sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Phòng ăn của luật sư Đenmax nóng bức và bữa ăn do bà nấu bếp già và chung thủy dọn lên vẫn như hồi trước chiến tranh.

Ngồi giữa ông Luych, bác nàng và Philip, người anh họ vừa học xong trường Luật và giúp việc văn phòng ông bố, Lêa cảm thấy mỗi lúc một thêm khó chịu.

- May mà ba tôi là bạn của ông quận trưởng; nếu không, bà đờ Acgila có cơ nằm mấy tháng trong nhà tù.

- Anh, một luật sư, anh thấy bỏ tù một người không làm gì hết là chuyện bình thường hay sao?

- Bà ta có thể không làm gì hết, nhưng chồng bà ta bị cảnh sát truy nã ra trò.

- Cảnh sát nào? Cảnh sát Pháp hay Đức?

- Cô biết rõ là họ hợp tác với nhau.

- Khó gì mà không biết...

- Thôi các con, đừng cãi vã nhau nữa. Lêa, cháu có thái độ đó là sai đấy. Ở Boócđô này, người ta chỉ tuân theo chỉ thị của ngài thủ tướng. Một cách xử sự khác đều trái với lợi ích đất nước. Bằng sự lựa chọn của mình, thống chế Pêtanh đã tránh cho nước Pháp khỏi tình trạng bận rộn và vô chính phủ của cộng sản, không kể là đã cứu vớt được hàng chục nghìn sinh mạng...

- Bác Luych, bác quên mất rằng ở đây, biết bao sinh mạng, như bác nói, đã chẳng có ý nghĩa gì và hàng chục con tin đã bị hành quyết.

- Đấy là hệ quả tai hại của những hành vi kẻ cướp của những kẻ vô trách nhiệm...

- Bác! Sao bác dám nói như vậy khi những người như bác Ađriêng và Lôrăng đờ Acgila...

Luật sư Đenmax đứng vụt dậy dột ngột chiếc ghế nặng nề đổ nhào. Giận dữ, ông ta ném khăn ăn lên mặt bàn.

- Bác không muốn nghe nói tới anh trai bác nữa. Đối với bác, ông ấy chết rồi, bác đã nói vậy mà. Còn về Lôrăng đờ Acgila, thì bác không hiểu việc gì đã xảy ra với anh ta, nhưng anh ta vốn là một sĩ quan tốt. Tạm biệt, cháu đã làm bác mất ngon miệng.

Luych Đenmax bước ra và đập mạnh cửa. Lêa uống hết cốc vang.

- Để cho ba tôi rơi vào tình trạng như vậy thì thật là độc ác suốt đêm ông sẽ không ngủ đâu.

- Một chút mất ngủ chẳng sao. Bác ấy có thể suy nghĩ về những điều bác làm sau chiến tranh sau khi bọn Đức thất trận.

- Cô em tội nghiệp! Không phải ngày một ngày hai đâu, cô hãy quan tâm tới đám tình nhân của cô hơn là tới những việc liên quan đến con người.

- Anh Philip tội nghiệp! Anh vẫn ngốc nghếch thế à! Vẫn chỉ có thể nhìn sự đời qua đôi mắt của bố anh thôi à! Pierô thì đã hiểu ra. Anh ấy đã bỏ đi.

Đến lượt gã anh họ nàng đứng vụt dậy, mặt bỗng biến sắc.

- May sao cô không nói tới em trai tôi trước mặt ba tôi, nếu không tôi đã quẳng cô ra ngoài.

Lêa nhún vai và hỏi:

- Anh ấy ở đâu? Anh có biết tin anh ấy không?

- Nó bị tù ở Tây Ban Nha.

- Bị tù?...

- Đúng, và đích đáng lắm. Ba tôi suýt chết ngất khi tìm thấy trong phòng lá thư báo tin nó có ý định sang Bắc Phi để nhập ngũ.

- Dĩ nhiên, anh thì không bao giờ làm như thế.

- Cô cứ chế giễu đi. Nếu không có cái gương xấu của bác Ađriêng thì không bao giờ thằng bé có thể ra đi. May sao nó bị bắt trước khi sang đến Marôc...

- May sao!...

- Đúng thế, ba tôi có bạn bè làm luật sư ở Mađrit giúp ông cho nó về nước.

- Rồi anh ấy lại sẽ đi thôi.

- Tôi không tin. Người ta đâu có dễ dàng ra khỏi một trường dòng, nhất là khi người cha nhấn mạnh yêu cầu phải cứu vớt một linh hồn đang lâm nạn!

- Biện pháp cưỡng bách đến thế à!

- Cần thiết trong tình hình hiện nay, cô bạn ạ. Cô nên theo gương anh con trai ông lão coi hầm rượu của nhà cô thì hơn.

- Machiax ấy à?

- Đúng, anh con trai lão Phaya tuy nguồn gốc thấp kém nhưng xử sự tốt hơn nhiều chàng trai trong giới chúng ta đó.

- A! Quả là lắm xử sự tốt! Anh thật lố bịch, anh bạn già ạ, anh nói chẳng khác cô Becnađet tí nào. "Những chàng trai trong giới chúng ta!" Giới chúng ta là vứt đi rồi, bị quét sạch rồi, vĩnh viễn tan tành rồi. Anh và bọn các anh là những kẻ sống thừa, những con khủng long thôi...

- Khủng long hay không thì không biết, nhưng chính nhờ những con người như bọn này mà đất nước còn đứng vững.

- Anh cho sống bị chà đạp dưới ách bọn Đức và liếm gót giày chúng là đứng vững à?

- Tôi thấy cô quá nghe bọn Đài Luân Đôn đấy. Yên ổn trên hòn đảo của họ, họ kêu gọi tất cả bọn ăn không ngồi rồi thân cộng trên đất nước khốn khổ chúng ta nổi loạn.

- Anh quên những vụ ném bom hàng ngày trên đất Anh mất rồi.

- Không bao giờ đủ đối với bọn Anh khốn kiếp ấy.

- Anh, một người dân Boócđô, anh nói như vậy về những người anh em à!

- Cô thật chán ngấy, cô ngốc ơi!

Lại vẫn là tình trạng không hiểu nhau, những sự cãi vã những lời chửi rủa như lúc họ còn bé.

Lêa định bỏ mặc Philip ở đấy và đi ngủ, nhưng mấy lời của hắn về Machiax khiến nàng băn khoăn.

- Anh muốn nói thế nào về Machiax đấy?

- Là những ngày ở Đức đã làm anh ta khôn ngoan ra và thay vì ngồi ngắm nghía cô với đôi mắt chết mê chết mệt, anh ta đã trớ thành một người có thể trông cậy được.

- Anh muốn nói gì thế?

- Giảng giải cho cô thì rắc rối lắm, sau này cô sẽ thấy rõ. Bây giờ muộn rồi. Mai tôi phải vào tòa án sớm, chúc cô ngủ ngon. Cô ngủ ở phòng Côrin ngày trước ấy. Cô nhớ tắt đèn trước khi lên gác.

- Chúc anh ngon giấc.

Lêa ngồi trầm ngâm một lúc lâu, tay chống cằm, băn khoăn mãi, không biết Philip muốn nói gì về Machiax.

Sáng hôm sau, luật sư Đenmax và Lêa đến trại tập trung Môrinhac tìm Cami. Người thiếu phụ ốm yếu tới mức một gã hiến binh phải bế nàng ra tận xe ông luật sư. Làm xong mọi thủ tục hành chính, họ rời trại trước con mắt hững hờ của mấy người tù đang thơ thẩn dưới trời mưa lạnh.

Nửa ngồi nửa nằm phía sau xe, Cami nhìn cánh cổng trại lởm chởm dây thép gai mở ra trước mắt chị, nhưng quá mệt mỏi không còn đủ sức cảm thấy mừng vui nữa.

Lêa đạp xe hết tốc độ trên con đường dốc phía sau nhà thờ, đi qua trước hang động, theo con đường mòn dọc sông Garon và gặp đường cái chạy từ La Rêôn đến Gaya.

Đến trước trạm gác ở đường giới tuyến, nàng thấy cây chắn đường không nằm ngang như trước, nhưng vẫn dừng lại và xuống xe. Một người lính Đức già bước ra khỏi trạm gác.

- A! Cô tiểu thư xe đạp màu xanh, đã lâu không thấy cô qua đây. Cô không phải dừng xe nữa, bây giờ qua lại tự do rồi. Chúc cô thượng lộ bình an.

"Đúng thế" Lêa nghĩ bụng trong lúc trèo lên xe "mình quên khuấy mất là từ cuối tháng Hai, không còn đường giới tuyến nữa"..

Vì muốn làm yên lòng Cami và cả chính nàng, Lêa quyết định đi La Rêôn hỏi hai ông bà Đơbray xem họ có tin tức gì về Lôrăng và có thể chuyển thư cho anh ấy không. Bà già Ruyt ra sức can gián, bảo nàng đi như vậy là nguy hiểm, chẳng những cho nàng, mà cho cả những người nàng muốn đến gặp. Lêa đáp là nàng biết lắm, nhưng không thể không có tin tức về số phận của Lôrăng lâu hơn nữa.

Lêa đạp rất nhanh xuống dốc trước khi tới thành phố, lên cầu, nàng gặp ba chiếc xe hơi đen và hai camiông quân sự, bọn lính Đức ngồi trong xe giơ tay vẫy nàng. Sự gặp gỡ bất thần làm chân cẳng nàng rã rời.

Nàng đẩy xe lên dốc, lòng mỗi lúc một thêm buồn bã. Khi qua quảng trường Gabrien Lenhô, một nhóm đông người có vẻ đang sôi động bỗng lặng im khi nàng đi qua. Nàng vừa bước đi chưa được vài mét thì một người đàn ông vượt lên trước và không nhìn nàng bảo:

- Cô tới quảng trường Xanh Pie, rồi đến nhà số 1, đường nhà máy nước đá. Cô vào nhà và chờ tôi.

Giọng nói của người lạ mặt béo lùn mặc quần áo lao động và đội cát két màu xanh nước biển có một uy quyền lớn tới mức không suy nghĩ, Lêa bước vào đường phố Nuyma Đuycrôn. Tới phố nhà máy nước đá, nhà số 1 không đóng cửa. Nàng vào nhà, chưa đầy năm phút sau, người đàn ông đội cát két cũng vào.

- Cô ở lâu đài Môngtiac, gần Xanh-Mexăng phải không?

- Phải.

- Cô tới La Rêôn làm gì?

"Dính dáng gì tới ông ta nhỉ?" - Nàng nghĩ bụng.

- Cái đó không liên quan gì tới ông.

- Cô chớ làm bộ kiêu hãnh, tôi muốn tránh phiền hà cho cô đấy thôi.

- Phiền hà gì?

- Bị quân Đức bắt chẳng hạn.

Lêa khiếp đảm. Nàng ấp úng:

- Vì sao họ bắt tôi?

- Họ vừa bắt hai người bạn tôi mà cô có quen biết.

- Ông bà Đơbray phải không?

- Phải. Và cô bé này, khéo không cô bị ốm đấy.

Người đàn ông chộp lấy một cánh tay Lêa, dìu nàng ngồi xuống tam cấp.

- Ximon, - ông kêu to - cho nhanh một cốc nước lã.

Cánh cửa vụt mở, một thiếu phụ mặc áo khoác kẻ ô vuông nhỏ màu xanh xuất hiện, tay bưng một cốc nước.

- Có gì thế, Giăc?

- Cần nước cho cô đây, cô bị mệt. Cô là bạn của ông bà Đơbray.

- Ôi! Tội nghiệp?... Đây, cô uống đi.

Hai bàn tay run run cầm lấy cốc, cổ họng tắc nghẹn Lêa chỉ nuốt được chút nước.

- Việc gì xảy ra thế - Cuối cùng nàng lầm bầm một cách khó khăn.

- Cô đừng ngồi đấy. - Ximon bảo - Mời cô vào trong này.

Với thái độ thân thiện, bà ta dìu Lêa đứng dậy. Họ bước vào một gian bếp, một nồi xúp bắp cải đang sôi âm ỉ trong lò. Họ ngồi quanh bàn trên hai chiếc ghế đôi.

- Việc gì xảy ra thế - Lêa hỏi lại, giọng đã rắn rỏi hơn.

- Chắc hẳn họ bị tố giác. Rạng sáng hôm nay, hai chục lính Đức và mấy thằng Pháp khốn nạn mặc thường phục đến bao vây nhà. Một anh bạn trên đường ra ruộng nho đã nấp kín khi thấy chúng. Bằng loa phóng thanh một đứa mặc thường phục bảo họ ra khỏi nhà nếu không hắn sẽ ra lệnh bắn. Một lát im lặng, rồi bỗng nghe thấy tiếng hai phát đạn từ trong nhà. Thế là bọn Đức bắn xối xả như điên. Khi chúng thôi bắn thì khói xanh bốc mù mịt. Hai đứa mặc thường phục, lăm lăm súng ngắn, xông vào nhà. Ngay sau đó, chúng ra khỏi nhà, nắm vai kéo bà Đơbray. Người đàn bà tội nghiệp mặc áo ngủ, mái tóc dài màu muối tiêu, vấy máu, quét mặt đất. Chúng để bà đứng tựa lưng vào một gốc cây rồi quay vào nhà. Khi trở ra, chúng xốc nách ông Đơbray. Mặt mũi ông đầm đìa máu.

Bọn chúng đưa hai ông bà ấy lên một chiếc camiông.

"Chắc hẳn một trong những chiếc xe mình gặp lúc nãy và trên xe bọn lính đang cười nói". - Lêa xót xa nghĩ bụng.

Bỗng có tiếng gõ cửa và một người hiến binh bước vào.

Lêa sững sờ nhìn hắn.

- Cô đừng sợ, anh ấy là người của ta đấy. - Rồi ông ngoảnh sang người mới tới - Anbe, đây là cô cháu gái ông tu sĩ, cô ấy định tới nhà Đơbray. Cậu có nhớ không, ông bà ấy đã nói về cô ấy với chúng ta mà.

- Cô thoát khỏi tay chúng, thật là may. Chúng cài người lại để không cho dân chúng tới gần và bắt giữ những người khả nghi.

- Có chắc là ông Đơbray chết rồi không?

- Theo các bạn đồng nghiệp của tôi thì chắc thế. Dẫu sao, ông ấy ra nhiều máu quá nên nếu không được cứu chữa thì khó sống. May sao tình cờ trong mấy ngày qua không có bạn bè ngủ lại nhà họ. Lão Terip này, tôi muốn hỏi lão một chút, được không?

Hai người đàn ông đi ra.

- May sao Terip nhận ra cô. - Ximon bảo Lêa.

- Terip là ai thế?

- Ông lão làm nghề mộc, lão là một người ghê gớm lắm. Chính lão mang điện đài đến nhà Đơbray đấy.

- Bà cũng kháng chiến đấy à?

Ximon bật cười.

- Quan trọng quá đấy. Cùng với một vài chị em ở đây và trong vùng, chúng tôi chuyển thư từ, thỉnh thoảng cả vũ khí, chúng tôi che giấu các phi công hoặc các trẻ nhỏ Do Thái; nấu xúp cho những người trong đêm khuya nhảy dù xuống.

- Các bà không sợ à?

- Không, chúng tôi không nghĩ tới điều đó; vả lại, có những người đàn ông như Anbe Rigulê và Terip, chúng tôi cảm thấy an toàn.

- Ngay cả bây giờ, sau những việc vừa xảy ra?

- Việc đó tất yếu phải xảy ra. Tất cả những ai có điện đài trong nhà đều biết chuyện gì sẽ xảy tới với họ, và vợ chồng ông Đơbray biết rõ hơn ai hết. Đều làm tôi ngạc nhiên là những con người ngoan đạo như họ mà lại muốn tự sát.

- Họ không còn cách nào khác. - Giắc Terip từ ngoài bước vào, nói - ông Đơbray dù bị tra tấn cũng sẽ không nói nửa lời, tôi tin chắc như vậy, nhưng nhìn thấy vợ đau đớn, có lẽ ông không sao chịu nổi. Nếu có một Thượng đế tốt bụng, chắc hẳn Người sẽ tha thứ cho ông. Thế nào, Ximon, bà có gì cho chúng tôi uống chút ít chứ!

- Ôi, tai họa làm tôi quên cả phép lịch sự.

Ximon lấy từ tủ ra một chai vang uống dở và bốn cái cốc.

- Ra thôi, Rigulê trở về sở hiến binh rồi. - Và ông quay sang Lêa - Bây giờ biết chúng tôi là ai rồi, cô có thể cho chúng tôi biết cô định đến nhà Đơbray làm gì không và cô có báo trước cho ông bà ấy không?

- Không tôi không báo. Tôi định đến hỏi ông bà ấy có biết tin tức về một người bạn không và họ có thể tìm gặp người đó không.

- Người bạn nào?

Lêa ngập ngừng. Nên nói tên ai?

- Lôrăng đờ Acgila.

- Tôi biết anh ấy.

- Ông có biết anh ấy ở đâu không?

- Có.

- Ông dẫn tôi đi nhé!

- Dẫn đi thì không được đâu, nhưng tôi có thể chuyển thư cho anh ấy.

- Ông nói giùm với anh ấy rằng chị ấy sức khỏe đã khá hơn nhưng vẫn rất yếu, rằng nhà bị kiểm soát và anh ấy cần cho tôi biết tin tức.

- Tôi sẽ nói. Cô vừa bảo là nhà cô bị kiểm soát, vậy có chắc là trên đường tới đây, cô không bị theo dõi không?

- Hoàn toàn chắc. Nhưng bây giờ tôi phải về, không nên ở lại quá lâu.

- Bây giờ đến lượt cô, cô có thể chuyển một chút tin không?

- Tin gì?

- Đến Xanh-pie Đôriac, cách nhà thờ không xa, cô sẽ gặp một tiệm cà phê có một dàn nho đẹp. Cô sẽ hỏi LaPariôccađơ, người ta sẽ chỉ cho cô ông ta ở đâu. Khi gặp ông ta, cô sẽ nói: "Con chó Ôxtăngx rất khỏe".

- "Con chó Ôxtăngx rất khỏe" à?

- Ông ta hiểu thế có nghĩa là thế nào. Cô bảo ông ta chớ quên báo cho những người ở Pari biết.

- "Con chó Ôxtăngx rất khỏe". Tôi hiểu rồi.

- Cảm ơn cô. Cô đã giúp tôi một việc lớn. Khi có tin gì báo cho cô thì theo mật danh gì?

- Ecduypêrăngx.

- Giống như tên nữ thánh ở Vecđơle. Lần đầu tiên tôi nghe cái tên ấy là từ miệng ông bác cô. Bác Ađriêng ấy à. Bác ấy có khỏe không?

- Rất khỏe. Ông động viên lớp trẻ và thường tiễn những người tìm cách sang Tây Ban Nha.

- Ông có nghe nói Luyxiêng, anh họ tôi, ở cùng bác ấy không?

- Lulu ấy à. Cái anh chàng cài bom chứ gì? Dĩ nhiên là có.

- Tôi thiết tha nhờ ông nói với bác tôi là tôi cần gặp bác. Có việc rất quan trọng.

- Tôi sẽ nói. Bây giờ cô về đi. Ximon sẽ tiễn cô ra tận cửa ô thành phố. Cô hãy thận trọng. Nếu có gì trục trặc, thì cô gửi một bưu thiếp đến xưởng mộc tôi và ghi "cửa đóng không khít", chúng tôi sẽ hiểu. Tạm biệt.

Đêm tháng Tư trời mù mịt. Mưa suốt ngày và gió bấc lạnh lay động những cành tiêu huyền trên đường. Ngồi trong bếp trước ngọn lửa gốc nho, Lôrơ và Lêa chơi bài, bà Ruyt khâu vá, Cami đan len, còn Becnađet Busactô thì đã đi ngủ. Chỉ có ánh lửa soi sáng gian bếp và ba người đàn bà phảng phất như những nhân vật trong một bức tranh của Gioocgiơ đờ La Tua.

Tiếng gió rì rào, tiếng lửa tí tách, tiếng kim khâu và tiếng que đan va vào nhau, tiếng cười của hai cô gái chơi bài làm tăng thêm cảm giác yên tĩnh và hạnh phúc gia đình. Chiến tranh như ở tận đâu đâu.

Một luồng gió làm Cami giật mình. Chị đặt chiếc áo đang đan dở lên đầu gối và buộc chặt thêm tấm khăn choàng lên người. Ánh mắt chị hướng ra cửa. Cửa hé mở, chắc hẳn vì gió. Tuy mệt, chị vẫn đứng dậy đi đóng cửa. Chị vừa đặt tay lên núm cửa thì cánh cửa mở toang, động vào ngón tay chị. Cạnh lò sưởi, mấy người đàn bà sững sờ.

Một người đàn ông quần áo ướt sũng dìu một người khác, lấy chân ẩy cửa, bước vào.

- Nhanh lên... giúp tôi một tay.

- Cami, cô lùi ra và ngồi xuống, vướng lắm. Bà Ruyt và Lôrơ, giúp một tay nào.

Được mọi người giúp đỡ, người đàn ông đặt người kia lên bàn. Rồi, ra vẻ thông thạo, bật điện lên.

- Luyxiêng! - Lôrơ và Lêa cùng kêu lên.

- Cậu ấy mất nhiều máu. Bà Ruyt, bà đi lấy hộp thuốc cấp cứu.

- Vâng, thưa cha.

- Bác Ađriêng!

- Các cháu, bây giờ không phải là lúc bày tỏ tình cảm. Lêa, phải đi Vecđơle mời bác sĩ Blăngsa.

- Có thể dùng điện thoại chứ bác?

- Không, bác ngán điện thoại lắm.

- Vậy được, cháu xin đi.

- Cháu đi qua Benlơvuy, bác không muốn gia đình Phaya ngờ vực gì cả. Bác thấy nhà họ sáng đèn.

Một tiếng sau, Lêa dẫn thầy thuốc về. Ông lầm bầm về "cái thời tiết chết tiệt" này.

- Ông Phêlix, lần khác ông hãy oán giận thời tiết, bây giờ ông chăm sóc giúp thằng bé.

Bác sĩ Blăngsa cởi chiếc áo mưa cũ kỹ ra và bước tới cạnh Luyxỉêng: hai bàn tay cậu ta bọc trong một lớp giẻ đẫm máu. Với những động tác chính xác, ông tháo lớp băng tạm thời ấy ra.

- Trời đất! Ai làm thế này?

- Một quả bom.

- Thế nó làm gì với bom.

- Nó chế tạo bom.

Trước cái lý do mà chắc hẳn ông cho là thỏa đáng này, người thầy thuốc không hỏi gì thêm nữa. ông xem xét vết thương.

- Phải đưa cậu ta vào viện.

- Không thể được. Bệnh viện sẽ báo cho cảnh sát và cảnh sát sẽ báo cho bọn Giextapô.

- Bàn tay phải cậu ta dập nát hết rồi, phải cắt bỏ đi.

Gương mặt lấm láp bùn và cáu ghét của Ađriêng Đenmax tái nhợt đi.

- Ông chắc như vậy à?

- Ông nhìn xem, chỉ còn là một mớ bùng nhùng.

Tội nghiệp thằng bé... để tôi đi tìm mẹ nó.

- Không đâu, bà Ruyt! Chị tôi sẽ kêu la, khóc lóc, đánh động hàng xóm. Ông Phêlix, chúng tôi xin giúp ông một tay, ông bảo chúng tôi phải làm gì nào.

- Nhưng vấn đề không phải là tự tôi cưa tay cho thằng bé. Lần cuối cùng trước đây tôi cưa tay cho một người là trong năm 17 trong một bệnh viện dã chiến. Tôi là một thầy thuốc nông thôn, chứ đâu phải là một nhà phẫu thuật.

- Tôi biết, song không thể nào làm khác. Nếu Giextapô vớ được thì chúng sẽ tra tấn nó cho tới khi nó tố giác bạn bè và sau đó giết chết hết tất cả.

Blăngsa nhìn những người xung quanh, những người bạn xưa, rồi nhìn chàng trai bất tỉnh mà ông đã từng thấy lớn khôn và hiện đang mất máu.

- Đồng ý. Ông hãy cầu Chúa cho tay tôi khỏi run, và đun nước sôi đi. May sao tôi có mang theo đủ đồ nghề. Tôi hy vọng dao mổ chưa bị rỉ. Bà Ruyt, ông Ađriêng và Lêa, hãy giúp tôi một tay. Còn cô Cami, cô đi nằm đi. Cô không chịu đựng được đâu. Lôrơ, cháu hãy săn sóc cô ấy.

Lêa sẵn sàng đổi hết mọi thứ trên đời để khỏi phải có mặt. Nhưng nàng vẫn cho miếng gạc thấm thuốc mê lên mũi cậu anh họ mà không hề run tay.

Nàng sẽ không bao giờ quên tiếng cưa xương.

Trong lúc phẫu thuật, Luyxiêng cất tiếng rên rỉ một hai lần. Khi bác sĩ Blăngsa băng múi băng cuối cùng thì chàng trai hai mươi tuổi đã mất đi bàn tay phải và hai ngón bàn tay trái.

Ngày hôm sau, anh tỉnh dậy vào giữa trưa và thấy những gương mặt lo âu của mẹ, của bác và của bác sĩ Blăngsa cúi xuống phía trên giương. Anh mỉm cười và nói:

- Trước đây, con đã quên mất không còn biết thế nào là một cái giường êm nữa.

Becnađet Busactô quay mặt đì để giấu những giọt lệ. Buổi sáng, bà đã làm cho mọi người ngạc nhiên về thái độ bình tĩnh của mình khi nghe tin con phải cưa tay. Ai nấy cứ nghĩ bà sẽ kêu la, sẽ ngất xỉu. Nhưng chỉ có những giọt nước mắt và mấy tiếng:

- Ơn Chúa? Nó vẫn sống.

Luyxiêng, phát một cử chỉ về phía bà mẹ.

- Mẹ?...

- Con ơi con nằm yên. Con đã mất nhiều máu. Con cần tuyệt đối nghỉ ngơi. Bác sĩ Blăngsa bảo thế.

- Bàn tay cháu không có gì quá nghiêm trọng chứ thưa bác sĩ?

Mọi người cúi đầu. Bà mẹ cất lên một tiếng rên rỉ.

- Sao bác sĩ không nói gì hết?

Cái bàn tay bị băng bó mà chàng trai thử nhấc lên nó nặng nề biết chừng nào... Bị băng bó lại thế này, trông hình thù nó thật kỳ lạ.

Đứng phía sau cửa, Lêa cảm thấy như nghe tiếng kêu của Luyxiêng. Đấy chính là tiếng kêu suốt đêm đã nện vào hai thái dương nàng: KHÔNG!... KHÔNG... KHÔNG...KHÔNG... KHÔNG...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx