sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 07 - Phần 2

Sky nói rằng theo lối nghĩ chủ quan của mình thì Mindy’s bán nhiều bánh pho-mat hơn. Điều xảy ra sau đó là Sky sẽ đánh cuộc, đặt tiền vào bánh pho-mat, trong khi Nathan là người đã kiểm tra trong bếp, và biết chắc chắn, là Mindy’s bán nhiều bánh trái cây hơn (Nathan muốn đánh vào tính háu ăn của Sky). Sky là người rất thích đánh bạc. Thông thường, anh chàng sẽ cược vào bánh pho-mát như cái lối anh em nhà Salomon muốn đặt tiền vào khả năng lãi suất thay đổi. Nhưng Sky sau đó nhận ra có thể có một cái bẫy khi thấy Nathan rất háu, muốn đặt tiền nhanh chóng, mà đặt hẳn một nghìn đô-la.

Thành ra, thay vì chấp nhận đánh cuộc, Sky kể cho Nathan một câu chuyện ngụ ngôn. “Nathan, xin kể cho bạn một câu chuyện”, Sky nói. “Cái ngày tôi ra khỏi nhà để đi chu du trên thế gian, bố tôi gọi tôi đến và nói, “Con ạ, con thông cảm vì đời bố không để dành cho con được chút vốn liếng đáng kể nào. Không để lại cho con được tiền nong, bố muốn cho con một lời khuyên. Khi chu du thiên hạ, sẽ có một thằng cha cho con xem một bộ bài chưa khui. Nếu thằng đó đánh cuộc là có thể khiến con Bồi Bích trong bộ bài nhảy lên và phun nước vào tai con, thì con chớ có nhận lời đánh cuộc. Vì hầu như chắc chắn rằng hắn có thể làm được điều đó”. Ở đây tôi không muốn nói rằng bạn đã gài bẫy trong chuyện đánh cuộc và bánh pho-mat…” Nathan nói: “Không đời nào tớ làm chuyện đó?”

Sky: “Nhưng mà (nói đến đây, lấy tay che cà vạt của Nathan) nếu bạn thực sự muốn đánh cuộc thì tôi cuộc với bạn rằng bạn không thể đoán được màu của chiếc cà-vạt bạn hiện đang đeo trên cổ là gì, một nghìn đô-la?”

Nathan: “Không chịu”.

Sau đó, nhìn chiếc cà-vạt của mình, Nathan thốt lên: “Đốm Polka, không bao giờ có chuyện Nathan chấp nhận thua cả ngàn bạc vào chuyện đánh cá về ba cái màu cà-vạt”.

Nếu Nathan và Sky sống trong thời nay thì có lẽ họ có thể mua loại trái phiếu phát hành dựa vào doanh số bán bánh pho-mat hay bánh làm từ trái cây trong bếp của Mindy. Và cũng có thể có những công cụ tài chính họ có thể mua sắm để tránh rủi ro cho việc đánh cược ấy, dẫu cược bánh ngọt hay bánh pho-mat hay là màu của cà-vạt. Do trào lưu dân chủ hóa tài chính, bất cứ mặt hàng gì, bất cứ thứ gì thời nay đều có thể chuyển hóa thành chứng khoán. Bạn có thể phát hành trái phiếu trên bản thân bạn hoặc trên một năng khiếu mà bạn tự có, giống như ca sĩ David Bowie đã làm. Ông ta thu được năm mươi lăm triệu đô-la khi bán trái phiếu Bowie hồi năm 1997, dựa trên bản quyền các đĩa hát của ông. Tờ The New York Times đã từng tung ra hàng tít: “Bản thân bạn cũng có thể được định mức khả tín (đáng được đầu tư) AAA”.

Lesley Goldwasser, một người bạn của tôi là một tay buôn trái phiếu hàng đầu ở phố Wall chuyên chuyển loại phim đang được sản xuất thành một thứ trái phiếu. Cô ấy giải thích các công đoạn như sau: “Giả sử bạn sở hữu một cơ sở cho vay tín dụng để mua nhà trả góp ở vùng Minneapolis và đang nắm trong tay một trăm hợp đồng vay mua nhà ở địa phương, giả sử có giá trị một trăm triệu đô-la, mỗi tháng thu về cho công ty một triệu đô-la tiền lãi và vốn. Công ty này có thể kết hợp, tập trung toàn bộ các khoản tiền tài sản, tiền cho vay thành một mối, sau đó phát hành một loại trái phiếu bán cho dân chúng với giá một nghìn đô-la một trái phiếu. Lợi thế của chuyện đó là nó cho phép công ty này có thể thu hồi được một trăm triệu đô-la (đang cho vay) ngay tức khắc, không phải đợi cho các khách hàng của công ty trả dần dần trong vòng ba mươi năm. Lợi thế đối với dân mua trái phiếu là hàng tháng, họ có thể nhận được tiền từ khoản ngân lưu của tiền vốn và lãi chảy về hàng tháng, lãi cao hơn mức tiết kiệm thông thường ở nhà băng vài điểm. Điều quan trọng hơn là những trái phiếu được hỗ trợ bằng địa ốc, hàng trăm căn nhà, cho nên mức an toàn là cao, dẫu cho có một hai rủi ro xảy ra khi người vay tiền không trả góp được”.

“Như vậy, người ta nhận thấy rằng nếu có thể quy tụ được các khoản cho vay địa ốc, thì tại sao không quy tụ các phim truyện Hollywood – thậm chí những phim đang được sản xuất. Ví dụ nếu bạn là một hãng làm phim hiện chưa có khả năng vay tín dụng. Ngân hàng đầu tư của tôi sẽ xem xét mười dự án làm phim của bạn. Chúng cũng không cần phải nằm trong quá trình sản xuất mà chỉ mới ở giai đoạn ý tưởng. Sau đó chúng tôi sẽ đánh giá mười kịch bản sẽ có triển vọng ra sao, dựa trên những thông số có trước đó: Ví dụ, một phim sẽ là dạng bán chạy nhất, nổi nhất, một phim bán rất chạy, hai phim thuộc vào loại tương đối, hai phim khác tồi hơn, và bốn phim khác thì vừa đủ tiền hòa vốn... Chúng tôi dựa vào cơ sở phân tích xác suất tính ra bạn sẽ kiếm được bao nhiêu tiền trong vòng năm năm tới. Giả sử bạn phải chi năm trăm triệu đô-la nhưng sẽ đạt doanh thu là sáu trăm triệu. Chúng tôi sẽ cho bạn vay bốn trăm triệu đô-la với mức lãi suất tương tự như mức lãi suất của công trái trong vòng ba năm cộng thêm một hoặc hai phần trăm. Công ty của bạn sẽ phải hùn thêm một trăm triệu cho chi phí làm phim. Sau đó, ngân hàng sẽ chia khoản vay bốn trăm triệu đô-la thành trái phiếu, mỗi trái phiếu có có giá một nghìn đô-la, bán cho dân chúng. Lãi của trái phiếu sẽ được thanh toán khi các phim của bạn bắt đầu được trình chiếu (khi bạn bắt đầu thu nhập). Như vậy, công ty của bạn từ chỗ không có danh tiếng, thiếu tài chính, nay đã vay được tiền để làm ăn, một khoản tiền mà bạn không đời nào vay được từ các ngân hàng. Đó là những công đoạn trong đầu tư hiện nay. Miễn rằng bạn làm ăn chu đáo, sản xuất hay biểu diễn hăng hái và dự tính chắc chắn được các mức thu nhập ổn định trong một thời gian nhất định, ngân hàng chúng tôi có thể biến chúng thành trái phiếu và thu hút vốn hầu bạn”.

Và cho dù mặt hàng là bánh ngọt, tiền vay mua nhà trả góp, tiền nợ thẻ tín dụng, những khoản nợ xấu, tiền mua xe, tín dụng thương mại, dự án làm lại phim Titanic, nợ doanh nghiệp Brazil, trái phiếu chính phủ Lebanon, tài trợ tín dụng ôtô cho General Motors và những nguồn thu nhập của siêu sao nhạc rock David Bowie... tất cả đều có thể được chuyển hóa thành trái phiếu. Kiểm soát tín dụng càng cởi mở giữa các quốc gia thì con người ta sẽ tung ra phát hành thượng vàng hạ cám... biến chúng thành chứng khoán, trái phiếu, phái sinh. Sự phát triển heo hướng chứng khoán hóa đó quả đã “làm thay đổi bản chất của các thị trường tín dụng,” Henry Kaufman, chuyên viên kinh tế phố Wall cho biết.

Đó là điều cũng dễ hiểu. Thời trước, những khoản cha mẹ của bạn vay mua nhà, mua xe, nợ thẻ tín dụng, bảo hiểm nhân thọ và thậm chí những khoản chính phủ Brazil vay từ ngân hàng của cha mẹ của bạn, tất cả đều không được giao dịch tự do trên các thị trường mở. Chúng chỉ nằm trong các tài khoản cố định trong các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm, có trị giá không đổi, được cầm giữ cho tới lúc đáo hạn. Nhưng cho tới những năm tám mươi, tất cả những khoản vay đó được chứng khoán hóa, quy tụ lại và được bán ra trong hình thức trái phiếu, được bán cho bạn và tôi và người cô của bạn, cho bất cứ ai. Các trái phiếu được phép trao đổi, mang giá trị bằng tiền, và giá của chúng lên xuống tùy thuộc vào mức độ lời lỗ của chính trái phiếu, vào sức khỏe của các nền kinh tế, vào mức lãi của chúng trong tương quan với các tài sản khác. Hiệu ứng dây chuyền, theo Kaufman, cho thấy sự chứng khoán hóa đó đã mở ra một nguồn tài sản rất lớn, hàng ngàn tỷ đô-la mà trước đó chưa bao giờ được giao dịch, chưa bao giờ trở thành trái phiếu – “đưa vào thị trường thanh sát trong bối cảnh nhiều đổi thay”. Tình trạng đó đã làm xuất hiện sự đa dạng trên thị trường tài chính – tạo dựng thêm nguồn thức ăn phong phú cho Bầy Thú Điện Tử – và cũng tăng mức độ dao động trong giá trị của tài sản trước đây chưa từng được giao dịch.

Những con bò tót đi đầu trong bầy thú chính là loại có thể đưa ra những giải thích hay nhất. Chúng nhớ lại cái thời Chiến tranh Lạnh, chúng được gặm cỏ trên những mảnh ruộng bị hàng rào cắt xẻ ra sao. Leon Cooperman, cựu Giám đốc chuyên trách về nghiên cứu của Quỹ Đầu tư Goldman Sachs, nay là Giám đốc dịch vụ đầu cơ của Omega Advisor, công ty riêng của ông, đã nói với tôi vào năm 1998: “Trong suốt thời gian phục vụ Goldman Sachs – 1967 đến 1991, tôi không thể sở hữu một loại cổ phần nước ngoài hay tham gia một loại thị trường mới trỗi dậy nào. Giờ đây tôi sở hữu hàng trăm triệu đô-la tài sản trên các thị trường Nga, Brazil, Argentina và Chi Lê, và tôi thường rất lo về mức hối đoái giữa đô-la và đồng yên Nhật Bản. Đêm nào cũng vậy, trước khi lên giường, tôi gọi điện để biết tỉ giá đô-la và yên là bao nhiêu, tìm hiểu thị trường Nikkei hay Hang Seng hoạt động ra sao. Chúng tôi đặt khá nhiều tiền vào những thị trường đó. Ngay bây giờ, anh Paul ở đằng kia”, – ông chỉ một nhân viên của mình, người đang theo dõi các dữ liệu chứng khoán và trái phiếu trên một màn hình nhỏ – “đang mua đồng đô-la Canada. Chúng tôi đặt tiền ở mọi nơi. Hai mươi năm trước, tôi không phải lo lắng gì về chuyện này. Giờ đây, lúc nào cũng canh cánh lo âu”.

Sau đó Cooperman mở một ấn bản của tờ tạp chí Phố Wall và đọc cho tôi về những khoản tiền đầu tư khác nhau: “Xin hãy nhìn vào đây... đồng euro, công trái Hoa Kỳ, kỳ hạn S&P, bảng Anh, đậu tương, dầu rán, dầu thô, công trái Singapore, công trái Venezuela, NASDAQ 100, chỉ số Nhật Bản, chỉ số Dow Jones, quỹ hỗ tương, trái phiếu công ty dịch vụ tiện ích, trái phiếu lãi nhiều, trái phiếu công ty, trái phiếu trung gian...” Cho đến khi tôi đứng dậy bỏ đi mà vẫn thấy ông ta đọc tiếp.

Tính đa dạng của các loại công cụ tài chính và các thời cơ đã trở thành cơ hội ngàn vàng đối với các nước phát triển cũng như đang phát triển và các doanh nghiệp – khiến cho một vài trong số họ tăng trưởng nhanh chưa từng thấy. Có lần tờ báo The Ecomonist nhận định: “Những nước nghèo, đang cần những khoản đầu tư lớn nay không còn bị trói buộc bởi thiếu vốn. Những người gửi tiền tiết kiệm không còn phải thấy tiền của họ bị giam hãm trong các thị trường nội địa – họ có thể tìm cơ hội đầu tư ở nước ngoài để tăng mức lãi trong số dư tiết kiệm của họ.” (25/10/1997). Ngày nay, mỗi một quỹ tiết kiệm lớn ở Hoa Kỳ đều tung ra một dịch vụ đầu tư vào ít nhất một “thị trường mới” nước ngoài.

Khi bạn thấy có rất nhiều các sản phẩm, nhan nhản các loại thông tin cập nhật nhanh chóng, thì khả năng cạnh tranh, chớp lấy cơ hội của bạn trở nên nhỏ bé đi. Chính vì thế các nhà đầu tư phải tìm ra mọi cách để tận dụng những lợi thế cạnh tranh nhỏ bé để nhanh chân hơn cả thị trường còn lại.

“Khi gia nhập Goldman Sachs năm 1967”, Cooperman hồi tưởng, “tôi đứng đầu phòng nghiên cứu và đã tuyển dụng các nhà phân tích. Thời đó, một nhà phân tích thường phụ trách theo dõi bảy mươi lăm công ty hoạt động trong khoảng sáu ngành công nghiệp. Gần đây, nói chuyện với một chuyên viên tôi từng tuyển dụng, anh ta nói anh làm việc quá sức khi chỉ phải theo dõi có mười hai công ty mà thôi. Tôi cười. Chỉ có mười hai công ty? Nhưng đúng là bạn phải theo dõi, nhìn sâu hơn nhiều, vào hoạt động của mười hai công ty này để hiểu cung cách làm ăn của chúng. Đối với các dữ kiện kinh tế cũng vậy. Thời xưa, mọi người theo dõi mức thất nghiệp chỉ dựa vào những con số mà chính phủ chính thức công bố. Nay người ta nhìn sâu hơn vào diễn biến trong bảng lương – lên hay xuống – vì chúng có thể là những yếu tố để bạn suy đoán và đặt cọc. Sau đó họ nhìn vào thành phần của bảng lương – ai được tăng lương, ai bị cúp bớt đi? Mức độ công việc đòi hỏi để được tăng lương nay lớn hơn nhiều”.

Tôi biết một tay đầu cơ tài chính đã mất hàng giờ đồng hồ nghiên cứu các dự báo thời tiết. Dự báo thời tiết! Anh ta giải thích, “đó là để phán đoán những khuynh hướng đột biến và mức độ chúng ảnh hưởng ra sao đối với các thông số kinh tế. Ví dụ, năm 1998, chúng ta không có mùa đông, như thế có vẻ như nền kinh tế sẽ khá hơn, và tôi đã dựa vào phán đoán như vậy để có thể đặt tiền phỏng theo phán đoán mức thay đổi trong lãi suất. Hay trong một tình huống khác: hiện tượng bùn trượt xuất hiện nhiều ở bờ biển phía Tây, trùng hợp với thời điểm chính phủ thu thập các thông tin kinh tế để tổng hợp các thống kê chính thức, như chỉ số giá tiêu dùng. Hiện tượng thiên tai đó ở những bang lớn như California chẳng hạn, có tác động đáng kể tới các thống kê chính thức. Tôi có thể nhận định, “hãy theo dõi cổ phiếu của hãng Home Depot, chuyên cung cấp các loại dụng cụ và nguyên liệu để sửa sang nhà cửa. Cổ phiếu của hãng có thể lên giá nếu bùn trượt hay lốc xoáy xảy ra”. Hoặc tôi để ý đến những cơn bão tuyết xuất hiện vào thời điểm chính phủ soạn thảo các con số thất nghiệp. Làm như vậy tôi có thể xác định được mức độ chính xác trong tính toán. Có thể mọi người lúc đó đang chờ đợi 250.000 việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp, nhưng vì bão tuyết, nên số lượng việc làm được tạo ra chỉ còn ở mức 150.000, cho thấy nền kinh tế đang đi chậm rãi và yếu ớt hơn là mọi người nghĩ – nhưng thực ra điều đó không đúng, vì những con số vào thời điểm đó bị chính yếu tố thời tiết tác động và làm thay đổi. Khi thống kê xuất hiện như vậy, mọi người tin rằng kinh tế đang tiến chậm lại, lãi suất sẽ được hạ xuống và đó là thời điểm thuận tiện để phát hàng trái phiếu. Vậy bạn tích trữ trái phiếu, để dành chúng, tăng giá cho chúng khi xuất hiện thông số về thất nghiệp (thấp hơn dự kiến) rồi lập tức bán ngay, trước thời điểm các thống kê tiếp theo được công bố vào tháng sau (khi đó, thống kê sẽ cho thấy những con số của tháng trước là không chính xác vì bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết). Tóm lại đó là cơ hội để tận dụng thời tiết để kiếm thêm chút đỉnh. Bạn có thể dùng yếu tố thời tiết để tiên đoán giá hợp đồng dầu mỏ tương lai, dầu ăn hay lãi suất, điện, khí tự nhiên, bảng chỉ số giá tiêu dùng, giá dầu thô, khí đốt, lợn, đồng, vàng hay bạc...”

Rất nhiều thị trường, nhiều thông tin và rất ít cơ hội. Vậy khi mọi việc đổ bể thì đừng có gọi cho người môi giới của bạn, mà hãy trách móc nhân viên dự báo thời tiết.

Để kiếm tiền trên những thị trường như vậy, loại thú sừng ngắn không những cần một chút ít cơ hội – chúng cần thêm những khoản đầu tư lớn, ngày càng lớn. Hãy tưởng tượng một tỷ đô-la được treo trên đầu cây kim. Các tay buôn đã phát minh ra một loạt các loại sản phẩm giao dịch nghe rất kêu – swaps (hoán đổi), futures (tương lai), forwards (triển kỳ), options (quyền chọn), derivatives (phái sinh), và indexations (tổng hợp) – rồi họ vay thêm thật nhiều tiền, nhiều hơn những khoản đầu tư của các thân chủ, để có đủ sức để mở rộng và trang trải cho các khoản đặt cọc. Điều đó khiến quy mô và mức độ giao dịch tăng lên nhiều lần và có vòng quay nhanh chóng hàng ngày trên khắp thế giới. Là người quản lý quỹ bạn có thể “trúng mánh”rất lớn, nhưng bạn cũng có thể phải chịu táng gia bại sản. Đó là lý do trong những năm gần đây chúng ta thấy có những đại gia môi giới đầu tư lớn (điển hình là hãng Baring) bị một tay buôn đơn lẻ, dùng kỹ thuật đòn bẩy, làm xiểng liểng. Hãy nhớ lại cái đuôi của con khủng long. Một người bạn của tôi làm việc cho một ngân hàng đầu tư kể lại là một khách hàng của họ, một quỹ đầu cơ có tổng số vốn ban đầu là hai trăm triệu đô-la. Nhưng sau khi dùng kỹ thuật đòn bẩy, quỹ này sở hữu chín trăm triệu đô-la trái phiếu của nước Nga và năm tỷ đô-la trái phiếu Sallie Mae (đây là loại trái phiếu bao gồm các khoản vay của các sinh viên Mỹ). Khi nước Nga xảy ra khủng hoảng vào năm 1998, quỹ này mất hầu như toàn bộ giá trị trái phiếu của họ ở Nga. Họ phản ứng ra sao? Họ bán ngay một phần lớn trái phiếu từ các khoản vay dành cho sinh viên Mỹ để trang trải cho phần thua thiệt ở Nga – làm thị trường trái phiếu sinh viên Mỹ sụt giá bất ngờ, làm ngân hàng đầu tư của bạn tôi thua thiệt đáng kể trên thị trường đó, mặc dầu họ không dính dáng gì đến nước Nga cả.

Không những thức ăn của Bầy Thú Điện Tử đa dạng hơn, mà chính bản thân chúng cũng thay hình đổi dạng theo rất nhiều kiểu, đặc biệt là loại sừng ngắn. Kaufman cho biết: “Kích cỡ tương đối của các ngân hàng thương mại, các cơ sở tiết kiệm và các công ty bảo hiểm nay trở nên nhỏ bé hơn. Một lớp các cơ sở môi giới thế hệ mới đã xuất hiện và đi tiên phong. Những cơ sở này có đặc điểm là họ chú trọng vào các hình thức đầu tư ngắn hạn, dùng đòn bẩy tài chính và khả năng nhanh chóng thâm nhập và rút lui khỏi thị trường, dù là các thị trường vốn, trái phiếu hay hàng hóa, họ muốn đảm bảo mức lợi nhuận tối đa cho mỗi cuộc đặt bạc”. Đứng đầu trong những tay chơi thế hệ mới là những quỹ đầu cơ, họ tập trung những khoản tiền của những cá nhân và tổ chức giàu có, vay thêm tiền từ các ngân hàng để đặt đánh cuộc với mức mạo hiểm cao – lãi cao trên sự chuyển động của giá hối đoái, cổ phần và trái phiếu trên khắp thế giới. Nhưng, theo Kaufman, trong những năm gần đây các ngân hàng lớn, các hãng môi giới, ngân hàng đầu tư, các công ty bảo hiểm, các phòng tài chính của các tập đoàn xuyên quốc gia và thậm chí các phòng giao dịch của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, tất cả đều cảm nhận nhu cầu cần thiết phải tự lập ra những dịch vụ đầu cơ giống cơ chế của các quỹ đầu cơ nói trên. Cũng không lấy làm lạ khi ta thấy một ngân hàng đầu tư lớn trở thành một khâu môi giới cho một quỹ đầu cơ và cũng bắt chước cung cách làm ăn của quỹ này.

Hiển nhiên là một khi những hàng rào được phá bỏ thì người ta càng dấn thân vào những nơi mà trước đây họ chưa từng đặt chân. Bạn hãy tưởng tượng bối cảnh như sau: Ngân hàng Thai Farmers’ Savings & Loans một hôm nhận được cú điện thoại từ văn phòng Bangkok của Ngân hàng First Global Investment (trụ sở chính ở đảo Cayman): “Này, quý vị nên mua công trái Nga, họ trả lãi hai mươi phần trăm, và nếu đồng rup có xuống giá chút ít thì quý vị vẫn thắng to”. Và bỗng nhiên, Ngân hàng Thai Farmers’ Savings & Loans sở hữu hai mươi triệu đô-la công trái nước Nga. Và khi những trái phiếu đó mất giá thì ngân hàng này, thường ngày vốn hỗ trợ cho nông dân trồng lúa, đi đến khánh kiệt. Thế giới bị sốc và kinh ngạc khi phát hiện số lượng các ngân hàng Hàn Quốc tích trữ bao nhiêu công trái của nước Nga khi kinh tế Nga suy sụp trong năm 1998. Khi tín dụng được cung ứng dễ dàng hơn thì điều thường xảy ra là “những kẻ khờ khạo”, – những cơ sở thông thường không có mấy may mắn trong chuyện vay tiền, – nay được phép mượn tiền, đặt bạc, cùng cạnh tranh với những tay sành sỏi. Chính những kẻ khờ khạo đó thực sự làm trầm trọng thêm những biến động tài chính, một khi tai họa xảy ra.

Sự kết hợp giữa các siêu thị tài chính và Internet đã giúp cho đầu tư toàn cầu nhanh chóng và dễ dàng hơn không những đối với những chuyên gia và còn đối với dân thường. Họ có thể buôn bán tài chính từ phòng ngủ của họ, thông qua kẻ môi giới trên mạng. Cạnh tranh giữa các cơ sở môi giới tài chính trên mạng hiện nay căng thẳng tới mức họ không dám lấy nhiều, thậm chí bỏ hẳn lệ phí giao dịch. Đầu tư toàn cầu giờ đây dễ đến mức khiến cho người dân ai cũng nghĩ thị trường ở đâu cũng thực hành lối làm ăn tương tự như ở phố Wall vậy. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers rất thích nhận xét: “Cũng giống như một khi có đường cao tốc, dân chúng phóng xe nhanh hơn. Rồi tai nạn, chết người, đương nhiên xảy ra nhiều hơn trên đường cao tốc, vì người ta thường đánh giá sai khả năng của bản thân, phóng nhanh hơn tốc độ được phép”.

Tiếp tục câu chuyện ở Thái Lan, Ngân hàng First Global Investment gọi cho Ngân hàng Thai Farmers’ Savings & Loans và nói, “Quý vị nên dốc tiền mua công trái Thổ Nhĩ Kỳ, đây là thời điểm ngon lành nhất”. Ngân hàng Thái trả lời, “Công trái của Thổ trả lãi hai mươi lăm phần trăm? Ờ, chúng tôi không biết là người Thổ có một thị trường trái phiếu. Ok, nghe lời khuyên của bạn, chúng tôi sẽ mua vài triệu đô-la trái phiếu”. Khốn khổ là ở khâu này. Khi mọi người nghe “thị trường trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ”, họ nghĩ, “ồ, phố Wall có một thị trường trái phiếu, Franfurt cũng có một cái, Tokyo cũng thế, vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ chắc cũng có đấy. Hay thật”. Nhưng trên thực tế, quả là ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thị trường nhưng nó không tài nào giống như phố Wall. Bạn sẽ nhận thấy điều này một khi công trái của Thổ xuống giá và bạn muốn bán vội chúng đi. Khi đó bạn sẽ thấy cái “chợ” ở đất nước này bé lắm, toàn người bán mà không thấy người mua, không thấy ai chuyển đổi giúp bạn, và không thấy lối thoát. Kaufman nói toàn cầu hóa các thị trường tạo một ảo tưởng là tất cả các thị trường “đều làm ăn hiệu quả, sẵn kẻ mua người bán và được tiêu chuẩn hóa thích hợp” và thêm nữa thông tin cùng mức độ minh bạch được đảm bảo trên tất cả các thị trường. Còn lâu mới thế. Hãy suy luận: Tổng giá trị của các cổ phần của hãng Microsoft vào thời điểm cuối 1999 là sáu trăm tỷ đô-la. Lúc ấy, mức đó lớn hơn rất nhiều so với tất cả tài sản và cổ phần trên khắp các thị trường mới nổi của thế giới cộng lại.

Và ai ai cũng đang ráo riết làm ăn. Năm 1980, 4,6 triệu hộ dân người Mỹ sở hữu cổ phiếu trong các quỹ tín dụng. Năm 2000, hơn một nửa dân số nước Mỹ đầu tư trong các thị trường cổ phiếu, hoặc do trực tiếp mua hoặc gián tiếp (do quỹ tín dụng hoặc quỹ hưu bổng của họ đầu tư vào). Một hôm, tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn trên truyền hình CNBC hồi giữa năm 1999. Hôm đó, trong đài truyền hình, trước tôi là một tay chuyên gia cổ phiếu đang giải đáp thắc mắc từ khán giả từ khắp nước Mỹ gọi điện vào. Người phát thanh viên thông báo người gọi điện kế tiếp là “Adam từ Michigan”. Adam có giọng nói như một cậu bé – nên người điều phối chương trình hỏi Adam bao nhiêu tuổi. Cậu này nói là mới mười hai. Adam hỏi người chuyên viên, “Gần đây cháu có mua CVS (một loại cổ phiếu hãng dược) không rõ cổ phiếu đó sẽ lên xuống ra sao?” (tôi thấy hiện tượng trẻ con mua cổ phiếu này thật lạ lùng nhưng cũng rất đáng lo). Những khoản tiền hưu bổng thuộc những quỹ tiết kiệm như IRA tăng từ mức 412 tỷ đô-la năm 1992 lên tới 1.600 tỷ đô-la vào năm 1997. Mười phần trăm trong số đó được đầu tư vào các cổ phiếu trên toàn cầu. Và lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, ta thấy một ông Joe dân thường và một ông Bob triệu phú, cả hai cùng xem truyền hình CNBC để theo dõi mức cổ phiếu lên xuống. Năm 1998, hãng môi giới Charles Schwab tung ra một quảng cáo trong đó có một cặp vợ chồng trung lưu, Marion và Rick, ngồi xa lông, bàn về chuyến đi nghỉ hè của họ.

Marion: “Thời gian vừa rồi du lịch quanh đất nước, mình dừng lại ở chỗ đó, xem trên truyền hình thương mại thấy có cái thị trường đang xuống giá – có cái cổ phần anh với em muốn mua. Mình ra xe rồi gọi điện...”

Rick: “Đúng phải gọi điện cho Schwab, vì lúc đó anh không mang theo modem, nên không thể nào lên mạng để mua được. Lúc đó mình ở đâu nhỉ?”

Marion: “Ở bang Utah”.

Rick: “Utah?”

Marion: “Chúng mình lúc đó đang ở bang Utah?”

Rick: “Gọi điện thoại công cộng cho (hãng) Schwab?”

Marion: “Để…”

Rick: “Mua cho được cái cổ phần đó. Thật sướng. Chúng mình đã mua được rồi. Sau đó đi về nhà”.

Marion: “(Schwab) giúp chúng ta mua được cổ phần đó, trúng to rồi, thật tuyệt”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx