sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 07 - Phần 3

Marion và Rick, xin đón mừng hai bạn đến với Bầy Thú Điện Tử. Tôi mừng là hai bạn này ăn ra làm nên. Nhưng trong môi trường mới với những công cụ đầu tư mới đã cám dỗ rất nhiều những Marion và Rick vào những thị trường mà đáng nhẽ họ không nên bén mảng vào. Chưa bao giờ trong lịch sử, ta thấy nhiều người đầu tư vào nhiều nơi đến thế trên khắp quả đất. Leon Cooperman chỉ ra rằng: “Trong năm năm vừa qua, người dân thường vốn chỉ đem tiền mua công trái chính phủ của họ cho chắc chắn, nay đã trút hết vốn vào các trái phiếu. Và những người vốn chỉ mua trái phiếu, chịu một chút mạo hiểm cao hơn, nay quay sang mua trái phiếu từ các thị trường tài chính mới mở như ở Nga và Brazil. Và những tay mua trái phiếu thị trường mới thì đâm đầu vào mua cổ phiếu của các thị trường đó. Điều tất phải xảy ra là một số trong bọn họ đã trèo cao và sẽ có ngày ngã rất đau”.

Sự hội nhập toàn cầu đã vượt xa mức hiểu biết của người ta. Nhờ có toàn cầu hóa, chúng ta biết về nhau hơn trước, nhưng chúng ta vẫn không biết rõ nhau. Điều đáng lo ngại là sự đa dạng trong lớp thành viên mới của bầy thú đã được nhân rộng đến mức không những lớp lính mới mà thậm chí những tay tổ trong môi giới tài chính nay cũng không thể nhận biết và đánh giá đầy đủ được toàn diện tình hình. Tôi xin trích dẫn lời một giám đốc quỹ đầu cơ, khi phát biểu với Moises Naim, biên tập của tạp chí Chính Sách Đối Ngoại sau cơn khủng hoảng về nợ nước ngoài ở Mexico: “Chúng tôi tiến vào châu Mỹ La tinh mà không biết chút gì về vùng này. Giờ đây, chút tôi rút khỏi đó mà vẫn không hiểu gì về nó cả”.

Trong khi bàn về tính đa dạng của Bầy Thú Điện Tử, có một điểm quan trọng chúng ta không được quên – bầy thú này không đơn thuần là lực lượng ngoại sinh. Chúng không chỉ là những quỹ tiền tệ tự do không bị chính phủ ràng buộc, không chỉ là những tay đầu tư hay những siêu thị tài chính từ xa đến. Trong đàn thú có những thành viên bản xứ. Sức mạnh của Bầy Thú Điện Tử không chỉ ở chỗ các nhà đầu tư bên ngoài ào ạt vào mua bán cổ phiếu và tiền tệ trong nước khi các rào cản bị loại bỏ. Nó cũng nằm ở chỗ các nhà tài chính trong nước được phép bước ra khỏi biên giới! Điều bí mật về bầy thú chính là ở chỗ những cơn giận dữ, những khủng hoảng do chúng gây ra không bắt đầu từ những quỹ đầu cơ ở phố Wall hay từ một ngân hàng lớn ở Frankfurt. Tai họa bắt đầu từ một nhà băng địa phương, một cơ sở tín dụng địa phương hay khi một người quản trị tiền tệ địa phương đổi ngoại tệ như đô-la Mỹ chẳng hạn, rồi đặt cọc vào mức độ trị giá của chính đồng nội tệ trong thị trường đầu cơ tiền tệ. Nghiên cứu năm 1998 của IMF “Những quỹ đầu cơ và tính năng động của thị trường tài chính” đã ghi nhận rằng: những đánh giá đúng đắn về cuộc khủng hoảng đồng peso của Mexico năm 1994-1995 cho thấy “những cư dân trong nước, chứ không phải là những nhà đầu tư ngoại bang” đã đầu têu gây ra cuộc khủng hoảng đó. Trong thế giới các thị trường tài chính toàn cầu hóa, IMF kết luận: Các nhà đầu tư nước ngoài quản lý những dự án đầu tư đa dạng có thể gặp nhiều khó khăn, thiếu thông tin, khi họ theo dõi các điều kiện cụ thể trong các nước họ đầu tư. Đối với các thị trường tài chính mới, nhỏ nhoi, thì các nhà đầu tư lớn ít khi để ý và theo dõi chúng. Hậu quả là những cư dân bản xứ với những hiểu biết cặn kẽ tình hình địa phương của họ, thường là những người đầu tiên đầu cơ dựa trên chính đồng nội tệ ít khả năng chuyển đổi ở chính nơi đó. Và khi hệ thống thị trường tài chính nội địa và những giao dịch tài chính quốc tế được thả nổi, thì chính những cư dân địa phương nọ được lợi, hoán chuyển và mua ngoại tệ vào để giữ giá. Nói cách khác, chính những nhà tài chính Mexico, nhà đầu cơ Indonesia, các ngân hàng Thái Lan đã khởi đầu những cuộc khủng hoảng làm suy yếu và phá giá đồng nội tệ, phá trị giá các loại trái phiếu và cổ phần trong những nước này – khiến những con thú khác trong bầy thú phản ứng giận dữ. Điều đó có lý, vì dân địa phương, thông qua bè bạn, cha mẹ và các quan hệ làm ăn, bao giờ cũng biết cặn kẽ chi tiết về hoàn cảnh kinh tế của đất nước mình – chính họ là những người đi đầu trong việc bỏ đi tìm kiếm những vùng đất mới tốt tươi hơn. Ngày nay, họ làm được điều đó một cách dễ dàng hơn – thay vì như trước kia khi họ phải lén lút chuyển tiền, phải mở tài khoản nước ngoài với điều kiện họ dùng tên người khác.

Richard Medley, chuyên trách về phân tích độ mạo hiểm về chính trị và kinh tế cho nhiều ngân hàng quốc tế và các quỹ đầu cơ, đã kể với tôi rằng anh đã đưa ra những cảnh báo cho nhiều khách hàng về một khả năng các thị trường và tiền tệ ở Á châu sẽ suy yếu khoảng năm tháng trước khi cơn khủng hoảng xảy ra tại vùng này, năm 1997. Làm được thế không phải là anh ta có tài cán gì, mà chỉ do anh biết lắng nghe từ những thành viên Á châu của bầy thú. “Dấu hiệu đầu tiên tôi tìm thấy”, Medley giải thích, “là khi những định chế tài chính địa phương chỉ muốn mượn ngoại tệ, thay vì nội tệ. Nếu một nhà băng Thái Lan khăng khăng không cho một thương gia nước này mượn tiền bằng đồng baht, mà chỉ cho mượn ngoại tệ, đô-la hoặc yên, có nghĩa là nhà băng lo lắng cho trị giá của đồng nội tệ. Bạn phải tinh ý đối với những cử chỉ nhỏ, lác đác như vậy, vì những thông số kinh tế chính thức ở các nước như thế rất kém chính xác và thiếu cập nhật. Trong những nền kinh tế theo lối gia đình trị như ở Á châu, thì bao giờ tôi cũng cho rằng, người địa phương thường biết nhiều hơn tôi”.

Chính phủ Trung Quốc đã và đang miễn cưỡng làm cho đồng tiền nước này có khả năng chuyển đổi hoàn toàn thành ngoại tệ, không như ở các nước láng giềng. Không hẳn vì họ lo sợ sẽ không kiểm soát nổi mức đầu tư nước ngoài, họ cũng sợ không kém về cái khả năng cho thấy dân chúng của họ có thể dần dần chuyển đổi và phân tán tài sản từ Trung Quốc ra nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc có lý do chính đáng để lo như vậy: Có một chợ đen tiền tệ đã được hình thành trong lòng nước này, trong đó người ta đổi nội tệ đầu cơ lấy ngoại tệ. Một phóng viên thông tấn về tài chính người Mỹ đóng tại Thượng Hải đã kể cho tôi về một cuộc đối thoại giữa anh ta và một người bạn người Hoa. Người bạn Trung Quốc này phàn nàn với anh phóng viên về những “âm mưu” trong đó các nhà băng đầu tư và các quỹ đầu cơ hùa nhau bán phá giá các đồng nội tệ của Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia trong cuộc khủng hoảng 1997-1998.

“Vì sao họ làm thế đối với chúng tôi?” Thương nhân Trung Quốc hỏi anh bạn người Mỹ.

“Anh nói cho tôi hay”, phóng viên người Mỹ hỏi lại, “gần đây anh có bán đồng tệ nào không để mua đô-la?”

“Có, tôi có bán”, thương nhân người Hoa thú nhận. “Tôi hơi lo khi thấy tình hình như vậy”.

Xin nhớ cho, trong Bầy Thú Điện Tử, những con thú từ địa phương bao giờ cũng nhảy lên đầu tiên, mỗi khi có một chấn động đe dọa.

Không những lớn hơn và nhiều chủng loại hơn bao giờ hết, Bầy Thú Điện Tử ngày nay di chuyển nhanh hơn và liên hệ với nhau chặt chẽ hơn trước nhiều. Joseph Sassoon, một người đứng đầu hãng Goldman Sachs trong văn phòng ở London tham gia vào bầy thú từ năm 1982. “Ở London năm 1982, do chúng tôi đi trước New York năm hay sáu tiếng đồng hồ, chúng tôi thường không biết kết quả giao dịch ở thị trường Dow Jones ra sao cho mãi tới khi đến sở vào buổi sáng hôm sau”, anh ta nói. “Một số các vị ở đây có máy Quotron (để theo dõi) và phương tiện chỉ có thế. Thời đó Goldman Sachs cho rằng có máy móc như thế là hay lắm rồi. Rồi một ngày kia, có một tay ở văn phòng Goldman Sachs ở New York đã thuê một cậu bé đến văn phòng lúc ba giờ sáng, giờ New York, photocopy hai cột của tờ tạp chí Phố Wall mang tên “Đồn đại trên đường phố” và “Tiếp cận thị trường” – nói về những thủ thuật và mẹo mực giao dịch – rồi chuyển sang London. Làm như thế, chúng tôi ở London đã đi trước các hãng môi giới tài chính khác được vài giờ đồng hồ, khiến chúng tôi có thể giới thiệu bán và mua cho các khách hàng về các cổ phần ở New York trước khi các đối thủ của chúng tôi nắm được thông tin. Họ phải đợi cho đến khi thị trường New Yorkmở cửa mới tiếp cận được thông tin từ bên đó. Phải mất một thời gian thì các đối thủ mới biết được thủ thuật của chúng tôi. Đây là nói đến năm 1982. Khi kể lại câu chuyện này cho đồng nghiệp của tôi ngày nay, họ nhìn tôi như thể tôi kể câu chuyện xảy ra từ thời cụ kỵ của họ vậy”.

Quả có thế. Đi dạo quanh một văn phòng quỹ đầu cơ ở New York ngày nay, bạn thấy các nhân viên cầm những màn hình cá nhân xách tay, theo dõi thị trường từng phút, theo dõi sự lên xuống của trị giá các trái phiếu, thậm chí họ có thể thực hiện giao dịch ngay khi đi vào phòng vệ sinh nữa là về nhà riêng. Bánh xe giao dịch thời nay được bôi trơn thấu đáo khiến cho những khoản tư bản, được nhà kinh tế David Hale gọi là “tư bản du mục” có thể di chuyển trên thế giới, chen vào các cơ hội mua bán ở mọi nơi với chi phí di chuyển và giao dịch xuống tới mức số không, với thời gian hầu như trong chớp mắt. Cuộc chơi ngày nay có thể được tóm lược bằng nội dung một quảng cáo của hãng Crédit Suisse/First Boston hồi năm 1998, khi họ cho ra đời một dịch vụ mới mang tên Prime Trade, cho phép trao đổi dịch vụ phái sinh được phát hành ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Quảng cáo kêu gọi: “Prime Trade: bất cứ thị trường nào, bất cứ lúc nào, bất cứ đâu”.

Thực tế cho thấy khi có thêm nhiều người có thể được nối mạng đồng loạt, thu thập thông tin và giao dịch ở bất cứ đâu, đã khiến cho Bầy Thú Điện Tử ngày nay càng trở nên lớn mạnh hơn và đa năng hơn. Xưa nay người ta hiểu rằng, càng có nhiều thông tin cho các tay buôn thì thị trường của họ càng trở nên ổn định hơn. Nhưng dường như trên thực tế, thì ngược lại. Tôi đã trực tiếp học được điều đó. Ngày nay ở nước Mỹ, hành khách đi máy bay thường được phát một loại điện thoại di động, gắn với ghế giữa trong băng ghế của họ, gọi là điện đàm GTE. Hồi năm 1999, GTE nối điện thoại với sở giao dịch Dow Jones Industrial Average, American Stock Exchange và NASDAQ. Giúp cho bạn ngồi trên máy bay, bay trong giờ giao dịch, có thể theo dõi, trên màn hình và tai nghe, các hoạt động, trị giá lên xuống ở các thị trường đó, trực tiếp. Nếu bạn ngồi ở ghế giữa, bạn không tránh khỏi phải nhìn vào màn hình. Trong một chuyến bay sang Colorado, tôi đã dùng màn hình để kiểm tra mức lên xuống của một loại cổ phần tôi sở hữu. Dùng một thiết bị nối với điện thoại GTE, sau khi bấm tên của cổ phần vào màn hình, tôi kiểm tra giá của chúng từ hệ thông báo giá Bloomberg. Trong chuyến bay đó từ Washington sang Denver, tôi kiểm tra năm lần giá của cổ phần nọ và đã bán cổ phần này khi hạ cánh. Tôi đã dùng điện thoại công cộng từ sân bay Denver, gọi cho nhân viên môi giới hạ lệnh bán – một điều mà cách đó một chục năm, tôi không tài nào có thể thực hiện được. Nhưng nhiều thông tin sẵn sàng như vậy không có nghĩa là thị trường ngày nay ổn định hơn. Edward Chancellor trong cuốn sách của anh về lịch sử đầu cơ tài chính, Devil tak the Hindmost, giải thích về sự ngộ nhận thông thường trong giới quan sát, rằng càng nhiều thông tin thì hoạt động của Bầy Thú Điện Tử càng ổn định hơn. Phần lớn các nhà phân tích, anh ta nói, “cho rằng tiến bộ trong công nghệ thông tin sẽ dẫn đến sự ổn định và thịnh vượng. Trong thực tế, nếu các thị trường vốn dĩ đã có mức hiệu quả cao thì khi có thêm thông tin, chúng càng hoạt động hiệu quả hơn. Thậm chí chúng sẽ hoạt động một cách máy móc như một loại xe hơi chất lượng cao”.

“Thật ra thì không thấy một dẫn chứng trong lịch sử nào cho thấy sự cải thiện về thông tin liên lạc sẽ sản sinh ra các loại thị trường tài chính dễ sai khiến hơn, hay hoạt động đầu tư thông minh hơn. Thực tế cho thấy những điều ngược lại. Trong quá khứ thông tin tài chính càng sẵn có và sự cải thiện điều kiện liên lạc có khuynh hướng càng hấp dẫn thêm các tay mơ vào cuộc chơi đầu cơ: thế hệ các tờ báo đầu tiên đã kích thích dẫn tới những dạng bong bóng South Sea, những cột báo phân tích “thị trường tiền tệ” trên các báo nước Anh, đã dẫn tới cơn sốt khoáng sản năm 1825, các hệ thống đường sắt tạo ra cơn đầu cơ các cổ phiếu đường sắt những năm bốn mươi của thế kỷ này, cũng như việc xuất hiện băng giấy điện báo đã kích động những cuộc cá cược và vào những năm hai mươi, khi đài phát thanh được phát minh đã gây kích động trong giới các nhà đầu cơ thời đó. Gần đây nhất là Internet. Dịch vụ này đã đưa cổ phiếu vào tận nhà người ta... nhưng cũng đã làm xuất hiện từng đám những “tay môi giới ban ngày”, những tay đầu cơ tài tử tại gia, móc nối mua bán những loại cổ phiếu rẻ mạt do các công ty cung cấp trên mạng. Tính đến mùa hè năm 1998, năm triệu người Mỹ đã mở tài khoản với các hãng môi giới tài chính trên mạng, trong số đó có một triệu người bản thân trở thành các môi giới viên làm việc tại gia. Con số trung bình các tài khoản, và số lượt giao dịch họ thực hiện trên mạng cao hơn con số tài khoản trong các hãng đầu cơ truyền thống khoảng mười hai lần. Có tin nói một số các nhà đầu cơ kiểu đó thực hiện khoảng một ngàn giao dịch mỗi ngày”.

Quả có thế, thị trường NASDAQ là nơi bạn có thể thấy không phải là những quỹ tín dụng hay hưu bổng đã xô đẩy các cổ phần Internet lên xuống dập dìu. Thủ phạm chính là những tay môi giới tài tử, trao qua đổi lại quãng 200-300 cổ phiếu mỗi bận, không theo tính toán định hướng nào cả. Phần đông những người tham gia giao dịch như vậy không biết họ mua của ai và bán cho ai, họ chỉ biết một vài ký hiệu nào đó, của ai đó, mà thôi.

Nếu Bầy Thú Điện Tử đến thăm bạn thì trong một thời gian ngắn, chúng sẽ trút hàng tỷ đô-la và vào cổ phần và trái phiếu của công ty của bạn, đầu tư ào ạt vào nhà máy công xưởng bạn có. Chính vì thế mà ngày càng có nhiều các quốc gia đang bằng mọi giá móc nối cho được với những con thú trong Bầy Thú Điện Tử. Tuy nhiên khi các lý do chính trị, kinh tế hay xã hội khiến thị trường trong các nước này suy yếu và bất ổn, thì cũng chính bầy thú sẽ chuyển hóa sự bất ổn định lên tới mức cao hơn, làm cho hậu quả trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, trong bối cảnh thuận lợi thì chúng có thể nhanh chóng cải thiện tình hình và biến thị trường từ chỗ bé bỏng nhỏ nhoi đến chỗ thịnh vượng và ổn định hơn.

Alan Greenspan đã nêu rõ trong các phát biểu của ông, rằng cũng một hệ thống toàn cầu hóa “đã kích thích tăng nhanh mức độ di chuyển vốn của tư nhân, đồng thời cũng cho thấy sự gia tăng và lan tràn các hình thức đầu tư thiếu suy nghĩ”. Vị thống đốc này nói thêm rằng, “khó có thể tưởng tượng mức độ mất mát (một tỷ đô-la) của chỉ duy một tay buôn, sử dụng công nghệ cao, đã khiến cho ngân hàng Barings sụp đổ năm 1995. Điều này khó có thể xảy ra trong thập niên trước đó, khi người ta chỉ đơn thuần buôn bán trên giấy tờ. Rõ ràng là khả năng gây lỗ của chúng ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây”. Bộ trưởng Kinh tế Ai cập Yousef Boutros-Ghali đã từng nói: “Ngày trước bạn ngồi trong phòng, lo lắng cùng vài trăm đồng nghiệp nhà băng, giờ đây đi đâu bạn cũng cảm thấy lo lắng. Nỗi lo lắng quả đã được dân chủ hóa”.

Tuy vậy cũng có một điều an ủi trong hoàn cảnh hiện nay. Tai họa có thể xảy đến cực nhanh, nhưng cũng ra đi cực nhanh, nhưng rồi lại đến... Nhiều vấn nạn mới sẽ xảy ra, nhưng cũng nảy sinh nhiều giải pháp – miễn là đất nước của bạn làm ăn cho đúng đắn. Khi cuộc sống trôi đi gấp gáp thì cũng ít ai kéo dài thêm nỗi nhớ. Năm 1995, Mexico làm phật lòng các nhà cấp tín dụng, thì chỉ đến năm 1998, đất nước này lại đã trở thành điểm thu hút của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó không mấy ai còn nhớ tới nỗi đau năm 1995. Năm 1997, Hàn Quốc gần như khánh tận, thì đến năm 2000, thương gia ở phố Wall lại thấy nối đuôi nhau mua công trái của nước này.

Bầy thú sừng dài.

Ngày nay, mặc dù trên báo chí thường chỉ thấy đăng về những con thú sừng ngắn như George Soros chẳng hạn, những con thú sừng dài ngày càng có thêm vai trò quan trọng hơn. Bầy thú sừng dài là những công ty xuyên quốc gia, tham gia vào “đầu tư nước ngoài trực tiếp” – có nghĩa là ngoài việc mua vào các công trái và trái phiếu ở các nước đang phát triển, chúng rót tiền trực tiếp vào các nhà máy, cơ sở công nghiệp, hệ thống năng lượng và một loạt các dự án khác – đầu tư dài hạn, đọng vốn và không thể rút vốn nhanh chóng được. Trong bầy thú sừng dài có các công ty như Ford, Intel, Enron hay Toyota. Nhờ có toàn cầu hóa, chúng đầu tư ở mức độ cao hơn, dài hạn hơn và ở nhiều quốc gia hơn bao giờ hết.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, khi các quốc gia thường bảo hộ thị trường nội địa bằng hàng rào thuế quan, các công ty xuyên quốc gia thường chú trọng đầu tư vào những nơi có thị trường lớn, nhằm vượt thứ hàng rào đó. Nói cách khác, Toyota sẽ sang Hoa Kỳ, xây một nhà máy sản xuất linh kiện, chỉ bán tại thị trường Hoa Kỳ, như vậy họ tránh hạn ngạch nhập khẩu vào nước này. Ngược lại hãng Ford cũng sang Nhật Bản, thực hiện một điều tương tự. Để vượt những hàng rào bảo hộ, các tập đoàn xuyên quốc gia vào nằm ngay trong các thị trường lớn, trở thành nhà sản xuất địa phương và cạnh tranh, bán hàng rẻ hơn và tốt hơn các hãng ở địa phương.

Khi trào lưu dân chủ hóa công nghệ, tài chính và thông tin thổi bay những bức tường Chiến tranh Lạnh thì bầy thú sừng dài tập trung được sức lực lớn hơn và mong muốn xây dựng nhà máy nhiều hơn. Ngày mỗi ngày, một thị trường toàn cầu đơn chiếc và mạng điện toán xuất hiện, trên đó các công ty xuyên quốc gia có thể sản xuất và bán hàng ở bất cứ đâu. Điều đó mài sắc thêm sức cạnh tranh và thu nhỏ mức lợi nhuận trong rất nhiều ngành công nghiệp. Mỗi công ty xuyên quốc gia đều muốn bán hàng trên toàn cầu, bán thật rộng để bù đắp mức lợi nhuận bình quân trên mỗi sản phẩm ngày càng nhỏ. Họ cố gắng dàn trải sức sản xuất trên toàn cầu, chia nhỏ các dây chuyền sản xuất, chuyển chúng sang đóng tại nhiều quốc gia, nơi có giá tài nguyên và nhân công rẻ nhất và năng lực hoạt động hiệu quả nhất – làm như thế năng suất sẽ tăng, chi phí sản xuất giảm và sức cạnh tranh được duy trì. Điều này giải thích cho việc có nhiều thêm các công ty xuyên quốc gia đầu tư vào những cơ sở sản xuất, hay những hãng thầu ở nước ngoài sẵn có. Họ làm thế không phải để tồn tại trong một thế giới có nhiều bức tường, mà thực ra là để tồn tại trong một thế giới mở. Trong toàn cầu hóa, các công ty xuyên quốc gia ngày càng cần phải mở rộng ra nước ngoài, không chỉ để trở thành những nhà sản xuất hiệu quả ở các quốc gia đó, mà còn để trở thành những nhà sản xuất giỏi trên toàn cầu.

Nhà báo Kevin Maney của tờ USA Today có bài trên số báo ngày 24/4/1997 nói về việc hãng máy tính IBM đã sử dụng thêm nhiều đối tác làm ăn và chi nhánh ở hải ngoại để trở thành một nhà sản xuất toàn cầu thông minh hơn, hiệu quả hơn trong một thế giới mở. Maney viết: “Một nhóm chuyên viên lập trình của đại học Tsinghua ở Bắc Kinh đang viết phần mềm mới bằng công nghệ Java. Họ làm việc cho IBM. Sau mỗi ngày làm việc họ gửi báo cáo qua Internet sang một cơ sở của IBM đóng tại Seattle. Tại đó các nhà lập trình của IBM sẽ tiếp tục cải tiến phần mềm trên những kết quả đó rồi chuyển tiếp, bằng Internet, qua chặng đường 5.222 dặm sang Viện Khoa học Máy tính ở Belarus và Tập đoàn Phần mềm ở Cộng hòa Latvia. Từ đó, kết quả được chuyển sang Tập đoàn Tata ở Ấn Độ, từ đây, kết quả được gửi trở lại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh vào sáng hôm sau,... rồi lại Seattle... cho đến khi hoàn thành sản phẩm. “Chúng tôi gọi đó là Java suốt ngày đêm”, John Patrick, Phó chủ tịch về kỹ thuật của IBM nhận xét, ‘tựa như là chúng tôi tạo ra mỗi ngày có bốn mươi tám tiếng đồng hồ trên Internet vậy”.

Trong những năm bảy mươi, hãng giày Bata của Canada có khoảng một chục nhà máy tại các thị trường chủ chốt trên thế giới, nhưng những chi nhánh đó chỉ sản xuất phục vụ cho thị trường địa phương nơi chúng đóng chốt, làm theo đúng thị hiếu ở địa phương và hầu như bán một trăm phần trăm sản phẩm tại đấy. Ngày nay, hãng giày Nike có thể thiết kế mẫu giày ở Oregon và gửi, bằng email hay fax qua đêm, những chi tiết mẫu sửa đổi sang các nhà máy và nhà thầu ở châu Á để họ tổ chức sản xuất theo mẫu mã mới ngay ngày hôm sau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx