sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cha, điểm tựa đời con - Chương 03

BUỔI SÁNG YÊN BÌNH

Không bao giờ là quá muộn khi cố gắng trở thành người như ta hằng mong muốn.

George Eliot

Tôi ngồi yên ngắm nhìn hai đứa con trai đang say sưa ngủ mà rơi nước mắt - những giọt nước mắt của sự thức tỉnh. Ký ức về những ngày tháng đã qua bỗng chốc ùa về trong tôi. Suốt thời trai trẻ của mình, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là kiếm thật nhiều tiền và tạo dựng một hình ảnh hoàn hảo trong mắt mọi người. Nhưng mọi thứ thay đổi khi cách đây một năm, tôi từ bỏ công việc hiện tại để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Một ngày, khi đang trên đường đi làm, bất chợt tôi nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục con đường kiếm tiền này thì có thể chẳng mấy chốc tôi sẽ đánh mất gia đình mình. Tôi đã từng chứng kiến nhiều phụ nữ tự một mình nuôi con mà không cần tới người đàn ông. Trong khi họ thực hiện nhiệm vụ nuôi dạy con rất tốt thì những người đàn ông chúng tôi gần như lại đứng ngoài sự khôn lớn, trưởng thành của các con.

Nhưng những suy nghĩ đó chỉ thoáng qua trong đầu tôi rồi đâu lại vào đấy, tôi lại tiếp tục công việc và hành trình không mệt mỏi của mình.

Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng chăm lo cho gia đình đầy đủ hơn. Thế rồi một ngày, khi tôi đang lái xe trên một đoạn đường quanh co bên triền núi thì một chiếc xe tải chở xăng lao thẳng về phía tôi. Tôi bẻ tay lái để tránh va chạm với chiếc xe tải đó. Tôi đâm vào vách núi bên kia đường còn chiếc xe tải thì trượt ngang qua xe tôi và đâm thẳng vào vị trí của tôi ban nãy. Tôi đã may mắn thoát chết và chỉ bị một vài vết thương trên người.

Trong suốt tuần lễ sau đó, tôi xin nghỉ phép để nhìn nhận lại cuộc sống của mình. Tôi nhận ra mình đã tốn quá nhiều thời gian để tìm kiếm những điều vô nghĩa mà quên đi những “kho báu” bên cạnh mình. Tôi có một gia đình hạnh phúc với một người vợ đảm đang và hai đứa con xinh xắn luôn coi bố là vĩ nhân.

Lặng ngắm gương mặt thiên thần của các con, tôi nhận ra niềm hạnh phúc lớn lao mà mình đang có được. Tôi không còn tìm kiếm cho mình một cuộc sống đủ đầy về mặt vật chất nữa. Tất cả mong muốn của tôi lúc bấy giờ là sống đúng nghĩa một người chồng, người cha.

Tôi từ bỏ công việc bận rộn để quay về với nghề nghiệp có vẻ đơn điệu của mình trước đây. Thay vì hối hả lao mình về phía trước, tôi có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình hơn. Và cuối cùng, tôi đã cân bằng được cuộc sống và tìm lại được cảm giác bình yên trong tâm hồn mình. Thật hạnh phúc khi được ngắm các con đang say sưa ngủ. Tôi biết mình đang mang trên vai trọng trách vĩ đại nhất của một người đàn ông: Trọng trách làm một người chồng, một người cha. Và tôi hạnh phúc vì điều đó.

- Andy Radujko

SÁNG THỨ BẢY KỶ NIỆM

Điều hạnh phúc duy nhất trên cuộc đời này là yêu và được yêu..

George Sand

Gia đình tôi có lệ dọn dẹp nhà cửa vào thứ bảy hàng tuần. Việc dọn dẹp nhà thường phân thành hai loại: việc lớn và việc nhỏ. Bố tôi thường giao cho tôi những việc nhỏ còn ông sẽ gánh vác những việc lớn. Từ nhỏ, tôi đã biết hai loại công việc ấy khác nhau một trời một vực. Việc lớn thì cần phải có chuyên môn và khéo léo trong khi việc nhỏ thì chỉ cần chăm chỉ là xong. Việc lớn thì luôn thú vị còn việc nhỏ thì luôn nhàm chán. Chẳng hạn, tỉa cành cho cây mận là việc lớn, còn nhặt nhạnh cành lá phía dưới sẽ là việc nhỏ. Có hàng trăm việc nhỏ mà tôi phải làm nên tôi rất ghét những ngày làm việc cuối tuần như thế này. Và tôi mang thành kiến ấy cho đến một buổi sáng thứ bảy nọ.

Sáng hôm đó, sau khi ăn sáng, tôi được giao nhiệm vụ thu gom những mảnh gỗ vụn - vốn là kết quả của công việc ngày hôm trước của bố. Bố đã phá cái hàng rào cũ để xây một cái mới hơn, đẹp hơn.

Công việc của tôi hôm nay có vẻ đơn giản: dọn sạch đám gỗ vụn chắn ngang đường và xếp chúng vào nhà kho. Tôi tính sẽ ném đám gỗ lên bãi cỏ phía sân sau để sau giờ ăn trưa sẽ kéo chúng vào kho chứa củi. Trong khi tôi dọn dẹp đám gỗ vụn, cha tôi đảm nhận việc thay tấm màn mới cho mái vòm phía trước nhà.

Được nửa buổi, tôi bắt đầu chán công việc của mình. Thế là tôi quyết định chuyển công việc của mình thành trò chơi. Tôi ném những thanh gỗ lên không trung để chúng lao xuống cắm vào đất. Tôi tưởng tượng mình là nhà vô địch ném lao đang ném những cú quyết định. Và cú ném cuối cùng sẽ là cú ném giành được huy chương vàng.

Trong lúc ấy, bố tôi vẫn đang cần mẫn hoàn thành công việc. Khi ông lùi lại vài bước để chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình thì một thanh gỗ bay vút lên và chọc thẳng vào giữa tấm màn mới. Nó đung đưa trên đó như mũi tên đang cắm vào tấm bia. Bố tròn mắt nhìn vào tấm màn, gần như không thể tin nổi tấm màn vừa mới được căng lên vài giây đã bị phá hỏng. Ngay lập tức, tôi nghe thấy tiếng bố gọi tên mình. Tôi biết chắc chắn mình sẽ bị ăn đòn vì trò nghịch dại này.

Tôi lầm lũi tiến vào nhà. Vừa bước vào nhà, tôi nhìn thấy cả bố và mẹ đều đang đứng trước tấm màn, chờ đợi. Ngước nhìn lên, tôi thấy mảnh gỗ mình ném đang lắc lư trên bức màn. Đúng là tai họa! Không khí im lặng trong phòng khiến tôi chột dạ. Tôi vội nghĩ đến việc biện hộ cho hành động của mình, hoặc bịa ra một lý do để bào chữa hoặc xin bố tha thứ. Tôi cúi gằm mặt xuống đất và chờ đợi sự trách mắng của bố mẹ.

Trong lúc tôi căng thẳng chờ đợi thì một tiếng cười khúc khích bật lên và cả một tràng cười dài nối tiếp sau đó. Tôi ngước lên thì thấy bố đang cười sảng khoái. Mẹ đứng bên cạnh cũng bật cười theo. Thế rồi bố vòng tay ôm lấy tôi và nói: “Không sao! Bố có thể sửa lại nó mà.” Sau đó, bố cắt một miếng vải nhỏ vá vào chỗ vừa rách.

Đó là ngày làm việc nhà cuối cùng của tôi trong mùa hè. Những năm học trung học, tôi được miễn việc nhà vì có nhiều bài tập phải làm.

Một tháng trước khi tôi tốt nghiệp phổ thông, bố tôi qua đời sau nhiều tháng bị bệnh ung thư. Mỗi lần nhớ bố, tôi lại nhớ đến tràng cười sảng khoái, đôi tay rắn chắc và tấm lòng bao dung của ông. Dù rất buồn trước sự ra đi của bố nhưng cũng tận sâu trong trái tim mình, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về buổi sáng thứ bảy đặc biệt ấy. Đó là thời khắc tôi nhận ra rằng bố đã yêu mình nhiều biết bao.

- Charles E.Harrel

ĐOM ĐÓM VÀ PHÁO HOA

Ngày 4 tháng 7 năm ấy, cả gia đình tôi cùng nhau leo lên ngọn đồi phía sau nhà để ngắm những màn bắn pháo hoa độc đáo dưới thị trấn. Từ ngọn đồi này, chúng tôi có thể quan sát được khung cảnh của cả vùng thị trấn rộng lớn phía dưới. Tối hôm ấy trời khá nóng, thỉnh thoảng mới có vài cơn gió nhẹ thổi lướt qua.

Tôi ôm Caleb - đứa con trai ba tuổi của mình - trong lòng. Tôi muốn xem thằng bé phản ứng như thế nào khi nhìn thấy những tràng pháo hoa rực rỡ trên trời. Thế nhưng Caleb chỉ ngồi yên trong lòng tôi được vài phút rồi bắt đầu cười khúc khích và chạy xuống phía chân đồi.

- Caleb, lại đây nào con!

Caleb miễn cưỡng quay trở lại và ngồi im.

- Con trai! Con có thấy những màu sắc rực rỡ đằng kia không?

- Có ạ! - Caleb đáp và nhìn xuống phía dưới chân đồi. Đoạn, thằng bé lại cười khúc khích và vụt chạy ra khỏi lòng tôi.

- Caleb, lại đây ngồi xem pháo hoa với bố này!

- Vâng ạ!

Caleb quay lại, tôi đưa tay ôm thằng bé vào lòng và cố gắng chỉ cho nó thấy những tràng pháo hoa đang sáng rực trên bầu trời. Thế nhưng, chỉ một lúc sau, Caleb lại tiếp tục tách khỏi chúng tôi. Tôi trông theo thằng bé đề phòng những bất trắc. Thế rồi bất chợt tôi thấy thằng bé reo lên một cách thích thú. Tôi vui vẻ nghĩ thầm: “Cuối cùng thì nó cũng biết thưởng thức pháo hoa rồi.”

- Bố ơi! Trông những con đom đóm kìa!

Tôi thở dài nhìn xuống phía lưng đồi. Đúng là có hàng trăm đốm lửa đang lơ lửng! Tôi vẫn cố gắng đưa thằng bé trở về với những màn pháo hoa rực sáng.

- Caleb! Nói bố nghe xem con thấy những màu gì nào?

- Kia có một con màu xanh bố ạ! Và một con màu đỏ nữa này!

Caleb không rời mắt khỏi lưng đồi, miệng liên tục thốt lên: “Ôi! Ôi kìa!”. Khi tôi chuẩn bị gọi thằng bé lại thì Kristi - vợ tôi - thì thầm:

- Anh ơi! Cứ để Caleb xem điều nó thích đi. Vài năm nữa thằng bé xem pháo hoa cũng được mà.

Tôi gần như phát cáu khi thấy Caleb không chịu ngồi yên xem bắn pháo hoa. Vậy mà trước đó, tôi đã chắc mẩm rằng con trai mình sẽ ngồi trong lòng bố rồi reo lên vui sướng mỗi khi nhìn thấy những tràng pháo xòe tung trên bầu trời. Và nó sẽ hỏi tôi rằng đó có phải là phép thuật không. Khi đó, tôi - một ông bố đầy tự hào - sẽ cù vào người nó và giải thích rằng đó hoàn toàn không phải. May mắn là Kristi đã kịp kéo tôi lại trước khi tôi có phản ứng thái quá.

Tất nhiên, điều tôi mong đợi không hẳn là sai. Nhưng tôi đã không thấu hiểu được cảm giác của con trai mình. Lẽ ra tôi nên dắt thằng bé đi xuống đồi để nó có thể thỏa thích ngắm những con đom đóm đầy màu sắc dưới đó. Pháo hoa vẫn sẽ được bắn hàng trăm năm nữa, nhưng con tôi chỉ ở tuổi lên ba một lần mà thôi.

Đúng là khi đi xuống dưới chân đồi nhìn lên, những con đom đóm trông giống như pháo hoa đang rơi vậy. Tôi chợt nghĩ mình nên bắt đầu một truyền thống mới cho gia đình vào ngày Quốc khánh hàng năm. Và nhờ sự gợi ý của con trai tôi, truyền thống ấy sẽ bắt đầu trong đêm nay, ngay trên đỉnh đồi này.

- Michael T.Powers

VÒNG TRÒN CUỘC SỐNG

Một buổi chiều mùa đông, Luke, đứa con trai nhỏ của tôi, rón rén bước lại gần chiếc ghế nơi tôi đang ngồi đọc sách. Thằng bé đứng phía sau cái đèn đọc sách hình bán nguyệt bằng đồng thau mà tôi rất quý, chiếc đèn đã từng dùng làm đèn chiếu sáng phòng khám của bố tôi.

Mỗi khi tôi đọc sách, Luke rất thích lại gần để hỏi xin ý kiến về những “vấn đề nghiêm trọng” của nó. Dường như thằng bé cảm thấy an tâm hơn mỗi khi ở bên cạnh bố và luôn thích học theo những điều bố làm. Năm ngoái, thằng bé cũng thường quanh quẩn bên tôi khi tôi làm vườn. Tôi còn nhớ một lần, thay vì phải chôn những hạt mầm sâu xuống dưới đất, thằng bé đã rải chúng trên nền đất để có thể quan sát chúng lớn lên mỗi ngày. Gần đây Luke đang tập đọc sách một mình, mặc dù thằng bé vẫn chưa đọc thành thục.

Tôi ngừng đọc, ngẩng lên và thấy con trai mình đang cười toe toét. Luke vừa nói vừa chìa món đồ chơi từ sau lưng ra:

- Con làm gẫy cái cưa rồi bố ơi. Nó đây này.

Luke không hỏi xem tôi có thể sửa được món đồ chơi hay không bởi lẽ trong suy nghĩ của nó, bố luôn sửa chữa được mọi thứ, từ xe đạp ba bánh, xe goòng đến đủ loại đồ chơi. Có lẽ lúc này, Luke chỉ nghĩ đơn giản rằng: “Cái cưa nhựa màu xanh này gẫy rồi, nhưng cha tôi có thể sửa nó ngay.”

Tôi hỏi con:

- Cái cưa bị thiếu mất mấy miếng rồi. Con còn giữ chúng không?

Thằng bé xòe những mảnh vụn đang nắm trong tay ra. Tôi băn khoăn làm thế nào để gắn nó lại như cũ được.

Luke chăm chú nhìn tôi với ánh mắt hoàn toàn tin tưởng. Ánh mắt của thằng bé khiến tôi nhớ lại những tháng ngày thơ ấu của mình. Tôi cẩn thận xem xét cái cưa, lật qua lật lại những mảnh vụn nhưng tâm trí lại nhớ về những kỷ niệm ngày xưa…

Hồi đó, tôi bảy tuổi và sau mỗi giờ tan học, tôi lại chạy đến phòng khám của cha. Cha tôi là một bác sĩ khá nổi tiếng ở thị trấn Ohio. Tôi luôn ngạc nhiên về những việc mà cha đã làm. Cha không những có thể chữa lành bệnh cho mọi người mà còn biết tập cho tôi cưỡi ngựa, đẽo con quay và điều khiển dây cương để chiếc xe trượt tuyết của tôi phi xuống đồi. Tôi thích quanh quẩn trong phòng khám để nghe những bệnh nhân của cha gọi mình là “bác sĩ nhí”. Tôi cũng rất thích được nhìn bệnh nhân của cha khỏe mạnh và tươi tỉnh rời phòng khám.

Một hôm, tôi đến phòng khám để gặp Jimmy Hardesty - người bạn thân nhất của tôi. Jimmy nghỉ học ba ngày và mẹ Jimmy sẽ đưa bạn ấy đến phòng khám của cha tôi vào hôm nay.

Thế nhưng, khi bệnh nhân sau cuối đã ra về, tôi vẫn không thấy Jimmy đâu. Cuối cùng, hai cha con tôi đành đến thăm một số bệnh nhân tại nhà riêng như đã hẹn. Cha thường dẫn tôi theo trong những chuyến thăm bệnh tại gia như thế này bởi ông rất thích nghe tôi líu lo kể chuyện suốt đoạn đường. Chuyến thăm bệnh của cha kết thúc khi đồng hồ chỉ gần bảy giờ tối. Trong lúc sắp xếp đồ đạc, bỗng nhiên cha đề nghị: “Ta ghé qua thăm Jimmy một lúc xem sao.” Tôi sung sướng gật đầu. Khi xe vừa chạy đến ngôi nhà cổ bằng đá xám của Jimmy, chúng tôi nhìn thấy một ngọn đèn ở cửa sổ trên tầng lầu và một ngọn đèn khác ở mái vòm sau nhà - dấu hiệu của điều không hay.

Cha tôi lái xe vào tận sân rồi mới dừng lại. Alice, chị của Jimmy, chạy ra ôm chầm lấy cha, vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc:

- Bác sĩ ơi, em Jimmy của cháu sắp chết rồi! Bố cháu đã tìm bác khắp nơi. May quá bác đã đến.

Cha tôi vốn là một người rất điềm tĩnh. Ông bảo rằng vội vã chẳng thể giúp ta giải quyết được điều gì. Thế nhưng lúc đó, cha bảo Alice buông tay ra và lao thẳng vào nhà. Tôi chạy theo cha băng qua căn bếp trống trải và leo lên chiếc cầu thang tối tăm. Jimmy đang thở dốc và chốc chốc lại rên lên vài tiếng. Dưới ánh sáng hiu hắt của chiếc đèn dầu, tôi chỉ thấy gương mặt của Jimmy xanh xao trong khi mắt thì nhắm nghiền. Mẹ Jimmy nắm lấy tay cha tôi, van nài:

- Thưa bác sĩ, xin hãy giúp chúng tôi. Jimmy chỉ bị cảm lạnh nhẹ thôi, nhưng chẳng hiểu sao từ chiều đến giờ thằng bé lại đổ mồ hôi dữ dội như thế này.

Lần đầu tiên tôi trông thấy mẹ của Jimmy không đeo tạp dề trên người. Cô đứng phía sau, đặt tay lên vai tôi trong lúc cha nghe nhịp tim của Jimmy. Cha bơm một mũi thuốc và giơ chiếc kim tiêm lên dưới ánh đèn. Tôi chắc chắn rằng đây là liều thuốc đặc biệt chỉ dùng cho những bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Cha tiêm mũi thuốc vào người Jimmy. Sau đó cha đè tay lên ngực Jimmy và hô hấp cho bạn ấy. Căn phòng chìm vào im lặng, không có bất kỳ tiếng động nào ngoài hơi thở đều đều của cha và tiếng khò khè đáp lại của Jimmy.

Thế rồi chỉ trong phút chốc, tôi nhận ra căn phòng chỉ còn lại một tiếng thở của cha tôi. Tôi cảm thấy bàn tay mẹ Jimmy bấu chặt lấy đôi vai mình. Và rồi tôi biết, và cô ấy cũng biết, rằng có điều gì đó đã vỡ tan rồi. Nhưng cha vẫn cứ tiếp tục thổi không khí vào phổi của Jimmy. Tôi có cảm giác như thời gian đang ngừng trôi, cho đến khi mẹ Jimmy bước đến bên giường, đặt tay lên vai cha tôi và nói rất khẽ:

- Thằng bé đi rồi bác sĩ ạ. Không cần cố gắng nữa. Con trai tôi đã đi rồi!

Nhưng cha tôi vẫn ngồi im bất động.

Cô Hardesty nắm lấy tay tôi và chúng tôi đi xuống nhà bếp. Cô ấy ngồi khóc nức nở còn chị Alice, với gương mặt đau đớn, cũng nép vào vạt váy của mẹ mà khóc. Tôi bước ra ngoài, ngồi bệt xuống bậc thang đầu tiên giữa màn đêm lạnh lẽo.

Tôi không muốn ai nhìn thấy hoặc nghe thấy mình khóc vào lúc này cả.

Khi chú Hardesty về nhà và nhìn thấy xe hơi của cha con tôi, chú vội vã bước vào và tôi nghe thấy tiếng trò chuyện của cha và chú. Cuộc trò chuyện gián đoạn trong giây lát rồi lại tiếp tục. Cuối cùng cha tôi trở ra xe và tôi theo cha về nhà. Suốt quãng đường về cha không nói gì với tôi cả. Tôi cũng không dám nói gì với cha vào lúc đó. Có một điều gì đó đã đổ vỡ trong trái tim tôi. Thay vì về nhà, cha chở tôi quay trờ lại phòng khám. Cha lục lọi tất cả những quyển sách, tìm kiếm xem lúc đó lẽ ra cha phải làm gì mới cứu được Jimmy. Tôi nhìn theo cha, chẳng biết nên làm gì cả. Thời gian cứ chậm chạp trôi qua, chốc chốc tôi lại bật khóc khi nghĩ đến chuyện vừa xảy ra. Cuối cùng, tôi mừng rỡ khi nghe có tiếng ai đó đang đi vào. Những tin tức về sự ra đời cũng như qua đời của bất kỳ ai trong vùng này đều được loan truyền nhanh chóng. Mẹ tôi biết tin và đã đến đây.

Mẹ quỳ xuống, ôm tôi vào lòng và xoa nhẹ lưng tôi. Tôi dụi đầu vào mẹ, khóc nấc lên:

- Mẹ ơi, tại sao bố lại không thể cứu sống Jimmy?

Mẹ im lặng một lúc rồi trả lời:

- Cha lớn hơn con, nhưng cha không lớn hơn Thượng đế con ạ. Mẹ và con yêu cha vì những việc cha có thể làm, nhưng chúng ta cũng không bớt yêu cha vì những điều cha không làm được, đúng không con. Khi yêu một ai đó, chúng ta sẽ chấp nhận tất cả những gì thuộc về họ.

Mặc dù ngay lúc đó tôi không hiểu tường tận lời mẹ nói nhưng tôi vẫn cảm nhận được tầm quan trọng của chúng. Sau đó mẹ bước vào phòng và an ủi bố. Mùa đông năm đó đã trôi qua rất lâu rồi nhưng giờ đây, nó lại trở lại trong tâm trí của tôi.

Tôi ngồi lật qua lật lại những mảnh vụn từ cái cưa gẫy của Luke. Tôi nói với con trai:

- Bố không sửa được nó, Luke ạ!

- Không! Con biết là bố sửa được mà.

- Không! Bố không sửa được. Bố xin lỗi con.

Thằng bé nhìn tôi và sự tự tin trên khuôn mặt nó biến mất. Miệng Luke trễ xuống và thằng bé cố hết sức để không bật khóc.

Tôi kéo Luke vào lòng, dỗ dành thằng bé hết mức để nó không buồn vì món đồ chơi đã gẫy và một hình tượng đã sụp đổ. Dần dần con trai tôi cũng vui lên. Có lẽ Luke cũng biết được rằng tôi đang buồn nên thằng bé rúc vào lòng tôi và vòng tay ôm lấy cổ tôi.

Khi con trai nhìn tôi bằng ánh mắt thân thiện và bước ra khỏi phòng, tôi như nghe thấy lời mẹ năm nào. Khi xưa tôi là đứa con, giờ tôi đã là một người cha và vòng tròn đã được lặp lại. Tôi hiểu ra rằng tình yêu thương luôn luôn vô điều kiện cũng như cuộc sống luôn mang đến cho chúng ta rất nhiều thử thách cam go. Thế nhưng, chính những trải nghiệm đó sẽ giúp ta trưởng thành.

- W. W. Meade


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx