sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cha, điểm tựa đời con - Chương 02

TÀI SẢN THỪA KẾ

Cho đến tận năm ba mươi ba tuổi, đối với tôi, cụm từ “tài sản thừa kế” cũng chỉ là một cụm từ bình thường. Nó chỉ liên quan đến những món quà mà tôi nhận được từ những người thân đã qua đời của mình.

Hai vợ chồng tôi đều lớn lên trong gia đình có cha làm nghề xây dựng. Đó là lý do vì sao chúng tôi quyết định tự xây nhà cho mình thông qua sự tư vấn của hai bên gia đình.

Cha của Linda sống cách chúng tôi năm mươi dặm, và ông đang chống chọi với bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Còn cha tôi, thật may mắn là ông vẫn còn khỏe mạnh và đang làm quản đốc cho một công ty xây dựng. Mặc dù được sự tư vấn của cha nhưng tiến độ xây dựng của căn nhà chúng tôi vẫn rất chậm chạp.

Ba tháng sau khi vợ chồng tôi bắt tay vào xây nhà, Linda mang thai đứa con thứ hai. Khi ấy, chúng tôi vẫn đang ở nhà thuê và phải trả những khoản vay ngân hàng. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng tôi gửi con cho bà nội để đến kiểm tra và sửa soạn cho nhà mới. Chẳng bao lâu sau, lịch làm việc kín mít cộng với áp lực về tinh thần đã khiến cả tôi và Linda bị ốm. Chúng tôi cần người phụ việc. Thế là vợ chồng tôi quyết định thuê Don Cronk - một chuyên gia xây dựng - đến làm nốt phần việc còn lại cho ngôi nhà của mình.

Chú Don chỉ mất chưa đầy một tuần để làm xong công việc mà có thể vợ chồng tôi phải cần sáu tuần lễ mới hoàn thành. Chúng tôi vui mừng vì mọi thứ tiến triển nhanh chóng nhưng cũng hết sức lo lắng khi nghĩ đến số tiền phải trả cho Don.

Nhưng khi Don đưa hóa đơn thanh toán cho vợ chồng tôi, chúng tôi thật sự bất ngờ, số tiền trên hóa đơn thấp hơn nhiều so với số chúng tôi đã ước lượng.

- Chú Don ơi! Cháu nghĩ hóa đơn này sai rồi!

Chú Don mỉm cười, bảo đảm với tôi rằng số tiền này là hợp lý cho dù nó quá nhỏ so với những gì tôi và Linda đã tính toán.

Chú Don nói:

- Khi tôi sa cơ thất thế, cha của cậu là người duy nhất nhận tôi vào làm việc. Suốt thời gian qua, tôi đã không làm được gì nhiều cho ông ấy. Vì thế, mong cậu hãy xem đây là món quà nhỏ tôi tặng cậu, cũng là tấm lòng của tôi đối với những gì cha cậu đã làm cho tôi trước kia.

Món quà của Don thật sự quá bất ngờ đối với tôi! Và tôi nghĩ đến cha với lòng biết ơn vô bờ bến. Cha đã sống một cuộc đời ý nghĩa và tạo phúc cho con cháu.

Ngày hôm đó, tôi đã được thừa kế một tài sản vô cùng quý báu từ người cha kính yêu của mình. “Tài sản thừa kế” không chỉ mang ý nghĩa tiền bạc vật chất mà nó còn là những ân đức mà ta nhận được từ người thân. Tôi muốn học tập cha để tạo nên thật nhiều phúc lành cho các con. Tôi muốn chúng nhận được “tài sản thừa kế” đặc biệt như mình đã nhận được từ cha hôm nay.

- Ed VanDeMark

XIN CHÀO… VÀ TẠM BIỆT BỐ!

“Tôi không thân mật với bố, nhưng bố có vị trí rất đặc biệt đối với tôi. Khi tôi còn nhỏ, bố luôn rất đỗi tự hào về những việc tôi làm như tập bơi hoặc diễn kịch trong trường. Bố luôn nhìn tôi bằng ánh mắt tin cậy. Điều đó làm tôi cảm thấy tuyệt vời.”

Diane Keaton

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã không thích việc đi lại bằng máy bay. Cảm giác khi máy bay cất cánh luôn khiến tôi sợ hãi. Thế nhưng hôm nay, tôi lại có một quyết định trái với thói quen thường ngày: đáp máy bay tới California thăm cha. Nhìn những đám mây ngoài cửa sổ máy bay, tôi chợt nhớ về thời thơ ấu của mình.

- Victoria ơi! Con có thư này!

Tiếng gọi của bà nội khiến tim tôi như ngừng đập trong giây lát vì từ trước đến giờ tôi chưa nhận được lá thư nào cả!

Tôi chạy như bay về phía bà nội. “Từ từ chứ con,” bà nhìn tôi trìu mến với nụ cười hồn hậu trên môi. Tim tôi đập mạnh khi nhận ra “lá thư” mà bà nói chính là một gói quà! Một gói quà dành cho tôi! Tôi ngồi xuống trường kỷ, vội vã bóc tấm giấy màu nâu bao bọc bên ngoài gói quà. Tôi thậm chí không cần biết ai đã gửi quà bởi điều đó không quan trọng với tôi lúc này. Tất cả những gì tôi quan tâm là món quà này dành cho tôi!

Giấy gói quà bên ngoài rơi xuống nền nhà, và qua lớp giấy kính, tôi nhìn thấy món quà của mình. Thật không thể tin được: một con lật đật màu đỏ với chiếc áo kiểu màu trắng có cầu vai xanh và nơ viền đăng-ten ở hông. Tôi hét lên sung sướng, ôm món quà đứng bật dậy. Bỗng tôi nghe thấy có một vật gì đó vừa rơi xuống sàn nhà. Tôi dừng lại, nhìn xuống dưới chân mình và nhận ra một đồng xu màu trắng.

- Bà ơi! Ai đó tặng thêm cho con một đồng xu nữa bà ạ.

Tôi nhặt đồng xu lên, cảm nhận cái mát lạnh của kim loại trong bàn tay mình. Bà đứng nhìn tôi, gật đầu vui vẻ.

- Bố con gửi đó. Đấy là quà sinh nhật bố dành cho con.

- Thật thế hả bà? Đúng là của bố gửi cho con ạ?

Tôi không gặp lại bố kể từ lúc tôi được mười tám tháng tuổi. Thậm chí đến bây giờ tôi còn không nhớ được khuôn mặt của bố ra sao nữa. Tuy nhiên, tôi tự tưởng tượng ra hình ảnh bố của riêng mình. Trong suy nghĩ của tôi, bố là một hiệp sĩ cưỡi trên tuấn mã tuyệt đẹp và luôn gọi tôi là “Công chúa nhỏ”.

Tôi không cho phép bất kỳ ai nói xấu về bố. Hình ảnh bố trong tôi luôn tuyệt đẹp và tôi yêu bố hơn bất cứ thứ gì trên đời. Hơn nữa, bố rất gần gũi với tôi vì tôi luôn mang theo bức ảnh bố bên người. Giữa hai bố con tôi luôn có những cuộc trò chuyện rất thú vị.

Máy bay rung chuyển mạnh khi bay vào vùng thời tiết xấu; đèn báo dây an toàn bật sáng. Tôi thắt chặt dây an toàn của mình và quay về thực tại. Một nữ tiếp viên chạm nhẹ vào vai tôi khiến tôi giật mình ngồi thẳng dậy. Sau khi bình tĩnh trở lại, cả hai nhìn nhau, bật cười.

- Chị có cần dùng một chút gì không? - Cô hỏi với một nụ cười nhẹ.

Tôi trả lời với đôi chút ngượng ngập:

- Cảm ơn chị, tôi không cần gì.

- Còn ba mươi phút nữa chúng ta sẽ hạ cánh.

Cô tiếp viên nói rồi quay lưng bước đi. Tôi nhắm mắt lại, chợt nghĩ: “Ba mươi phút nữa thôi mình sẽ được gặp bố”. Sau hai mươi lăm năm đằng đẵng, giờ tôi mới thực sự được gặp người mà tôi gọi là bố. Tôi chưa từng mong đợi gặp ai như được gặp bố. Tôi yêu bố ngay cả khi chưa hề biết mặt ông. Đơn giản bố là bố của tôi.

Tôi bước xuống khỏi máy bay lúc mặt trời đứng bóng. Tôi hít một hơi thật sâu rồi bắt một chiếc taxi đến chỗ bố. Vậy là cuối cùng tôi cũng được gặp người cha yêu quý của mình.

Tôi mở cánh cửa nhà thờ, chậm rãi bước vào gian cung thánh. Không gian quanh tôi yên ắng đến lặng người.

- Con chào bố! Con là con gái nhỏ Victoria của bố đây.

Tôi chạm vào chiếc quan tài, nơi bố tôi đang nằm, và cảm nhận cảm giác giá lạnh lan khắp bàn tay rồi cả cơ thể mình. Tôi cố gắng kìm nén dòng cảm xúc đang trào dâng trong lòng khi đứng gần quan tài của bố. “Con chỉ muốn nói với bố là con rất yêu bố! Con nhớ bố lắm, bố ạ!”. Tôi rướn người lên, chạm vào mái tóc và gương mặt của bố - gương mặt tôi mới chỉ nhìn thấy lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng.

- Bố ơi! Bố có nhớ ngày sinh nhật của con năm con lên bảy tuổi không? Con thực sự rất hạnh phúc vào ngày hôm đó, bố ạ.

Giọng nói của tôi vỡ òa trong nước mắt.

- Con đã giữ món quà của bố bên mình suốt bao nhiêu năm nay. Nhưng bây giờ con muốn bố mang theo nó.

Tôi đặt đồng bạc xuống bàn tay bố. “Như vậy là bố con mình sẽ giữ một phần món quà đó, bố nhé!” - Tôi thầm nghĩ.

- Con chào bố và… tạm biệt bố. Con chỉ ước sao con có thể cảm nhận được cánh tay bố ôm con và nghe thấy tiếng bố gọi con là “Công chúa nhỏ” dù chỉ một lần thôi.

Trong lúc tôi đang chìm trong nỗi đau đớn đến vô cùng thì có một bàn tay đặt lên vai tôi. Và một giọng nói cất lên:

- Cháu có phải là Victoria, con gái của ông Harold không?

Tôi quay lại, gạt nước mắt, trả lời:

- Vâng ạ!

Người đàn ông nắm lấy tay tôi và nói:

- Bác đã biết cháu ngay từ lúc cháu mới sinh ra, dù chúng ta chưa một lần gặp mặt. Cha cháu luôn nhắc về cháu với tất cả tình yêu thương. Ông ấy luôn mang theo một tấm hình của cháu trong ví và lúc nào cũng coi cháu là “Công chúa nhỏ” của mình.

- Victoria Robinson

TRÒ CHUYỆN VỚI BỐ

Jason là một trong những học sinh tiếp thu bài chậm chạp nhất trong lớp mà tôi đang phụ trách. Tôi chú ý đến Jason ngay từ khi cậu bé mới nhập học. Jason ít khi tập trung vào bài vở và thường nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ. Thông thường, cậu bé chỉ kịp làm nửa bài kiểm tra thì chuông reo hết giờ. Mẹ Jason rất lo lắng trước tình hình của con và luôn hy vọng cậu bé sẽ tiến bộ hơn khi vào trung học. Nhưng đến bây giờ, khi đã vào lớp sáu, khả năng tiếp thu bài của Jason vẫn không có gì tiến triển. Jason cần phải thật cố gắng mới hy vọng bắt kịp các bạn trong lớp.

Một lần, công ty Phát hành Sách Quốc gia hứa sẽ giúp chúng tôi tập hợp các bài viết của học sinh trong trường để in thành sách và lưu giữ trong thư viện. Tất cả học sinh đều hào hứng bắt tay vào việc sáng tác. Vì quá trình biên tập sẽ mất khá nhiều thời gian nên tôi quy định các em phải hoàn thành tác phẩm của mình trong vòng sáu tuần để tôi có đủ thời gian đọc và chỉnh sửa.

Đến ngày nộp, Jason xin tôi gia hạn thêm thời gian để em đầu tư cho bài viết của mình. Tôi đã nhận được một số tác phẩm của các em học sinh với đề tài về cuộc sống của người ngoài hành tinh hay các chuyến du hành thú vị đến những miền đất xa xôi. Tôi gợi ý cho Jason một số đề tài về cuộc sống thường nhật cùng những mối quan hệ xung quanh nhưng có vẻ cậu bé vẫn chưa tâm đắc với chúng.

Trước ngày tôi gửi các bài viết cho công ty Phát hành Sách, Jason đến gặp tôi với xấp bản thảo nhàu nhĩ trên tay. Tôi ngán ngẩm nghĩ đến cảnh phải đọc và giúp cậu bé viết lại nó một lần nữa. Tôi cầm bản thảo, phê bình Jason đã quá chậm trễ và bảo cậu bé về chỗ ngồi. Dù chẳng còn đủ thời gian để giúp cậu bé nhưng tôi cũng cố gắng liếc qua phần bìa tác phẩm. Bài viết có tựa: “Đứa con thiếu vắng bố”, phần phía dưới vẽ một con bươm bướm với vẻ mặt buồn bã đang bay trong mưa. Tôi nhìn tác phẩm của Jason, lòng đau nhói. Ở trang kế tiếp, cậu bé viết: “Dựa trên câu chuyện có thật”.

Tôi ngẩng lên nhìn Jason và thấy cậu bé đang đưa mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ như mọi khi. Tôi đọc lướt qua bài viết của cậu, không kịp để ý tới lỗi chính tả hay vết keo nham nhở quanh mép các tấm hình minh họa. Một tấm hình chụp Jason khi còn bé, tấm khác chụp cậu bé đang nằm gọn trong vòng tay của bố và một tấm nữa chụp cảnh cậu bé ngồi trong lòng mẹ vừa khóc vừa nhìn chiếc bánh sinh nhật.

Câu chuyện của Jason như sau:

“Một cậu bé nọ đang sống trong một gia đình hạnh phúc. Một ngày nọ, cậu bé thức dậy và nhận thấy quanh mình có điều gì đó bất ổn. Mẹ cậu đang ngồi khóc một mình bên bàn ăn. Cậu nhìn quanh nhưng không thấy bố đâu cả. Cậu bé hỏi mẹ bố đâu rồi thì nhận được câu trả lời:

- Bố đã đi đến một nơi tốt hơn rồi con ạ.

Cậu bé rơi vào khủng hoảng và bắt đầu sống với những cơn ác mộng vào ban đêm. Rất nhiều lần cậu bật dậy giữa đềm khuya và hét lớn: “Bố ơi!”. Những lúc đó, mẹ cậu bé chỉ biết ôm cậu vào lòng và hai mẹ con cùng cầu nguyện. Cậu bé nhiều lần cầu xin Chúa cho mình được nói chuyện với bố, dù chỉ một lần, để cậu nói với bố những điều cậu ấp ủ bấy lâu nay. Ngày sinh nhật lần thứ năm, cậu buồn đến nỗi chẳng thèm ngó ngàng đến những món quà và cũng không buồn thổi nến. Lên tám tuổi, cậu bé dần quen với cuộc sống thiếu sự chở che của bố. Nhưng sâu thẳm trong lòng cậu bé, một nỗi đau vẫn âm ỉ cháy. Cậu cũng cảm nhận được nỗi đau của mẹ trước sự ra đi của bố cũng như sự khó nhọc của mẹ trong việc nuôi dạy mình.”

Ở trang cuối cùng, Jason viết: “Cuối cùng, cậu bé cũng biết nên làm gì trong trường hợp người thân của mình đi xa. Cậu biết chắc chắn mình sẽ được gặp lại cha vào một ngày nào đó. Hai cha con chỉ phải xa cách nhau một thời gian mà thôi. Và giờ đây, dù không đựoc gặp cha mỗi ngày nhưng cậu tin cha vẫn đang hằng dõi theo cậu mỗi ngày. Cha không bao giờ để cậu đơn độc.”

Tôi lặng người khi đọc bài viết của Jason. Tôi giúp Jason sửa lỗi chính tả, ngữ pháp và scan những tấm hình minh họa cho em. Bài viết của Jason còn thiếu một trang so với quy định nên tôi gợi ý cậu viết thư cho cha.

“Bố thương yêu! Bố có khỏe không ạ? Con ước gì mình có thể được nhìn thấy bố thêm một lần nữa. Con có rất nhiều điều muốn nói với bố. Bây giờ con đã lớn lắm rồi. Con đang học lớp sáu. Con đã biết chơi một số môn thể thao như bóng rổ và bóng đá. Từ ngày bố đi, mẹ phải thay bố cáng đáng mọi việc trong gia đình. Con đang cố gắng trở thành người đàn ông tốt để có thể thay bố chăm sóc cho mẹ. Con luôn mong đợi tới ngày được gặp lại bố.

Con trai Jason của bố

Tái bút: Con yêu bố nhiều lắm!”

Khi tập sách của chúng tôi được xuất bản, nhiều người đã bật khóc khi đọc câu chuyện của Jason. Mẹ cậu bé nói với tôi rằng bà không hề biết về tâm sự của con trai mình. Câu chuyện đã gây chú ý tới Đài truyền hình địa phương. Họ mời Jason đọc lại nó để phát sóng trong Ngày của Cha. Chẳng bao lâu sau, câu chuyện của cậu bé đã phổ biến khắp vùng.

Cuộc sống của Jason có nhiều thay đổi kể từ ngày đó. Cậu bé bắt đầu tiến bộ hơn trong việc học tập. Thế nhưng thỉnh thoảng, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh Jason nhìn xa xăm ngoài cửa sổ lớp học. Tôi không còn trách mắng cậu bé nữa bởi tôi biết đó là lúc cậu đang “trò chuyện” với bố mình.

- Carl Ballenas

CẢM ƠN CUỘC SỐNG

Gió heo may thổi nhè nhẹ làm mái tóc bạc trắng của bố tôi rung rinh trong nắng. Sau lưng ông, hồ nước mùa thu phẳng lặng tỏa ra ngàn tia sáng lấp lánh. Bố đưa mắt nhìn xung quanh, mỉm cười.

Thật ra tôi cũng chẳng rõ bố đang mỉm cười vì điều gì. Có thể đó là vì không khí trong lành, vì nắng đẹp, hoặc vì món tráng miệng đang đợi bố tại Trung tâm Chăm sóc, nhưng cũng có thể chẳng có lý do nào. Bố tôi bị tai biến mạch máu não đã nhiều tháng nay.

Hai bố con tôi ngồi bên nhau trong công viên vào một buổi sáng yên bình. Bố ngồi trên xe lăn còn tôi thì ngồi trên chiếc ghế đá bên cạnh, nắm chặt tay bố và cả hai cùng ngắm cảnh vật quanh mình. Tôi hỏi bố đang cảm thấy thế nào, ông trả lời: “Tốt.”

Tôi lại hỏi các y tá ở Trung tâm có đối xử tốt với bố không, ông trả lời: “Có.”

Tôi kể cho bố nghe về bữa tiệc sinh nhật đứa chắt gái thứ hai của bố và sự ra đời của đứa chắt thứ ba vào tháng ba tới.

Bố lại mỉm cười.

Cuối cùng tôi đứng lên đưa bố về lại Trung tâm. Khi tôi cúi xuống tháo phanh xe lăn, bố đưa bàn tay run run lên chạm má tôi. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt bố. Bố đang cố gắng để nói với tôi điều gì đó.

- Thật… thật… tốt…

Tôi phân vân không biêt liệu nên chờ bố nói hết câu hay đỡ lời cho ông. Kể từ ngày bị tai biến, khả năng giao tiếp của bố giảm sút nghiêm trọng. Tôi không nhớ nổi lần cuối cùng bố thốt ra một câu nói mạch lạc nhiều hơn hai từ là khi nào. Và lúc này, bố dường như đang cố sức nói với tôi điều gì đó. Có lẽ tôi phải giúp bố.

- Cái gì tốt hả bố? Thời tiết? Hay công viên? Hay là Trung tâm chăm sóc ạ?

Bố tập trung tất cả sức lực để thử một lần nữa.

- Ở đây. Được… ở… đây…

Vậy là cuối cùng bố cũng đã thốt ra điều mình muốn nói.

- Ở đây thật tốt? - Tôi lặp lại. - Có phải bố muốn nói ở đây thật tốt không ạ?

Bố mỉm cười.

Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc và hôn lên trán bố.

- Dĩ nhiên rồi. Ở đây thật tốt, bố nhỉ? - Tôi nói, giọng nghẹn ngào.

Tôi đã hiểu câu nói của bố và đưa bố quay trở về Trung tâm. Trên đường đi, tôi nghĩ về cuộc đời đầy tình yêu thương và hy sinh của bố. Đáng lý vào thời điểm phải được hưởng thành quả lao động của mình thì bố lại phải gánh chịu căn bệnh tồi tệ này. Bố có quyền than phiền về sự bất công của cuộc sống. Thế nhưng, ngay trong khoảnh khắc sáng suốt nhất, bố lại nói với tôi rằng: “Mọi việc như thế đã tốt rồi”.

Tôi liên tưởng tới cuộc sống hiện tại và nhận ra bài học mà bố mang đến cho mình. Bỏ qua mọi sự ganh đua, tranh giành, sợ hãi, cuộc sống của ta quả thật tốt đẹp vô cùng. Thật tốt khi ta được sống và trải nghiệm tất cả những cung bậc mà cuộc sống mang lại, cả tốt đẹp lẫn xấu xa, thành công lẫn thất bại, niềm vui lẫn nỗi buồn, hạnh phúc lẫn khổ đau. Ngay cả khi cuộc sống hiện tại của ta có tồi tệ như thế nào chăng nữa thì nó vẫn ẩn chứa một điều gì đó tốt đẹp. Khi hiểu được điều đó, ta sẽ học hỏi và trưởng thành hơn rất nhiều.

Tôi cố gắng diễn giải tất cả những suy nghĩ đó với bố khi đến thăm người lần sau. Và bố tôi đã mỉm cười.

- Joseph Walker

CON GÁI NHỎ CỦA BỐ

- Mẹ nói với bố hộ con nhé!

Thật là tồi tệ khi tôi biết mình mang thai ở tuổi mười bảy! Thú nhận với mẹ đã là điều quá sức với tôi nên tôi càng không dám nghĩ đến việc nói với bố. Từ trước đến nay, bố rất tự hào về tôi nên tôi luôn cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của ông. Nhưng bây giờ, mọi nỗ lực ấy đã tiêu tan. Tôi không còn là cô con gái nhỏ ngoan ngoãn của bố nữa. Tôi thở dài, mệt mỏi tựa đầu vào vai mẹ để tìm cảm giác bình yên trong thoáng chốc.

- Con hãy đi đâu đó trong lúc mẹ nói chuyện với bố nhé. Con hiểu vì sao, phải không?

- Vâng!

Tôi gật đầu. Thật khó để đối diện với bố ngay lúc này!

Chiều hôm đó, tôi đến chỗ cha Lu - vị mục sư của nhà thờ, người luôn tạo cho tôi cảm giác thoải mái khi ở bên cạnh. Mọi việc xảy ra trong cuộc sống của tôi như một cơn ác mộng nên việc được ở bên cạnh người không xét đoán và phê phán mình là điều dễ chịu nhất. Cha Lu trò chuyện, an ủi và khuyên nhủ tôi trong lúc mẹ đến văn phòng làm việc của bố để nói với ông về chuyện của tôi.

Trời tối dần và tôi nhìn thấy ánh đèn pha bên ngoài cửa sổ. Mẹ đến đón tôi về nhà và tôi biết lúc này, bố cũng đang ngồi trên xe. Tôi sợ hãi chạy khỏi phòng khách, lao vào phòng tắm nhỏ bên cạnh và khóa chặt cửa lại. Cha Lu theo sau, nhẹ nhàng khuyên:

- Con không thể trốn tránh như vậy được.

Sớm muộn gì con cũng phải đối diện với bố thôi. Bố con sẽ không trở về nhà nếu như không có con đâu. Nhanh nào, con!

- Vâng ạ! Nhưng… cha sẽ ra cùng con chứ? Con sợ…

- Dĩ nhiên rồi! Cha sẽ đi cùng con.

Tôi mở cửa và chậm chạp theo gót cha Lu đi ra phòng khách. Bố và mẹ vẫn chưa bước vào. Tôi đoán hai người vẫn còn ở ngoài xe và bố đang chuẩn bị xem nên nói gì hoặc làm gì khi nhìn thấy tôi. Tôi không sợ bố sẽ quát tháo hoặc nổi giận với mình. Bố không bao giờ làm vậy với tôi. Tôi chỉ sợ bắt gặp ánh mắt buồn sâu thẳm của bố. Bố buồn khi biết tôi đã không còn là đứa con gái bé nhỏ của bố nữa. Bố buồn khi tôi đã không đến tìm bố trong lúc khó khăn, đau khổ nhất.

Tôi nghe tiếng bước chân đang chầm chậm tiến vào nhà thờ. Tôi bắt đầu run rẩy, nấp sau cha Lu với đôi mắt giàn giụa nước. Mẹ bước tới trước, cúi chào cha Lu và quay sang nhìn tôi nở một nụ cười nhẹ. Mắt mẹ sưng mọng. Tôi cảm thấy biết ơn mẹ vì đã không khóc trước mặt tôi. Bố tôi đứng ở bên ngoài, gật đầu chào cha và tiến về phía tôi. Bố ôm tôi trong cánh tay mạnh mẽ của ông, và thầm thì:

- Bố yêu con. Bố yêu con và cũng sẽ yêu thương cả con của con nữa.

Bố không khóc nhưng tôi cảm nhận người bố đang run. Tôi biết bố phải cố gắng hết sức để không khóc trước mặt tôi. Tôi vùi đầu vào ngực bố và biết ơn bố về điều này. Khi bố lui lại nhìn tôi, tôi đọc trong mắt bố tình yêu thương và cả sự xót xa.

- Bố ơi! Con xin lỗi bố. Con thương bố nhiều lắm!

- Ừ, bố biết. Chúng ta về nhà thôi.

Chúng tôi trở về nhà; nỗi lo sợ của tôi tan biến. Dù chặng đường phía trước của tôi còn rất nhiều khó khăn và thử thách nhưng tôi cảm thấy rất vững vàng. Bố mẹ vẫn luôn yêu thương tôi vô điều kiện và trên hết, tôi vẫn là cô con gái bé nhỏ của bố. Vì vậy, tôi hiểu rằng không có ngọn núi nào tôi không thể vượt qua và không có giông bão nào tôi không thể chống chọi.

Cảm ơn bố đã cho con niềm tin vào cuộc sống!

- Michele Campbell


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx