sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần II - Chương 13 - Phần 3

Nếu làm như vậy mà cứu được hệ môi sinh và lối sống tuyệt diệu ở vùng này, thì xin chúa trời phù hộ cho Henry Ford và Internet.

Nếu như cứu nguy được các khu rừng từ móng vuốt của Bầy Thú Điện Tử là một việc khó thì việc cứu nguy những vùng văn hóa xung quanh những khu rừng nhiệt đới đó là nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, chưa nói đến những thời kỳ trước đó, đất nước và các luồng văn hóa khác nhau đã không cọ xát thường xuyên, trực tiếp và cởi mở như hiện nay. Đi lại khó khăn hơn nhiều và có vô số những tường, rào, màn sắt, thung lũng và đường hào để che dấu và nuôi dưỡng những mảng văn hóa riêng. Nhưng ngày nay các nền văn hóa trở thành món ăn cho giới tiêu dùng thưởng thức, so sánh và đặt vào thế đối chọi nhau, thông qua Internet, TV đa hệ màu và việc mở cửa biên giới, theo phong cách tàn bạo của học thuyết Darwin. Đến thăm một địa phương hẻo lánh phía đông bắc Trung Quốc để xem nơi đó lạc lõng khỏi toàn cầu hóa ra sao, vậy mà tôi gặp các cô gái làng chơi trẻ chân đi giày ống. Dạo bước ở sân bay Singapore tôi thấy có hai phụ nữ Ấn Độ mặc trang phục truyền thống đang ngồi chăm chú xem cảnh đấu vật kiểu Mỹ trên kênh truyền hình cáp Sky TV của ông Rupert Murdoch. Tôi không thể không thầm nhủ khi thấy họ xem những đô vật mặc theo lối Tarzan đang quần thảo: không hiểu họ nghĩ gì trong đầu. Kết nối với toàn cầu hóa mà thiếu những hệ điều hành và phần mềm thích hợp thì trong nháy mắt nó sẽ làm kinh tế của nước bạn tan rã. Kết nối với toàn cầu hóa nếu không có những hệ thống bảo hiểm chống quá tải thì trong nháy mắt nó sẽ rải xi măng lên toàn bộ các vùng rừng của nước bạn. Mở cửa biên giới của bạn, cho phép văn hóa toàn cầu hóa tràn vào, mà nếu thiếu các thiết bị sàng lọc, bạn sẽ cảm thấy đêm nay, trước đi ngủ gia đình của bạn còn là người Ấn Độ, Ai Cập, Israel, Trung Quốc hay Brazil, nhưng sáng hôm sau bạn sẽ thấy con gái bạn ăn mặc như ca sĩ Ginger Spice và con trai thì mặc giống như võ sĩ Hulk Hogan.

Một tháng sau khi ở Qatar khi nhìn thấy quán ăn Taco Bell, tôi sang Kuala Lumpur và ngụ tại khách sạn Shangri-La, một trong những khách sạn cổ nhất ở Đông Nam Á. Tôi rất thích cái tên “Shangri-La.” Nghe rất huyền bí. Tôi đến Kuala Lumpur vào lúc đêm khuya nên không nhìn thấy gì trên đường vào thành phố, vậy sáng hôm sau, thức dậy, mở màn cửa sổ và điều đầu tiên đập vào mắt tôi trên một cao ốc gần đó là bức quảng cáo khổng lồ cao bằng hai tầng nhà, hình ảnh của đại tá Sander của hãng Kentucky Fried Chicken.

“Trời ơi,” tôi tự nhủ, “tại sao nó lại ở đây? Tôi đi hơn 15 ngàn dặm đến để ngụ tại khách sạn Shangri- La vậy mà người đầu tiên tôi gặp lại là đại tá Sander!”

Một lần khác, khi đến thăm một thương gia ở trung tâm Jakarta tôi nhờ ông ta chỉ đường cho tôi đến một cuộc hẹn khác. Lời chỉ dẫn nguyên văn của ông ta cho tôi là: “Đi tới một tòa nhà trên lầu có cửa hàng Armani Emporium – anh có biết không, ở ngay phía trên Hard Rock Café – rồi rẽ phải ở chỗ có quán McDonald’s.” Tôi nhìn ông ta, cười phá, và hỏi: “Tôi đang ở đâu thế này?”

Ấn Độ là một đất nước đã tích cực rất nhiều trong việc kháng cự lai sự đồng hóa toàn cầu. Nhưng ngay cả ở đó, trong giới thượng lưu, bầy thú đang hoạt động nhộn nhịp. Vào một buổi chiều nóng đổ lửa ở thủ đô Delhi, mùa hè năm 1998, tôi đến phỏng vấn cựu Thủ tướng Ấn Độ, ông I.K. Gujral, 78 tuổi, một trong những vị thủ tướng thông minh nhất ở Ấn Độ. Ông ta mở đầu bằng cách gợi lại kỷ niệm trong một cuộc họp của UNESCO nơi ông đưa ra một nghị quyết về “trật tự thông tin mới”, cho rằng trật tự này cho phép những trao đổi hai chiều về văn hóa và thông tin trên thế giới chứ không chỉ cho phép các nước phát triển áp đặt văn hóa của họ sang các nước đang phát triển. Và một đại biểu người Canada đã ủng hộ luận điểm đó, một điều khiến ông ngạc nhiên. “Tôi hỏi anh ta vì sao Canada lại hậu thuẫn cho luận điểm đó,” Gujral nhớ lại. “Anh ta nói, “vì chúng tôi đã trải qua cái điều mà quý vị đang lo lắng tiên liệu. Giờ đây không còn âm nhạc, nhà hát, phim, văn hóa hay ngôn ngữ Canada nữa.” Tất cả đã bị Mỹ hóa.”

Khi tôi hỏi vì sao chủ đề đó quan trọng đối với ông, Gujral, người đang bận một tấm áo truyền thống của Ấn Độ, nói rằng nếu không bảo tồn dù chỉ vài cây ô liu trong sân nhà bạn, thì bạn sẽ không bao giờ có cảm giác tổ ấm gia đình ngay khi bạn ở nhà. “Cội nguồn của tôi ở đâu?” ông ta hỏi to. “Cội nguồn của tôi chính là thực tế tôi đang sống ở đây, Ấn Độ. Cội nguồn của tôi là việc nghe thấy có ai đó đọc vài câu thơ bằng tiếng bản xứ, tiếng hát bản xứ nghe được khi tôi dạo bước xuống phố. Khi tôi ngồi tiếp anh trong nhà tôi, mặc tấm áo truyền thống. Truyền thống của chúng tôi đã một ngàn năm. Không có chuyện xóa sổ nó nhanh như thế. Thế giới sẽ giàu đẹp hơn nếu duy trì được sự đa dạng và màu sắc, khuyến khích các bản sắc văn hóa.”

Tôi hoàn toàn đồng ý với Gujral, có lẽ vì tôi sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng tương đối nhỏ ở vùng Minnesota. Toàn cầu hóa có thể phân liệt sâu sắc mọi thứ. Để cho cây ô liu của bạn bị trốc rễ và nghiền nát thành thứ bột giấy toàn cầu, sẽ đồng nghĩa với việc mất mát phương hướng trong cuộc sống.

Tôi nghiền ngẫm ý tưởng đó ở Jerusalem vào một buổi chiều cùng bạn tôi, Yaron Ezrahi, một nhà chính trị học và anh ta đã đưa ra một nhận xét: “Cậu có biết không, Tom, có hai cách để có thể khiến cho một người cảm thấy vô gia cư – thứ nhất là đốt nhà anh ta, và cách thứ hai là làm cho căn nhà của anh ta trông giống hệt và gây cảm giác giống hệt như nhà của tất cả những người khác.”

Làm thế nào để phòng trừ được cảm giác vô gia cư đó? Điều đầu tiên là phải hiểu rằng Mỹ hóa-toàn cầu hóa không chỉ mang ý nghĩa xô đẩy mà còn mang ý nghĩa lôi kéo thu hút. Dân chúng trên thế giới bị lôi cuốn vào toàn cầu hóa do nhiều lý do. Những khách hàng người Qatar chen chân vào ăn ở quán Taco Bell ở Doha không đến từ những quán rượu cổ kính có bàn gỗ sồi và đồ dùng bóng bẩy bằng đồng. Trước khi Taco Bell được đặt vào đó thì có lẽ ở chỗ đó đã từng có nhiều những quầy bán đồ ăn di động, nơi có những anh chàng bán các món ăn nướng trên lò than thiếu vệ sinh, không có ánh đèn, không có nhà vệ sinh. Ngày nay cũng ở chính nơi đó, người Qatar được mời thưởng thức một món ăn mới – món của người Mexico, tiệm ăn có phòng vệ sinh sạch sẽ, tiêu chuẩn vệ sinh quốc tế, dịch vụ vui vẻ và có kiểm tra chất lượng món ăn – tất cả với giá phải chăng. Chính vì thế mà người ta đến đông.

Và còn một thứ khác mà khách hàng được mời, một giá trị ít được nhìn thấy nhưng lại quý hơn nhiều. Tôi thấy điều đó lần đầu tiên ở Malaysia. Tôi đến gặp bộ trưởng tài chính nước này. Khi chờ ở phòng ngoài, người phụ tá báo chí giới thiệu tôi với một doanh nhân Malaysia, người cũng đang chờ gặp vị bộ trưởng. Người phụ tá giới thiệu: “Đây là ông Ishak Ismal, ông ta là chủ của tất cả các chi nhánh Kentucky Fried Chicken ở Malaysia.” Ngay lập tức, tôi mở máy vi tính xách tay IBM của tôi và đề nghị được phỏng vấn ông ta.

“Xin ông cho biết,” tôi mở đầu, “Vì sao KFC quyến rũ được người Malaysia?” Không những họ thích hương vị, ông trả lời, mà họ thích cả những gì món ăn này tượng trưng: hiện đại, Mỹ hóa, chịu chơi. “Dân ở đây thích bất cứ thứ gì mang tính phương Tây, đặc biệt là Mỹ,” ông Ismal giải thích. “Họ muốn ăn, muốn thưởng thức và hội nhập với chúng. Tôi thấy những người dân vùng quê quanh đất nước đã đến xếp hàng để ăn món đó. Họ muốn được gần gũi với Mỹ. Họ muốn có những gì hiện đại. Ăn món ăn đó khiến họ cảm thấy hiện đại hơn.” Đúng là bước chân vào quán KFC ở Malaysia cũng giống như được du lịch qua Mỹ giá rẻ vậy.

Người Malaysia đến tiệm KFC và người Qatar đến Taco Bell cũng giống như dân Mỹ đến phim trường Universal vậy – để nhìn ngắm những gì họ mơ tưởng. Ngày nay dù hay hay dở, toàn cầu hóa là một phương tiện đang truyền bá đi khắp thế giới niềm mơ mộng về nước Mỹ. Trên thế giới, dân chúng được biết dân nước khác, đặc biệt dân Mỹ có lối sống ra sao, và người ta muốn cắn một miếng lớn từ chiếc bánh đó. Một số đến Disney World thăm điều họ mộng mơ, trong khi số khác đến các tiệm KFC ở bắc Malaysia. Ivy Josiah, một người hoạt động vì nhân quyền trẻ tuổi, một lần đã nói với tôi về tâm lý trong thế hệ của cô về điều này. “Tôi rất buồn khi thấy những quầy có món ăn truyền thống của chúng tôi bị các chuỗi tiệm ăn lớn như KFC, McDonald’s và Chili’s đè nén,” cô nói. “Chúng tôi đang mất dần bản sắc. Chúng tôi lớn lên với những quầy ăn truyền thống. Nhưng giới trẻ hiện nay đã không như vậy. Chúng lớn lên, đến các quầy ăn truyền thống và thấy chuột gián và nước bẩn. Đối với một đứa trẻ người Malaysia ngày nay, niềm vui lớn nhất là được đến ăn ở một tiệm Pizza Hut. Toàn cầu hóa tức là Mỹ hóa. Giới thượng lưu ở đây nói, “Không nên có McDonald’s,” nhưng với những người dân thường ở đây thì, vì họ không được sang Mỹ nên họ đã có Mỹ sang với họ.”

Với những lý do đó thì thật ngây thơ nếu nghĩ rằng chúng ta có thể chặn được những tay tài phiệt chủ của McDonald’s hay Taco Bell, không cho họ mở các chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới. Chúng trở nên phổ biến vì chúng mời mọi người thưởng thức một thứ mà họ muốn. Và tuyên bố với dân chúng các nước đang phát triển rằng họ không được có những nhà hàng đó, vì như thế sẽ làm xấu đi cảnh đẹp hay tầm nhìn ngắm của các vị khách đến từ các nước phát triển, thì quả thực là ngạo mạn và vô ích.

Tuy nhiên, trên phương diện văn hóa, sẽ có những mất mát – đối với cả hai phía – khi mà những chi nhánh toàn cầu như trên mọc lên ở mọi nơi, sân bay, hay ngóc ngách vùng thôn quê. Hy vọng duy nhất – và chỉ là hy vọng – là các nước học được cách thiết lập các hệ thống sàng lọc nhiều tầng để phòng ngừa khả năng bị chủ nghĩa tư bản toàn cầu xô đẩy và lôi kéo. Vì với sức mạnh và tốc độ của toàn cầu hóa ngày nay, những nền văn hóa nào không đủ mạnh để sàng lọc, sẽ bị xóa sổ cũng giống như những loài thú hiếm không thể thích nghi được với môi trường sống đang thay đổi.

Tôi cho rằng hệ thống sàng lọc quan trọng nhất là khả năng “địa phương hóa” toàn cầu. Tôi định nghĩa “địa phương hóa toàn cầu” là khả năng của một nền văn hóa, khi va chạm với một nền văn hóa mạnh mẽ khác, có thể hấp thụ những ảnh hưởng lành mạnh để tự làm giàu giá trị của nó, nhưng lại có thể kháng cự và cô lập những điều thực sự quái gở, không phù hợp, để hai thứ giá trị đó đều có thể cùng được thưởng thức. Mục đích duy nhất của sự địa phương hóa đó là hội nhập những khía cạnh của toàn cầu hóa vào đất nước và văn hóa của bạn theo hướng: nó phải giúp cho sự tăng trưởng và đa dạng, và không được đè bẹp giá trị nội địa.

Địa phương hóa thực ra là một quá trình có từ lâu, từ thời cổ, khi chẳng hạn, các nền văn hóa địa phương phải cọ xát với văn hóa cổ Hy Lạp, hấp thụ những điều tốt đẹp nhất nhưng không bị tư tưởng này quán triệt. Do thái giáo dòng Juda là một ví dụ cổ điển về một nền văn hóa mang nặng tôn giáo mà đã hấp thụ ảnh hưởng từ nhiều nước, qua nhiều thế hệ mà không bị mất đi giá trị trong cốt lõi. Thầy giáo của tôi, Tzvi Marx, một học giả Do thái cho biết khi người Do thái tiếp cận với người Hy Lạp lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, chỉ có một điều duy nhất được hấp thụ vào tư tưởng của Do thái đó là tính biện chứng của người Hy Lạp, được khắc họa trong các kinh thánh và bài giảng thời đó.

“Sự hấp thụ những lô gíc Hy Lạp đã là điều tương đối dễ dàng, vì chúng thực sự có quan hệ với hoạt động của các nhà truyền giáo và học giả thời đó, đó là làm thế nào vun trồng cho sự trung thực,” Marx nói. “Dấu hiệu của một sự hấp thụ lành mạnh là khi một xã hội có thể lựa chọn một điều gì từ bên ngoài, nhận nó vào làm của riêng, đặt nó vào khuôn mẫu đối chiếu của họ và quên đi rằng chính đó là điều ngoại nhập. Điều này xuất hiện khi ảnh hưởng từ bên ngoài tiếp cận được với giá trị bẩm sinh, nhưng chưa hoàn toàn trưởng thành, trong nền văn hóa riêng của bạn, và kích thích cho giá trị đó sinh sôi nảy nở.” Đó cũng chính là cách thức các nền văn hóa hay các giống sinh vật tiến hóa.

Đồng thời với việc tiếp cận các lô gíc của người Hy Lạp, dân Do thái cũng tiếp cận với cung cách lễ hội Hy Lạp, phơi bày thân thể, đó là chưa nói đến tư tưởng tình ái và đa thần của Hy Lạp. Người Do thái đã không hấp thụ những giá trị đó. Chúng bị coi là dị biệt và mãi mãi vẫn bị coi là dị biệt. Người Hy Lạp rất thích ngắm nhìn những vận động viên thể dục dụng cụ cởi trần. Người Do thái không thích thế, và không bao giờ tiếp thụ ý thích đó từ văn hóa Hy Lạp. Những ai chấp nhận văn hóa theo lối đó sẽ bị coi là đánh mất bản sắc. Sau cùng, những thứ mà người Hy Lạp ăn và kiểu cách quần áo của họ đã được người Do thái du nhập và sử dụng có chọn lọc vì chúng khác lạ, chứ không biến chúng thành một phần văn hóa Do thái. Nói cách khác: Người Do thái không vứt đi món xúp matzo để ăn món souvlaki, nhưng họ ăn món souvlaki và rất thích, vì đó là món ăn lạ.

Địa phương hóa một cách lành mạnh bao giờ cũng là một quá trình thử nghiệm – sửa sai nhưng là quá trình cần thiết. Trong một thế giới và các hàng rào và tường phòng ngừa đang ngày càng bị phá bỏ, thì các nền văn hóa mang tính địa phương hóa mạnh mẽ sẽ có lợi thế, và những nền văn hóa khác cần phải học cách tồn tại và hấp thụ. Một số văn hóa rõ ràng không mang tính hấp thụ – ảnh hưởng mạnh, chính vì thế chúng dễ bị toàn cầu hóa làm cho suy yếu. Khi các quốc gia hay các nền văn hóa thiếu khả năng địa phương hóa, sẽ khiến xuất hiện sự phản ứng như của những phần tử Hồi giáo Chính thống Taliban ở Afghanistan: họ lo sợ, không muốn có một quá trình thử nghiệm – sửa sai trong toàn cầu hóa vì làm như thế sẽ dẫn đến nhiều sai lầm và văn hóa của họ sẽ bị toàn cầu hóa chế ngự, chính vì thế họ đã kéo một tấm màn đen che phủ toàn bộ đất nước, hay dựng một tường rào che chắn, nội bất xuất ngoại bất nhập. Nhưng những bức tường đó trước sau rồi cũng bị bầy thú đạp đổ, và khi đó, dân chúng sẽ bị mất đi bản sắc. Họ bị đồng hóa ngay trong đất nước của họ. Đất nước của họ trở thành một chốn cho các nền văn hóa bên ngoài tự do qua lại.

Còn thêm một hiểm họa khác. Một số nền văn hóa cho rằng họ có khả năng địa phương hóa một cách đúng đắn, nhưng thực tế cho thấy, chính chúng đang mất dần bản sắc một cách chậm rãi. Một ví dụ hay nhưng đã cũ nhàm đó là cung cách tiệm ăn McDonald’s ở Nhật Bản đã được văn hóa và kiến trúc của Nhật hấp thụ. Với 2.000 tiệm ăn ở Nhật Bản, McDonald’s, tên địa phương là “Makudonarudo,” trở nên một mắt xích lớn nhất của McDonald’s nằm bên ngoài Hoa Kỳ. McDonald’s Nhật Bản đã được hội nhập thành công vào nước này đến mức: chuyện kể rằng có một cô bé người Nhật khi sang Los Angeles và nhìn thấy McDonald’s đã lôi tay của bà mẹ và nói: “Nhìn xem, mẹ ơi, ở nước này người ta cũng có McDonald’s.” Bạn có thể thông cảm với sự ngạc nhiên của em bé đó khi được biết McDonald’s bắt nguồn và là một công ty của Mỹ chứ không phải của Nhật (lãnh đạo của McDonald’s ở Nhật đã không dùng đích danh Ronald McDonald, mà đổi lại là Donald McDonald cho tiện phát âm.) “Bạn không thể nào dựng được 2.000 tiệm McDonald’s ở Nhật Bản nếu để cho người sở tại biết được đó là một thương hiệu Mỹ,” James Cantalupo, Chủ tịch McDonald’s International nói với tôi. “Hãy xem McDonald’s có món ăn bằng thịt, bánh mỳ và khoai tây. Mà trên thế giới thì hầu hết các vùng đều ăn những thứ đó. Điều quan trọng là cách đóng gói thế nào và tạo khung cảnh ăn uống khác biệt.”

Việc cháu gái trong câu chuyện không biết rằng McDonald’s bắt nguồn từ Chicago và được một người tên là Ray Kroc sáng lập, không phải là người Nhật, khiến tôi nghĩ đó không phải là sự hấp thụ văn hóa đúng đắn. Trong môi trường Nhật Bản, McDonald’s đáng nhẽ cần được coi là một món ăn nước ngoài. Địa phương hóa một cách thiếu lành mạnh là khi bạn hấp thụ một thứ không can hệ gì tới bản sắc văn hóa của bạn, nhưng lại coi thứ đó là biểu hiện của văn hóa nước bạn - làm như vậy bạn đã mất liên hệ với chính bản sắc của bạn. Tzvi Marx nói: “Trong y tế, có một cách virus ung thư xâm nhập vào một tế bào nhưng lại hóa trang khiến cho tế bào đó không biết đã bị xâm nhập, cứ nghĩ virus ung thư chỉ là một bộ phận của nó – cho tới khi quá muộn, virus ung thư chiếm lấy hạt nhân và giết hại tế bào đó.” Điều này tương tự như hiện tượng những thế lực địa phương hóa đóng vai trò của virus ung thư, khiến cho bạn ôm trọn lấy một giá trị ngoại lai nhưng lại cứ nghĩ đó là của bạn. Tôi rất mừng là McDonald’s có mặt ở Nhật Bản, và tôi cũng rất thích là vùng tôi ở Bethesda có một quầy sushi. Tôi thấy khoái trá khi cháu bé người Nhật thích ăn McDonald’s và con gái tôi thích ăn sushi. Nhưng điều quan trọng là cháu gái người Nhật phải hiểu McDonald’s là một thức khác biệt chứ không được ngộ nhận nó là món của Nhật Bản. Khi những ngộ nhận như thế xuất hiện thì đồng hóa không chóng thì chầy sẽ xảy ra. Và khi đồng hóa xảy ra thì có nhiều khả năng cháu bé người Nhật sẽ mất liên hệ với những điều thực sự Nhật Bản, vì một ngày, cũng như tế bào kể trên, cháu sẽ thức dậy và thấy bị xâm lăng, và không còn gì là bản sắc văn hóa cho cháu nữa.

Địa phương hóa ngay cả khi có hình thức lành mạnh thì vẫn chưa đủ để bảo vệ các nền văn hóa bản xứ chống lại toàn cầu hóa. Cần phải có những hệ thống sàng lọc mạnh mẽ khác. Trước hết, bạn cần có luật phân khu vực, luật định những nơi cần bảo tồn và những chiến dịch giáo dục nhằm bảo tồn những vùng văn hóa độc đáo và những di sản văn hóa chống lại những sự phát triển theo lối hòa đồng. Điều đó không có nghĩa là cấm tiệt tất cả các tiệm McDonald’s, nhưng có nghĩa là không cho McDonald’s vào những khu dân cư nhất định. Điều này khiến các công chức chính phủ phải có các quy hoạch cứng rắn, họ phải bất khuất trước sức ép và sự mua chuộc của các nhà chính trị. Về phần các nhà chính trị thì họ phải sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa.

Miền nam nước Pháp là nơi được bảo tồn, mang giá trị chỉ của miền nam nước Pháp. Một phần là do nước Đức, thông qua Liên hiệp châu Âu, đã bao cấp cho nông nghiệp của Pháp, bao cấp đến tận những nông gia ở phía nam, khiến cho các làng mạc và những tiệm bán lẻ nhỏ nhắn và xinh đẹp ở đó được tồn tại – chống lại được sức ép toàn cầu hóa, kẻ đang đòi hỏi xóa đi nhưng làng mạc và nuốt chửng những tiệm tạp hóa thôn quê. Nói cách khác, nền chính trị ở miền nam Pháp đã giữ vững được một giá trị thực sự – bảo tồn bản sắc văn hóa. Nền chính trị đó được xây dựng trên cơ sở một chính sách nông nghiệp chung của châu Âu, chuyển vốn hỗ trợ các cơ sở nông nghiệp cỡ nhỏ để giữ nguyên được các làng mạc, nơi được người ta coi là mang bề dày văn hóa. Chúng ta cần những mạng lưới bảo toàn xã hội như vậy để giữ vững được văn hóa của chúng ta. Các nhà chính trị phải giáo dục cho dân chúng về giá trị của những hệ thống đó và phải sẵn sàng thực hiện chúng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx