sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Madonna 49

Cuộc cải cách tiền tệ đến quá sớm, nó biến tôi thành một thằng điên, đẩy tôi đến nước cũng phải cải cách tiền tệ của Oskar. Tôi buộc phải kiếm lời, hay chí ít cũng phải kiếm sống, bằng cái bướu của mình.

Phải, lẽ ra tôi đã có thể là một công dân tốt. Thời kỳ tiếp theo cuộc cải cách tiền tệ - bây giờ đã hoàn toàn rõ ràng là nó mang mọi tiền đề của cái thiên đường trung lưu trong đó chúng ta hiện đang sống - lẽ ra đã có thể tạo ra một Oskar tư sản. Nếu có vợ con, có gia đình, tôi ắt đã tham gia vào công việc tái thiết nước Đức, giờ đây tôi ắt đã là chủ một xí nghiệp làm đá cỡ trung, nuôi sống ba mươi công nhân, cung cấp những mặt tiền đá điệp và t’ra-véc- tin đang rất thịnh hành cho các công sở, các công ty bảo hiểm. Lẽ ra tôi đã là một nhà doanh nghiệp, một người chủ gia đình, một thành viên đáng kính của xã hội. Nhưng Maria đã khước từ tôi.

Chính vào thời điểm ấy, Oskar đã nhớ ra cái bướu của mình và trở thành một nạn nhân của nghệ thuật. Trước khi Korneff kịp thải tôi - bởi đời sống dựa chủ yếu vào việc làm bia mộ của ông cũng bị cuộc cải cách tiền tệ đe doạ - tôi đã nhanh chân rút trước. Những lúc không ngồi tễu vê ngón tay trong phòng khách kiêm bếp của Guste, tôi thường ra đứng ở các góc phố, mài mòn dần bộ com-lê may đo sang trọng. Tôi bắt đầu chểnh mảng vẻ bề ngoài của mình. Tuy chưa hề có chuyện cãi vã với Maria, nhưng vì sợ xẩy ra cãi vã, nên cứ tầm cuối buổi sáng, tôi lại rời căn hộ ở Bilk. Trước tiên, tôi đến xem thiên nga ở Graf-Adolf, rồi chuyển qua thiên nga ở Hofgarten. Nhỏ nhoi, đăm chiêu nhưng chưa đến nỗi chua chát, tôi ngồi trên một cái ghế đá vườn hoa đối diện với Sở Lao Động thành phố và Trường Đại học Mỹ thuật vốn là láng giềng ở Düssendorf.

Thật kỳ lạ, người ta có thể ngồi mọc rễ trên một cái ghế đá công viên cho đến khi biến thành gỗ và cảm thấy cần phải giao lưu với những người gỗ khác: những ông già chỉ đến đây khi thời tiết tốt, những bà già dần dần trở lại thói bẻo lẻo thời con gái, đám trẻ con vừa chơi chạy đuổi vừa la hét, những cặp tình nhân sắp phải chia tay nhưng còn dùng dằng. Những con thiên nga thì đen, thời tiết thì nóng, lạnh hay vừa phải tuỳ theo mùa. Giấy vứt lung tung, mảnh phất phơ bay, mảnh nằm trên các lối đi cho đến khi một người đội mũ cát-két, ăn lương của thành phố, xiên chúng bằng đầu một cái que nhọn.

Oskar khi ngồi luôn chú ý để hai đầu gối quần phồng đều đặn. Đương nhiên là tôi nhận thấy, hai gã thanh niên gày guộc và cô gái đeo kính trước khi cô này (mặc một chiếc măng-tô da, chít một cái thắt lưng cũ của Wehrmacht) nói với tôi. Hình như sáng kiến là của hai bạn cô, nhưng vì, mặc dầu bề ngoài nom có vẻ dân xã hội đen, họ sợ không dám tiếp cận tôi bởi họ mang máng cảm thấy sự vĩ đại ẩn giấu nơi cái bướu của tôi, nên đùn cho cô. Thu hết can đảm, cô đứng trước mặt tôi, dạng đôi chân chắc như cột nhà cho đến khi tôi mời cô ngồi xuống. Sương mù từ sông Rhine làm nhoà mắt kính của cô. Cô nói, nói lan man hoài cho đến khi tôi đề nghị cô lau mắt kính và trình bày đầu đuôi câu chuyện cho rành rọt dễ hiểu. Cô vẫy hai người bạn dáng dữ dằn lại. Tôi chưa hỏi, họ đã lập tức tự giới thiệu là họa sĩ đi săn người mẫu. Tôi đúng là "típ" họ đang tìm kiếm, họ nói với một vẻ nhiệt thành gần như rùng rợn. Khi tôi xoa xoa những đầu ngón tay với nhau, họ cho tôi biết Trường Đại học Mỹ thuật trả một mark tám mươi một giờ, hoặc hai mark nếu ngồi mẫu khỏa thân nhưng, cô gái to béo nói chen vào, khả năng đó không nhiều lắm.

Tại sao Oskar trả lời đồng ý? Có phải vì sự hấp dẫn của nghệ thuật? Hay vì hám lợi? Không cần phải chọn lựa. Vì cả hai. Tôi đứng dậy, mãi mãi bỏ lại sau lưng cái ghế công viên cùng những vui, buồn của đời ghế công viên và theo những người bạn mới - cô gái to béo bước đi quả quyết, hai chàng trai thì khòng khòng như vác thiên tài của mình trên lưng - đi ngang qua Sở Lao Động tới Trường Đại học Mỹ thuật bị phá hủy một phần.

Giáo sư Kuchen - râu đen, mắt đen như than, tóc mềm đen, đầu móng tay đen - nhất trí rằng tôi sẽ là một người mẫu tuyệt vời.

Ông đi quanh tôi một hồi, phóng những tia nhìn đen như than, phì bụi đen từ hai lỗ mũi. Bóp cổ một kẻ thù vô hình bằng những móng tay đen, ông tuyên bố: "Nghệ thuật là kết tội, xuất biểu, đam mê. Nghệ thuật là một cuộc đấu tranh đến cùng giữa chì than và giấy trắng."

Giáo sư Kuchen dẫn tôi đến một xưởng vẽ, tự tay nhấc tôi lên một cái bục quay và xoay nó đi một vòng, không phải để làm tôi chóng mặt, mà để phô bày những kích thước của Oskar từ mọi phía. Mười sáu cái giá vẽ vây quanh tôi. Vị giáo sư thở ra than giảng giải ngắn gọn cho các đồ đệ của mình: điều ông cần là xuất biểu, luôn luôn xuất biểu, một biểu hiện đen ngòm của tuyệt vọng. Tôi, Oskar đây, ông nhấn mạnh, là hình ảnh vỡ nát của con người, một sự buộc tội, một thách thức, phi thời gian nhưng lại biểu hiện sự điên loạn của thế kỷ chúng ta. Để kết luận, ông gầm lên bên trên những giá vẽ: "Tôi không muốn các em ký họa con người tàn tật này, sự dị dạng này của thiên nhiên, tôi muốn các em lột da anh ta, đóng đanh câu rút anh ta trên thánh giá, đóng đinh anh ta lên giấy bằng chì than!"

Đó là hiệu lệnh bắt đầu. Mười sáu cây chì than rào rạo đằng sau mười sáu cái giá vẽ, chì than chộp lấy cái thần thái của tôi, có nghĩa cái bướu của tôi, bôi đen nó, đè nó lên mặt giấy. Các sinh viên của Giáo sư Kuchen nhìn cái thần thái của tôi đen tối đến nỗi họ không thể tránh khỏi phóng đại kích thước cái bướu của tôi: nó không chịu vừa khớp trên mặt giấy mặc dầu họ lấy những tờ mỗi lúc một rộng khổ hơn.

Giáo sư Kuchen bèn cho mười sáu tay nghiền chì than một lời khuyên quý báu: đừng bắt đầu bằng việc đi “công-tua" cái bướu của tôi - xem ra nó quá tải chất biểu hiện đến nỗi không khổ giấy nào chứa nổi - mà trước hết hãy phác cái đầu của tôi ở phần năm trên cùng của tờ giấy, càng lệch về bên trái càng tốt.

Mái tóc đẹp của tôi óng ánh một màu nâu hạt dẻ. Họ biến tôi thành một tên di-gan tóc xoã xượi. Không ai trong bọn họ nhận thấy Oskar có đôi mắt xanh. Trong một lần nghỉ giải lao - mọi người mẫu đều được quyền nghĩ mười lăm phút sau khi làm mẫu ba phần tư tiếng đồng hồ - tôi ngó thử mười sáu bức ký họa. về mọi mặt, diện mạo thây ma của tôi gào lên lời kết tội, nhưng khỗng ở đâu tôi thấy cái ánh xanh rờ rỡ của cặp mắt tôi; ở chỗ đáng lẽ phải là một sự lấp lánh quyến rũ, tôi chỉ thấy những vòng xoáy lở tở đen kịt của chì than.

Tuy nhiên, bản chất của nghệ thuật là tự do. Phải có cái nhìn rộng lượng. Những người con trai và con gái này của Nữ thần Nghệ Thuật, tôi tự nhủ, đã nhận ra Rasputin nơi mày. Nhưng liệu có bao giờ họ phát hiện ra Goethe đang nằm ngủ trong tâm hồn mày để đánh thức ông dậy, thể hiện ông trên mặt giấy, không phải bằng chì than vũ bão, mà bằng một nét bút kiềm chế và nhạy cảm? cả mười sáu sinh viên kia, cho dù họ có thể là những tài năng, lẫn ông giáo sư Kuchen có độc một ngón võ chì than đều không thể tạo ra được một chân dung Oskar khả chấp nhận. Có điều, tôi làm được khá tiền và được đối đãi trân trọng sáu giờ mỗi ngày. Quay mặt về phía cái bồn rửa luôn luôn tắc hay một tấm rèm, hoặc nhìn qua cửa sổ xưởng vẽ thấy trời xanh hơi vẩn mây, tôi ngồi mẫu sáu tiếng một ngày, phô một sắc diện trị giá một mark tám mươi một giờ.

Trong vòng mấy tuần, các sinh viên vẽ được một số ký họa thú vị. Sự "xuất biểu" trở nên có mức độ hơn, các kích thước của cái bướu hợp lý hơn; thậm chí đôi khi họ đưa được cả người tôi vào bức vẽ, từ đầu đến chân, từ khuy áo trên ngực cho đến chỏm sau của cái bướu. Thi thoảng, còn có chỗ cho một bối cảnh; bất chấp cải cách tiền tệ, những người trẻ tuổi này vẫn không quên chiến tranh: đằng sau tôi, họ dựng những cảnh đổ nát với những lỗ hổng, xưa là cửa sổ, đen ngòm như những lời tố cáo. Hoặc giả họ thể hiện tôi như một người tỵ nạn đói khát, bơ vơ giữa những thân cây bị bom xén cụt; hoặc nét chì than của họ giam tôi lại, lồng lộn rạch chằng chịt những dây thép gai tua tủa đằng sau tôi và dựng những tháp canh đầy đe doạ bên trên tôi; họ cho tôi mặc quần áo tù và đặt vào tay tôi một cái bát không, những cửa sổ ngục tối đem lại một chất duyên giàu tính đồ họa. Và tất cả những cái đó đều nhân danh sự biểu hiện nghệ thuật.

Nhưng vì đó là một gã di-gan Oskar tóc đen được tạo ra để nhìn vào tất cả những cảnh khốn cùng này bằng đôi mắt đen như than, chứ không phải đích thị bản thân tôi với đôi mắt xanh, nên tôi cứ đứng (hoặc ngồi) yên không nhúc nhích mặc dù tôi thừa biết dây thép gai không phải là một đề tài thích hợp để vẽ. Tuy nhiên, tôi lấy làm mừng khi các điêu khắc gia mà, như mọi người đều biết, vốn không cần đến bối cảnh phi thời gian, yêu cầu tôi làm mẫu khoả thân cho họ.

Lần này không phải một sinh viên mà đích thân một ông thày đặt vấn đề với tôi. Giáo sư Maruhn là bạn của ông thày nghiền chì than Kuchen. Một hôm, tôi đang đứng bất động trong xưởng họa riêng của Kuchen, một phòng u ám đầy những ký họa chì than được đóng khung, để cho ông râu đen với nét phóng bút đen không ai bắt chước được ngả tôi trên mặt giấy, thì Giáo sư Maruhn tạt vào. Một người thấp, chắc nịch trạc ngũ tuần mà chiếc áo blu trắng gọn gàng có thể khiến ta tưởng lầm là một bác sĩ phẫu thuật nếu không có chiếc bê-rê bụi bặm giúp ta nhận dạng ông đích thị là nghệ sĩ.

Maruhn, như tôi có thể thấy ngay, là người yêu thích hình khối cổ điển, ông hoàn toàn không ưng vóc dáng của tôi và bắt đầu trêu chọc Kuchen: phải chăng Kuchen chưa thoả mãn với những mẫu di-gan đã khiến ông có cái biệt danh Ga-tô Di-gan, nên giờ đây lại thử đến những mẫu dị dạng? Sau thời kỳ Di- gan bán khá tốt, liệu ông thày nghiền chì than có ôm ấp hy vọng là thời kỳ người lùn sẽ còn bán ngon lành hơn?

Điếng người vì những lời châm trích của bạn, Giao sư Kuchen biến nỗi cay cú đó thành những nét chì than giận dữ: trong tất cả những chân dung Oskar của ông, đây là bức đen tối nhất. Toàn một màu đen kịt trừ một chút hé sáng nhờ nhờ trên gò má, mũi, trán và bàn tay - Kuchen bao giờ cũng vẽ bàn tay tôi rất to, sưng đẫn vì thấp khớp, như gào lên biểu cảm, và đặt chúng vào trung tâm những cuộc giao hoan chì than của mình. Tuy nhiên, trong bức vẽ này (về sau rất được ngưỡng mộ tại nhiều cuộc triển lãm), mắt tôi xanh, có nghĩa là cái ánh u tối mọi khi đã nhường chỗ cho một sắc độ sáng hơn rõ rệt. Oskar cho rằng sự đột biến này là do tác động của Maruhn vốn không mê lối xuất biểu đen kịt, mà là người thuộc phái cổ điển, nhạy cảm với sự rạng ngời mang tinh thần Goethe của đôi mắt tôi. Chỉ có thể là đôi mắt của Oskar đã thuyết phục con người yêu sự hài hoà cổ điển này chọn tôi như là mẫu thích hợp cho điêu khắc - điêu khắc của ông.

Xưởng làm việc của Maruhn sáng, bụi bặm và trống trơn không một thành phẩm hoàn tất nào. Nhưng khắp chỗ đều thấy khung cốt cho những tác phẩm điêu khắc dự định, được suy tính hoàn hảo dến mức chỉ riêng những thanh sắt, dây thép và ống chì trần trụi chưa đắp đất nặn đã hứa hẹn sự hài hòa trong tương lai.

Tôi ngồi mẫu khỏa thân mỗi ngày năm giờ và ông trả tôi mỗi giờ hai mark. Một vòng phấn trên bục đánh dấu chỗ tôi phải cắm rễ bàn chân phải. Một đường thắng dứng tưởng tượng kéo từ mu bàn chân lên phải qua chính giữa hai quai xanh của tôi. Chân trái "cử động tự do". Nhưng đó chỉ là một cách nói. Tôi phải hơi gập đầu gối và hơi ngả chân này sang một bên với một vẻ lơ đễnh, nhưng không được phép cử động. Nó cũng phải cắm rễ trong một vòng phấn vạch trên bục.

Tôi ngồi mẫu cho Maruhn nhiều tuần. Trong suốt thời gian đó, ông không sao tìm được cho tay tôi một tư thế cố định như tư thế chân, ông bắt tôi thử mọi cách: cánh tay trái buông thõng, cánh tay phải vắt lên trên đầu; cả hai tay khoanh trước ngực hay bắt chéo dưới cái bướu; hai bàn tay chống nạnh; vô số phương án và nhà điêu khắc thử tất, đầu tiên với tôi, rồi với bộ khung sắt với những ống chì dẻo uốn được.

Khi, cuối cùng, sau một tháng cố gắng căng thẳng, ông quyết định lấy đất nặn tượng tôi, hoặc với hai tay chắp sau đầu, hoặc không có tay, thì ông đã kiệt sức vì làm đi làm lại bộ khung cốt đến nỗi không thể làm gì thêm nữa. ông bốc một nắm đất nặn, thậm chí có khi đã vươn tới để đắp nhưng rồi lại buông nắm đất chưa ra hình thù gì xuống hộp. Rồi ông ngồi thừ ra nhìn tôi và bộ khung tượng tôi, run bần bật như lên cơn sốt: bộ khung quá là hoàn hảo.

Ông thở dài, cam chịu, nói ông bị đau đầu và, không hề oán giận Oskar, bỏ cuộc, ông nhấc bộ khung tượng gù lưng với một chân cố định, một chân cử động tự do, với cánh tay ống chì và ngón tay dây thép giơ lên chắp sau cổ sắt, và đặt nó vào trong góc cùng với tất cả các bộ khung cốt sớm hoàn chỉnh khác của ông. Lặng lẽ, không chút giễu cợt, ý thức rõ sự vô dụng của bản thân chúng, những gióng gỗ - còn gọi là bướm - lẽ ra phải đỡ lớp đất nặn, khẽ rung lên trong cái lồng rộng là cái bướu của tôi.

Sau đó, chúng tôi uống trà và trò chuyện khoảng một giờ, được tính là thời gian ngồi mẫu. ông kể về những thời kỳ trước khi mà, cường lực và không chút ức chế như một chàng Michelangelo trẻ tráng, ông đã phủ hàng toa đất nặn lên bao bộ khung và hoàn thành vô số tác phẩm điêu khắc, mà phần lớn đã bị phá huỷ trong chiến tranh. Tôi kể ông nghe về hoạt động của Oskar với tư cách là thợ đẽo đá và thợ khắc chữ trên bia mộ. Chúng tôi tán gẫu một lát rồi ông đưa tôi đến ngồi mẫu cho các sinh viên của ông.

Nếu tóc dài là dấu hiệu chỉ giới tính, thì sáu trong số mười học trò của Giáo sư Maruhn có thể coi là gái. Bốn cô xấu thì có tài. Còn lại hai, xinh đẹp, hoạt bát và nhởn nhơ: những cô gái đích thực. Tôi không bao giờ bối rối khi làm mảu khỏa thân. Trái lại, Oskar còn thích trí trước vẻ kinh ngạc của hai nữ điêu khắc gia xinh đẹp và nhởn nhơ khi họ nhìn thấy tôi trên bục lần đầu và không khỏi đôi chút hoang mang nhận thấy rằng mặc dầu gù và nhỏ con, Oskar được trang bị một bộ phận sinh dục mà khi cần, có thể đọ được cái khoản ấy của bất kỳ ai khác.

Vướng mắc của các sinh viên có phần khác với cái trục trặc của ông thày. Trong hai ngày, họ đã làm xong bộ khung; với sự cuồng nhiệt của thiên tài, họ đắp luôn đất nặn lên những ống chì gắn vội và vụng, nhưng hình như họ đã không đặt đủ bướm gỗ vào cái bướu, vì lớp đất ẩm vữa trát lên một gã Oskar nom như một đãy núi gập ghềnh, thì trái núi Oskar ấy, hay đúng hơn, mười trải núi đã bắt đầu rụn xuống. Đầu tôi rơi xuống giữa hai chân, lớp đất nặn bong ra khỏi các ống chì, cái bướu của tôi xệ xuống gần ngang tầm đầu gối. Bấy giờ tôi mới thấy rõ giá trị của ông thày Maruhn: những bộ cốt của ông hoàn hảo đến nỗi không cần phải đắp da đắp thịt dung tục cho chúng.

Bốn nữ điêu khắc gia xấu nhưng có tài khóc khi Oskar-đất-nặn tách ra khỏi Oskar-khung. Hai nữ điêu khắc gia xinh đẹp nhưng nhởn nhơ cười khanh khách khi lớp da thịt dề rữa nát rụng một cách đầy ý nghĩa biểu tượng khỏi xương cốt tôi. Tuy nhiên, sau mấy tuần, cả lớp cũng cho ra được một số tác phẩm điêu khắc coi được, thoạt tiên bằng đất, rồi bằng thạch cao và giả cẩm thạch. Chúng được trưng bày tại cuộc Triển lãm kết thúc học kỳ và tôi có dịp làm những so sánh mới giữa các nữ điêu khắc gia xấu nhưng có tài với hai cô xinh đẹp nhưng nhởn nhơ. Trong khi các cô xấu nhưng có tài thể hiện đầu, chân tay và cái bướu của tôi hết sức cẩn thận nhưng mặt khác, do e thẹn, lại hầu như lờ cái bộ phận sinh dục của tôi đi hoặc cách điệu nó một cách ngớ ngẩn, thì các cô xinh đẹp mắt xanh to tròn, ngón tay thon thả nhưng vụng về không mấy chú trọng đến những khớp và kích thước của thân thể tôi, mà mô phỏng cái bộ tam sự bề thế của tôi hết sức cụ thể. Nhưng tuy đang mải đề tài này, tôi cũng không nên quên bốn nhà điêu khắc nam giới: họ trừu tượng hóa tôi; dùng những tấm ván nhỏ phăng, có rãnh, họ biến tôi thành một khối vuông. Còn cái vật mà các cô xấu xao lãng và các cô xinh thể hiện với một tính chân thật nhục thể, thì họ, với trí tuệ nam nhi, họ nhìn nó ra hai khối vuông nhỏ giống nhau đội một trụ chữ nhật dài: dương vật theo quan điểm hình học không gian.

Phải chăng vì đôi mắt xanh của tôi hay vì những máy sưởi pa-ra-bôn mà các sinh viên đặt quanh Oskar khỏa thân: dù thế nào đi nữa, một số họa sĩ trẻ đến gặp hai cô sinh viên điêu khắc xinh đẹp phát hiện ra một nét đẹp hội hoạ hoặc ở màu xanh của mắt tôi hoặc ở làn da đỏ như tôm hùm ửng lên toả sáng của tôi. Thế là họ giành lấy tôi, mang lên lớp hội họa đang có giờ học ở tầng trên.

Thoạt đầu, các hoạ sĩ, dưới ấn tượng quá mạnh do đôi mắt xanh của tôi gây nên, nhìn tôi thành toàn xanh. Nước da hồng hào của Oskar, mái tóc nâu lượn sóng, cái miệng tươi tắn hồng hồng của hắn - tất cả chìm ngập trong những sắc xanh ma quái; đây đó, chỉ để đẩy nhanh quá trình thối rữa, một sắc xanh ve chết chóc, một màu vàng lộn mửa len lách vào giữa những mảng da thịt xanh lơ.

Oskar không được thêm màu nào khác cho đến tuần vũ hội hóa trang khi, giữa những hoạt động hội hè tổ chức trong tẩng hầm của Trường Mỹ thuật, hắn phát hiện ra Ulla và đưa nàng đến với các họa sĩ để làm nguồn cảm hứng cho họ.

Có phải vào hôm Thứ Hai Giải Tội? Phải, đúng vào ngày Thứ Hai Giải Tội, tôi quyết định tham gia các cuộc vui, góp thêm một gã Oskar hoá trang vào đám đông sặc sỡ sắc màu.

Khi Maria thấy tôi đứng trước gương, nàng bảo: "Tốt nhất là anh ở nhà đi. Họ sẽ giẫm bẹp anh mất." Tuy vậy, nàng vẫn giúp tôi chuẩn bị bộ đồ hoá trang, cắt những mảnh vải để bà chị Guste, bằng đường kim hoạt bát, chắp lại thành một bộ trang phục hề. Ý định đầu tiên của tôi là đóng vai một chú lùn của Velasquez. Tôi cũng thích xuất hiện dưới dạng một Narses hay Hoàng tử Eugene. Cuối cùng, khi tôi đứng trước tấm gương lớn mà hình ảnh phản chiếu trong đó hơi bị xệch xẹo do một vết nứt dài từ góc này sang góc kia còn lại từ hồi chiến tranh, khoác lên người cả bộ đồ loang lổ, lùng thùng, xẻ tà, với những cái chuông nhỏ leng keng, khiến Kurt con trai tôi cười ngặt nghẽo đến nỗi ho sù sụ không dứt, tôi khẽ tự nhủ, không lấy gì làm vui thích lắm: "Nào, Oskar, bây giờ thì mày là anh hề Yorick rồi. Nhưng đâu là đức vua cho mày pha trò trêu chọc?"

Trên chuyến xe diện đưa tôi đến Ratinger Tor, gần Trường Mỹ thuật, tôi mau chóng nhận thấy là Oskar-Yorick không làm cho đám dân đã cười - tất cả những gã cao-bồi và vũ công Tây Ban Nha đang cố quên đi công việc linh tinh thường nhật. Không, tôi làm họ sợ. Họ né tránh tôi, thành thử mặc dù tàu chật, như nêm, tôi vẫn dễ dàng tìm được một chỗ ngồi. Bên ngoài Trường Mỹ thuật, cảnh sát vung những chiếc dùi cui thật chẳng có liên quan gì với trò trá hình của hội hoá trang.

Hội trường của sinh viên mỹ thuật chật cứng mà vẫn có nhiều người cố chen vào.

Khi Oskar rung những chiếc chuông nhỏ, đám đông dãn ra như Biển Đỏ và một viên cảnh sát với con mắt được nghề nghiệp mài sắc, thấy ngay kích cỡ thực của tôi. Y nhìn xuống, chào theo kiểu nhà binh và ve vẩy chiếc dùi cui tháp tùng tôi xuống hầm, nơi diễn ra các trò vui. Khi tôi tới, nồi đã đặt trên lửa nhưng chưa đến độ sôi hẳn.

Không nên tưởng rằng một cuộc hội hè của nghệ sĩ thì mọi nghệ sĩ đều vui chơi thoải mái. Phần lớn nghệ sĩ thật sự, sinh viên của trường, vẻ mặt lo âu và nghiêm trang mặc dầu được tô son vẽ phấn, đứng sau những quầy trang trí vui mắt nhưng rất chông chênh, bán bia, rượu schnaps, sâm-banh và xúc xích, kiếm thêm tí tiền ngoài. Phần lớn những người vui chơi nhảy múa thật sự là đám dân thường một năm mới có một lần được dịp đú đởn chè chén và vung tiền tung tẩy như các nghệ sĩ.

Sau khoảng một giờ xục xạo các cầu thang, xó xỉnh, gầm bàn, làm kinh động những cặp dường như đang sắp tìm thấy khoái thú trong điều kiện thiếu tiện nghi, tôi kết bạn với hai cô gái Trung Quốc đến từ Lesbos - hay tôi có nên nói là hai cô Lesbian1 từ Trung Quốc sang? Họ rất quấn quít nhau. Mặc dầu họ thám hiểm nhau không thiếu chỗ nào, họ vẫn không xâm phạm đến những vùng gay cấn của tôi và cho tôi thưởng thức một màn có những pha khá thú vị. Chúng tôi cùng uống sâm- banh và cuối cùng, được tôi cho phép, họ dùng cái bướu của tôi vào một thí nghiệm mà kết quả tỏ ra rất mỹ mãn. Điều đó một lần nữa chứng minh thuyết của tôi là đúng: một cái bướu có thể mang lại hạnh phúc cho đàn bà.

Tuy nhiên, lâu dần, những giao tiếp này làm tôi càng lúc càng thêm buồn bã. Nhiều ý nghĩ đến quấy nhiễu tôi, tôi băn khoăn lo lắng về tình hình chính trị; tôi lấy sâm-banh vẽ lên mặt bàn sự phong tỏa Berlin và cầu hàng không bằng vạch chấm chấm. Nhìn hai cô gái Tàu không kết nhập được với nhau, tôi hết hy vọng vào việc thống nhất nước Đức và làm một điều không hợp với tôi chút nào. Oskar, trong vai Yorick, bắt đẩu tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời.

Khi các cô bạn gái của tôi không nghĩ thêm được gì khác để khoe, họ bắt đầu khóc, để lại những vệt lộ liễu trên lớp son phấn Đông phương của họ. Tôi đứng dậy trong bộ trang phục lùng thùng, xẻ tà, rắc phấn và xủng xoẻng chuông. Hai phần ba thằng tôi muốn về nhà, nhưng một phần ba còn lại vẫn hy vọng biết thêm được một kinh nghiệm hội hè nữa. Chính lúc đó tôi chợt thấy trung sĩ Lankes, có nghĩa là anh ta gọi tôi trước.

Quý vị còn nhớ chứ? Chúng tôi gặp nhau trên Phòng tuyến Đại Tây Dương mùa hè năm 1944. Anh ta canh giữ công sự bê-tông và hút thuốc lá của sư phụ tôi Bebra.

Cầu thang đầy những cặp ôm ấp hôn hít nhau. Tôi cố lách qua. Tôi vừa mới châm lửa thì có người chọc ngón tay vào tôi và một cựu trung sĩ từ thời chiến tranh cất tiếng: "Này, anh bạn, còn thừa mẩu nào không?"

Chả có gì là lạ nếu tôi nhận ra anh ta ngay: khẩu khí quen thuộc ấy, lại thêm trang phục vẫn là bộ đồ xám đã chiến. Nhưng dù có thế đi nữa, chắc tôi cũng chẳng hơi đâu nhắc lại mối quan hệ quen biết cũ nếu cô gái ngồi trên đùi xám dã chiến của tay trung sĩ và họa sĩ bê-tông không phải đích thực là Nảng Thơ hiện thân.

Hãy để tôi nói chuyện với chàng họa sĩ trước, rồi sẽ tả Nàng Thơ sau. Không những tôi cho anh ta một điếu thuốc lá, mà còn châm lửa cho anh ta nữa. Và khi anh nhả cuộn khói đầu tiên, tôi nói: "Trung sĩ Lankes, anh có nhớ không? Đoàn văn công tiền tuyến Bebra? Man rợ, huyền bí, chán ngắt?"

Chàng họa sĩ giật bắn người khi nghe tôi nói vậy, anh ta vẫn giữ được điếu thuốc trên tay nhưng Nàng Thơ thì ngã nhào khỏi đầu gối anh ta. Tôi đỡ kịp và trao lại cho anh ta cô gái chân rất dài, say mềm, chắc mới chỉ qua tuổi vị thành niên ấy. Trong khi hai chúng tôi, Lankes và Oskar, ôn lại kỷ niệm xưa với đôi ba nhận xét miệt thị đối với trung uý Herzog mà Lankes gọi là một thằng điên, đồng thời nhắc đến cả sư phụ Bebra của tôi cũng như các nữ tu sĩ đi bắt cua giữa đám "măng tây Rommel", tôi vẫn ngỡ ngàng nhìn Nàng Thơ. Nàng đến như một thiên thần, đầu đội một chiếc mũ làm bằng các-tông loại dùng để đóng gói trứng xuất khẩu. Mặc dù rất say, đôi cánh rũ xuống, nàng vẫn toả ra cái duyên của một cư dân trên trời.

"Đây là Ulla," Lankes giới thiệu. "Cô ấy học khâu may, nhưng bây giờ lại muốn thành họa sĩ, nhưng tôi bảo ném cái ý định ấy đi cho quỷ, bởi làm nghề may còn kiếm được chút đỉnh, chứ nghệ thuật thì ăn cám à!"

Oskar, vốn đã kiếm khá tiền nhờ nghệ thuật, liền tình nguyện nhận sẽ giới thiệu Ulla với các nghệ sĩ ở Trường Mỹ thuật, chắc chắn họ sẽ lấy nàng làm người mẫu và nguồn cảm hứng. Lankes phấn khích với đề xuất của tôi đến nỗi rút liền một lúc ba điếu thuốc của tôi, nhưng bù lại, mời tôi đến thăm xưỏng vẽ của anh ta nếu tôi không phản đối trả tiền tắc-xi.

Thế là chúng tôi lấy tắc-xi đi liền, để lại hội hoá trang sau lưng. Tôi trả tiền tắc-xi và Lankes hâm chút cà-phê trên bếp cồn mời chúng tôi; cà-phê làm Nàng Thơ hồi lại. Sau khi trút nhẹ bao tử với sự giúp đỡ của ngón tay trỏ của tôi, nàng gần như tỉnh táo.

Mãi đến lúc đó tôi mới thấy cái vẻ luôn luôn ngỡ ngàng trong cặp mắt xanh nhạt của nàng và nghe thấy giọng nói của nàng - một giọng hơi líu lo, có phần lanh tanh như sắt tây, nhưng không phải thiếu sức quyến rũ làm ta xúc động. Lankes cho nàng biết đề xuất của tôi là nàng đi làm mẫu vẽ cho Trường Đại học Mỹ thuật, nói ra cách như ra lệnh chứ không phải là gợi ý. Thoạt đầu, nàng không chịu, nàng không muốn làm người mẫu hay Nàng Thơ cho các họa sĩ khác, mà chỉ thuộc về riêng Lankes thôi.

Thế là, như các họa sĩ tài năng đôi khi vẫn làm thế, anh ta tát đánh đốp một cái vào mặt nàng, rồi hỏi lại nàng một lần nữa và khanh khách cười mãn nguyện khi nàng vừa khóc y như cách thiên thần khóc, vừa tuyên bố ý nguyện của mình muốn trở thành người mẫu với thù lao hậu hĩnh, thậm chí là Nàng Thơ, của các họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật.

Nên nhớ rằng Ulla cao một mét bảy lăm, người cực kỳ thon thả, mềm mại và mỏng manh, khiến ta nhớ đến tranh của Botticelli [2] hay Cranach, [3] hay cả hai. Chúng tôi cùng làm mẫu khỏa thân. Thịt tôm hùm có cùng màu với làn da mịn màng phủ một lớp lông tơ như trẻ con của nàng. Tóc nàng màu vàng rơm, hơi thưa nhưng dài. Lông cửa mình nàng hung hung và xoăn, thu gọn trong một hình tam giác nhỏ. Ulla cạo lông nách đều đặn mỗi tuần một lần.

Như có thể thấy trước, các sinh viên mỹ thuật bình thường không biết xoay sở thế nào với chúng tôi. Họ vẽ cảnh tay nàng quá dài, đầu tôi quá to và không tài nào nhét vừa chúng tôi vào bất kỳ khổ giấy nào. Chỉ đến khi Ziege và Raskolnikov [4] phát hiện ra chúng tôi, thì những bức họa lột tả đúng bản chất của Oskar và Nàng Thơ mới ra đời - nàng ngủ, tôi làm nàng choàng tỉnh dậy: thần đồng nội và nữ thần sông núi.

Tôi ngồi; nàng với cặp vú nhỏ bao giờ cũng hơi phập phồng, cúi xuống vuốt tóc tôi: Giai nhân và quái vật.

Nàng nằm, tôi ỏ giữa hai chân nàng, mân mê cái mặt nạ một con ngựa có sừng: Người đàn bà với con kỳ lân.

Tất cả nhưng cái đó theo phong cách của Ziege hay Raskolnikov; cái thì nhiều màu, cái thì với những sắc xám tinh tế vờn bằng một ngọn bút nhỏ (Raskolnikov) hoặc với những quệt bay mạnh mẽ thiên tài (Ziege). Một số bức gợi lên vầng bí ẩn bao quanh Ulla và Oskar; đó là tác phẩm của Raskolnikov, tay này, với sự đóng góp của chúng tôi, đã đi đến siêu thực. Mặt Oskar trở thành một vành tròn màu vàng mật ong tựa như mặt cái đồng hồ lớn nhà chúng tôi dạo xưa; trong cái bướu của tôi, xòe nở những bông hồng máy cho Ulla hái; hoặc giả người Ulla mở phanh ở giữa, một đầu là nụ cười, đầu kia là đôi chân dài, và Oskar ngồi trong bụng nàng, giữa gan và lá lách, lần giở một cuốn sách tranh. Đôi khi, họ cho chúng tôi mặc giả trang, Ulla thành một Columbine và tôi thành một diễn viên kịch câm mặt rầu rĩ phủ một lớp trắng mờ. Chính Raskolnikov - được mệnh danh như vậy vì anh ta không ngừng nói đến tội ác và hình phạt, phạm tội và chuộc tội - là người đẻ ra tác phẩm tiêu biểu nhất: tôi ngồi trên đùi trần trắng muốt như sữa của Ulla, một đứa trẻ dị tật - nàng là Đức Mẹ Đồng Trinh, còn tôi là Jêxu hài đồng.

Bức tranh này, lấy tên là "Madonna 49", được trưng bày tại một số cuộc triển lãm. Dưới dạng áp-phích, nó cũng gây hiệu quả; nó lọt vào tầm mắt trưởng giả của nàng Maria khả kính nhà tôi và làm nổ ra một xì-căng-đan gia đình. Tuy nhiên, nó đã được một kỹ nghệ gia ở vùng Rhine mua với giá rất cao và hiện dược treo trong phòng họp của một hãng kinh doanh lớn, hẳn là có ảnh hưởng không nhỏ đối với ban giám đốc.

Những thứ quái dị tài tình mà người ta tạo ra trên cơ sở cái bướu và khổ người khác thường của tôi làm tôi thấy vui vui. Ulla và tôi nhận được rất nhiều yêu cầu làm mẫu chung với thù lao hai mark năm mươi/giờ cho mỗi người. Ulla rất vui thích với công việc mới của mình. Giờ đây, khi nàng mang tiền về đều đặn, bàn tay sần chai của Lankes chỉ tát nàng khỉ nào cảm hứng trừu tượng của anh ta đòi hỏi một tâm thái cuồng giận. Anh ta có thể không dùng nàng làm người mẫu, nhưng cả với anh, Ulla cũng là một thứ Nàng Thơ, vì chỉ bằng cách bợp tai nàng, bàn tay anh mới hoàn thành sức sáng tạo thực sự của nó.

Sự mỏng manh uỷ mị của Ulla - thực chất, đó chính là phẩm chất bền vững của một thiên thần - lắm lúc cũng khiến tôi nổi xung muốn bạo hành. Nhưng tôi tự kiềm chế và hễ khi nào ý muốn lấy roi quật nàng trở nên quá mạnh, tôi lại đưa nàng ra một hiệu bánh ngọt. Hoặc giả, với chút hợm hĩnh rởm do tiếp xúc thường xuyên với cánh nghệ sĩ, tôi trưng nàng ra như một loài cây hiếm, được tôn lên bởi sự tương phản với khổ người dị thường của tôi, trên đại lộ Kỏnigs tấp nập để thiên hạ há hốc mồm ra nhìn. Cùng lắm thì tôi mua cho nàng đôl bít tất tím nhạt và đôi găng tay hồng.

Với Raskolnikov, lại là một chuyện khác. Gã không bao giờ đụng đến người nàng, nhưng duy trì với nàng những quan hệ thân mật nhất. Gã đặt nàng ngồi xuống bục quay, hai chân dạng thật rộng. Trong những lần như vậy, gã không vẽ, mà ngồi sững trên một cái ghế đẩu cách mấy bước, nhìn chằm chằm vào chỗ kín của nàng và, bằng một giọng thầm thì cuồng nhiệt, khàn đi vì xúc động, nói về phạm tôi và chuộc tội. Bộ phận kín của Nàng Thơ trở nên ướt và dãn rộng ra, và sau một hồi nhìn ngắm đồng thời nghe mình nói, Raskolnikov đủ độ khoái và xuất. Bấy giờ gã bèn nhảy bật dậy khỏi ghế và quệt những nhát bút hùng vĩ lên "Madonna 49" trên giá vẽ của mình.

Đôi khi Raskolnikov cũng nhìn chằm chằm vào tôi, nhưng vì những lý do khác. Hình như gã thấy tôi thiếu một cái gì. Gã nói về một sự trống hụt giữa những ngón tay tôi và ấn vào tay tôi hết vật này đến vật khác mà trí tượng tượng siêu thực của gã nghĩ ra. Chẳng hạn, gã trang bị cho Oskar một khẩu súng lục, bảo Oskar-Jêxu nhằm vào Madonna. Hoặc tôi phải giơ một cái đồng hồ cát hay một tấm gương ra trước mặt Ulla, khiến nàng biến dạng khủng khiếp vì đó là gương cầu lồi. Rồi thì kéo, xương cá, ống nghe điện thoại, đầu lâu, đồ chơi trẻ con như máy bay, xe tăng, tàu chiến... nhưng không gì lấp nổi chỗ trống. Oskar sợ nhất là một ngày nào đó, gã họa sĩ sẽ triềng ra cái vật duy nhất trên đời được tạo ra dành cho tôi. Khi, cuối cùng, gã mang cái trống đến thật, tôi la lên: "Không!"

Raskolnikov: "Cầm lấy cái trống, Oskar. Tôi nhìn thấu gan ruột anh.”

Tôi, run bắn: "Không bao giờ nữa. Mọi chuyện đó đã kết thúc rồi."

Raskolnikov, dữ dằn: "Không có gì là kết thúc cả, mọi sự quay trở lại, phạm tội, chuộc tội, lại phạm tội tiếp."

Tôi, với chút hơi sức cuối cùng: "Oskar đã chuộc tội, hãy tha đừng bắt nó cầm trống.Tôi sẽ cầm bất cứ cái gì anh bảo cầm, bất cứ cái gì trừ cái trống."

Tôi khóc ròng khi Nàng Thơ Ulla cúi xuống tôi. Mắt nhòa lệ, tôi không thể ngăn nàng hôn tôi, tôi không thể ngăn Nàng Thơ cho tôi cái hôn ghê gớm ấy. Tất cả những ai trong số quý vị đã được Nàng Thơ hôn, chắc chắn sẽ hiểu rằng một khi bị đóng dấu bôi nụ hôn ấy, Oskar sẽ mang cái án quyết phải cầm lại cái trống mà hắn đã vứt bỏ từ nhiều năm trước, cái trống mà hắn đã chôn trong cát của nghĩa trang Saspe.

Nhưng tôi không đánh trống. Tôi chỉ ngồi mẫu - nhưng như thế đã là quá nhiều - và được vẽ thành Jêxu-chú-bé-đánh-trống ngồi trên đùi trần của Madonna 49.

Maria trông thấy tôi như vậy trên một tấm áp-phích quảng cáo cho một triển lãm mỹ thuật. Nàng giấu tôi, đến triển lãm xem bức tranh. Hẳn nàng đã đứng đó rất lâu để tích tụ nỗi uất giận vì khi nhắc đến chuyện ấy, nàng đã quật tôi bằng cái thước kẻ học trò của Kurt. Từ mấy tháng nay, nàng đã kiếm được một việc làm lương khá hậu ở một cửa hàng đặc sản loại sang, thoạt đầu làm nhãn viên bán hàng, sau nhờ có khả năng rõ rệt, được giao cho giữ quỹ. Giờ đây, nàng đã là một công dân khả kính của Tây Đức, chứ không còn là một mụ buôn bán chợ đen từ bên Đông sang tỵ nạn nữa. Cho nên nàng có thể mắng tôi là đồ con lợn, đồ ma cô, đồ suy đồi một cách khá tự tin. Nàng còn đi đến chỗ quát lên rằng nàng không cần cái đồng tiền bẩn thỉu tôi làm ra bằng cái nghề bẩn thỉu ấy, và do đó, cũng không cần cả tôi nữa.

Mặc dầu Maria mau chóng rút cái nhận xét cuối cùng ấy và chỉ hai tuần sau lại nhận một khoản lớn từ tiền thù lao ngồi mẫu của tôi coi như chi phí ăn ở, tôi vẫn quyết định thôi không ở chung với nàng, với chị Guste của nàng và con trai Kurt của tôi nữa. Ý định đầu tiên của tôi là đi xa, đến Hamburg hay có khi ra miền biển, nhưng tuy không phản đối việc tôi dọn đi, Maria, cùng với chị Guste hùn vào, đã thuyết phục tôi nên tìm thuê một cái buồng quanh đây để khỏi quá xa nàng và Kurt, dù sao cũng vẫn là ở Düssendorf.

Chú thích:

[1] Chơi chữ: Lesbian là người vùng Lesbos, đồng thời cũng có nghĩa: phụ nữ đồng tính luyến ái.

[2] Alessandro di Mariano Lilipepi, thường gọi là Sandro Botticelli (1445-1510) danh họa Italia thời Phục Hưng. Hai bức Mùa Xuân và Sự ra đời của thần Vệ Nữ tôn vinh vẻ đẹp nữ, được kế trong số những kiệt tác của ông.

[3] Lucas Cranach (1472-1553), danh họa Đức thời Phục Hưng. Thần Vệ Nữ và Thần Ái Tình là một trong những kiệt tác thể hiện vé đẹp nữ của ông.

[4] Tên của nhân vật chính trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt của đại văn hào Nga F. Dostoievsky.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx