sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 13 - Phần 4

Ở các nước đang phát triển, nơi tầng lớp trung lưu chưa đủ mạnh để vận động bảo tồn văn hóa, nơi luật quy hoạch và môi trường còn yếu hoặc dễ bị vi phạm, bạn cần có một loại hệ thống lọc khác – thị trường. Nếu đến gặp một thợ đốn gỗ ở Indonesia, người có 12 miệng ăn phụ thuộc anh ta, mà nói anh ta không được phá rừng làm rẫy vì đó là một phần của di sản văn hóa – thì sẽ không được việc. Anh ta sẽ nói với bạn, “Nếu anh muốn bảo tồn nó – thì bỏ tiền mà mua.” Dân chúng phải coi việc bảo tồn văn hóa gắn liền với giá trị cuộc sống của họ, và không được hy sinh vấn đề bảo tồn để sinh tồn. Ngành du lịch có vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi thế cho các chính quyền địa phương bảo tồn bản sắc và truyền thống của địa phương. Du khách thường quan tâm rằng liệu không khí ở đó có trong lành không? Nguồn nước có sạch sẽ không? Đó là những vấn đề mà các khách sạn cần quan tâm nếu họ muốn thu tiền cao của du khách: chẳng hạn bán suất ăn tối giá là 20 đô-la cho du khách, thay vì 1 đô-la cho dân địa phương. Có khi cách tốt nhất để bảo tồn một kim tự tháp, một nơi khai quật khảo cổ hay một khu dân cư độc đáo là tìm cách cho dân chúng sống quanh đó kiếm tiền nhờ việc bảo tồn.

Khi sang Bali, Indonesia, năm 1997, vợ tôi và tôi đến thăm Pura Tanah Lot, một trong những thắng cảnh tôn giáo đẹp nhất, ngôi đền xây trên một mỏm đá nhô ra ngoài biển. Khi thủy triều lên, nước tràn vào và ngôi đền bị cô lập trong sóng nước. Thắng cảnh tuyệt đẹp, hàng triệu du khách Indonesia đã đến và dâng hương hoa theo lối Ấn Độ giáo. Chúng tôi đến đó vào lúc mặt trời lặn, và khi tôi bước ra chụp ảnh vợ trong cảnh đền thờ, tôi thấy có một chiếc xe hơi đánh golf đi qua. Người ta đã xây một sân golf dọc bờ biển, cách đền khoảng vài trăm mét, chiếc xe đi qua một lỗ golf ngay bên bờ biển. Quả thực tôi cũng là người mê chơi golf, nhưng tôi cũng rất yêu cảnh đẹp thiên tạo và tôn trọng những đền thờ thiêng liêng. Ở đây ta thấy hai khả năng: hoặc một sự thiếu quy hoạch hoặc những quan chức quy hoạch địa phương đã bị mua đứt.

Chẳng lạ gì khi chúng tôi ở Bali, tờ Jakarta Post đã đăng tin về một nhóm nghệ nhân vùng này đã tổ chức một cuộc triển lãm nghệ thuật với mục đích chống lại những sự phá hoại nhằm vào thiên đường của họ. Theo bài báo, trong triển lãm người ta trưng bày hình ảnh một trái bóng golf đang rơi vào một cuộc tuần hành Ấn Độ giáo; một hình ảnh khác cho thấy Bali như một trái bóng golf đang bị thế giới đánh quật; và một bức tranh một nông dân dùng gậy đánh trái bóng – mang hình tượng những nhà thầu xây dựng – đi nơi khác. Cuộc triển lãm có cái tên: “glo-BALI-zation.” [Toàn cầu hóa – và Bali].

Nếu Bali tiếp tục con đường tự hủy hoại như vậy thì nó sẽ kết liễu luôn du lịch tới vùng này. Trong cuốn hướng dẫn về Bali của chúng tôi, do nhóm Knopf xuất bản cách đó hai năm có đoạn nói về Pura Tanah Lot: “Kế hoạch hối hả biến khu này thành nơi du lịch trở nên đáng lo ngại, nhưng nó vẫn chưa hoàn tất: một khách sạn sang trọng và một sân golf đã được quy hoạch gần đó. Nhưng trong thời gian này, ngôi đền vẫn đáng để cho bạn thăm viếng.” Khi một sách hướng dẫn du lịch bắt đầu báo động cho bạn hay là đất nước đó đang bóc lột quá mức nền văn hóa của chính họ và mời bạn đến thăm thắng cảnh trước khi quá muộn – thì bạn biết đất nước đo đang vào một vùng nguy hiểm. Tôi sợ rằng ấn bản hướng dẫn của Knopf lần sau về Bali sẽ được viết: “Muộn rồi. Hãy sang nơi khác.”

Chính vì thế, động cơ lợi nhuận, mặc dù thường là cần thiết nhưng vẫn không đủ, vì nó có thể dẫn tới sự thương mại hóa và bóc lột những điểm văn hóa. Bạn cần có một giai cấp trung lưu và thượng lưu hết lòng vì hoạt động xã hội, họ phải sẵn sàng tài trợ cho việc bảo tồn các điểm văn hóa, ngay cả khi không kiếm lợi riêng được – hay cũng chính là vì những nơi đó không thể tự kiếm ra tiền. Khi bảo tồn những khía cạnh phi thương mại của cuộc sống, bạn không thể nhờ vào thị trường quá nhiều, và bạn cũng không muốn nhờ vào thị trường quá nhiều.

“Về lâu về dài, thật là một ảo tưởng nếu người ta cho rằng động cơ thị trường và lợi nhuận sẽ là đủ để bảo vệ tài sản văn hóa và môi trường của một đất nước,” Fareed Zakaria, Tổng biên tập tạp chí Foreign Affairs, một người gốc Ấn Độ, lập luận. “Không thể thế được. Vì điều mà toàn cầu hóa đang làm là trang bị thế lực cho con người. Nó cho phép con người có những lựa chọn, họ sẽ tự do chọn lựa những giá trị cuốn hút nhất, hiện đại nhất, cám dỗ nhất, thuận tiện và mang tính thương mại nhiều nhất. Và khi đó con người có thể muốn lấp đầy các khu phố bằng những siêu thị và tiệm ăn Taco Bell – dẫu cho làm như thế có nghĩa là phải ủi đi những nền văn hóa địa phương và quốc gia. Chính vì thế cho nên cứ ôm vào thị trường thì sẽ không đủ; bạn phải kiểm soát thị trường bằng luật lệ. Và để kiểm soát thị trường thì giới lãnh đạo phải ra tay, không cho chúng rơi vào móng vuốt thị trường – tạo ra những môi trường mà thị trường không thể xâm lăng hay chế ngự. Và như vậy họ bảo vệ được những khía cạnh thuộc về bản sắc của đất nước của họ. Thông thường tầng lớp thượng lưu đầy đủ của cải là những người sẵn sàng lo tới điều đó. Như gia đình Rockefellers đã giúp xây dựng một hệ thống công viên ở Mỹ. Viện Bảo tàng Thủ đô là một công trình do các đại gia tư bản lập nên, những người nói rằng chúng ta cần một bảo tàng mà không dính dáng gì tới thị trường.”

Trên lý thuyết, những hệ thống lọc để bảo vệ văn hóa và môi trường nói trên là đúng đắn, nhưng bạn cần phải sử dụng chúng một cách đồng thời mới mong tạo ra kết quả. Đơn thuần một công viên rừng nhiệt đới sẽ không giúp cho việc giảm nạn đốn gỗ; công chức đơn thuần không thể có đủ nghị lực chính trị để áp dụng luật; chỉ các tập đoàn công ty mang ý thức môi trường không thôi sẽ không đủ sức để chặn sự băng hoại môi sinh; và nếu chỉ có các nhà hoạt động dùng Internet thôi thì cũng sẽ không tài nào ngăn được bầy thú.

Chính vì thế mà tôi hy vọng, và thực sự tin rằng khi chúng ta tiến vào thập niên toàn cầu hóa tiếp theo thì sẽ được thấy có ai đó, hay một chính đảng nào đó, sẽ xây dựng cương lĩnh của họ trên một lý thuyết kết hợp được tất cả những hệ thống sàng lọc nói trên. Tôi không có hàm ý chỉ tổ chức Hòa bình Xanh, ý tôi muốn nói đến các chính đảng và các nhà chính trị lớn mang tính quyết định.

Mọi sự sẽ bắt đầu từ các quốc gia phát triển rồi sẽ lan tỏa đi nơi khác. Tin mừng là trường phái chính trị này đã được đặt tên – “Vấn đề sống tốt.” Ở Hoa Kỳ, Al Gore là người đưa ra vấn đề này. Khả năng sống tốt, ông ta lập luận, đòi hỏi “sự tăng trưởng thông minh” và tăng trưởng thông minh đòi hỏi có những nhà chính trị hình thành được một tập hợp các bộ luật, các ưu đãi và sáng kiến có thể giúp những hệ thống sàng lọc đó cùng phối hợp. Một yếu tố then chốt trong chiến lược của Al Gore là sự tạo dựng chương trình “Trái phiếu nước Mỹ tốt hơn.” Thông qua việc ưu đãi thuế liên bang, chương trình này cho phép các cộng đồng cùng nhau phát hành được 9,5 tỷ đô-la trái phiếu, số tiền sẽ được dùng vào việc mua lại những khu vực còn xanh tươi, khôi phục những công viên khô cằn và cải tạo nhiều nơi, đặc biệt trong các nội đô, nơi môi trường đã bị phá hủy nhưng có thể phục hồi. Càng có nhiều các thành phố trung tâm được phục hồi thì càng giảm đi khả năng thành thị lấn chiếm nông thôn.

Chỉ có một nền chính trị nhất quán không ngừng nghỉ, tranh đấu cho khả năng sống còn, mới làm cho xã hội kết hợp được những hệ thống chọn lọc cần thiết để bảo tồn văn hóa và môi trường, đương đầu với những kế hoạch kinh doanh dài hạn, nhiều vốn và đầy hiệu quả như của các hãng Nike, MTV, McDonald’s, Pizza Hut, Enron và Taco Bell. Ngày nay, đó có lẽ chỉ là hy vọng hay lời cầu nguyện, nhưng là niềm hy vọng và lời cầu nguyện cần thiết – vì sẽ không có toàn cầu hóa bền vững nếu không có sự bảo tồn về văn hóa và môi trường.

Môi trường và văn hóa đi đôi với nhau. Các nền văn hóa được nuôi dưỡng và duy trì trong các môi trường bản địa. Những bộ lạc đa dạng và phong phú của Amazon sống trong những vùng hoang sơ, không bị ô nhiễm và chưa phát triển hiện đại. Và những thị trấn đa dạng và phong phú ở Mỹ, Qatar hay vùng nam nước Pháp là những nơi mà môi trường chưa bị lát bê tông và bao phủ bởi những siêu thị – chúng tránh được hiểm họa trở thành những phiên bản của nước Mỹ.

Israel là một trường hợp thú vị để nghiên cứu về chủ đề này, vì nó có một nền văn hóa mạnh mẽ, có bề dày hàng ngàn năm và một môi trường độc đáo hơn nhiều nơi trên thế giới, với những mỏm đá hay ngọn đồi được ghi trong Kinh thánh. Ngày nay, cũng chính tại Israel, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Israel (SPNI) đang phải đấu tranh chống lại sự mở rộng lan tràn của đô thị về nông thôn. Nếu bạn trước đây đã trồng một cây xanh ở vùng giữa Tel Aviv và Jerusalem thì bạn hãy nhanh quay về mà thăm nó. Bởi vì không còn lâu nữa, vào năm 2020 theo quy hoạch, thì những địa phương từ Haifa tới Tel Aviv sẽ trở thành một giải đất nội đô lớn. Người Israel xây nhà cứ như thể họ đang ở Australia vậy – càng nhiều nhà càng tốt, nhà càng lớn càng hay, càng rộng càng đẹp. Nếu mức phát triển dân số hiện nay cứ tiếp tục thì Israel, ngoại trừ vùng sa mạc Negev, sẽ trở thành một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Buồn thay, những vòng cung vàng McDonald’s giờ đây đang ngự ở một đỉnh đồi án ngữ lối ra vào Jerusalem từ hướng tây.

Chính vì Israel không bao giờ có thể hạn chế được sự nhập cư của người Do thái nên phải quan tâm nhiều hơn tới sự phát triển bền vững; nếu không thì văn hóa Zion của Israel sẽ bị mất đi cái gốc mà từ đó nó ra đời và gắn bó sâu đậm. “Mỗi một dự án được cấp phép ngược với quy hoạch lớn của đất nước và làm xói mòn những miền đất mới sẽ hủy diệt di sản Do thái – danh lam thắng cảnh được ghi trong kinh thánh từ thời David và Solomon,” Avram Shaked, điều phối viên về vấn đề bảo tồn, thuộc SPNI, giải thích vào một buổi sáng khi chúng tôi thấy những chiếc máy ủi ngoạm vào vùng đồi Jude. “Trong kinh thánh có nói đến những vườn nho của Ben Shemen. Ngày nay Ben Shemen là nút giao thông xa lộ lớn nhất trong nước. Chúng ta vẫn hay nói đến ‘đất của Isarel’ trên phương diện địa-vật lý nhưng chúng ta đã quên đi giá trị văn hóa thiêng liêng của nó.”

Yoav Sagi, Chủ tịch SPNI nói thêm vào: “Chúng ta phải thay đổi văn hóa ở đây từ chỗ khai phá đất đai thành bảo tồn đất đai. Bởi vì nếu ngày nào đó Israel trở thành một đất nước bình thường, không còn chiến tranh, thì những gì níu giữ chúng tôi ở lại đây sẽ chính là giá trị cuộc sống và những liên hệ với mảnh đất này. Nhưng nếu cứ tiếp tục cái đà hiện nay thì chúng tôi sẽ không còn giá trị cuộc sống và cũng chẳng còn đất đai cho chúng tôi gắn bó.”

Khi bạn làm cho những nhà cửa của dân chúng không còn tính độc đáo riêng biệt – bằng cách đồng hóa kiến trúc hay phá hủy môi trường quanh các ngôi nhà – bạn sẽ làm băng hoại không những văn hóa mà còn sự nhất quán trong xã hội của họ. Văn hóa, với ảnh hưởng lớn nhất của nó, có thể trở thành yếu tố mạnh mẽ tự khắc kiềm chế hành vi con người. Nó mang lại cấu trúc và ý nghĩa cho cuộc sống. Văn hóa quy định một loạt các thói quen, sự kiềm chế, sự mong đợi và những truyền thống dệt nên những khuôn mẫu cuộc sống và gắn chặt các xã hội cốt lõi của chúng. Khi toàn cầu hóa không kiềm chế nhổ bật rễ văn hóa và môi trường, thì nó sẽ phá hủy kết cấu cơ bản cần thiết của cuộc sống cộng đồng.

Điều này đưa chúng ta trở lại với vấn đề toàn cầu hóa bền vững. Bạn không thể xây dựng một xã hội mới – điều kiện cốt lõi để ứng phó với hệ thống toàn cầu hóa – nếu bạn đồng thời phá đi những nền tảng văn hóa. Những nền tảng đó có nhiệm vụ gắn bó và tạo cho xã hội của bạn sự tự tin và sự kết dính để tương tác với thế giới. Chính vì thế nỗi lo của tôi về khả năng các nước đang phát triển sẽ bị toàn cầu hóa tàn phá, ủi bằng, vượt quá sự bận tâm hạn hẹp muốn duy trì những khu vực nhiều màu sắc cho du khách đến thăm quan. Sự lo ngại của tôi là ở chỗ nếu không còn môi trường thì sẽ không có văn hóa bền vững; và nếu không có văn hóa bền vững thì sẽ không có cộng đồng bền vững, và nếu không có cộng đồng bền vững thì toàn cầu hóa bền vững sẽ không đến với chúng ta.

Tôi thấy quá trình này diễn ra rõ rệt trong vùng tôi đang sinh sống. Quán cà phê mà tôi ưa thích nhất ở cách nhà tôi, ở Bethesda, Maryland, vài dặm, được gọi là Corner Bakery. Trước hết, tôi thích cái tên Corner Bakery (Lò bánh ở góc phố). Cái tên đó gợi cho tôi sự ấm cúng và tình hàng xóm, trong quán người ta bán 30 loại bánh mỳ. Quán cũng có hương vị và kiểu cách của một lò bánh mỳ thời cũ, đồ gỗ màu tối, đánh bóng, đồ đồng sáng bóng và nhân viên thì thân thiện. Vâng, đó là Corner Bakery của tôi. Nhưng chỉ có một điều: thực ra nó không nằm ở một góc phố, nó nằm trong một khu thương xá mang tên Montgomery. Mặc dù cái tên và cảm giác trong quán gợi cho ta về một đường phố xưa nhà cổ, nhưng cái hồn xưa đó đã đi rồi. Khi bước vào quán, người ta không còn nghe thấy những câu “chào ông bạn hàng xóm – chào ông – chào bác sĩ.” Trong quán chỉ có một lũ người lạ, nhân đi qua con đường cao tốc, dừng lại vào uống cà phê. Nói cách khác, khi vào quán, chúng ta có cảm giác của thời hậu- McDonald’s. Nhưng chúng ta dường như đang quay trở lại với cội rễ của chúng ta – nhưng cái cộng đồng và môi trường một thời nảy sinh những cửa tiệm góc phố, nay không còn nữa. Corner Bakery thời nay là một chi nhánh của một chuỗi tiệm cà phê mang tên Corner Bakery. Giống như chiến hạm Potemkin của Nga nay không được thả neo trên biển – trong lòng cộng đồng Nga – mà là đang được tồn trữ trên một khối bê tông.

Điều tôi lo ngại là Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Israel, Qatar và Indonesia sẽ phát triển đến độ họ sẽ muốn quay lại bảo tồn những tiệm bánh góc phố của họ – hình ảnh, mùi vị, màu sắc, quầy hàng trên phố, kiến trúc và danh lam thời xưa. Đó là những cái nôi trong đó bản sắc văn hóa, những cây ô liu của họ được vun trồng. Nhưng đến lúc đó các nước này sẽ chợt nhận ra rằng những giá trị đó đã bị xóa rồi, không phải được thay thế bằng các giá trị mới của chính văn hóa của riêng họ, mà bị thay thế bởi những giá trị của loại văn hóa toàn cầu láng bóng sạch bong đang nhanh chóng xâm nhập.

Chúng ta không thể hy vọng có thể bảo tồn toàn vẹn được tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Và chúng ta cũng không muốn một nền văn hóa được tồn tại nếu như nó không còn chất kết dính và sức mạnh tự thân để làm điều đó. Cũng giống như các loại muông thú, văn hóa ra đời, tiến hóa và bị đào thải tự nhiên. Nhưng trong toàn cầu hóa ngày nay, đó là quá trình tiến hóa siêu tốc độ. Không công bằng chút nào. Trong một thế giới không còn rào cản, thậm chí những nền văn hóa năng động nhất cũng đã phải nhường bước cho Bầy Thú Điện Tử. Văn hóa cần giúp đỡ để tồn tại, nếu không nó sẽ bị hủy diệt với tốc độ nhanh hơn là tốc độ cho chúng tiến hóa và rồi có khả năng chúng ta chỉ còn lại mỗi một loài vật trong vườn thú.

Tạp chí National Geographic trong ấn bản tháng 8/1999, cho biết, “Không một thước đo nào cho cuộc khủng hoảng này tốt hơn là thước đo mức độ các ngôn ngữ bị mất đi. Trong lịch sử đã từng tồn tại khoảng 10.000 ngôn ngữ khác nhau. Ngày nay chỉ còn khoảng sáu ngàn ngôn ngữ đang được sử dụng, rất nhiều trong số đó không được truyền lại cho trẻ – trên thực tế có thể coi những ngôn ngữ đó đã chết – và chỉ còn 300 thứ tiếng được trên một triệu người sử dụng. Vào thế kỷ sau, phân nửa số ngôn ngữ, mà hiện nay đang được dùng trên thế giới, sẽ mất đi… Đối với hệ sinh thái cũng vậy. Sự đào thải cân đối với sự ra đời là điều bình thường. Nhưng làn sóng tiệt chủng hiện nay do hoạt động của con người gây ra cho những loài sinh vật là chưa từng có. Cũng tương tự, ngôn ngữ, văn hóa và các giống động thực vật đã và đang tiến hóa. Nhưng các loại ngôn ngữ ngày nay đang mất dần với tốc độ cao trông thấy, trong chu kỳ một hay hai thế hệ. ‘Khi chúng ta mất đi một thứ tiếng, thì không khác gì điện Louvre bị ném một trái bom,’ Ken Hale thuộc Học viện Kỹ thuật Massachusetts, than vãn. Khi ngôn ngữ mất đi thì văn hóa cũng bị diệt vong. Thế giới sẽ trở thành một nơi tẻ nhạt, nơi chúng ta hy sinh đi những tri thức xưa hiếm, những thành tựu mà cả ngàn năm mới có được.”

Không ai hiểu được điều đó kỹ hơn James Wolfensohn, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ông ta kể với tôi về một chuyến đi sang Guatemala không lâu sau khi nhậm chức. “Tôi lúc đó đang ở vùng cao nguyên và gặp những già làng của bộ tộc Maya. Đó là một làng nghèo đói, mọi thứ đều thiếu thốn. Dân chúng không có tài sản gì cả. Chúng tôi đến để xem xét có thể giúp đỡ họ về giáo dục và y tế. Và giáo dục là chủ đề mà người dân ở đó muốn bàn nhiều nhất. Hơn cả vấn đề nước. Họ muốn chúng tôi giúp bảo vệ nền giáo dục văn hóa Maya, đó là những truyền thống được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, có bề dày ba ngàn năm. Chúng ta thấy dân chúng rất nghèo nhưng họ có bề dày lịch sử và văn hóa – họ đã từng nghiên cứu toán học và thiên văn trước phương Tây rất nhiều – và họ muốn chúng tôi giúp đỡ để con cháu họ có thể kế thừa những di sản văn hóa đó. Thế giới sẽ tồi tệ hơn nếu chúng tôi không giúp gì được họ.”

Và Wolfensohn đã cho bắt đầu một chương trình cho vay để bảo tồn văn hóa tại Ngân hàng Thế giới – song song với những trợ giúp phát triển nói chung – trong suy nghĩ rằng nếu để mất đi những tri thức và văn hóa của những vị trưởng lão của bộ tộc Maya thì cũng giống như đánh mất những phiên bản nhiễm sắc thể ADN của một loại cây hay thú quý hiếm. Trong số những khoản trợ giúp tài chính cho văn hóa của ngân hàng có dự án khôi phục Bảo tàng Quốc gia Brazil, khôi phục thánh đường Hồi giáo ở Samarkand, bảo tồn các điểm văn hóa ở Bethlehem, một cuốn từ điển cho Uganda, các dự án cho dân bản xứ ở Peru và Bolivia và giúp đỡ các nghệ nhân và thợ thủ công ở Ma Rốc. Điều đáng buồn là cứ mỗi năm Wolfensohn đều phải đấu tranh với các thành viên ban quản trị của ngân hàng, bao gồm các bộ trưởng tài chính, để duy trì cho được chương trình đó. Wolfensohn nói, “Tôi nói với họ, ‘Các vị cứ tưởng tượng nếu nước Anh không có lịch sử? Các vị thử tượng tượng sang đến Pháp mà không thấy được văn hóa Pháp? Nếu không thể tưởng tượng được những điều đó thì vì sao lại không giúp các nước đang phát triển, những nước đang cần điều đó hơn nhiều? Không thể nào khiến được dân chúng các nước tiến lên nếu không làm cho họ hiểu được bản sắc, gốc rễ và quá khứ của họ.” Điểm hay nhất trong chương trình của Wolfensohn là những nước nhận viện trợ văn hóa sẽ phải sử dụng 15 phần trăm tiền quỹ để tài trợ cho các nghệ sĩ đương đại, họa sĩ, nghệ nhân và nhà thơ – ngân hàng không đưa văn hóa của họ vào các bảo tàng, mà là tiếp tục nuôi dưỡng cho văn hóa các nước này đâm chồi nảy lộc.

Toàn cầu hóa sẽ là bền vững tùy thuộc một phần vào mỗi chúng ta cùng nhau sử dụng những hệ thống sàng lọc để bảo vệ văn hóa và môi trường của chính chúng ta, trong khi hấp thụ những điều hay của văn hóa người khác. Nếu toàn cầu hóa chỉ là một phương cách hữu hiệu trong trao đổi văn hóa – cho tôi được nếm món sushi hay kabuki của em bé Nhật trong lúc em bé đó nếm món McDonald và Disney của tôi – để cho dân chúng có thể tự lựa chọn, nếu toàn cầu hóa trở thành một liên hiệp của những văn hóa bản sắc mà không phải là một sự đồng hóa lấn át, và nếu toàn cầu hóa cho phép xuất hiện một môi trường đa dạng về văn hóa mà không phải là một hành tinh vô hồn và đồng phục…, thì toàn cầu hóa sẽ được bền vững. Yaron Ezrahi nói: “Hoặc là toàn cầu hóa đồng hóa chúng ta trên bề mặt nhưng ta vẫn giữ nguyên được gốc rễ về văn hóa, hoặc nó đồng hóa chúng ta tới tận gốc rễ – khi đó nó sẽ trở thành một yếu tố hủy diệt trên phương diện môi trường, văn hóa và chính trị.”

Có thể chấp nhận việc Disney World cho dựng một phiên bản ở Trung Quốc, Pháp hay Mexico. Nhưng nếu để cho phiên bản Disney World ở Trung Quốc trở thành hình ảnh duy nhất của Trung Quốc một thời đã qua, hay vương quốc của loài vật ở Disney World trở thành hình ảnh duy nhất gợi lại những khu rừng nhiệt đới của một thời cũng đã qua, hay quán cà phê Rain Forest là hình ảnh khu rừng duy nhất mà con cái bạn có thể chứng kiến, thì… xin Thượng đế hãy phù hộ cho loài người.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx