sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cha, điểm tựa đời con - Chương 08

VÌ CHÁU YÊU

Không gì bằng nhìn thấy con cháu mình và vững tin vào những thế hệ sau.

Doug Larson

Trong một lần tham dự thánh lễ tại nhà thờ, tôi đã được nghe kể một câu chuyện cảm động về một gia đình người Đông Âu trong Thế chiến thứ hai. Khi đó, để tránh bị quân xâm lược giết hại, họ quyết định sẽ đi xuyên qua ngọn núi bao bọc ngôi làng để vào rừng ẩn náu. Tuy nhiên, người ông - vốn đã già yếu - quyết định ở lại. Ông nài nỉ các con:

- Hãy để bố ở lại đây. Bọn lính sẽ chẳng bận tâm tới một lão già như bố đâu.

- Không được, bố ạ! - Người con trai lớn lắc đầu. - Chúng sẽ giết bố mất thôi.

- Chúng con không thể bỏ bố lại được. - Cô con gái khẩn khoản. - Nếu bố không đi thì chúng con cũng sẽ không đi đâu.

Ông nhìn con cháu một lượt rồi đồng ý lên đường. Cả gia đình gần mười người, bao gồm cả đứa bé mới sinh của người con trai, bắt đầu khởi hành khi bóng đêm vừa nhập nhoạng buông xuống. Họ bước đi trong im lặng, các thành viên lớn trong gia đình thay nhau ẵm đứa bé. Nhiều giờ trôi qua, người ông ngồi xuống trên một tàng đá và ôm đầu.

- Các con đi tiếp đi, đừng đợi ta. - Ông nói, giọng thất vọng. - Ta không thể đi nổi nữa rồi.

- Không được, bố ơi! - Người con trai năn nỉ.

- Chúng con cần bố lắm, bố ạ. Đến lượt bố ẵm cháu rồi này.

Người ông ngước lên, nhìn đứa bé đang cuộn tròn trong tấm chăn trên cánh tay gầy guộc của người con trai ba mươi tuổi.

- Ừ! Đúng rồi. - Người ông nói. - Đến lượt ta rồi. Nào, đưa cháu cho ta.

Ông đứng lên, chậm rãi nhận lấy đứa bé từ tay con trai mình và nhìn vào gương mặt bé nhỏ ngây thơ của cháu. Bỗng nhiên ông cảm thấy một luồng sức mạnh bừng lên trong cơ thể. Khát khao được nhìn thấy con cháu mình đến nơi an toàn trào dâng trong lòng ông.

- Nhanh nào. - Ông lão nói lớn, giọng mạnh mẽ. - Đi thôi các con, ta khỏe rồi.

Và cuối cùng, cả gia đình ấy đã đến được nơi an toàn vào ngày hôm sau. Hành trình vượt núi của họ đã hoàn tất và họ sống yên ổn trong rừng cho đến khi chiến tranh kết thúc.

- Floyd Wickman và Terri Sjodin

BÍ MẬT ĐƯỢC GIỮ KÍN

Cứ mỗi lần bước vào trạm cứu hỏa, nhìn những động cơ màu đỏ nhuộm dạ quang vàng, những chiếc vòi phun nước, những đôi ủng cao su cỡ lớn và mũ bảo hiểm… là tôi lại nhớ về thời thơ ấu cùng người bố kính yêu của mình. Bố tôi đã làm việc suốt ba mươi lăm năm trong vai trò tổ trưởng tổ bảo dưỡng các dụng cụ cứu hỏa.

Ngày ấy, bố thường dẫn tôi và anh Jay đến trạm cứu hỏa chơi. Ở góc trạm cứu hỏa có một chiếc máy tự động chứa những chai Coca-Cola loại 300 ml giá một hào. Mỗi khi được theo bố đến trạm cứu hỏa, anh em tôi thích nhất là việc được mua nước ở cái máy bán hàng tự động đó.

Năm lên mười tuổi, một lần, tôi dẫn hai đứa bạn đến trạm cứu hỏa chơi. Hôm đó, trước bữa trưa, tôi đã hỏi xin bố mua ba chai Coca-Cola để đãi các bạn.

Dù thoáng chút lưỡng lự nhưng cuối cùng bố cũng đồng ý và đưa cho tôi ba hào. Chúng tôi lao đến cái máy bán nước để lấy chai Coca-Cola và xem nắp chai của đứa nào sẽ có một ngôi sao lấp lánh ở trong.

Đúng là một ngày may mắn! Nắp chai của tôi có một ngôi sao. Tôi cực kỳ muốn đổi mười nắp chai có hình ngôi sao để lấy cái mũ Davy Crockett, mà lúc bấy giờ tôi đã sưu tập được bảy chiếc.

Sau đó chúng tôi cảm ơn bố rồi về nhà ăn trưa để buổi chiều còn đi bơi.

Đi bơi về, tôi nghe thấy bố mẹ đang nói chuyện ở trong nhà. Mẹ có vẻ không hài lòng về bố. Tôi còn nghe mẹ nhắc đến tên mình.

- Đáng lẽ ra anh phải nói với con là không mang đủ tiền cho con uống nước ngọt chứ. Brian sẽ hiểu thôi. Nhà mình chẳng dư dả gì và anh cần phải ăn trưa nữa!

Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy bố - vẫn như mọi khi - chỉ nhún vai im lặng.

Sợ bố mẹ bắt gặp mình đang nghe lén, tôi nhẹ nhàng đi về phía cầu thang rồi lên căn phòng mà năm anh em chúng tôi vẫn ngủ chung.

Khi lấy từ trong túi cái nắp chai trúng thưởng để bỏ chung nó vào với bảy cái còn lại, tôi nhận ra bố đã hy sinh cho mình nhiều đến thế nào. Tối hôm đó, tôi tự hứa với lòng: “Một ngày nào đó, nhất định con sẽ nói với bố rằng con biết sự hy sinh thầm lặng của bố trong ngày hôm nay, cũng như rất nhiều ngày khác. Và con sẽ không bao giờ quên ơn bố.”

Suốt hai mươi năm, bố làm việc cật lực để nuôi sống cả gia đình. Ở tuổi năm mươi, bố lên cơn đau tim đột ngột và sau đó, ông phải nhờ đến máy trợ tim.

Một hôm, chiếc xe cũ kỹ của bố bị chết máy. Bố gọi điện nhờ tôi đưa đi tái khám theo lịch hẹn. Khi đến trạm cứu hỏa để đón bố, tôi thấy bố cùng mấy chú đồng nghiệp đang đứng ngoài sân ngắm một chiếc xe tải nhỏ. Khi hai bố con đang trầm trồ khen ngợi nó, tôi nghe thấy bố nói:

- Rồi một ngày bố sẽ mua một chiếc thế này!

Cả hai bố con cùng cười lớn. Xưa nay, bố vẫn luôn nói về những ước mơ không bao giờ đạt được của ông theo cách đó. Bỗng dưng tôi thấy sống mũi của mình cay cay. Công việc làm ăn của anh em tôi tiến triển khá tốt nên tôi đã đề nghị mua tặng bố chiếc xe tải đó. Thế nhưng, bố từ chối và nói:

- Nếu bố không tự mình mua được nó thì bố có cảm giác nó không phải của bố.

Hôm đó, lúc rời khỏi phòng khám, tôi thấy gương mặt bố nhợt nhạt. Nhưng bố chỉ nhẹ nhàng nói với tôi:

- Về thôi con.

Hai bố con tôi ra về trong im lặng. Tôi chọn con đường đi ngang qua trạm cứu hỏa trở về nhà. Bố nhìn hai bên đường rồi kể cho tôi nghe những kỷ niệm nơi mình vừa chạy ngang qua.

Tôi biết có thể bố sắp sửa đi xa.

Bố nhìn tôi, gật đầu.

Lần đầu tiên sau mười lăm năm, hai bố con tôi dừng lại ở quán kem Cabot và cùng ăn kem ốc quế. Bố nói về ngày bố ra đi, về niềm tin mà ông đặt nơi anh em chúng tôi. Bố bảo rằng bố không sợ chết mà chỉ sợ phải xa mẹ. Bố lo mẹ sẽ cô đơn trong những tháng ngày còn lại. Tôi nghẹn ngào trước tình yêu bố dành cho mẹ.

Bố bắt tôi không được nói với bất kỳ ai về cái chết đang lơ lửng trên đầu bố. Tôi đồng ý, dù biết rằng đó là bí mật khó khăn nhất mà tôi phải giữ kín trong đời.

Một ngày nọ, tôi bảo với bố rằng vợ chồng tôi đang tìm mua một chiếc xe tải. Tôi nhờ bố đi chọn giúp để tôi có thể mua được chiếc tốt nhất.

Hai bố con đến các phòng trưng bày xe tải trong thành phố. Trong lúc đang hỏi chuyện người bán hàng, tôi để ý thấy bố chăm chú nhìn vào một chiếc xe tải hạng nhẹ màu nâu. Bố nhẹ nhàng vuốt ve chiếc xe như cách các nhà điêu khắc đang kiểm tra tác phẩm của mình vậy.

Tôi đề nghị người bán cho bố lái thử chiếc xe tải màu nâu ra ngoài. Bố lái xe xuống đường số 27 và mười phút sau, ông trở lại, miệng không ngớt khen ngợi chiếc xe.

Sau đó, chúng tôi đề nghị chạy thử một chiếc xe tải màu xanh lớn hơn để so sánh hai chiếc với nhau.

Vài hôm sau, tôi rủ bố đi đến hãng lấy chiếc xe tải màu xanh về cùng tôi. Ngay lập tức, bố đồng ý đến đó gặp “chiếc xe tải màu nâu của bố” lần cuối - theo như bố vẫn gọi nó từ hôm trở về nhà.

Khi đi ngang qua khu vực trưng bày, chúng tôi nhìn thấy chiếc xe tải màu xanh dán miếng giấy nhỏ, trên đó ghi: “Đã bán”. Kế bên nó, chiếc xe màu nâu cũng dán một mảnh giấy tương tự.

Tôi liếc nhìn bố và thấy sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt bố. Bố nói:

- Ai đó đã mua mất chiếc xe đẹp này rồi.

Tôi chỉ gật đầu và nói với bố:

- Bố vào trước bố nhé. Con ra ngoài một lát, nhưng con sẽ tới ngay thôi!

Khi bước ngang qua chiếc xe màu nâu, bố đưa tay vuốt ve nó và tôi có thể thấy rõ nỗi thất vọng cùng sự luyến tiếc của bố.

Tôi bước ra bên ngoài, và chờ đợi. Qua cửa sổ, tôi thấy người bán hàng mời bố ngồi, giao bộ chìa khóa chiếc xe màu nâu cho bố. Đó chính là món quà tôi tặng bố.

Bố nhìn ra ngoài, nhìn thấy tôi đang bước vào. Đôi mắt chúng tôi gặp nhau và cả hai cha con cùng gật đầu, cười lớn.

Tôi ngồi đợi bên ngoài văn phòng khi bố tôi chạy thử xe thêm lần nữa. Lúc bố bước ra khỏi chiếc xe, tôi bước đến ôm bố thật chặt.

Tối hôm đó, hai bố con tôi cùng nhau đi dạo trên con đường nhỏ dẫn về nhà. Bố bảo rằng bố không hiểu vì sao tôi cứ nhất định mua tặng bố chiếc xe tải màu nâu đó. Tôi mỉm cười, thấy món quà của mình quá nhỏ bé so với chiếc nắp chai Coca có ngôi sao chính giữa ngày xưa!

- Brian Keefe

NHỮNG BUỔI XEM PHIM

Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt mê các bộ phim được chiếu ở rạp. Tôi thường có mặt trong các suất diễn mỗi chiều chủ nhật ở rạp Monroeđể xem những bộ phim như Chú bọ đáng yêu, Charlie - Chú báo cô đơn và Phi hành gia bất đắc dĩ. Năm 1970, tôi được mười hai tuổi và bước vào thời kỳ dậy thì - sớm hơn với các bạn cùng tuổi. Nhu cầu giải trí của tôi cũng thay đổi. Từ việc chỉ xem những bộ phim hoạt hình của hãng Walt Disney, tôi chuyển sang xem những phim có vẻ người lớn hơn. Dĩ nhiên, tôi vẫn không được phép xem những phim dành cho người trên mười bảy tuổi.

Một ngày kia, trên ti-vi xuất hiện một loạt những tiết mục quảng cáo về bộ phim The French Connection (Gắn kết kiểu Pháp) - một bộ phim hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và dành cho những quý ông đích thực. Nhưng một lần nữa, tôi lại phải bỏ lỡ vì chưa đủ tuổi để xem. Tôi nhớ như in cái đêm bố và anh trai tôi đi xem phim. Trước khi đi, anh tôi còn quay lại trêu tôi: “Người lớn sẽ quay về sau”.

“The French Connection” là một bộ phim hành động tuyệt vời với những màn rượt đuổi bằng ô tô rất ngoạn mục và không giống với bất kỳ bộ phim nào mà tôi từng được xem (đoạn quảng cáo đã tập trung vào những cảnh quay này nên tôi càng háo hức được xem nó). Gene Hackman vào vai Popeye Doyle - một thám tử ở thành phố New York. (Về sau, bộ phim này đã giành giải thưởng của Viện hàn lâm ở các hạng mục như phim hay nhất, kịch bản phim hay nhất, đạo diễn, diễn viên xuất sắc nhất). Là một khán giả cuồng nhiệt của phim ảnh, tôi thất vọng tràn trề khi không được xem nó và cảm thấy mình đang để tuột mất một cái gì đó mang tính lịch sử. Tôi nghĩ đến anh Peter và cảm thấy tủi thân hết sức. Trong khi anh đang ngồi trong rạp thưởng thức bộ phim thì tôi phải ở nhà với mẹ và em trai Steven trong một đêm tẻ nhạt.

Khi bố và anh Peter về tới nhà, họ bắt đầu bàn luận về bộ phim, về màn rượt đuổi trên phim.

- Không thể tin được! Hackman thật cừ!

Tôi im lặng nghe hai người bàn luận, lòng chỉ ước mình lớn thật nhanh.

- Con muốn đi xem không Leonard? - Bố hỏi, dường như ông đọc được ước muốn của tôi.

Không đợi tôi trả lời, mẹ đã lên tiếng trước:

- Ed, có phải anh bảo Leonard được xem bộ phim đó không?

“Thôi mà mẹ! Đừng tỏ vẻ nghi ngờ như vậy mà. Mẹ cho con được đi xem với bố đi”. Tôi nhìn mẹ với ánh mắt van nài.

- Anh thấy bộ phim đó không có vấn đề gì cả. Anh nghĩ con mình đủ lớn để xem nó rồi. Anh sẽ cho thằng bé đi xem vào tối mai.

- Nhưng anh vừa đi với Peter tối nay rồi. Anh lại định đi xem lần nữa vào tối mai sao?

Bố nhìn tôi; hẳn ông thấy mắt tôi ngập tràn niềm hy vọng. Bố đáp:

- Tất nhiên! Tại sao không, con trai nhỉ?

- Hoan hô bố! - Tôi nhảy cẫng lên sung sướng.

Tối hôm sau, tôi hồi hộp đến mức chỉ ăn qua loa cho xong bữa tối. Tất cả tâm trí của tôi đều dành cho bộ phim, lòng chỉ mong sao nhanh đến lúc khởi hành. Dường như hiểu được tâm trạng tôi, bố mỉm cười bảo:

- Leonard, nếu con không ăn gì con sẽ đói trong lúc xem phim đấy.

Vậy là không nghi ngờ gì nữa - chắc chắn tôi sẽ được đi xem bộ phim chỉ dành cho người trên mười bảy tuổi. Cuối cùng, bừa ăn tối dài đăng đẵng cũng kết thúc. Chúng tôi mặc áo khoác dày vào và bước ra khỏi cửa. Bố hồ hởi nói to:

- Cha con anh sẽ quay về sớm thôi.

Mẹ đáp:

- Vâng. Hai bố con đi chơi vui nhé!

Tôi sung sướng chui vào xe hơi, hào hứng nghĩ tới quãng thời gian hạnh phúc sắp tới. Mùi nước hoa Old Spice của bố tỏa ra ấm áp đến lạ. Tôi có thể cảm nhận được tình yêu thương mà bố dành cho mình. Đây là giây phút riêng tư hiếm có của hai bố con tôi. Tuy vừa xem bộ phim này tối hôm trước nhưng bố vẫn quyết định dẫn tôi đi xem ngay tối nay thay vì chờ đến tuần sau. Điều này đã khiến tôi vô cùng xúc động và cảm thấy bố thật tuyệt vời.

Rạp Monroe rất lớn và tối nay, nó càng trở nên đặc biệt đối với tôi. Vừa bước vào bên trong rạp, tôi đã cảm nhận được không khí ấm áp cùng mùi thơm của bắp rang. Từ trước đến nay, chưa có cô cậu bé nào được vào xem bộ phim dành cho người trên mười bảy tuổi. Thế nhưng, thật may mắn là tôi trông lớn hơn so với tuổi thật của mình và chúng tôi không gặp phải vấn đề gì ở chỗ cô bán vé. Tôi rất vui khi bố nghĩ tôi đã đủ lớn để xem phim vì lúc mua vé, ông chẳng ngần ngại đề nghị: “Cô cho tôi hai vé người lớn”.

The French Connection còn hay hơn cả sự tưởng tượng của tôi. Đó là bộ phim hay nhất mà tôi từng được xem cho tới thời điểm đó. Và điều đặc biệt là tôi đã được xem với tư cách một người lớn!

Trước khi vào nhà, tôi quay lại nhìn bố với ánh mắt biết ơn. Tôi muốn nói với bố về cảm giác hạnh phúc đang trào dâng trong lòng mình lúc này. Thật tuyệt vời khi được đi xem phim với bố như một người trưởng thành. Thế nhưng, tất cả những gì tôi có thể nói lúc đó chỉ là:

- Cám ơn bố đã dẫn con đi xem phim.

Bố ôm lấy tôi trong vòng tay to lớn của ông. Bố ôm tôi lâu hơn bình thường. Mùi nước hoa Old Spice chưa bao giờ tuyệt vời đến thế.

- Ồ, bố thích thế mà. - Bố trả lời.

Và thực sự là bố thích như thế.

Sau lần đó, hai cha con tôi thường đi xem phim cùng nhau. Những phim cấm trẻ em dần không còn quá quan trọng với tôi nữa. Tôi đã được xem bộ phim đầu tiên dành cho người lớn và kể như “Nghi thức trưởng thành” của tôi đã qua. Mọi thứ có đôi chút thay đổi khi tôi bước sang tuổi mười bảy. Thay vì đi xem phim với bố, tôi chuyển sang đi xem phim với các bạn.

Năm 1975, anh Peter, tôi, cùng hai người bạn là Clen Belfer và Cliff Konnerth xếp hàng chờ suốt hai tiếng để xem phim Jaws. Tôi về đến nhà, hết lời ca ngợi bộ phim. Tôi thấy bố tỏ vẻ nuối tiếc vì đã bỏ lỡ “sự kiện” này. Mẹ chẳng bao giờ thích đi xem phim trong khi bố lại không muốn đi một mình. Hầu hết những cậu bé trạc tuổi tôi chẳng bao giờ muốn có sự hiện diện của bố mẹ khi chúng đi xem phim cùng các bạn cả.

- Bố ơi! Bố có muốn đi xem phim đó không ạ?

Bố ngạc nhiên nhìn tôi, chần chừ giây lát rồi trả lời:

- À… ừ… Tất nhiên là có chứ con.

- Vâng! Vậy tối mai con với bố cùng đi nhé. Chỉ hai cha con mình thôi.

- Tuyệt! - Bố nói và quay đi chỗ khác để tôi không thấy gương mặt rạng rỡ của ông.

Tối hôm sau, tôi lại đứng xếp hàng đợi thêm hai tiếng để lấy vé xem Jaws. Lần này là vì tôi thích “dắt” bố tới rạp chiếu phim. Tôi hân hạnh được làm điều đó.

- Lenny Grossman

TRUYỀN THUYẾT CỦA CÁC ÔNG BỐ

Đôi môi thể hiện nụ cười, còn nụ cười thể hiện mọi sự tốt đẹp.

Josh Billings

Có lẽ một trong những điều khó khăn nhất đối với các ông bố là việc phải trả lời câu hỏi của một đứa con năm tuổi về vấn đề: “Các em bé sinh ra từ đâu?”. Dù đã lên chức ông nhưng đến bây giờ, tôi vẫn không biết giải thích với cháu chắt của mình như thế nào nếu chúng hỏi tôi về điều đó. Tất nhiên ngày trước, tôi cũng đã từng đối mặt với câu hỏi này và nó trớ thành một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời tôi.

Một tối nọ, khi đang cùng tôi xem một chương trình truyền hình về đề tài gia đình thì Nancy - vợ tôi - nhẹ nhàng lên tiếng:

- Jim! Em nghĩ anh nên sớm dành thời gian để nói chuyện với Shawn về vấn đề giới tính.

Tôi chau mày, bảo:

- Thằng bé còn quá nhỏ để biết những chuyện ấy, em ạ.

- Em không nghĩ như thế. - Vợ tôi lắc đầu phàn đối. - Hôm qua Shawn hỏi em liệu nó có thể đổi bộ đồ chơi đánh trận G.I. Joe để lấy Raquel Welch không. (Raquel Welch là tên một nữ diễn viên rất nổi tiếng thời đó).

Tôi hỏi:

- Có phải những con búp bê Raquel Welch người ta bày bán ngoài cửa hàng không?

- Không. - Vợ tôi trả lời. - Ý thằng bé không phải là một con búp bê. Nó muốn Raquel Welch, một Raquel Welch thật sự kia!

Tôi im lặng suy nghĩ, rồi cuối cùng lên tiếng:

- À… anh nghĩ em nói đúng, nhưng dẫu sao… thằng bé vẫn còn quá nhỏ.

Vợ tôi thản nhiên đáp:

- Bây giờ tụi nhỏ phát triển nhanh lắm. Em nghĩ do ảnh hưởng của truyền hình và phim ảnh.

Tôi đành miễn cưỡng đáp:

- Thôi được rồi! Thế thì anh sẽ nói chuyện với con ngay.

Và hôm đó, cuộc nói chuyện của bố con tôi kết thúc bằng câu nói của Shawn: “Con hiểu rồi. Một người Ấn Độ bắn mũi tên lên trời; nếu mũi tên đó đáp xuống bãi hàu thì người phụ nữ sẽ sinh con trai, còn nếu nó đáp xuống một vườn dâu thì người phụ nữ sẽ sinh con gái.”

Thằng bé hỏi tiếp:

- Vậy người phụ nữ đó có ăn con hàu không hả bố?

- À… có, có chứ. Và đó là lý do tại sao có nhiều bé gái hơn bé trai. - Tôi đáp.

Đến lúc đó, đột nhiên cửa phòng ngủ của Shawn mở toang. Nancy bước vào nói to:

- Jim! Sao anh có thể kể cho thằng bé nghe một câu chuyện như thế? Đó là câu chuyện ngớ ngẩn nhất mà em từng nghe!

- Mẹ ơi, mẹ đừng nổi cáu. Con biết đó chỉ là một trong những câu chuyện mà các ông bố thường kể thôi. - Shawn bất ngờ nói.

- Con hiểu rồi phải không? - Tôi hỏi để phân tán sự chú ý của vợ.

- Dĩ nhiên rồi ạ. - Shawn đáp. - Mikey kể con nghe việc em bé được sinh ra từ đâu rồi.

- Mikey kể như thế nào? - Vợ chồng tôi đồng thanh hỏi.

Thằng bé tiếp tục:

- Câu chuyện kể rằng có một người đàn ông và một người phụ nữ cùng đến Hollywood. Họ trao nhau thật nhiều nụ hôn và ôm nhau thật chặt. Sau đó họ tổ chức đám cưới và nhận rất nhiều quà.

Nancy thở dài:

- Ồ, câu chuyện hay nhỉ!

- Trong số những món quà ấy có hai cuốn catalogue.

- Cái gì? - Chúng tôi cùng buột miệng lần nữa.

Shawn lại tiếp tục kể:

- Họ có thể chọn một em bé trai từ cuốn Sears, hoặc một em bé gái từ cuốn JC Penny. Mikey kể như vậy đó bố mẹ ạ!

Tôi hỏi:

- Vậy ai kể cho Mikey câu chuyện đó?

- Bố của Mikey. - Shawn đáp.

Nancy nhăn mặt:

- Hết bãi hàu rồi tới những cuốn album. Đàn ông các anh học những câu chuyện kiểu này ở đâu vậy?

Tôi cười ngượng ngùng, trả lời:

- Tất nhiên là từ những ông bố của tụi anh rồi!

- Jim Hornbeck


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx