng con người. Một lần nữa, cảm giác đơn côi tràn ngập trong tôi, tôi bỗng muốn thu nhỏ lại, trở thành đứa trẻ lên ba, ngồi giữa lòng mẹ. Từng phút một, tôi nghe tiếng dòng sông gào réo, những đám bọt xoay tròn trên mặt sóng, chiếc thuyền trôi dọc bờ nước chở người đàn bà đi, cái lúm đồng tiền xoáy sâu bên bầu má ửng hồng của chị và đôi mắt đen nửa khép nửa mở mời gọi con người. Tại sao cuộc ra đi của chị lại gieo vào tâm hồn tôi nỗi đau quặn thắt, nỗi lo âu giằng xé khôn nguôi… Tại sao?… Trái tim trai tráng của tôi không thể giải đáp, nhưng tôi biết chắc chắn một nhu cầu đang thúc ép: Phải rời bỏ Q ngay.
Qua một đêm thức trắng, sớm hôm sau tôi thu xếp áo quần, nói với bố mẹ rằng tôi phải ra đi nội nhật ngày hôm đó. Xong xuôi, tôi lên báo với Vũ Sơn. Anh bảo:
- Tôi cũng đi với cậu luôn. Nhưng trong ngày hôm nay thì chưa thể xoay được vé. Để sáng mai…
Chiều hôm ấy, tôi nằm ngủ mê mệt trong buồng. Khoảng gần sầm tối, tiếng người nói chuyện rì rầm khiến tôi thức giấc. Lắng nghe, hóa ra tiếng Vũ Sơn. Anh kể cho bố tôi nghe mấy người quen thuộc trong thị xã đang nhờ anh làm giúp những công việc trọng đại, vậy mà anh rất bận, luôn luôn thiếu hụt thời gian. Bố tôi hỏi cặn kẽ từng trường hợp một, với lời phẩm bình nhiệt tâm, lý thú. Cứ sau mỗi chuyện, ông lại nhắc cái điệp khúc:
- Anh là người rộng rãi, quý hóa quá. Các cụ nói rồi: Gieo ơn cho người là để phúc cho con cháu, nhưng anh cũng phải dè chừng, nhân gian bây giờ nhố nhăng lắm, không cẩn tắc thì làm ơn mắc oán như chơi.
Vũ Sơn đáp:
- Vâng, bác dạy chí phải, cháu vẫn phải đề cao cảnh giác luôn luôn. Lòng dạ con người thời nay nó rối như trận đồ bát quái…
Chút nữa tôi bật tiếng cười. Giọng điệu của Vũ Sơn sao mà tương đắc tương đồng với cụ già làm vậy. Tôi chưa gặp người nào ở lứa tuổi chúng tôi có được cái khẩu khí như anh. Hai người còn hể hả đối thoại thêm một lát nữa. Rồi, Vũ Sơn nói:
- Kỳ này cháu phải đi xa.
Bố tôi hỏi:
- Đi đâu?
Anh đáp:
- Chắc là xa hơn các kỳ đi trước.
Giọng bố tôi đầy hào hứng, tò mò:
- Anh lại đi họp báo quốc tế hay sao?
Vũ Sơn đáp:
- Không, kỳ này cháu cắp cặp hầu các cụ.
Bố tôi hỏi:
- Anh theo phái đoài của nhà nước hay của Đảng?
Đáp:
- Đi đợt này là phái đoàn của nhà nước bác ạ. Việc đại sự đấy. Người như cháu mà chỉ được cắp cặp theo hầu thôi.
Im lặng vài giây. Rồi Vũ Sơn nói tiếp:
- Cháu phải mượn bác bộ com- plê với chiếc mũ lông. Đi mùa này rét lắm, tuyết dày đến mắt cá chân. Bộ com- plê của cháu vừa mỏng vừa nhạt màu, trông không đứng đắn. Đi họp theo hội này hội kia tha hồ ăn mặc nhí nhố, chứ đã cắp cặp cho các cụ thì phải ăn mặc cho nghiêm.
- Đúng rồi.
Bố tôi tán đồng: Y phục tương xứng kỳ đức, các cụ dạy chẳng bỏ đi câu nào, anh ạ…
Tôi nghe ông già lê dép, rồi tiếng chìa khóa lách cách mở tủ. Những âm thanh nhè nhẹ khác, tiếng gói giấy sột soạt và sau đó, giọng Vũ Sơn:
- Cháu cảm ơn bác, bộ quần áo này thật xứng đáng tham dự vào một dịp công cán trọng đại như thế.
Anh chào bố tôi ra về với giọng hỉ hả. Cụ tiễn anh cũng với giọng hỉ hả như thế. Khoảng bảy giờ tối, mẹ tôi gọi tôi dậy ăn cơm. Có lẽ do vẻ mặt quá thất thường của tôi, hai cụ không thắc mắc thêm một lời về việc tôi quyết định ra đi đột ngột thế. Cơm xong, tôi lững thững đi dọc phố, chỉ với một mong muốn duy nhất là những hình ảnh liên tục bên ngoài sẽ làm tôi quên cái chết của thiếu phụ. Trên đường, tôi chợt thấy Vũ Sơn từ nhà chủ tịch Dự đi ra, trông anh quá sang trọng và bạnh chọe trong bộ com- plê ông bố tôi vừa cho mượn. Theo sau anh, cậu ca sĩ Ngọc Sang dắt chiếc Vet- spa, điệu bộ vừa uy nghiêm vừa suồng sã của một cán bộ quản lý với người phù tá cho mình. Sau đó, anh leo lên xe ngồi. Và chàng ca sĩ Ngọc Sang lái Vet- spa điệu như một tài tử đua mô tô, chở Vũ Sơn đi. Cuộc diễu hành ấy diễn ra trước ánh mắt thèm muốn của cư dân tỉnh lỵ.
@by txiuqw4