sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 1

Trà có thói quen nghe nhạc thì phải tắt hết đèn. Tối nay cũng vậy, một mình Trà nằm trên giường úp mặt xuống gối đầu óc mênh mông theo tiếng hát thoát từ chiếc máy cassette vang nhẹ trong căn phòng. Tiếng hát của một ca sĩ quen thuộc hòa trong tiếng mưa nhẹ bên ngoài cửa làm lòng Trà chùng xuống, u buồn. Trà không ăn cơm chiều, nằm lì trong phòng từ lúc nắng ngoài vườn vắt ngang qua song cửa sổ. Rồi buổi tối đến lúc nào không hay, kịp lúc cơn mưa đổ xuống, Trà nhìn ra một khoảng không gian lờ mờ, chìm trong mưa. Một ngày nữa lại qua đi, Trà vẫn không thay đổi, cứ lãng đãng, mơ hồ như một người chưa qua khỏi giấc ngủ. Giờ này mẹ Trà vẫn chưa về, vẫn như mọi đêm Trà không biết bao giờ mẹ mới về tới nhà. Mong rằng đêm nay mẹ cô về nhà không phải trong một cơn say.

Từ ngày ông Toàn đi học tập ngoài Bắc, ngôi biệt thự này gần giống như một ngôi nhà hoang, mẹ một phòng, Trà một phòng và căn phòng của ba chỉ có một mình Trà lui tới quét dọn, sắp xếp lại một vài món đồ cùng vơi những kỷ niệm bùi ngùi và hình bóng của ba để lại. Bà Loan, mẹ cô, ít khi bước sang phòng chồng. Bà gần như quên lãng trong đời sống này còn có một người đàn ông tên Toàn, đã từng chung sống với bà trong căn phòng đầy hạnh phúc. Trà thương ba đến khóc được và bao nhiêu lần khi cầm cây chổi lông gà sang phòng ba quét bụi trên chiếc bàn gỗ ba thường ngồi, nhìn tấm ảnh của ba lồng trong khung kính. Trà như sống lại với khoảng thời gian, không gian có hình bóng của ba trong ngôi nhà này, tuy khoảng thời gian ba ở trong ngôi nhà này sau ngày giải phóng không kéo dài, nhưng thực sự là những chuỗi ngày đầm ấm, vui vẻ. Những lúc hồi tưởng như vậy Trà thường buông mình xuống ghế, nước mắt ở đâu chực trào ra. Trà cố kềm chế, nhưng rồi tiếng khóc cũng bật ra, nức nở. Thế là vẫn một mình Trà lui tới trong căn phòng hoàn toàn vắng lặng ấy.

Trà bước xuống giường tắt máy, giọng hát quen thuộc của cô ca sĩ đột ngột ngưng lại giữa tiếng mưa. Trà buông mình xuống chiếc ghế nệm rộng kê sát tường, vẫn không buồn bật đèn, Trà ngồi im lặng trong ghế lắng nghe tiếng mưa rơi đều bên ngoài. Mãi đến khi nghe cơn gió lạnh thổi hắt vào phòng, làm xao động tấm rèm cửa Trà mới biết mình đã quên đóng cửa sổ. Thế là Trà đi lại gần cửa sổ, nước mưa bám đầy những chấn song, ướt lạnh hai bàn tay Trà khi cô khép hai ánh cửa sổ lại. Con Lu Lu nãy giờ nằm dưới gầm giường, bây giờ có lẽ bị lạnh nên nó chui ra, vừa rên gừ gừ vừa cạ mõm vào chân Trà. Con Lu Lu là giống chó Nhật, lông xù, tuyền một màu trắng, ba đã xin nó ở nhà một người bạn mang về nuôi từ lúc nó còn bé tí tẹo. Bây giờ Lu Lu đã lớn, nhưng vẫn thấp bé lè tè. Nó thường làm nũng với Trà như một đứa bé con. Trà ôm con Lu Lu vào lòng, tìm được hơi ấm, con Lu Lu không còn rên gừ gừ nữa, hình như nó tiếp tục ngủ trở lại.

Trong căn nhà vắng vẻ này, Trà chỉ có thú vui là nghe nhạc trong bóng tối và trò chuyện với con Lu Lu. Nó chẳng biết gì nhưng con chó Nhật xinh đẹp, đôi mắt xanh biếc và bộ lông trắng mềm mại của nó đã trở thành một hình bóng thân thuộc làm Trà bớt lẻ loi trong những ngày tháng buồn bã này. Trà để cho Lu Lu thoải mái ngoẹo đầu ngủ trong lòng mình, còn cô ngồi im trong ghế như một pho tượng. Trà ngồi bất động, đôi mắt nhìn sâu vào bóng tối căn phòng. Mưa không biết bao giờ mới tạnh.

Một lúc sau Trà nghe có tiếng chuông gọi cổng. Tiếng chuông vang lên hai hồi ngắn rồi lặng im. Đó là tiếng chuông gọi cổng quen thuộc của mẹ. Trà không bật đèn nên không biết giờ này là mấy giờ, cô chỉ lặng lẽ bước xuống cầu thang, lòng không buồn không vui, nghĩ tới gương mặt mẹ đờ đẫn trong cơn say nhòe nhẹt dưới màn mưa, tự nhiên Trà muốn khóc. Trà bật ngọn đèn dưới chân cầu thang, không mặc áo mưa cứ thế chạy lốc xốc qua khoảng sân rộng để mở cổng cho mẹ. Trà ngạc nhiên thấy mẹ về một mình, bằng xích lô chứ không như thường ngày do chú Phan chở bằng xe honda.

Cánh cổng sắt vừa xịch mở, bà Toàn lách vào, cố giữ vững bước đi qua khoảng sân để vào nhà nhưng Trà thấy mẹ đi loạng choạng như sắp ngã, Trà chạy theo, đi bên cạnh bà và hỏi:

- Để con đỡ mẹ vào phòng, mẹ có say lắm không?

Bà Loan thở hắt ra, giọng bà nhão ra trong cơn say:

- Không cần, một mình mẹ đi cũng được, mẹ không say lắm đâu.

- Tại sao tối nào mẹ cũng uống rượu hết vậy?

- Chú Phan đưa mẹ đi ăn tiệc, ngày nào cũng tiệc để bàn chuyện làm ăn.

- Đâu cần thiết mẹ phải uống rượu?

- Mẹ buồn.

Bà Loan vịn tay trên thành cầu thang và bước lên từng bậc thang một để lên phòng. Hai mẹ con ở cách nhau một tầng lầu. Trà ở tầng một, mẹ ở tầng hai, phòng mẹ sát phòng ba. Trà đứng dưới chân cầu thang nhìn bóng bà Loan khuất trong bóng tối lặng lẽ thở dài. Cô phủi bụi mưa bám trên tóc, gương mặt Trà nhòe nhoẹt nước mưa lạnh buốt. Qua ánh đèn, Trà nhìn thấy những sợi mưa đan qua những nhánh cây xanh trong sân nhà. Đêm hiu hắt với tiếng xe chạy qua con đường trước nhà rồi khoanh tay lắng nghe mưa.

Năm nay Trà 19 tuổi, mẹ 39 tuổi. Có nghĩa là mẹ đã sinh Trà vào năm mẹ mới 20 tuổi. Trà là con gái đầu lòng và là đứa con của tuần trăng mật màu xanh, của tháng hạnh phúc ngọt ngào sau ngày cưới. Ba cưới mẹ trước ngày giải phóng và khi Trà 7 tuổi thì ba đi học tập. Trà nhớ lại hình ảnh của ba, hôm ấy ông Toàn chở con gái đi qua những con đường rợp bóng cây xanh của thành phố, vào những công viên mướt cỏ. Rồi tới những quán kem. Ông Toàn đã chiều Trà. Bà Loan đã có những lúc vui, lúc buồn mong đợi ngày về của ông Toàn. Cho đến một hôm Trà thấy xuất hiện một người đàn ông, đó là chú Phan.

Trà ngồi bất động trong ghế không biết bao lâu, hình như cô ngủ quên và chập chờn trong một cơn mơ. Đến khi bà Toàn tỉnh cơn say, bà choàng dậy đi qua phòng Trà. Căn phòng được bật sáng đèn, ánh sáng chói làm Trà mở mắt ra và thấy mẹ cô ngồi ở mép giường, tóc tai rũ rượi:

- Sao con không lên giường ngủ mà ngồi ngủ gục trong ghế thế? – Bà Toàn cất giọng hỏi.

- Con ngồi nghe mưa và ngủ quên luôn – Trà nhỏ nhẹ đáp.

- Sao con không để đèn trong phòng?

- Con thích ngồi trong bóng tối hơn.

- Mẹ thật không hiểu nổi.

Dĩ nhiên làm sao bà Toàn hiểu nổi những diễn biến trong tâm hồn con gái. Bà chỉ thấy Trà càng lớn lên càng đẹp vừa u uẩn. Trà đã cao bằng mẹ, đã là một thiếu nữ nẩy nở toàn diện, ở trường cũng như ngoài xã hội những thanh niên quen biết trong sinh hoạt thường ngày với Trà thường đeo đuổi, tán tỉnh cô. Trong khi đó Trà nhìn mẹ bằng một cặp mắt khác, qua những mối quan hệ phức tạp với đàn ông. Bà Toàn thường vắng nhà suốt ngày và chỉ trở về nhà gần nửa đêm trong cơn say. Bà đã không còn thăm nuôi ông Toàn theo định kỳ nữa, thỉnh thoảng sực nhớ ra, bà chỉ gửi quà nhờ người bạn thân có chồng cũng đang học tập như bà mang đi dùm. Trà lớn lên bằng những kỷ niệm của ba để lại và bằng những ngày tháng lạnh lẽo trong ngôi nhà mênh mông vắng vẻ, nhiều lúc đến rợn người. Giữa Trà và mẹ có khoảng cách rất lớn, khoảng cách càng ngày càng xa.

Bà Loan bỗng chép miệng, thở dài, nói:

- Mưa buồn quá.

- Con tưởng mẹ rất vui chứ – Trà cười cười nhìn bà Loan sau câu nói.

- Sao con nghĩ là mẹ rất vui?

- Vì mẹ đã có chú Phan.

- Đó là chuyện làm ăn của mẹ, con không hiểu đâu.

- Con hiểu chứ.

- Hiểu như thế nào?

- Là mẹ không còn thương ba nữa. Lâu nay mẹ không còn để ý gì đến ba, không cần biết ba sống trong ấy ra sao. Mẹ là một người nhẫn tâm.

Và Trà bật khóc sau câu nói. Bà Loan ngạc nhiên nhìn thẳng Trà bằng đôi mắt mở lớn, bà Loan không ngờ sự thể như vậy. Dưới mắt bà Loan, bây giờ Trà như một người từ hành tinh khác mới đến.

- Con không được quyền nói với mẹ như vậy.

- Con không cố ý, nhưng sự thật là như vậy. Mẹ cũng không còn thương con, vì con là hình ảnh của mẹ cách đây hai mươi năm.

Trà nhìn mẹ trong ngấn nước mắt, cô chợt thấy mẹ gìa đi rất nhiều. Trên gương mặt hốc hác không son phấn, mặt của mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Thân hình mẹ đã không còn thon thả như xưa nữa, nó đã báo hiệu sự sụp đổ nhan sắc của một người phụ nữ đã qua thời kỳ thanh xuân.

- Trà à! Con cũng nên đi ngủ đi, phải lên giường ngủ đoàng hoàng, con gái không nên ngủ gục trong ghế. Và nhất là, cần phải bật đèn ngủ trong phòng.

- Con không thấy buồn ngủ.

- Cứ lên giường nằm nhắm mắt lại, tức khắc giấc ngủ sẽ đến.

Trà cười:

- Nói như mẹ chắc trên đời này không ai bị mang chứng bệnh mất ngủ. Con không ngủ được dễ dàng đâu mẹ ạ.

- Nhưng dù sao con cũng không nên thức khuya, như vậy sẽ có hại cho sức khỏe lắm đấy.

- Con sẽ đi ngủ khi nào… đôi mắt hết mở được nữa. Lúc ấy thì ngủ sẽ rất ngon – Trà cười nói.

Bà Loan không cười, bà chỉ nhìn con gái với ánh mắt ngạc nhiên, rồi sau đó bà thừ người, vẻ trầm ngâm. Trà đi loanh quanh trong căn phòng dường như đếm những bước chân đi của mình.

- Thôi mẹ cũng về ngủ đây – Bà Loan nói.

- Chúc mẹ ngủ ngon.

- Con cũng đừng thức khuya làm gì.

Bà Loan vừa nói vừa nhìn Trà, sau đó bà đi ra khỏi phòng.

Khi Trà thức dậy mẹ đã làm xong bữa ăn sáng và ngồi chờ Trà ở phòng ăn. Thấy Trà cầm bàn chải và hộp kem đánh răng đi xuống, bà Loan nói:

- Nhanh lên, mẹ chờ con mười phút rồi, sáng nay mẹ phải có việc đi sớm.

- Mẹ ăn trước đi – Trà nói.

- Không, mẹ chờ con cùng ăn sáng.

- Nhưng mẹ phải bận đi công chuyện gấp kia mà?

- Mẹ chờ được.

Trà vào phòng tắm đánh răng, rửa mặt. Nước buổi sáng mát lạnh làm Trà cảm thấy dễ chịu và tỉnh táo hẳn ra. Đêm qua Trà ngủ muộn, giấc ngủ lại không liên tục, Trà cứ chập chờn, thao thức mãi. Mãi đến khi cơn mưa tạnh hẳn, lúc đó vào khoảng hơn 3 giờ Trà mới chợp mắt được. Sáng nay Trà dậy muộn và lười biếng không muốn tới trường. Trà cũng không thích ngồi ăn sáng chung với mẹ, Trà cố ý nằm nán lại trên giường chờ mẹ ra khỏi nhà mới trở dậy, nhưng không ngờ sáng hôm nay bà Loan lại ngồi đợi Trà ở phòng ăn.

Ngồi đối diện với mẹ ở bàn ăn, Trà cảm thấy lúng túng. Bà Loan dường như cũng lúng túng trước con gái nên bà đẩy về phía Trà đĩa trứng ốp-la:

- Sáng nay quá vội nên mẹ làm trứng ốp-la ăn với bánh mì, mình ăn tạm vậy.

- Trứng ốp-la ngon chứ mẹ – Trà làm bộ vui vẻ nói.

- Nhưng ăn hoài cũng ngán chứ.

- Con có thể ăn trứng ốp-la một tuần lễ – Trà cười.

- Mai mốt có chồng mà cho chồng ăn sáng kiểu này chắc là bị đòn đấy con gái ạ. – Bà Loan đùa.

- Chồng con sẽ không bao giờ dám đánh con đâu, mẹ đừng lo.

Hai mẹ con bắt đầu ăn. Bà Loan hỏi:

- Hôm nay con đi học chứ?

- Dạ.

- Sao ngủ dậy trễ thế, đến trường còn kịp không?

- Dạ kịp.

- Phải cố gắng học, ba con vẫn thường nhắc trong thư đấy. Nếu con học dở hay vì lý do gì bỏ học, ba con sẽ rất buồn.

Trà chớp mắt hỏi:

- Sao sáng nay mẹ tự nhiên nhắc đến ba?

Câu hỏi của con gái làm bà Loan lúng túng. Một lúc lâu bà mới nói:

- Hôm nay là ngày thăm nuôi ba định kỳ.

- Mẹ có tính đi thăm ba không?

- Không, mẹ có công chuyện cần phải giải quyết. Quà cho ba, mẹ đã mua và đã gởi người quen rồi. Sáng nay họ mang đi dùm.

- Sao hồi hôm mẹ không bảo để con viết thư thăm ba?

- Mẹ quên.

- Bây giờ thì muộn rồi – Trà buồn bã nói.

- Con có thể viết thư qua đường bưu điện.

- Mẹ có viết thư cho ba không?

- Không.

Trà không hỏi mẹ "tại sao", vì Trà biết có hỏi cũng tìm cách nói quanh co, không thực với lòng mình. Trà bỏ dở miếng bánh mì đang nhai, cô không còn thấy đói nữa. Trà múc đường bỏ vào tách cà phê, quậy đều rồi bưng lên uống một ngụm.

- Hồi hôm mẹ say lắm phải không? – Bà Loan hỏi con gái.

- Cũng như mọi đêm.

- Con mở cửa cho mẹ đấy à?

- Nhà chỉ có hai mẹ con, không con mở thì ai vào đây?

- À, mẹ quên. Lúc này sao đầu óc mẹ lú lẫn quá.

- Tại mẹ uống nhiều rượu – Trà nói, giọng không vui.

Bà Loan thở dài. Trà có cảm tưởng tiếng thở dài của mẹ cũng không thật. Sáng nay mẹ thật diện, ăn mặc đúng theo thời trang. Bộ quần áo của mẹ may rất khéo, ở một tiệm may lớn, nổi tiếng trong thành phố và màu vải mẹ chọn cũng rất hợp với nước da. Mặc bộ quần áo thời trang này Trà thấy mẹ trẻ được vài tuổi.

Trà hỏi:

- Mẹ đi công việc với chú Phan, phải không?

- Cũng là công việc làm ăn thôi – Bà Loan nói như giải thích.

- Mẹ thì lúc nào cũng bận chuyện làm ăn – Trà cười – Con thấy ít khi mẹ rảnh, nhất là dành ít ngày đi thăm ba.

- Mẹ bận thật mà, công việc làm ăn quan trọng hơn, dù sao cũng phải kiếm ra tiền mới thăm nuôi ba con được chứ.

Câu chuyện giữa mẹ và Trà khi nói về ba luôn luôn có một cách chấm dứt như vậy. Trà uống hết tách cà phê và đứng lên.

Bà Loan hỏi:

- Con đi đâu thế?

- Con đi học.

- Mẹ vẫn chưa nói gì với con kia mà?

Trà đứng ở chân cầu thang nhìn mẹ bằng đôi mắt buồn rầu và nói:

- Mẹ có cách chấm dứt câu chuyện về ba rất khéo. Bao nhiêu lần như vậy, đã khiến con không còn nói gì thêm được. Đúng là mẹ phải kiếm ra nhiều tiền.

Trà ứa nước mắt nhưng cô kềm chế để khỏi bật thành tiếng khóc.

Bà Loan tới cạnh Trà, nhìn con gái và hỏi nhỏ nhẹ:

- Tại sao con có ác cảm với chú Phan?

- Con vẫn bình thường với chú ấy.

- Nếu không có chú Phan giúp đỡ thì mẹ con ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiếm sống. Con biết chứ?

- Biết.

- Vậy mà con không có mối quan hệ tốt với chú ấy, khiến chú phải than phiền với mẹ.

Trà cười nhẹ:

- Tại chú Phan nghĩ thế thôi, con lúc nào cũng bình thường.

- Dù sao thái độ thiếu thiện cảm của con cũng làm chú Phan ngại phải tới đây.

- Con đi học suốt ngày, nhà này có ai đâu?

Bà Loan bối rối, một lúc bà nói:

- Thôi con đi học đi, mẹ cũng phải đi công việc rồi.

Trà cũng không muốn tiếp tục câu chuyện với mẹ nên vội chạy lên lầu. Cô thay áo dài vội vàng rồi xách cặp-táp xuống nhà dắt xe Honda ra cổng, Trà cũng vừa thoáng thấy mẹ ngồi sau yên chiếc Dream 100 màu nho mới tinh của chú Phan. Hai người mất hút ở một ngã tư.

Trà tới trường trong một tâm trạng lơ ngơ như một người bệnh. Suốt cả hai giờ đầu Trà dường như chẳng hiểu lời giảng của giáo viên nói cái gì. Hình ảnh tội nghiệp của ba chập chờn trước mắt. Lần cuối cùng Trà có dịp theo mẹ đi thăm ba cách đây tròn một năm. Ông Toàn không già như những người cùng tuổi, nhưng mái tóc của ông đã nhuốm màu muối tiêu. Có lẽ xa nhà lâu ông quên Trà lúc này đã lớn, gặp Trà ba mừng quá chạy tới ôm cô vào lòng như ôm con gái còn bé. Trà ngượng quá, nhưng trong phút giây xúc động Trà cũng muốn khóc nên đứng im. Chừng ba hiểu ra, ông chớp mắt nói gì đó Trà không nghe rõ, nhưng nụ cười của ông thật hạnh phúc. So với hồi ở nhà ông Toàn gầy đi nhiều, nhưng chân tay gân guốc, khỏe mạnh, nước da rám nắng. Nhìn mái tóc hớt cao của ba mà Trà cười hoài.

Và rồi hình ảnh của mẹ ngồi sau xe của chú Phan lại hiện ra. Dĩ nhiên mối quan hệ giữa chú Phan và mẹ như thế nào Trà đã rõ. Trong khi đó mẹ cứ loanh quanh, lấp lửng giữa tình cảm riêng tư với công việc làm ăn để tránh lừa Trà. Làm sao Trà không có ác cảm với người đàn ông xa lạ đó, người đã cướp đi hạnh phúc của ba Trà. Chú Phan trẻ hơn ba nhiều, lại là một người đàn ông chạy áp phe, buôn bán ngoài chợ trời, có nhiều tiền và ăn chơi lịch lãm. Chú Phan và ba là hai con người hoàn toàn khác nhau, là hai thái cực mà mẹ phải chọn. Có điều Trà không hiểu nổi tại sao mẹ biết ba sẽ trở về mà vẫn tiếp tục quan hệ với chú Phan.

- Trà, suy nghĩ gì đấy.

Cái đập vai của nhỏ bạn ngồi cùng bàn Trà giật mình. Vừa lúc tiếng chuông reo báo hiệu giờ chơi nổi lên. Trà thở phào, nói:

- May quá.

- May quá là… may cái gì? – nhỏ bạn tên Bích Quân nheo mắt hỏi.

- Mình không thuộc bài, sợ thầy "chiếu tướng" thì có nước độn thổ. Bây giờ thì hú vía - Trà thở ra một hơi dài.

- Hồi tối đi chới với "bồ" hay sao mà không thuộc bài?

- Mình bận việc – Trà buồn bã nói.

- Bận việc gì đến nổi không học thuộc bài vậy nhỏ?

- Việc riêng.

- Bí mật hả, nhỏ?

- Ừ, bí mật.

- Vậy không hỏi nữa – Bích Quân cười – nhưng mà bồ coi chừng có ngày bật mí đấy nhé. Thôi, theo mình ra quán chè đi Trà.

Trà nhìn Bích Quân, giọng chán chường:

- Buồn chán quá không muốn đi đâu cả, muốn ngồi trong lớp thôi.

Bích Quân bá vai Trà cười:

- Buồn làm chi cho… mệt trái tim. Cứ quên hết mọi chuyện trên đời thì mới vui sống nổi. Mỗi lần buồn, Bích Quân đi ăn cho thật no bụng là hết buồn ngay.

- Buồn thì làm sao ăn cho vô?

- Thì tập.

- Thôi. Bích Quân đi một mình đi, Trà ngồi trong lớp được rồi.

- Không được, Trà phải ra ngoài chơi cho thoải mái. Và phải ra thăm quán chè của dì Tư. Cả tuần nay không thấy tụi mình bả buồn đấy.

Nói xong Bích Quân xốc Trà đứng lên, nhưng Trà rị người xuống, ngồi bất động. Mặt mày Trà thiếu não như cái bánh tráng nhúng nước. Bích Quân cười, chĩa ngón tay vào hông Trà cù lét, Bích Quân bắt chước một giọng một diễn viên đóng vai "nữ hiệp" trong phim vidéo:

- Nếu không đứng lên ra… quán chè, thì "bản cô nương" xuất chiêu đây.

Trà nhảy dựng lên, nguýt Bích Quân một cái dài, la lớn:

- Ê, không giỡn như vậy nghen.

- Thì đi.

- Rầu quá, đi sao nổi.

- Không nổi để "anh" dìu đi cho hết đoạn trường trần "em nhé" – Bích Quân đùa.

Và không làm sao hết hơn được, Trà phải theo Bích Quân ra quán chè trước cửa trường. Quán chè của dì Tư hình như mở ra để phục vụ học trò con gái, không biết dì có bí quyết gì mà nấu chè thật ngon, nước dừa thật béo. Ăn một ly chè thập cẩm ở quán chè dì Tư thì… hết ý. Giờ ra chơi, quán đông nghẹt học trò, mà phần lớn là nữ sinh. Mấy đứa bạn cùng lớp thấy Trà và Bích Quân đi vào, liền nhao nhao lên:

- Chà, bữa nay Trà đau răng hay sao mà mặt mày nhăn nhó vậy? Bích Quân phụ bạc ta để theo nhỏ Trà phải không, nghỉ chơi với bồ một tháng cho biết… thế nào là lễ độ. Đây rồi trả tiền luôn đi Bích Quân.

Bích Quân xua tay:

- Cám ơn lòng tốt của bồ, hôm nay mình… kẹt túi. Hẹn một ngày đẹp trời ta vác cái bao bố tới "bao" các bạn một chầu.

Trà lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế thấp lè tè, dựa lưng vào vách quán. Trà không cảm thấy thích thú để vui đùa với các bạn nữa. Bích Quân gọi hai ly chè, đá chân chân Trà dưới gầm bàn hỏi:

- Làm gì mà ngó bồ khổ ải thế?

- Trà nhức đầu quá.

- Yên chí, nhức đầu chữa bằng ly chè thập cẩm của dì Tư thì hết ngay.

- Không đùa à.

- Nói thật chứ nói đùa đâu.

Hai ly chè được mang ra đặt trước mặt Bích Quân và Trà. Bích Quân vỗ tay Trà, nói:

- Ăn chè đi bồ, sẽ thấy hiệu nghiệm ngay.

Trà chiều bạn, nhưng chỉ ăn được nửa ly chè Trà đã thấy ngán tới cổ nên đặt chiếc muỗng xuống bàn than:

- Đầu hàng, chẳng thấy ngon lành gì cả, ăn như ăn nước đá.

- Gặp mười người như Trà hôm nay chắc dì Tư bán ế, dẹp tiệm đến nơi. Trà cười héo hắt:

- Còn gặp mười người như Bích Quân chắc dì Tư làm giàu.

- Đúng vậy.

Bích Quân trả tiền hai ly chè, nheo mắt cười với mấy con nhỏ bạn ngồi bàn bên cạnh rồi kéo tay Trà đứng lên. Hai đứa không đi về lớp ngay mà đi dọc theo con đường trước cửa quán chè. Con đường lúc nào cũng phủ đầy lá chết, rợp bóng mát. Không hiểu từ bao giờ, con đường bị bọn học trò trường Trà đổi tên là "con đường hò hẹn" còn quán chè dì Tư được gọi là "quán đợi chờ". Bích quân vừa đi vừa nói:

- Lẽ ra con đường này phải được đặt tên con đường lá rụng phải đúng, Trà nhỉ?

- Tại sao?

- Vì nó có thật nhiều lá rụng, hình như mùa nào cũng có lá phủ đầy, giống như người ta trải con đường một tấm thảm bằng lá vậy.

- Thì Bích Quân cứ gọi nó là con đường lá rụng, ai cấm đâu?

Bích Quân bỗng bá lấy vai Trà, giọng chân tình:

- Nè bồ, có chuyện gì khó xửa nói thật cho Bích Quân nghe với, biết đâu bạn bè co cách giúp đỡ thì sao?

- Có chuyện gì đâu – Trà lắc đầu.

- Lúc nãy trong lớp bão có, giờ nói không, sao tiền hậu bất nhất vậy bạn?

Trà nhìn Bích Quân hỏi:

- Bộ Bích Quân muốn biết lắm sao?

- Xì, bạn bè bao nhiêu năm, vui buồn có nhau, cục muối chia đôi cục đường ta nuốt hết, sao Trà lại hỏi một câu bất nhẫn như vậy?

- Trà học không nổi nữa, chắc một lúc nào đó phải nghĩ học thôi.

- Sao lại học không nổi, nói lý do xem?

- Không.

Mắt Trà ướt nước, Bích Quân hốt hoảng kéo Trà dừng lại và bắc Trà phải ngồi xuống lề đường, chỗ gốc cây phượng đang đom đầy lá non. Bích Quân nhìn vào mắt Trà hỏi:

- Bộ Trà nói thật à?

- Chắc phải tới lúc đó thôi.

- Nhưng còn lý do. Trời ơi, phải có một lý do gì quan trọng lắm mới khiến Trà nói như vậy chớ?

- Lý do thì nhiều lắm, nhưng lý do duy nhất là Trà không còn đầu óc đâu để học cho vô nữa, chữ nghĩa đi mất hết trơn.

Bích Quân cười:

- Mình phải kéo nó lại, làm bùa phép cho nó trở lại trong đầu, nhỏ ơi!

- Chắc Trà sắp sửa điên tới nơi rồi.

- Trời đất, nói gì nghe kinh khủng vậy?

- Thật mà.

- Thôi, Bích Quân biết rồi, Trà bị má bắt nghỉ học ở nhà… gả chồng phải không?

- Nói bậy.

- Ngoài lý do trọng đại đó ra, chẳng có lý do nào khiến cho Trà phải nghĩ học cả. Trời ơi, nhỏ mà học chắc Bích Quân rầu héo ruột héo gan luôn.

- Học không nổi thì phải nghỉ học chớ sao. Bích Quân không hiểu hoàn cảnh hiện nay của Trà đâu.

Bích Quân trách móc:

- Trà có nói đâu mà hiểu với không hiểu. Nhỏ sao dễ ghét quá!

- Thôi, Bích Quân cũng đừng tìm hiểu làm gì, mọi chuyện tới đâu hay tới đó.

Trà đứng lên, hai đứa đi ngược lại con đường trở về trường. Chân của Bích Quân và Trà dẫm lên chiếc lá khô, làm chúng vỡ ra. Bích quân kêu lên:

- Ôi! Những chiếc lá tội tình, mi rơi làm chi xuống chân ta để rồi bị dẫm lên như vậy, lá ơi!

- Kìa, chuông reo vào lớp rồi, ở đó mà… làm thơ.

Trà kêu lên, hai đứa vụt chạy cho kịp với hồi chuông ngắn vừa vang lên. Bóng những chiếc áo dài từ các bóng cây bên đường cũng túa ra, hòa vào dòng áo trắng của học sinh đổ xô vào cổng trường. Giờ ra chơi đã hết. Trà thẫn thờ nghĩ thầm: ta sẽ còn nghe được tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi chấm dứt bao nhiêu lần nữa?

Bích Quân bỗng kêu thét lên:

- Ối giời ui, Trà nghĩ tới ai mà đạp lên chân ta đau quá trời!

Trà véo Bích Quân, lườm:

- Cũng may, Trà đi dép chứ không phải đi bằng guốc cao gót.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx