sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 09 - Phần 4

Điều tôi khoái nhất là sau khi biết Alcatel bị bầy thú trừng phạt, Tchuruk đã lên máy bay, bay sang London rồi từ đó nhảy lên một chuyến máy bay khác bay sang New York để gặp các cổ đông của các quỹ đầu tư, thanh minh với họ để khôi phục lòng tin.

“Ông ta rất lấy làm hối lỗi, nhưng điều đó không còn quan trọng”, một trong những nhà đầu tư có mặt trong bữa ăn sáng ở Paris nói với tờ báo, “vì vào lúc đó, chúng tôi đã bán hết các cổ phiếu [Alcatel] chúng tôi có”.

Dân chủ hóa

Nhìn chung Bầy Thú Điện Tử sẽ tăng áp lực đòi dân chủ hóa do ba lý do chủ yếu – tính uyển chuyển, tính hợp pháp và khả năng phát triển bền vững. Xin giải thích: bầy thú càng lớn lên thì nền kinh tế toàn cầu càng hoạt động trơn tru và cởi mở hơn, khiến bạn càng phải trở nên uyển chuyển hơn trong việc tận dụng quan hệ với bầy thú đồng thời bảo toàn bản thân bạn trước những cơn lồng lộn của bầy thú. Mặc dù lúc nào cũng có thể tìm thấy ngoại lệ, nhưng tôi tin một điều rằng quy luật chung cho thấy hệ thống quản lý càng được dân chủ hóa, chịu trách nhiệm và cởi mở, thì hệ thống tài chính của bạn càng ổn định, tránh được những diễn biến đường đột. Khi xuất hiện những cú sốc hay những diễn biến đường đột, hệ thống quản lý và nền tài chính của bạn sẽ uyển chuyển và tự thích nghi với tình hình và đòi hỏi mới nhanh hơn. Xã hội của bạn càng cởi mở và dân chủ thì bạn sẽ tiếp nhận góp ý và ý kiến nhanh hơn, và thêm cơ hội để bạn sửa đổi các hoạt động trong trung hạn, tránh được việc bị dồn vào chân tường. Mặt khác nếu có trục trặc trong công ty của bạn, thì khả năng uyển chuyển linh động sẽ giúp cho bạn tuyển những giám đốc mới và đuổi thẳng cánh những giám đốc cũ vô tác dụng.

Hơn nữa, khi đất nước của bạn phải cải tổ giữa đường thì càng dân chủ sẽ càng tạo khả năng cho chính phủ chia sẻ cùng dân chúng những khó khăn trong cải tổ. “Hãy nghĩ tới những điều các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tuyên bố với dân chúng của họ trong thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai”, Larry Diamond, một học giả về chủ đề dân chủ cho biết. “Họ nói với dân chúng: “Các người hãy giao quyền tự do của các người cho chúng tôi và câm họng lại, và tôi sẽ cho các người các cơ hội để làm giàu”. Thật dễ dàng khi thấy dân chúng không quan tâm tới chính trị khi con thuyền đang nổi, và dân chúng cảm thấy họ có thể giao phó nhiệm vụ chính trị cho người khác, miễn là không ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của họ. Vâng, điều đó có thực, trong 30 năm, nhưng một khi sự tăng trưởng trở nên lung lay thì khả năng phân phối phúc lợi xã hội và của cải vật chất cũng không còn nguyên vẹn. Và dân chúng nhận thấy rằng họ không thể giao phó việc quản lý chính trị cho ai khác – lúc đó, những dàn xếp như trên sẽ đổ vỡ. Hậu quả là những gì dân chúng đã nói với các chính phủ ở Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, và sắp tới sẽ là Trung Quốc, rằng nếu chính phủ không đảm bảo khả năng tăng trưởng, nếu nhà nước không làm đúng theo thỏa thuận trước kia, thì dân chúng sẽ đòi hỏi phải có một thỏa thuận mới, trong đó, dân chúng sẽ có vai trò quan trọng hơn trong cung cách điều hành đất nước. Nhưng, một khi có vai trò lớn hơn, nên dân chúng sẽ chịu đựng được những hy sinh lớn lao hơn khi hệ thống chính phủ được cải tổ và nâng cấp. Và chính vì thế dân chúng sẵn sàng tỏ ra kiên nhẫn hơn trong việc chịu đựng các khó khăn kinh tế, hơn là người ta dự đoán. Do nền chính trị được cởi mở và dân chủ hóa, ít nhất thì dân chúng có cảm giác rằng họ trực tiếp và được bình đẳng, tham gia khắc phục khó khăn. Họ trở thành người tham gia chính trong cuộc chơi”.

Trong số những quốc gia Á châu đã chính thức móc nối với Bầy Thú Điện Tử (Trung Quốc, hiện thiếu một đồng tiền có khả năng chuyển đổi và một thị trường vốn cởi mở, là quốc gia chưa thực sự móc nối vào với bầy thú), những nơi có những hệ thống dân chủ và ít tham nhũng nhất – Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Australia – đã thua thiệt ít nhất trong cuộc khủng hoảng 1997-98. Những quốc gia có hệ thống dân chủ nhưng tham nhũng – Thái Lan và Hàn Quốc – chịu thua thiệt ở mức cao hơn, nhưng do có những nền dân chủ, họ có khả năng phản ứng nhanh trong cuộc khủng hoảng mà không phải trải qua những cuộc nổi dậy của dân chúng. Họ đã dùng lá phiếu để bầu một hệ thống quản lý và những phần mềm tốt hơn. Sau khi chịu đựng cơn lồng lộn của bầy thú hồi mùa thu năm 1997, Thái Lan đã bầu cho một chính đảng trong sạch và dân chủ nhất ở đất nước này và đã thông qua một hiến pháp mới, cấp tiến và chống tham nhũng. Hiến pháp mới của Thái Lan lần đầu tiên quy định rằng các chính trị gia nước này phải công khai hóa tài sản cá nhân của họ trước và sau khi cầm quyền và mỗi người trong số họ sẽ phải chịu luận tội nếu hơn 50.000 cử tri ký vào một yêu sách đòi hỏi điều tra về tham nhũng nhằm vào người đó. Thái Lan cũng đã thông qua đạo luật Tự do Thông tin đầu tiên ở Á châu, cho phép báo chí Thái Lan hăng hái sử dụng luật này để theo dõi các bộ trưởng – một điều trước đó chưa từng có ở nước này. Một viên chức của Ngân hàng Thế giới ở Bangkok quan sát và nói với tôi: “Hiến pháp mới của Thái Lan sẽ không đời nào được Quốc hội phê chuẩn nếu không có cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng ở đây. Không đời nào. Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến cả nhà vua lẫn quân đội thúc đẩy để có Hiến pháp mới, điều xưa nay họ vẫn rụt rè”. Hàn Quốc đã phản ứng ra sao? Họ bầu lên Kim Dae Jung, một nhân vật dân chủ và tự do nhất, người mà trước cuộc khủng hoảng chưa chắc được chọn để làm nhân viên bắt chó.

Quốc gia Đông Nam Á mang tính toàn trị và tham nhũng cao nhất, Indonesia dưới thời Suharto, là một đất nước thiếu uyển chuyển nhất, thiếu khả năng nhất trong việc cài đặt các phần mềm, và là quốc gia rốt cuộc đã rệu rã – chính vì những đám đông dân chúng không muốn chịu đựng những đau đớn trong cải tổ, họ không còn cảm thấy chính phủ là người của họ nữa. Khi đồng nội tệ của Indonesia bị mất giá vào năm 1998, và IMF nói họ chỉ cứu giúp nếu nước này cắt chi tiêu của chính phủ, Tổng thống Suharto đã nói những lời sau đây với dân chúng: “Các bạn ạ, chúng ta phải thắt lưng buộc bụng. Chúng ta cùng hội cùng thuyền”. Và dân chúng đã giận dữ đáp lại: “Ông Tổng thống, chúng ta không cùng hội cùng thuyền trong chuyện chia nhau những lệ phí đường bộ, việc xây các khách sạn, dựng hãng hàng không và các công ty taxi mà ông và con cái của ông đang nắm giữ. Ông hãy ráng chịu nhé”.

Sau cùng, tìm kiếm và hiểu biết các hệ điều hành và phần mềm mới trên giấy tờ thì chưa đủ, điều khiến chúng trở nên bền vững chính là đặt chúng vào một hệ thống dân chủ hay đang được dân chủ hóa. Diamond lập luận: “Các quốc gia đang cố gắng tìm cách móc nối vào Bầy Thú Điện Tử với những phần mềm tốt, hệ thống pháp quyền và tính trách nhiệm – nhưng lại không thực hiện thường xuyên quy chế bầu cử tự do – sẽ không theo kịp bầy thú trong giai đoạn dài hơi. Bởi vì bạn không thể duy trì một phần mềm tốt trong một chế độ toàn trị, một chế độ mà bản thân nó không tự chịu trách nhiệm, không cho phép tự do lưu thông thông tin, không cho phép một nền tư pháp độc lập hoạt động để thanh trừng tham nhũng và không cho phép tổ chức tuyển cử tự do đặng có thể thay đổi bộ máy quản lý về chính trị”.

Chỉ bầu cử không thôi cũng không đủ để đảm bảo quản lý đúng đắn; Nga và Pakistan là hai minh chứng cho điều đó. Ngược lại nếu chỉ cài đặt các hệ điều hành và phần mềm hiện đại trong một đất nước nhưng không tổ chức bầu cử thường xuyên và tự do để có thể xóa bỏ các vị lãnh đạo tham nhũng, thì cũng hỏng việc. Chính vì thế các vị lãnh đạo thông thái trong các nước đang phát triển sẽ là những người hiểu nhanh nhất rằng nếu không được bầy thú giúp đỡ thì sẽ không có tăng trưởng, nếu không có các phần mềm và hệ điều hành đúng đắn thì bầy thú sẽ không đến, và nếu không có tuyển cử tự do thì sẽ không xây dựng được các cơ chế quản lý đúng đắn.

Trong khi cái lô-gíc về cách mạng toàn cầu khiến tôi lạc quan tin rằng bầy thú ngày càng đóng góp nhiều hơn vào quá trình dân chủ hóa, thì thực tế vẫn khiến người ta phải thận trọng. Không có chuyện cứ trực tiếp móc nối với bầy thú thì các phần mềm sẽ tốt hơn, hệ điều hành và dân chủ sẽ được mặc nhiên chuyển đến cho bạn. Bạn phải tự hành động. Xây dựng phần mềm về cơ bản là một quá trình manh tính chính trị, có con người thực tham gia và phải chịu những kháng cự mang tính chính trị, kinh tế, lịch sử và văn hóa. Không có đường tắt và dân chúng thường phải chật vật mới học được những bài học mới. Hoa Kỳ được như ngày hôm nay là nhờ có 200 năm thăng trầm với những chu kỳ khủng hoảng trong việc đầu tư vào ngành đường sắt, những đổ bể trong hệ thống ngân hàng, những cuộc phá sản lớn, độc quyền sinh ra và độc quyền bị tiêu diệt và vụ vỡ thị trường chứng khoán năm 1929 và vụ khủng hoảng tín dụng và các khoản vay trong những năm 80. Không có chuyện nước Mỹ bẩm sinh đã trở nên giàu có.

Một lần tôi hỏi Anatoly Chubais, kiến trúc sư của cuộc cải tổ kinh tế nửa vời ở nước Nga, về những khó khăn nước này gặp phải khi chuyển sang kinh tế thị trường.

“Chúng tôi đã không có đủ người có kinh nghiệm quản lý nhà nước kiểu mới, thiếu công nghệ và thiếu thị trường, vì chúng tôi vốn dĩ không có thị trường”, ông ta trả lời. “Chính thuật ngữ “thị trường” đã bị cấm sử dụng ở Liên Xô. Tôi không phải là một người già, nhưng tôi vẫn nhớ một người bạn, một kinh tế gia hồi năm 1982 đã mất việc khi viết một bài báo trong một tạp chí khoa học, trong đó ông ta dùng từ “thị trường””.

Điều sau đây mới thật đáng sợ. Ngay cả khi bạn hiểu thế nào là thị trường, ngay cả khi bạn đã viết được phần mềm mới, bạn phải tiếp tục nâng cấp chúng, không ngừng. Điều gì sẽ xảy ra khi bạn có được hệ điều hành DOScapital 6.0?

Bạn sẽ phải bắt tay vào xây dựng DOScapital 7.0.

Julia Preston, phóng viên The New York Times tại Mexico một lần đã kể với tôi về một cuộc gặp mặt của các du kích quân Zapatista, nhóm nông dân chống đối những ảnh hưởng của thương mại tự do và toàn cầu hóa ở Mexico. Du kích Zapatistas đã mở một cuộc họp ở vùng rừng miền nam Mexico với chủ đề “Diễn đàn liên lục địa hỗ trợ nhân văn và chống chủ nghĩa tự do kiểu mới.” Phiên họp cuối cùng diễn ra trong một sân vận động lấm bùn đất và do thủ lĩnh Zapatista “Phó tư lệnh Marcos” – một nhân vật kết hợp giữa Robin Hood và Ralph Nader – chủ tọa. Phiên họp kết thúc bằng những hồi trống – và đứng trước đám đông hoan hô, những du kích quân Zapatista tuyên bố kẻ thù lớn nhất của nhân loại là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đóng ở Geneva, kẻ đã xúc tiến tự do thương mại và đòi chấm dứt bảo hộ mậu dịch.

Câu chuyện này nhắc nhở tôi rằng trong khi là nhân tố đóng góp cho dân chủ hóa, Bầy Thú Điện Tử và những siêu thị tài chính sẽ đồng thời tạo những ảnh hưởng ngược lại. Chúng gây ra một cảm giác đang lan truyền, đặc biệt trong những môi trường dân chủ, rằng ngay cả khi có dân chủ, thì dân chúng vẫn có khả năng mất quyền kiểm soát vận mệnh của họ, vì thậm chí những chính phủ được bầu cũng phải chịu bó tay trước các thế lực thị trường mang đầy tính áp đặt.

Bầy thú càng sinh sôi, trưởng thành, nhanh nhẹn và có nhiều ảnh hưởng hơn, Stephen J. Kobrin, chuyên gia của Viện toàn cầu hóa Wharton lập luận, “thì những công dân càng cảm thấy tâm điểm của sự kiểm soát kinh tế và hoạch định chính trị dần dần được chuyển từ mức địa phương, nơi nó được kiểm soát, lên tầm toàn cầu, nơi không một ai đứng ra kiểm soát và không một ai trông coi. Khi chính trị mang tính địa phương, lá phiếu của bạn còn có ý nghĩa. Nhưng khi quyền lực dời sang khu vực đa quốc gia, thì sẽ không còn tuyển cử nữa và không còn ai để cho bạn bầu”.

Không còn nghi ngờ gì là trong hệ thống toàn cầu hóa, nơi quyền lực được các nhà nước và siêu thị chia sẻ, một khía cạnh nhất định của việc hoạch định chính trị sẽ được chuyển từ trong nước ra khu vực thị trường toàn cầu, nơi không một ai, không một nước nào hay định chế nào có thể nắm toàn quyền – chí ít thì điều này chưa xảy ra. Hãy nhớ lại bao nhiêu lần bạn được nghe cụm từ “Thị trường nói...”, “Thị trường đang đòi hỏi..., Và “Thị trường không cảm thấy yên tâm...”

Yaron Ezrahi, một nhà nghiên cứu lý thuyết chính trị người Israel nói: “Những quyền lực mang tính quyết định nhất trong lịch sử thường ẩn giấu trong lô-gíc không mang tính người – chẳng hạn Chúa trời, quy luật tự nhiên, luật của thị trường – và chúng bao giờ cũng phản kháng khi sự bất tương xứng không thể chịu đựng được về tinh thần xuất hiện. Kỷ nguyên Khai Sáng chính là thời toàn cầu hóa khoa học và triết lý và sự phản kháng đã xuất hiện khi những tên trộm, những kẻ tội phạm, những kẻ lừa đảo và những kẻ bóc lột thanh minh rằng tất cả những điều chúng làm là nhân danh khoa học và biện chứng. Toàn cầu hóa ngày nay cũng có thể như vậy. Nhiều người sẽ coi đó không hơn gì một thứ mặt nạ do những kẻ thượng lưu nào đó trong kinh tế sử dụng để tước đi của con người ta quyền được phát ngôn. Chính vì thế mà một số người đã lập luận rằng giới toàn cầu hóa trong mỗi xã hội đều muốn rằng trước tiên họ sẽ mua chuộc giới truyền thông, vì họ muốn quy phục những người dân có khuynh hướng bất phục toàn cầu hóa, biến họ thành những người tiêu dùng. Biến chính trị thành một môn thể thao mang tính thưởng ngoạn chính là một trong những quá trình hỗ trợ cho toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa biến công dân từ chỗ là nhân vật chính trở thành những kẻ đứng ngoài cuộc nhưng lại có ảo tưởng là mình vẫn ở trong cuộc”.

Càng ngày dân chúng trong một nước có cảm giác rằng hệ thống toàn cầu hóa được chỉ đạo từ xa, thì họ càng có lý do để chống đối những người tuyên truyền cho toàn cầu hóa. Bộ trưởng Kinh tế Yousef Boustros- Ghali của Ai Cập có lần đã phát biểu: “Toàn bộ quá trình toàn cầu hóa rất dễ mang tính mị dân. Những người chống lại cải cách sẽ chỉ vào những người muốn mở cửa kinh tế để đón đầu tư nước ngoài rằng, “thằng cha này là phản lại sự nghiệp của chúng ta, vì hắn muốn mở cửa hệ thống để đón người ngoài”. Và bạn sẽ nói, “Vâng, nhưng để cho các thị trường tự điều chỉnh giá cả thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn”. Và những người chống đối lại quay ra nói, “Đừng có rồ dại? Thị trường là do người nước ngoài kiểm soát. Làm sao chúng ta có thể để cho thị trường nội địa của chúng ta tự định giá khi chúng bị người nước ngoài kiểm soát?”

Quả thực một trong những thách thức lớn nhất khi xây dựng lý thuyết chính trị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa là làm thế nào để người dân hiểu rằng họ có thể tự quyết, không những về hoạt động của chính phủ của họ mà còn về một số quyền lực toàn cầu hiện đang nhào nặn cuộc sống của họ. “Các thế lực thị trường và các định chế nhà nước thường khác nhau về tư cách hành xử, vậy thì cần phải có một nền dân trí mang tính quyết định để có thể phòng ngừa những bất công xảy ra”, Ezrahi nói. “Vai trò quyết định đó chính là cốt lõi của xã hội công dân và nền quản lý dân chủ – bảo vệ và xây dựng sinh hoạt công cộng và tập thể. Tai họa sẽ đến nếu bạn để cho cuộc sống cộng đồng và tập thể bị chi phối bởi những thế lực nằm bên ngoài nền chính trị của đất nước của bạn”. Môn học xã hội công dân cho con cháu chúng ta sẽ phải vượt khỏi khuôn khổ các chủ đề về chính phủ địa phương, bang và liên bang, sang những chủ đề liên quan tới mối quan hệ giữa các nhà nước và các siêu thị tài chính, quan hệ giữa nhà nước và các cá nhân được trang bị những công nghệ tiên tiến, và quan hệ giữa những cá nhân đó với các siêu thị tài chính. Làm sao chúng ta có thể đối phó với một thế giới trong đó Bầy Thú Điện Tử có khả năng hàng ngày bầu chọn các chính phủ, trong khi các chính phủ đó không thể bỏ phiếu trực tiếp quyết định hành xử của bầy thú? Ai sẽ là người quản lý quan hệ giữa bản thân tôi và Internet, quan hệ giữa bản thân tôi và những siêu thị tài chính và quan hệ giữa chính phủ của tôi với các siêu thị tài chính? Xin mô phỏng lối nói của Larry Summers, đây là tình thế “bế tắc cả ba mặt mang tính toàn cầu”.

Có một lợi thế bạn có thể thấy trong hệ thống toàn cầu hóa đó là nó không phân biệt đối xử – nó có thể khiến cả quốc gia yếu kém cũng như quốc gia hùng mạnh có cảm giác bất lực và chịu chỉ đạo của những thế lực không bị kiểm soát và cũng không được lựa chọn. Tôi đã đến gặp Bộ trưởng Tài chính Mexico, ông Guillermo Ortiz ngay sau khi đồng peso của nước này bị phá giá năm 1995. Ông ta ngồi bên bàn, gắn chặt vào máy vi tính, trên màn hình, ông ta thấy từng giây, từng giây, đồng tiền này mất giá, giống như một bệnh nhân đang suy tim.

“Hãy ngưng chiến”, Ortiz nói với thị trường thế giới. “Chúng mày đánh tao đến chết rồi. Ngưng lại, đừng có bán rẻ (peso) nữa”. Khi tôi hỏi ông ta có cảm nghĩ như thế nào khi bị các thị trường toàn cầu hành hạ, đeo đuổi ông ta để khoác lên cho ông chiếc áo nịt nạm vàng, Ortiz khoác tay chỉ vào màn hình của ba chiếc máy vi tính trước mặt, chỉ mức lên xuống từng giây của peso, và nói: “Có những ngày tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực. Thỉnh thoảng tôi phải chuyển sang làm việc ở một phòng khác, để không bị những màn hình này phân tâm”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx