Và những kẻ khùng điên trang vị tối tân thường thuộc nhiều dạng. Họ có thể rất tức giận nhưng không dùng bạo lực. Hoặc tới mức rất tức giận và cũng rất thích bạo lực. Ví dụ cho loại người tức giận nhưng ít dùng bạo lực đó là những tin tặc, những kẻ đã tấn công tờ báo của chúng tôi, The New York Times, một trụ cột của hệ thống nước Mỹ. Ngày 13/9/1998, tin tặc đã vào trang web của tờ báo. Lần đầu tiên tin tặc vào một trang web của một cơ quan thông tin lớn. Martin Nisenholtz, Chủ tịch của Công ty Truyền thông Điện tử New York Times kể lại cho tôi: “Chúng tôi vừa đăng bản báo cáo Kenneth Starr về Clinton trên trang web hôm thứ sáu, hôm đó là ngày chúng tôi rất vui. Trang web của chúng tôi là trang duy nhất đăng toàn văn báo cáo. Bạn chỉ cần nhấn nút là vào được báo cáo. Hôm đó chúng tôi đã đạt mức kỷ lục số lượng người vào trang web của chúng tôi. Tôi cảm thấy thực sự thỏa mãn với những gì chúng tôi đạt được và đã chấp nhận lời mời đến nói chuyện ở Diễn đàn Quốc tế Wharton ở Philadelphia. Vậy đêm hôm sau, thứ bẩy, tôi đi xuống Philadelphia. 7 giờ 45 sáng chủ nhật tôi nhận được điện thoại từ biên tập viên trang web, nói rằng chúng tôi bị tin tặc. Tin tặc đã xảy ra một lần trước đó khi một nhóm người đã gửi liên tiếp những yêu cầu làm tràn ngập máy chủ của chúng tôi. Nhưng lần này thì khác. Tin tặc đã vào chiếm giữ toàn bộ trang mạng của chúng tôi, từ đó chúng đăng những thông điệp riêng của chúng trong logo HFG, ‘Tin tặc cho gái.’ Chúng đã ghép hình một cô gái khỏa thân vào logo HFG. Chúng tôi chiếm lại trang web và đăng bài đè lên những hình ảnh của chúng. Nhưng chúng sau đó đã chiếm lại và đăng bài đè lên nội dung của chúng tôi. Trong suốt hai tiếng, chúng tôi tranh giành trang mạng của chúng tôi! Bọn tin tặc đã vào chiếm giữ quyền điều khiển máy chủ và đã giữ đầu cầu vào đăng tin trên trang của chúng tôi. Một khi vào được đó, chúng có quyền quản trị và vận hành không khác thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi đã bàn đến chuyện loại bỏ hẳn trang mạng đó, nhưng tôi không đồng ý. Nhưng sau cùng thì xuất hiện những lý do buộc chúng tôi phải làm điều đó. Vậy là vào lúc 10 giờ 20 sáng, chúng tôi xóa bỏ trang web và cắt đứt những mối liên lạc đăng bài từ bên ngoài. Cung cách tin tặc lọt vào là do họ đã khai thác một con bọ kỹ thuật trong hệ điều hành Unix. Chúng tôi hủy bỏ trang chủ và xây dựng một trang mới từ những máy chủ trinh nguyên, vốn không nối kết với các điểm tiếp cận từ bên ngoài.”
Điều tôi thấy lý thú là những thông điệp bọn tin tặc đã đăng trên trang mạng của báo Times. Lời nhắn gửi đầu tiên là: “CHÚNG TAO NẮM VẬN MỆNH CỦA CHÚNG MÀY.” Một phần của lời nhắn được mã hóa bằng những kỹ thuật riêng của chúng. Lối viết tiếng Anh của “Hacking for girlies” được viết thành “H4CK1NG FOR G1RL3Z.” Có những âm được thay thế bằng số, như trong phần kết, chúng viết: “R3ST ASSUR3D, W3 WILL B3 BACK SOON.” [Chắc chắn sẽ còn gặp lại nhau].
Những tay tin tặc rõ ràng đã hí hửng, gần như Jesse James, trong cái cách cố chứng minh rằng chúng thông thái hơn cả một cơ cấu quyền lực toàn cầu – đại diện bởi The New York Times và trang web của nó. Lời nhắn của chúng có hàm ý rằng bạn có thể giàu có nhưng bạn không thể cạnh tranh với những bộ óc trong thế giới ngầm Internet, dẫu cho chúng không có nhiều quyền lực. Dường như chúng nói rằng những bộ óc của chúng cũng có giá trị ngang ngửa. Có lúc những tin tặc đã viết: “Chúng tao dùng toàn chữ hoa và không dùng thứ ngôn ngữ “thời thượng” không có nghĩa là chúng tao là trẻ con, hay cũng không có nghĩa là chúng tao không thể nắm giữ vận mệnh của chúng mày. Đối với những kẻ coi chúng tao là trẻ nhỏ, chứng tỏ có thêm một kẻ đánh giá thấp chúng tao. Hơn nữa, an ninh của chúng mày rồi giờ đây sẽ ra sao? Những “trẻ nhỏ” đã vượt qua được bức tường lửa trị giá 25.000 đô-la của chúng mày, vượt qua hệ thống quản trị mạng dày dạn kinh nghiệm và dày dạn văn bằng học hành trường lớp. Lêu lêu.”
Những kẻ tin tặc chỉ đòi hỏi một điều: đó là trả tự do cho Kevin D. Mitnick, một tin tặc khét tiếng đang bị cầm tù sau khi bị FBI bắt giữ vào tháng 2/ 1995. Mitnick, một thời bị truy lùng gắt gao trên toàn thế giới, đã bị buộc tội đã chiếm hữu hàng ngàn tập dữ liệu và ít nhất là 20.000 số thẻ tín dụng từ các máy vi tính trên toàn đất nước. Hoạt động trên một máy tính có modem nối với điện thoại di động của y, Mitnick đã bị bắt sau khi xâm nhập vào máy tính của Tsutomi Shimomura, một chuyên viên về an toàn máy tính nổi tiếng, nghiên cứu sinh trong Trung tâm Máy tính San Diego. Shimomura đã giúp đỡ cho một nhóm các kỹ thuật viên điện thoại và những nhà điều tra liên bang sử dụng thiết bị truy quét sóng điện thoại di động để truy tầm Mitnick.
Những tin tặc đó chẳng qua là những kẻ cực đoan trên Internet. Chúng có những tập tục riêng, tôn thờ những người hùng riêng, có ngôn ngữ riêng, có triết lý riêng và có nguồn động viên tinh thần riêng. Nhưng chúng không có một ý thức hệ chính trị nhất quán để có thể hình thành một hệ thống mới cho thế giới. Chúng giống như nhân vật Harpo. Những kẻ có thái độ nhưng không có ý thức hệ. Họ chỉ muốn phá những trật tự quyền lực hiện có. Họ muốn chứng tỏ rằng cái trật tự đó không kiểm soát được họ, và ngược lại, chính họ lại có thể kiểm soát được trật tự đó.
Đi lên một bước thang bạn sẽ thấy có những kẻ điên khùng hơn một chút và ham thích bạo lực hơn một chút. Giống như những du kích con hổ Tamil đã tấn công tòa đại sứ Sri Lanka ở Washington hồi tháng 9/1998. Tờ Washington Post kể lại câu chuyện đó: “Sau khi tòa đại sứ Sri Lanka mở một địa chỉ email thì những con hổ Tamil đã tìm ra một thủ đoạn khủng bố mới. Họ gửi liên tiếp đến tòa đại sứ các email dọa giết và những loại email rác rưởi – đến mức các viên chức trong tòa đại sứ không thể dùng được địa chỉ đó để giao dịch công việc được nữa. Một nhà ngoại giao gọi đó là ‘khủng bố bằng email.’” Câu chuyện kể tiếp rằng vào năm ngoái, tòa đại sứ đã phải mời đến một chuyên gia máy tính để lập một chương trình sàng lọc các loại email, đặc biệt lọc ra những email của Những con hổ Giải phóng Tamil Eelam (LTTE). Chiến thuật của những con hổ đó báo cáo về khủng bố toàn cầu của Bộ Ngoại giao xem là một mối đe dọa mới. Báo cáo nói đến một nhóm tự xưng là Những con hổ đen Internet, đã tấn công hồi tháng 8/1997, dùng “vũ khí” email và đã làm tê liệt hệ thống thư tín điện tử của các tòa đại sứ. “Nhóm này tuyên truyền trên Internet rằng họ là bộ phận tinh hoa của LTTE, có chuyên môn về ‘bom cảm tử email,’” Bộ Ngoại giao cho biết. Nhóm này đã dùng cái gọi là “Tên lửa email chống máy chủ,” xác định một địa chỉ email và dùng các biện pháp làm gián đoạn hoạt động đến mức người có địa chỉ đó phải hủy bọ toàn bộ kết cấu thư điện tử của họ.
Sau cùng, có những kẻ chống đối không những điên khùng mà còn hết sức ham bạo lực, và chúng không chỉ dùng có email. Đó là những Harpo có súng. Họ cảm thấy trên thế giới có một hệ thống quản trị, một hệ thống không bao giờ kết nạp họ. Trong quan điểm của họ, Hoa Kỳ, IBM, The New York Times, phố Wall và nền kinh tế toàn cầu là những bộ phận của một khối quyền lực cần bị đánh đổ. Những kẻ điên khùng đó bao gồm giáo phái Aum Shinrikyo (Chân lý Tối thượng) ở Nhật Bản, nhóm Osama bin Laden ở Afghanistan, Kẻ đánh bom nặc danh ở Hoa Kỳ và nhóm Ramzi Yousef ở New York. Aum Shinrikyo là người đã răn dạy cho những môn đồ của hắn một hỗn hợp gồm Ấn Độ giáo, Phật giáo và rất nhiều những lý thuyết trên thế giới có dính dáng tới Hoa Kỳ, người Do Thái và những nhà tư bản toàn cầu. Giáo phái này đã giết 12 người, làm bị thương vài ngàn người hồi tháng 3/1995 khi cho xả chất ga sarin độc hại trong một ga tàu điện ngầm ở Tokyo. Tuy nhiên, theo tờ The Economist, Aum Shinrikyo đã quy tụ được khoảng một tỷ đô-la tài sản và đã mua được một loại trực thăng tối tân của Nga để có thể rải chất độc hủy diệt. Osama bin Laden, một triệu phú người Ả rập Xê út, vào tháng 8/1998 đã chi trả cho những vụ đánh bom vào các tòa đại sứ của Mỹ ở Kenya và Tanzania, giết hơn 200 người. Hắn đã dùng điện thoại di động và trang mạng Jihad Online (JOL) để liên lạc với nhiều nơi trên thế giới. Tờ The New York Times đã đưa tin FBI đã tìm ra trong một máy vi tính cá nhân của Haroun Fazil, một trong những tay chân của bin Laden ở Kenya, một điện thư email trong đó mô tả người này theo dõi tình hình thế giới trên truyền hình CNN, dùng Internet để liên lạc với những thành viên khác trong mạng lưới của bin Laden. Trong email đó Fazil tự nhận là “phụ trách thông tin và truyền thông của khu vực Đông Phi.
Ramzi Yousef là kẻ cầm đầu vụ đánh bom tòa Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 26/2/1993, giết sáu người và làm bị thương hơn 1.000 người. Hắn có nguồn gốc từ một thế hệ những kẻ giận dữ trong thế giới thứ ba, những kẻ mong muốn làm những điều mà thế hệ cha chú của họ không làm được. Điều đó là đã hướng căm giận của họ vào phương Tây, trả thù cho những rối loạn mà phương Tây gây ra trong xã hội của họ. Họ làm điều đó bằng cách sử dụng công nghệ phương Tây trong khi không chấp nhận giá trị của phương Tây. Họ thích thú với ý tưởng sẽ hấp thụ toàn bộ kỹ nghệ mới, tiêu pha bằng thẻ tín dụng, trong khi tiếp tục giữ lối sống ẩn mình và khăn voan che mặt. Trong khi những kẻ cực đoan Internet chỉ dùng đến chuột máy tính và bọ vi tính làm vũ khí, thì Ramzi và đồng bọn sẵn sàng dùng thuốc nổ và xe tải để chở thuốc nổ. Nhưng họ cũng có một mục đích chung – nhổ vào bộ mặt Mỹ hóa-toàn cầu hóa và đạp đổ nó, sử dụng chính kỹ thuật của toàn cầu hóa để chống lại nó.
Ramzi Yousef thực sự là một kẻ Giận dữ được trao quyền tiêu biểu. Hãy xem xét về bản thân con người của hắn. Đường lối của hắn là gì? Ý thức hệ của hắn ra sao? Rốt cuộc thì hắn là người muốn làm nổ tung hai trong số những tòa nhà cao nhất nước Mỹ. Liệu hắn có muốn thành lập một nhà nước Palestine ở Brooklyn hay không? Hay một nước cộng hòa Hồi giáo ở bang New Jersey? Không. Hắn chỉ muốn làm nổ tung hai trong số những tòa nhà cao nhất của Mỹ. Hắn nói trước phiên tòa Liên bang ở khu Manhattan là mục tiêu của hắn là sẽ làm cho một tòa nhà nổ tung, rồi sập sang làm đổ nốt tòa nhà thứ hai, hòng giết 250.000 dân thường. Thông điệp của Ramzi Yousef chính là ở chỗ hắn không có thông điệp nào cả, ngoại trừ việc xé bỏ những thông điệp của Hoa Kỳ. Báo The Economist đã đăng “một thời những kẻ khủng bố “muốn gây tai họa khiến cho nhiều người biết và ngưỡng mộ nhưng không muốn nhiều người chết.”” Thời đó qua rồi. Ngày nay, những kẻ khủng bố muốn rất nhiều người chết. Chúng không muốn thế giới thay đổi. Chúng biết rằng sẽ không làm được điều đó, vậy thì chúng muốn phá phách được bao nhiêu thì cứ phá.
Tuy nhiên trong câu chuyện về Ramzi tôi thích một chi tiết đó là Mohammed Salameh, một trong những đồng bọn của của Ramzi, sau vụ nổ ở trung tâm thương mại, đã quay lại công ty cho thuê xe tải, nơi hắn thuê chiếc xe chở chất nổ. Salameh trước đó đã trả 400 đôla đặt cọc để thuê chiếc xe, và nay hắn muốn lấy lại số tiền đó, ngay cả khi chiếc xe đã bị hắn làm nổ tung. (Hắn giải thích với nhân viên ở đó là xe đã bị đánh cắp.) Đối với Salameh, thế giới có hai mảng khác biệt. Vào buổi sáng bạn có thể đánh bom trung tâm thương mại, giết được càng nhiều người càng tốt, đó là chân lý thiện thắng ác của bạn; đến chiều bạn đến đòi lại tiền, sử dụng những luật lệ của người Mỹ về vấn đề giao kèo. Đó là hình ảnh hay nhất cho thấy những kẻ điên khùng đã tận dụng công nghệ của thế giới hiện đại mà không cần phải chấp nhận giá trị của thế giới đó. Khi bị các công tố viên hỏi rằng vì sao Salameh đã quay lại đòi tiền đặt cọc – Ramzi Yousef trả lời cộc lốc: “Đồ ngu.” Quả thực Salameh đã giúp cảnh sát lần ra được Ramzi Yousef. Cảnh sát đã truy ra hắn ở Philippines. Họ vào căn hộ và tìm được chiếc máy tính xách tay Toshiba màu trắng của hắn bỏ lại và tìm được những kế hoạch mới của hắn trong ổ cứng của máy tính. Đó là vào tháng 1/1/995, trước khi hắn bị bắt giữ. Phần lớn trong bản án của chính phủ Mỹ dành cho Yousef là dựa trên những dữ liệu tìm thấy trong máy tính của hắn – bao gồm các lịch bay, giờ cho nổ và các tài liệu chứng minh danh tính trong đó có ảnh của một số đồng bọn. (ngoài việc gây nổ Trung tâm Thương mại Thế giới hồi năm 1993, hắn còn có kế hoạch đánh bom một loạt các hãng hàng không Mỹ ở Á châu vào năm 1995). Ramzi Yousef thực sự là một kẻ Giận dữ được trang bị tối tân – một tay giữ thuốc nổ tay kia cầm ổ cứng máy vi tính.
Stephen P. Cohen, chuyên gia về Trung Đông, cho biết điều đáng quan tâm về Ramzi Yousef và những kẻ đang nổi giận trong thế giới Ả rập ngày nay là “họ khi xưa vốn tin rằng họ cần phải lật đổ chính phủ của họ và chiếm quyền, trước khi ra thách thức Hoa Kỳ. Ngày nay họ đứng khiêu chiến với Hoa Kỳ trong tư cách cá nhân.” Toàn cầu hóa không những cho phép những người đó đích thân chống Mỹ. Toàn cầu hóa giúp họ có lý do cũng như nghị lực để làm điều đó. Lý do là việc đất nước của họ không còn đại diện cho cơ cấu quyền lực thực sự nữa. Cơ cấu quyền lực ngày nay mang tính toàn cầu. Chúng nằm trong tay siêu cường Hoa Kỳ và những siêu thị tài chính – chúng đứng ra sai khiến các chính phủ khác. Do đó nếu muốn đánh đổ toàn bộ hệ thống thì bạn phải đánh vào siêu cường đó và các siêu thị đó; không cần động đến những chính phủ như ở Pakistan hay Ai Cập làm gì.
Những điều làm cho những kẻ Giận dữ được trang bị tối tân đó bực dọc không chỉ bao gồm thực tế cho thấy Hoa Kỳ có công nghệ tiên tiến, mà còn ở chỗ Hoa Kỳ tự nhận rằng họ có những hệ giá trị tiên tiến. Trong khi đó thì quan điểm của những kẻ điên khùng đó cho rằng giá trị của Hoa Kỳ chỉ là chủ nghĩa thực dụng lạnh lẽo và lòng ham muốn khôn cùng đối với công nghệ. Đoạn đối đáp sau đây diễn ra vào phần cuối của phiên tòa xử Ramzi Yousef, giữa chánh án Kevin Thomas Duffy và bị can. Một kẻ Giận dữ được trang bị tối tân chống lại một siêu cường.
Ramzi Yousef: “Ông cứ nói mãi về sự trừng phạt tập thể và giết chóc dân thường… Bản thân các ông là người đi đầu trong việc giết những người vô tội, và các ông là người đầu tiên reo rắc khủng bố vào lịch sử nhân loại khi ném một trái bom nguyên tử giết hàng chục ngàn phụ nữ và trẻ em ở Nhật Bản và khi dùng bom cháy giết hơn 100.000 người, phần lớn là dân thường, ở Tokyo. Các ông đã đốt họ đến chết. Và các ông đã dùng hóa chất, gọi là chất độc màu da cam, giết dân thường ở Việt Nam. Các ông đã giết dân dân thường và những người vô tội, không phải binh lính, trong mỗi cuộc chiến mà các ông tham gia. Mỹ tham chiến nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trong thế kỷ này, vậy mà giờ đây còn cả gan nói về chuyện giết chóc dân thường vô tội. Và giờ đây các ông đẻ sáng chế ra nhiều cách thức giết hại dân thường. Các ông có cái gọi là trừng phạt kinh tế, mà có thể giết chỉ trẻ em và người già. Ngoài Iraq, các ông đã áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Cuba và nhiều nước khác trên 35 năm nay. Công tố viên Chính phủ, trong phần mở đầu và kết thúc của bản án đã gọi tôi là một ‘kẻ khủng bố.’ Vâng, tôi là một kẻ khủng bố, và tôi tự hào về điều đó. Và tôi ủng hộ khủng bố khi mà điều đó chống lại chính phủ Hoa Kỳ và Israel, vì các ông còn tồi tệ hơn những kẻ khủng bố; các ông là người đã phát minh ra khủng bố và sử dụng khủng bố hàng ngày. Các vị là những kẻ sát nhân, dối trá và đạo đức giả.”
Chánh án Kevin Thomas Duffy đã đáp lại – tựa như đã đòi hỏi Yousef hãy nuốt lấy những cơn giận của hắn: “Ramzi Yousef, anh tự nhận là một chiến binh Hồi giáo. Trong số những người bị giết hay bị hại trong vụ nổ bom Trung tâm Thương mại Thế giới, anh không chỉ ra được một ai trong số họ đã chống lại anh hay chống lại sứ mệnh của anh. Anh không quan tâm, miễn làm sao giết và làm bị thương càng nhiều người càng tốt. Ramzi Yousef, anh không đáng là một người dương ngọn cờ Hồi giáo. Đức chúa của anh là thần chết. Đức chúa của anh không phải là thánh Allah… Anh không phải là người truyền giáo. Điều duy nhất anh muốn làm là gây chết chóc. Đức chúa của anh không phải là thánh Allah. Anh tôn thờ cái chết và sự phá hoại. Những gì anh làm không phải vì đức Allah; anh làm những điều đó chỉ để thỏa mãn cái tôi méo mó của anh. Anh có thể đã khiến cho những người khác coi anh là một người lính, nhưng những vụ tấn công vào nền văn minh, mà nhờ có nó anh được đứng đây để chịu luận tội, mang mục đích lén lút và để giết chóc những người dân hoàn toàn vô tội… Ramzi Yousef đến đất nước này làm ra vẻ là một phần tử Hồi giáo chính thống, nhưng anh chỉ quan tâm rất ít hay không quan tâm đến Hồi giáo hay lòng tin của dân Hồi giáo. Thay vào đó, anh không chấp nhận thánh Allah, mà chấp nhận thứ quỷ dữ mà anh đã hóa thân vào. Và tôi phải nói là trong thân xác của quỷ dữ anh đã có hành động đúng nghĩa quỷ dữ.”
Đối với những người như Yousef thì liệu có lời bào chữa nào dành cho họ không? Thật lý tưởng nếu có những niềm tin cho rằng với những đường lối văn hóa hay kinh tế hay xã hội đúng đắn thì có thể xóa đi những hằn thù và giận dữ trong những lớp người cảm thấy bị Mỹ hóa-toàn cầu hóa đè nén. Những người như Ramzi Yousef đã chịu mất mát nhiều hoặc có những hằn học đến cực độ. Sự thông cảm hay những chương trình xã hội sẽ không cải hóa được họ. Bao giờ cũng có những phần tử cực đoan như Yousef. Giải pháp duy nhất là phải cô lập những kẻ cực đoan đó ra khỏi xã hội lớn. Phương pháp duy nhất là giúp cho các xã hội trên thế giới và các thành viên của chúng được tận hưởng và chia sẻ lợi ích của toàn cầu hóa. Tôi sẽ giải trình việc này trong những chương cuối của cuốn sách.
Tuy vậy, chúng ta không nên có ảo tưởng. Những kẻ điên khùng được trang bị tối tân vẫn đang tồn tại và chúng đại diện cho những đe dọa trực tiếp nhất nhằm vào Hoa Kỳ và sự ổn định của toàn bộ hệ thống. Điều đó không có nghĩa Ramzi Yousef có thể trở thành một siêu cường. Không, không, không. Điều đó có nghĩa là trong thế giới ngày nay có rất nhiều người có thể trở thành những Ramzi Yousef.
@by txiuqw4