sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cha, điểm tựa đời con - Chương 04

TIẾT KIỆM

Cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn.

Albert Camus

Tôi là con thứ hai trong gia đình có ba anh em. Gia đình tôi sống ở Brooklyn, New York, gần nhà ông bà nội. Khi còn bé, tôi rất thương bố nhưng khi lớn lên, tình thương yêu ấy không còn nguyên vẹn nữa. Trong suy nghĩ của tôi, bố là người đàn ông luôn rất bận rộn với công việc. Tất cả những gì tôi biết về bố như sau: là dân nhập cư, làm việc cật lực rồi nhập ngũ, kết hôn với người yêu trong quân ngũ, tiếp tục làm việc cật lực đến khi xuất ngũ, có con và lại làm việc cật lực mãi đến hôm nay. “Kiếm việc làm đi con!” là câu mà tôi thường xuyên phải nghe bố nói từ khi tôi mới mười bốn tuổi.

Sau khi bố qua đời, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe mẹ kể về cuộc sống của bố mẹ trước khi có chúng tôi. Hai người gặp nhau trên một chuyến tàu tới Scotland. Hồi đó, bố mẹ đã phải lén lút hẹn hò khi trung đoàn của bố hạ trại ở một nhà ga Anh. Bất chấp những quy định của quân đội, bố mẹ thường đi khiêu vũ và xem phim vào mỗi dịp cuối tuần. Những điều mẹ kể khiến tôi hết sức bất ngờ bởi nó hoàn toàn khác với hình ảnh người bố mà tôi từng biết. Ngày trước, mỗi lần tôi muốn đi xem phim, câu nói cửa miệng của bố luôn là: “Bố không có tiền mua vé xem phim.” Đó mới chính là bố tôi!

Bố tôi là người nghiêm khắc, nóng tính và luôn tỏ ra xa cách với anh em tôi. Nhiều lần, bố đi bộ đến nhà máy trong cơn bão, để mặc mẹ chăm lo cho chúng tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ tảo tần, rất khéo chăm lo, vun vén gia đình. Bà luôn cố gắng đưa chúng tôi vào nề nếp để không làm bố khó chịu. Bố sẽ nổi giận nếu chúng tôi làm điều gì đó sai trái. “Mấy đứa muốn ăn đòn phải không!”. Đó mới chính là bố tôi!

Bố cho tôi 100 đô-la khi tôi lập gia đình vào năm mười tám tuổi.

Vợ chồng tôi thường xuyên về thăm nhà mỗi dịp cuối tuần. Dù rất thương bố nhưng có lẽ vợ con tôi gần gũi với mẹ hơn. Tôi vẫn thường quan tâm và chăm sóc bố nhưng chẳng hiểu sao giữa tôi và bố không thể có sự gắn kết thân thiết như mong muốn.

Một lần, khi đại gia đình chúng tôi tụ họp đông đủ, tôi thấy bố có nhiều biểu hiện khác lạ. Sức khỏe bố giảm sút rõ rệt và giọng nói của ông khàn khàn. Tôi nói điều này với mẹ và nhắc mẹ đưa bố đi khám tổng quát.

Bác sĩ chẩn đoán bố có khối u trong não; nhưng đó là khối u lành và có thể loại bỏ bằng việc phẫu thuật. Mẹ tôi rất lo lắng khi biết tin này trong khi bố vẫn rất bình thản. Trước khi phẫu thuật, tôi cố gắng dò xét xem ý nguyện của bố ra sao nhưng ông vẫn im lặng. Bố luôn chiến đấu tới cùng và không bao giờ bỏ cuộc.

Ca phẫu thuật diễn ra không như dự đoán.

Bố phải nằm viện hàng tuần liền, lúc tỉnh lúc mê và các bác sĩ dự đoán sẽ phải phẫu thuật lại. Mỗi tuần, tôi lái xe hơn ba giờ đồng hồ tới thăm bố. Một hôm, đứa con gái sáu tuổi của tôi đến ngồi gần bố. Trước khi rơi vào cơn mê sảng, bố cầm lấy tay con gái tôi, dịu dàng nói:

- Ông thương cháu lắm!

- Cháu cũng thương ông nội lắm!

Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố thể hiện tình yêu thương với những người thân của mình.

Đêm Giáng sinh, tôi nhận được điện thoại của mẹ. “Bố con đã đi rồi!” Tôi lặng người trước sự ra đi của bố.

Sau tang lễ, tôi hỏi mẹ:

- Bố có để lại di chúc cho mẹ không?

Tôi thật sự thất vọng về bố khi nhìn thấy cái lắc đầu của mẹ. Tôi tự hỏi tại sao bố có thể đối xử với mẹ như vậy. Cả đời mẹ chỉ biết chăm lo cho gia đình mà chưa bao giờ đòi hỏi quyền lợi cho mình. Bà không biết gì về sổ tiết kiệm hay các khoản bảo hiểm cả. Tôi trách bố: “Bố lúc nào cũng cố chấp và quá coi trọng của cải.” Vợ chồng tôi bàn tính đến việc chu cấp cho mẹ hàng tháng.

Một hôm, trong lúc dọn dẹp vật dụng cá nhân của bố, tôi tìm thấy một vài chiếc kẹp cà vạt, huy hiệu của công ty, mấy món đồ lưu niệm ở những nơi bố đã đến… và một biên lai thuê hộc tủ ở ngân hàng.

- Mẹ ơi, bố có tài sản riêng à?

Mẹ tôi chưa từng biết gì về điều đó.

Chúng tôi tìm đến ngân hàng và hỏi về chiếc hộc tủ bố đã thuê.

- Mọi người có nghĩ là bố giấu những món đồ gia bảo trong này không? - Tôi hỏi khi nhân viên ngân hàng mang đến một chiếc hộp.

- Không đâu con ạ! - Mẹ tôi trả lời. - Chắc chỉ có những giấy tờ liên quan đến công việc thôi. Bố các con luôn lưu trữ tất cả mọi thứ liên quan tới công việc mà.

Đúng là trong hộp chứa rất nhiều giấy tờ công việc, nhưng không như mẹ nghĩ. Đó là những giấy tờ liên quan đến việc mua cổ phiếu công ty của bố, từ khi ông còn là công nhân, rồi đến quản đốc và cuối cùng là phó giám đốc.

Một điều đặc biệt nữa là trong đó còn chứa cả những bức thư bố viết cho mẹ con tôi khi ông từ chối những điều chúng tôi ao ước. Tôi không thể nhớ những điều mình đã xin bố nhưng bố thì nhớ tất cả. Tôi bật khóc khi nhận ra tình cảm mà bố đã giấu kín bấy lâu nay.

- Bố con ra đi thanh thản lắm. Lúc đó mẹ tự hỏi tại sao bố lại ra đi dễ dàng đến như vậy. Nhưng giờ thì mẹ đã hiểu rồi. Bố con hứa mãi mãi chăm sóc mẹ, và ông đã giữ lời.

Quả thật, bố đã giữ lời hứa; cả lời hứa mà tôi chưa khi nào được nghe là sẽ giúp tôi trở thành một người đàn ông tốt. Từ giờ phút này, tôi cũng sẽ cố gắng trở thành một người biết “tiết kiệm”. Tuy nhiên, cách “tiết kiệm” của tôi sẽ khác bố. Tôi sẽ không chỉ tiết kiệm bằng cách bỏ tất cả tài sản mình kiếm được vào trong chiếc hộp kim loại nhỏ mà sẽ tiết kiệm thời gian để quan tâm nhiều hơn đến những người thân của mình.

- Ted Slawski

NGÔI NHÀ HẠNH PHÚC

Tuổi trẻ lúc nào cũng đầy khao khát được trải nghiệm.

Robert Louis Stevenson

Gia đình tôi có bốn anh em trai. Anh Rody - mười hai tuổi; anh Joe - mười tuổi; cả hai đang là hướng đạo sinh. Tôi - tám tuổi và em Bill - sáu tuổi, thường bám theo các anh trong những trò nghịch ngợm. Một lần, bố mẹ tôi có công việc phải ra ngoài vào buổi tối nên đã để mấy anh em tôi ở nhà với nhau.

Sau khi dặn dò anh em tôi cẩn thận (trong đó nhấn mạnh đến việc không được đụng đến cái lò sưởi), bố mẹ mới ra khỏi nhà để xuống thị trấn. Và chẳng bao lâu sau, tai họa đã xảy ra.

Theo những gì tôi nhớ thi sau khi bố mẹ tôi đi khỏi, anh Joe đã đút hai chiếc hộp gỗ vào lò sưởi và mở cửa lò. Sau đó, tầng trệt nhà tôi bén lửa và lửa nhanh chóng lan rộng. Anh Rody hốt hoảng gọi đến trung tâm cứu hỏa và hét lên:

- Cháu là Rody, nhà chúng cháu đang cháy!

Nói rồi anh cúp máy. Chẳng rõ vì anh Rody nổi tiếng đến mức trung tâm cứu hỏa biết anh sống ở đâu hay vì một người hàng xóm nào đó đã gọi điện báo mà ngay sau đó đội cứu hỏa đã đến chính xác địa chỉ nhà tôi. Trước đó, bốn anh em tôi đã kịp ra khỏi nhà và run rẩy nhìn ngôi nhà bốc cháy. Thế nhưng, khi nhìn thấy cảnh lính cứu hỏa, xe cứu hỏa, xe cấp cứu đổ xô tới hiện trường, chúng tôi cảm thấy phấn khích hơn là sợ hãi. Có đứa trẻ nào không thích được những người lính cứu hỏa nhấc bổng lên và hỏi han xem có vấn đề gì hay không kia chứ. Rất đông hàng xóm đã kéo đến nhà tôi; họ ôm chúng tôi vào lòng và đưa anh em tôi về nhà họ.

Bố mẹ tôi trở về khi ngôi nhà đã trở thành một khối đen đồ sộ. Một chú cảnh sát thông báo với bố mẹ tôi:

- Ông bà Firman! Nhà của ông bà đã bị cháy; còn các con của ông bà đang được hàng xóm chăm sóc.

Khi mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, “tiết mục trừng phạt” bốn anh em tôi bắt đầu. Bố quyết định sẽ đánh đòn cả bốn đứa. Mở màn là anh Rody, sau đó đến anh Joe và tôi. Cả ba chúng tôi thi nhau hét lên hết cỡ để bố nhẹ tay hơn. Còn em Bill, tất nhiên là em còn quá nhỏ nên chẳng bị phạt.

Hôm đó, bố tôi chỉ “giơ cao đánh khẽ” dù “tội lỗi” mà chúng tôi gây ra là hết sức nghiêm trọng.

Bố chỉ muốn chúng tôi ghi nhớ bài học về việc trái lời bố mẹ. Từ đó về sau, mỗi khi bày trò nghịch dại, chúng tôi đều chú ý không làm cháy bất cứ thứ gì trong nhà. Và cũng kể từ ngày đó, bố mẹ không bao giờ dám để anh em tôi ở nhà một mình nữa.

- Win Firman

CON GÁI CỦA CHA

“Người mang ánh nắng đến cho cuộc sống người khác, thì cũng sẽ được ánh nắng chiếu rọi quanh mình.”

J. M. Barrie

Xuất ngũ sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, cha tôi hăm hở bắt tay xây dựng cuộc sống riêng của mình. Cha đã có một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền và một đứa con gái ngoan ngoãn. Cha có rất nhiều dự định tốt đẹp cho tương lai mà kế hoạch đầu tiên là mua một chiếc xe nhãn hiệu Buick. Thế nhưng sau đó, cha đổi ý định và quyết định sinh thêm một đứa con nữa. Cha nghĩ: “Nếu mình không thể mua một chiếc Buick, thì ít ra cũng phải có một đứa con trai chứ nhỉ?”. Và tôi được sinh ra - một bé gái gầy nhẳng và yếu ớt. Tôi không phải là một chiếc Buick và cũng chẳng phải là đứa con trai bố mơ ước.

Dù là con gái nhưng tôi rất thích những trò chơi và hoạt động của con trai. Trong khi chị gái tôi ao ước có một con búp bê Tiny Tears thì tôi lại chỉ muốn một chiếc xe hơi đồ chơi. Khi chị ấy chơi đồ hàng với bạn thì tôi lại đóng vai cao bồi, cưỡi con bạch mã đuôi dài có cái bờm tua tủa màu vàng nhạt. Khi chị chơi trò mua sắm thì tôi trèo qua nhà hàng xóm, trượt xuống mái nhà chơi trò gián điệp. Chị tôi chỉ có thể đập được một cú bóng nhè nhẹ trong trận bóng chày, còn tôi thì có thể đánh một cú sấm sét khiến đối thủ hoảng sợ.

Tôi thường theo cha làm những công việc lặt vặt quanh nhà. Tôi thích làm phụ tá cho cha trong việc sửa sang nhà cửa. Tôi có thể cọ rửa, đánh bóng sàn nhà, sơn tường… Tôi quấn giấy nhám quanh miếng gỗ và chà nhẵn những tấm ván mà cha đã xẻ ra. Mẹ nói tôi là một cô nàng ngổ ngáo trong khi tất cả những gì tôi muốn chỉ là được làm điều mình thích mà thôi.

Ở tuổi dậy thì, tôi cũng bắt đầu để tâm đến những điều thu hút sự chú ý của các cô gái như khiêu vũ, làm đẹp… Nhưng thật lòng mà nói, tôi vẫn thấy thoải mái nhất bên hộp đồ nghề sửa chữa.

Vào năm tám mươi tuổi, cha tôi bị nhồi máu cơ tim và không còn làm được những việc mà ông yêu thích nữa. Tôi giúp cha sắp xếp lại căn nhà theo cách tiện dụng nhất. Tôi đặt một cái tủ nhiều ngăn trong phòng của cha, lắp một bàn ăn nhỏ trong phòng bếp. Tôi thường sắp xếp thời gian để cùng cha đi dạo. Tôi mang theo cả khung tập đi và xe lăn để cha con tôi có thể đi dạo quanh ao xem đàn vịt tung tăng bơi lội, hoặc cùng đến tiệm ăn nhẹ và uống cà phê.

Một hôm, hai cha con tôi cùng đi dạo dưới tiết trời ấm áp. Tôi hỏi cha có thất vọng khi không có một đứa con trai như đã từng mong muốn hay không. Cha nhìn tôi ngạc nhiên:

- Không! Tại sao cha phải thất vọng khi cha vừa có một đứa con trai lại vừa có một cô con gái chứ. Con không những là đứa con trai tốt nhất mà còn là cô con gái tuyệt vời nữa.

Và hôm đó, tôi hiểu rằng dù mình không phải là con trai như cha mong ước, nhưng lại là đứa con mà cha rất tự hào.

- Ferida Wolff

NGƯỜI CHA CHÂN CHÍNH

Trông Robert tựa như người rừng với thân hình cao lớn, tóc để dài, bộ râu rậm rạp và vô số hình xăm trên cánh tay. Ý nghĩ đầu tiên của hầu hết mọi người khi nhìn thấy anh là không nên dây dưa vào con người này. Vì thế, lần đầu tiên nghe Robert giới thiệu về mình, chúng tôi đều hết sức bất ngờ trước cái tên của anh. Trong suy nghĩ của chúng tôi, lẽ ra tên anh phải là Cú đấm thép hoặc Kẻ hủy diệt gì đó mới đúng.

Robert có hai đứa con trai cùng tham gia sinh hoạt tại đội thiếu nhi nhà thờ. Bản thân Robert cũng rất hào hứng và muốn tham gia cùng các con với tư cách là quan sát viên. Thế nhưng, nguyện vọng của Robert khiến chúng tôi - ban phụ trách - cảm thấy rất lo lắng. Chúng tôi lo sợ sự có mặt của anh sẽ ảnh hưởng không tốt đến các em trong đội. Muốn trở thành đội viên trong đội, tất cả mọi người đều phải trải qua một kỳ sát hạch. Với trường hợp Robert, tôi tin rằng mình có thể từ chối Robert sau khi kiểm tra phần lý lịch của anh.

- Anh Robert! Chúng tôi cần một số thông tin về lý lịch của anh. - Tôi nói với Robert.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau; tôi đặt câu hỏi còn Robert thì trả lời. Trong lúc hỏi chuyện Robert, tôi nhận ra một con người khác bên trong vẻ ngoài to lớn và đáng sợ của anh.

- Anh làm nghề gì, Robert? - Tôi hỏi, đầu bút chì đặt sẵn trên giấy.

Robert trả lời:

- Tôi bán ma túy.

- À… ờ… được… - Tôi ấp úng đáp lại, lòng phân vân không biết người tổng phụ trách sẽ nghĩ gì khi đọc được thông tin này. Robert đã thực hiện đúng nội quy của đội, đó là phải luôn trung thực. Tôi ngưng lại, không biết nên viết hoặc nói gì thì đột nhiên Robert cười to.

- Tôi làm trong lực lượng cảnh sát, thuộc đội đặc nhiệm.

Tôi cũng bật cười trước nụ cười thoải mái của Robert. Anh cho biết thêm rằng để hoàn thành nhiệm vụ, anh phải sắm vai một người buôn bán ma túy để xâm nhập vào thế giới của bọn tội phạm. Tôi điền vào tờ khai lý lịch phần nghề nghiệp của Robert: “Cảnh sát đặc nhiệm”. Tôi tin chắc rằng anh sẽ trở thành một thành viên mới thú vị trong đội chúng tôi. Một thời gian sau, Robert chuyển sang vị trí cảnh sát chính quy và vẻ dữ dằn của anh cũng dần thay đổi. Thế nhưng, mãi đến bây giờ, tôi vẫn nhớ câu chuyện về Robert, một người cha tận tụy. Và tôi hiểu rằng chúng ta phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra kết luận về một người nào đó.

- David Wilkins

CHA TÔI LÀ SIÊU NHÂN

Khi lên mười tuổi, tôi không còn tin Ông già Noel là có thật nữa. Lúc đó tôi cũng không tin vào câu chuyện về chú thỏ Phục sinh và các cô tiên.

Nhưng tôi vẫn tin có siêu nhân. Vì sao ư? Vì vị siêu nhân ấy đang sống ngay trong nhà tôi. Siêu nhân của tôi không khoác áo choàng đỏ và đi giầy ống như hình ảnh các siêu nhân trên phim. Mỗi ngày, siêu nhân của tôi mặc sơ mi trắng, đeo cà vạt và xách cặp táp ra khỏi nhà. Siêu nhân đó chính là cha tôi.

Thế nhưng, vị siêu nhân của tôi vẫn có nhiều điểm trùng khớp với các siêu nhân trên truyền hình. Cha di chuyển rất nhanh và hầu như chẳng bao giờ tôi đuổi kịp cha, ngoại trừ trường hợp ông chủ động nhường tôi. Cha có khả năng vật tôi xuống sàn nhà hoặc nhấc bổng tôi lên gần tới trần nhà. Cha có khả năng thấu suốt mọi suy nghĩ và cảm xúc của tôi. Cha luôn biết khi nào tôi nói thật và khi nào tôi nói dối.

Cha có thể sửa tất cả những đồ vật hư hỏng trong nhà, giết chết sâu bọ và biết mọi trò chơi của tôi. Dù rất bận rộn nhưng cha luôn đủ thời gian để dạy tôi làm toán và đủ kiên nhẫn để chỉ tôi đánh bóng chày.

Cha luôn đeo bên mình chiếc thắt lưng bằng đa màu nâu rất dày. Trong suy nghĩ của tôi, chiếc thắt lưng ấy còn chứa đựng một sức mạnh rất ghê gớm. Tôi luôn cho rằng nhờ nó mà cha tôi có đủ quyền lực để tịch thu đồ chơi, xe đạp… của tôi mỗi khi tôi phạm lỗi.

Lớn lên, tôi khám phá ra rằng mỗi người bạn của tôi cũng đang sống chung với một siêu nhân như vậy. Và tất cả các bạn tôi đều thừa nhận điều ấy. Siêu nhân của họ có thể là chủ một tiệm tạp hóa, là bác sĩ phẫu thuật hoặc từng là cầu thủ ở trường trung học. Nhưng một đặc điểm chung giữa chúng tôi là tất cả đều tự hào về vị siêu nhân của mình.

Tuy vậy, cha không thể giữ mãi hình ảnh siêu nhân trong suy nghĩ của chúng tôi được. Khi có gia đình riêng, chúng tôi lại trở thành siêu nhân của con mình và vòng tuần hoàn ấy lại tiếp tục cho các thế hệ sau.

Nhưng đôi khi vẫn có những trường hợp cá biệt.

Ngày trước, tôi không thích Ngày của Cha bởi tôi cho rằng đó chỉ là sáng kiến quảng cáo của một công ty kinh doanh bưu thiếp nào đó mà thôi. Thế nhưng, về sau, tôi nhận ra rằng Ngày của Cha không đơn thuần là ngày của những tấm thiệp chúc mừng mà nó còn là ngày để chúng tôi - những người con - nhớ về vị siêu nhân của mình.

Khi cha tôi bước vào tuổi sáu mươi, mọi đặc tính của siêu nhân không còn tồn tại ở ông nữa. Cha không phải là người nhanh nhất, cũng không thể nhấc bổng tôi lên đến tận trần nhà như ngày xưa. Bây giờ, cha chỉ có thể làm điều đó với đứa cháu nội nhỏ nhất của mình. Và tôi nhận ra rằng cha chưa từng là siêu nhân một ngày nào cả.

Tuy vậy, có một điều tôi có thể chắc chắn là một thời tôi đã tin cha là siêu nhân và cha cũng biết điều đó. Cũng như tất cả những người cha khác, ông đã cố hoàn thành vai trò siêu nhân trong mắt các con mình. Họ cố gắng quên đi những căng thẳng trong công việc cũng như trong cuộc sống để có thời gian vui vẻ cùng các con. Khi tôi giữ chức vụ siêu nhân, cha đã nói với tôi rằng: “Chẳng có ai hoàn hảo cả. Nhưng con hãy cố gắng trở thành siêu nhân vĩ đại nhất của con mình.”

Lời khuyên của cha là sự động viên mạnh mẽ nhất đỗi với tôi. Và tôi hiểu đó chính là sức mạnh vĩ đại mà những người cha đang nắm giữ trong cuộc sống. Và xét cho cùng, cha tôi vẫn là một siêu nhân.

- Bob Dickson


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx