Những gì xảy ra ở Đông Nam Á cũng cho thấy một phiên bản khác của hiện tượng toàn cầu hóa sơ khai. Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Indonesia không giống như nước Nga. Họ vốn dĩ đã có những biến tướng sơ đẳng của phần cứng, của cái vỏ thị trường tự do. Và họ đã có những hệ điều hành đời trước – từ DOScapital 3.0 đến 4.0. Những hệ điều hành cũ – khi kết hợp với tiền đầu tư nội địa, cùng mức tín dụng được chính phủ hỗ trợ, nguồn tài nguyên dồi dào và lực lượng lao động cần mẫn – đã có kết quả tốt và tăng bình quân thu nhập trên đầu người từ năm trăm đô-la lên tới năm nghìn đô-la. Ai cũng biết, khi sắm một chiếc máy tính đầu tiên thì hệ điều hành nào cũng được và năng suất bao giờ cũng cao hơn là cái thời đánh máy chữ. Nhưng rồi những hệ điều hành cũ ở các nước kể trên đã chạy chậm dần và nhiễm căn bệnh tư bản bè phái. Tại Indonesia chẳng hạn, Bộ Tài chính đã đứng ra quản lý gần hết các ngân hàng quốc doanh.
“Khi các nhà chính trị, người nhà của Tổng thống hay những viên chức Bộ Tài chính đứng ra can thiệp, thì các ngân hàng cảm thấy họ bị buộc phải gia hạn tín dụng cho những dự án họ thấy không có lãi; và chính họ đã dấu nhẹm về những trục trặc trong thanh toán,” Shiraishi Takashi, một chuyên gia tài chính Đông Nam Á, thuộc Đại học Kyoto nhận xét, “Các ngân hàng tư nhân cũng phải chịu nợ xấu tồn đọng. Chức năng của họ là phục vụ những nhóm thương nhân đã sáng lập ra họ, và khi một thành viên của những nhóm này gặp khó khăn, thì những ngân hàng tư nhân đã ra tay giúp đỡ bằng những khoản tín dụng nước ngoài, có mức lãi suất cao”.
Khi Bầy Thú Điện Tử tăng tốc trong những năm chín mươi, được tiếp sức khi tốc độ máy tính tăng từ 286 lên tới loại Pentium II, chúng đã mang tới Đông Nam Á nhiều tiền hơn. Các ngân hàng địa phương, phần nhiều không chịu sự kiểm soát bắt đầu mua vào quá nhiều tiền đô-la, đổi chúng thành nội tệ với giá cố định, không chịu đầu cơ đô-la, rồi dùng tiền đó cho bè bạn thân hữu vay mượn để đầu tư vào những khu vực thiếu khả năng sinh lời – từ một sân gôn tới hàng loạt sân gôn, đến những cao ốc văn phòng cao nhất thế giới đến việc bành trướng các tổ hợp công nghiệp khổng lồ ở Hàn Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á cần phải nâng cấp hệ điều hành của họ lên tới hay gần tới phiên bản 6.0. Họ cần những hệ điều hành được giải phóng để giảm vai trò của chính phủ, cho phép thị trường điều tiết các nguồn tài nguyên vào những nơi có năng suất cao, khuyến khích cạnh tranh nội địa và thông qua luật phá sản, thải đi những kẻ làm ăn tồi. Họ cần những phần mềm hữu hiệu và tinh vi để tăng năng lực quản lý, điều tiết cho nền kinh tế trở nên quay vòng nhanh và cởi mở hơn, đặt giám đốc công ty vào kỷ cương chặt chẽ, để cho họ chịu sự chỉ trích của các cổ đông, giúp họ có khả năng chống chọi trong trường hợp vốn nước ngoài bị rút ra. Chỉ ném tiền và nhân lực vào một ngành công nghiệp không thôi thì không thể đảm bảo duy trì tăng trưởng cao nữa.
Tiếc thay dân Đông Á vẫn còn lưu luyến với hệ điều hành 3.0. Sai lầm to lớn. DOScapital 3.0 chỉ thích hợp cho việc tăng thu nhập lên tới mức năm nghìn đô-la, khi bầy thú chỉ di chuyển với tốc độ máy tính đời 286. Khi họ muốn tăng thu nhập lên tới mười lăm nghìn đô-la, bầy thú tăng tốc lên Pentium II, thì hệ điều hành 3.0 trở nên tắc nghẽn. Có bao giờ bạn thấy một máy Pentium II, nhưng lại khởi động bằng hệ điều hành lỗi thời trên DOS và chạy một phần mềm trong môi trường Windows? Bạn sẽ thấy một dòng thông điệp trên màn hình “Bạn đang thực hiện một hành vi phi pháp” hay “Hết bộ nhớ” hay “Không thể lưu”. Nói nôm na, đó tương tự những gì diễn ra ở Đông Á trong thời gian 1997-98, mà thông điệp trong trường hợp đó nói: “Bạn đang thực hiện một loạt các hành vi đầu tư sai lầm. Không thể cứu vãn. Hãy xóa bỏ các khu vực làm ăn thiếu hiệu quả. Liên hệ với cơ sở bảo hành. Tiếp nhận và cài đặt các hệ điều hành và phần mềm đời mới”. Đó chính là những điều các nước Á châu kể trên đã và đang thực hiện kể từ ngày đó.
Những gì diễn ra ở Đông Nam Á ngày nay tương tự như sự hình thành các cấu hình bên ngoài của các hệ thống tài chính phương Tây, trong nhiều trường hợp đó là sự học vẹt. Họ thiếu một yếu tố nội tại – thành phần chủ chốt của một hệ điều hành. Đó là cảm giác và tri thức cơ bản về cách thức những thị trường tự do và cùng với nó – một xã hội dựa trên thị trường tự do – hoạt động ra sao. Những xã hội và thị trường tự do không hoạt động theo ý muốn của bất cứ cá nhân hay nhóm cá nhân nào – mà theo quy luật giá trị chỉ thuộc về thị trường tự do. Những tập đoàn kinh doanh Hàn Quốc, gọi là chaebol, trước đây đáng lẽ sẽ không tài nào tạo ra các tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu khổng lồ, nếu họ không có những quan hệ thân quen với các quan chức chính phủ, những người cũng muốn tham gia chấm mút tí chút. Những khoản tín dụng lớn đã giúp chaebol lớn mạnh nhanh chóng, nhưng rồi sau đó, đã gục ngã.
Cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Hong Koo kể cho tôi rằng phải mất nhiều năm thì chính phủ của ông ta mới hiểu ra điều đó: “Năm 1995, tôi là Thủ tướng khi Hàn Quốc được gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và thu nhập bình quân đầu người là 10.000 đô-la hàng năm, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đến đích. Chúng tôi cho rằng chúng tôi đã tốt nghiệp phổ thông hạng ưu và trở thành sinh viên đại học. Nhưng những chuẩn mực cần có ở một giai đoạn khi lên giai đoạn tiếp thì phải khác đi. Chúng tôi đã không nhận thức được bộ máy quan liêu cồng kềnh mà chúng tôi đã rất tự hào, thay vì là một động lực tích cực đã trở thành chướng ngại to lớn. Chúng tôi đã sống với một công thức: sản xuất hàng loạt cộng xuất khẩu bằng tăng trưởng và thành công. Chúng tôi đã học được rằng điều này là sai lầm trong cuộc khủng hoảng những năm chín mươi, nhưng học phí phải trả cao quá. Chúng tôi nhận thấy tư bản nay đang nắm quyền kiểm soát. Trong những năm chín mươi đã xuất hiện một trào lưu toàn cầu hóa các nguồn vốn, nhưng chúng tôi đã không sửa sang và chuẩn bị cho các thể chế chính phủ và nhà nước để ứng phó kịp thời với thị trường vốn toàn cầu. Chúng tôi không có đủ các cơ chế thích hợp để đối phó. Chúng tôi không có khả năng đề phòng. Chúng tôi đối xử với các ngân hàng như thể chúng là một tổ chức dịch vụ xã hội, một nhánh của chính phủ. Chúng tôi đã cho rằng tiền không phải để làm ra tiền. Chúng tôi chỉ nghĩ tiền sinh ra từ sản xuất và chức năng của ngân hàng là xúc tiến tăng trưởng, vậy ngân hàng chỉ là một phần của bộ máy quan liêu của nhà nước. Chúng tôi đã không hiểu rằng ngân hàng và sự chuyển dịch vốn chính là trái tim của nền kinh tế thời mới, và chúng cần phải được cải tổ.”
Kinh tế gia của Đại học Havard Dani Rodrik đã chứng minh trong nghiên cứu của ông ta rằng “vấn đề quan trọng không phải là toàn cầu hóa hay không mà toàn cầu hóa như thế nào.” Các nước đã xây dựng cho mình các hạ tầng tài chính và luật pháp chi tiết, trung thực và đáng tin cậy đã đạt những vị thế vững vàng để có khả năng phòng thủ trước sức tấn công của nạn đầu cơ tiền tệ, phá hoại đồng nội tệ của họ. Họ có thể đứng vững khi phải đối phó với việc bầy thú gấp gáp rút vốn. Họ có khả năng nhanh chóng hàn gắn các vết thương và chấn động kinh tế do việc rút vốn gây ra. Nhưng cũng có một số ngoại lệ. Một đất nước có hệ điều hành và phần mềm đúng đắn cũng có thể gặp khó khăn – trường hợp Thụy Điển hồi năm 1992 hay Hoa Kỳ khi gặp phải những trục trặc về đầu tư và các khoản vay trong nước chẳng hạn. Nhưng cả Thụy Điển lẫn Hoa Kỳ đều đã phục hồi nhanh chóng nhờ có những hệ điều hành và phần mềm chất lượng cao. Alan Greenspan trong nhiều phát biểu của ông đã nói rằng những quốc gia có hệ điều hành và phần mềm tiên tiến “thường có khả năng chống lại những cuộc tấn công của giới đầu cơ tiền tệ vì những hệ thống tài chính của họ được xây dựng chắc chắn nhưng uyển chuyển để đối phó với những cơn rút vốn nhanh chóng và quy mô lớn, và thông qua các chính sách hữu hiệu, tổ chức được những cuộc phản công.”
Với những lý do kể trên hiện đang xuất hiện những nhận thức mới trong hàng ngũ lãnh đạo các nước đang phát triển, cho rằng điều họ cần hiện nay không đơn thuần là những thị trường mới nổi, mà phải thêm “một xã hội mới (nổi)”, theo lối nói của Đại sứ Mỹ tại Hungary Donald Blinken. Không thể tư nhân hóa một nền kinh tế trong một khoảng trống quyền lực chính phủ và xã hội. “Nếu đặt thị trường lên trên xã hội”, Blinken nói, “thì chắc chắn sẽ dẫn đến sai lầm và thất vọng”.
Vì thế điều thiết yếu là cả các nhà đầu tư lẫn các chính trị gia phải mở rộng tầm nhìn trong cách họ định nghĩa thế nào là một thị trường mới nổi, bằng cách xem xét các yếu tố thiết lập nên một xã hội mới. Hồi tưởng lại, sai lầm lớn nhất mà thế giới gây cho nước Nga, khi nó thế chỗ Liên Xô, là đã cho rằng việc Nga quá độ sang hệ thống toàn cầu chỉ mang đặc tính “tài chính”, và đã để cho duy nhất IMF đứng ra giúp đỡ – cải tổ chỉ gói trọn trong việc cho phép thị trường tự do quyết định các mức giá cả của hàng hóa và nhiều lĩnh vực khác.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Wolfensohn đã đề nghị phải điều chỉnh các phương pháp đánh giá các quốc gia, từ mức chỉ chú trọng vào các thông số tài chính – GDP, GNP, thu nhập bình quân đầu người – sang việc “thiết lập một công thức kế toán mới” đo đếm tiềm lực của một đất nước thông qua tiềm lực và khả năng của xã hội trong đất nước đó. Các nước cần được xếp hạng thông qua các tiêu chuẩn chất lượng quản lý, hệ thống tư pháp, thủ tục giải quyết khiếu kiện, mạng lưới phúc lợi xã hội, pháp quyền và các hệ thống quản lý kinh tế.
Cái gọi là những cuộc cải cách “thế hệ thứ hai” để hình thành một xã hội mới, đòi hỏi mức độ kiên nhẫn và tính cần cù cao. “Thời trước”, một viên chức Ngân hàng Thế giới nói với tôi, “bạn đến một đất nước đang phát triển, vào gặp thống đốc ngân hàng trung ương của họ và đưa ra một lời khuyên đơn giản: ‘đừng có in nhiều tiền đến thế’. Sau đó sang gặp bộ trưởng tài chính và nói, ‘đừng có gây thâm hụt ngân sách đến thế, để ngân hàng có thể ngưng in ấn tiền mặt’. Nói cách khác, bạn chỉ cần đến gặp hai người, đưa ra hai lời khuyên. Ngày nay, chúng tôi hiểu là cần phải làm hơn như vậy.” Để thực hiện những cải tổ thế hệ hai – đưa một đất nước từ chỗ là một thị trường mới sang thành một xã hội mới – bạn cần sự đóng góp của nhiều nhân tố, và cần sự đồng thuận rộng rãi hơn nhiều về mặt chính trị.
Nhìn nước Mỹ, người ta đã nhận xét rằng đó là một cỗ máy do các thiên tài thiết kế để thậm chí những kẻ ngu ngốc cũng có thể điều hành. Điều ngày nay các nước đang phát triển cần Mỹ giúp đỡ không phải là viện trợ. Mà là kiến thức, để hiểu về nguồn gốc thực sự của sự thịnh vượng của Mỹ: sự kết hợp giữa một hệ điều hành đúng đắn – các thị trường tự do – cộng với các loại phần mềm thích hợp, cơ cấu và sự đồng thuận chính trị đặng có thể bảo vệ tài sản và sáng tạo, đảm bảo một sân chơi công bằng trong đó những kẻ làm ăn có lãi thường sẽ thắng cuộc, và thiết lập những hệ thống an sinh xã hội để hứng đỡ và giúp những người phải chịu thua thiệt.
Trong khi có nhiều loại kiến trúc sư phương Tây bàn bạc về việc thiết lập một ngân hàng toàn cầu và những định chế quản lý toàn cầu để kiểm soát Bầy Thú Điện Tử, thì lãnh đạo các nước đang phát triển đang dần hiểu ra rằng những thứ đó sẽ không giúp gì cho họ nếu họ không có được các chính quyền địa phương chất lượng cao. Họ sẽ bất lực nếu không có luật ngân hàng và nền lập pháp để xây dựng luật, các nhà hành pháp và cơ cấu pháp chế để thực thi luật và các tòa án để xử án cho đúng luật. Họ cần phải chú trọng để tự mình xây dựng các nền móng đó chứ không chỉ ngồi chờ giải pháp từ một thứ chính quyền toàn cầu. Trong khi các nhà thông thái ở phương Tây chưa kịp nhận ra, thì các quốc gia, vốn trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế những năm chín mươi, đã nhận thức sâu sắc về điều này.
“Nhiều tiếng nói, nhiều tiếng hô lớn, vang lên, cho rằng hội nhập đã diễn ra quá nhanh và quá mức – đặc biệt trên các thị trường tài chính”, Tổng thống Mexico Ernesto Zedillo nói với tôi hồi mùa đông 1997. “Không. Tôi thì tôi tin vào điều ngược lại. Toàn cầu hóa mang đến những thách thức mới nhưng cũng cho chúng ta nhiều cơ hội tốt đẹp. Việc tư bản di chuyển nhanh có thể gây hiểm họa, nhưng bằng vào đó mà nói rằng chúng ta cần kiểm soát chúng, thì thật hoàn toàn sai lầm”. Tất nhiên, ông ta nói, chúng ta cần một IMF mạnh để cứu giúp trong nhưng cơn nguy cấp và báo động về những lệch lạc ở các quốc gia hay ở các công ty. Nhưng rốt cuộc, Tổng thống Zedillo nói, “những khoản tài chính lớn sẽ được rót vào một hệ thống tài chính nội địa, hoặc trở thành nguồn hỗ trợ các ngân hàng nội địa”. Vậy điều kiện tiên quyết, ông nói thêm, là bạn có tổ chức được những bộ máy chính trị và tài chính để điều hành toàn bộ các khâu hoạt động đó hay không.
Trong Chiến tranh Lạnh các quốc gia không quan tâm nhiều đến đặc tính của các hệ điều hành hay của các phần mềm mà hàng xóm của họ sử dụng, vì giữa họ với nhau đã không thấy nhiều mức độ hội nhập. Ngày nay trong toàn cầu hóa Bầy Thú Điện Tử có thể nhanh chóng hơn nhiều trong việc lan truyền bất ổn và ảnh hưởng xấu từ nước này sang nước khác. Học thuyết Domino ngày nay được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính là chủ yếu, thay vì chính trị.
Chính vì thế người ta có chút lo lắng khi nghe về “sự phục hồi” của những nền kinh tế Á châu sau giai đoạn 1997-98. Phục hồi không phải do những nước đó đã tiến hành cải cách để nâng cấp hệ điều hành của họ từ DOScapital 1.0 lên 6.0. Trong nhiều trường hợp, do những đồng nội tệ của những nước này đã trở nên có giá trị rẻ mạt khiến họ hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ, một thị trường có nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt các mặt hàng điện tử và máy tính, từ Đông Á.
Tạp chí phố Wall (số ngày 28/10/1999) đã đăng bài về Rini Soewandi, người Indonesia, được bổ nhiệm đứng đầu hãng lắp ráp xe hơi Astra International – một công ty suýt bị xóa sổ trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế Á châu. Người phụ nữ này đã nêu rõ những nhận thức trong giới kinh doanh Á châu về những cải tổ cần có để phát triển, nhưng cũng nói rõ về những khó khăn khi thực hiện những cải tổ đó.
“Tôi là người theo trường phái Hoa Kỳ trong kinh doanh, nhưng trong thâm tâm, tôi là một người Java”, cô Soewandi, bốn mươi mốt tuổi, cho biết. Bài báo của tờ tạp chí nói tiếp: “Cô Soewandi đang thực hiện một bước nhảy vọt, cố gắng cải tổ tận cốt lõi hoạt động kinh doanh của hãng Astra, một trong những công ty lớn nhất và lâu đời nhất ở Đông Nam Á. Cô muốn biến công ty này từ chỗ là một tập đoàn theo lối câu lạc bộ trở thành những tập đoàn kinh doanh theo lối Mỹ có cổ phần phát hành công cộng... Cuộc cải tổ Astra đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc tranh đấu mới ở Đông Nam Á thời sau khủng hoảng. Sau khủng hoảng, nhiều công ty ở vùng này đã mở mắt và cố gắng giải đáp bài toán: làm thế nào để tồn tại lâu dài trong một thị trường mới mẻ. Nhiều công ty đã làm ngơ trước bài toán này, họ cho rằng sự phục hồi sau khủng hoảng đối với họ thế là đủ. Nhưng Astra đã đứng ra đương đầu với bài toán đó và tiến hành cải cách tư duy kinh doanh – chuyển từ tình trạng hoang phí sang thực thi nguyên tắc minh bạch, từ cơ cấu tập đoàn khoe mẽ sang thành một thực thể năng động, tận dụng các cơ hội trên thị trường. “Chúng tôi phải chạy đua với thời gian”, cô Soewandi nói, “chúng tôi phải làm hai việc lớn trong cùng một lúc – tồn tại sau khủng hoảng và sáng tạo một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới để hướng đến tương lai. Đối với một công ty thì làm một việc cũng đã là khó, huống gì cả hai”.
Trong khi thế giới rõ ràng mong muốn được thấy các đối tác Á châu của họ quản lý môi trường kinh tế nội địa, thì Hoa Kỳ và các nước khác ngày càng có ít đi khả năng đứng ra giúp đỡ họ trong việc xây dựng các phần mềm thích ứng. Á châu phải tự gánh vác công việc của họ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ thường qua lại các nước bằng máy bay như con thoi, nhưng để xây dựng các phần mềm trong đất nước của bạn, thì bạn phải chay đi chạy lại như con thoi, đôn đáo, trên một chiếc xe tắc xi – chạy từ Bộ Tư pháp sang thị trường chứng khoán, sang Bộ Thương mại rồi đến trụ sở của các công ty. Đó là những nhiệm vụ nhỏ, liên quan đến từng chi tiết của nền chính trị hoặc ngoại giao của mỗi đất nước mà có lẽ các nhà ngoại giao ở đó xưa nay chưa từng làm.
Cung cách thực hiện cải cách sẽ ra sao? Trong điều kiện hoàn hảo thì mỗi một xã hội cần phải tự xây dựng và vận hàng các cơ chế phần mềm trước đã, trước khi kết nối với Bầy Thú Điện Tử. Nhưng đó chỉ là điều trong mơ. Quá trình kết nối ngày nay mang tính hỗn loạn hơn nhiều – hai bước tiến rồi một bước lùi. Chúng ta đều biết rằng đó là một quá trình trong đó các nước như Nga, Brazil hay Thái Lan, kết nối chút ít với bầy thú, rồi hành hạ chúng một chút, rồi ngược lại, chịu bị chúng cấu xé, cả hai bên học một vài bài học, cùng cải tổ, lại móc nối, lại hành hạ, thiết lập một quá trình mới để tiến lên, với hy vọng cả hai bên ngày một khôn hơn. Đây sẽ là cả một quá trình tiếp thụ kiến thức kéo dài – có thể mất cả thời gian của một thế hệ như ở nước Nga – và quá trình này sẽ bao trùm toàn bộ các diễn biến trong các nền chính trị nội địa và các quan hệ quốc tế trong toàn cầu hóa.
Trong quá trình biện chứng đó, các siêu thị tài chính và Bầy Thú Điện Tử có thể nắm vài trò quan trọng hơn so với vai trò siêu cường của nước Mỹ trong việc thúc đẩy các cải cách chính trị. Thật lý tưởng nếu mỗi một phong trào dân chủ đều được một người hùng như Andrei Sakharov chỉ đạo. Cũng thật lý tưởng nếu mỗi một đất nước đều được một người như James Madison dẫn dắt tới một chế độ pháp quyền. Nhưng trong thực tế hiện nay, động cơ dẫn dắt công cuộc cải tổ có thể nằm trong tay các tổ chức tài chính như Merrill Lynch. Chương tiếp theo sẽ giải thích về điều này.
@by txiuqw4