sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 08 - Phần 2

Nhưng có một lối nói trong công nghệ vi tính: “Phần cứng bao giờ cũng chạy trước phần mềm và hệ điều hành”. Có nghĩa là các kỹ sư liên tục sáng tạo ra những linh kiện vi mạch mới có tốc độ nhanh hơn, rồi mới đến việc các hệ điều hành mới và các loại phần mềm được cải tiến. Câu châm ngôn đó cũng được áp dụng trong toàn cầu hóa. Điều mà thế giới chứng kiến từ khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Nga, Đông Âu và Thế giới thứ ba, là có đa số các quốc gia, tuy chấp nhận mô hình cơ bản của chủ nghĩa tư bản, thậm chí kết nối mô hình của họ với Bầy Thú Điện Tử, nhưng lại không có được ngay một hệ điều hành hay những phần mềm thích ứng – những yếu tố cơ bản để họ quản lý và phân bổ mức vốn và tài nguyên ra vào đất nước, một khi họ bắt tay với bầy thú.

Đây, như chúng ta đang khám phá, là một trong những vấn đề nổi lên trong giai đoạn quá độ từ hệ thống Chiến tranh Lạnh sang toàn cầu hóa: Những khó khăn trong giai đoạn “sơ sinh toàn cầu hóa”. Tôi xin nhắc lại: Ngày nay, bạn không thể tăng trưởng nếu không kết nối với bầy thú và các siêu thị tài chính, bạn cũng không thể tồn tại nếu không có một hệ điều hành và những phần mềm cho phép bạn tận dụng bầy thú và phòng thân nếu chúng giở quẻ.

Điều hiển nhiên là khi mọi người cùng đến với một mô hình có nhãn hiệu chung – thị trường tự do – sẽ xuất hiện những mức cao thấp trong cách thức và mức độ các quốc gia khác nhau phát triển các hệ điều hành và phần mềm khác nhau. Mua một chiếc máy vi tính thì thật là dễ, đặc biệt khi chỉ có một thương hiệu. Bất cứ kẻ khờ khạo nào cũng có thể ra chợ Computer City để kiếm một chiếc. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ Chiến tranh Lạnh sang toàn cầu hóa, nhiều quốc gia đã làm đúng như vậy, – họ không nghĩ tới việc liệu họ đã có những hệ điều hành và các phần mềm thích ứng chưa. Những nước này thường đã khoe: “Hãy nhìn đây, rất dễ, tôi sẽ nối phần cứng đời mới này vào với Bầy Thú Điện Tử...”

Nhưng sự đời phức tạp hơn nhiều. Việc tuyên bố “thị trường tự do” trong quốc gia của bạn là điều dễ dàng. Khó khăn hơn chính là việc thiết lập một công cuộc hành pháp đều tay, thực hiện luật pháp và các nguyên tắc ứng xử chung trong thương mại, trong đó tòa án có khả năng bảo vệ dân chúng trước sức tấn công của chủ nghĩa tư bản không bị kiềm chế. Mở một thị trường chứng khoán là điều dễ dàng. Nhưng điều khó hơn là thiết lập được một Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) để kiểm soát hiện tượng giao dịch tay trong. Cởi trói cho báo chí và công khai hóa thông tin kinh tế là điều dễ làm. Nhưng rất khó có thể thiết lập và bảo vệ một nền báo chí thực sự độc lập và tự do, cho phép nó vạch trần tham nhũng trong chính phủ và những công ty làm ăn lừa đảo.

Quá trình xây dựng các hệ điều hành và phần mềm đó đang nổi lên như khâu yếu nhất trong chuỗi mắt xích toàn cầu hóa. Nghĩa là, giờ đây chúng ta hiểu toàn cầu hóa sẽ dẫn tới việc phát triển thương mại và kinh tế; phát triển kinh tế dẫn đến thịnh vượng cho mọi người; thịnh vượng cho mọi người sẽ dẫn tới giải phóng về chính trị; rồi sự giải phóng về chính trị thường dẫn tới dân chủ hóa. Nhưng để kích hoạt chuỗi phản ứng trên, đất nước của bạn phải thực hiện những bước cơ bản, cài đặt hệ điều hành và các phần mềm. Những bước đi như vậy thường sẽ gặp những trở ngại mang tính văn hóa, lịch sử và sự phản ứng của các cơ cấu cũ – hoặc do việc thiếu các cơ cấu đó. Vì thế những bước đi ban đầu cho thấy khó khăn nhiều hơn là người ta những tưởng trong giây phút tưng bừng hoan nghênh bức tường Berlin sụp đổ.

Hãy nghĩ tới Ba Lan và Liên Xô. Chúng trỗi dậy sau Chiến tranh Lạnh gần như cùng một thời điểm. Cả hai đều trải qua những khó khăn kinh tế ban đầu. Ba Lan đã nhanh chóng gượng dậy trong khi nước Nga thì không. Lý do một phần là Ba Lan đã có thời thực hành tư bản chủ nghĩa lâu dài, trước khi những người cộng sản lên nắm quyền. Họ đã biết cài đặt nhanh chóng hệ điều hành và các phần mềm cơ bản, thích ứng với toàn cầu hóa. Nhưng nước Nga, trong lịch sử của nó không thấy có chủ nghĩa tư bản cũng như dân chủ, đã trải qua nhiều khó khăn hơn, và trả giá đắt hơn. Tôi vẫn nhớ câu chuyện vui mà Ngoại trưởng James A. Baker III kể cho các phóng viên tháp tùng ông ta, câu chuyện ông ta nghe lại từ Chủ tịch Liên xô, ông Mihail Gorbachev. Gorbachev muốn giải thích cho Baker về những khó khăn tâm lý mà nước Nga gặp phải, trong chặng đường quá độ sang chủ nghĩa tư bản: Một nông dân Nga tìm thấy một cây đèn bên đường. Ông ta xoa lên cây đèn. Một vị thần hiện ra và nói sẽ thực hiện bất cứ điều gì người nông dân ước ao.

Người này nói: “Ông biết không, tôi chỉ có ba con bò, trong khi Igor, anh hàng xóm có tới mười con”.

“Vậy có phải nay ông muốn có hai mươi con bò?” Vị thần hỏi lại

“Không”, người nông dân trả lời, “tôi muốn ông giết đi bảy con bò của thằng cha Igor!”

Trong hệ thống Chiến tranh Lạnh có một sự ngăn cách giữa hai nền kinh tế – tư bản và cộng sản chủ nghĩa, với chút ít các mô hình ghép đứng giữa. Giờ đây, khi mọi quốc gia đều dùng chung một mô hình thì sự phân biệt lớn là ở chỗ: một bên là các nền dân chủ thị trường tự do, và bên kia là nền vòi tiền thị trường tự do. Những quốc gia đã thiết lập những hệ điều hành và phần mềm cơ bản sẽ đi theo hướng dân chủ. Những quốc gia không có khả năng hay không sẵn sàng cài đặt các hệ điều hành và phần mềm thích hợp sẽ trở thành môi trường của nạn tham nhũng và vòi tiền, nơi đó nhà nước bị một lũ thượng lưu cấu kết với giới tội phạm để cướp bóc – chúng không đoái hoài gì tới pháp quyền.

Xin đón chào cuộc đấu giữa những người dân chủ chống lại những kẻ vòi tiền cùng trong một thị trường tự do.

Vì trong chúng ta ai cũng đã quen thuộc với đặc điểm của những nền dân chủ hoàn hảo nhất, tôi xin minh họa sau đây những đặc tính của thể chế vòi tiền tồi tệ nhất. Rồi bạn có thể lấy đó làm thước đo để đánh giá các quốc gia.

Hình mẫu vòi tiền xấu xa nhất trong bối cảnh thị trường tự do mà tôi được thấy đó là Albania trong những năm chín mươi. Suốt năm mươi năm trong thời Chiến tranh Lạnh, Albania là một trong những nước cộng sản bị cô lập nhất, họ đã áp dụng mô hình chủ nghĩa Mao và thân Trung Quốc. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chế độ cộng sản Albania cũng ra đi vào năm 1991. Sau các cuộc bầu cử sơ sài, một chính phủ theo lối dân chủ được thiết lập ở Thủ đô Tirana. Người Albania đã cho rằng: rồi thì chúng ta cũng có được cái điều như của người khác: một mô hình thị trường tự do. Khốn thay đó là điều duy nhất họ đạt được: ở Albania chỉ có mô hình, không có cả hệ điều hành lẫn các phần mềm.

Sang Tirana năm 1998, tôi được nghe Fatos Lubonja, bốn mươi bảy tuổi, người Albania, ký giả kiêm biên tập viên của tạp chí Endeavor đã miêu tả cuộc sống trong một xã hội vòi tiền như Albania. “Sau chủ nghĩa cộng sản”, anh ta nói, “chúng tôi đạt được quyền bình đẳng tuyệt đối. Chúng tôi cùng quay trở lại số không. Chẳng ai có tài sản hay quan hệ gì. Sau đó một hệ thống trật tự mới được hình thành. Về cơ bản, người ta coi chính trị là một thứ thương vụ, vì nếu là một nhà chính trị, người ta có thể mở cửa hay đóng cửa tùy ý (đón hoặc đuổi ai cũng được). Bạn có thể đóng dấu hay không đóng thì tùy bạn. Thị trường tự do khiến ai làm gì cũng được. Vì thế những kẻ liều lĩnh bắt đầu hoành hành, những tên tội phạm cảm thấy cần đến các chính trị gia và ngược lại các chính trị gia cảm thấy cần có tiền để giữ chức. Dân chúng không hiểu gì cả. Dân chúng không được giáo dục về hoạt động của chính phủ. Họ không biết rằng nếu không có các phần mềm [các hệ thống luật pháp và quy tắc], thì Albania sẽ trở thành một khu rừng rậm. Và dân chúng bắt đầu chịu đựng đau khổ, nhiều người bị các băng đảng bắt cóc, nhiều người bỏ trốn qua biên giới. Sau đó dân chúng nhận thấy ngoài một nền kinh tế phi pháp ra, Albania chẳng còn gì để cạnh tranh trên trường quốc tế. Rồi chúng tôi, người Albania đã sinh ra một thứ tư sản tội phạm. Chúng không nộp thuế. Chúng không chịu trách nhiệm về sinh hoạt xã hội của dân chúng hay về hạ tầng cơ sở. Chúng bóc lột và cướp bóc. Nếu bạn không cạnh tranh được về một loại linh kiện máy tính thì bạn sẽ phải cạnh tranh về mức độ băng đảng. Trong sự nghiệp xây dựng một nền dân chủ trên cơ sở thị trường tự do, thì chúng tôi đang đứng ở số 0. Năm năm đầu tiên là năm năm rũ bỏ mô hình kinh tế của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng thay vì xây dựng một thị trường tự do cho phép phát huy sáng kiến và khuyến khích người ta mạo hiểm, chúng tôi đã xây dựng một nền kinh tế tội phạm gắn với các thủ đoạn buôn bán theo hình tháp. Dân chúng đã đổ tiền vào các chi nhánh của những cấu trúc bán hàng hình tháp. Và thay vì chăm lo đầu tư, thì họ chỉ ngồi đó uống cà phê và đợi nhận tiền, điều mà các ông chủ bán hàng hình tháp hứa hẹn. Điều đó gợi lại cho tôi cái cảnh chờ đợi viện trợ từ Trung Quốc, rồi ăn bám vào viện trợ [trong thời Chiến tranh Lạnh]. Đó không phải là kinh tế thực sự, chẳng rõ nó là cái gì cả.”

Quả thực, ở Albania, thay vì một hệ thống ngân hàng, chính phủ đã chấp nhận, và ở một mức độ, đã dung túng các thủ đoạn lấy của người trước trả cho người sau – một trong những hình thức lừa đảo cổ điển nhất. Thủ đoạn này lan tràn ở Albania trầm trọng đến mức một tổ chức trâng tráo nhất đã tài trợ cho một đội đua xe hơi của nước Ý, cứ như họ là hãng tín dụng MasterCard International vậy. Cách hoạt động điển hình của chúng là như thế này: một người đến gặp dân chúng và nói với họ hãy nộp tiền vào một thứ “quỹ” thì sẽ được hưởng hai mươi, ba mươi, thậm chí năm mươi phần trăm lãi trong vòng sáu tháng. Ngoại trừ một số nhỏ, còn phần lớn các quỹ lừa đảo này không đầu tư vào đâu để trả mức lãi cao như vậy, chúng thường dựa vào phương pháp vay của người mới để trả lãi cho người cũ – đồng thời chiết khấu, găm tiền vào túi các vị quản trị của quỹ. Mọi sự tốt đẹp cho tới khi chúng không tìm ra thêm được khách hàng nào mới.

“Các vụ lừa đảo này bắt đầu từ những hoạt động hùn vốn để mua các đường tiếp khí đốt, bán lậu với giá cáo vào các nước lân cận như Montenegro và Serbia, lúc đó đang bị trừng phạt quốc tế trong cuộc chiến Balkan”, Carlos Elbirt, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Tirana giải thích cho tôi. “Nhưng sau khi lệnh trừng phạt được tháo gỡ thì không còn bất cứ thương vụ nào đứng đằng sau các quỹ lừa đảo, nên họ chỉ còn cách vay tiền mới để trả các khoản cũ. Khi những người trong quỹ tuyệt vọng, không còn cách nào để kiếm tiền mới thì họ nâng mức lãi lên tới năm mươi phần trăm. Tôi khó có thể giải thích thậm chí cho các nhân viên người Albania của tôi rằng chắc chắn các quỹ sẽ đổ bể. Các vị đó gật gù khi tôi giải thích, nhưng sau đó lại đem đổ tiền vào một quỹ nào đó. Họ thấy ngon quá, ai cũng đâm đầu vào. Nó như một cơn sốt vậy. Người ta bán nhà để lấy tiền đóng vào quỹ, sau hai hay ba tháng, họ lấy lại được tiền, chuộc lại nhà cũ và mua thêm một chỗ mới. IMF và Ngân hàng Trung ương đã cảnh báo Chính phủ Albania: “Tiền không phải là thứ mọc trên cây”, nhưng Chính phủ đã không vào can thiệp”.

Lý do cũng vì trong chính phủ không có mấy ai hiểu biết hơn về điều này, thêm nữa chính nhiều viên chức của chính phủ cũng bị cuốn hút vào cơn sốt quỹ lừa đảo. “Nếu tôi đến thăm một đại sứ nhân dịp Quốc khánh của đất nước ông ta, tôi có thể gặp một trong những chủ nhân của các quỹ cũng đến đó”, Elbirt nói. “Họ đã được chấp nhận và dung túng hoàn toàn, chính vì thế, dân chúng bị cuốn hút đến với họ”.

Rồi thì điều hiển nhiên cũng đã xảy ra, những loại quỹ vay tiền hình tháp ở Albania đã sụp đổ vào năm 1997, dẫn tới sự hỗn loạn toàn cục; dân chúng Albania giận dữ cướp phá tài sản của đất nước để thu lại tiền của họ. Elbirt và các nhà ngoại giao nước ngoài đã di tản vì lý do an ninh. Họ đi trong đoàn xe của người Anh từ Tirana đến cảngDurres. Từ cảng này, đáng lẽ họ được trực thăng đến đón, nhưng thậm chí trực thăng cũng không đỗ xuống được do ở dưới đất súng bắn nhiều quá. Và đoàn xe đi tiếp đến một nơi khác thuộc khu vực cảng, nơi người Ý kiểm soát. Các nhà ngoại giao khi đi đều có lái xe đi theo, những tài xế đậu xe ở cảng, chờ để lái xe về thủ đô. Nhưng trong cơn hỗn loạn, một nhóm trộm cướp say xỉn người Albania đã vào cảng để cướp xe. Elbirt kể rằng nguy hiểm nhất là khi một tên cướp tiến đến, rút ra “một khẩu súng to, to lắm”, và đòi cho được chìa khóa xe của một người di tản rồi lên xe nổ máy chạy thẳng – tất cả diễn ra trong chưa tới một phút. Mười phút sau, tên cướp quay lại đòi nạn nhân phải đưa toàn bộ giấy tờ xe. Cứ như thể tên cướp đã nghĩ sẽ có lúc trong trường hợp Albania có một hệ thống pháp luật thì hắn sẽ có giấy tờ xe để sử dụng.

Elbirt kể lại: “Hắn rất lịch sự, khi cướp xong xe, thì dường như quay ra muốn tiến hành một vụ mua bán chính thức”.

Câu chuyện Albania những năm chín mươi là một ví dụ cực đoan nhằm minh họa một điều giản đơn: Những ai dự đoán hay lo lắng rằng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và biên giới khai thông, nhà nước và pháp luật không còn mấy quan trọng – thì họ nhầm to. Nếu cứ khăng khăng nghĩ như vậy thì thật nhảm nhí. Vì trong thời toàn cầu hóa với biên giới khai thông, vai trò của Nhà nước trở nên quan trọng hơn nhiều, chứ không giảm đi. Tôi xin nhắc lại: TRONG THỜI TOÀN CẦU HÓA, VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC QUAN TRỌNG HƠN NHIỀU, CHỨ KHÔNG GIẢM ĐI. Vì chất lượng của Nhà nước trong thời kỳ này phản ánh chất lượng các loại phần mềm và hệ điều hành ở đất nước của bạn, trong việc ứng xử với Bầy Thú Điện Tử. Khả năng của một nền kinh tế đối phó với những thăng trầm trong hành vi của bầy thú, tùy thuộc phần nhiều vào hệ thống luật pháp, tài chính và quản lý kinh tế – tất cả vẫn nằm trong tay Chính phủ và các nhà quản lý hành chính công. Chi Lê, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, đều tồn tại sau cuộc khủng hoảng tài chính trong những năm chín mươi một cách hữu hiệu hơn và toàn vẹn hơn so với các láng giềng của họ, là do ở những nước này, Nhà nước và Chính phủ có những hệ điều hành và phần mềm tốt hơn.

Thủ tướng Thái Lan Chuan Leekpai hồi đầu năm 1998, sau khi đất nước của ông bị cuộc khủng hoảng Á châu tàn phá đã nói: “Nếu muốn trở thành một phần của thị trường toàn cầu ngày nay, thì bạn cần phải có khả năng tốt hơn để tự bảo vệ trước những xung động của thị trường toàn cầu... Một trong những bài học mà cuộc khủng hoảng đã dạy cho chúng tôi là nhiều thể chế và hệ thống quản lý của chúng tôi đã không được chuẩn bị để thích ứng với thời đại mới. Nay chúng tôi phải cố thích nghi với những tiêu chuẩn quốc tế. Cả xã hội Thái Lan mong chờ điều đó. Họ muốn được thấy một Chính phủ có năng lực và mức độ minh bạch cao hơn”.

Nhà nước trở nên quan trọng hơn, điều đó đã rõ, nhưng điều khác biệt giờ đây là định nghĩa – thế nào là Nhà nước. Trong Chiến tranh Lạnh, kích thước của Nhà nước là tất cả. Bạn cần có một Nhà nước hùng mạnh để đối trọng lẫn nhau, xây những bức tường bảo vệ ở xung quanh đất nước và duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội để mua đứt những người lao động của bạn, tránh khả năng họ đi về phía bên kia. Trong toàn cầu hóa, chất lượng của nhà nước là điều quan trọng nhất. Bạn cần có một bộ máy Nhà nước có kích thước nhỏ hơn, vì bạn cần thị trường, chứ không phải một thứ chính phủ trì trệ và béo múp míp, đứng ra điều tiết và cung ứng vốn. Bạn cần một bộ máy nhà nước năng động, thông minh và chất lượng hơn, trong đó bộ máy hành chính có khả năng quản lý về luật pháp một thị trường tự do, thay vì thả lỏng cho thị trường hoành hành. Thách thức đối với các chính phủ ngày nay là làm sao tăng chất lượng bộ máy nhà nước, đồng thời giảm biên chế trong bộ máy này, tránh cồng kềnh. Một trong những lợi thế quan trọng mà một đất nước muốn có trong thời buổi ngày nay là xây dừng một nền hành chính công tinh gọn, hiệu quả cao và trung thực.

Chính vì thế mà vấn đề lớn của nhiều nước với những nền kinh tế quốc doanh, là, một khi giảm thiểu kích thước của bộ máy chính phủ (bằng cách giải phóng, thả nổi và tư nhân hóa các ngành công nghiệp quốc doanh), họ cần phải tăng chất lượng của bộ máy đó. Bộ máy nhà nước nếu nhỏ mà không hiệu quả thì sẽ rất nguy hiểm. Bạn cần phải duy trì một sự cân bằng. Bạn cần có bộ máy nhà nước mạnh đủ để duy trì một sân chơi công bằng, đảm bảo cho những nhà đầu tư và sản xuất giỏi thắng cuộc trong kinh tế – chứ không phải là thứ nhà nước hùng mạnh nhưng can thiệp sâu vào kinh tế rồi tự quyết kẻ thắng người thua, hoặc bảo hộ cho kẻ thua trước sức cạnh tranh của người này người khác. Nếu thị trường nội địa chỉ gồm toàn những đèn đỏ và lối nhỏ, không có xa lộ, thì trì trệ sẽ xảy ra. Nhưng nếu thị trường đó chỉ toàn đường cao tốc mà không có đèn giao thông, thì hỗn loạn sẽ đến. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sơ sinh ở Nga và Albania sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, không thấy có đèn giao thông và con đường nào cũng thành xa lộ, thiếu kiểm soát. Nước Nga kết nối với Bầy Thú Điện Tử mà hầu như không có bất cứ hệ điều hành hoặc phần mềm nào cả. Hậu quả là dân Nga đã tận dụng những lợi thế của thị trường tự do – thu hút đầu tư nước ngoài, bán cổ phần và trái phiếu, mượn tiền từ quốc tế – mà không bị kiểm soát và đánh thuế cho đúng mực, cũng như không tăng cường được thu nhập đủ để thanh toán cho các khoản vay mượn. Và khi bầy thú nhận thấy nước Nga chẳng qua chỉ có cái vỏ phần cứng thị trường tự do mà không có hệ điều hành và các phần mềm thích ứng, chúng đã lồng lên và dẫm nát cái khung ọp ẹp của nền kinh tế nước này.

Ba Lan thời hậu Xô Viết cho thấy một nền kinh tế già cỗi, nhưng khi được cải tổ đã hồi sinh, vì các nhà đầu tư tìm thấy ở đó một sân chơi công bằng, nơi mà những công ty làm ăn hiệu quả sẽ thắng cuộc. “Tại Nga, bạn kiếm ra tiền không phải vì bạn làm ăn tốt, hay làm ăn đúng luật”, Bill Lewis, người đứng đầu Công ty Tư vấn McKinsey, nghiên cứu về kinh tế Nga cho biết, “bạn kiếm ra tiền vì bạn có người bảo vệ, được hưởng ưu đãi về thuế và được bao cấp”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx