sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cha, điểm tựa đời con - Chương 05

CÁNH TAY MẠNH MẼ CON CẦN

Khi Erick vừa được sinh ra, chồng tôi đã mua cho thằng bé một cái bao tay dành cho thủ môn. Khi Erick được sáu tháng, chồng tôi bắt đầu lăn quả bóng trước mặt nó. Khi thằng bé được một tuổi, anh tâng bóng cùng nó. Khi Erick lớn lên, hai bố con thường ra sân chơi bóng chày, bóng đá, hoặc ném dĩa. Lúc ở trong nhà, hai bố con chơi trò ném bóng qua lại dưới sự quan sát của tôi.

Trong suốt một thời gian dài, Rick nhận nhiệm vụ huấn luyện đội bóng của Erick. Rick tỏ ra nghiêm khắc với con trai mình nhiều hơn những cậu bé khác. Tôi lo sợ sự kỳ vọng của anh dành cho thằng bé sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai cha con. Nhưng thật may mắn là chuyện tồi tệ đó đã không xảy ra. Rick giúp Erick phát triển những kỹ năng thể thao căn bản nhưng vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với thằng bé.

Khi Erick lớn hơn, vị trí huấn luyện viên đội bóng của thằng bé được một người khác tiếp quản. Tuy vậy, Rich vẫn cẩn thận đứng bên ngoài các buổi tập để theo dõi con trai mình thi đấu. Tôi biết rằng trong thâm tâm mình, Rick lúc nào cũng muốn làm huấn luyện viên của con trai.

Erick đặc biệt thích bóng đá dù thằng bé vẫn chơi rất xuất sắc nhiều môn thể thao khác. Bước vào trung học, Erick khá nhỏ con so với các bạn cùng lứa. Chúng tôi khuyến khích thằng bé chạy bộ trong khi các bạn cùng lớp lại thích nó chơi đá bóng. Thế là để làm hài lòng tất cả mọi người, Erick quyết định chẳng chơi môn thể thao nào cả. Thậm chí thằng bé còn lén lút chuồn về nhà sau giờ tan học thay vì ở lại luyện tập cùng các bạn.

Bước vào năm học lớp 11, Erick đã trưởng thành hơn một chút và muốn tham gia đội bóng của trường. Tôi đồng ý dù không thật sự hài lòng với quyết định của thằng bé. Thế nhưng, ngay khi bắt đầu theo kịp nhịp độ thi đấu của toàn đội thì Erick bị gãy tay và phải ngồi ngoài suốt thời gian còn lại của giải. Vợ chồng tôi biết sớm muộn gì điều này cũng sẽ xảy ra. Vì thế, Rick quyết định sẽ trò chuyện với Erick về cách đối mặt với những thất bại trong cuộc đời.

Đến năm cuối trung học, Erick quyết tâm đầu tư thời gian và công sức để tập luyện bóng đá. Tôi lo lắng khi nghĩ đến kế hoạch của Erick. “Trời ơi! Lại dành thêm một năm cho bóng đá nữa à? Liệu con có đủ quyết tâm như bố để làm điều mình mong muốn không hả Erick?”

Một ngày, Erick về nhà sau một buổi tập luyện mệt nhoài nhưng lại hăm hở tìm bố. Rick cũng vừa về tới nhà, mệt lả và đang muốn được nghỉ ngơi.

- Bố, bố có thể dạy cho con bắt bóng ở sân sau một lúc được không ạ?

Rick nhìn tôi; tôi gật nhẹ và ra hiệu hai bố con cứ đi.

- Được! Bố con mình đi thôi!

Hai bố con đi ra sân sau; không khí mát mẻ của mùa thu như tiếp thêm sức mạnh cho cả hai. Có lẽ Rick đang hy vọng sẽ trở vào nhà ăn tối sau vài đường chuyền.

Hàng giờ trôi qua, trời tối dần và bữa ăn trên bàn nguội ngắt. Hai bố con đâu rồi nhỉ? Tôi ra sau nhà, nghe thấy Rick hét lớn: “Chạy nhanh lên!”, và quả bóng bay vụt qua.

Cuối cùng thì cánh cửa sau cũng mở ra và hai bố con bước vào. Chiếc áo thun của Rick đẫm mồ hôi, mặt đỏ bừng. Erick thở hổn hển, lau mồ hôi trên trán. Trông cả hai đều rất vui vẻ.

- Con không nghĩ là bố còn sút khá đến thế! - Erick trêu bố.

- Ồ! Bố còn có thể thắng được con nữa đấy! - Rick nhìn tôi mỉm cười.

Khi cả hai bố con đã ngồi vào bàn, tôi đặt thức ăn trước mặt Erick, hỏi:

- Mọi việc thế nào hả con?

- Tốt, mẹ ạ.

Không ai nói thêm lời nào! Sau bữa tối, Erick về phòng làm bài tập về nhà.

Suốt hai tháng sau đó, việc luyện tập ở sân sau nhà trở thành thời khóa biểu của hai bố con.

Mỗi buổi chiều tối, Erick đều nhờ bố hướng dẫn cách bắt bóng. Rick luôn chiều theo ý con, dù có mệt mỏi tới đâu chăng nữa.

Dần dần Erick lấy lại tự tin và tiến bộ khi đứng trước cầu môn. Thằng bé trở thành “tấm lá chắn” trước khung thành của đội. Những giờ luyện tập ở sân sau nhà không những phát triển kỹ năng chơi bóng của Erick mà còn làm cho mối quan hệ cha con trở nên khắng khít hơn. Erick nỗ lực tập luyện mỗi ngày còn Rick thì luôn ở bên cạnh khuyến khích và động viên con. Tôi thật sự vui mừng khi chứng kiến sự trưởng thành của con trai mình cũng như sự gắn bó thân thiết giữa hai cha con.

Suốt năm cuối trung học, bằng quyết tâm và nỗ lực tập luyện của mình, Erick đã được huấn luyện viên đánh giá cao. Đội bóng của con tôi giành ngôi vô địch các trường trung học toàn bang trong năm đó.

Vợ chồng tôi reo hò suốt buổi lễ đăng quang sau chiến thắng của đội Erick. Thật tự hào khi nhìn thấy con trai mình đứng trên bục nhận huy chương. Vậy là thằng bé đã chứng minh được rằng nó hoàn toàn có thể chơi bóng chuyên nghiệp được. Tôi mỉm cười, quay sang nhìn chồng, tự hỏi cảm giác của anh lúc này như thế nào. Rich xoa xoa nhẹ hai cánh tay vào nhau và cười rạng rỡ.

- Nancy Kay Grace

ĐỒNG CẢM

Khi còn nhỏ, tôi không thể hiểu tại sao cứ đến tháng Mười Hai là bố lại xem bộ phim “Tora! Tora! Tora!” với đôi mắt đỏ hoe như vậy. Tôi biết bộ phim đó kể về trận đánh Trân Châu Cảng cùng cái chết của hàng ngàn con người trong trận đánh đó nhưng lại không thể hiểu tại sao nó lại khiến bố xúc động đến vậy. Với tôi, đó chỉ là điều tất yếu trong một cuộc chiến tranh mà thôi.

Sáu năm sau khi cha tôi mất, vào năm 1985, tôi gia nhập Hải quân, đúng như mong muốn của cha. Trước đó, cha tôi đã nhập ngũ năm 1955 và cũng tham gia lực lượng Hải quân. Tôi được đóng quân trên chiếc tàu USS George Washington[1] và chính trong những tháng ngày lênh đênh trên biển, tôi dần hiểu được những giọt nước mắt của cha.

[1] Tàu USS George Washington: Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, được ví như một căn cứ không quân nổi giữa Thái Bình Dương, có sức chứa khoảng 5.000 người, 67 phi cơ và 1,8 triệu kilogram bom.

Ngày mùng 10 tháng 9 năm 2001, chúng tôi nhận lệnh lên đường huấn luyện ờ xa. Ngày 11 tháng 9, mọi thứ dường như sụp đổ dưới chân chúng tôi khi biết tin về vụ khủng bố ở Trung tâm Thương mại Thế giới. Thật may là chúng tôi còn kết nối được với vệ tinh và biết được một số tin tức thông qua kênh truyền hình CNN trước khi quay lại trung tâm huấn luyện. Lúc đó, tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ về cảm xúc của mình. Công việc của tôi là ghi lại tên tuổi của nạn nhân để báo cho các đồng đội. Chúng tôi được chỉ định dẫn đầu những tàu ngầm khác lặn sâu ở phía dưới đại dương để bảo vệ tổ quốc. Khi tuần tra ngang qua cảng New York, tôi nhìn thấy khói vẫn đang bốc lên từ nơi đã từng là Trung tâm Thương mại Thế giới. Xung quanh tôi, mọi người đều nhìn thấy điều đó và rất nhiều người đã khóc.

Ngày 17 tháng 9, chúng tôi được lệnh trở về cảng. Mọi thứ ở New York thay đổi đến mức khiến tôi có cảm giác như mình đang đứng ở một đất nước khác vậy. Về đến nhà, tôi đọc lại những tờ báo ra ngày 12 tháng 9. Lúc đó, tôi thật sự hiểu vì sao cha lại xúc động mạnh đến như vậy khi xem bộ phim về một ngày tháng Mười Hai khi cha mới tám tuổi. Lúc đó, dù còn rất nhỏ nhưng cha hiểu về cái chết oan uổng của những người dân vô tội và sự vô nghĩa của các cuộc chiến tranh.

Tôi viết những dòng này khi sắp sửa bước vào một cuộc tập trận quy mô lớn và đang nghĩ đến đứa con trai mười một tuổi của mình. Tôi không biết liệu mình có thể giải thích cho con hiểu cảm xúc lúc này của mình hay không. Tôi chỉ hy vọng khi lớn lên, con trai tôi sẽ không trải qua những bi kịch nặng nề nào giống như cuộc chiến Trân Châu Cảng hay cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 vừa qua. Nhưng tôi cũng hiểu rằng lúc này đây, niềm tin vào một thế giới an bình của con trai tôi đã bị lung lay rồi..

Tất cả quân nhân chúng tôi đều mong muốn góp phần kiến tạo nên một thế giới yên bình cho con cháu về sau. Chiến hạm của chúng tôi nhận được một món quà ý nghĩa từ một trường tiểu học. Đó là một vòng hoa làm từ giấy bìa cứng có ghi những lời động viên của các học sinh. Có một cháu bé đã viết: “Cảm ơn các chú đã giúp cho em gái cháu được lớn lên trong một đất nước yên bình”. Tôi nhớ đến cha và sự kiện xảy ra năm 1941. Tôi tự tái hiện lại hình ảnh cuộc chiến đó theo cách của mình. Tôi bỗng ao ước được gặp cha ngay lúc này để nói với cha rằng tôi đã thấu hiểu cảm xúc của người. Nhưng có lẽ cha cũng đang đồng cảm với tôi; vì tôi có cảm giác cha đang rất gần mình.

- Robert Anderson

NGƯỜI HÙNG CỦA TÔI

Vào tuổi thiếu niên, chợt tôi nhận ra mình chẳng có nét nào giống bố cả.

Bố có mái tóc dày màu nâu đỏ trông rất đặc biệt trong khi tóc tôi thì lưa thưa vài cọng màu vàng sẫm. Mắt bố màu xanh lơ sắc sảo còn mắt tôi lại có màu nâu nhạt. Mũi bố cao đúng kiểu người Ý trong khi mũi tôi thì giống như một cục bột được nặn trong tay người thợ vụng. Ở tuổi ba mươi chín, bố có đôi vai rộng với cánh tay rắn chắc trong khi vai tôi thì nhỏ hẹp, cánh tay gầy còn bàn tay thì mềm như tay con gái. Tôi rất muốn có đôi bàn tay rắn rỏi như đôi tay của bố.

Nhiều năm trôi qua, tôi đã là một người đàn ông trưởng thành và bố đã già, nhưng cảm nhận về bố trong tôi vẫn giống như hồi tôi còn là một cậu bé: xa cách và có một chút ghen tỵ. Một ngày nọ, khi vừa bước ra khỏi một cửa hàng tạp hóa, tôi giật bắn mình khi một người đàn ông lịch thiệp đến vỗ vai tôi hỏi:

- Cậu có phải là con trai ông Bud Walker không?

- Vâng! Cháu là con trai út.

- Tôi cũng đoán vậy! - Người đàn ông nói.

- Trước đây cha cậu vẫn thường nhắc về cậu luôn.

Đã nhiều năm qua bố tôi không nói chuyện với ai! Tuổi già cùng cơn đột quỵ đã lấy đi khả năng giao tiếp của bố. Bố có năng khiếu trò chuyện rất tuyệt vời và tôi luôn ao ước mình được như ông. Hiện tại, bố tôi đang ở Trung tâm dưỡng lão. Với nụ cười ấm áp và tính tình hiền hòa của mình, bố luôn được mọi người ở trung tâm yêu mến. Nhưng tôi biết bố không bao giờ kể về tôi cho mọi người ở đấy nghe.

Sau khi kể sơ về tình hình sức khỏe của bố cho người đàn ông lạ mặt nghe, tôi hỏi ông ta về mối quan hệ giữa ông với bố tôi cũng như làm thế nào ông nhận ra tôi - đứa con trai út của bố. Người đàn ông im lặng một lúc rồi trả lời:

- Bố cậu là một trong số những thần tượng của tôi.

Tôi giật mình khi nghe thấy điều mà người đàn ông lạ mặt vừa nói. Trước đây bố cũng từng là thần tượng của tôi. Thế nhưng, kể từ khi phải chăm sóc bố trong tình trạng bất ổn thế này, tôi gần như đã quên khuấy đi hình ảnh người đàn ông sáng suốt và mạnh mẽ của bố trước đây. Câu nói của người đàn ông này đã khiến tôi sực tỉnh. Ông giải thích với tôi:

- Tôi khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh bảo hiểm và cha cậu là một trong những đối tác làm ăn chính của tôi. Không những thế, ông ấy còn là người thầy đáng kính của tôi. Ông đã dạy tôi cách phục vụ khách hàng cũng như tạo dựng mối quan hệ tin tưởng và thấu hiểu họ. Tôi cố gắng thực hiện theo lời chỉ dẫn của ông và đã thu được thành công từ đó.

- Nhưng đó không phải là lý do tôi coi cha cậu là thần tượng đâu. - Người đàn ông tiếp tục. - Một lần, công ty chúng tôi tổ chức một cuộc hội nghị ở Las Vegas và có mời những đối tác làm ăn lớn tham gia. Tôi đã nghe kể về những cuộc hội nghị xa như thế này nhiều lần nhưng chưa khi nào được tham gia nên rất háo hức với nó. Đêm đầu tiên, nhóm chúng tôi lên kế hoạch đi chơi những nơi và làm những điều mà một người đàn ông đã có gia đình không nên làm. Tôi rất muốn đi chơi chung với mọi người trong nhóm nhưng lại không muốn làm những điều không hay đó.

Tôi đã hỏi một người: “Anh Bud có đi chung với chúng ta không?”. Cả nhóm nhìn nhau và cười phá lên. Người kia trả lời tôi rằng: “Bud giỏi giang về mọi thứ nhưng lại không biết cách thư giãn và vui vẻ như chúng ta đâu.” Nghe thấy thế, tôi nói với bọn họ: “Vậy thì tôi cũng không tham gia đâu.” Lúc đó, tôi nghĩ nếu cha cậu có thể tạo dựng nên cả sự nghiệp lớn mà vẫn không đánh mất những giá trị riêng của ông thì tôi cũng phải làm được như ông chứ.

- Hiện nay công ty tôi làm ăn rất phát đạt. - Người đàn ông nói tiếp. - Hai tháng nữa vợ chồng tôi sẽ tổ chức kỷ niệm mười lăm năm ngày cưới. Nhờ học tập cha cậu mà tôi có cuộc sống hạnh phúc như hôm nay.

Dù hôm đó tôi chẳng mua được món đồ vừa ý nhưng bù lại, tôi đã tìm thấy một thứ quý hơn gấp ngàn lần. Đó chính là hình ảnh bố như một người hùng mà tôi đánh mất bấy lâu nay. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng sống và hành động như người hùng của mình, dù diện mạo của tôi không giống ông chút nào.

- Joseph Walker

NHỮNG ĐIỀU TÔI HỌC ĐƯỢC TỪ CHA

Có nhiều điều tôi không học được từ cha:

Tôi không học được cách nhắm bắn khẩu súng hơi khi đi săn.

Tôi không học từ cha việc biết cách vận hành một chiếc cưa máy, cách sử dụng máy bắn đinh, cách đóng một cái bàn hay lắp ống nước.

Tuy nhiên, tôi lại học được từ cha rất nhiều điều khác:

Tôi đã học được cách bắt một con châu chấu giữa cánh đồng.

Tôi đã học được cách ném bóng đường vòng cung. Tôi học được rằng để giành chiến thắng trong bất kỳ môn thể thao nào, ta cũng cần phải đam mê, phải tập luyện không ngừng và phải tự tin trước mỗi trận đấu.

Tôi học được rằng thà có một ít thời gian được chơi bóng trên sân còn hơn phải ngồi trên ghế danh dự.

Tôi học được cách thay dầu nhớt cho xe, cách thay lốp, sửa phanh và bất cứ thứ gì được gọi là “động cơ”.

Cha tôi đã từng bị loại khỏi đội bóng và một số cuộc tranh tài khác. Vì thế, tôi học được rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều tốt nhất mà ta có thể làm là nỗ lực hết mình và không bao giờ đầu hàng.

Cha cũng từng phạm sai lầm nhưng ông thừa nhận và sủa chữa nó.

Tôi học được rằng ta có thể bước qua tình huống tồi tệ mà không để nó ám ảnh cuộc sống của mình quá lâu.

Tôi học được rằng hãy học cách cho đi; của cải vật chất sẽ mất đi nhưng những ký ức tốt đẹp thì luôn ở lại.

Cha dạy tôi rằng phục vụ cộng đồng là hành động đúng đắn nhưng phục vụ đất nước là hành động tuyệt vời nhất.

Cha dạy tôi hiểu rằng bạn bè và gia đình là những tài sản vô giá nhưng ta sẽ phải nỗ lực thật nhiều mới có thể có cả hai tài sản ấy cùng lúc.

Tôi học được rằng thật tuyệt vời khi được chơi bóng cùng cha và anh trai vào buổi sáng mát mẻ.

Tôi học được rằng dù cha rất thích chơi bóng nhưng ông sẵn sàng từ bỏ để dành thời gian cho các con của mình.

Tôi học được rằng khi mang họ Smith, tôi phải sống xứng đáng với những gì dòng họ mình đã tạo dựng. Gia đình là nơi chốn bình yên luôn chào đón ta trở về dù ta đã phạm phải sai lầm gì chăng nữa.

Trên hết, cha dạy tôi cách trở thành một người bạn chân thành, một người đàn ông chân chính, một người chồng đồng cảm và một người cha bao dung. Tôi đã học được tất cả những điều đó vì tôi có một hình mẫu lý tưởng để học tập và noi theo.

- Bob Smith

BÀI HỌC TRONG ĐƯỜNG HẦM SÂN BÓNG

Hãy bắt đầu làm những điều cần thiết; sau đó tới cái có thế;

và sẽ có lúc bạn nhận ra mình đang làm điều không thể.

St. Francis of Assisi

Con đứng ở điểm phát bóng, đưa mắt bao quát một vòng quanh sân. Lúc này, trông con vừa người lớn vừa trẻ con. Con đứng chụm hai đầu gối lại, cái áo thun quá khổ che luôn cả cái quần soóc con đang mặc. Con nâng gậy lên theo đủng cách bố đã dạy để chuẩn bị phát bóng. Cái mũ bảo hộ to màu đỏ lắc lư trên đầu con. Trên khán đài, mẹ siết chặt hai tay lại trong khi bố con lại rất bình thản.

Mẹ nhớ lại những ngày con mới tham gia đội bóng. Khi đó, các huấn luyện viên đều khuyên bố mẹ nên cho con chơi bóng với những đứa trẻ nhỏ hơn con bốn hoặc năm tuổi. Họ nói: “Thằng bé quá nhỏ so với tuổi.” Mẹ hiểu họ lo lắng cho sự an toàn của con. Sau đó, bố đã dành thời gian dạy con chơi bóng ở sân nhà và thuyết phục các huấn luyện viên cho con chơi chung với những bạn cùng tuổi. Bố con bảo rằng: “Nếu để thằng bé xuống lớp dưới thì nó sẽ bị nhụt chí mất.”

Giờ đây, khi ngồi trên khán đài xem con thi đấu trận đầu tiên, mẹ vẫn không khỏi lo lắng.

- Con mình nhỏ quá. - Mẹ khẽ nói với bố.

Bố vỗ vai mẹ, trấn an:

- Con sẽ ổn thôi em ạ.

Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía con. Mẹ nhắm mắt cầu nguyện: “Xin Người hãy nâng đỡ thằng bé. Đây là việc có ý nghĩa cả đời đối với nó.”

Con vung gậy lên, cử chỉ thật vụng về với cây gậy quá dài so với người con. Rồi con để hụt bóng. Mẹ cúi đầu giấu đi dòng nước mắt chợt trào ra.

Một cầu thủ của đội đối phương lên tiếng cười nhạo. Huấn luyện viên đến vỗ vai và thì thầm gì đó vào tai con. Rồi ông đứng lùi lại, nhường chỗ cho con tiếp tục vung gậy. Con mím chặt môi, dồn hết tâm sức của mình vào cú đánh. Trái bóng bay lên và… rớt xuống chân con.

Mẹ nghe thoáng bên tai mình lời nói của ai đó:

- Có lẽ thằng bé không đánh nổi đâu.

Mẹ không phải là người yêu thích thể thao, cũng chẳng rành về luật thi đấu. Nhưng khi thấy con bước ra khỏi vị trí, mẹ đã đứng lên ghế và hét thật to:

- Cố lên Ford! Chạy nhanh lên con!

Bên cạnh mẹ, bố cũng cố sức hét theo.

Nhưng một lần nữa, con lại không đuổi kịp quả bóng. Hiệp đấu kết thúc, con chạy theo các bạn vào đường hầm dành cho cầu thủ. Mẹ nhìn theo con, chỉ muốn chạy đến ôm con vào lòng để an ủi nhưng bố khuyên mẹ hãy bình tĩnh.

- Đây là lúc cả đội hội ý với nhau và cũng là lúc để con mình lấy lại sự tự tin.

Bố bảo rằng là một cầu thủ nghĩa là học cách thích nghi với những lời chỉ trích cũng như những lời chế nhạo hoặc trêu ghẹo của đối phương và đôi khi là từ chính đồng đội của mình.

Bố bảo mẹ:

- Em đừng đi vào đường hầm.

Lòng mẹ đau nhói trong mười phút con khuất khỏi tầm mắt. Mẹ không biết chuyện gì sẽ xảy ra với con trong đường hầm. Dù hiểu những trải nghiệm này là cần thiết cho sự trưởng thành của con nhưng thật sự mẹ vẫn không thể chịu đựng được suy nghĩ rằng con đang phải một mình đối mặt với tất cả. Bố hiểu cảm giác của mẹ nên bố liên tục trấn an:

- Thằng bé không sao đâu. Nó sẽ ổn thôi mà.

Ở hiệp thi đấu tiếp theo, con lại được cầm gậy. Vậy mà mẹ đã tưởng con sẽ không được ra sân trong hiệp đấu này cơ đấy. Trong cái đường hầm ấy, con đã học được bài học trưởng thành theo cách mà mẹ không thể hiểu được.

Con vững vàng giơ gậy lên. Huấn luyện viên của con mỉm cười khích lệ. Con vung gậy nhưng mẹ không đủ can đảm để nhìn theo. Thế rồi có tiếng hét lên:

- Chạy đi, Ford!

Mẹ vội mở mắt và nhìn thấy con chạy về đầu tiên. Con đã chiến thắng! Đám đông reo hò và vỗ tay cổ vũ con. Mẹ mỉm cười nhìn sang bố. Bố con cũng đang cười rất tươi. Thêm hai cú đánh thành công nữa và con tiến về chốt chặn thứ ba. Con đưa mắt nhìn lên khán đài tìm bố mẹ. Cú đánh kế tiếp trúng bóng và con chạy về khu vực của mình. Kết thúc trận đấu, con cùng các bạn đi vào đường hầm. Bố mẹ dõi mắt nhìn theo và thật sự tự hào về con.

- Sarah Smiley


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx