sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Sự có mặt của trung đoàn trưởng trên đồn địch trong giờ phút gay go của trận đánh, đã củng cố lại tinh thần cán bộ, chiến sĩ.

Dưới sự chỉ huy khôn ngoan của trung đoàn trưởng, hai trung đội đi theo anh đã vượt qua cửa đột phá vào đồn hầu như nguyên vẹn. Ngay sau đó, hai đợt phản kích của địch từ hầm ngầm ra đã bị quân ta đánh lui. Trung đoàn trưởng đi từng đường hào động viên các chiến sĩ đào công sự đề phòng địch tiếp tục phản kích, và lệnh cho các cán bộ tổ chức lại bộ đội, thu thập bộc phá còn nằm rải rác ở các nơi, buổi tối sẽ tấn công địch.

Tất cả những lực lượng còn trong đồn và mới tiếp viện dồn lại chỉ được hai đại đội chắp vá xộc xệch, phần đông là tân binh, mệt mỏi nhiều sau những đợt chiến đấu. Đêm đó, trung đoàn trưởng tổ chức họ thành hai mũi tiến đánh vào phía đông hầm ngầm. Ta không dùng pháo, bí mật đem bộc phá vào đặt cạnh hầm. Khối bộc phá lớn tới tám mươi cân. Trung đội trưởng Cương chỉ huy một tiểu đội làm nhiệm vụ này. Khối bộc phá nổ như tiếng sét trên đồn địch. Nhưng chỉ mười lăm phút sau. địch lại như những bóng ma hiện ra từ hai hướng nam và bắc, dùng tiểu liên và lựu đạn phản kích rất mạnh. Trung đoàn trưởng phải trực tiếp chỉ huy bộ phận súng cối cỡ nhỏ chặn địch và ra lệnh cho các đơn vị quyết không để chúng cướp lại trận địa của ta. Cuộc chiến đấu giằng co suốt đêm. Gần sáng, địch đưa thêm nhiều viện binh từ Mường Thanh lên. Lực lượng ta yếu dần. Trung đoàn trưởng phải ra lệnh cho bộ đội rút về trận địa phòng ngự ban ngày ở phía đông đồn địch.

Sáng hôm nay, chắc bọn địch nhận thấy lực lượng của ta trên đồn còn ít, từ phía hầm ngầm, có nhiều triệu chứng địch lại sắp phản kích. Dưới chiến hào, thương binh, tử sĩ chặt như nêm. Số người còn chiến đấu được kể cả cán bộ chiến sĩ, chỉ còn trên một trung đội.

Tám giờ sáng, trung đoàn trưởng triệu tập những cán bộ còn lại tới một chiếc ụ súng bằng gạch ở gần cửa đột phá đã bị đại bác bắn sạt một góc.

Sau khi nhận định tình hình chiến đấu, Trang chăm chăm nhìn thẳng vào mặt từng người rồi hỏi:

- Các đồng chí thấy thế nào?

Vẫn cái giọng dề dà quen thuộc hàng ngày, cái lối nói mà một số cán bộ thường gọi là kiểu bố già, cái lối nói thẳng thắn đầy tình thương không bao giờ có gai có ngạnh ấy, nhưng lúc này mọi người cảm thấy nó đượm một vẻ gì khang khác, như sự mỉa mai, thử thách.

Quân đã trở về với sự hoạt bát của anh ta trong những lúc chiến đấu anh xòe ngửa lòng bàn tay trước ngực gạt sang hai bên rồi nói:

- Phải tổ chức trận địa phòng ngự anh ạ... Công sự của địch đều bố trí hướng ra cả ngoài đồn, ta không sửa lại, thành mỗi lúc địch phản kích, đánh rất khó. Tôi thấy phải ra lệnh cho anh em sửa lại công sự đánh sập tất cả những lỗ châu mai hướng về phía ta, đào lỗ châu mai mới quay về phía hầm ngầm. Những chỗ hào nông quá, ta bảo anh em khoét thêm. Ta giữ chắc lấy đây, anh xin tiếp viện thêm một ít quân và bộc phá, đêm nay, ta lại mật tập chuyến nữa.

Trong khi nói bàn tay anh không ngừng cử động, thì lúc hắt sang trái, lúc thì đưa sang phải, lúc thì khua tròn. Đại đội trưởng Khỏe nói tiếp theo Quân:

- Tôi có ý kiến thêm là khi địch đánh ra, mình cũng phải đấu nhau lại mà đánh. Quân mình đã ít lại cứ để nó đánh nơi nào thì nơi ấy chịu cứng như mấy ngày vừa qua, tôi thấy không được. Ta có tổ chức trận địa phòng ngự cũng cứ nên bám thật sát địch, ở xa chỉ tổ ăn pháo của nó.

Khỏe nói xong lại ngồi lầm lì không nhúc nhích như những khi có mặt cấp trên trong các buổi bàn bạc công việc. Người ta có cảm tưởng anh không phải là người vừa phát biểu xong. Người Khỏe sút hẳn, má hóp lại làm đôi gò má cao thêm, nhô lên, tròn như quả táo. Khói thuốc súng hình như tụ lại trên mặt anh. Người không hiểu anh, nhìn anh lúc này thật dễ sợ.

Chính trị viên Thọ lo lắng:

- Từ giờ đến chiều không thể đưa thêm thương binh ra ngoài. Tất cả các đồng chí chiến đấu ở khu vực nào thì chú ý làm công tác chính trị với những anh em thương binh trong khu vực đó. Trời nắng to hầm hố sập cả, thuốc không có, nếu chúng ta không động viên anh em cho tốt thì ảnh hưởng ngay đến những anh em đang còn chiến đấu. Các đồng chí nên nhắc lại quyết tâm của Tổng quân ủy và động viên ý thức giai cấp của từng người. Nếu biết được ai là đảng viên, nên tổ chức anh em lại sinh hoạt với nhau trên tinh thần Đảng.

Như một số người cán bộ chính trị trước khó khăn nói bao nhiêu cũng vẫn thấy là chưa đủ. Thọ còn muốn nói nữa, nhưng anh nhớ ra lúc này không thể dài lời, anh vội im, đôi mắt chớp liền mấy cái.

Trung đoàn trưởng vừa nghe mọi người nói vừa đăm đăm nhìn vào mặt tiểu đoàn trưởng Quỳ. Hai mắt anh ta như lác đi, hai tay bó gối, đầu cúi xuống không nhìn ai, thỉnh thoảng chỉ thấy anh ta đưa mắt ra phía cửa hầm. Trang hỏi:

- Còn ý kiến của chủ công thế nào...?

Quỳ cười không tự nhiên, gần như mếu:

- Chủ công... Còn quân đâu!... Tôi cũng đồng ý tổ chức phòng ngự ở đây, tối tiếp tục tấn công nữa. Nhưng anh em xem chừng mỏi mệt lắm rồi. Phải tích cực đề nghị trên điều thêm lực lượng. – Anh còn định nói nữa nhưng lại thôi.

Cuộc họp không thể kéo dài. Nét mặt trung đoàn trưởng không vui.

- Tình hình có khó khăn, tôi đồng ý với các đồng chí. Nhưng ta là đảng viên, là cán bộ, ta phải quyết tâm để làm thay đổi tình hình. Các đơn vị bạn đánh đồi C, đồi D, đồi E... họ làm xong nhiệm vụ cả rồi. Chỉ còn ta ở đây... Nếu không nói là thi đua với họ nữa thì ta cũng phải nghĩ, mình không giải quyết xong cao điểm này sẽ ảnh hưởng tới tình hình chung của mặt trận. Lúc đó khó khăn này chính là lúc thử thách lập trường quan điểm của chúng ta...

Tiếng nói của trung đoàn trưởng đang dề dà bỗng đanh hẳn lại:

- Quyết tâm của tôi thế này: Tất cả các đơn vị còn lại chia làm ba bộ phận, tổ chức phòng ngự trên ba mặt để đánh quân địch phản kích. Đồng chí Khỏe phụ trách một tiểu đội ở cánh trái, đồng chí Quỳ phụ trách một tiểu đội ở cánh phải, tất cả anh em còn lại ở vị trí đồng chí Quân tại chính diện. Đồng chí Thọ đặc trách công tác thương binh, tổ chức những anh em còn chiến đấu được thành một phòng ngự ở phía sau. Sở chỉ huy trung đoàn ở tại ụ súng này. Khi một mặt bị tấn công, tất cả các mặt kia phải gánh tạt vào sườn hay là vòng về phía sau mà sửa lưng nó. Không lùi nửa bước.

Vẫn theo nếp làm việc mọi khi, nêu quyết tâm xong, trung đoàn trưởng hỏi:

- Ý kiến các đồng chí thế nào?

Chỉ có Quân nói:

- Tôi thấy cần chú ý khi một mặt bị tấn công, các mặt bên kia phải đánh tại sườn chúng nó ngay, lực lượng của chúng ta còn rất ít...

- Bây giờ thành mệnh lệnh, các đồng chí về thi hành - Trang kết thúc cuộc họp.

Nửa giờ sau đó, địch liên tiếp phản kích. Mặt chính do tiểu đoàn phó Quân phụ trách bị tấn công nhiều nhất. Trung đoàn còn nắm trong tay một khẩu súng cối 60 ly với gần chục viên đạn. Anh cân nhắc từng viên nhưng cũng đã sử dụng đến viên đạn cuối cùng.

Quá trưa, tiểu đoàn phó Quân chạy về trước cửa hầm anh:

- Báo cáo anh Trang, tôi hết quân rồi. Anh cho lui về dưới này giữ thôi, trên ấy mặt đồi phẳng, giao thông hào bị vỡ cả, khó lắm.

Trung đoàn trưởng chưa trả lời thì Quân đã nói tiếp:

- Buổi sáng phổ biến như thế rồi mà khi tôi bị tấn công, bên phía đồng chí Quỳ không đánh phối hợp lần nào cả...

Trung đoàn trưởng lẳng lặng bước ra khỏi hầm. Anh đưa một cánh tay lên trên ụ súng nhìn về phía đỉnh đồi, nhận thấy mình quân địch đẩy lùi đến giáp cửa đột phá. Anh nhìn về phía cánh phải, mặt sa sầm xuống. Giữa lúc ấy, ở phía này có tiếng tiểu liên nổ ran, và tiếng chân người chạy dồn dập. Tiểu đoàn trưởng Quỳ cúc ngực áo trấn thủ mở tung hiện ra ở đường lượn giao thông hào. Anh ta đang cắm cổ chạy, không nhận thấy trung đoàn trưởng. Mặt trận vỡ rồi, chăng...?

Trang quát:

- Quỳ? Chạy đi đâu?

Người tiểu đoàn trưởng nói không ra hơi.

- Tôi về lấy quân tiếp viện...

- Đứng lại đã!

Trung đoàn trưởng rời khỏi súng tiến ra mấy bước đứng chặn trên đường anh ta đang chạy. Nhưng Quỳ bỏ đường hào, chống tay nhảy lên mặt đồn, lao nhanh về phía cửa đột phá. Đằng sau hắn một cố chiến sĩ hùa chạy theo. Tình hình đã rõ ràng, trung đoàn trưởng rút súng ngắn. Anh chưa kịp kết liễu đời tên hèn nhát, bọn địch đuổi theo đã gần ập tới, anh phải quay mũi súng về phía địch.

Tiểu đoàn phó Quân dang chân dang tay đứng giữa hào cản các chiến sĩ lại:

- Chạy đi đâu thế này?

- Tiểu đoàn trưởng cho lệnh rút.

Một vài người nhảy qua tay anh. Anh thét lên:

- Tất cả dừng lại chiến đấu!

Trang bắn hết băng súng ngắn vào những tên địch đang chạy đầu. Anh quẳng súng ngắn, cầm một khẩu tiểu liên đứng thẳng giữa hào. Thân hình cao to vững chãi của anh trùm kín trước mặt những người đang cắm đầu chạy. Tiếng nói của anh rền vang như tiếng cồng:

- Tôi là trung đoàn trưởng ra lệnh: Tất cả mọi người từ cán bộ đến chiến sĩ phải ở nguyên vị trí, quay lại cản địch. Tập trung lựu đạn, ném!

Địch đang xô tới rất đông. Anh bắn một băng tiểu liên. Vẫn không cản được chúng. Anh cúi xuống hào nhặt một ống phóng lôi, tháo nhanh kíp, nhảy lên giao thông hào, dùng hết sức lăng mạnh về phía địch. Một ánh lửa đỏ lóe, tiếng nổ dậy như bom. Những chiếc mũ sắt địch bay lên. Ống phóng lôi của trung đoàn trưởng đã cứu vãn tình hình. Các chiến sĩ đang chạy quay lại rút lựu đạn ném tới tấp về phía địch. Tiểu đoàn phó Quân nắm thời cơ nhảy lên miệng hào hô to:

- Xung phong!

Thương binh nằm dưới chiến hào cũng hô theo vang dậy khắp nơi. Bọn địch hoảng sợ, quay trở lại. Quân đuổi theo địch chừng dăm chục thước, nhìn phía sau, thấy chỉ có một chiến sĩ chạy theo mình, phải dừng lại.

Khi Quân quay về ụ súng gạch ở gần cửa đột phá, anh nhận ra trung đoàn trưởng đã bị thương. Một viên đạn sượt trán anh, máu vẫn chảy ròng ròng trên má. Quân băng vết thương và dìu trung đoàn trưởng vào hầm.

Một lát sau, đại đội trưởng Khỏe và trung đội trưởng Cương giữ phía trái, sau mấy đợt chống cự địch phản kích, cũng hết quân, quay về hầm trung đoàn trưởng xin chỉ thị.

Máy điện thanh của trung đoàn trưởng đem theo đã hỏng vì đại bác. Dây điện thoại liên lạc với bên ngoài đều bị cắt hết. Lực lượng chiến đấu trong đồn hầu như không còn gì. Mấy người đang ngồi trao đổi thì một cán bộ trung đội chạy tới cửa hầm.

- Báo cáo đồng chí Quân, đạn và lựu đạn gần hết cả rồi. Làm thế nào?

Quân chưa biết giải quyết sao, thì trung đoàn trưởng đã chậm rãi:

- Con nhà nghèo, đánh nhau mãi rồi... Có phải bây giờ mới đánh nhau đâu!... Trước kia súng đạn đâu mà vẫn đánh được... Nằm ngay trong đồn địch mà lại kêu hết đạn à?...

Những tiếng nói của anh kéo dài, khề khà, không ra nói với mình, cũng không ra giả nhời câu hỏi của người cán bộ trung đội. Nhưng người cán bộ này bỗng cúi mặt lúng túng ngượng nghịu. Anh không nói gì thêm nữa, lủi ra.

Trung đoàn trưởng ngồi xếp bằng tròn giữa hầm, đầu bịt băng trắng, mặt anh không gầy đi mà lại hơi nề ra, trông anh lúc này vững chắc như một pho tượng. Mấy cán bộ ngồi quây bên anh có lúc cảm thấy như trung đoàn trưởng không phải đang ngồi giữa một trận đánh ác liệt.

- Tình hình khó khăn? Nhưng, dù thế nào ta cũng phải giữ cửa đột phá. Nó là bàn đạp để có tiếp viện là lại tiếp tục đánh nữa. Quyết tâm của tôi thế này: Với lực lượng tất cả chúng ta còn lại, ta tổ chức phòng ngư ở đây, giữ chắc lấy cửa đột phá, không để địch chiếm lại. Một mặt cử người ra ngoài xin chỉ thị của đảng ủy trung đoàn và đại đoàn... Các đồng chí thấy thế nào?

Mấy người đều đồng ý, Trang suy nghĩ một lát rồi nói tiếp:

- Về mặt chính quyền, tôi là người trực tiếp chỉ huy các đồng chí. Về mặt Đảng, chúng ta phải thành lập ngay một chi bộ đặc biệt. Thay mặt đảng ủy trung đoàn, tôi ủy nhiệm đồng chí Thọ đứng ra tổ chức, và chỉ định đồng chí Thọ làm bí thư.

Chỉ mười phút sau, mà có lẽ không đến, cũng tại ụ súng bằng gạch mặt quay về đỉnh đồi đã bị đại bác bắn sập, chắc kẻ địch tưởng ta không còn ẩn náu bên trong được nữa, cũng vẫn những người ấy lại họp với nhau. Chỉ khác hơn một chút, lần này có mặt thêm hai người nữa, trung đội trưởng Cương và một đồng chí liên lạc. Họ vẫn trao đổi về những điều đã thống nhất trong cuộc họp trước. Nhưng không khí tự nhiên nghiêm trang hơn. Đây là cuộc họp của những người đảng viên bàn cách thực hiện nhiệm vụ mà đảng ủy cấp trên đã giao cho họ.

Chính trị viên đại đội Thọ nói:

- Theo chỉ thị của đồng chí đại diện trung đoàn ủy chúng ta thành lập một chi bộ đặc biệt để lãnh đạo cuộc chiến đấu. Tôi được chỉ định đứng ra tổ chức và làm bí thư. Tôi xin tuyên bố đây là cuộc họp của chi bộ. Tình hình chiến đấu như các đồng chí đã biết đang gặp khó khăn. Lực lượng ta còn ít. Anh em thương vong nhiều. Thương binh chưa đưa ra ngoài được. Địch lại liên tiếp phản kích. Trên đã chỉ thị cho ta phải giữ vững cửa đột phá này không để địch chiếm lại, buổi tối tiếp tục đánh nữa. Để thấy quyết tâm của trên, tôi đề nghị với các đồng chí mấy điểm:

- Thứ nhất, chúng ta sẽ chia nhau đi tìm các thương binh nhẹ và thu thập vũ khí, đặc biệt là lựu đạn, về tập trung ở đây để tổ chức chiến đấu. Với thương binh nặng, chúng ta động viên anh em giữ vững tinh thần, không kêu la làm ảnh hưởng đến người khác.

- Thứ hai, chúng ta sẽ cử ra một đồng chí chịu trách nhiệm mang báo cáo về cho trung đoàn.

- Thứ ba, nếu địch đến, mọi người chúng ta từ cán bộ đến chiến sĩ đều cầm vũ khí chiến đấu, còn một người cũng không để cửa đột phá lọt vào tay quân địch. Tôi xin nêu ba điểm như thế để chi bộ góp ý kiến.

Cương giơ tay xin nói:

- Các ý kiến của đồng chí bí thư tôi đều tán thành. Tôi xin đem báo cáo về trung đoàn.

Trang chăm chú nhìn Cương rồi hỏi:

- Có phải đồng chí chỉ huy đánh bộc phá đêm hôm qua không?... Tôi thấy nên giao việc đem báo cáo cho đồng chí khác, đồng chí Cương ở lại để chuẩn bị đêm nay tiếp tục đánh hầm ngầm.

Cuộc họp kết thúc rất nhanh. Các ý kiến của Thọ đưa ra đều trở thành nghị quyết của chi bộ. Riêng việc dưa báo cáo về trung đoàn, chi bộ đồng ý giao cho đồng chí liên lạc. Anh ta nhét mảnh giấy nhỏ của trung đoàn trưởng vào túi áo ngực, đổi đôi giày đã bề của anh lấy đôi giày còn lành lặn của chính trị viên đại đội Thọ, rồi buộc túm ống quần lại. Trước khi anh chạy đi, trung đoàn trưởng nắm tay anh, nhìn vào cặp mắt có đôi con ngươi màu vàng trong như thuỷ tinh, cặp mắt của những người miền núi, dặn thêm:

- Nếu bị thương nhẹ thì đồng chí cố gắng đi đến nơi. Nếu bị thương nặng, đồng chí phải làm thế nào giao báo cáo này cho một người khác, thương binh cũng được, bảo họ tìm mọi cách đưa báo cáo này về cho chính ủy trung đoàn. Và hoàn thành nhiệm vụ rồi, đồng chí ở nhà nghỉ ngơi, không cần quay lại đây nữa.

Trung đoàn trưởng nghĩ rằng anh ta không thể gặp may đến hai lần... Anh không muốn người liên lạc sau khi đã làm tròn nhiệm vụ khó khăn này lại hy sinh.

Họ chia nhau đi các đường hào. Sau khi được cán bộ tới nói lại tình hình và nghị quyết của chỉ bộ, tiếng rên la của các thương binh dịu hẳn đi. Quân và Cương cùng đi một hướng chỉ mang về một khẩu trung liên đầu bạc với số đạn rất ít, họ không tìm được quả lựu đạn nào. Đại đội trưởng Khỏe tỏ ra xuất sắc về mặt này, anh vác về ca một hòm lựu đạn mỏ vịt. Thọ không kiếm được vũ khí nhưng dắt về hai chiến sĩ. Hai người này vốn giữ bazôka: súng họ đã hỏng rồi cả hai đều nói là không biết đánh bộc phá. Trung đoàn trưởng gọi Cương bảo:

- Đồng chí huấn luyện ngay cho anh em. Chỉ cần mấy động tác chính thôi. Còn đâu luyện tập tốt hơn là ở ngay trận địa! Tôi mọi ngày có tập tiểu liên bao giờ đâu thế mà hôm nay đi với các đồng chí tập một hai lần, bắn cũng được đấy chứ!

Vẫn cái giọng nói dề dà ấy. Những câu nói thường thường đứt quãng đó, lén chặt vào nhau, như những tảng đá hộc ở một cái đập nước.

Đại đội trưởng Khỏe vét được trong mảnh nilông một ít vụn thuốc lào to hơn hột đỗ. Anh xé một mảnh giấy bọc thuốc lá, cuộn lại thành hình sâu kén. Mấy người đều nhường nhau hút trước. Cuối cùng, trung đoàn trưởng nghiện nặng nhất hút lần đầu, Khỏe xái hai và Quân xái ba. Thọ không hút thuốc lào. Anh mới nhặt đâu được một chiếc dao bào. Anh ngồi trên chiếc hòm đạn, một tay căng da mặt, một tay cạo râu. Chắc anh muốn đề phòng gặp phải một người thương binh thứ hai, nhìn râu anh nhất định bảo anh là lính ma rốc.

Điếu thuốc lào mang lại cho những người nghiện một sự hưng phấn khác thường. Mặt trung đoàn trưởng bỗng đỏ hồng lên, mắt đờ ra một lúc. Anh trở lại với vẻ hồn hậu mọi ngày, không còn dấu vết những nét sắc sảo trong những giờ gay gắt vừa qua. Anh mủm mỉm cười nói:

- Giá bây giờ có một nhà văn nghệ ở đây mà tả cảnh này nhỉ!...

Tại sở chỉ huy của trung đoàn, đồng chí chính ủy đứng ngồi không yên. Đã sáu giờ đồng hồ liền, mất hẳn liên lạc với trung đoàn trưởng trên đồn. Chốc chốc chuông điện thoại lại reo. Bộ tư lệnh đại đoàn và Bộ chỉ huy Mặt trận luôn luôn điện hỏi tin tức về trung đoàn trưởng, làm anh càng thêm rối ruột. Trước cửa đột phá, địch đã phủ một lưới lửa rất dày. Mấy đồng chí liên lạc cử đi đều mất hút. Đại đoàn trưởng ra lệnh cho anh phải chấn chỉnh bộ đội để tiếp tục chiến đấu, và chính anh phải trực tiếp phụ trách vấn đề tiếp tế lương thực đạn dược cho bộ đội. Ngày hôm qua đã huy động những lực lượng vệ binh, vận tải đi chiến đấu. Hôm nay tiếp tục huy động đến các chiến sĩ cấp dương và nhân viên công tác ở văn phòng. Một đội quân mang theo cơm, nước, bộc phá và đạn dược đã túc trực sẵn sàng, chỉ đợi trời tối là vượt qua 'hàng rào lửa lên đồn.

Chính ủy đang đứng trước cửa hầm bỗng thấy tiểu đoàn trưởng Quỳ, đầu không đội mũ, ống quần rách toạc, hớt hải chạy về.

Anh hỏi:

- Đồng chí về làm gì? Tình hình trên đồn thế nào?

- Địch phản kích đánh bật cả ta ra rồi. Trên đồn không còn ai. Cửa đột phá cháy hết. Chúng đuổi theo tôi, khéo mà ập đến đây bây giờ.

- Trung đoàn trưởng hiện nay ở đâu?

Đôi mắt anh ta nhìn xuống đất, câu trả lời ngập ngừng:

- Tôi cũng không rõ... Nó đánh thốc ra... bộ đội còn lèo tèo vài người, rút tán loạn cả, chẳng còn nhận ra ai...

Chính ủy hỏi gặng:

- Có đúng là hiện nay cửa đột phá không còn ai không?

- Tôi đã nói với anh ta... không còn ai. Tôi là người chạy ra sau cùng.

Một tiểu đội do một cán bộ trung đội chỉ huy cách đây nửa giờ được lệnh lên đồn tiếp viện, cũng mang vũ khí quay về, mặt mày ngơ ngác. Tham mưu trưởng hỏi họ:

- Tại sao các đồng chí quay lại?

Người trung đội trưởng trẻ măng chỉ tiểu đoàn trưởng Quỳ:

- Đồng chí Quỳ bảo chúng tôi quay lại, cửa đột phá không còn ai, có một tiểu đội lên đồn hy sinh vô ích.

Tham mưu trưởng quay lại nhìn tiểu đoàn trưởng Quỳ.

Quỳ nói:

- Tôi bảo họ như thế đấy! Cửa đột phá cháy hết. Trong đồn không còn ai. Họ có một tiểu đội thì lên làm gì!

Trước khi xông lên đồn địch, hắn không hề nghĩ trong trận đánh này mình sẽ rút chạy. Hắn đã chiến đấu nhiều lần. Hắn vẫn cho là mình đã nắm được cái bí quyết của những cuộc chiến đấu... Phải có gan trong vài giờ, phải nghiến răng lại mà chịu đựng những đòn roi của kẻ thù, rồi mọi khó khăn sẽ qua đi, mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Lần này, trong những giờ đầu hắn đã làm được như thế. Hắn rất tỉnh táo chỉ huy bộ đội. Đơn vị hắn tiến khá nhanh. Các cán bộ dưới và chiến sĩ vẫn nhìn thấy mặt người chỉ huy của mình ở chỗ khó khăn như mọi lần. Nhưng rồi cuộc chiến đấu đã kéo quá dài. Hắn nghiến răng mãi, nguy hiểm vẫn không qua đi mà lại đến mỗi lúc một nhiều. Nhưng sợi dây thần kinh của hắn chùng dần. Hắn cố tự bảo mình: Gắng nữa lên... Nếu cứ sợ hãi thế này thì mình sẽ thành một người khác mất... Lúc ấy, bất thần kẻ địch từ phía cạnh sườn xông lại. Hắn hoảng lên, bỏ ụ súng, quay đầy chạy về phía sau. Ngay lúc đó, hắn vẫn tự hỏi mình: Sao lại chạy thế này? Phải dừng lại thôi. Hắn nhìn dọc chiến hào tìm một ụ súng chắc chắn, một trận địa để đối phó với địch. Nhưng hắn thấy chỗ nào cũng đổ vỡ cả, chỗ nào cũng không chắc chắn cả. Thế là hắn cứ tiếp tục chạy. Một vài chiến sĩ ùa theo hắn. Đến lúc đó thì hắn lao đầu vượt cả lên trên người chạy trước để mong thoát khỏi chốn này... Và bây giờ, hắn đã trở thành một con người khác rồi. Tư tưởng quẫn loạn đã làm cho hắn tin rằng người thoát thân độc nhất là hắn, tất cả bộ đội đều dồn dã bị toán quân địch đuổi theo hắn tiêu diệt hết.

Tham mưu trưởng một mặt ra lệnh cho các bộ phận trợ chiến của mình, một mặt đề nghị với pháo binh sẵn sàng khi có yêu cầu sẽ bắn thật mạnh vào cửa đột phá, ngăn cản không cho địch tiến ra ngoài, bảo vệ thương binh còn nằm chung quanh đồn.

Chính ủy gọi tham mưu trưởng vào hầm.

- Đồng chí thấy báo cáo của đồng chí Quỳ thế nào? Với tham mưu trưởng, câu hỏi có vẻ đột ngột làm anh im lặng. Người cán bộ chỉ huy này xưa nay chiến đấu cũng khá, anh ta có đôi chút kiêu kỳ về trình độ học thức của mình, nhưng cái đó không sao. Chả nhẽ anh ta lại báo cáo láo?... Cán bộ chính trị họ hay cảnh giác thật...

Chính ủy lại nói:

- Tôi thấy thái độ đồng chí đó không bình thường. Cần phải kiểm tra lại báo cáo của cậu ta.

Sau khi hội ý với chính ủy, tham mưu trưởng cùng một tổ quân báo đi lên Đồi Cháy.

Anh nép mình sau những thân cây đổ nhìn sang đồn địch. Cửa đột phá vắng ngắt. Có lẽ không còn quân ta trên đồi thật. Nhưng đôi lúc anh lại nhìn thấy từ trong chiếc lô cất gạch nhô ra một bóng người đầu không đội mũ. Kẻ địch trong chiến đấu thường bao giờ cũng đội mũ. Nhưng điều đó có đủ để anh tin là quân ta vẫn có cửa đột phá không? Các khẩu pháo đều đã ngậm đạn chỉ đợi một hiệu lệnh của anh là nhả vào nơi trung đoàn trưởng đang ngồi.

Trời đã ngả về chiều.

Trang chốc chốc lại nhìn đồng hồ. Tiếng máy chạy ì ạch như tiếng bánh xe của một chiếc xe bò chở nặng leo dốc. Địch mới điều thêm một chiếc xe tăng lên đồn Châu Ún, bắn vào cạnh sườn trận địa ta. Những tiếng nổ rất căng. Vết thương trên trán lúc này làm đầu óc Trang ngây ngất. Anh ngả lưng nằm nghỉ trên một cái rầm đổ. Tiếng thương binh bên ngoài vẳng tới:

- Cựa quậy mãi, đè lên người ta rồi!

- Cố chịu một tí các đồng chí ơi!...

Các hầm đều chật căng thương binh. Quân và Khỏe phải ngồi ngoài hào trống. Mỗi lần nghe tiếng tiểu bên hay lựu đạn địch nổ, hai người lại nhoài mình nằm bò lên ụ súng, đầu mỗi người quay về một phía địch có thể đi, chân họ chạm vào nhau để khi cần thì làm ám hiệu. Cách đó một quãng. Cương hướng dẫn cho hai chiến sĩ đánh bộc phá.

Quân đang ngồi thì một bóng đen từ trên miệng hào nhảy xuống suýt trúng đầu anh. Tưởng địch, Quân vội né sang bên, súng ngắn. Nhưng anh nhận ra là một chiến sĩ của ta...

- Đơn vị nào đây?

- Tôi là điện thanh đi tìm trung đoàn trưởng Trang đây. Đồng chí có biết trung đoàn trưởng ở đâu không?

Quân ôm chầm lấy người chiến sĩ kéo vội lại hầm trung đoàn trưởng. Trang nằm trong nghe tiếng "điện thanh" đã ngồi nhổm dậy. Anh hỏi người chiến sĩ đeo hòm máy vừa bước vào:

- Máy làm được không?

- Báo cáo anh được ạ!

- Căng ngay dây trời lên!

Lúc này mới thấy giọng nói trung đoàn trưởng vội vàng.

Người chiến sĩ điện thanh ném chiếc dây lên nóc hầm.

Máy vừa chạy anh nghe tiếng của trung đội trưởng thông tin: “Cậu Chư có lẽ hy sinh mất rồi!”. Anh vội nói: “Chư đây! Chư đây!”. Anh sợ không nói ngay cho đằng kia biết, theo nguyên tắc bí mật, khi một người trong màng lưới mất tích tất cả các đài sẽ chuyển sang làn sóng khác. Một câu hỏi dè dặt:

- Ai là trưởng của Bình? Ai là trưởng của Chư?

Chư biết tiếng nói của anh bị nghi ngờ. Ở nhà đang thử xem có phải dùng anh, hay là kẻ địch lẻn vào luồng sóng đánh lừa ta. Chư trả lời ngay:

- N là trưởng của Bình, Q là trưởng của Chư.

Tiếng nói đằng kia trở nên mừng rỡ:

- Đi đâu mà bây giờ mới bắt liên lạc, tưởng cậu "lãi" rồi.

- Đi tìm "Em Trang". Đã gặp "Em Trang" đây rồi!

Cùng một lúc hàng chục đài ở các nơi nhao nhao tíu tít bắt liên lạc. Anh có cảm tưởng như mình là người đi biệt tăm tích hàng chục năm nay giờ bỗng gặp lại gia đình.... Chưa lúc nào anh thấy sung sướng và cảm động bằng lúc này. Anh luống cuống không biết trả lời nơi nào trước.

Anh chiến sĩ điện thanh bắt đầu chuyển đi báo cáo của trung đoàn trưởng. Nét mặt Trang trở nên đăm chiêu. Cuối bản báo cáo, anh bảo người chiến sĩ nói thêm:

- Khi lên nhớ mang thêm cả nước đường và thuốc lá Hoa Lư nhé! Trung đoàn trưởng vừa nói vừa nhếch mép cười.

Một lát sau, từng loạt tiếng nổ đầu nòng từ phía núi có trọng pháo ta đặt vọng lại. Đạn ầm ầm trút xuống giữa đỉnh đồi. Trong khi trọng pháo ta đổ đạn xuống đầu địch, đồng chí chính ủy trung đoàn người nhỏ bé, vác bộc phá trên vai, cùng một đoàn tiếp tế và tải thương vượt qua cửa đột phá đã trọc lốc không còn một chiếc cọc, một sợi dây thép gai, đất nát vụn như cát.

Mặt trời tím bầm đang ngụp dần xuống biển núi phía tây. Núi như những người khổng lồ phơi bụng giữa trời, chen chúc, chồng gối lên nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx