sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bảy Mươi Lăm Kí

Vyazma và Briansk; thế rồi những bùn là bùn. Vào giữa tháng mười 1941, Oskar cũng bắt đầu bì bõm trong bùn. Mong quý vị hãy tha thứ cho tôi đã dám so sánh những chiến thắng ngập ngụa bùn của -Trung tâm Tập đoàn quân với những chiến thắng của tôi trên chiến địa hiểm trở và cũng ngập ngụa bùn của bà Lina Greff. Giống như những xe tăng và xe tải bị sa lầy chững lại trước Moxkva, tôi cũng sa lầy; giống như những bánh xe cứ quay trượt hoài, khuấy lộn bùn nước Nga, tôi cũng tiếp tục cố thủ - có thể nói tôi đã khuấy tơi được bùn nhà Greff thành một thứ bọt xà-phòng - nhưng phần đất tôi chiếm được không phải là ngoại biên Moxkva mà cũng chẳng phải trong phòng ngủ nhà Greff.

Tôi vẫn muốn duy trì lối ẩn dụ quân sự: cũng như các nhà chiến lược trong tương lai sẽ phải rút ra bài học từ những cuộc hành quân trong bùn, tôi cần rút ra những kết luận từ cái hiện tượng thiên nhiên tên là Lina Greff. Ta không nên đánh giá thấp những cố gắng của hậu phương trong Thế Chiến II. Oskar mới mười bảy tuổi vậy mà Lina Greff, cái bãi tập đầy những bẫy không sao phát hiện hết ấy, đã luyện nó thành một con đực sung mãn. Nhưng thôi, so sánh kiểu nhà binh như vậy là đủ. Ta hãy thử đánh giá tiến bộ của Oskar bằng thước đo nghệ thuật: nếu Maria, với lớp lớp mây va- ni mê hồn một cách hồn nhiên của nàng, đã dậy cho tôi biết giá trị của cái nhỏ bé, cái tế nhị và khai tâm cho tôi về tính trữ tình của bột sủi và hái nấm, thì có thể nói làn hơi cay nồng do nhiều mùi hợp thành phả ra từ bà Greff đã đem đến cho tôi hơi thở anh hùng ca khoáng đạt khiến tôi hôm nay có thê liền một hơi nhắc đến cả chiến thắng quân sự lẫn thành công chăn gối. Âm nhạc! Từ tiếng ácmônica thơ trẻ, đa sầu đa cảm nhưng xiết bao dịu ngọt của Maria, tôi được bốc thắng tới bục nhạc trưởng của phòng hòa nhạc, bởi vì Lina Greff tặng tôi cả một dàn nhạc phong phú cung bậc theo chiều sâu cũng như chiều rộng đến mức ngay cả ở Bayreuth [1] hay Salzbourg [2] cũng khó tìm thấy một dàn nhạc nào quy mô hơn. Tại đây, tôi học đủ thứ: bộ hơi - cả kèn đồng lẫn kèn gỗ -, bộ gõ và bộ dây - cả kéo vĩ lẫn gảy. Tôi học hòa âm và đối âm, cổ điển và gam nguyên, khởi tấu của scherzo và nhịp độ của andante. Phong thái đánh nhịp của tôi có thể chính xác chặt chẽ hay êm dịu chảy trôi; Oskar tận dụng tối đa nhạc khí của mình, cụ thể là bà Greff, vậy mà, như một nghệ sĩ chân chính, nó vẫn chưa hài lòng, nếu không muốn nói là bất mãn.

Cửa hàng rau quả của Greff ở cách cửa hàng chúng tôi dăm bước, xế bên kia đường. Một vị trí thuận lợi, tiện cho tôi hơn nhà của Alexander Scheffler chủ hiệu bánh mì ở Kleinhammer-Weg. Có lẽ địa điểm thuận lợi là lý do chính khiến tôi tiến bộ trong việc nghiên cứu cơ thể đàn bà hơn là trong việc học tập các sư phụ Goethe và Rasputin của mình. Nhưng có lẽ ta có thể cắt nghĩa và phần nào biện minh cho sự so le trong học vấn của tôi bằng sự khác nhau giữa hai cô giáo của tôi. Trong khi Lina Greff không hề có chủ định dậy dỗ gì tôi mà chỉ đơn giản và thụ động, bày tất cả những của quý của mình ra cho tôi quan sát và thử nghiệm, thì Gretchen Scheffler lại quá coi trọng thiên chức sư phạm của mình. Bà muốn mục kích kết quả, muốn nghe thấy tôi cao giọng đọc, nhìn thấy những ngón tay đánh trống của tôi cần mẫn tập viết, muốn thiết lập quan hệ hữu hảo giữa tôi và bà tiên Ngữ Pháp và nhân đó bồi bổ cho chính mình về mặt này. Khi Oskar không chịu tỏ ra có dấu hiệu tiến bộ nào., Gretchen Scheffler đâm hết kiên nhẫn; ít lâu sau khi mẹ tội nghiệp của tôi mất - cho tới lúc đó, bà đã dậy tôi được bảy năm -bà quay trở về với công việc đan lát của mình. Từ đó trở đi, sự quan tâm của bà đối với tôi chỉ thi thoảng mới biểu hiện ra bằng những chiếc áo, bít tất và bao tay mà bà tự tay đan để tặng tôi vào những dịp lễ, vì vợ chồng bà vẫn không có con. Hai chúng tôi thôi không đọc cũng chang bàn về Goethe và Rasputin nữa, và sở dĩ Oskar không quên hết mọi điều thuộc lĩnh vực học tập này, là nhờ những trích đoạn từ các tác phẩm của hai bậc thày mà tôi vẫn cất giấu ở nhiều chỗ khác nhau, chủ yếu là trên tầng áp mái của khu chung cư. Tôi tự trau dồi kiến thức và xây dựng những nhận định riêng của mình.

Đau yếu nằm bẹp trên giường, Lina Greff không thể thoát khỏi tôi, cũng chẳng thể bỏ tôi bởi lẽ bệnh của bà, tuy mãn tinh, nhưng không đủ nặng để sớm cướp đi Lina, cô giáo Lina của tôi. Nhưng vì trên đời này không có gì là vĩnh tồn, nên chính Oskar là người đã bỏ cô giáo liệt giường khi nó cảm thấy việc học tập của mình đã hoàn tất.

Quý vị sẽ nói: cái thế giới mà trong đó gã trai này khoanh học vấn của mình lại, mới hạn hẹp làm sao! Một cửa hàng tạp hoá, một hiệu bánh mì và một cửa hàng rau quả giới định phạm vi trong đó gã buộc phải góp nhặt hành trang cho cuộc đời mai sau. Vâng, tôi phải thừa nhận là thế. Oskar đã thu gom những ấn tượng đầu tiên tối quan trọng của mình trong một môi trường tiểu tư sản mốc xì. Tuy nhiên, tôi có một người thày thứ ba nữa. Chính ông là người mở thế giới ra cho Oskar và tạo cho nó thành người như ngày nay, một nhân vật mà vì chưa tìm được chữ nào đắt hơn, tôi đành định tính bằng hình dung từ thế giới chủ nghĩa.

Như các vị theo dõi chăm chú nhất hẳn đã nhận ra, tôi muốn nói đến ông thày và sư phụ Bebra của tôi, hậu duệ trực hệ của Hoàng tử Eugene, dòng giống vua Louis XIV, anh hề lùn âm nhạc Bebra như người ta thường gọi. Khi tôi nói Bebra, đương nhiên là tôi cũng nghĩ đến người đàn bà bên cạnh ông, Roswitha Raguna, người mộng du vĩ đại và giai nhân phi thời gian. Trong những năm đen tối sau khi Matzerath cướp mất Maria của tôi, ý nghĩ của tôi thường hay hướng về signora, này. Không hiểu nàng có thể bao nhiêu tuổi nhỉ? tôi tự hỏi. Một thiếu nữ mơn mởm mười tám đôi mươi? Hay một lão phụ chín mươi chín tuổi đầy duyên sắc khả dĩ suốt một thế kỷ vẫn bền vững làm một tiêu bản nhỏ hiện thân cho thanh xuân vĩnh cửu?

Nếu tôi nhớ không lầm thì tôi gặp con người gần gũi với tôi về cả thể hình lẫn tinh thần này ít lâu sau khi mẹ tội nghiệp của tôi mất. Chúng tôi cùng uống môka trong tiệm cà-phê Bốn Mùa rồi mỗi người một ngả. Về thái độ chính trị, có những điểm khác nhau nho nhỏ nhưng không phải không đáng kể. Bebra thân cận với Bộ Tuyên Truyền và, như tôi có thể dễ dàng suy ra từ một vài câu lấp lửng của ông, thường qua lại văn phòng riêng của hai ngài Goebbels và Goering [3] - một ứng xử đồi bại mà ông tìm đủ mọi cách để giải thích và thanh minh với tôi. Ông nói đến thế lực của những tay hề cung đình ở thời Trung cổ và cho tôi xem những phiên bản tranh Tây Ban Nha vẽ một vị vua Philip hay Carlos gì đó cùng với đông đảo tuỳ tùng; ở giữa những đám tụ hội phô phang ấy, người ta có thể thấy những tay hề tầm vóc như Bebra hoặc thậm chí Oskar, để râu dê, mặc áo có cổ xếp nếp và quần ống thụng. Tôi thích những bức tranh đó - vì tôi có thể tự nhận không chút quá lời rằng mình là một kẻ nhiệt thành ngưỡng mộ Diego Velasquez [4] - nhưng cũng chính vì lý do đó, những luận điểm của Bebra không thuyết phục được tôi và sau một hồi, ông từ bỏ chủ đề so sánh địa vị của anh hề trong triều vua Philip IV của Tây Ban Nha với vị trí của ông trong đám cận thần của tay Joseph Goebbels hãnh tiến miền Rhine, ông tiếp tục nói về thời buổi khó khăn, về những kẻ yếu phải tạm thời nhượng bộ, về sức đề kháng nở rộ trong vòng bí mật, tóm lại, đề xuất khẩu hiệu "di cư vào trong"; đó là điều khiến chúng tôi đành chia đôi ngả.

Đâu phải tôi giận hờn gì ông thày. Trong những năm sau, tôi vẫn tìm tên Bebra trên mọi tờ quảng cáo tạp kỹ và xiếc. Hai lần tôi thấy nó bên cạnh tên Signora Ragona, song tôi không tìm cách gặp cảc bạn mình.

Tôi trông chờ vào tình cờ, nhưng tình cờ không chịu giúp, vì nếu con đường của Bebra và của tôi giao nhau vào mùa thu năm 42 chứ không phải vào năm sau thì hẳn Oskar sẽ không bao giờ trở thành học trò của Lina Greff, sẽ thành môn đồ của đại sư Bebra. Như vậy, ngày lại ngày, tôi qua đường Labesweg, đôi khi vào lúc sáng sớm, vào cửa hàng rau quả, quanh quẩn khoảng nửa giờ bên cạnh ông chủ hiệu cho phải phép. Thời gian này, Greff trở nên bẳn tinh và ngày càng dốc hết tâm trí và thì giờ vào việc sáng chế. Tôi đứng xem Greff lắp những cái máy kỳ cục, cái kêu leng keng, cái gào, cái thét và khẽ huých ông khi thấy có khách vào mua hàng vì ông đã thôi không còn để ý gì đến thế giới xung quanh. Điều gì đã xảy ra vậy? Điều gì đã khiến con người làm vườn trước kia xiết bao cởi mở và chan hoà, trở nên lầm lì như thế? Điều gì đã biến ông thành một người trung niên cô độc, lập dị và khá lôi thôi lếch thếch?

Đám thanh thiếu niên đã thôi không đến thăm ông. Thế hệ mới không biết ông. Đám tuỳ tùng của ông từ thời hướng đạo sinh đã bị chiến tranh tung hê đi các ngả. Từ các mặt trận khác nhau, thư gửi về, rồi chỉ có bưu thiếp và một hôm, qua một nguồn gián tiếp, Greff được tin cục cưng của ông Horst Donath, mới đầu là hướng đạo sinh, rồi tiểu đội trưởng, sau lên trung uý, đã ngã xuống bên bờ sông Donetz.

Từ hôm ấy, Greff bắt đầu già đi, không thiết đến vẻ bề ngoài và chỉ dồn hết mình vào công việc sáng chế, đến nỗi trong cửa hàng, các loại máy kêu leng keng, máy gào rú trở nên nhiều hơn cả khoai tây hoặc bắp cải. Cố nhiên, điều đó phần nào cũng do tình hình thiếu lương thực nói chung, những đợt giao hàng ngày càng thưa thớt và nhỏ giọt và trên thị trường bán buôn, Greff không phải là một khách mua sộp có nhiều quan hệ tốt như Matzeratn.

Cửa hàng nom thật thiểu não; cũng may là còn có những cái máy to mồm dấm dớ của Greff chiếm lỉnh không gian như một nét trang trí dị biệt tức cười. Tôi thích những sáng tạo nảy ra từ đầu óc ngày càng lộn xộn của Greff. Bây giờ đây, mỗi khi nhìn những hình dây thắt nút của gã y tá Bruno, tôi lại nhớ đến những đồ trưng bày của Greff. Và hệt như Bruno thích thú khi thấy tôi tủm tỉm cười nhưng thực sự quan tâm đến những trò tiêu khiển nghệ thuật của gã, Greff, theo cái cách ngu ngơ của mình, cũng sướng rơn khi tôi tỏ ra khoái một trong những cái máy khí nhạc của ông. Con người bao năm nay không mảy may để ý đến tôi, nay bỗng thất vọng ra mặt khi, sau nửa tiếng đồng hồ, tôi tạm rời cửa hàng rau quả kiêm xưởng chế tác của ông để vào thăm vợ ông, Lina Greff.

Về những cuộc đến thăm người đàn bà liệt giường này - thường mỗi lần kéo dài từ hai giờ đến hai giờ rưỡi - tôi nên kể gì với quý vị đây? Khi Oskar bước vào, bà vẫy tay từ trên giường: "A, Oskar đấy ư? Nào lại đây, hãy chui vào chăn nếu cậu thích, trời rét thế mà Greff chất củi đốt lò sưởi chả được bao nhiêu." Thế là tôi chui vào với bà dưới tấm chăn lông chim, để trống và cặp dùi vừa mới dùng bên ngoài, chỉ cho phép cái dùi thứ ba (hơi khẳng khiu và mòn) theo tôi vào thăm Lina.

Tôi không cởi đồ trước khi lên giường với Lina. Cứ nguyên cả áo len, quần nhung và giày da, tôi chui vào chăn. Và, vài giờ sau, mặc dầu lao động đến nóng ran người, tôi vẫn nguyên bộ như thế, hầu như không xộc xệch, chui ra khỏi lớp chăn nệm lông chim nhàu nát.

Thế rồi, ra khỏi giường Lina, với hơi hớm của bà còn bám trên da thịt, tôi lại ghé thăm Greff một lần nữa. Sau mấy bận như thế, ông khởi đầu một nghi thức mà tôi rất hoan hỉ tuân theo: trước khi tôi ra khỏi giường Lina, ông mang vào phòng một chậu nước ấm, dặt lên một chiếc ghế đẩu cùng với xà- phòng và khăn rồi lặng lẽ đi ra, thậm chí không buồn liếc mắt về phía giường.

Oskar mau lẹ bứt mình ra khỏi cái tổ đầm ấm, lon ton đến bên chậu nước rửa ráy thật kỹ mình mẩy cùng cái dùi trống dùng trên giường; tôi có thể hiểu được là, ngay cả qua trung gian, Greff cũng không chịu nổi mùi của vợ mình.

Rửa ráy sạch sẽ rồi, tôi lại được nhà sáng chế tiếp đón niềm nở. ông giải thích cho tôi về các máy móc của ông cùng các âm thanh khác nhau chúng phát ra và cho đến nay, tôi vẫn lấy làm lạ là sự gần gũi muộn màng này vẫn không làm nẩy nở một tình bạn giữa Oskar và Greff: Greff vẫn là một người xa lạ đối với tôi, chỉ khiến tôi quan tâm chứ không hề có thiện cảm.

Tháng 9 năm 1942 - sinh nhật lần thứ mười tám của tôi vừa mới qua đi không kèn không trống và đài vừa báo tin Quân đoàn 6 đánh chiếm Stalingrad - Greff chế ra cái máy đánh trống. Một cái khung gỗ, bên trong là hai đĩa cân đầy khoai tây ở thế cân bằng; hễ lấy đi một củ, bàn cân liền chao đi và kích vào một đòn bẩy khởi động cơ chế đánh trống lắp trên chốc khung; thế là reng reng, tùng tùng, cắc cắc, chiêng trống vang lên đồng loạt và cuối cùng là một tạp âm kết thúc, loẻng xoẻng đến độ bi thảm.

Cái máy hấp dẫn tôi. Năm lần bảy lượt, tôi đề nghị Greff thao diễn lại. Vì Oskar ngỡ là ông chủ hiệu rau quả đã sáng chế và lắp đặt nó cho tôi. Chang bao lâu, tôi thấy rõ là mình đã lầm. Có thể Greff đã tiếp thu một vài ý của tôi, nhưng cái máy thì được chế tác cho chính ông bởi cái kết thúc loẻng xoẻng của nó cũng chính là kết thúc của bản thân ông.

Đó là một buổi sáng tháng mười trong xanh, như chỉ có gió tây bắc mới hào hiệp cho không, như vậy. Tôi rời căn hộ của Mamăng Truczinski từ sớm và bước ra phố khi Matzerath vừa kéo tấm rèm sắt của cửa hàng lên. Tôi đứng bên cạnh ông trong khi những tấm mành xanh lạch xạch dâng lên; một luồng hơi chở các mùi rau quả tù đọng trong cửa hàng phả tới tôi, rồi Matzerath hôn tôi thay lời chào buổi sáng. Trước khi Maria xuất hiện, tôi đi qua đường Labesweg, đổ một cái bóng dài về phía tây trên nền đá lát vì bên phải tôi, đằng đông, mặt trời đã tự lực nhô lên trên quảng trường Max-Halbe- Platz, kiểu như Nam tước Mũnchhausen [5] túm lấy đuôi sam của mình tự kéo lên khỏi đầm lầy.

Bất cứ ai hiểu Greff-Rau-Quả như tôi đây hắn đều ngạc nhiên khỉ thấy cửa chính cũng như cửa rèm mặt hàng nhà ông, vào giờ này, vẫn đóng im ỉm. Đành rằng những năm gần đây, Greff đã thay đổi, càng ngày càng trở nên kỳ quặc. Nhưng cửa hàng ông bao giờ cũng mở đúng giờ. Có lẽ ông ta ốm, Oskar nghĩ, nhưng rồi gạt ngay giả thuyết ấy đi. Bởi vì mới mùa đông vừa rồi, tuy không thường xuyên đều đặn như những năm trước, Greff vẫn còn đục lỗ vào biển Baltic để tắm, làm sao con người yêu thiên nhiên ấy, mặc dầu có vài dấu hiệu già đi, lại có thể đột nhiên một sớm một chiều ngã bệnh như vậy? Cái đặc quyền nằm liệt giường là dành cho vợ ông và bà này sử dụng nó cho cả hai. Hơn nữa, tôi biết rằng Greff coi khinh nệm mềm, chỉ thích ngủ trên phản cứng và ván gỗ. Không bệnh nào có thể cột chặt ông chủ hiệu rau quả vào giường.

Tôi đứng trước cửa hàng đóng kín, ngoái lại nhìn cửa hàng chúng tôi để chắc chắn là Matzerath đã vào bên trong; đến lúc đó tôi mới dạo vài nhịp trống, hy vọng lọt vào đôi tai thính của bà Greff. Chỉ cần nhè nhẹ thôi là cánh cửa sổ thứ hai bên phải cửa chính đã hé mở. Bà Greff mặc áo ngủ, đầu đầy cuộn uốn tóc, tay ôm một chiếc gối trước ngực, ló ra bên trên bồn hoa thu hải đường ở thành cửa sổ. "Oskar đấy à, vào đi, còn đợi gì nữa, ngoài ấy rét thấy mồ".

Tôi gõ một chiếc dùi trống lên tấm rèm sắt thay lời giải thích.

"Albrecht!" bà gọi. "Albrecht, mình đâu rồi? Có chuyện gì thế?"

Miệng vẫn gọi chồng, bà biến khỏi khung cửa sổ. Tiếng cửa rập sầm sầm, tôi nghe thấy bà lạch cạch trong cửa hàng rồi lại bắt đầu la thét. Bà la thét dưới tầng hầm, nhưng tôi không hiểu tại sao bà la, bởi vì cửa sổ tầng hầm, qua đó khoai tây được trút vào, vào những hôm giao hàng càng ngày càng thưa thớt trong những năm chiến tranh, cũng đóng chặt. Dán mắt vào những tấm ván quét hắc ín bịt kin cửa sổ tầng hầm, tôi thấy bên trong sáng đèn. Tôi cũng nhận thấy một cái gì trăng trắng trên những bậc cầu thang trên cùng của tầng hầm, có lẽ là chiếc gối của bà Greff.

Chắc hẳn bà đã đánh rơi chiếc gối trên cầu thang vì bà không còn ở trong hầm nữa mà đang tiếp tục la thét trong cửa hàng và lát sau, trong phòng ngủ. Bà nhấc máy điện thoại lên, la thét và quay số; bà hét vào máy điện thoại nhưng Oskar không hiểu bà nói những gì, chỉ nghe được hai tiếng tai nạn và địa chỉ Labesweg 24, mà bà hét đi hét lại nhiều lần. Bà đặt máy xuống và một lát sau, vẫn la thét, vẫn nguyên áo ngủ tuy không còn gối, vẫn đầy cuộn uốn tóc trên đầu, bà lại lấp đầy khung cửa sổ, bộ ngực đồ sộ rất quen thuộc đối với tôi tràn ra bên trên bồn hoa thu hải đường, hai tay thọc vào đám lá dày dặn phơn phớt đỏ. Bà kêu vọng lên trời khiến con phố trở nên chật hẹp và Oskar có cảm giác như thuỷ tinh sắp sửa bay tán loạn. Nhưng không có ô kính nào vỡ cả. Các cửa sổ mở toang, những người hàng xóm ló đầu ra, đàn bà í ới hỏi nhau, đàn ông chạy tới, bác thợ đồng hồ Laubschad vừa chạy vừa mặc nốt chiếc áo vét, già Heilandt, ông Reissberg, bác thợ may Libischewski, ông Eisch nhào ra từ những cửa nhà gần nhất; cả Probst-bán- than (chứ không phải Probst-hớt-tóc) cũng đến cùng cọn trai. Matzerath lướt tới như gió trong chiếc áo "blu" trắng trong khi Maria bế Kurt đứng trong khung cửa ra vào của cửa hàng chúng tôi.

Tôi dễ dàng trà trộn vào đám người lớn nháo nhác và thoát khỏi Matzerath đang tìm tôi. Ông và bác thợ đồng hồ Laubschad là những người đầu tiên bắt tay vào hành động. Họ định vào nhà bằng lối cửa sổ. Nhưng bà Greff không chịu để cho ai trèo lên chứ đừng nói gì đến vào nhà. Vừa đấm đá vừa cào cấu và cắn, bà vẫn còn thì giờ để kêu to hơn bao giờ hết và phần nào có thể hiểu được. Người đầu tiên vào phải thuộc đội cấp cứu; bà đã gọi điện thoại từ lâu rồi; khỏi cần ai gọi lại nữa, bà biết phải làm gì trong trường hợp như thế này. Các người hãy lo cho cửa hàng của mình, các người không xen vào tình hình cũng đã đủ tồi tệ rồi. Hiếu kỳ, độc chỉ hiếu kỳ thôi, chẳng là gì khác, cháy nhà ra mặt chuột, lúc hoạn nạn mới rõ ai là bạn. Giữa lúc than van như thế, hẳn bà đã nhìn thấy tôi bên ngoài cửa sổ vì bà lên tiếng gọi tôi và, sau khi đẩy lùi đám người lớn, vươn hai cánh tay trần về phía tôi, và một người nào đó - đến nay, Oskar vẫn nghi đó là bác thợ đồng hồ Laubschad - nhấc bổng tôi lên và, bất chấp sự phản đối của Matzerath, cố ấn tôi vào trong nhà. Đứng ngay cạnh cửa sổ, Matzerath suýt tóm được tôi, nhưng Lina Greff đã với tay ra ghì chặt tôi vào chiếc áo ngủ ấm áp và ấp vào tôi. Sau đó, bà chỉ thút thít khóc bằng một giọng the thé xen lẫn tiếng thở hổn hển.

Nếu trước đó một lát, những tiếng la thét của bà Greff đã kích động mạnh những người hàng xóm, biến họ thành một đám cuồng dại, hoa chân múa tay trơ tráo, thì lúc này, tiếng khóc thút thít, the thé của bà lại khiến đám người xúm quanh bồn hoa thu hải đường im bặt, bối rối giậm chân tại chỗ, hồ như sợ không dám nhìn thắng vào bộ mặt than khóc của bà và đành dồn hết hy vọng, tò mò và thiện cảm vào chờ đợi xe cấp cứu tới.

Oskar cũng thấy ớn tiếng khóc của bà Greff. Tôi cố tụt xuống thấp hơn chút nữa để khỏi quá kề sát điểm phát ra những tiếng nức nỏ. Tôi gỡ được tay ra khỏi cổ bà và ghé mông ngồi vào mép bồn hoa trên thành cửa sổ. Nhưng rồi Oskar cảm thấy có người để mắt theo dõi mình: Maria, tay bồng con, đang đứng trong khung cửa ra vào của cửa hàng. Một lần nữa, tôi quyết định di chuyển vì tôi hiểu rõ mình đang ở thế cực kỳ bất tiện. Nhưng tôi chỉ nghĩ đến Maria thôi, còn hàng xóm tôi bất cần.Tôi rời bến tách khỏi bờ biển Lina Greff đang chuyển rung quá dữ dội khiến tôi nhớ đến những giờ phút trên giường.

Lina Greff không nhận thấy tôi bỏ trốn, hoặc giả bà không đủ sức níu giữ cái thân hình bé nhỏ đã bao lâu mang lại sự bù đắp cho bà. Hay có lẽ bà đã ngờ ngợ rằng Oskar đang tuột khỏi tay bà mãi mãi, rằng những tiếng la thét của bà đã làm nảy sinh một âm thanh có tác động kép: một mặt, nó dựng lên một bức tường rào kiên cố giữa gã đánh trống với người đàn bà liệt giường, mặt khác nó làm sụp đổ bức tường ngăn cách Maria với tôi.

Tôi đứng trong phòng ngủ nhà Greff, cái trống đeo xệch xẹo, hờ hững. Oskar quá biết căn phòng, nó có thể đọc thuộc lòng toàn bộ giấy phủ tường màu ve nhẵn mịn theo đủ mọi chiều. Cái chậu nước rửa còn vương bọt xà-phòng xam xám từ ngày hôm trước vẫn ở nguyên chỗ. Mọi thứ đâu vẫn đấy, vậy mà tôi thấy đồ đạc trong phòng, những thứ đã mòn vì nằm, ngồi và va chạm, bỗng như mới, hay chí ít đã được làm mới lại, cứ như thể tất cả những gì đứng cứng đơ trên bốn chân dọc bốn bức tường này đã phải cần đến những tiếng la thét kèm theo tiếng khóc the thé của Lina Greff để bừng lên một vẻ rực rỡ mới, lạnh đến ghê người.

Cửa dẫn ra cửa hàng để mở. Ngoài ý muốn của mình, Oskar tự buông trôi vào cái căn phòng sực mùi hành và đất khô ấy. Lọt qua các kẽ ở cánh cửa sổ, ánh ngày làm nổi rõ những dải sáng trong đó xoáy lộn những hạt bụi. Phần lớn các máy nhạc và tạp âm của Greff chìm trong khoảng nhập nhoạng tối, trừ một vài chi tiết: một cái chuông nhỏ, một thanh gỗ chống, phần dưới của cái máy đánh trống, với những củ khoai tây được giữ ở thế cân bằng.

Khoang cửa sập dẫn xuống hầm, y hệt như ở cửa hàng chúng tôi, cũng để ngỏ. Cánh cửa bằng gỗ ván không có gì chống, chắc bà Greff đã mỏ toang trong cơn vội vã cuống cuồng la hét; bà cũng chẳng cái cái móc vào chốt gắn ở quầy. Chỉ cần đẩy khẽ một cái là Oskar có thể sập nó xuống và đóng hầm lại.

Tôi đứng sững không động đậy đằng sau ván cửa ấy, hít cái mùi bụi và mốc của nó, trân trân nhìn cái hình chữ nhật sáng loáng đóng khung một phần cầu thang và một mảng sàn hầm lát bê-tông. Trong hình chữ nhật ấy, từ mép trên bên phải, nhô ra một phần của một cái bục có bậc để bước lên, rành là Greff mới mua gần đây thôi, vì những lần trước xuống hầm, tôi không hề thấy. Nhưng nếu chỉ vì một cái bục thì ắt hẳn Oskar đã chẳng nhìn lâu và chăm chú đến thế; điều thu hút sự chú ý của nó nằm ở góc bên phải phía trên của hình ảnh: hai chiếc tất len xỏ trong đôi giày đen thắt dây, bị thu ngắn lại một cách kỳ lạ do nhìn từ đằng trước trở lại. Tuy không nhìn thấy đế, tôi vẫn biết ngay đó là đôi giày bộ hành của Greff.

Đó không thể là Greff đang đứng trong hầm, sẵn sàng khởi đầu một cuộc dạo bộ, tôi nghĩ thầm, bởi vì đôi giày không chạm đất mà lại lủng lẳng trong không trung, ngay bên trên cái bục gỗ, mặc dù có thể là những mũi giày chĩa xuống phía dưới còn hơi chạm ván bục, chút xíu thôi, nhưng vẫn là chạm. Trong một thoáng, tôi hình dung ra một ông Greff trong tư thế kiễng chân, một bài tập ngộ nghĩnh và căng thắng, nhưng hoàn toàn có thể chờ đợi ở nhà lực sĩ yêu thiên nhiên này.

Để kiểm định giả thuyết này, có nghĩa, nếu đúng là như vậy, để có dịp cười giễu ông chủ hiệu rau quả một mẻ, tôi rón rén bước xuống những bậc cầu thang dốc, tay dạo trống theo một điệu nhạc vốn để tạo ra và đồng thời xua tan nỗi sợ, hình như là "Đâu rồi mụ phù thuỷ đen như hắc ín?", nếu tôi nhớ không nhầm.

Chỉ đến khi đứng chắc chân trên nền hầm lát bê- tông, Oskar mới tiếp tục cuộc điều tra - theo đường vòng, qua những chồng bao tải đựng hành lép kẹp, qua những đống hòm đựng hoa quả trống không - cho đến lúc, lướt mắt theo một cái giàn gỗ trước đó nó chưa bao giờ thấy, tia nhìn của nó tiến gần tới chỗ đôi giày bộ hành của Greff đang lủng lẳng hoặc rướn trên đầu ngón chân.

Cố nhiên là tôi biết Greff bị treo. Đôi giày lơ lửng, do đó đôi tất đan thô màu xanh thầm cũng lơ lửng. Hai đầu gối trần trên mép tất, cặp đùi lông lá tới gấu quần cộc; đến đây, một cảm giác giậm giựt, nhói buốt từ từ dâng lên từ chỗ kín của tôi, từ từ trườn theo hông lên đến lưng làm nó đột nhiên tê dại, bò dọc cột sống, bám trụ ở gáy, khiến tôi hết nóng bừng lại lạnh toát, rồi lại chạy xuống hạ bộ, làm cái giống vốn đã bé tí của tôi sun lại đến độ gần như không còn gì, rồi lại vọt trỏ lên lưng, lên gáy và co lại - cho đến tận bây giờ, Oskar vẫn-cảm thấy cái tắc nghẹn ấy, cái cú dao đâm ấy mỗi khi có ai nói đến chuyện treo, bất cứ cái gì, kể cả treo quần áo. Không phải chỉ đôi giày bộ hành, đôi tất len, cặp đầu gối và cái quần lót bị treo; toàn thân Greff bị treo bằng một sợi dây thắt ở cổ và bên trên sợi dây, vẻ mặt căng thẳng không khỏi có bộ điệu mần tuồng.

Lạ thay, cái cảm giác giậm giựt, nhói buốt tắt rất nhanh. Tôi đâm quen mau với hình ảnh đó của Greff, vì, về cơ bản, tư thế của một người bị treo cũng bình thường và tự nhiên như tư thế của một người trồng cây chuối hoặc đi bằng hai tay, hay của một người đặt mình vào vị trí thật sự không may khi trèo lên lưng một con ngựa bốn chân để tập cưỡi.

Ngoài ra, còn có sự dàn cảnh nữa. Chỉ đến lúc đó Oskar mới đánh giá hết công sức Greff đã bỏ ra. Cách bài trí khung cảnh trong đó Greff tự treo cổ được nghiên cứu đến độ ngông cuồng, ông chủ hiệu rau quả đã nhằm một hình thức chết phù hợp với chính mình, một cái chết rất cân bằng, ông, người suốt đời đã gặp khó khăn và phiền toái trong quan hệ với Phòng Cân Đo, đã nhiều lần bị tịch thu bao quả cân, người đã bị phạt lên phạt xuống vì cân rau quả không chính xác, giờ đây ông tự cân mình thật chuẩn đến từng gam bằng những củ khoai tây.

Sợi dây thừng bóng nhờ nhờ, có lẽ được xát xà-phòng, chạy theo những con ròng rọc, vắt trên hai cái xà chính mà, để chuẩn bị cho ngày cuối cùng của đời mình, Greff đã ghép thành một giàn gỗ với mục đích duy nhất là dùng làm gàn treo cổ. Hiển nhiên là ông chủ hiệu rau quả đã không hề dè sẻn trong việc chi tiêu, ông đã dùng loại gỗ thượng hảo hạng. Trong hoàn cảnh thời chiến, vật liệu xây dựng thiếu thốn, kiếm được những xà và ván gỗ như thế này hẳn là khó khăn lắm. Chắc Greff đã đem hoa quả đổi lấy gỗ. Cái giàn không thiếu những thanh néo và giằng mang tính chất trang trí mặc dù không cần thiết. Cái bục với những bậc dẫn lên đó (mà từ trên cửa hàng, Oskar đã nhìn thấy một góc) đem lại cho toàn bộ công trình một tính chất gần như trác tuyệt.

Giống như trong cái máy đánh trống, mà hắn là nhà sáng chế đã lấy làm mẫu, Greff và vật đối trọng của ông cũng treo bên trong một bộ khung. Tương phản sắc nét với bốn thanh xà ngang quét vôi trắng, một cái thang nhỏ xinh xắn màu ve dựng giữa ông và những củ khoai tây làm đối trọng cho ông. Bằng một nút tinh xảo như kiểu các hướng đạo sinh vẫn quen làm, ông cột những giỏ khoai tây vào sợi dây chính. Vì bên trong giàn có thắp bốn bóng điện sơn trắng nhưng vẫn rất sáng, nên không cần phải đặt bước chân uế tạp của mình lên cái bục thiêng liêng, Oskar vẫn có thể đọc được dòng chữ ghi trên một tấm các-tông buộc bằng dây thép vào cái nút hướng đạo sinh bên trên giỏ khoai tây: Bảy mươi lăm kí (thiếu một trăm gam).

Greff treo mình trong trang phục một huynh trưởng hướng đạo sinh. Vào cái ngày tối chung của mình, ông đã mặc lại bộ đồng phục thời trước chiến tranh. Nhưng giờ đây, nó quá chật đối với ông. ông đã không thể cài được hai chiếc khuy quần trên cùng và chiếc thắt lưng, một nét đối chọi làm xộc xệch bộ đồ lẽ ra rất đỏm dáng. Theo đúng nghi thức xì-cút, Greff bắt chéo hai ngón của bàn tay trái. Trước khi tự treo mình, ông đã buộc chiếc mũ xì-cút vào cổ tay phải, nhưng chiếc khăn quàng thì ông đành phải bỏ. Ông cũng không thể cài cổ áo sơ-mi, để thòi ra một túm lông ngực đen xì.

Mấy bông cúc tây, kèm vài cọng mùi tây lạc lõng, vương trên các bậc của bục gỗ. Vẻ như ông không còn hoa để rải trên bục, vì ông đã dùng phần lớn cúc tây và mấy bông hồng để kết quanh bốn tấm ảnh nhỏ treo ở bốn xà chính của giàn. Phiá trước, bên trái, lồng kính, là ảnh Baden Powell, người sáng lập ra hướng đạo sinh. Đằng sau, bên trái, không khung, là Thánh George. Phía sau, bên phải, không lồng kính, là đầu David trong tranh của Michelangelo. Trên cột trước bên phải, đủ cả khung cả kính, là tấm ảnh chân dung của một thiếu niên khôi ngô tuấn tú, chừng mười sáu tuổi, một tấm ảnh ngày xưa của cục cưng của ông, Horst Donath, sau này là trung uý Donath đã ngã xuống bên bờ sông Donets.

Có lẽ tôi phải nói đôi lời về bốn mảnh giấy trên các bậc bục, giữa những bông cúc tây và những nhánh mùi tây. Chúng được sắp đặt sao cho có thể dễ dàng chắp lại với nhau. Oskar chắp lại và đọc ra đó là một trát gọi hầu tòa về tội vi phạm thuần phong mỹ tục.

Tiếng còi xe cấp cứu kéo tôi ra khỏi những suy ngẫm về cái chết của ông chủ hiệu rau quả. Một lát sau, họ lộp cộp xuống hầm rượu, bước lên bục và bắt tay vào gỡ người tự treo xuống. Họ vừa nhấc bổng ông lên, những giỏ khoai tây làm vật đối trọng liền đổ đánh ầm, khởi động một cơ chế tương tự như ở cái máy đánh trống, đặt trên chốc giàn nhưng gắn thẳng vào ván gỗ dán. Trong khi ở dưới, khoai tây lăn lông lốc trên bục hoặc rơi thẳng xuống sàn bê-tông, thì ở phía trên, vang lên những tiếng gõ dồn dập vào thiếc, vào gỗ, vào đồng và thuỷ tinh, cả một dàn nhạc trống: chương nhạc kết hùng vĩ của Albracht Greff.

Oskar thấy rất khó có thể tái hiện trên trống của mình tiếng thác khoai tây ào ào đổ - ngẫu nhiên lại thành một món hời cho mấy tay cáng thương - và khúc tạp âm có tổ chức tạo nên bởi cái máy đánh trống của Greff. Tuy nhiên, có lẽ vì cái trống của tôi đã góp phần không nhỏ gợi ý cho Greff dàn dựng cái chết của mình, nên thi thoảng tôi có thể tấu trên trống một bài thơ-âm-thanh diễn tả khá trung thành cái chết của Greff. Khi các bạn tôi hoặc gã y tá Bruno hỏi tên của tấu khúc đó là gì, tôi trả lời: Bảy mươi lăm kí.

Chú thích:

[1] Thành phố Đức, nơi nhạc sĩ thiên tài Richard Wagner (1813-1883) đã xây dựng một nhà hát opera mẫu mực, khai trương năm 1870 bằng vở Chiếc nhẫn của Nibelumgen, một trong những kiệt tác của ông. Bayreuth hiện vẫn là trung tâm quốc tế opera dòng Wagner với những liên hoan hàng năm đã thành truyền thống.

[2] Thành phố Aó, nơi sinh của nhạc sĩ thiên tài Wolgang Amadeus Mozar (1756- 1791). Tại dây, hằng năm có Liên hoan quốc tế âm nhạc cổ điển sáng lập từ năm 1920 để tôn vinh Mozart.

[3] Joseph Paul Goehbels (1897-1945) Bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền của Đức Quốc Xã. Hermann Goering (1893-1946), Bộ trưởng Bộ Không Lực của Đức Quốc Xã. Cả hai đều là trợ thủ đắc lực của Hiller.

[4] Diego Rodriguez de Silva v Velazquez (hoặc Velasquez), đại danh họa Tây Ban Nha (1599-1660).

[5] Karl Friedrich Hyeronymus hav Nam tước Von Münchhausen (1720-1780), sĩ quan Đức phục vụ trong quân dội Nga chống Thổ Nhĩ Kỳ năm 1740 và, với những chuvến phiêu lưu kỳ lạ của mình, đã trở thành nhân vật nổi tiếng của truyện Những cuộc phiêu lưu của Nam tước Münchhausen.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx