sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần III - Chương 15 - Phần 3

Sự khó chịu của dân Ai Cập đối với toàn cầu hóa bắt rễ từ nỗi sợ hãi hợp lý rằng họ không có đủ công nghệ để cạnh tranh. Nhưng nó cũng bắt rễ từ một điều mang tính văn hóa – và không chỉ là điều mà một giáo sư đại học Cairo nói với tôi: “Toàn cầu hóa có nghĩa là chúng tôi phải hết thảy trở thành người Mỹ?” Sự khó chịu ăn sâu hơn nữa, và bạn phải hiểu được nó nếu muốn biết thêm về những chống đối nhằm vào toàn cầu hóa từ những xã hội truyền thống. Nhiều người Mỹ dễ dàng tiếp thụ hiện đại hóa, kỹ thuật và Internet vì họ biết chúng là những công cụ cho họ thực hiện lựa chọn. Lợi ích của những công cụ đó là trang bị và tăng cường lợi thế cho các cá nhân. Nhưng trong các xã hội truyền thống như Ai Cập chẳng hạn thì các tập thể, các các nhóm người thường có vai trò quan trọng hơn các cá nhân; vậy nếu tăng cường cho các cá nhân thì sẽ dẫn tới chia rẽ trong xã hội. Vậy toàn cầu hóa đối với họ không những mang ý nghĩa họ phải ăn món McDonald’s, mà còn có nghĩa là sự thay đổi quan hệ giữa cá nhân và nhà nước và cộng đồng một cách tiêu cực, dẫn tới chia rẽ xã hội.

“Liệu toàn cầu hóa có phải là để chúng tôi cứ mặc xác những người nghèo phải tự lo thân?” Một phụ nữ Ai Cập có tri thức đã hỏi tôi. “Làm sao chúng tôi có thể tư hữu hóa trong khi không có được hệ thống phúc lợi xã hội?” Một giáo sư đặt câu hỏi. Khi chính phủ ở nước này nói sẽ “tư hữu hóa” một ngành công nghiệp thì phản ứng bản năng của dân Ai Cập sẽ là: hình như có điều gì đó đang “bị đánh cắp” từ nhà nước, lời của một viên chức cao cấp của Ai Cập.

Sau những cuộc tranh luận đó tôi nhận thấy phần đông dân Ai Cập hiểu về toàn cầu hóa như một sự thất vọng kết hợp với sự cần thiết, chứ không phải là một cơ hội, điều đó cũng dễ hiểu. Toàn cầu hóa là cách thích nghi với một đe dọa từ bên ngoài, trong khi không tăng thêm được quyền tự do. Tôi cũng nhận ra rằng những ý thức hệ trước đây của họ – chủ nghĩa dân tộc Ả rập, chủ nghĩa phát-xít – đã có ảnh hưởng mạnh, mặc dù không mang lại lợi ích gì về kinh tế. Nhưng chủ nghĩa toàn cầu hoàn toàn không giống thế. Khi bạn nói với một xã hội truyền thống rằng họ phải cắt giảm biên chế, rút gọn và kết nối Internet, thì những điều bạn nói ra không có ảnh hưởng nhiều hoặc không có sức lôi cuốn. Đó là lý do của những khó khăn bạn vấp phải khi cố gắng thuyết phục hàng triệu người dân Ai Cập, những người vẫn cầu nguyện trước khi vận hành các cầu thang máy.

Trò kéo co này đang diễn ra trên toàn thế giới Ả rập ngày nay, từ Ma rốc cho tới Kuwait. Một viên chức tài chính người Ả rập đã mô tả cuộc tranh đấu của toàn cầu hóa trong đất nước của ông ta: “Thỉnh thoảng tôi có cảm giác mình thuộc vào một thứ hội kín Freemasons, vì cách nhìn thế giới của tôi khác hẳn với cách nhìn của những người quanh tôi. Có một sự khác biệt lớn về ngôn ngữ và từ vựng của tôi và người xung quanh. Không phải vì tôi không thuyết phục được họ. Tôi nhiều khi không thể giao tiếp được với họ, những người đó có cách nhìn toàn cầu xa lạ quá. Vậy là mỗi khi tôi phải giải thích một chính sách gì đó liên quan tới toàn cầu hóa, thì bao giờ câu hỏi cũng là: có thể quy tụ được bao nhiêu người để có thể tạo được một sự quá độ? Nếu anh có thể quy tụ được đủ số người từ những vị trí thích đáng, thì anh sẽ đẩy được hệ thống đi tới. Nhưng điều đó rất khó. Có nhiều ngày dân chúng đến và nói với tôi: “Chúng ta cần phải quét sơn lại căn phòng.” Và tôi trả lời, “Không, chúng ta thực ra cần phải đào móng mới và xây lại toàn bộ tòa nhà.” Vậy là toàn bộ cuộc hội thoại giữa anh và họ xoay quanh việc chọn màu sơn, nhưng trong đầu anh là ý nghĩ rằng toàn bộ kiến trúc cần phải được thay thế và một móng nhà mới phải được xây dựng – rồi sau đó hẵng lo tới màu sơn! Brazil, Mexico, Argentina, ở đó họ có những đám đông và những viên chức có tầm nhìn về thế giới. Nhưng phần đông các nước đang phát triển hiện chưa có được điều đó, chính vì thế gian đoạn quá độ của họ vẫn còn bất ổn.”

Ở Ma rốc, chính phủ tư hữu hóa đơn giản bằng cách bán các xí nghiệp quốc doanh cho chính những nhóm kinh tế nhỏ có quan hệ với hoàng gia, những người một thời lũng đoạn kinh tế nhà nước. Chính vì thế mà ba phần trăm dân số Ma rốc hiện kiểm soát 85 phần trăm tài sản của đất nước. Các trường đại học ở Ma rốc, thường kết hợp những đặc điểm tồi tệ nhất của hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa và của Pháp, mỗi năm cho ra trường rất nhiều sinh viên, nhưng họ không kiếm được việc làm, không có tinh thần thương mại hay những kỹ năng công nghệ thích hợp với nền kinh tế thông tin thời nay. Ma rốc hiện có “Hội liên hiệp các sinh viên đại học thất nghiệp.”

Càng có thêm các quốc gia hội nhập vào toàn cầu hóa và “Thế giới Đi nhanh”, thì càng có thêm một nhóm chống đối khác – họ như những con linh dương bị tổn thương. Nhóm này gồm những người cảm thấy họ đã thử hội nhập với toàn cầu hóa nhưng đã bị hệ thống này giày vò, nhưng đáng nhẽ phải đứng dậy, phủi bụi và chạy tiếp để theo kịp toàn cầu hóa, họ đã về nhà đóng kín cửa, thay đổi luật lệ để tránh toàn cầu hóa. Điển hình cho nhóm chống đối này là Thủ tướng Mahathir của Malaysia. Không gì có thể sánh kịp với sự tức giận của một nhân vật toàn cầu hóa thất bại. Ngày 25/10/1997, giữa lúc kinh tế Á châu đang thua thiệt, Mahathir đã tuyên bố với hội nghị Thượng đỉnh khối thịnh vượng chung ở Edinburgh rằng kinh tế toàn cầu – vốn dĩ đã đổ hàng tỷ đô-la vào Malaysia, và nếu không Malaysia đã không bao giờ tăng trưởng nhanh như thế – nay đã trở thành “vô chính phủ.”

“Đây là một thế giới bất bình đẳng,” Mahathir giận dữ nói. “Nhiều người trong chúng tôi đã vận lộn khó khăn và thậm chí đã đổ máu để giành được độc lập. Khi những đường biên giới được mở cửa và thế giới trở thành một thực thể thống nhất, thì độc lập có thể trở thành vô nghĩa.”

Chẳng lấy làm lạ khi năm 1998 Mahathir là nhà toàn cầu Á châu đầu tiên áp đặt chính sách kiểm soát trong một cố gắng nhằm chặn đứng làn sóng đầu cơ tự do chống lại đồng nội tệ và thị trường chứng khoán của ông. Khi Bộ trưởng Thông tin Singapore George Yeo mô tả hành động của Mahathir lúc đó, ông ta nói, “Con thuyền Malaysia đã rút lui vào một cái hồ ven biển và thả neo ở đó, nhưng chiến lược đó sẽ không phải là không có rủi ro.”

Đúng như vậy. Nếu cho rằng rút lui vĩnh viễn vào một nơi hẻo lánh và an hưởng những mức sống cao của “Thế giới Đi nhanh”, và tránh được bất cứ sức ép nào, thì chính bạn đang tự huyễn hoặc bản thân và dân chúng của bạn. Tuy nhiên, sự rút lui của Mahathir, sau này được biết chỉ là tạm thời, đã nhận được sự thông cảm trong thế giới đang phát triển – thông cảm nhưng họ không làm theo. Khi chúng ta sang thập niên thứ hai của toàn cầu hóa, có một quan niệm mới trong số các quốc gia vốn dĩ chống đối chiếc áo nịt nạm vàng và “Thế giới Đi nhanh” – đó là: họ không thể tiếp tục chống đối nữa. Và họ biết chiến lược rút lui sẽ không mang lại lợi ích gì về lâu về dài cho tăng trưởng. Trong nhiều năm tôi hay gặp Emad El-Din Adeeb, biên tập viên tạp chí al Alam al Youm của Ai Cập trong những hội nghị của Ngân hàng Thế giới và những nơi khác, và trong cũng nhiều năm anh ta nói với tôi về sự ngờ vực của anh về khả năng Ai Cập hội nhập toàn cầu hóa. Khi gặp lại anh năm 1999 tại Diễn đàn Kinh tế Davos, anh nói với tôi, “OK, tôi hiểu rằng chúng tôi phải sẵn sàng để hội nhập toàn cầu hóa, một phần đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Có một đoàn tàu đang chuẩn bị rời ga và chúng tôi biết điều đó và phải chuẩn bị. Nhưng liệu anh có thể nói đoàn tàu đó chạy chậm lại chút ít để chúng tôi có thời gian để nhảy lên bám theo tàu.”

Tôi không dám nói thực với anh ta lúc đó rằng tôi vừa dự bữa ăn trưa cùng giới báo chí với Bill Gates. Tất cả các nhà báo cứ hỏi mãi Bill Gates, “Ông Gates. Những cổ phần Internet. Chúng là những bong bóng xà phòng phải không?” Sau cùng, Bill Gates bực tức nói với đám phóng viên: Đúng chúng là những bong bóng xà phòng, nhưng các bạn đã lẫn lộn ở một điểm. Những bong bóng đó đã thu hút rất nhiều tiền đầu tư vào ngành Internet và sẽ thúc đẩy “nhanh nữa, nhanh nữa” quy trình sáng tạo. Vậy tôi đã chứng kiến những gì: buổi sáng thì nghe Bill Gates nói cái “Thế giới Đi nhanh” sẽ tiếp tục tăng tốc, buổi chiều thì gặp anh bạn Adeeb nói rằng, anh ta cũng muốn nhảy vào cái thế giới đó, nhưng, ai đó làm ơn nói nó chạy chậm lại chút ít.

Tôi nói với Adeeb rằng tôi cũng mong muốn đoàn tàu toàn cầu hóa chạy chậm lại, nhưng ở đầu tàu, tôi không thấy ai đang cầm lái.

Có một lần uống cà phê trong một quán cà phê Internet, mang tên Books@Cafe ở Amman, Jordan. Quán này ở ngay gần khu di tích được bảo tồn đẹp đẽ – một trong những nhà hát thuộc kiến trúc La Mã ở Trung Đông. Hồi đó là năm 1997, chủ quán, Madian al-Jazerah đứng lại bên bàn và làm quen với tôi. Anh ta nằng nặc mời tôi nếm thử món bánh chuối kem. Vì sao bánh chuối kem? Tôi hỏi. Anh ta trả lời rằng bánh này là do vợ của phó đại sứ Israel ở Amman làm.

“Để tôi nhắc lại coi thử đúng không,” tôi nói, “bánh chuối kem trong cà phê Internet ở Amman do vợ của phó đại sứ Israel làm! Hay thật. Tôi khoái quá.”

Nhưng anh này nói cũng có nhiều người không thích thú gì điều đó. Khi những người Hồi giáo chính thống ở Amman biết bánh chuối kem trong cà phê Internet ở Amman do vợ của phó đại sứ Israel làm họ đã kêu gọi tẩy chay cho đến khi nào chủ quán rút món đó khỏi thực đơn. “Và họ đã dùng Internet để kêu gọi tẩy chay,” chủ quán nói. (Rõ ràng là cuộc tẩy chay đã thất bại vì món bánh chuối kem vẫn được ghi trong thực đơn!)

Những người Hồi giáo chính thống chống-bánhchuối- do-người-Israel-làm đã đại diện cho một làn sóng khác chống toàn cầu hóa. Đó là sự chống đối của hàng triệu người dân uất ức trước sự đồng hóa mà toàn cầu hóa gây ra, dám đưa món bánh chuối Israel ra diễu trước mặt dân Hồi giáo Jordan, đưa người lạ cùng thói lạ vào nhà, xóa đi những đặc tính văn hóa và nhổ bật những câu ô liu truyền thống của bạn. Cũng có nhiều người rõ ràng đã sẵn sàng dẹp đi nhiều phần trong văn hóa địa phương để đón nhận văn hóa tiêu dùng, Mỹ hóa hay toàn cầu hóa, hoặc tung hứng cả hai luồng văn hóa thể hiện trong cách sống, quần áo, ẩm thực và ý thức. Không bao giờ nên coi thường những người biết tung hứng như vậy. Nếu không có họ thì làm sao McDonald’s và Disney có thể lan tràn đến được nhiều nơi trên thế giới. Nhưng có những người rõ ràng đã không muốn chơi trò tung hứng. Họ sẵn sàng tham chiến để bảo vệ văn hóa riêng của họ. Khẩu hiệu xung trận của những người này là: “Tôi không muốn toàn cầu. Tôi chỉ muốn địa phương.” Đối với các nhà toàn cầu hóa, họ tôn trọng những người nối kết nhiều nhất. Đối với phái cực đoan, họ kính trọng những nhân vật xa rời mạng – xa rời mọi thứ trừ chân lý của họ.

Những phản ứng về văn hóa trở nên gây bất ổn về chính trị một khi chúng kết hợp với những phản ứng khác – khi những nhóm người bị thiệt thòi về kinh tế trong toàn cầu hóa kết hợp với những nhóm đau khổ về văn hóa. Hiện tượng này rất phổ biến ở vùng Trung Đông, nơi những phần tử cực đoan của nhiều phái đã trở nên rất giỏi trong việc thêu dệt nên những sự chống đối mang tính chính trị, kinh tế và văn hóa nhằm vào toàn cầu hóa, tập hợp chúng dưới một ngọn cờ và một phong trào chính trị chung, họ muốn tiếm quyền rồi choàng lên trên cộng đồng một chiếc khăn, chắn cả cộng đồng không cho ai nhìn ra thế giới. Lá cờ chống đối đầu tiên của người Algeria là một bao tải lúa mạch couscous, món ăn chủ yếu ở vùng Bắc Phi, lá cờ tượng trưng cho sự phẫn uất của những người lao động Algeria, đặc biệt giới trẻ không có việc làm. Dần dần những người cầm lá cờ đó đã liên hiệp với những phần tử Hồi giáo chính thống cùng chống lại trào lưu phương Tây hóa và phi tôn giáo hóa chế độ của Algeria, cùng với nhau họ tạo một làn sóng chống đối mạnh mẽ, dưới lá cờ xanh lục của Hồi giáo chính thống, chống lại những ai ở Algeria mong muốn hội nhập đất nước với hệ thống toàn cầu hóa.

Việc bầu phiếu đưa Benjamin Netanyahu lên chức Thủ tướng Israel năm 1996 một phần cũng là một sự phản ứng chính trị chống lại Hòa ước Oslo, một phần cũng là sự chống đối về văn hóa nhằm vào toàn cầu hóa và hội nhập tiềm ẩn trong các cố gắng hòa bình giữa Israel và khối Ả rập. Học giả tôn giáo người Israel Moshe Halbertal có lần đã nói với tôi rằng Shimon Peres có một viễn tưởng rằng cháu của ông ta và cháu của Yasser Arafat một ngày nào đó sẽ “cùng nhau sản xuất chip vi tính” – viễn tưởng đó đã đe dọa rất nhiều người Do Thái chính thống đang sống ở Israel. Họ sợ rằng một khi những bức tường ranh giới ở quanh Israel đổ xuống, đất nước này hội nhập vào Trung Đông – giống như người Do Thái hội nhập vào xã hội Mỹ – thì đạo Juda sẽ bị ảnh hưởng xấu. Họ lo ngại rằng sẽ không có chuyện sống chung hòa bình giữa hai khái niệm “hòa bình bây giờ” hay “Do Thái bây giờ” – đặc biệt khi hòa bình còn có nghĩa là toàn cầu hóa, hội nhập, dịch vụ thuê video Blockbuster, các kênh truyền hình cáp truyền các hình ảnh gợi dục, và Pizza Huts. Vậy nên mới có những tấm biển xuất hiện trong những khu Do thái chính thống trước ngày bầu cử Thủ tướng Israel năm 1996, viết: “Bầu cho Bibi [Netanyahu]. Ông ta bênh vực người Do Thái.” Ở Israel chống đối mang màu sắc văn hóa nhằm vào toàn cầu hóa đã kết hợp với các sắc thái chính trị và kinh tế. Sau khi có hòa ước với Jordan, các nhà máy dệt Israel bắt đầu có những hành động hợp lý: họ chuyển những dây chuyền sản xuất, những công ăn việc làm kỹ năng thấp từ các địa phương Israel như từ Kiryat Gat qua sông sang cho Jordan, nơi có nhân công rẻ hơn. Và bỗng nhiên những thợ dệt Do Thái, chưa có đủ kỹ năng để xin vào nhà máy của Intel đang được xây dựng ở Israel, thấy công ăn việc làm của họ bị chuyển sang Jordan – điều mà nếu không có hòa ước Israel-Jordan và toàn cầu hóa thì không bao giờ xảy ra. Những người thợ dệt đó lo sợ rằng hòa bình sẽ không đi đôi với việc làm cho họ, và cũng vì nhiều người trong số họ thuộc phái Do Thái phương Đông – vậy là họ quay sang ủng hộ đảng Shas, một đảng chính thống cực đoan, chống toàn cầu hóa trên cơ sở văn hóa và tôn giáo, một chính đảng chỉ quan tâm tới các đức cha. Vậy là những người thất nghiệp, kết hợp với giới có đường lối cố kết sắc tộc và tôn giáo, thành một phong trào chống toàn cầu hóa.

Hiển nhiên là không có gì sai trái trong việc đặt xã hội của bạn lên trên một trụ cột tôn giáo và truyền thống. Đó là những cây ô liu khiến cho xã hội gắn bó. Không phải ai trong số những người tôn trọng những giá trị đó cũng đều ra tham gia chủ nghĩa cực đoan. Nhưng khi chủ nghĩa cực đoan đó không còn do những yếu tố tâm linh điều khiển mà do tâm lý chống toàn cầu hóa điều phối thì nó thường rơi vào khuynh hướng giáo phái phân liệt, bạo động và ly khai. Và càng rời xa thực tế, càng mất dần liên lạc thì càng bị tụt hậu; càng tụt hậu thì càng tiếp tục rút lui và ly khai.

Nhưng cũng không cần phải là một người cực đoan Do Thái hay Hồi giáo để muốn tham gia chống đối toàn cầu hóa bạn. Bạn chống đối có thể vì toàn cầu hóa đã khiến bạn trở nên lạc lõng ngay trong môi trường thân thuộc của bạn. Đây là một hiện tượng thông thường. Khi tôi sang châu Á vào năm 1996, thì những người Australia tổ chức bầu cử. Tôi ngạc nhiên khi thấy các vận động tranh cử ở Úc lúc đó xoay quanh chủ đề bánh quy và áo tắm khá nhiều. Vâng, John Howard, lúc đó là thủ lĩnh đảng Tự do, phái bảo thủ, tố giác Paul Keating thuộc đảng Lao động đang cầm quyền, rằng trong khi hăng say thúc đẩy nước Úc hội nhập với kinh tế toàn cầu và đầu tư nước ngoài, đã tạo ra một tình huống trong đó các công ty thân thuộc của đất nước bị các tập đoàn của nước ngoài vào sáp nhập và người nước ngoài đang vào nắm quyền quản lý. Howard tố giác rằng người Úc đang mất dần những biểu trưng dân tộc, bản sắc và chủ quyền vào tay thị trường, dẫu cho kinh tế có được cải thiện đến đâu. Đặc biệt ông ta chỉ vào hãng bánh quy hiệu Arnott’s, có sản phẩm mà bất cứ đứa trẻ nào ở Úc khi lớn lên đều biết đến, đã bị bán cho một công ty Mỹ (Campbell’s Soup, cũng rất nổi tiếng!), công ty này sau đó đã thay đổi thành phần của bánh quy Iced Vo-vos – thương hiệu nổi tiếng rất Úc, làm bằng dừa và kẹo dẻo. Ông Howard cũng nói điều tương tự cũng đã xảy ra cho thương hiệu áo quần bơi Speedo nổi tiếng của Úc, cũng đã bị bán cho một hãng của Mỹ. Thương vụ Iced Vo-vos và Speedo đã trở thành một chủ đề nóng hổi trong các cuộc tranh cử. Và chính những lập luận theo lối ôm chặt cây ô liu đã giúp cho Howard chiến thắng ròn rã Keating, một người thích xe hơi Lexus.

Một năm sau đó vào mùa xuân 1997, khi tôi đang đi qua những vùng đồn điền bang Indiana trên đường đến Đại học Purdue. Lái xe cho tôi là Giáo sư John Larson, một người có nhiều suy nghĩ sâu sắc. Khi đến gần Lafayette, tôi nhìn thấy xa xa có một nhà máy lớn. “Nhà máy gì đó?” tôi hỏi. “Nhà máy sản xuất xe hơi Subaru,” Giáo sư Larson trả lời, khi chúng tôi gần đến nơi. Ông ta nói thêm rằng nhà máy Subaru đó là khiến cho bang Indiana có “cảm giác giống như một nước thuộc Thế giới thứ ba.”

“Vì sao?” tôi hỏi thêm.

“Đối với thế hệ như của tôi, lớn lên trong những năm 50, nước Mỹ bao giờ cũng là nước vươn ra thế giới,” Larson giải thích. “Chúng tôi sinh ra cái gọi là toàn cầu hóa. Đến khi những chủ hãng xe hơi người Nhật đến Mỹ tìm chỗ để đặt nhà máy xe Subaru, họ đến vùng này như cái lối người Mỹ sang Ấn Độ. Họ hỏi những câu: “Hãy giành cho chúng tôi những thứ mà chúng tôi muốn? Trình độ văn hóa ở đây ra sao? Chúng tôi có được hưởng ưu đãi về thuế không?” Những người đứng đầu cộng đồng ở đây rất thích được đầu tư, nhưng một số người khác thì chất vấn: “Những tay Nhật Bản là ai vậy mà dám hỏi han về trường lớp của chúng ta?”

Khi những lãnh đạo của Subaru quyết định đặt nhà máy ở Lafayette, có người đã gợi ý nên đổi tên con đường cao tốc trước cổng nhà máy thành “Đường cao tốc Subaru,” để vinh danh công ty Nhật đó đã đến và mang theo nhiều công ăn việc làm. “Nhưng khi tổ chức VFW nghe chuyện đó họ đã làm ầm lên,” Larson giải thích tiếp. “Họ nói rằng không thể đổi tên đường cao tốc đó. Anh có biết đường này có cái tên mang ý nghĩa gì không?” Đường này mang tên Bataan - tên của bán đảo Philippines nơi hàng ngàn lính Mỹ bị giết sau khi họ bị quân Nhật bắt hồi tháng Tư năm 1942.

“Người của Subaru rất nhạy cảm. Họ nói chúng tôi không nên đổi tên đường cao tốc đó,” giáo sư Larson nói. “Từ ngày đó, dân chúng quen dần với những người Nhật, và họ chấp nhận những người này trong cộng đồng. Các quản trị viên người Nhật cùng gia đình thay nhau dọn vào sống trong vùng này. Con cái họ đến trường ở địa phương – trừ ngày thứ bảy, bọn trẻ đến trường riêng để học ôn tiếng Nhật và một phần cũng vì họ nghĩ rằng cách dạy toán của chúng ta không được triệt để cho lắm.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx