sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 24

Môrix Phiô ngạc nhiên hơn là ngờ vực khi thấy cha Đenmax xuất hiện trước ngưỡng cửa. Liếc nhìn nhanh ra ngoài đường, ông ra lệnh cho những người đi hộ vệ để ông ở lại một mình.

- Thưa cha, tôi không có gì phải lo bên cạnh một ông giáo sĩ phải không ạ? - Hắn vừa hỏi vừa cười, vẻ giễu cợt - Cha muốn gì tôi?

- Đức sẽ thất trận. Những kẻ như anh sẽ bị bắn thôi. Trong lúc chờ đợi chúng tôi cần đến các anh. Những người ở Luân Đôn cử tôi đến đề xuất với anh một việc. Nếu anh chấp nhận thì mạng anh có thể được cứu sống.

Phiô nhìn ông giáo sĩ, vẻ nghi ngờ.

- Ai xác nhận cho tôi đây không phải là các ông giăng bẫy?

Ađriêng Đenmax khinh bỉ nhìn hắn.

- Tôi hứa danh dự với anh. Mối quan tâm của tôi là tiết kiệm mạng con người. Chúng ta hẵng ra ngoài một lát Tôi không muốn đồng bọn của anh nghe những điều tôi nói.

Môrix Phiô lưỡng lự rồi bỗng quyết định.

- Tùy ý cha... nhưng tôi bắt buộc cho người đi theo...

- Ở địa vị anh, thì tôi không làm như thế.

- Thế tôi có kiếm chác được gì không?

- Có thể. - Ađriêng Đenmax đáp, trong lúc khó giấu nỗi sự tởm lợm.

- Vậy chúng ta đi. Dẫu sao tôi cũng đã đủ lớn để tự bảo vệ mình. - Môrix Phiô vừa nói vừa chìa ra một khẩu súng ngắn tự động ra vẻ uy hiếp.

Bước xuống bậc thang, họ gặp hai gã trẻ tuổi đứng hút thuốc lá trên tam cấp.

- Nếu sau một tiếng tôi không trở về thì các anh báo cho ông cảnh sát trưởng Poanhxô. Bảo ông ấy là tôi có cuộc hẹn gặp với một nhân vật kháng chiến trọng yếu, người chúng ta đã để xổng mất ở trại Mêrinhac, ông ta sẽ biết tôi muốn nói tới ai.

- Anh không cần có người đi theo?

- Không cần.

Vào buổi chiều mồng 9 tháng Sáu này trời rất oi bức.

Đường phố ở cửa ô Đigiô có phần tấp nập: giờ tan công sở. Mấy đứa trẻ xanh xao lội bì bõm trong rãnh nước.

- Chúng ta đi đâu?

- Ra ngoài bến cảng, ở đấy tĩnh mịch hơn.

Môrix Phiô tỏ vẻ ngập ngừng.

- Tôi đã hứa danh dự với anh. - ông giáo sĩ nói, vẻ khinh khi.

- Chắc điều ông muốn nói với tôi phải quan trọng lắm ông mới phiêu lưu để mình có thể bị lộ và bị bắt như thế này. Ông có gặp cô cháu gái xinh đẹp không? Người ta bảo tôi cô ta chơi cái trò chiến tranh đâu ở phía trên La Rêôn hay sao ấy... tôi quên khuấy mất ở đâu. À! Tôi nhớ ra rồi: ở Lôret. Có phải thế không ạ?... Tôi không bao giờ nghĩ một cô gái con một gia đình tử tế ở Boócđô lại có thể giao du với bọn cộng sản... hình như bà đờ Acgila cũng đã trở thành cộng sản... Người ta bảo con trai bà ta hát Quốc tế ca. Nhưng tôi không sao tin được. Con trai một vị anh hùng ở Luân Đôn! Quả là ông không nêu một tấm gương sáng cho họ. Từ thời ông qua lại chỗ ông chủ mẹ tôi, ông đã có tư tưởng bôn sê vich. Thật kỳ cục đối với một giáo sĩ đạo Cơ đốc. May sao không phải tất cả giáo sĩ đều như ông!

- Có nhiều, chứ không phải như anh tưởng đâu.

- Tôi biết họ, ông còn nhớ ông linh mục ở Giabrun chứ, ông ta cũng là giáo sĩ dòng Tên. Bạn ông phải không?

- Phải.

- Hình như ông ta chết năm ngoái ở trại Busenoan.

Hai người im lặng bước theo đường bờ sông Anday và Lôren. Cha Đenmax đi vào một con đường hẻm.

Sau vài bước chân, Phiô đứng lại, bỗng nhiên cảm thấy sự hãi. Bàn tay hắn nắm chặt khẩu súng ngắn.

- Bỏ ra! Đấy chỉ là một khẩu súng sáu bình thường của Pháp, nhưng nó bắn rất tốt.

- Ông điên à! ông muốn gì tôi?

- Vào đi!

Ađriêng đẩy mạnh hắn vào cổng của một ngôi nhà thế kỷ 18, xưa kia vốn lộng lẫy. Một cầu thang đá bẩn kinh khủng dẫn lên tầng trên.

- Chúng ta đi đâu?

- Lên tầng ba, cửa trong cùng. Đừng có bỏ lại tay vào túi quần!

Cầu thang dốc đứng. Phiô bước lên, vẻ cau có, hình dung nhưng không tin thực sự, là một viên đạn sẽ bắn vào lưng mình. Ađriêng Đenmax muốn nhắc chân, phải cố gắng đến vã mồ hôi.

- Không khóa đâu, bước vào đi.

Phía ngoài ngôi nhà thì bẩn thỉu, nhưng căn buồng rộng rãi lại cực kỳ sạch sẽ. Một bộ phản gỗ, một cái bàn, một chiếc hòm nhỏ và hai chiếc ghế tựa, tất cả đồ đạc chỉ vẻn vẹn có thế.

- Anh ngồi xuống. - Ông giáo sĩ bảo Phiô trong lúc tước súng của hắn.

- Không.

- Ngồi xuống. - Ađriêng nhắc lại rồi ngồi xuống ghế.

Mặt tái xanh, nhưng ánh mắt trừng trừng, Phiô nghe theo.

- Ông muốn gì tôi?

- Giết mày.

Sững sờ, hắn há hốc mồm nhìn ông. Một dòng nước dãi chảy dọc xuống cằm hắn. Hai bàn tay bíu chặt lấy thành ghế, chân hắn bỗng mềm nhũn. Hắn run lẩy bẩy.

- Ông không có quyền.

- Thế mày có quyền giết chóc, tra tấn, tố giác như mày đã làm?

- Tôi tuân theo mệnh lệnh?

- Tao cũng vậy!

- Không, không đúng!... Ông muốn bảo vệ gia đình ông...

- Mày im đi. Nếu là tín đồ thì mày hãy cầu Chúa đi.

Môrix Phiô trượt khỏi ghế và quỳ xuống.

- Nhưng ông không thể giết tôi!... Không phải ông!

- Phải, chính tao. Nếu là tội lỗi thì tao chịu tội.

- Tôi van ông, ông biết tôi từ khi còn bé... ông hãy nghĩ tới mẹ tôi... ông sẽ nói gì với mẹ tôi?

- Đúng, nó có một bà mẹ... phải kết liễu sớm đi.

Trước mặt ông, kẻ kia chỉ còn là một khối thịt run rẩy và khiếp hãi và phả ra một mùi hôi thối. Tội nghiệp thằng bé - Ông nghĩ bụng trong lúc ngón tay ấn vào cò súng. Viên đạn xuyên vào thái dương bên trái và giết chết hắn ngay tức khắc.

Ađriêng Đenmax ngắm nhìn kết quả hành động của mình, vẻ mặt thản nhiên. Ông lật xác chết và lục trong túi. Trong chiếc ví da cá sấu viền vàng, ông tìm thấy bản kê các khu du kích trong vùng Girông, và hầu hết các bản kê đều có cả tên người chỉ huy và số người. Khu Lôreơ thì vòng một vòng đỏ với con số 9, các khu khác, đánh dấu đỏ. Nếu bọn Đức nắm được bản kê này thì phong trào kháng chiến ở vùng Tây Nam sẽ tan tành. Cần phải báo ngay cho Arixtit.

Trước khi bước đi, bất giác, ông làm dấu thánh phía trên xác chết.

Mãi trong đêm khuya, cha Đenmax mới tìm thấy tổng hành dinh quân Anh vì di chuyển hằng ngày sau khi đổ bộ, ở đấy; ông được tin cuộc tấn công của quân địch vào Lôret và cái chết của Cảng và Xiphlet. Người ta không biết tin tức gì về Lêa và bé Saclơ, mà chỉ nghe nói là nó bị trúng đạn cùng một lúc với mẹ nó. Hai cô cháu biến mất vào lúc bọn Đức đột kích vào.

Những tin tức ấy, tuy Lêông đưa một cách dè dặt, làm ông giáo sĩ choáng váng; ông ngất xỉu. Người ta nhảy bổ vào nâng ông, ông gượng dậy được. Vì sao ông không giết chết con quỷ dữ ấy sớm hơn? Vì sao ông lưỡng lự đến hai ngày mới hạ sát hắn? Vì ông, vì lòng trắc ẩn ngu ngốc của ông, những người phụ nữ, một đứa bé đã chết, những người khác bị thương hay bị bắt. Biết đâu ngày mai, thậm chí ngay đêm nay, những người khác nữa sẽ cùng chung số phận ấy, chỉ vì ông đã ngập ngừng trong việc thí mạng một thằng khốn nạn?

Buồn bã, ông báo cáo việc hành quyết Môrix Phiô.

Tiếp theo những lời nói khô khan và chính xác của ông là một bầu không khí im lìm nặng nề.

- Tôi sẽ đi La Rêôn để tìm cách xem xem Lêa và Saclơ ra sao. Các anh có thư từ gì cần chuyển không?

Ai nấy đều biết không thể giữ ông lại. Hai du kích tiễn ông ra tận cổng làng. Một người gác tìm cho ông một chiếc xe đạp.

- Thưa cha, cha nghỉ đi đã, rồi hẵng đi.

- Không, tôi phải đi. Tạm biệt các bạn.

Mặt trời lên cao, Ađriêng Đenmax mới nhìn thấy mái nhà ở La Rêôn. Bỏ xe lại, ông đi bộ theo những con đường dốc trong thị trấn. Đến quảng trường Giăng-Giôrex, ông vào khách sạn Tecminuyx. Phía trên, bao quát dòng sông Garon là trụ sở Giextapô. Người liên lạc qua Thụy Sĩ chắc để lại tin trong khách sạn.

Ông ngồi phịch xuống trước một chiếc bàn khách sạn. Ông không gọi gì cả nhưng một cô hầu bàn đến đặt trước mặt ông bánh mì và một lát thịt hầm.

- Ông dùng một cốc vang chứ?

- Tùy cô.

Cô gái quay lại với một chai rượu đã mở nút và một cái ly. Trong lúc cô rót rượu, ông hỏi:

- Cô có gặp Êlen không?

Cô gái nhìn ông với một ánh mắt lướt nhanh và nhẹ nhõm trước khi đáp:

- Có, chị ấy đến ngay bây giờ.

Như thế có nghĩa là việc ra đi của mẹ con Cami đã thu xếp xong.

- Ông không cảm thấy khỏe mạnh ư? Da mặt ông xanh mét!

- Không, không, ổn cả... chỉ hơi mệt tý thôi. Khi nào chị ấy tới?

- Tôi không rõ. Chắc sớm thôi.

Vào giờ này, phòng ăn còn vắng. Qua cửa nhà bếp hé mở, nghe rõ tiếng bát đĩa va vào nhau.

- Tôi phải đi dọn bữa ăn trưa đây. - Cô gái nói to - Ông chớ nên ra phố; ông có biết tình hình gì xảy ra hôm qua không? Cô hạ thật thấp giọng xuống nói tiếp.

- Có bao nhiêu người chết?

- Nghe nói đâu hai ba phụ nữ và một cháu bé trai.

- Còn người bị thương?

- Khoảng mười lăm người.

- Những người khác ở đâu?

Một giọng nói cất lên từ trong bếp.

- Giecmen? Muộn rồi. Sắp bát đĩa đi.

- Vâng, thưa bà chủ, tôi xuống ngay... Họ ở giữa Mônggôdi và Lamôt-Lăngđerông.

- Giecmen...

- Tôi xuống... xuống ngay đây. Tôi đang thu tiền ông khách.

- Cô cầm lấy, cảm ơn. Giữ lấy tiền lẻ.

- Cảm ơn ông.

Ađriêng Đenmax đi ra và cầm lấy xe đạp đến trước cầu treo, ông gặp một đoàn tuần tiễu Đức. Ông lên xe, đạp về hướng Macmăngđơ. Đạp năm mươi cây số đường trường trong đêm khuya, ông ê ẩm cả người. Không thể đạp hơn. Ngoằn ngoèo trên đường, ông gắng tới Mônggôdi và đến trước nhà thờ, mặt mũi đỏ gay đỏ gắt. Tất cả xoay tít quanh ông, lồng ngực ông như muốn vỡ tung. Ngã xuống mặt đường, ông nhìn thấy bộ mặt méo xệch đi và khiếp hãi của gã đàn ông mà ông ám sát.

Ađriêng Đenmax hồi tỉnh lại trên giường ông mục sư.

- Thưa ông, ông làm tôi sợ quá.

- Tôi ở đây lâu chưa?

- Đã ba ngày nay.

- Tôi phải đi thôi.

- Sao được! ông bác sĩ bảo là nghiêm trọng. Hôm nay ông ấy sẽ quay lại. Thưa ông!... ông nằm xuống!... Đấy! Ông thấy rõ là ông không dậy được mà.

- Thế nhưng tôi vẫn phải đi.

- Tôi không biết vì sao ông khăng khăng muốn đi như vậy và tôi cũng không muốn biết. Ở đây ông có thể an toàn và ông bác sĩ, cũng như ông giáo đã giúp tôi đưa ông vào nhà, đều là những người đáng tin cậy.

Ađriêng Đenmax nhìn người đàn ông mặc chiếc áo choàng cũ kỹ mất mấy chiếc khuy. Một ông mục sư nông thôn. Ông ta sẽ làm gì nếu biết sự tình?

- A! Tôi thấy sức khỏe ông đã khá hơn trước. Ông đừng nói! Để tôi thăm mạch cho ông đã.

- Thưa ông mục sư, ông đây hồi tỉnh từ lúc nào thế?

- Có lẽ được mười lăm phút rồi.

Ông bác sĩ thăm bệnh kỹ lưỡng. Ông rất già và đáng lẽ nghỉ hưu từ lâu. Hai bàn tay với những ngón tay dài khô khốc chẩn đoán chính xác trên thân hình gầy guộc của Ađriêng Đenmax. Khám xong, ông cẩn thận cất ống nghe, lau kính, khiến ông mục sư ra chiều sất ruột.

- Tình hình thế nào, thưa bác sĩ? - Ông lên tiếng.

- Không tốt. - Và ông quay sang người bệnh. - Ông bao nhiêu tuổi?

- Năm nhăm.

- Ông bạn tội nghiệp, ông bằng tuổi tôi và tim ông yếu lắm. Tuyệt đối ông phải nghỉ ngơi. Tôi sẽ kê đơn và hy vọng hiệu thuốc có thuốc bán. Nhẽ ra tôi có thể biếu ông, nhưng tôi đã phân phát thuốc từ lâu và sau tình hình xảy ra hôm nọ, thuốc dự trữ của tôi hết nhẵn.

- Ông muốn nói vụ tấn công khu du kích phải không?

- Phải. Nhiều người bị hại lắm.

- Có phụ nữ không à?

- Bị thương thì không. Nhưng có hai người chết.

- Còn trẻ em?

- Tôi không thấy có trẻ em, chết cũng không, mà sống cũng không.

Ađriêng Đenmax nhắm mắt, đưa hai tay lên ngực.

- Ông đừng nói nữa kẻo mệt.

- Thưa bác sĩ, cho tôi hỏi một điều nữa. Ông có nghe trong vùng người ta nói tới cô gái và một cháu trai ẩn náu đâu đó không?

- Không, chỉ có một anh du kích trẻ bị thương ở đầu và luôn mồm nói: "Lêa, đừng đi, Lêa, đừng đi".

- Chính tôi đi tìm cô ấy. Một cô gái rất xinh đẹp hai mươi tuổi...

- Không, tôi không gặp cô gái xinh đẹp nào cả. Vì sao ông tìm cô ta? Người nhà ông à?

- Vâng, cháu gái tôi.

- Để tôi sẽ hỏi thăm giúp ông. Ở đây người ta biết tôi. Hễ nắm được tình hình gì là họ đều nói với tôi. Nhưng với một điều kiện: ông phải nằm im.

- Tôi xin hứa với ông.

- Được. Hễ có tin tức gì, tôi sẽ báo cho ông mục sư.

- Cảm ơn bác sĩ. - Pie Đenmax thầm thì rồi ngất xỉu.

- Tội nghiệp, ông ấy khó có thể còn sống lâu. Thưa ông mục sư, xin ông cầu nguyện cho ông ấy, chắc ông ấy đã chịu nhiều đau khổ.

- Ông đã có ý định đi tìm cô gái và cháu bé ấy ở đâu chưa?

- Chưa. Tôi sẽ đến Giagơnô, nơi người ta đang chăm sóc những người bị thương. Tối, tôi sẽ quay lại. Tạm biệt ông mục sư.

- Tạm biệt, bác sĩ.

- Xin ông chăm sóc cẩn thận người bệnh.

Sáng hôm sau, ông thầy thuốc mới trở lại, mặt mũi bơ phờ.

- Không ai biết gì hết. Lần cuối cùng người ta gặp họ còn sống là lúc khu trại bị tấn công. Đứa bé bị chết hay bị thương. Vài ba người bảo bọn Đức có thể ném nó vào ngôi nhà đang bốc cháy. Hiện khu này bị canh giữ, không thể tới gần.

Ađriêng Đenmax nằm nghe, không nói được nửa lời.

- Vì sao chúng lại làm như thế? Chúng là những người lính, đâu phải là những con thú.

- Thưa ông mục sư, chúng còn tồi tệ hơn cả thú vật. Chúng là con quỷ dữ nói trong kinh thánh ấy.

- Thưa bác sĩ, có tình hình gì vậy? Sao ông xúc động đến thế?

- Thưa ông mục sư, chúng đã sát hại tất cả dân của một làng trong vùng Limudanh.

- Không thể như thế!

Nhưng những giọt nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt già nua khẳng định sự thật.

Ông mục sư làm dấu thánh và đặt bàn tay lên vai ông bác sĩ già.

- Cầu Chúa tha thứ cho họ.

Ông bác sĩ giận dữ đứng vụt dậy.

- Ông bảo Chúa tha thứ cho chúng à!... Nhưng nếu có Chúa thì Chúa không thể tha thứ được. Trong đời tôi, tôi đã thấy biết bao đau thương, bao điều khủng khiếp. Tôi đã thấy người chết, mất chân mất tay; trong hầm trú ẩn, tôi đã thấy những người tàn phế, thân thể bị hủy hoại trong cuộc đại chiến... Tôi đã thấy những người bạn đồng ngũ ưu tú thịt nát xương tan trên chiến trường Vecđoong! Tôi biết thế nào là chiến tranh và chết chóc, cái đó làm tôi phẫn nộ tuy tôi chấp nhận nó như một định mệnh của loài người. Nhưng giết hại phụ nữ..., trẻ em.., nhất là trẻ em, thì tôi không chấp nhận.

- Xin bác sĩ tĩnh tâm lại.

- Tôi tĩnh tâm lại, thưa ông mục sư! Thế ông có biết chúng làm gì ở Ôrađua-xuya-Glanơ không? Ông nói đi, ông có biết không? Hôm ấy là thứ bảy tuần trước ngày 10 tháng Sáu... người ta chen nhau chờ phát thuốc hút. Học sinh tập trung để khám bệnh. Những người tị nạn mới đến tối hôm trước, đâu khoảng hai trăm... Thế là sau bữa ăn trưa, chúng kéo đến bằng camiông, chĩa súng vào nhà... Tên chỉ huy, hình như tên nó là Ôttô Đieman, cho gọi xã trưởng và tuần phiên đến... có hai tên Đức quốc xã theo sau, tên tuần phiên đi vòng quanh làng vừa đánh trống vừa rao: "Báo cho dân chúng, đàn ông, đàn bà, trẻ em phải ra tập trung ngay lập tức tại địa điểm chợ phiên, mang theo giấy tờ, để kiểm tra căn cước...". Những người ốm đau, yếu đuối, bọn Đức quốc xã lôi họ ra khỏi giường và dùng báng súng xua họ ra chợ cũng như chúng xua bà con nông dân chúng bắt gặp trên những cánh đồng lân cận các gia đình ở các xóm xung quanh, những người câu cá, những em bé không đi được nhanh... chẳng bao lâu mọi người đều đã tập hợp. Mấy phát súng ở cuối làng làm đám đông giật nảy mình, ngơ ngác... Bọn lính mang tiểu liên đứng rải rác khắp nơi. Phụ nữ, trẻ em khóc sướt mướt. Chúng tách riêng đàn ông và đàn bà ra. Phụ nữ siết chặt con trong vòng tay... Mười tên lính Đức quốc xã đưa họ và trẻ nhỏ vào nhà thờ. Ông linh mục chưa bao giờ thấy đông người đến thế... Đàn ông sắp thành ba hàng ngang. Trong không khí im ắng, nghe tiếng chuông tàu điện Limôgiơ sắp chạy qua cầu... Một phát súng nổ... Một tên lính nói tiếng Pháp rất sõi, hét lên rằng bọn khủng bố cất giấu trong làng nhiều súng ống, đạn dược và dân làng phải chỉ nơi cất giấu nếu không muốn bị trả thù... Một lão nông bảo ông có một khẩu súng săn... "Chúng tao không quan tâm tới cái đó". Tên lính đáp... Chúng chia đàn ông ra thành bốn nhóm, mỗi nhóm bốn năm chục người... Hai nhóm bị dẫn tới đầu làng, hai nhóm tới cuối làng... và dẫn họ vào bảy kho lúa. Chĩa súng máy và tiểu liên vào họ, bọn Đức cười cười, nói nói... Bỗng chúng hét vang và nổ súng... Thân người đổ vật xuống đè lên nhau, đạn bắn vào tường dội lại, những người bị thương la hét... Chúng thôi bắn súng lớn... dùng súng ngắn kết liễu sinh mạng của tất cả những ai đang ngọ nguậy. Bọn lính mang tới rơm rạ, cỏ khô, củi, một chiếc xe cút kít và một cái thang. Chúng đốt rơm ném vào đống người đang quằn quại... trong những tiếng nấc cuối cùng, và đóng cửa lại... Ở cả bảy kho lúa cùng diễn ra một cảnh tượng giống nhau... Trong nhà thờ, bốn trăm phụ nữ và trẻ em, có thể tới năm trăm, kinh hoàng nhìn thấy một tốp lính kéo một cái thùng nặng có những sợi dây thò ra ngoài... Chúng châm lửa vào dây và đi ra... Một tiếng nổ... khói dày đặc bao phủ giáo đường. La hét vì khiếp hãi, phụ nữ và trẻ em gần như ngạt thở chạy tứ tung. Qua cánh cửa lớn để mở, tiểu liên nổ giòn giã... lựu đạn vang lên... Những đầu tóc bắt lửa... không còn mùi bụi bặm, mùi hương... chỉ còn mùi máu, mùi phân, mùi thịt cháy. Những gã trai trẻ hai mươi tuổi ném vào đám người lúc nhúc ấy rơm rạ, củi cành... Một khẩu súng phóng hỏa vào... Một phụ nữ, có con gái chết bên cạnh, lết trên mặt đất... Hai đứa bé nấp trong phòng xưng tội, bị hạ sát... Những bà mẹ, những đứa con bị thiêu sống trong vòng tay nhau... Ông có nghe những tiếng kêu thảm thiết ấy không?... Ông nói đi, ông có nghe thấy không?... Ông có nhìn thấy những bức tường nơi tôn nghiêm ấy vấy máu các nạn nhân không?... Có thấy dấu vết những ngón tay tội nghiệp trượt dọc theo những viên đá trên tường không? Và những khuôn mặt vỡ nát? Những cánh tay, cẳng chân bị gãy? Đứa bé sơ sinh hét lên trong chiếc xe đẩy trước khi biến thành một ngọn lửa?... Ông nói đi. Ông có trông thấy không?...

Họ có trông thấy, trông thấy rõ ràng tới mức ông mục sư quỳ sụp xuống cầu nguyện và ông thầy thuốc già nhắm nghiền mắt lại vì kinh hãi. Không nói một lời, ông quay ra cửa và đi khuất trong bóng đêm, lưng còng xuống như thể dưới sức nặng của tất cả khổ đau của loài người.

Ađriêng Đenmax đứng dậy, một cảm giác buồn nôn trong miệng. Ông gắng sức từ từ nâng ông mục sư dậy, đặt lên chiếc giường ông vừa nằm lúc nãy. Ông mặc áo, kiểm tra cò súng, trước khi ra cửa, ông im lặng nhìn ông mục sư nằm thiếp đi.

Ông đi, đi mãi qua đồng lúa, ruộng nho, không tìm cách ẩn náu gì cả. Những người gặp ông đều chào hỏi như người ta vẫn làm trong trường hợp này. Ông không đáp lời. Họ quay lại, ngạc nhiên, có phần lo lắng. Ai mà biết được ngày nay trên đường mình gặp những ai?... Đến một ngôi nhà, ông xin một cốc nước lã và lễ phép cảm ơn. Hai vợ chồng chủ nhà nhìn ông ra đi, trong lòng bứt rứt, người vợ vội làm dấu thánh và nói:

- Ông ta như bị ma bắt ấy.

Cái bóng đen mảnh mai biến mất một lúc lâu, người đàn bà mới trở vào nhà.

Trời chạng vạng, ông đứng lại trong một cánh rừng nhỏ rêu phong và ẩm ướt, tựa vào một thân cây, bất giác vuốt ve lớp vỏ cây như ông vẫn thường làm lúc bé trong vùng ven biển quê hương. Nhưng trước đây, những gốc cây thông vẫn để lại trên ngón tay ông chất nhựa hăng hắc và hương vị dai dẳng của chúng. Ông rùng mình với chút kỷ niệm ấy. Ông xua những hình ảnh êm đềm ấy khỏi đầu óc giờ đây hoàn toàn trống rỗng. Không còn suy nghĩ gì nữa hết. Ngẩng mặt lên bầu trời hoang vắng, ông rút súng ra.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx