sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 07 - Phần 1

7. Bầy thú điện tử

Tháng 9/1997, Thủ tướng Malaysia, bác sĩ Mahathir Mohamad đã sử dụng cuộc họp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Hồng Kông để lên án những điều xấu xa của toàn cầu hóa. Đó là thời điểm các loại trái phiếu và đồng tiền của Malaysia đang bị các nhà đầu tư ngoại quốc tấn công.

Mahathir gọi những nhà buôn tiền tệ là “đồ đê tiện”, ông còn kết tội những “Siêu cường” và các nhà tài phiệt như George Soros đã buộc Á châu phải mở cửa những thị trường nội địa, khiến các nhà đầu cơ tài chính toàn cầu tràn vào lũng đoạn trong tư cách đối thủ cạnh tranh.

Ông so sánh các thị trường vốn trên toàn cầu với hình ảnh “Một khu rừng rậm nhiệt đới với những con thú hung dữ”, và nói bóng gió rằng chúng được một bè đảng Do thái điều khiển. Khi lắng nghe những công kích của Thủ tướng Mahathir, tôi cố gắng tưởng tượng về cách đối đáp của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Robert Rubin, cũng đang ngồi trong cử tọa để nghe ông Mahathir. Nếu được phép nói thẳng, có lẽ Rubin sẽ phản ứng như sau:

“Xin lỗi ông Mahathir, ông đang sống ở hành tinh nào vậy? Ông nói về chuyện gia nhập toàn cầu hóa cứ như là một lựa chọn vậy. Toàn cầu hóa không phải là một lựa chọn. Đó là một thực tế. Ngày nay chỉ có một thị trường toàn cầu. Và phương pháp duy nhất để ông có thể tăng trưởng và lôi kéo dân chúng của ông phát triển là phải sử dụng các nguồn cổ phần và trái phiếu trên toàn cầu, bằng cách mời các công ty xuyên quốc gia vào làm ăn ở Malaysia và bán sản phẩm từ các nhà máy của ông trên hệ thống thị trường thế giới. Và thực tế cơ bản nhất liên quan đến toàn cầu hóa là: Không có ai lãnh đạo – cả George Soros, lẫn “siêu cường” hay bản thân tôi đều không phải là những người chỉ đạo. Tôi không phải là người đã phát động toàn cầu hóa. Cả tôi và ông đều không thể chặn nó được – nếu không muốn xã hội của ông hay tôi phải trả một giá cực kỳ đắt, và chịu ngưng tăng trưởng. Ông cứ cố tìm người để đổ lỗi, để giúp giảm áp lực ở các thị trường nội địa. Nhưng thưa ông Mahathir, ông không tài nào tìm được ai đâu. Tôi biết điều đó khiến ông khó mà chấp nhận. Giống như việc nói với người ta rằng không có Chúa vậy. Ai cũng như ai, đều tin, muốn tìm và buộc ai đó phải đứng ra chịu trách nhiệm. Nhưng trên thương trường tài chính ngày nay có một bầy thú bao gồm những tay buôn cổ phần và tiền tệ cùng những nhà đầu tư tài chính xuyên quốc gia ẩn danh – họ móc nối với nhau bằng các mạng điện toán và Internet. Và Mahathir, xin ông đừng có vờ lẩn thẩn với tôi. Hai chúng ta đều biết rằng ngân hàng nhà nước của ông đã để mất ba tỷ đô-la trong vụ đầu cơ đồng bảng Anh hồi đầu những năm chín mươi – nên ông đừng nói thêm những điều xằng bậy, ra vẻ thánh thiện nữa. Bầy Thú Điện Tử không nương tay với bất cứ ai. Chúng không chấp nhận chuyện ai đó có hoàn cảnh riêng và độc đáo. Luật chơi của bầy thú rất nhất quán – đó là luật chơi dùng chiếc áo nịt vàng. Thưa ông, bầy thú này kiếm ăn ở một trăm tám mươi quốc gia, nên chúng không có thời gian để tìm hiểu tỉ mỉ những đặc điểm của Malaysia đâu. Chúng nhanh chóng quyết định xem ai là người tuân thủ luật chơi, thưởng rất hậu cho những đất nước có hệ thống tài chính minh bạch. Chúng không muốn thấy những sự đột biến gây sửng sốt. Đã nhiều năm, dường như Malaysia tuân thủ luật chơi của chúng và đã thu hút rất nhiều khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, giúp cho quý vị nâng thu nhập bình quân trên đầu người từ ba trăm năm mươi đô-la lên tới năm nghìn đô-la trong vòng một hai thập niên. Nhưng đến khi quý vị bắt đầu phá luật lệ bằng cách vay nhiều quá để xây dựng quá mức, thì, e hèm, bầy thú đã bỏ rơi quý vị. Có thực sự cần thiết phải xây hai tòa tháp cao nhất thế giới ở Kuala Lumpur không? Khi xây xong ông đã cho thuê được phân nửa diện tích của chúng chưa? Hình như chưa. Chính vì thế bầy thú đã giận dữ và đè bẹp ông trên đường kiếm ăn của chúng. Năm 1997, chỉ số chứng khoán KLCI (tương tự Dow Jones) của Malaysia đã sụt bốn mươi tám phần trăm, và trị giá đồng tiền Malaysia sụt xuống mức thấp nhất trong vòng hai mươi sáu năm. Khi điều đó xảy ra, ông đừng có mong bầy thú giúp đỡ, rủ lòng thương, ông đừng nên lên án “hội âm mưu của nhóm người Do Thái”, ông hãy đứng dậy, phủi quần áo, khoác lên tấm áo nịt vàng, và đi theo con đường bầy thú đã đi. Tất nhiên thật là bất công. Về một số khía cạnh, hình như bầy thú đã dụ ông vào lối cụt: chúng hứa hẹn sẽ cho ông vay ngoại tệ giảm giá, ông đã lấy của chúng, rồi dùng để xây dựng quá nhiều những đập nước, nhà máy và tháp thương mại. Nhưng đó chính là điều đáng lo sợ. Không phải lúc nào bầy thú cũng đúng cả. Thưa ông Mahathir, chúng cũng mắc lỗi. Chúng phản ứng quá tay, tham vọng quá mức. Nhưng nếu những nền móng căn bản của kinh tế và tài chính của Malaysia là vững chắc, thì bầy thú, cùng tài chính, rồi sẽ quay lại với ông thôi. Bầy thú không ngu ngốc quá lâu đâu. Trước sau chúng đều muốn trợ giúp những ai duy trì được công tác quản lý kinh tế và đất nước một cách đúng đắn. Xin nói, khi còn là một thị trường mới trỗi dậy, với những “bong bóng” trong xây dựng đường sắt, Hoa Kỳ cũng phải trải qua những tình huống bấp bênh như Malaysia hiện nay”.

“Ông cần phải kiểm soát tình thế và xây dựng những bước đệm để tránh những cú sốc đầu tư. Hàng ngày tôi theo dõi đường đi của Bầy Thú Điện Tử qua màn hình của hãng Bloomberg để bên bàn làm việc. Thông thường ở những nước có nền dân chủ, người ta bầu cho những chính sách của chính phủ hai hay bốn năm một lần. Nhưng bầy thú này biểu quyết tín nhiệm thường xuyên tới từng phút từng giờ. Bất cứ lúc nào ông cần, bầy thú đều có thể báo cho ông chính xác vị trí của nền kinh tế của ông trong chiếc áo nịt ra sao, chiếc áo vừa hay rộng đối với đất nước của ông. Tôi biết ông nghĩ rằng tôi là một nhân vật hùng mạnh trong tư cách Bộ trưởng Tài chính của Hoa Kỳ. Nhưng thực ra, giống như ông vậy thôi, Mahathir, tôi cũng rất lo và phải đối phó thường xuyên với Bầy Thú Điện Tử. Những thằng ngu trong giới truyền thông thường đưa tôi lên trang nhất của báo chí, cứ làm như tôi thật sự là người đứng mũi chịu sào. Nhưng tôi ngồi đây lo lắng không rõ Quốc hội Mỹ có duyệt cho chính phủ, cho Tổng thống được phép mở rộng ngoại thương hay không – hay chúng tôi bị buộc phải hạn chế ngân sách để rồi bầy thú giận dữ, đạp nát đồng đô-la cũng như chỉ số Dow Jones. Hãy cho tôi được tiết lộ một chút bí mật, Mahathir, đừng nói với ai khác: trên bàn làm việc của tôi không còn máy điện thoại đâu vì tôi hiểu hơn ai hết là: Không có ai để gọi đến cứu giúp”.

Dẫu bạn có không đồng ý, thì theo tôi, những điều tưởng tượng nói trên là sự thật. Các quốc gia ngày nay sẽ không thể tăng trưởng nếu không nhờ cậy đến Bầy Thú Điện Tử. Chúng cũng không thể tăng trưởng mạnh nếu không tận dụng và khai thác triệt để thế mạnh của bầy thú, tránh được những cú sốc mà bầy thú gây ra. Cũng tương tự như đường dây điện cao thế nối vào căn nhà của bạn vậy. Thông thường đường dây đó giúp sưởi ấm và mang năng lượng vào nhà của bạn. Nhưng nếu bạn không có những hệ thống công tắc và đảm bảo an toàn, và nếu có những đột biến về điện thế, thì bạn có thể bị điện giật, đốt cháy thui.

Bầy Thú Điện Tử được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất tôi xin gọi là “Những con thú sừng ngắn”. Nhóm này gồm những tay buôn chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ. Họ buôn trên khắp thế giới và chuyển tiền rất nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác. Nhóm sừng ngắn gồm các tay buôn tiền tệ, các quỹ hưu bổng, hỗ tương, đầu cơ, các công ty bảo hiểm, các phòng giao dịch của nhà băng và các cá nhân đầu tư. Chúng có quy mô cỡ Merrill Lynch cho tới Credit Suisse, tới Fuji Bank hay trang web Charles Schwab nơi mỗi người nếu có một máy vi tính cá nhân và một modem thì đều có thể giao dịch qua mạng từ phòng khách.

Nhóm thứ hai tôi gọi là “Những con thú sừng dài”. Chúng là những công ty xuyên quốc gia – những loại như General Electrics, General Motors, IBM, Intel hay Siemens – đang tham gia vào các hoạt động đầu tư trực tiếp, xây dựng nhà máy trên thế giới hoặc tìm ký những hợp đồng sản xuất dài hạn ở nhiều nơi để hợp tác sản xuất hay lắp ráp sản phẩm. Tôi gọi chúng là loại “Sừng dài” vì chúng cần phải cam kết dài hạn hơn mỗi khi quyết định đầu tư vào một quốc gia. Nhưng thời buổi này chúng vẫn có thể ra hay vào rất nhanh chóng.

Mặc dầu Bầy Thú Điện Tử được sinh ra và lớn lên dưới thời Chiến tranh Lạnh, chúng đã không bị tiêm nhiễm những trì trệ và cản trở của thời đó. Thời đó, phần lớn các quốc gia đều kiểm soát chặt chẽ vốn liếng của mình (ít nhất cho tới những năm bảy mươi), cho nên tư bản không thể bị chuyển dời xuyên biên giới một cách nhanh chóng và dễ dàng như trong toàn cầu hóa thời nay. Chiến tranh Lạnh khiến các con thú khó có thể được tập hợp trên toàn thế giới. Trong những nền kinh tế tương đối bị đóng cửa thuộc thời điểm trước những năm bảy mươi, chính phủ là cơ quan duy nhất thống lĩnh chính sách tiền tệ của đất nước, tự quyết mức lãi suất, chính sách tài chính của chính phủ, và chính sách tài chính là công cụ duy nhất quyết định và kích thích tăng trưởng. Trong Chiến tranh Lạnh, chính phủ Hoa Kỳ và Liên Xô có thể dễ dàng minh định được mức tăng thuế trong chính sách tài chính để phục vụ chiến tranh: “Chúng tôi cần những đồng đô-la thuế của đồng bào để chống giặc, đưa một người lên mặt trăng cho nhanh và xây dựng một hệ thống đường cao tốc để chuyển quân cho nhanh”. Đồng thời các nước đang phát triển cũng tận dụng cơ hội để sống nhờ vào những siêu cường như Hoa Kỳ, Liên Xô hay Trung Quốc, hoặc sống nhờ những định chế tài chính quốc tế để xây đập, xây dựng quân đội và làm đường xá. Và dân chúng ở các nước đang phát triển lúc đó cũng không thấu hiểu cho lắm mức sống của những người khác trên thế giới, họ cam chịu mức sống thấp trong một nền kinh tế chậm rãi và tương đối bị khóa kín.

Sự xóa bỏ kiểm soát dần dần đối với tư bản trong những năm bảy mươi, trào lưu dân chủ hóa tài chính, công nghệ và thông tin, Chiến tranh Lạnh kết thúc và những rào cản sụp đổ, tất cả làm xuất hiện một cánh đồng rộng lớn, trên đó các loại thú tha hồ tụ tập và chạy nhảy. Trên cánh đồng thẳng cánh cò bay đó, sau này được mở rộng vào không gian điện toán, Bầy Thú Điện Tử có thể kiếm ăn, lớn lên, sinh sôi và lập bầy đàn trong những Siêu thị [tài chính]. Vào cuối thế kỷ hai mươi, đầu tàu của hệ thống tài chính toàn cầu chính là khu vực tư nhân – Bầy Thú Điện Tử và các siêu thị tài chính đã trở thành, theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers có lần nói, “là nguồn vốn tư bản chủ yếu để tăng trưởng”, thay thế cho khu vực công. Đó là thực tế trong các nước và trong quan hệ giữa các nước phát triển và khối đang phát triển. Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong những năm chín mươi, gần một nghìn ba trăm tỷ đô-la tiền vốn tư nhân đã tràn sang các nền kinh tế mới trỗi dậy, so với con số một trăm bảy mươi tỷ đô-la trong những năm tám mươi và một con số nhỏ giọt hơn trong những năm bảy mươi. Không thể tìm được chỉ số nào rõ ràng hơn cho thấy Siêu thị nay đang dần thay thế các siêu cường trong lĩnh vực tập trung vốn để tăng trưởng.

Những siêu thị tài chính đó nằm ở Tokyo, Frankfurt, Sydney, Singapore, Thượng Hải, Hồng Kông, Bombay, Sao Paulo, Paris, Zurich, Chicago, London và New York. Chúng là nơi những thành viên lớn nhất của Bầy Thú Điện Tử tập hợp lại để trao đổi thông tin, thực hiện giao dịch và phát hành chứng khoán và trái phiếu của các công ty khác nhau. Theo Saskia Sassen, một chuyên viên về toàn cầu hóa thuộc đại học Chicago thì tính đến cuối 1997, hai mươi lăm siêu thị đã kiểm soát tới tám mươi ba phần trăm vốn của thế giới do các tổ chức quản lý và chiếm khoảng một nửa tổng số vốn toàn cầu – khoảng hai mươi nghìn chín trăm tỷ đô-la (tạp chí Foreign Affairs, 1/1999).

Bầy Thú Điện Tử và những siêu thị nơi chúng tụ tập kiếm ăn đã trở thành những nhân tố quan trọng trong hệ thống toàn cầu hóa. Dẫu cho chúng không gây chiến và xâm lược các quốc gia có chủ quyền, thì chúng hoàn toàn có khả năng tác động đến hành vi của các quốc gia đó bằng nhiều cách. Chính vì thế tôi nhận định rằng hệ thống Chiến tranh Lạnh được duy trì trên thế cân bằng giữa lực lượng của các quốc gia, trong khi toàn cầu hóa được duy trì bằng sự cân bằng cũng giữa các quốc gia với nhau, cộng thêm cán cân quan hệ giữa các quốc gia cùng Bầy Thú Điện Tử và các chuỗi siêu thị.

Từ ngày hệ thống viễn thông xuyên Đại Tây Dương được hình thành trong bối cảnh toàn cầu hóa thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, một thứ Bầy Thú Điện Tử đã xuất hiện và hoạt động, nhưng rồi suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, chúng không có được tầm quan trọng như ngày nay. Đặc tính mới mẻ của bầy thú ngày nay không phải ở chỗ chúng khác trước, mà ở chỗ tầm hoạt động và tính chất của chúng. Trong thời toàn cầu hóa hiện tại, bầy thú ngày nay, loại sừng ngắn cũng như sừng dài, đã kết hợp được kích cỡ, tốc độ và tính đa dạng của chúng tới một mức độ chưa từng có trong lịch sử. Ta so sánh giữa đuôi một con chuột với đuôi một con khủng long Tyrannosaurus, cả hai cùng được gọi là “đuôi”, nhưng một cái, khi vẫy thì khiến cả thế giới khiếp đảm. Bầy thú trong thời toàn cầu hóa thứ nhất có thể được ví như cái đuôi chuột vậy; còn bầy thú trong thời toàn cầu hóa ngày nay giống như đuôi khủng long, mà mỗi lần vẫy, chúng tái tạo nền móng và hình thù của môi trường và thế giới xung quanh. Chương này sẽ giải thích làm thế nào mà Bầy thú đó có trở thành một nguồn tài lực hấp dẫn đối với tăng trưởng kinh tế ngày nay và đồng thời cũng là một thế lực đe dọa tới mức có thể lật đổ được các chính phủ.

Bầy thú sừng ngắn.

Điều mà bầy thú sừng ngắn làm người ta sửng sốt ngày nay là thức ăn của chúng – đó là những sản phẩm tài chính đa dạng. Hỗn hợp các loại cổ phần và trái phiếu, hàng hóa và hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền lựa chọn và hợp đồng phái sinh đến từ nhiều quốc gia và thị trường trên thế giới khiến bạn có thể đặt cọc đầu tư trên bất cứ mặt hàng hay dịch vụ gì.

Quả nhiên, khi tôi nhìn vào túi thức ăn của bầy thú tôi thường hình dung tới cảnh trong phim Guys and Dolls, trong đó Nathan Detroit muốn đánh cuộc với Sky Masterson rằng Mindy’s có bán được nhiều bánh pho mát hơn là loại bánh làm từ trái cây. Nathan nói: “Tớ muốn biết, cậu có thể đoán nhanh: Mindy’s bán nhiều bánh pho-mat hơn hay bánh trái cây hơn?”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx