sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần III - Chương 15 - Phần 1

Phần III: Chống đối toàn cầu hóa

15. Chống đối

Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hàng năm là một phong vũ biểu các vấn đề toàn cầu khá tốt. Tháng Hai mọi năm, những nhà toàn cầu hóa của thế giới họp mặt ở khu nghỉ dưỡng vùng núi của Thụy Sĩ để ăn mừng và bàn về toàn cầu hóa.

Tham gia diễn đàn là các nhà công nghiệp hàng đầu, lãnh đạo chính trị, kinh tế, công nghệ, khoa học gia và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đến từ khắp nơi trên thế giới.

Mỗi năm có một hay hai nhân vật đứng ra chủ trì. Có năm đó là vị sa hoàng về kinh tế của người Trung Hoa, ông Chu Dung Cơ; có năm là các ông Yasser Arafat, Yitzhak Rabin và Simon Peres; một năm khác là những nhà cải tổ người Nga; có năm là những lãnh đạo kinh tế Á châu bị thất bại tả tơi. Năm 1995, ngôi sao ở diễn đàn là nhà tài phiệt tỉ phú George Soros. Tôi biết điều đó khi được mời dự một cuộc họp báo, trong đó phóng viên các hãng truyền thông lớn trên khắp thế giới vây quanh bàn và phỏng vấn ông Soros, cứ như ông ta là tổng thống của một siêu cường vậy. Và dường như ông ta cũng nghĩ mình là như vậy. Phóng viên của Reuters, Bloomberg, AP-Dow Jones, The New York Times, The Washington Post, The Times của London và The Financial Times,… mọi người thi nhau chất vấn Soros xem ông đánh giá ra sao tình hình Mexico, Nga, Nhật Bản và những khuynh hướng kinh tế toàn cầu. Sau đó họ chạy ra khỏi phòng và dùng điện thoại gửi bài về tòa báo hay trụ sở của họ. Những đánh giá của Soros được đăng trên trang nhất của tờ International Herald Tribune và nhiều báo khác ngay ngày hôm sau.

Nhìn cảnh đó tôi cảm thấy mình đang chứng kiến một chuyển biến quan trọng. George Soros đại diện cho Bầy Thú Điện Tử. Ông ta là một con bò mộng đi đầu trong bầy thú. Có thể là con bò mộng duy nhất được đi đầu. Và đó cũng là lúc dân chúng nhận thấy rằng bầy thú đang thay thế cho Liên Xô, trở thành một siêu cường trong cái thế giới hai cực bây giờ. Chỉ vài năm trước đó, George Soros đã dạy một bài học kinh tế cho vị Thủ tướng Anh lúc đó là ông John Major. Major lúc đó cho rằng đồng bảng Anh đã được định giá một cách đúng đắn. Soros không nghĩ như vậy, và vào tháng 9/ 1992 Soros đã chỉ đạo bầy thú gây sức ép khiến cho giá trị của bảng Anh hạ xuống mức mà ông ta cho là “thích hợp.” Major đã chế giễu, dè bỉu rồi phản đối Soros, rồi đã phải giương cờ trắng đầu hàng và hạ giá trị của bảng Anh khoảng 12 phần trăm. Soros kiếm được một tỷ đô-la lợi nhuận sau hai tháng kiếm chác ở Anh. Vĩnh biệt Liên xô. Xin chào Bầy Thú Điện Tử.

Điều thú vị là một năm sau khi nhìn ông Soros trong cuộc họp báo đó, tôi đã quay lại Davos để xem ai sẽ là ngôi sao trong năm sau tại diễn đàn, năm 1996. Hôm đó tôi đang đứng trước một máy tính để đọc email thì thấy Soros đi qua. Điều làm tôi ngạc nhiên là trong năm đó, không thấy ai quan tâm đến ông ta. Ông ta hoàn toàn cô đơn. Điều gì đã xảy ra sau một năm. Vì sao? Ai là ngôi sao ở Davos 1996? Không ai khác mà chính là Gennadi A. Zyuganov, người đứng đầu Đảng Cộng sản Nga!

Diễn đàn Davos là một diễn đàn mang tính chất tư bản. Vì sao một con khủng long của thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Gennadi A. Zyuganov – lại đến và là nhân vật quan trọng nhất trong năm đó? Vì giới thượng lưu chính trị và kinh tế ở Davos năm đó hiểu rằng cái hiện tượng gây chấn động gọi là toàn cầu hóa nay đã khiến sản sinh ra một sự phản ứng mạnh mẽ không kém từ một vài nơi. Vào lúc dường như Zyuganov có thể đánh bại Boris Yeltsin để giành chức Tổng thống Nga, và những lực lượng chống đối đang chuẩn bị tiếm quyền trong một quốc gia rộng lớn. Vậy là các vị quản trị lớn đã đến Davos và muốn gặp Zyuganov – “con thú chống đối” – để xem ông ta có dự định gì đối với vấn đề tài sản tư nhân, ngân sách Nga và hối đoái giữa đồng rúp và đô-la. Dạo đó. tôi đã phỏng vấn Zyuganov và thấy là vào lúc đó ông ta quả thực không biết phải làm những gì về những vấn đề như thế. Dường như ông ta suốt ngày chỉ cố lảng tránh các lãnh đạo phương Tây. Cũng giống như những tầng lớp duy ý chí chống đối toàn cầu hóa, Zyuganov chỉ biết cách tỏ thái độ chứ không đưa ra được chương trình làm ăn nào đúng đắn; ông ta nói nhiều về vấn đề phân chia thu nhập, hơn là cung cách tăng cường thu thập.

Tuy nhiên từ ngày đó sự phản ứng chống đối nhằm vào toàn cầu hóa đã trở nên rõ ràng và tràn lan hơn. Rõ ràng là toàn cầu hóa đã cho phép nảy nở những sáng tạo về tài sản và công nghệ chưa từng có. Nhưng những sáng tạo đó, như đã phân tích trong những chương sách trước, đã thay đổi cung cách làm ăn truyền thống, các cơ cấu xã hội, văn hóa và môi trường – và đã khiến sinh ra một sự phản ứng dữ dội – một hiện thân rõ ràng và lớn tiếng của nó xuất hiện tại cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Seattle vào cuối 1999. Điều này không lấy gì làm lạ. Thị trường thường mang lại cả vốn liếng lẫn sự hỗn loạn; thị trường càng trở nên mạnh hơn trong toàn cầu hóa, thì chúng càng có cơ gặp phải những rối loạn đa dạng và tràn lan hơn.

Ngoài những lo sợ chung đối với sự hỗn hoạn đó, những người chống đối toàn cầu hóa cho rằng một khi đất nước của họ kết nối với hệ thống toàn cầu hóa, thì chính họ sẽ bị buộc phải mặc chiếc áo nịt nạm vàng dù cho chiếc áo đó chỉ có một cỡ. Có những người không thích chiếc áo là bởi vì họ cảm thấy bị bó buộc về kinh tế. Có người khác lo ngại rằng họ không có đủ tri thức, kỹ năng hay tài lực để mặc hoặc rút những sợi chỉ vàng từ chiếc áo. Có người không thích nó vì họ không muốn có những hố ngăn cách về thu nhập, hay họ lo ngại khả năng cơ hội việc làm sẽ bị cắt bớt ở các quốc gia có mức lương cao, chuyển sang những nơi có nhân công rẻ mạt. Có người không thích toàn cầu hóa vì nó khiến đất nước của họ bị những văn hóa và ảnh hưởng mới lũng đoạn, khiến cho con cháu họ không còn biết đến những bản sắc truyền thống của cha ông chúng để lại. Có người không thích toàn cầu hóa vì họ lo sợ rằng luật lệ giờ đây chỉ chú trọng vào vấn đề tự do thương mại hơn là vấn đề bảo tồn các loại rùa và cá heo hiếm, bảo tồn nguồn nước và cây cối. Có người không thích chiếc áo nịt vì họ không được tham gia vào khâu thiết kế kiểu cách của chiếc áo. Và có người không thích chiếc áo đơn thuần là do họ cảm thấy khó mà nâng cấp được hệ điều hành của đất nước họ lên tới mức DOScapital 6.0.

Nói cách khác, phản ứng nhằm vào toàn cầu hóa là một hiện tượng lớn, là tập hợp của những lo âu và tâm lý khác nhau. Phản ứng đó mang nhiều hình thái, thông qua nhiều nhân vật và xảy ra ở nhiều đất nước khác nhau. Chương này sẽ nói về những trạng thái tâm lý, hình thái và điển hình của sự chống đối và cung cách chúng đang kết hợp lại thành một cơn gió mạnh cản trở toàn cầu hóa. Cơn gió này có thể trở thành bão, nếu chúng ta không để tâm hiểu nó một cách nghiêm túc.

Như tôi đã kể trước đây, vào mùa hè năm 1998 tôi sang du lịch Brazil cùng tổ chức Bảo tồn Thế giới, tổ chức đã giúp thành lập một công viên sinh thái ở vùng rừng duyên hải Đại Tây Dương của nước này. Họ đã giúp dân chúng ở thị trấn Una xây dựng một ngành du lịch địa phương, để có thể tạo công ăn việc làm và đẩy lui được nạn đốn gỗ để sinh nhai. Bảo tồn Thế giới đã đề nghị Dejair Birschner, 48 tuổi, Thị trưởng Una cùng đi thăm và giải thích cho tôi những thay đổi mà dự án môi sinh mang lại cho thị trấn của ông. Thị trưởng này xuất thân từ lớp thợ đốn gỗ, thuộc loại Paul Bunyan, có cha và ông cũng là thợ đốn gỗ. Nhưng giờ đây các nhà môi trường đã khiến họ thất nghiệp. Khi đi trong rừng, Thị trưởng Birschner chạm tay lên các loại cây cối. Ông ta biết tên bằng tiếng Brazil của tất cả các loài thực vật trong rừng. Tôi cảm thấy quý mến ông ngay từ phút đầu – vì có một điều gì đó rất vững chãi trong bản thân ông ta. Sau khi dạo trong rừng, chúng tôi ra ngồi trên ghế trong một khu cắm trại ở bìa rừng, và bàn về những thách thức mà vị thị trưởng đang phải đương đầu. Ông ta nói về mặt tri thức thì ông đã hiểu rằng đốn gỗ không còn là nghề hữu ích. Nhưng đồng thời ông cũng nhận ra rằng dân chúng trong thị trấn chưa thực sự sẵn sàng sống cuộc sống không có nghề đốn gỗ. Chúng tôi nói chuyện trong khoảng 30 phút, sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi cám ơn và đóng máy tính IBM ThinkPad lại, ông ta quay sang nói với tôi, “Bây giờ tôi muốn hỏi anh chuyện này.”

“Xin mời ông,” tôi đáp, “ông hỏi chuyện gì cũng được.”

Vị thị trưởng nhìn thẳng vào mắt tôi và nói, “Liệu chúng tôi sẽ có tương lai hay không?”

Câu hỏi của ông như giáng cho tôi một đòn nặng. Nó khiến tôi suýt chảy nước mắt, khi nhìn sang bên kia bàn: đối diện tôi một con người đầy tự trọng, vững chãi, một vị thị trưởng, người đang hỏi tôi xem liệu bản thân ông và dân chúng của ông có được tiền đồ gì không trong tương lai. Tôi hiểu chính xác điều ông muốn nói: “Dân làng tôi không thể sinh nhai bằng cách đốn gỗ trong rừng và chúng tôi không được trang bị để sống với máy vi tính. Cha và ông tôi dựng cơ nghiệp bằng cách chặt gỗ trong rừng và con cái chúng tôi có thể kiếm sống bằng Internet. Nhưng còn thế hệ chính chúng tôi, thế hệ kẹt ở giữa thì làm gì bây giờ?”

Tôi ấp úng tìm một câu trả lời, giải thích một cách đơn giản rằng bản thân và dân làng của ông chắc chắn sẽ có tương lai nhưng họ phải bắt đầu một thời kỳ quá độ từ nền kinh tế nông nghiệp đi lên một nền kinh tế tri thức, bắt đầu bằng việc đào tạo con cháu. Vị thị trưởng lắng nghe, gật gù, lịch sự cám ơn và bước đến xe hơi của ông. Khi ông ta đi rồi, tôi kéo người phiên dịch sang một bên và nhờ anh ta hỏi hộ khi gặp lại ông thị trưởng, xem ông ta nghĩ gì về câu trả lời của tôi.

Vài phút sau anh này quay lại. Anh ta nói rằng ông thị trưởng muốn nói với tôi một điều mà ông ta đã không nhắc tới trong cuộc phỏng vấn: Mỗi sáng, khi đến sở làm việc ông thường thấy có 200 dân làng đang tụ tập chờ đợi ông, họ nhờ ông tìm việc, xin ông giúp nơi ở và thức ăn – đó là chưa nói đến chuyện những người thợ rừng nay thất nghiệp đến để dọa giết ông ta. Nếu ông ta không giúp tìm việc, nơi ở và thực phẩm cho họ thì họ sẽ phá trụi các cánh rừng – dẫu đó là phát triển bền vững hay không bền vững.

“Ông ta muốn anh hiểu cho điều đó,” người phiên dịch nói.

Thị trưởng Birschner đại diện cho một thế hệ trên thế giới ngày nay cảm thấy bị toàn cầu hóa đe dọa vì họ sợ rằng họ không có những kỹ năng hay sức lực để gia nhập vào cái “Thế giới Đi nhanh”. Tôi xin gọi họ là “những con rùa.” Vì sao? Vì các thương gia kỹ thuật cao trong Thung lũng Silicon thường bao giờ cũng so sánh thứ nghề siêu kỹ thuật của họ với câu chuyện về con sư tử và loài linh dương nhỏ trong rừng rậm. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, con sư tử đều lo nghĩ là sáng hôm sau, khi mặt trời mọc, liệu có đủ sức để đuổi cho kịp những con linh dương nhỏ yếu, nếu không thì sẽ phải chịu đói. Và mỗi đêm khi đi ngủ, con linh dương đều lo nghĩ xem sáng hôm sau, khi mặt trời mọc, liệu có đủ sức để chạy nhanh, thoát cho được những hàm sư tử, nếu không sẽ mất mạng. Nhưng có một điểm tương đồng mà hai bên cùng lo nghĩ, đó là vào sáng hôm sau, khi mặt trời mọc, cả hai bên đều phải ra sức mà chạy cho nhanh.

Và đó cũng là câu chuyện của toàn cầu hóa.

Điều không may là không ai cũng được trang bị để chạy nhanh. Ngoài đời có không biết bao nhiêu con rùa, tuyệt vọng; chúng không muốn bị giết bỏ trên đường đi. Những con rùa đó là những dân chúng, khi tường rào trên thế giới sụp đổ, đã bị cuốn hút vào “Thế giới Đi nhanh”, và do nhiều lý do, họ cảm thấy bị đe dọa hay hắt hủi về kinh tế. Cũng không phải vì họ không có công ăn việc làm. Nhưng vì việc làm của họ đang bị toàn cầu hóa thay đổi, giảm quy mô, rút gọn hay bị khiến trở thành lỗi thời. Mặt khác sự cạnh tranh toàn cầu đang buộc chính phủ của họ phải tự thân cải cách và rút gọn, và những con rùa đó không thấy những mạng lưới bảo hiểm để cứu vớt chúng.

Trong vở ca kịch Ragtime diễn trên phố Broadway có một cảnh Henry Ford giải thích sự ưu việt của dây chuyền lắp ráp xe hơi của ông ta. Lúc nào tôi cũng nhớ những vần thơ, vì chúng phản ánh rất hay về một thế giới – một thời là thiên đường của loài rùa – nhưng nay đã thay đổi. Sau đây là lời thơ trong vở ca kịch Henry Ford:

Dân chúng, hãy nghe luận thuyết của tôi

Về nơi đất nước này đang đến:

Mỗi công nhân là một bánh răng cưa đang chuyển động.

Và khái niệm đó là của Henry.

Một người siết ốc và người khác vận hành

Và người khác vươn tay lắp bánh răng cưa

Và xe hơi sẽ di chuyển theo một hướng.

Một sáng tạo của Henry Ford

(Vòng quay của động cơ – hãy khiến chúng quay nhanh, Sam)

Sản xuất hàng loạt sẽ tràn lan trên đất nước,

Một ý tưởng mà thế giới chào đón.

Ngay cả những kẻ không lấy gì làm thông thái

Cũng có thể học cách siết ốc mãi mãi,

Và lắp tay quay hay kéo cần gạt…

Lạy thánh, ngày nay, nếu không thông minh thì không ai có thể học để cách sản xuất chip vi tính suốt đời. Những nghề tốt đẹp nhất đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Một lần tôi viết một câu chuyện về cơ quan viện trợ Mỹ, USAID, thường có nhiệm vụ giúp đào tạo dạy nghề và viện trợ kinh tế cho các nước đang phát triển ở châu Phi, cố gắng dùng kỹ thuật của họ để khôi phục những khu dân cư nghèo đói vùng Baltimore. Hay như hàng tít trên tờ Baltimore Sun hô hoán: “Baltimore sẽ thử áp dụng đơn thuốc của Thế giới thứ ba.” Một lý do Baltimore kêu gọi sự trợ giúp của USAID là vì những con rùa của thành phố này đơn giản đã không theo kịp bước tiến của “Thế giới Đi nhanh”. Một viên chức của thành phố đã giải thích một cách rành mạch: Trong những năm 60, bà này nói, nhà tuyển dụng việc làm lớn nhất trong thành phố là Tập đoàn thép Bethlehem. Bạn có thể kiếm một việc làm trong nhà máy luyện thép chỉ với tấm bằng phổ thông hoặc thấp hơn, để kiếm sống, mua một căn nhà, nuôi con và gửi chúng vào đại học. Có nghĩa là giấc mơ của Mỹ dành cho cả những con rùa và những khu dân cư nhiều khó khăn. Ngày nay, nhà tuyển dụng lớn nhất ở Baltimore là Trung tâm Y tế Johns Hopkins. Nếu không muốn trở thành một lao công, thì bạn phải có bằng đại học mới mong được mời phỏng vấn xin việc ở trung tâm này. Những con rùa thì không có cách gì vào được. Và bạn sẽ không có cách gì xin vào đó được nếu bạn thuộc vào số 150.000 người thất học (trong tổng số dân 730.000 ở Baltimore). (Các viên chức Baltimore thắc mắc vì sao những người nghèo thành thị không tận dụng những chương trình xã hội dồi dào vốn có sẵn trong thành phố đó, đến khi họ nhận ra rằng những người dân đó thậm chí không biết đọc những bảng hiệu. Đó là một lý do khiến họ phải mời USAID: cơ quan này đã cho ra đời một loạt các tranh vẽ các nhân vật biếm họa và những thiết bị nghe nhìn vốn dùng để giải quyết nạn mù chữ ở châu Phi. “Anh có biết được điều trớ trêu?” Bác sĩ Peter Beilenson, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế của Baltimore nói trong cuộc phỏng vấn của tôi. “Công ty đã tạo ra những chương trình xóa mù chữ cho USAID, lại chính là của Baltimore. Văn phòng của nó chỉ cách đây vài dãy phố.”

Khi toàn cầu hóa lây lan, thay thế những công việc lặp đi lặp lại, bằng máy móc, và đòi hỏi những kỹ năng mới trong những công việc khác, nó đã khiến cho những con rùa mất dần cơ hội việc làm. Một bài trên tờ Washington Post vào tháng sáu năm 1998 về cuộc đình công ở hãng General Motors vùng Flint, Michigan, đã tả cho độc giả cảnh khốn cùng của loài rùa ngày nay: “Sau 20 năm, GM đã giảm biên chế công nhân của họ ở Flint xuống còn 35.000, từ mức 76.000, và hãng này cho biết trong vài năm nữa, họ sẽ cắt tiếp 11.000 việc làm… Trong tổng số công nhân từ Mỹ, GM đã giảm 297.000 công việc theo giờ trong vòng 20 năm, giảm tổng việc làm còn 223.000… Một số cơ hội việc làm đã được chuyển sang Canada và Mexico, nơi có những nhà máy hiệu quả cao và chi phí thấp hơn, và một số lượng lớn công nhân của họ đã bị máy móc thay thế [đoạn viết nghiêng là của tác giả].”

Cũng trong bài báo, George Peterson, Chủ tịch hãng AutoPacific Inc., một công ty nghiên cứu và tư vấn ngành xe hơi có trụ sở ở California, được trích dẫn đã nói rằng tại những nhà máy không có nghiệp đoàn đóng ở Hoa Kỳ – như chi nhánh của Honda Motor ở Marysville, Ohio – công nhân đa kỹ năng và có thể thực hiện những nhiệm vụ đa dạng. Tính đa dạng hóa đó, theo ông ta, đã giúp cho Honda cắt giảm chi phí sản xuất. “Hoàn toàn có thể giữ được một công việc toàn thời gian trong ngành này, nếu bạn sẵn sàng làm nhiều loại công việc [tác giả viết nghiêng],” Peterson nói, khi bàn về những lo lắng của giới nghiệp đoàn về mức ổn định trong công ăn việc làm.

Vậy nếu muốn làm việc trong khu vực sản xuất, không những bạn cần thêm các kỹ năng hơn trước, mà còn phải có kỹ năng đa dạng để tránh được khả năng công việc của bạn bị người máy thay thế. Đó là những khó khăn lớn đối với những con rùa ngày nay.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx