sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 10 - Phần 1

10. Tạo lập, thích nghi và những cách tư duy mới khác về quyền lực

Một ngày mùa thu năm 1995 tôi đọc tờ Financial Times và một bức ảnh trên trang nhất lôi cuốn sự chú ý của tôi. Trong ảnh là Bill Gates, Chủ tịch Microsoft trò chuyện với Giang Trạch Dân, Chủ tịch Trung Quốc. Chú thích của bức ảnh gây cảm tưởng rằng đây là một cuộc họp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo thế giới. Chú thích viết hai vị đã nói chuyện “thân mật”, ngược hẳn với cái không khí trong cuộc gặp mặt của họ trước đó 18 tháng.

Tôi nghĩ, Bill Gates gặp Giang Trạch Dân tận hai lần trong vòng 18 tháng – trong khi xưa nay Bill Clinton chỉ gặp Giang có một lần. Cũng không phải ngẫu nhiên. Dường như người Trung Quốc tin rằng đã đến lúc họ cần Bill G hơn là Bill C. Và ai có thể trách họ được? Người Trung Quốc lấy làm phật lòng khi thấy bản dịch tiếng Trung của hệ điều hành Window 3.1 lại do các nhà ngôn ngữ máy tính Đài Loan thực hiện – sử dụng kiểu chữ và bộ mã Đài Loan. Không gì có thể khiến Trung Quốc lục địa tức giận hơn là chuyện Đài Loan gọt giũa phần mềm và hệ điều hành cho toàn bộ các máy tính của người Trung Quốc. Hậu quả là nhà chức trách Trung Hoa cho phong tỏa các cửa khẩu không cho hệ điều hành Window 95 vào thị trường của họ cho đến khi Microsoft chấp nhận để cho phiên bản phần mềm tiếng Trung do Microsoft và một công ty máy tính trên lục địa cùng sản xuất.

Đọc bài báo và chú thích của nó, tôi có ý nghĩ là liệu đã đến lúc những thuộc tính của công ty và của đất nước nay được hòa lẫn vào nhau. Cũng giống như việc móc nối công ty của bạn vào nền kinh tế toàn cầu, nay bạn đưa đất nước của bạn vào thị trường chứng khoán – như một công ty có cổ đông trên toàn cầu. Điều này làm cho đất nước có cảm giác giống một tập đoàn sản xuất và kinh doanh. Dân chúng cư xử như những cổ đông, lãnh đạo thì như các giám đốc và nhà phân tích chính sách đối ngoại thì hành động như các cơ quan giám sát mức tín dụng khả tín.

Trong khi đó, Internet tiếp tục trở thành bộ phận cấu thành trong cuộc sống của công dân, công dân sẽ tiếp tục gây áp lực lên các chính phủ và hệ thống luật pháp, buộc chúng phải hoạt động với tốc độ Internet. Trong hệ thống Chiến tranh Lạnh, khoảng cách giữa công ty và chính phủ là có, nhưng không lớn. IBM và General Motors đã hoạt động giống như cung cách của chính phủ liên bang hay như điện Kremlin vậy. Giờ đây khoảng cách hầu như không còn – chính vì thế nhu cầu cho hình thức chính phủ điện tử đang tăng lên. Tại sao bạn phải chờ suốt sáu tiếng tại một văn phòng của huyện lỵ để được gia hạn bằng lái xe, trong khi bạn có thể mua cả một chiếc xe hơi trên mạng? Ngày lại ngày, dân chúng sẽ đòi hỏi dịch vụ của nhà nước Hoa Kỳ phải nhanh hơn và dễ sử dụng hơn, nhanh như dịch vụ họ có được khi vào mạng Hoa Kỳ (America Online). Khi chúng ta thấy được cách sống của đồng loại thì các chính phủ sẽ phải hứa hẹn với mỗi chúng ta những điều tương tự, những điều tốt đẹp hơn, mà ta thấy có ở nơi khác. Và để làm việc đó, chính phủ phải ứng xử theo cung cách của công ty. Nói cách khác dân chúng càng đòi hỏi chính phủ hoạt động nhanh và hiệu quả như Amazon.com thì chính phủ càng phải tổ chức hoạt động giống hoạt động của công ty Amazon.com.

Mặt khác, các bộ máy nhà nước chịu áp lực phải hoạt động giống như các công ty vì trong thời đại toàn cầu hóa, hơn bao giờ hết, các quốc gia phải lựa chọn giữa sự thịnh vượng – tùy thuộc vào các chính sách mà họ theo đuổi – với khả năng công dân của họ tự động đòi hỏi bằng được sự cải thiện quản lý để được thịnh vượng. Khi dân chúng ngày càng nhận thức thấy chính phủ của họ chỉ sử dụng hệ điều hành DOScapital 1.0 trong khi chính phủ láng giềng đang có phiên bản 6.0, họ sẽ chất vấn: Vì sao? Dân chúng sẽ hiểu là không như trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, các quốc gia ngày nay không còn bị lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vào địa lý hay lịch sử. Ngày nay bất cứ nước nào cũng có thể kết nối vào Internet, tìm kiếm tri thức từ đó và tổ chức tự đào tạo; bất cứ nước nào cũng có thể tìm đến những nhà đầu tư nước ngoài để thu hút tiền vào những dự án hạ tầng của nó; bất cứ nước nào, sau một thời gian, cũng có thể áp dụng hệ điều hành DOScapital 6.0. “Trong năm nay, nền kinh tế nào tăng trưởng nhanh nhất thế giới?” Tổ chức Economist Intelligence Unit đặt câu hỏi hồi năm 2000. “Mozambique. Mozambique có nền kinh tế có tốc độ tăng nhanh nhất trong bốn năm qua. GDP tăng bình quân 10%. Botswana trong cùng thời gian tăng bình quân 7% một năm. Mặc cho những khó khăn ở châu Phi như khí hậu và bệnh dịch, ổn định chính trị và những chính sách tài chính đúng đắn và những cải cách thương mại có thể tạo ra phép mầu, thậm chí ngay tại các quốc gia nghèo nhất”. Mozambique và Botswana đã lựa chọn sự thịnh vượng. Giáo sư Michael Porter của Trường Kinh doanh thuộc đại học Havard có lần đã phát biểu: “Sự giàu có của một quốc gia ngày nay là thành quả cơ bản của sự lựa chọn tập thể. Vị trí, tài nguyên thiên nhiên và sức mạnh quân sự không còn là những yếu tố quyết định. Thay vào đó, cung cách mà nhà nước và dân chúng lựa chọn việc tổ chức và điều hành kinh tế, điều hành những bộ máy quản lý và loại hình đầu tư cho mọi người, tất cả sẽ quyết định mức thịnh vượng của quốc gia”.

Trong toàn cầu hóa nếu các quốc gia lựa chọn sự thịnh vượng giống như cách các công ty lựa chọn, thì họ phải có những chính sách và kỹ năng gì? Trong phần cuối của chương này sang đến chương sau, dựa vào tham khảo những công ty và nhà nước thành công nhất trên thế giới, tôi sẽ liệt kê một danh sách các chính sách và kỹ năng đó. Ngày nay, khi đến một đất nước, để đánh giá sức mạnh kinh tế và tiềm năng của nước đó, trước hết, tôi đặt hai câu hỏi.

Tình hình kết nối mạng của đất nước hay của công ty của bạn ra sao?

Tháng 10/1995 tôi bay sang Redmond, Washington, để phỏng vấn nhân vật số hai của Microsoft, Tổng giám đốc Steve Ballmer. Tôi hỏi ông một câu đơn giản: Microsoft là công ty quan trọng nhất Hoa Kỳ ngày nay, vậy Microsoft đo lường như thế nào về quyền lực trong cách nghĩ của mình? Khi nhìn ra thế giới, những nước nào mà Microsoft cho rằng mạnh nhất và vì sao? Ballmer hồi đó đã đưa ra một lời đáp đơn giản: “Chúng tôi đánh giá quyền lực bằng một tỷ lệ - số máy vi tính trên số hộ gia đình”. OK, tôi nói vậy hãy cho tôi xem bản đồ của Microsoft phân hạng quyền lực trên thế giới. Ông ta nói khu vực Microsoft tăng trưởng nhanh nhất là Á châu, nơi Hàn Quốc có mức sở hữu máy vi tính cao nhân theo số hộ. Tỷ lệ ở Nhật Bản đang tăng lên, ông ta nói, nhưng Microsoft rất hứng khởi khi nhìn vào Trung Quốc.

“Sao ông có thể ưa thích Trung Quốc?” Tôi hỏi, “dân chúng ở đó thu nhập có 50 đô-la mỗi tháng”.

“Ồ, anh không hiểu”, Ballmer trả lời. Ông ta đến bên một tấm bảng đen, gạch hai vạch ngắn vào một bên, hai vạch ngắn ở bên kia, hai vạch ngắn ở chân bốn vạch đó và một vạch cuối cùng ở dưới đáy, rồi nói: “Hai ông bà ngoại, hai ông bà nội, rồi tới hai bố mẹ, tất cả tập trung tiết kiệm để mua hệ điều hành Window 95 cho một cháu bé”. Chính thế, chính sách dân số ở Trung Quốc đang hậu thuẫn cho Microsoft.

“Ông nói tiếp đi, còn nơi nào khác trên thế giới?” Tôi hỏi.

Ballmer nói Brazil và Ấn Độ cũng đang chạy theo, số lượng máy tính trên số gia đình tăng nhanh. Nhưng Trung Đông là vùng không thấy động tĩnh, suốt từ Ma Rốc sang tới Pakistan, ngoại trừ Israel, nơi Microsoft có một trung tâm phát triển máy tính – một mức quyền lực khác hẳn– và Arập Sêút nơi người Ai Cập đang chạy phần mềm Microsoft cho các hãng đa quốc gia. Tây Âu có tiềm lực mạnh được phân bổ ở khắp nơi, Ballmer nói, ngoại trừ một nước – Pháp. “Tôi không muốn nói là (Pháp) bị tụt hậu”, Ballmer nói, “đây là nơi vốn dĩ số lượng máy tính so với số dân là cao, nhưng thời đó qua rồi”.

Tôi gọi tấm bản đồ của Ballmer là “Chính sách đối ngoại 3.1”. Ba năm sau đó, năm 1998, tôi quay lại để cập nhật thông tin. Lần này tôi vào Thung lũng Silicon và hỏi chuyện các giám đốc các công ty hàng đầu đóng ở đó – Intel, Sun và Cisco – và các giáo sư khoa cơ khí của đại học Stanford, xem họ đo lường quyền lực như thế nào? Thật thú vị, tôi thấy mọi thứ thay đổi nhanh quá. Họ nói vào năm 1998, Thung lũng Silicon không còn chỉ đo đạc theo tỉ lệ máy tính trên số hộ dân nữa – họ đo bằng “mức kết nối máy tính”.

Điều quan trọng giờ đây, họ nói, là đất nước của bạn nối máy tính đến được những đâu, vào tận đâu, vào công ty, trường học và các tụ điểm giải trí, và cài mạng nội bộ Intranet và với Internet và World Wide Web. Mức độ kế nối thường được đo kích thước các giải tần ở mỗi nước: công suất của cáp, đường điện thoại và cáp quang để truyền tải liên lạc bằng kỹ thuật số – những bộ mã hiệu gồm số 1 và 0 – trong các mạng liên lạc. Trong những năm 80, phương châm của máy tính là “bộ nhớ dù lớn bao nhiêu cũng vẫn chưa đủ”, thì phương châm máy tính trong thời đại mạng là “Giải tần dù lớn bao nhiêu cũng không thừa”.

Càng nhiều giải tần thì mức nối kết càng cao. Nếu bạn muốn biết mức độ kết nối của đất nước của bạn bạn hãy đó chúng bằng thông số “Megabits trên đầu người” – giải tần có tổng số dung lượng cao đến đâu chia cho số lượng người dùng tiềm năng. Megabits/người giờ đây cùng với số máy tính/hộ dân, trở thành một thước đo chủ yếu đo đạc tiềm lực mà Thung lũng Silicon sử dụng. Chúng sẽ cho bạn biết mức độ thông tin được phân bổ trong dân chúng và trong mối liên lạc giữa dân chúng và bộ máy lãnh đạo. Công ăn việc làm, tri thức và tăng trưởng kinh tế sẽ đến với những xã hội có mức kết nối cao bằng các giải tần – vì trong những đất nước đó người ta có thể dễ dàng quy tụ, chuyển giao và chia sẻ tri thức để thiết kế, sáng tạo, sản xuất, bán, cung cấp dịch vụ, liên lạc, giảng dạy và giải trí. Khả năng kết nối nay trở thành hiệu quả sản xuất.

Brian Reid, thành viên quản trị của hãng Digital Equipment Corporation, một trong những người có công đầu trong việc xây dựng Internet đã nói với báo The New York Times (tin ngày 8/12/1997): “Trong kỷ nguyên thông tin, giải tần là hệ thống chuyển tải mà trên đó các công ty bán sản phẩm của họ. Hồi những năm 90 giải tần có tầm quan trọng đối với doanh nghiệp không kém gì mạng đường xe lửa hồi 1890, hay những cảng biển hồi 1790. Đó là phương thức để cho bạn bán hàng”.

John Chambers của hãng Cisco thích nhận xét rằng những công ty và những đất nước phát triển nhanh trong nền kinh tế Internet là những nơi người ta nắm bắt được tầm quan trọng của nó và nhanh chóng nối mạng trước khi những nơi khác trở tay. Nếu bạn làm được điều đó nhanh hơn các đối thủ của bạn, Chambers nói, thì bạn có thể nói với họ là “Anh đã chậm chân”.

Khi chúng ta nhanh chóng tiến vào một thế giới mà Internet định hình thương mại, giáo dục và thông tin, thì chỉ còn hai loại thương vụ tồn tại: thương vụ Internet và thương vụ phản Internet. Thương vụ Internet là những hoạt động diễn ra trên mạng: mọi thứ từ bán sách báo đến môi giới và đánh bạc; hay những dịch vụ được Internet hỗ trợ, từ việc tư vấn quản lý đến việc kiểm soát hàng tồn kho. Thương vụ phản Internet là những gì không thể thực hiện trên mạng – như nấu ăn, cắt tóc và luyện thép – và những dịch vụ được thực hiện như thể chống lại Internet: những siêu thị hàng hóa và những chuỗi quán cà phê Starbucks chẳng hạn. Starbucks và các siêu thị hàng hóa chống lại các thương vụ Internet vì chúng được hưởng lợi từ một thực tế: ngày càng có nhiều người ở nhà làm ăn trên mạng... Những người này sau khi nhìn máy tính quá lâu sẽ muốn ra khỏi nhà đến siêu thị, xuống phố lớn và vào hàng cà phê để họ có thể trực tiếp cọ xát với người khác, ngửi mùi vị khác, nếm món gì đó hay cảm nhận điều gì đó. Hàng hóa bao giờ cũng cần được trưng bày cho người ta tự sờ mó được hay cảm nhận; dân chúng bao giờ chẳng muốn thâm nhập cộng đồng, dù đó là ở trên phố hay trong siêu thị.

Khi Internet trở thành xương sống của thương mại, giáo dục và liên lạc toàn cầu, chất lượng và quy mô của hoạt động trên mạng trong các nước sẽ góp phần xác định sức mạnh kinh tế của các nước đó. Vậy theo những tiêu chí mới đó thì ngày nay ai thành công, và ai thất bại? Thung lũng Silicon lo sợ trước Đài Loan, khi hòn đảo này trưng ra khả năng sáng tạo, kết nối và thực trạng kinh doanh năng động, tất cả tập trung tận dụng công nghệ mới. Nếu Đài Loan được bán như một thứ cổ phần, tôi sẽ là người mua. Hoa Kỳ, Anh, Canada, Australia, Bắc Âu, Iceland, Israel, Ý, Singapore, Costa Rica và Ấn Độ cũng nằm trong tiêu chuẩn đó. Costa Rica đang thực hiện một chính sách cung cấp cho mỗi học sinh trung học của họ một địa chỉ email. Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang phát triển nhanh sau khi họ bị tụt hậu trước đó. Không còn lâu nữa ta sẽ thấy Singapore không còn là nơi duy nhất tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Internet”. Một chú thích dưới bức ảnh hoa hậu Internet người Singapore đăng trên tờ USA Today (19/1/1999) ghi: “Singapore thực sự nghiêm túc phát triển kỷ nguyên digital nên đã tổ chức thi Hoa hậu Internet. Stella Tan (người ngồi) đã thắng cuộc hồi tháng Tám. Điều kiện dự thi là các thí sinh phải mặc đồng phục doanh nhân và biết thiết kế mạng”.

Từ Bert Parts đến Bill Gates: cỡ vòng eo lạc hậu rồi – giờ đây là cỡ giải tần Internet.

Câu hỏi lớn tiếp theo: sau đây là gì? Sau tỷ lệ máy tính trên số hộ gia đình và mạng điện toán trên đầu người, cái gì sẽ được dùng làm chuẩn mực để đo đếm sức mạnh kinh tế?

Câu trả lời gồm hai mức: “Evernet”, một thế giới trong đó chúng ta có thể vào mạng ở mọi nơi, mọi lúc – thông qua một số thiết bị thông tin như: máy truyền hình, máy tính, máy nhắn, fax, lò nướng bánh mỳ hay email... chẳng hạn.

Tất cả những đồ dùng chạy bằng điện giờ đây đang được lắp các phần mềm, nối với các hệ thống mạng trong tư gia hay văn phòng của bạn. Evernet sẽ đến khi Internet không còn bị giới hạn ở máy vi tính mà có thể được sử dụng qua nhiều thiết bị thông tin khác. Bạn sẽ tự quyết định truy cập ra sao? Qua đồng hồ đeo tay, máy điện thoại di động hay máy tính, hoàn toàn tùy thuộc ở bạn.

Khi Evernet trở thành trào lưu, thì thước đo dùng để đánh giá các quốc gia chính là khả năng kết nối mạng của đất nước. Tiêu chuẩn sẽ là khả năng dân chúng được vào mạng, vào lúc nào, vào ở đâu và những dịch vụ cung cấp qua mạng sẽ phong phú đến đâu. Chẳng hạn có bao nhiêu người trong hộ của bạn có thể sử dụng thiết bị chuyển hóa âm thanh, tiếng nói thành chữ nghĩa trên màn hình – một dịch vụ trên mạng – để họ có thể giao thiệp bằng âm thanh qua mạng? Evernet có thể cho phép đến đâu việc giao lưu trực tiếp bằng hình ảnh, âm thanh, đối thoại trực tiếp với nhau từ khắp nơi trên quả đất với chi phí tối thiểu? Có bao nhiêu cơ sở giáo dục trên đất nước của bạn mở những khóa học trên mạng để mọi người từ khắp mọi nơi đều được vào học? Trình độ mã hóa của Evernet giỏi giang đến đâu để những thông số và chi tiết của thẻ tín dụng được giữ bí mật khi giao dịch, tránh những kẻ cắp trên mạng? Những thiết bị truy cập được thiết kế tiện lợi đến đâu để người ta có thể bỏ túi khi đi lại?

Công ty hay đất nước của bạn có quyền tạo lập hay chỉ đóng vai trò thích nghi?

Mặc dù nối mạng Evernet trở thành đòi hỏi cần thiết để công ty hay đất nước của bạn khuyếch trương kinh tế, điều đó vẫn chưa đủ. Đó mới chỉ là một nửa của câu chuyện về đánh giá tiềm lực. Nửa kia chính là khả năng công ty hay chính phủ của bạn tận dụng, một cách hoàn hảo và sáng tạo, lợi thế của mạng điện toán Evernet. Sức mạnh không những sẽ đến với những nơi được nối mạng nhiều nhất, mà sẽ đến với những người có khả năng tập hợp các công ty, chính phủ, vốn, thông tin, người tiêu dùng và các tài năng vào một liên minh được nối mạng, tất cả để sản sinh các giá trị mới. Có thể là giá trị về thương mại. Có thể là giá trị (sức mạnh) thể hiện ở địa lý và chính trị, liên minh do chính phủ đứng đầu. Có thể là những giá trị nhân văn – quyền của người lao động, nhân quyền, bảo vệ môi trường – loại liên minh do các nhà hoạt động nhân quyền điều phối.

Trong hệ thống đó, các công ty, chính phủ và các nhà hoạt động sẽ trở thành điều mà John Hagel III của công ty McKinsey gọi là những nhân tố “tạo lập” hoặc “thích nghi”. Những nhân tố tạo lập là những công ty, chính phủ và các nhà hoạt động có vai trò khởi đầu những luật lệ và hoạt động tương hỗ, quản lý một hoạt động nhất định trong thế giới Evernet – một hoạt động sinh lãi, gây một cuộc chiến, hay gây áp lực để một chính phủ hay một công ty phải tôn trọng nhân quyền hơn nữa. Nhân tố thích nghi là những công ty, chính phủ và các nhà hoạt động đứng ra tuân thủ những luật lệ và hoạt động tương hỗ đã được khởi đầu, họ áp dụng có sửa đổi, dựa trên những đặc điểm riêng của họ. Một khi liên hệ với nhau chặt chẽ và được nối vào Evernet, sức mạnh sẽ được tập trung vào tay các nhân tố tạo lập lớn nhất. Bạn đã thấy trên thế giới các cuộc tranh đấu để lựa chọn các công ty, chính phủ và các nhà hoạt động hay các cá nhân, để trở thành các nhân tố tạo lập, đưa ra các tiêu chuẩn và luật lệ – bởi một khi bạn giới thiệu một tiêu chuẩn mới trong một thế giới có liên hệ chồng chéo và không còn rào cản, thì phạm vi ứng dụng của nó sẽ rất rộng. Nó có thể ảnh hưởng tới phóng cách ứng xử và thói quen mua bán của một lượng khổng lồ người tiêu dùng từng bên này sang bên kia trái đất.

Một ví dụ hay về một nhân tố tạo lập trong kinh tế đó là eBay, một trang dịch vụ đấu giá trên Internet. Không rõ từ đâu đến, nhưng trong vòng ba năm, nó đã đưa ra một hệ thống luật lệ và thủ tục giao lưu để điều tiết việc khách hàng vào mua bán trên mạng. eBay đưa người bán và người mua ngồi lại với nhau và tạo một khu chợ để họ giao dịch, nằm ngoài tất cả những quảng cáo và rao vặt hay những trung tâm giao dịch thông thường. Mỗi người vào bán hàng ở eBay được khách hàng của anh ta/hay chị ta bầu tín nhiệm/hay bất tín. Bạn không thể lừa đảo vì nếu làm như thế dù chỉ một lần, thì tất cả những khách hàng khác trên khắp nơi sẽ biết ngay, và rất khó cho bạn vào bán hàng lần sau. Một khi xuất hiện những tiêu chuẩn như của eBay, thì sự cạnh tranh sẽ được chuyển sang một lĩnh vực khác hoặc câu hỏi tiếp theo sẽ là: ai là người có thể áp dụng tiêu chuẩn của eBay một cách hữu hiệu nhất. Và giờ đây bạn không chỉ thấy có những cá nhân vào mua bán ở eBay một cách đơn lẻ, bạn có thể thấy cả những công ty được dựng lên để vào giao dịch trong trang mạng này. Bạn muốn nhiều người khác áp dụng tiêu chuẩn của bạn và hưởng lợi từ đó, vì làm như thế sẽ tạo được sự ổn định và sự cam kết giữa các bạn hàng, đồng thời sẽ xuất hiện những sáng kiến liên quan và không ngừng cải thiện tiêu chuẩn bạn đề ra. Sự xuất hiện của Evernet sẽ cho phép người ta thiết lập ra nhiều dạng eBay khác trong nhiều ngành – xây dựng dân dụng cho tới việc mua bán sắt thép hay đồ nhựa. Những chợ đầu mối như vậy quy tụ kẻ bán người mua trong một ngành nhất định – cho phép mua, bán, trao đổi hiệu quả cao hơn trên quy mô toàn cầu và cho phép chia sẻ kỹ năng buôn bán. Nếu công ty hay đất nước của bạn trở thành nhân tố tạo lập của một hay nhiều chợ đầu mối như vậy – E-Steel (thép), E-rubber (cao su), E-cement (xi măng) – trong thế giới Evernet, thì đó sẽ là một nguồn sức mạnh thực sự. Bởi vì phạm vi hoạt động của các thị trường đó là toàn cầu, và một khi đã hình thành, như eBay chẳng hạn thì khó lòng phá đi được. Trong mỗi ngành chỉ có một hai chợ như vậy mà thôi.

Microsoft là một nhân tố tạo lập khác. Nó đã quy tụ người tiêu dùng và các công ty vào một tấm lưới, dùng công nghệ, tiêu chuẩn, phần mềm và các hệ điều hành bao phủ lên họ. Để trở thành một nhân tố tạo lập, bạn phải có tài thu hút thật nhiều các nhân tố thích nghi. Nhưng chìa khóa để thu hút nhiều nhân tố thích nghi đến với tiêu chuẩn của bạn là ở chỗ bạn phải có khả năng sáng tạo ra nhiều giá trị cho những người khác – một sản phẩm mới, một giá trị nhân văn hay một tập hợp các luật lệ mang tính địa –chính trị. Nếu người ta trở nên miễn cưỡng đứng trong mạng lưới của bạn, trước sau họ cũng phản kháng, bước khỏi đó và tìm đến một hệ giá trị khác. Vậy thì một điều mà nhân tố tạo lập cần phải hiểu đó là liệu anh ta có để phần cho những người khác – một chút thức ăn trên bàn – để những người khác cảm thấy có lợi trong việc áp dụng những tiêu chuẩn của anh ta hay không. Hay là, anh ta tham lam, ngấu nghiến ăn hết phần của mọi người, hưởng hết lộc mà tiêu chuẩn của anh ta mang đến. Nếu eBay thiết lập cả một thị trường mới để làm ăn, nhưng lại bao biện hết các thương vụ có lời thì dần dần, người ta sẽ chẳng thấy gì hay ho trong eBay nữa, họ bỏ đi, và eBay sẽ sụp đổ. Lòng tham của Microsoft và tính miễn cưỡng khi để dành cơ hội cho những người khác như hãng Netscape chẳng hạn, trong việc cho hãng này sử dụng hệ điều hành của Microsoft, đã dẫn tới vụ khiếu kiện của Bộ Tư pháp dành cho Microsoft theo luật chống độc quyền – đồng thời khiến cho các hãng khác tạo lập những tiêu chuẩn Internet mới. Chìa khóa để trở thành một nhà tạo lập là đừng có tham lam như lợn – như Microsoft.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx