sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cha, điểm tựa đời con - Chương 07

VỚI TÌNH YÊU, TA CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC MỌI THỨ

Bạn không thể trở nên mạnh mẽ, kiên nhẫn và can đảm nếu cuộc đời chỉ đem lại cho bạn những điều tốt đẹp.

Mary Tyler Moore

Nhiều năm về trước, cha tôi được chẩn đoán mắc phải một chứng bệnh tim hiểm nghèo. Cha có thể khỏe mạnh ngay lúc này nhưng chỉ trong phút chốc, ông có thể ngã quỵ và nằm liệt giường. Các bác sĩ khuyên cha nên nghỉ ngơi, phòng những chuyện bất trắc có thể xảy ra.

Trước tình hình đó, cha quyết định đăng ký làm tình nguyện viên tại một bệnh viện nhi. Cha tôi rất yêu trẻ con và đây thật sự là một công việc phù hợp với ông. Cha nhận làm việc tại khu điều trị cho những trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. Cha trò chuyện và chơi đùa cùng chúng. Cha dạy bọn trẻ cách nặn các bức tượng bằng gốm. Thế nhưng, thỉnh thoảng cha lại trở về nhà với vẻ mặt buồn bã. Những lúc ấy, tôi biết cha vừa mất đi một người bạn nhỏ. Dù rất đau buồn nhưng cha vẫn cố gắng an ủi những người cha người mẹ bất hạnh.

Cha bảo cha sẽ sớm gặp con của họ ở thiên đường và hứa sẽ chăm sóc chúng cho đến khi họ có mặt trên đó. Cha còn hỏi họ có gửi lời nhắn nào tới bọn trẻ không. Lời hứa của cha tôi đã giúp nhiều người vơi đi nỗi đau buồn đang trào dâng trong lòng.

Trong số những đứa trẻ cha tôi chăm sóc có một cô bé khoảng chín tuổi đang mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo và bị liệt toàn thân. Dù không rành về y học nhưng tôi biết căn bệnh ấy thật sự rất khủng khiếp đối với cô bé. Mỗi ngày của cô bé đều trôi qua trong lặng lẽ và cô bé gần như chẳng còn điều gì để trông đợi ở cuộc sống. Cha tôi quyết định giúp cô bé. Mỗi ngày, khi đến thăm cô bé, cha mang theo sơn, cọ và giấy vẽ. Cha đặt tờ giấy dựa vào một tờ giấy cứng, miệng ngậm cọ vẽ và bắt đầu sơn quét. Cha chỉ sử dụng miệng để vẽ chứ không dùng đến đôi tay của mình. Cha đến thăm cô bé bất cứ lúc nào có thể và vẽ tặng cô bé một bức tranh. Và ông luôn nhắc cô bé: “Cháu thấy không, chúng ta có thể làm được mọi thứ nếu ta quyết tâm.”

Cuối cùng, cô bé cũng bắt đầu học cách vẽ bằng miệng. Cả hai trở thành bạn bè thân thiết của nhau. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, cô bé xuất viện vì các bác sĩ cho rằng họ không thể làm gì được hơn. Cha tôi cũng tạm dừng công việc tình nguyện ở bệnh viện vì bệnh tình của ông đột nhiên trở nặng. Một thời gian sau, cha tôi khỏe hơn và quay lại công việc mà ông rất yêu thích ấy. Một hôm, cha bước dọc theo hành lang thì thấy cửa phòng của cô bé bị liệt ngày trước đang mở toang, ông bước vào phòng và hết sức ngạc nhiên khi thấy cô bé trước đây đang bước đi bằng đôi chân của mình. Cô bé chạy thẳng đến chỗ cha và ôm ông thật chặt. Cô bé tặng cha bức tranh mà cô đã vẽ bằng tay; dưới bức tranh có đề: “Cám ơn ông đã giúp cháu tự bước đi.”

Khi kể cho tôi nghe câu chuyện xúc động đó, cha tôi đã khóc. Cha bảo tình yêu thương đôi khi còn kỳ diệu hơn cả người thầy thuốc. Cha đã cố gắng sống và cho đi tình yêu thương của mình để góp phần làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc sống. Chỉ vài tháng sau khi được tặng bức tranh, cha tôi qua đời trong một cơn đột quỵ bất ngờ. Và cha đã ra đi với nụ cười mãn nguyện trên môi.

- Tina Karratti

KÝ ỨC TƯƠI ĐẸP

Nụ cười là phương cách giao tế tuyệt vời nhất.

Robert Fulghum

Khi tôi bắt đầu biết hẹn hò vào năm mười tám tuổi, mẹ luôn thức đợi tôi về mỗi đêm. Và khi tôi chuẩn bị đi ngủ thì mẹ sẽ cùng theo tôi vào phòng và hai mẹ con hàn huyên đủ chuyện. Cuộc nói chuyện của hai mẹ con tôi vọng sang phòng ngủ của bố và khiến bố thức giấc.

- Hai mẹ con tính nói chuyện suốt đêm à? - Bố nói vọng sang. - Sao cả hai không đợi đến sáng mai rồi nói tiếp nhỉ?

Mẹ bật cười bảo bố hãy cố ngủ lại đi. Lúc ấy, bố im lặng một lúc rồi lại tiếp tục nhắc nhở:

- Lillian, về phòng ngủ đi thôi. Khi nào con gái mình lấy chồng, em hỏi những câu đó cũng chưa muộn đâu.

Rốt cuộc thì hai mẹ con cũng phải chúc nhau ngủ ngon và mẹ lại quay về phòng làm hòa với bố.

Lúc còn trẻ, bố tôi là một diễn viên hài kịch và vũ công ở một đoàn ca múa nhạc tạp kỹ. Khi đoàn tạp kỹ giải tán, giấc mơ tổ chức biểu diễn của bố cũng tan vỡ theo. Thế nhưng trong suốt nhiều năm, bố không bao giờ bỏ lỡ cơ hội kể một vài chuyện tiếu lâm, hát một vài bài hát hoặc là nhảy múa khi có dịp. Bố thiết kế những chương trình biểu diễn cho các cộng đồng dân cư ở Florida. Bố tôi là một người nồng hậu và tốt bụng. Ông luôn đối xử tử tế với tất cả mọi người.

Một cuối tuần nọ, mẹ tôi có việc đi thăm nhà bà con trong khi tôi cũng có một cuộc hẹn hò vào tối hôm đó. Tôi hứa với bố tôi sẽ không về nhà quá muộn và bảo bố không cần phải thức đợi tôi làm gì. Người bạn trai của tôi đến đón tôi khá sớm. Anh gặp bố và cả hai trò chuyện với nhau trong giây lát.

Buổi hò hẹn kết thúc muộn hơn một chút so với lời tôi hứa với bố. Khi chúng tôi rảo bước về nhà, tôi thấy bố đang đứng dựa lan can tầng ba chờ tôi. Tôi cố gắng thu hút sự chú ý của người bạn trai vào câu chuyện đang dang dở của mình để anh không nhìn thấy bố. Đến trước cổng, tôi vội vàng nói lời tạm biệt và chờ đến khi anh quay lưng thì mới mở cổng bước vào nhà.

Tôi nhón gót bước vào và nhìn sang phòng bố mẹ. Khi nhìn thấy cánh cửa đã đóng, tôi yên tâm nhủ thầm: “Tốt rồi! Chắc bố đã về phòng ngủ”. Tôi mở cửa phòng mình, và giật mình suýt ngất khi nhìn thấy bố.

Và trên giường, người bố yêu quý của tôi đang cười rạng rỡ. Bố đang mặc bộ đầm ngủ của mẹ, mái tóc quăn được vấn lên cao, chân vắt chéo, một tay đặt trên đầu gối, một tay bên hông. Bố bắt đầu giả giọng của mẹ:

- Cuộc hẹn hò thế nào con gái? Cậu ấy đã nói gì còn con trả lời ra sao? Hai đứa đi ăn ở đâu? Có đi xem phim không? Con có tính gặp lại cậu ấy lần nữa không? À! Cậu ấy làm nghề gì nhỉ, có cư xử tử tế với con không? Bố hy vọng cậu ấy là một người đàn ông lịch thiệp. Con có nghĩ cậu ấy thật lòng nghiêm túc trong mối quan hệ này không?

- Bố… - Tôi vội ngắt lời bố. - Từ từ đã, mỗi lần một câu hỏi thôi. Đây mới chỉ là cuộc hẹn thứ năm của chúng con mà!

- À! Bố chỉ muốn biết các thông tin mà mẹ con thường có mỗi khi nói chuyện với con thôi.

Tối hôm đó, hai bố con tôi đã trò chuyện trong gần một giờ đồng hồ với những tràng cười thật sảng khoái. Cuối cùng, tôi phải lên tiếng chấm dứt cuộc trò chuyện:

- Tới giờ đi ngủ rồi. Bố con mình sẽ nói tiếp vào sáng mai bố nhé. Con mệt quá bố ạ!

Bố ôm hôn tôi, chúc tôi ngủ ngon và không quên dặn thêm:

- Này! Con phải nhớ hết mọi chi tiết nhỏ nhặt trong buổi hò hẹn hôm nay để kể lại cho mẹ con nghe khi mẹ về tới nhà nhé. Có vậy mẹ mới không cảm thấy tiếc vì tối nay đã không ở nhà.

- Rosalie Silverman

CON RÙA XANH

Một người đàn ông dong dỏng cao mỉm cười xoa nhẹ mái tóc vàng rối bù của tôi rồi đặt vào tay tôi một vật gì đó màu nâu có những đường vân. Tôi mỉm cười sung sướng khi nhìn thấy cái vật nhỏ bé đang cọ quậy trong tay mình. Đó là một con rùa bé tí - con vật đang rất được ưa chuộng vào những năm 1950.

Chiếc mai cứng tròn nằm gọn trong tay tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn ngắm những họa tiết tuyệt đẹp với những đường kẻ gợn sóng trên mai rùa. Tôi lật ngược con rùa lại, bốn cái chân ngắn ngủn của nó nhúc nhích trông rất ngộ nghĩnh. Lúc đó, tôi hạnh phúc nghĩ đến việc đặt tên cho con rùa con cũng như những việc mình sẽ làm cho nó.

Lúc đó, tôi chẳng hề quan tâm đến việc vì lý do gì mình lại được tặng con rùa đó. Tất cả những gì tôi nghĩ đến lúc đó chỉ là làm thế nào để một thằng nhóc ba tuổi có thể chăm sóc được con rùa. Tôi nghĩ đến việc tìm cho nó một cái nhà. Sau khi tìm kiếm quanh nhà, tôi mừng rơn khi phát hiện ra một hộp đồ chơi nằm ở góc nhà. Chiếc hộp cùng với những vỏ sò có trong đó sẽ trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho chú rùa con sau những giờ chú vui chơi với tôi.

Đến bây giờ, tôi nhận ra rằng người đàn ông đã tặng tôi con rùa thật ra cũng không quá cao. Chiều cao của ông có lẽ ngang bằng với chiều cao của tôi bây giờ - tức là khoảng một mét bảy. Thế nhưng, so với chiều cao của một đứa trẻ ba tuổi thì ông ấy quả thật là một người khổng lồ và là một người rất tử tế.

Hôm đó, tôi mải mê với chú rùa con đến mức gần như chẳng để ý đến người đàn ông ấy. Tôi không nhận ra rằng ông rời khỏi nhà vài phút sau đó. Tôi đã không vẫy tay chào tạm biệt ông ấy và càng không biết được rằng đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy ông.

Vâng, tôi đang nói đến cha tôi cùng những hồi ức ít ỏi về ông. Ngày hôm nay, ở tuồi bốn mươi tám, tôi ngồi viết lại những dòng này mà nước mắt cứ chực rơi. Cha đã qua đời trước khi tôi đến gặp ông và điều đó đã trở thành nỗi đau suốt cuộc đời tôi.

Sau nhiều năm tìm kiếm thông tin, cuối cùng tôi đã tìm được nơi cha sinh sống cũng như sự thật về cuộc đời ông. Tôi phát hiện ra cha là một nhà văn nổi tiếng - điều mà mọi người đã tìm cách giữ bí mật với tôi suốt thời gian qua. Tôi biết có nhiều thông tin sai lệch về cha, nhất là sau khi cha mẹ ly hôn. Tôi quyết tâm sẽ đi tìm cha ngay khi rời khỏi Hải quân và tim tôi tan nát khi biết tin cha đã qua đời hai tháng trước khi tôi giải ngũ.

Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày tôi cất công tìm hiểu về cuộc đời cha. Mỗi lần nghĩ về cha, lòng tôi lại trào dâng một nỗi buồn không thể giãi bày.

Một ngày kia, tôi nhận được tin từ người vợ sau của cha. Dì bảo muốn gặp tôi và có một số đồ vật cần chuyển cho tôi. Thế là tôi cùng vợ và con trai lên đường tới Chicago.

Cuộc gặp gỡ với người vợ sau của cha thật sự là một trong những cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Ngay khi nhìn thấy tôi, dì đã bật khóc. Dường như dì nhìn thấy hình ảnh người chồng quá cố của mình trên gương mặt tôi.

Chúng tôi về nhà dì và bắt đầu tìm hiểu về cuộc sống của người đàn ông mà tôi gọi là cha, không chỉ thông qua những câu chuyện kể của dì và hai người em trai cùng cha khác mẹ mà còn cả những kỷ vật của cha.

Dì lên gác lấy xuống một cái hộp đã đóng bụi, trong đó đựng những bức hình, giấy tờ và thư từ của cha.

Khi sắp xếp chúng theo trình tự thời gian, tôi gần như có thể hình dung được toàn bộ cuộc đời cha trước đây.

Sau nhiều ngày nghiền ngẫm những bản thào của cha, tôi vừa kính trọng vừa khâm phục ông. Cha đã miệt mài sáng tạo bằng tất cả tài năng và niềm đam mê của mình. Cha đã viết nhiều bài phê bình sắc sảo và thường xuyên có những buổi chuyện trò về văn chương ở các trường đại học. Tôi tự hào về cha nhưng đồng thời cũng cảm thấy tủi thân vì đã không có cơ hội được sống bên cha.

Trước ngày tôi trở về nhà, dì đã đưa cho tôi hai món quà cha dành tặng tôi. Một là bản thảo dang dở mà cha cố tình để lại cho tôi. Nó đã khơi dậy cảm hứng viết văn mà tôi ấp ủ bấy lâu nay. Trong một tờ giấy nhỏ màu vàng và với giọng điệu của một người cha thấu hiểu con mình, cha giúp tôi nhận ra mình là ai và cần phải làm gì. Cha nhắn với tôi rằng: “Con là nhà văn và con phải viết!”.

Và khi tôi chuẩn bị bước lên máy bay thì dì đặt vào tay tôi một cái hộp vải nhỏ.

- Cha muốn con giữ lấy cái này… - Dì mỉm cười. - Cha con thường giữ nó bên mình.

Tôi mở ra; đó là một con rùa nhỏ bằng nhựa màu xanh.

- Steven M. Wheat

LẮP ĐẦY KHOẢNG TRỐNG

Tôi là một nhà chính trị và công việc đòi hỏi tôi phải đi đây đó rất nhiều. Năm 1992, tôi làm trợ tá cho chiến dịch tranh cử tồng thống của Senator Bob Kerrey. Với vị trí này, tôi phải xa gia đình của mình trong một thời gian dài. Rất nhiều lần tôi chỉ kịp ghé qua nhà thay quần áo rồi lại tiếp tục các chuyến đi của mình. Trước ngày sinh nhật lần thứ ba của Mollie - con gái nhỏ của tôi - tôi trở về nhà và ghé đón con bé ở trường.

Khi xe chạy ngang qua ngã tư Silver Spring và Maryland, Mollie hỏi tôi:

- Bố ơi, nhà bố ở đường nào?

- Gì hả con?

- Nhà bố ở đường nào ạ?

Câu hỏi của Mollie khiến tôi choáng váng.

Mặc dù con bé biết là tôi và mẹ nó chưa từng ly hôn nhưng có lẽ con bé không nghĩ là tôi sống cùng một căn nhà với nó.

Mặc dù ngay lúc đó, tôi dễ dàng giải thích cho Mollie hiểu rằng tôi và các con cùng sống trong một nhà nhưng rõ ràng, tôi đã nhận thấy có điều gì đó bất ổn với vai trò làm cha của mình. Nhiều ngày sau, vị trí người cha của tôi trong cuộc sống của các con tiếp tục xảy ra nhiều điều khiến tôi suy nghĩ. Mỗi lần bị ngã, con bé chạy tìm mẹ để nhờ băng bó vết thương. Gặp một bài toán hóc búa, con bé đợi tới khi mẹ về mới hỏi chứ nhất quyết không chịu hỏi tôi.

Tôi nhận ra rằng không phải chỉ dành nhiều thời gian ở bên Mollie là đủ. Tôi cần phải dành thời gian đó thể hiện tình cảm của mình. Tôi quyết tâm xóa bỏ khoảng cách trong mối quan hệ giữa hai cha con.

Sự thay đổi tình cảm cha con tôi bắt đầu vào một buổi chiều hè. Lúc đó Mollie đang nản lòng khi tìm cách xây một chỗ ẩn náu bí mật ở sân sau. Mặt trời sắp lặn và Mollie cần phải làm xong chỗ ẩn náu trước khi vào nhà. Thế nhưng, những viên đá con bé cố gắng xếp chồng lên nhau cứ tiếp tục đổ nhào. Khi bức tường sập xuống một lần nữa, con bé òa khóc.

Tôi bước ra sân chơi của Mollie và nói với con:

- Muốn xây xong chỗ ẩn náu này, chúng ta cần phải có một thứ, con có biết đó là gì không?

- Là gì hả bố?

- Con cần phải có sáu mươi viên gạch.

- Vâng ạ! Nhưng con không có được sáu mươi viên gạch.

- Thì chúng ta đi tìm gạch.

- Tìm ở đâu hả bố?

- Ở cửa hàng vật liệu xây dựng. Con mang giày vào rồi lên xe bố chở đi, nhanh nào.

Hai bố con lên xe đi khoảng hơn năm dặm đến một cửa hàng vật liệu xây dựng và tìm mua gạch. Tôi bắt đầu xếp từng viên gạch lên một cái xe đẩy lớn. Đống gạch cồng kềnh và khá nặng. Sau đó, tôi chuyển chúng qua xe chở về rồi tiếp tục dỡ gạch xuống khỏi xe và mang vào nhà. Lúc ấy Mollie năn nỉ tôi:

- Bố ơi! Để con làm cho, bố nghỉ đi.

Nếu để một mình con bé làm chắc cả hai bố con sẽ tốn rất nhiều thời gian. Con bé dùng cả hai tay mà chỉ bưng được một viên gạch. Tôi liếc nhìn đồng hồ, lắc đầu:

- Con gái, mấy viên gạch này nặng lắm đấy!

- Con làm được mà bố!

Nói rồi con bé chạy thật nhanh đến chồng gạch và nhấc bổng từng viên bằng cả hai tay. Mollie mang viên gạch đến xe đẩy và đặt nằm cạnh đám gạch tôi đã xếp lên trước đó.

Việc này có thể kéo dài hết cả đêm mất.

Mollie quay trở lại đống gạch, cẩn thận lựa một viên khác. Và tôi nhận ra đúng là con gái tôi muốn làm việc này cả đêm thật.

Hiếm khi hai bố con tôi có được khoảng thời gian bên nhau lâu như thế này. Nếu là Zach - anh trai Mollie - thì có lẽ mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Zach sẽ hành động nhanh chóng và xem đây là nhiệm vụ cần hoàn thành trước tiên để có thời gian đi xây nơi trú ẩn bí mật. Nhưng Mollie lại khác; con bé muốn khoảnh khắc này kéo dài mãi.

Tôi ngồi trên tấm gỗ, quan sát Mollie làm việc. Con bé vừa lựa chọn những viên gạch vừa trò chuyện. Con bé kể với tôi những dự định về nơi trú ẩn, về trường học, về những đứa bạn của nó và về bài học cưỡi ngựa sắp tới. Tôi chợt bừng tỉnh nhận ra rằng mình cùng con đến đây để xây một căn hầm nhưng thật sự là chúng tôi đang phá vỡ một căn hầm khác - căn hầm đã chia cắt hai cha con tôi bấy lâu nay.

Kể từ ngày đó, tôi đã học được những điều mà vợ tôi đã biết từ lâu, chẳng hạn như làm thế nào để coi một chương trình ti-vi với con gái ngay cả khi đó không phải là chương trình mình yêu thích; làm cách nào để ngồi cùng con mà không đọc báo hay bất kỳ tạp chí gì để thực sự hiện hữu bên con. Tôi nhận ra rằng Mollie không đòi hỏi tôi phải mua cho con bé thứ này thứ khác, hoặc dẫn nó đến nơi này nơi kia hay dành tất cả thời gian để vui chơi cùng nó. Từ sâu thẳm lòng mình, con bé cần tôi vì tôi là bố nó.

- Bill Shore


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx