sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 07 - Phần 4

Quả là những con thú sừng dài như Ford, Cisco, Nike hay Toyota không chuyển dời vốn liếng nhanh như loài sừng ngắn, nhưng chúng cũng có thể di chuyển từ nước này sang nước khác nhanh chóng hơn là người ta tưởng. Phần nhiều những đầu tư của chúng ngày nay không bị bó gọn vào việc xây dựng nhà máy hay cơ sở sản xuất. Chúng lập liên minh với các đơn vị địa phương của các nước, những nơi vốn có sẵn cơ sở sản xuất – chúng sẽ trở thành chi nhánh, đối tác và nhà thầu cho các công ty xuyên quốc gia – những quan hệ đối tác như vậy có thể di chuyển từ nước nọ sang nước kia, từ đối tác này sang đối tác khác, quay vòng nhanh, tìm ra giải pháp giảm thuế hữu hiệu nhất, sử dụng phương tiện và sức lao động có chi phí thấp nhất. Cisco có ba mươi tư nhà máy trên thế giới sản xuất linh kiện cho họ, nhưng chỉ có hai trong số đó thuộc sở hữu trực tiếp của Cisco. Những nhà máy khác là những đối tác, gắn bó với bản quyền của Cisco trong chuyện mẫu mã thiết kế, linh kiện vật liệu và chia sẻ thị trường trên mạng Internet. Cisco gọi họ là những “cơ sở sản xuất ảo”. Nhờ có mạng điện toán mà các cơ sở đó liên lạc chặt chẽ tựa như được tập trung vào một địa điểm vậy, và hoạt động sản xuất được di chuyển nhanh chóng trong số những cơ sở đó.

Bầy thú sừng dài có thể và thường khiến cho một số quốc gia đang phát triển trở thành đối thủ của nhau. Mỗi quốc gia đang phát triển đều cực kỳ muốn có đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, vì đó là cơ hội nhanh nhất để họ đại nhảy vọt trong công nghệ. Nike ban đầu đã mở các cơ sở sản xuất ở Nhật Bản, nhưng một khi nhận thấy ở đó đắt đỏ hơn, họ đã nhảy sang Hàn Quốc, rồi sau đó là Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

“Họ là những gì chúng tôi cần”, Joel Korn, chuyên viên tư vấn người Brazil nhận xét về những công ty xuyên quốc gia. “Châu Mỹ La tinh vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ bên ngoài, vì dự trữ nội địa hoàn toàn không đủ để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nên chúng tôi cần đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Họ [những con thú sừng dài] cũng mang đến những hệ tiêu chuẩn quốc tế và các dạng công nghệ mới, họ giúp chúng tôi thích nghi với nhu cầu của các thị trường khác, họ mang đến các quan hệ đối tác, chuyển giao công nghệ và chuyển giao thị trường. Nếu không cho họ vào thì cũng như bạn sống cô đơn trên một hành tinh lạ vậy”, ông kết luận.

Dẫu rằng sinh ra trong thời Chiến tranh Lạnh, nền sản xuất toàn cầu lan tràn mạnh mẽ hơn, sinh sôi nảy nở không ngừng, trong thời buổi ngày nay. Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm từ những cơ sở nước ngoài của các hãng xuyên quốc gia trên thế giới tăng từ 4,5 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội toàn thế giới trong năm 1970 lên tới mức cao gấp đôi, ngày nay. Con số phần trăm có vẻ nhỏ bé, nhưng con số đô-la mà chúng đại diện thì thật khổng lồ. Năm 1987, đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển chiếm 0,4 phần trăm tổng số GDP của họ. Ngày nay, con số này là hai phần trăm và tiếp tục gia tăng, không chỉ ở mười thị trường mới trỗi dậy, mà ở phạm vi toàn thế giới. Nếu nhìn vào những chi nhánh nước ngoài do người Mỹ sở hữu – như cơ sở Ford Motor ở Mexico chẳng hạn – thì thấy năm 1966, họ bán tám mươi phần trăm sản phẩm trong nội địa và xuất hai mươi phần trăm. Ngày nay, họ xuất bốn mươi phần trăm sản phẩm và sáu mươi phần trăm trong được tiêu dùng trong nội địa. Craig Barrett, Chủ tịch hãng Intel nói với tôi rằng hàng loạt các đại sứ và chính khách ở nhiều quốc gia tháng nào cũng gọi điện đến Thung lũng Silicon cho ông. Họ nhắn: “Hãy mang nhà máy của ông đến chỗ chúng tôi”.

George St Laurent là Chủ tịch hãng Vitech, một nhà máy sản xuất máy vi tính do ông sáng lập, đóng tại bang Bashia, phía bắc Brazil. Ông ta là một thành viên điển hình trong bầy thú sừng dài. Ông ta biết là trong cương vị của mình, ông có rất nhiều quyền lực. Một buổi chiều, St Laurent giải thích cho tôi rằng ông không nề hà gì khi đặt đòi hỏi cho chính phủ Brazil về những gì ông cần, nếu họ còn muốn ông đóng nhà máy ở đó, duy trì công ăn việc làm ở địa phương và khả năng chuyển giao kỹ thuật ở nước này. Ông nói: “Tôi cần thấy ở nước này một đồng tiền ổn định để thu hút vốn từ nước ngoài, vì thế họ (chính phủ) phải cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát và cắt giảm bộ máy chính phủ. Một trong các mục tiêu của chúng tôi là thu hút vốn đầu tư vào nước này. Nhưng vốn đầu tư sẽ không vào nếu chủ của chúng không biết giá trị của những đồng vốn đó khi họ rút chúng ra. [Hơn nữa] chính phủ cần phải thuyết phục được tôi rằng các chính trị gia đối với dân chúng phải duy trì thái độ như giữa khách hàng và người bán hàng, như bản thân tôi thực hiện. Nếu bạn là khách hàng của tôi, để khiến cho bạn mua máy tính của tôi, tôi thường phải quỳ xuống để thuyết phục bạn. Các chính trị gia nước này không nghĩ như vậy vì họ không quen với cương vị người bán hàng. Họ quen với việc ai cũng phải đến quy phục dưới ngai vàng của họ, và họ chỉ cho phép người khác được hưởng những quyền lợi nhỏ nhoi mà họ ban phát”.

Quả như nhận xét của St Laurent, quyền lực gia tăng của Bầy Thú Điện Tử chính là điều mà các nhà lãnh đạo truyền thống mới chỉ bắt đầu hiểu và tuân thủ. Tôi bắt đầu thấy điều này khi sang Mexico vào thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng đồng peso. Điều đó bắt đầu khi ngồi trên chuyến bay vào đất này. Khi cuống quít điền vào tờ khai nhập cảnh, tới dòng thứ ba thì tôi chững lại. Dòng này hỏi bạn làm nghề gì và quy định bạn khoanh vòng tròn vào một trong chín lựa chọn – không thấy có mục “bình luận viên báo chí” mà chỉ thấy “nông dân”, “lái xe”, “người nuôi gia súc”, và một lựa chọn khác là “người sở hữu trái phiếu” – cho thấy những bế tắc của đất nước Mexico vào thời đó. Nước này đã trở nên lệ thuộc vào những nhà đầu tư nước ngoài, những người mua công trái và trái phiếu thương mại của họ, để cứu giúp kinh tế. Chính vì thế có mục “người sở hữu trái phiếu” trên tờ khai hải quan.

Không may cho Mexico là những người có thể khoanh tròn mục đó thì lại đang bay trở ra, mang theo tiền của họ, và sẽ không quay lại. Khi đến phỏng vấn một viên chức Ngân hàng Trung ương Mexico, đang trong cơn hoảng loạn, anh ta hỏi tôi về những người sở hữu trái phiếu trên toàn cầu hiện đang vứt bỏ các loại trái phiếu của Mexico. “Vì sao họ giận dữ đến vậy? Họ báo thù cho điều gì vậy?” Anh ta hỏi. Tôi không tài nào giải thích cho anh này cái cảnh giận dữ và phản ứng của một người Mỹ có tiền gửi tiết kiệm khi thấy tài sản đầu tư của anh ta bị mất giá. Sau đó, khi đến gặp Enrique Del Val Blanco, viên chức của Bộ phụ trách về nhân dụng của Mexico, tôi thấy ông nói năng như một nhân vật trong phim Invasion of the Body Snatchers. Ông nói: “Dân ở đây ai cũng cảm thấy số phận của họ nằm trong tay người nước ngoài. Và ai cũng muốn biết những người nước ngoài đó là ai? Ai nắm giữ một thế lực như vậy? Chúng tôi vẫn nghĩ chúng tôi đang trên đường gia nhập thế giới thứ nhất (các nước phát triển). Bỗng nhiên mọi sự đều đổ bể. Một phút trước người ta thấy Ngân hàng Thế giới và IMF nói Mexico là một điển hình tốt nhất. Giờ đây chúng tôi lại trở thành một hình mẫu của sự xấu xa? Chúng tôi đang mất dần kiểm soát. Nếu không tìm được đường ra, chúng tôi sẽ bị diệt vong. Chúng tôi đầu hàng”.

Cùng ngày hôm đó, tôi đi xuyên thành phố để tìm đến phủ tổng thống ở Los Pinos để gặp Tổng thống Ernesto Zedillo, con người cũng đang bàng hoàng về việc đồng peso bị mất giá. Tôi không nhớ rõ ông ta nói gì nhưng không bao giờ quên cái khung cảnh khi gặp ông. Tôi và đồng nghiệp được một người lính đưa vào, nói lên cầu thang rồi đi sâu vào bên trong để đến văn phòng tổng thống. Dường như chẳng có ai qua lại trong dinh thự nay cả. Chúng tôi đi qua một cửa, một cửa nữa rồi một cửa nữa, cho tới khi gặp bàn của một cô thư ký. Cô này chỉ cho chúng tôi vào một văn phòng nhỏ bé tăm tối. Bước vào phòng, chúng tôi thấy ngồi cô đơn bên bàn làm việc, vị Tổng thống Mexico đang thưởng thức bản giao hưởng “Overture 1812” của Tchaikovsky từ một dàn stereo. Ông ta có dáng vẻ của Napoleon sau khi thua trận Waterloo.

Trong thập niên chín mươi, cả một thế hệ các lãnh tụ thời hậu thuộc địa như Zedillo, Mahathir, Suharto, thậm chí Borris Yeltsin – đã nếm mùi cơn giận dữ của Bầy Thú Điện Tử. Không lấy gì làm vẻ vang lắm. Bầy thú đó không cư xử như những kẻ thù trong nước của các vị này. Họ không thể bắt giữ, kiểm duyệt, cấm đoán, mua chuộc, thậm chí thường cũng không nhìn thấy chúng. Một số vị lãnh đạo như Zedillo thậm chí quy phục trước chúng. Mahathir và Suharto thì dùng một chiến thuật khác. Họ chửi rủa bầy thú, tố cáo chúng là những hội âm mưu, cam kết sẽ trả thù và trong trường hợp của Mahathir, ông đã dọa sẽ dùng tới những biện pháp kiểm soát tài chính. Mahathir và Suharto lớn lên trong thời Chiến tranh Lạnh, thời mà ít có dịp các siêu cường thực sự răn dạy và trách móc trực tiếp lãnh tụ của thế giới thứ ba, vì họ cần thế giới này trong cuộc chiến tranh. Nhưng một khi Chiến tranh Lạnh qua đi thì những hạn chế như trên cũng không còn nữa. Và ngày nay, những con vật tiên phong trong bầy thú không cư xử với các quốc gia đang phát triển như cái lối cư xử của Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ), Liên hiệp quốc hay Phong trào Không liên kết trước kia. Bầy Thú Điện Tử không nói chúng thông cảm với nỗi đau của bạn, hay thông cảm với những đau thương của bạn trải qua trong thời thuộc địa. Chúng không nói rằng bạn là người độc đáo, hay là yếu tố ổn định khu vực, hay hứa sẽ không động tới bạn. Chúng có đường hướng riêng. Bầy Thú Điện Tử đã biến đổi cả thế giới thành một hệ thống quốc hội, trong đó mỗi quốc gia tồn tại trong lo lắng – họ có thể bị bầy thú biểu quyết bất tín nhiệm.

Tôi đã nói chuyện với phó thủ tướng Malaysia thời đó là ông Anwar Ibrahim, tại Kuala Lumpur năm 1997, khi cuộc khủng hoảng Á châu lên tới đỉnh điểm, trước khi ông ta bị Mahathir loại bỏ. Anwar nói với tôi rằng khi Mahathir tố cáo người Do thái, Soros và những kẻ âm mưu khác về tội đã phá giá đồng nội tệ của Malaysia, thì ông ta và một số đồng nghiệp đã mang một tờ biểu đến gặp Mahathir và nói, đại khái như sau: “Hãy nhìn vào đây, hôm thứ hai, ông chỉ trích Soros thì đồng ringgit xuống giá từng này, đến thứ ba, ông kể tội người Do thái, thì trị giá của nó xuống nữa đến đây. Rồi sang thứ tư, ông tố cáo những nhà đầu tư toàn cầu thì nó xuống nữa, đến đây, HÃY CÂM MIỆNG LẠI!”

Trong trường hợp Suharto thì chính bầy thú đã giúp kích động một cuộc nổi dậy, lật đổ quyền lực của ông vào đầu năm 1998, bằng cách làm suy yếu đồng nội tệ và thị trường của Indonesia khiến cho công chúng và giới quân nhân mất lòng tin vào tổng thống.

Supachai Panitchpakidi, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan ngày nay phải mang trên người những vết sẹo mà bầy thú gây ra cho người tiền nhiệm của ông, người đã ra sức đấu với bầy thú và đã phải chịu thua. Ông nói: “Chúng tôi mắc một lỗi – đã gắn giá trị đồng baht Thái Lan với đồng đô-la lâu hơn sáu tháng, mà không sớm cho thả nổi nó”, ông nói về cuộc khủng hoảng năm 1997. Đáng nhẽ tai họa không đến, nhưng vì những phản ứng dây chuyền, nên ai cũng nhảy vào đánh hơi đồng baht của chúng tôi. Thành ra thay vì mất độ mười lăm hay hai mươi phần trăm giá trị, baht bị mất tới năm mươi phần trăm. Do thị trường đã được toàn cầu hóa nên [Bầy Thú Điện Tử] biết rõ là chúng tôi lúc đó đang thiếu dự trữ ngoại tệ. Lần đầu tiên chúng tấn công vào đồng tiền của chúng tôi là vào tháng hai, sang tháng ba rồi tiếp theo vào tháng tư. Mỗi một đợt như vậy, Ngân hàng Dự trữ của Thái Lan tung tiền ra để bảo vệ giá trị đồng baht, mỗi lần như vậy, lại tuyên bố: “Chúng ta đã thắng”. Nhưng trên thực tế mỗi lần như vậy Thái Lan đều đã thua – vì dự trữ của Thái Lan đã mỏng dần sau mỗi lần ứng cứu như vậy. Chúng tôi nghĩ thế giới không thể biết được lượng dự trữ tiền tệ của chúng tôi, dân chúng Thái cũng không biết điều đó, chỉ có thị trường là tỏ tường. Bạn bè tôi ở Singapore và Hồng Kông biết được điều đó và họ đã tính toán xem dự trữ của chính phủ Thái còn được bao nhiêu sau mỗi lần ứng cứu tài chính. Khi ông hỏi chuyện vị cựu Thủ tướng thì ông ta sẽ nói rằng không ai báo cho ông ta những thông tin như vậy. Nhưng thị trường lúc đó đã phán đoán được thực trạng của Thái Lan, chúng cũng lần ra được những bước ngoặt – thời điểm mà chính phủ không tài nào cứu được đồng tiền baht nữa. Đó chính là lúc chúng [Bầy Thú Điện Tử] tấn công đè bẹp chúng tôi”.

Để thích ứng với hoạt động của các siêu thị tài chính và bầy thú, các nhà lãnh đạo, đặc biệt ở những thị trường mới nổi lên cần xây dựng cho mình một tư duy mới. Trong quá khứ, thành viên của bầy thú thường tranh nhau làm duyên và cám dỗ các chính phủ từ bên trong và bên ngoài nước. Lúc đó là thời điểm các chính phủ là người cầm cân nảy mực. Giờ đây các chính phủ thi đua để tỏ cho bầy thú rằng họ giữ được ổn định, mời mọc và cuốn hút bầy thú. Vì thời nay là lúc chính bầy thú đứng ra cầm cân nảy mực, phân phối tài nguyên. Xin xây dựng một câu ngạn ngữ: Lãnh đạo trên thế giới cần phải có lối nghĩ như những thống đốc (bang ở Mỹ). Thống đốc các bang của Hoa Kỳ ngày nay được phép quyết định, có quyền hạn tương tự quyền hạn của tổng thống và thủ tướng. Họ thỉnh thoảng còn có quyền điều động lực lượng cảnh vệ quốc gia. Nhưng nhiệm vụ chính của họ ngày nay là thuyết phục Bầy Thú Điện Tử và các siêu thị tài chính đến đầu tư vào bang của họ, bằng mọi cách giữ chúng ở lại đó và suốt ngày tiếp tục lo lắng làm sao cho chúng ở lại cho lâu. Chính vì thế, các vị trưởng vùng (lãnh đạo tại địa phương – thống đốc bang) đang là những vị lãnh đạo thực chất trên thế giới ngày nay. Chính vì thế đã có một vị lãnh đạo đứng bao trùm tất cả các vị lãnh đạo khác trong kỷ nguyên toàn cầu hóa – vị Thống đốc của Hợp chủng quốc Hoa kỳ, ông Bill Clinton.

Những ông vua, các nhà độc tài, tiểu vương, các vị Sultan, những tổng thống và thủ tướng – tất cả đều đã trở thành những thống đốc. Mùa thu năm 1997, tôi sang Qatar, một tiểu vương quốc dầu lửa nhỏ bé phía đông Arập Xêut, và được mời ăn trưa với vị tiểu vương, Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani. Ông ta là một người nhỏ nhắn, thông minh như một con cáo, nhưng là một con người để ra lệnh chứ không phải để tuân lệnh. Ông ta hỏi tôi về cuộc khủng hoảng kinh tế ở Malaysia và Đông Nam Á và tôi đã kể cho ông về sự trừng phạt của Bầy Thú Điện Tử và những siêu thị đối với Malaysia do lỗi lầm của ông Mahathir, gồm cả việc ông xây tòa tháp đôi cao nhất thế giới. Sheikh Hamad lắng nghe rồi sau đó tuyên bố theo lối một vị thống đốc, chứ không phải là của một tiểu vương. Ông nói: “Có lẽ tôi không nên xây các tòa cao ốc ở đây. Vì có thể các thị trường sẽ không ưng ý về điều đó”.

Cung cách trong đó các vị lãnh đạo, các cá nhân, các nhà đầu tư và các công ty học hỏi để thích ứng với hệ thống toàn cầu hóa đánh dấu một cột mốc mới vào cuối thế kỷ hai mươi. Nhưng có một điều tôi muốn nói: Quý vị vẫn chưa tường được bức tranh toàn cảnh đâu.

Như tôi đã cố giải thích, trào lưu dân chủ hóa công nghệ, tài chính và thông tin – làm thay đổi cung cách chúng ta liên hệ với nhau, đầu tư và xây dựng tầm nhìn ra thế giới – tất cả đã sản sinh ra những đặc điểm chủ chốt của hệ thống toàn cầu hóa ngày nay. Chúng thổi bay những rào cản giữa các thị trường. Chúng xây dựng những hệ thống để chúng ta có thể vươn tới nhiều nơi trên thế giới và khiến chúng ta có thêm nhiều quyền lực, thậm chí siêu quyền lực. Chúng tạo nên những mối liên hệ và môi trường cho Bầy Thú Điện Tử sinh sôi và mở rộng các siêu thị tài chính. Chúng thổi bay những hệ tư tưởng lỗi thời và giữ lại hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa trên nền thị trường tự do. Chúng tạo nên những tiêu chuẩn về hiệu quả sản xuất và hoạt động khiến cho mọi doanh nghiệp hoặc phải tuân theo hoặc chịu diệt vong. Chúng phá bỏ những rào cản, cho phép các cá nhân tham gia vào bất cứ thương vụ nào. Chúng khiến con người ta phát triển từ chỗ suy nghĩ lối địa phương trước rồi hướng ra toàn cầu, đến lối suy nghĩ có tầm toàn cầu trước khi nhìn vào phạm vi địa phương.

Chính Internet là lý do khiến tôi nhận xét là quý vị thực ra chưa nhìn thấy được toàn bộ bức tranh toàn cảnh. Sự ra đời của Internet trong giai đoạn cuối của trào lưu dân chủ hóa tài chính, công nghệ và thông tin, đã đóng góp mạnh mẽ cho toàn cầu hóa ngày nay. Khi Internet được dùng đại trà, nó trở thành động lực chính, một thứ siêu turbin, thúc đẩy toàn cầu hóa đi tới. Internet sẽ đảm bảo xây dựng cho chúng ta một cách nhìn toàn cầu, khi chúng ta duy trì thông tin liên lạc, đầu tư và hiểu biết về thế giới. Bởi vì một khi vào được mạng để truy cập, bạn có thể liên lạc, trao đổi với bất cứ ai trên thế giới, bạn có thể bỏ tiền ra đầu tư vào bất cứ đâu, lập một doanh nghiệp với chi phí hầu như rất nhỏ. Và một khi doanh nghiệp của bạn được thành lập với một trang mạng thì tầm nhìn của bạn phải là toàn cầu – để tìm thêm khách hàng cũng như để phát hiện các đối thủ cạnh tranh với bạn.

Đầu năm 1998 tôi đến Thung lũng Silicon để nói về một số điểm liên quan tới lập luận trên với John Chambers, Chủ tịch Cisco Systems, tập đoàn sản xuất các loại thiết bị dùng để nối mạng Internet trên toàn cầu. Ông ta nói với tôi lúc đó: “Internet sẽ làm thay đổi mọi thứ. Cách mạng Công nghiệp gắn con người với máy móc trong nhà máy, và cuộc Cách mạng Internet sẽ gắn con người với tri thức và thông tin trong các nhà máy ảo. Và nó sẽ tác động vào xã hội giống như tác động của Cách mạng Công nghiệp trước đây. Nó sẽ xúc tiến toàn cầu hóa với tốc độ chóng mặt. Và thay vì phải mất hơn một trăm năm để hình thành như Cách mạng Công nghiệp, Cách mạng Internet chỉ phát triển trong vòng bảy năm”.

Khi Chambers nói như vậy tôi đã ghi lại, thậm chí trích dẫn lời nói đó trong một cột báo nhưng vẫn chưa hoàn toàn hiểu được điều ông nói. Tôi nghĩ ông ta, trong tư cách là một chuyên viên kỹ thuật, có thể hơi một chút phóng đại. “Vâng, ừ thì...”, tôi nghĩ, “Internet sẽ làm mọi thứ thay đổi. Ai cũng nói như vậy”. Nhưng khi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi ngày càng nhận thấy lời của ông Chambers nói không những đúng, mà còn chỉ đúng mới một phần.

Vài tháng sau khi thăm Chambers, văn phòng của ông ta gửi đến cho tôi một hộp giấy, trong đó có những cốc tách, bút và áo phông, qua lưu niệm mang logo quảng cáo của mới của hãng Cisco, mang thông điệp mà có thể bạn đã thấy trên truyền hình. Thông điệp rất đơn giản. Quảng cáo của Cisco trên TV cho thấy dân chúng già trẻ trên khắp thế giới, nhìn thẳng vào ống kính camera, và hỏi: “Bạn đã sẵn sàng chưa?” Nhớ lại, khi nhận được hộp quà của Cisco, thấy thông điệp đó, tôi đã nghĩ: “Thứ rác rưởi gì vậy? Quảng cáo gì mà lạ vậy. ‘Bạn sẵn sàng?’ Để làm gì?”

Nhưng năm 1999 là năm của Internet, thời điểm Internet thu hút được số lượng khách hàng lớn đáng kể và làm thay đổi khái niệm về thông tin liên lạc và thương mại và lúc đó tôi hiểu chính xác ý nghĩa của thông điệp của Cisco: “Bạn đã sẵn sàng chưa?” – Internet sẽ trở thành một thứ ê-tô lớn, kẹp chặt hệ thống toàn cầu hóa mà tôi đã mô tả trong chương phần này của cuốn sách – thế giới đi nhanh, Bầy Thú Điện Tử, siêu thị tài chính và chiếc áo nịt bằng vàng – Internet sẽ kìm giữ chúng, trói buộc toàn cầu hóa vào tất cả các cá nhân, khiến cho thế giới ngày càng nhỏ bé và vận động nhanh hơn.

Hãy suy nghĩ mà xem: nhờ Internet mà chúng ta có một hệ thống bưu điện đại chúng trên toàn cầu, qua đó ta gửi thư cho nhau. Chúng ta cũng có một siêu thị toàn cầu trên đó ta mua và bán. Chúng ta cũng có một thư viện toàn cầu trong đó chúng ta nghiên cứu và một trường đại học phổ quát cho tất cả mọi người cùng theo học. Vào năm 1999, hơn một nửa dân số Hoa Kỳ, trên một trăm triệu người nối mạng Internet. Ở Mỹ không hiếm khi ta gặp những người vừa mua một cuốn sách qua mạng, mượn một khoản tiền qua mạng, mua một máy tính hay một chiếc xe hơi, cũng qua mạng. Và không chỉ ở Hoa Kỳ. Hãy xem Ấn Độ. Ở những vùng nghèo quanh Thủ đô Delhi, một công ty điện thoại di động mang tên Usha Group được thành lập, đã tổ chức những đội nhân viên nữ mang điện thoại di động cấp phát cho từng nhà ở những khu vực nghèo khó, thiếu thốn điện thoại. Sau khi trả một khoản tiền nhỏ, những người dân nghèo có thể dùng điện thoại di động đó gọi đi cho người thân. Nay Usha đã lắp đặt các trung tâm điện thoại công cộng ở nhiều làng mạc như vậy – với khả năng nối mạng chi phí thấp.

Bộ trưởng Tài chính Larry Summer thích kể lại câu chuyện sau: “Hồi trước tôi đến Mozambique – được đánh giá là đất nước nghèo nhất thế giới – để bàn về việc giảm nợ nước ngoài. Trong bữa ăn trưa với đại diện cộng đồng doanh nhân địa phương, tôi hỏi một thương nhân ngồi bên cạnh rằng anh ta làm ăn ra sao rồi. Anh ta đáp: “Cũng khấm khá, nhưng tôi lo cho tương lai lắm”. Khi tôi hỏi vì sao thì anh trả lời là lúc đó anh đang là độc quyền cung cấp dịch vụ Internet ở Mozambique, nhưng lo sợ là trong tương lai sẽ xuất hiện thêm địch thủ cạnh tranh trong dịch vụ của anh ta và làm giảm lợi nhuận của anh”.

Anh ta lo là phải. Thích ứng với giai đoạn tiếp theo trong thời toàn cầu hóa do Internet điều tiết trên một thế giới thu nhỏ, chuyển động nhanh hơn, chính là thách thức to lớn đối với mỗi chúng ta – những cá nhân, đất nước và công ty. Trong hai phần tiếp theo của cuốn sách này mang tên – “Kết nối vào hệ thống” và “Những phản ứng nhằm vào hệ thống” tôi sẽ giải thích thêm về điều này.

Bạn đã sẵn sàng chưa?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx