sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 4) - Phần 13 - Chương 16 + 17 + 18 + 19

Phần XIII

Chương. -16 -17 -

Đêm hôm đấy là một đêm thu tối trời và ấm áp. Trời lâm thâm đã bốn ngày nay. Sau khi đổi ngựa hai lần và vượt ba mươi dặm đường bùn lầy nhớp nháp trong một tiếng rưỡi đồng hồ, Bokhovitinov đến Betasovka vào khoảng một giờ đêm. Đến trước một ngôi nhà có treo biểu "Đại bản danh" ở hàng rào, anh ta xuống ngựa và bước vào gian phòng ngoài tối om.

- Cần gặp vị tướng phiên trực ngay! Việc rất quan trọng. - Fominxkoye. - Bolkhovitinov nói với một người nào vừa nhổm dậy và đang thở phì phì trong bóng tối của gian phòng ngoài.

- Từ tối hôm qua, tướng quân mệt nặng, đã ba đêm nay không ngủ, - Tiếng người cần vụ thì thào khẩn khoản. - Ông hẵng đánh thức quan đại uý dậy đã.

- Quan trọng lắm, có tin của tướng quân Dokhturov - Bokhovitinov vừa nói vừa lần mò bước vào cửa. Người cần vụ len vào trước và bắt đầu đánh thức một người nào không rõ.

- Thưa đại nhân, thưa đại nhân có "cung" văn?

- Cái gì thế, cái gì thế? Ai gửi đến? - Có tiếng ai ngái ngủ hỏi lại.

- Do Dokhturov và Alekxey Petrovich phái đến… Napoléon đã đến Fominxkoye! - Bokhovitinov nói, trong bóng tối anh ta không trông thấy người hỏi, nhưng nghe giọng nói ta đoán biết là không phải Konovnitxyn.

Người bị đánh thức ngáp dài và vươn vai.

- Tôi chẳng muốn đánh thức ông ta dậy một tí nào, - Người ấy vừa nói vừa sờ soạng tìm cái gì không rõ. - Đang ốm; chắc lại tin đồn thế thôi chứ gì?

- Báo cáo đấy, - Bokhovitinov nói, - Có lệnh phải chuyển ngay cho tướng phiên trực.

- Khoan đã, để tôi thắp nến. Thằng chết tiệt, mày để ở đâu thế? - Người kia vừa vươn vai vừ nói với người cần vụ - Đó là Serbinin, sĩ quan phụ tá của Konovnitxyn. - Đây rồi, đây rồi. - Anh ta nói thêm.

- Người cần vụ đánh đá lửa hạng bét, - Anh ta nói, giọng ngán ngẩm. Trong ánh lửa lóe ra. Bokhovitinov thấy khuôn mặt trẻ trung của Serbinin đang cầm nến ở góc phòng có một người nào vẫn đang ngủ. Khi lưu huỳnh xát vào cái bùi nhùi đã bùng cháy thành một ngọn lửa lúc đầu xanh lè, sau ngả thành mầu đỏ, Serbinin đốt ngay nến mỡ bò lên khiến cho mấy con gián đang gặm nến bỏ chạy toán loạn và ngước mắt lên nhìn người tín sứ. Bokhovitinov người lấm bùn be bét, đang lấy ống tay áo quệt lên mặt.

- Nhưng ai bảo? - Serbinin nói, tay cầm lấy phong thư.

- Tin chắc chắn đấy, - Bokhovitinov nói. - Tù binh, lính cô-dắc, trinh sát viên đều nhất trí với nhau.

- Thôi đành phải đánh thức ông ấy dậy, - Serbinin nói đoạn đứng dậy bước đến cạnh phòng. - Ông Piotr Petrovich. - Anh ta gọi.

Konovnitxyn không nhúc nhích.

- Lên đại bản doanh! - Anh ta nói thêm và mỉm cười, vì biết rằng mấy chữ này chắc chắn sẽ làm cho Konovnitxyn choàng dậy. Quả nhiên, cái đầu đội mũ chụp ban đêm lập tức nhấc lên. Trên khuôn mặt tuán tú, cương quyết của Konovnitxyn, với đôi má hum húp và đỏ ửng vì cơn sốt, trong một khoảng khắc vẫn còn lại cái thần sắc mơ màng của những giấc chiêm bao xa rời tình hình hiện tạl, nhưng rồi ông bỗng giật mình: gương mặt lại trở lại với vẻ điềm tĩnh và cương nghị thường ngày.

- Sao, có việc gì? Ai phái ông đến? - Konovnitxyn hỏi ngay, nhưng không hấp tấp, mắt nhấp nháy vì chói ánh đèn. Trong khi nghe viên sĩ quan báo cáo, ông ta bóc thư ra đọc. Vừa đọc xong, ông đã bỏ đôi chân đi tất len xuống nền đất và bắt đầu xỏ giầy. Đoạn ông ta cất chiếc mũ chụp, chải lại món tóc mai rồi đội mũ lưỡi trai lên.

- Anh đi đến đây có nhanh không? Ta đến gặp điện hạ đi, - Konovnitxyn hiểu ngay rằng tin vừa đưa lại có một tầm quan trọng rất lớn, và không thể chậm trễ được. Tin ấy lành dữ ra sao, ông không hề băn khoăn tự hỏi. Điều đó không quan trọng gì đối với ông. Ông nhìn nhận việc quân không phải bằng trí tuệ, băng óc xét đoán, mà bằng một cái gì khác. Trong tâm hồn ông có một niềm tin sâu sắc và không biểu lộ ra ngoài, rằng mọi việc đều sẽ tốt đẹp.

Nhưng ông lại cho rằng không nên tin như vậy và lại không nên nói ra, chỉ nên làm tròn bổn phận của mình. Và ông đã dốc hết sức lực ra làm việc đó.

Piotr Petrovich Konvovnitxyn, cũng như Dorokhov, sở dĩ được ghi tên vào danh sách những người gọi là anh hùng của những Platov, những Miloradovich, chẳng qua cũng vì người ta sợ không ghi tên họ vào thì khó coi. Cũng như Dokhturov, ông ta thường được xem là một người năng lực và kiến thức rất hạn chế, và cũng như Dokhturov, Konovnitxyn không bao giờ soạn kế hoạch tác chiến, nhưng chỗ nào khó khăn nhất bao giờ cũng có mặt ông ta: từ khi nhận chức tướng phiên trực, ông bao giờ cũng để ngỏ cửa phòng trong khi ngủ và dặn là có tín sứ nào đều cũng phải đánh thức ông ta dậy; trong chiến trận, ông ta bao giờ cũng có mặt ở dưới hỏa lực của địch, đến nỗi Kutuzov phải quở trách ông ta về việc đó và thường ngại không dám cử ông đi; và cũng như Dokhturov, ông ta là một trong những cái trục nhỏ im lặng quay đều, nhưng lại là bộ phận trọng yếu nhất của bộ máy.

Khi ra khỏi ngôi nhà gỗ bước vào bóng đêm tối mịt và ướt át, Konovnitxyn cay mày, phần vì đầu đang nhức buốt lại càng nhức buốt thêm, phần vì một ý nghĩ khó chịu vừa nảy ra trong óc, là bây giờ cả cái đám nhân vật trọng yếu ở bộ phận tham mưu kia sẽ tha hồ mà lăng xăng nhốn nháo, nhất là Benrigxen, sau trận Tarutino đã trở thành kẻ thù sâu cay của Kutuzov. Họ sẽ tha hồ đề nghị, tranh cãi, ra lệnh, bãi lệnh. Và ý nghĩ này làm cho Konovnitxyn khó chịu, tuy ông cũng biết rằng không thế thì không xong.

Quả nhiên ông vừa ghé vào nhà Toll báo tin, thì hắn ta lập tức trình bày ý kiến với viên tướng cùng ở chung nhà. Sau khi im lặng và mỏi mệt nghe Toll nói, Konovnitxyn nhắc hắn đến gặp Điện hạ Tối quang minh.

17.

Cũng như tất cả các cụ già, về đêm Kutuzov ngủ rất ít. Ban ngày thì ông hay ngủ gật bất thình lình, nhưng ban đêm thì ông cứ để nguyên áo quần nằm trên giường, thường không ngủ và trầm ngâm suy nghĩ.

Bây giờ cũng vậy, ông đang nằm trên giường, tựa cái đầu to bị thương tật lên bàn tay phốp pháp, chống khuỷu xuống đệm, trầm ngâm suy nghĩ, con mắt độc long mở thao láo vào bóng tối.

Từ khi được thư đi từ lại với hoàng thượng và trở thành người có thế lực nhất trong bộ tham mưu, Benrigxen đã tránh mặt ông ta, và Kutuzov được yên tâm hơn vì bây người ta không bắt quân đội của ông phải tham gia vào những cuộc hành binh tấn công vô ích nữa. Bài học của trận Tarutino và những việc xảy ra ngày hôm trước ông nhớ rất rõ những việc đó như người ta thường nhớ kỹ một kỷ niệm đau đớn. - Chắc cũng phải tác động đến họ, Kutuzov nghĩ thế.

"Họ phải hiểu rằng quân ta mà tấn công thì chỉ có thể thua thôi. Kiên nhẫn và thời gian: đó là hai chiến sĩ dũng mãnh nhất của ta!" - Kutuzov nghĩ. Ông biết rằng không nên hái quả táo khi nó hãy còn xanh. Nó sẽ rụng xuống khi đã chín, còn nếu hái quả xanh thì chỉ hại quả, hại cây và hại cả mình nữa. Như một người thợ săn giàu kinh nghiệm, Kutuzov biết rằng con thú đã bị thương, và chỉ có toàn lực lượng của dân Nga mới có thể làm cho nó bị thương nặng đến như vậy được, nhưng vết thương có nguy hại đến tính mạng, thì vẫn còn là một vấn đề chưa được sáng tỏ. Bây giờ, cứ suy qua những chuyến đi của Lorixton và Berthelemy. -, và những lời báo cáo của quân du kích, Kutuzov đã biết gần chắc rằng nó đã bị tử thương. Nhưng vẫn cần có thêm bằng chứng, vẫn cần phải đợi.

"Họ cứ muốn chạy ra xem xem họ đã đánh nó bí thương như thế nào. Hãy đợi đấy, rồi sẽ thấy. Cứ nói hành quân với tấn công mãi. - Kutuzov nghĩ. - Để làm gì? Lúc nào cũng muốn tỏ ra xuất sắc! Làm như đánh nhau là một việc vui vẻ lắm không bằng. Họ chẳng khác những đứa trẻ mà khi có ai muốn hỏi xem sự việc đã xảy ra như thế nào thì cứ nói lung tung không thể nào hiểu được, bây giờ vấn đề không phải ở đấy".

"Mà bọn họ đề ra những cách hành quân mới tài tình chứ? Họ tưởng đâu nghĩ ra được hai ba trường hợp có thể xảy ra (ông nhớ lại bản kế hoạch tổng quát ở Petersburg) thế là dự tính được hết mọi trường hợp rồi đấy. Mà trường hợp có thể xảy ra thì vô số!".

Cái vấn đề chưa được giải quyết, là vết thương của con thú ở Borodino có nguy hại đến tính mệnh nó không, đã suốt một tháng ròng treo lơ lửng trên đầu Kutuzov. Một mặt thì quân Pháp đã chiếm Moskva. Mặt khác Kutuzov cảm thấy rõ rằng không còn chút hồ nghi, rằng cái vố kinh khủng mà ông ta đã cùng toàn dân Nga dốc hết sức lực giáng vào đầu nó, tất phải làm cho nó tử thương. Nhưng dù sao cũng phải có những bằng chứng, ông đợi những bằng chứng ấy đã một tháng nay, và thời gian trôi qua thì ông càng sốt ruột. Trong những đêm trường nằm thao thức không ngủ, Kutuzov cũng làm cái việc mà giới tướng tá trẻ tuổi vẫn làm, chính cái việc mà ông thường chê bai họ. Ông cứ nằm nghĩ ra tất cả những trường hợp có thể xảy ra, cũng đúng như bọn trẻ, chỉ khác một điều là là ông không lấy những điều dự tính ấy làm căn cứ để mưu tính việc gì cả, và không phải chỉ nghĩ ra vài ba trường hợp, mà hàng nghìn. Ông càng nghĩ lại càng thấy có thêm nhiều trường hợp. Ông nghĩ ra đủ các cách hành quân của Napoléon. - Di chuyển toàn quân hay từng bộ phận. - Hoặc tiến về Petersburg hoặc tiến đánh ông, hoặc đi vòng để vây bọc ông. Kutuzov nghĩ đến cả cái trường hợp mà ông sợ nhất, là Napoléon cũng dùng cái sách lược của chính ông để chống lại ông: ở lại Moskva đợi quân Nga, Kutuzov lại còn nghĩ đến trường hợp Napoléon cho quân lùi về Medyn và Yukhnov, nhưng là cái trường hợp duy nhất mà ông không thể ngờ được là trường hợp đã thực tế xảy ra, cái cuộc hành quân điên rồ, hốt hoảng của quân đội Napoléon trong khoảng mười một ngày đầu kể từ khi rời bỏ Moskva, một cuộc hành quân đã khiến cho cái việc mà hồi đó Kutuzov chưa dám nghĩ tới lại có khả năng trở thành sự thật: tiêu diệt hoàn toàn quân đội Pháp.

Những bản báo cáo của Dorokhov về sư đoàn Bruxie, tin tức của quân đu kích đưa về kể lại những thảm họa của quân Napoléon, những tin đồn về việc sửa soạn rời khỏi Moskva. - Mọi việc đều xác nhận ức thuyết cho rằng quân Pháp đã kiệt quệ và đang sửa soạn chạy dài, nhưng đó chỉ là những ước thuyết, giới thanh niên thì cho là quan trọng, nhưng Kutuzov thì không. Với cái lịch lãm của một ông già sáu mươi, Kutuzov biết rõ cách đánh giá các tin đồn, ông biết rằng khi người ta mong muốn một điều gì, người ta có thể tập hợp các tin tức một cách thế nào cho nó có vẻ xác nhận điều đang muốn, và sẵn sàng bỏ bớt tất cả những điều có thể chứng minh ngược lại. Và càng mong muốn điều gì đó, Kutuzov lại càng ít cho phép mình cả tin rằng nó đang trở thành hiện thực. Vấn đề này đã thu hút hết tinh lực của ông. Tất cả những việc khác đối với ông chỉ là cách thực hiện quen thuộc nếp sinh hoạt thường ngày: những cuộc nói chuyện với các sĩ quan trong bộ tham mưu, những bức thư gửi bà Mne de Stael viết từ Tarutino, đọc tiểu thuyết, ban phát huân chương, thư từ với Petersburg v.v… Nhưng sự diệt vong của quân Pháp, mà chỉ có một mình Kutuzov dự tính trước, là ước vọng tha thiết nhất, ước vọng duy nhất của ông.

Đêm mười một tháng mười ông chống khuỷu tay nằm nghĩ đến điều đó.

Ở phòng bên có tiếng sột soạt và tiếng bước chân của Toll, Konovnitxyn và Bolkhovitinov.

- Ai đấy? Vào, mời vào đi! Có tin gì mới? - vị nguyên soái gọi to.

Trong khi người cán vụ khắp nến, Toll liền kể lại các tin tức.

- Ai đem tin lại? - Kutuzov hỏi, và khi ngọn nến đã thắp lên, vẻ mặt lạnh lùng và nghiêm khắc của ông khiến Toll phải kinh ngạc.

- Thưa Điện hạ, không còn có thể nghi ngờ gì nữa ạ.

- Gọi người ấy vào đây, gọi vào đây.

Kutuzov ngồi buông thõng một chân xuống giường, cái bụng phệ đè lên chân kia đang xếp lại. Ông nheo con mắt độc long lại để nhìn cho rõ người tín sứ dường như muốn đọc trên nét mặt người ấy một lời giải đáp cho những điều đang khiến ông băn khoăn.

- Nói đi, nói đi anh bạn. - Kutuzov nói với Bolkhovitinov với cái giọng trầm của các cụ già, tay cài cúc chiếc áo sơ mi hở ngực. - Lại đây, lại gần đây nào. Anh đem lại cho ta những tin gì thế? Napoléon đã rời Moskva à? Thật chứ? Hả?

Bolkhovitinov thuật lại tỉ mỉ từ đầu tất cả nhưng điều anh ta được lệnh báo cáo.

- Nói nhanh, nói nhanh đi, đừng làm ta suốt ruột, - Kutuzov ngắt lời viên tín sứ.

Bolkhovitinov đã báo cáo xong và lặng thinh đợi lệnh. Toll toan nói, nhưng Kutuzov đã ngắt lời. Ông muốn nói một câu gì.

Nhưng bỗng nhiên mặt ông nhăn lại; ông khoát tay về phía Toll, quay mặt vào góc bàn thờ của gian nhà, nơi có một bức tượng Thánh tối mờ mờ.

- Lạy Chúa, đấng đã sáng tạo ra con! Người đã nghe lời cầu nguyện của chúng con… - Kutuzov chắp tay lại nói, giọng run run. - Nước Nga đã thoát nạn. Xin đội ơn Chúa! - Nói đoạn ông khóc nức nở.

Phần XIII

Chương. - 18 - 19 -

Từ khi được tin quân Pháp rút khỏi Moskva cho đến khi chiến dịch kết thúc, toàn bộ hoạt động của Kutuzov chỉ nhằm làm sao dùng quyền hành, dùng mưu mẹo, dùng những lời cầu xin để giữ cho quân đội khỏi lao vào những cuộc tấn công, những cuộc chuyển quân, những cuộc xung đột vô ích với một kẻ địch đang trên con đường diệt vong. Dokhturov tiến về phía Maly Yaroxlav; nhưng Kutuzov cứ chần chừ và ra lệnh rút khỏi Kaluga, cho rằng rất có thể còn phải rút xa hơn nữa.

Khắp các nơi Kutuzov đều rút lui, nhưng quân địch không đợi cho ông rút quân đã bỏ chạy về phía ngược lại.

Các sử gia của Napoléon kể lại cho chúng ta nghe cuộc hành quân khôn khéo của ông ta về phía Tarutino và Maly Yaroxlav, giả thiết những việc sẽ diễn ra nếu Napoléon kịp đem quân tới những tỉnh trù phú ở miền Nam.

Nhưng các sử gia đó quên mất rằng thật ra không có gì ngăn trở Napoléon tiến vào các tỉnh miền Nam này (vì quân đội Nga để cho ông ta đi lại tự do, họ lại còn quên rằng không có gì có thể cứu vãn được quân đội Napoléon, vì ngay từ lúc ấy nó đã mang trong người nó những điều kiện tất yếu của sự dồi dào ở Moskva nhưng không gìn giữ mà lại giẫm nát ra, một quân đội khi đến Smolensk đã không chịu chia lương cho quân lính mà lại phá huỷ đi, làm sao một quân đội như thế lại có thể phục hồi sinh lực ở tỉnh Kaluga, nơi mà dân cư vẫn là những người Nga như ở Moskva, và ở đấy lửa cũng có cái thuộc tính chung là đốt cháy những vật đưa vào.

Quân đội ấy dù ở nơi nào cũng không thể phục hồi sinh lực được. Từ trận Borodino và từ khi cướp phá Moskva, nó dường như dã mang trong mình đủ các điều kiện hóa học của sự giải thể rồi.

Bây giờ thì các quân đội ấy chỉ còn là một đám người bỏ chạy với những kẻ cầm đầu, chẳng biết mình chạy đi đâu, và chỉ mong có một điều (từ Napoléon cho đến từng tên lính một): làm thế nào cho bản thân mình thoát ra khỏi cái tình trạng mà do một trực giác mơ hồ họ đều biết là tuyệt vọng. Vì thế cho nên trong buổi họp hội đồng Maly Yaroxlav sau khi các tướng Pháp đưa ra nhiều ý kiến khác nhau rồi giả vờ tranh luận, thì ý kiến cuối cùng của tướng Mutong chất phác và ngây thơ, nói lên cái điểm mà ai nấy đã đang nghĩ là phải làm sao chuồn đi cho nhanh, ý kiến ấy đã làm cho mọi người câm miệng, và không có ai, ngay cả Napoléon, có thể nói một câu nào để bác lại cái sự thật mà mọi người đều công nhận.

Tuy ai nấy đều biết rằng cần phải rút đi, nhưng người ta vẫn xấu hổ khi nghĩ rằng mình phải bỏ chạy. Cần phải có một sức đẩy ở bên ngoài mới có thể thắng được sự xấu hổ ấy. Và cái sức đẩy đó đã đến đúng lúc. Đó chính là cái mà người Pháp gọi là "tiếng hô Ura của hoàng đế".

Sau hôm họp hội đồng, vào lúc sáng sớm Napoléon giả vờ muốn kiểm tra lại quân đội và quan sát cái địa điểm đã xảy ra và sắp xảy ra chiến trận, cùng với đoàn tuỳ giá gồm các thống chế và đội vệ binh cưỡi ngựa đi giữa tuyền quân. Một toán cô-dắc đang sục sạo để tìm chiến lợi phẩm tình cờ vấp phải hoàng đế và chỉ thiếu một ly nữa là bắt được ông ta. Sở dĩ lần này quân cô-dắc không bắt được Napoléon là vì cái đã đưa quân đội Pháp đến chỗ chết lại chính là cứu thoát ông ta: đó là chiến lợi phẩm. Ở đây cũng như ở Tarutino, quân cô-dắc đã bỏ người lao vào cướp chiến lợi phẩm cũ. Họ không để ý đến Napoléon, chỉ chú tâm vào chiến lợi phẩm cho nên Napoléon đã trốn thoát kịp.

Khi mà những đưa con đẻ của sông Đông đã có thể suýt bắt được đích thân vị hoàng đế ngay ở giữa quân đội của ngài, thì người ta có thể thấy rõ rằng không còn có thể làm gì khác hơn là chạy trốn cho nhanh theo con đường quen thuộc gần nhất.

Napoléon, với cái bụng phệ của một người tứ tuần, không còn cảm thấy mình tháo vát và gan dạ như trước, và đã hiểu được tầm quan trọng của sự kiện này. Do ảnh hưởng của nỗi sợ hãi mà toán quân cô-dắc đã gieo vào lòng ông ta, Napoléon lập tức đồng ý với Mutong và ra lệnh, như các sứ giả vẫn nói, rút lui về con đường Smolensk không có nghĩa là ông ta đã ra lệnh làm như thế, mà có nghĩa là những sức mạnh đang tác động vào toàn quân, hướng nó về con đường Mozaisk đồng thời cũng đã chi phối cả Napoléon.

19.

Khi con người đang ở trong trạng thái chuyển động, bao giờ nó cũng nghĩ ra cho mình một mục tiêu của sự chuyển động đó. Muốn đi một nghìn dặm, con người cần phải nghĩ rằng cuối đoạn đường một nghìn dặm đó sẽ có một cái gì rất hay, phải tưởng tượng ra một "cõi đất hứa hẹn" mới có đủ sức mà đi như vậy được.

Cõi đất hứa hẹn của quân Pháp trong khi tấn công là Moskva còn trong khi rút lui thì lại là tổ quốc họ. Nhưng tổ quốc họ xa quá, và đối với một con người đang đi một nghìn dặm nhất thiết cần phải quên cái mục đích cuối cùng đi mà nghĩ rằng: "Hôm nay ta sẽ đến chỗ nghỉ đêm, sau khi đã đi bốn mươi dặm", và trong chặng đường đầu tiên, cái trạm nghỉ đêm ấy che lấp cả cái đích cuối cùng và thu hút hết mọi ước mong và hy vọng của người đi đường. Những ước vọng được biểu hiện trong từng người một bao giờ cũng khuyếch đại lên trong một đám đông.

Đối với cái đám người Pháp đang rút lui theo con đường Smolensk cũ, cái đích cuối cùng. - Tổ quốc. - Xa xôi quá, cho nên cái đích trước mắt tập trung tất cả những ước mong và hy vọng tăng lên gấp bội trong đám đông, cái đích trước mắt ấy là Smolensk. Như thế không phải vì họ biết rằng ở Smolensk có nhiều lương thực và nhiều quân dự trữ; không phải vì người ta nói với họ như vậy (trái lại, các giới cao cấp trong quân đội và cả Napoléon nữa cũng biết rằng ở đây rất ít lương thực), mà bởi vì chỉ có như thế họ mới có sức cử động và chịu đựng những nỗi thiếu thốn hiện tại. Những người biết sự thật cũng như những người không biết đều tự dối mình như nhau để hướng về Smolensk như hướng về một cõi đất hứa hẹn.

Trẩy ra con đường cái lớn, quân Pháp lao về cái mục tiêu do họ nghĩ ra với một quyết tâm phi thường, với một tốc độ chưa từng thấy. Ngoài cái nguyên nhân nói trên gắn bó đám binh sĩ Pháp thành một khối và cấp cho nó ít nhiều sức mạnh, thúc nó về một phía, còn có một nguyên nhân khác gắn bó họ với nhau. Đó là số lượng của họ. Khối người to lớn đó, dường như theo quy luật hấp dẫn trong vật lí học, thu hút vào bản thân nó những con người riêng lẻ như những nguyên tử. Cái khối hàng chục vạn người ấy chuyển động như cả một quốc gia.

Trong đám người ấy mỗi người đều có một mong ước là được quân địch bắt làm tù binh, thoát khỏi tất cả những nỗi khổ cực và tai ương khủng khiếp. Nhưng một mặt thì sức thu hút của mục tiêu Smolensk lôi kéo mọi người cùng lao về một phía, và mặt khác thì một quân đoàn không thể nào đi đầu hàng một đại đội, và tuy lính Pháp hễ có cơ hội thuận tiện là lập tức kiếm cách tách rời nhau ra, và hễ tìm được một lý do gì ổn ổn một chút là lập tức đầu hàng, song những cơ hội và lý do đó không phải bao giờ cũng có. Ngay cái số lượng của họ cũng như cuộc di chuyển nhanh chóng của họ làm cho họ mất cái khả năng đó và khiến người Nga không những khó lòng mà còn không thể nào ngăn chặn được cuộc di chuyển ấy, một cuộc di chuyển mà khối quân Pháp đã dồn hết sức lực của mình vào để thực hiện. Việc cắt xé một cơ thể ra bằng phương pháp cơ học không thể nào xúc tiến quá trình giải thể diễn ra nhanh hơn quá một giới hạn nào đấy.

Một khối tuyết không thể nào đun tan trong chốc lát được. Trong một giới hạn thời gian nhất định, dù có tăng nhiệt độ lên bao nhiêu cũng không thể làm cho tảng tuyết tan ra được, trái lại càng nóng thì chỗ tuyết còn lại càng rắn hơn.

Trong số các tướng Nga, chỉ có Kutuzov hiểu được điều đó.

Khi hướng tẩu thoát của quân Pháp trên con đường Smolensk đã rõ, thì cái việc mà Konovnitxyn đã dự đoán đêm mười một tháng mười bắt đầu thực hiện. Tất cả các tướng tá trong quân đội đều muốn lập công, muốn cắt đứt, muốn đuổi đánh, muốn tiêu diệt, muốn bắt sống quân Pháp, và tất cả đều đòi tấn công.

Chỉ riêng một mình Kutuzov là dốc hết sức lực (sức lực của một vị tổng tư lệnh nào cũtng vậy chẳng có được bao nhiêu) cưỡng lại chủ trương tấn công.

Ông không thể nói với họ cái điều mà ngày nay chúng ta vẫn nói: việc gì phải mở trận, phải chặn đường, phải mất quân lính và tàn sát những con người khốn khổ kia một cách vô nhân đạo? Việc gì phải làm như vậy, một khi từ Moskva đến Vyazma, tuy không đánh trận nào, đạo quân ấy cũng đã tiêu tan mất một phần ba? Nhưng ông đã dùng cái trí khôn già dặn của mình, lựa những điều mà họ có thể hiểu được để nói với họ: Ông kể cho họ nghe chuyện cái cầu vàng. Và họ liền chế nhạo ông ta, vu cáo ông ta, họ lăng xăng, cuống quýt, lên mặt anh hùng trước cái xác con thú đã chết.

Ở gần Vyazma, Yermolov, Miloradovich, Platov và một số tướng khác thấy quân Pháp gần quá, không sao cưỡng nổi ý muốn cắt đứt và đánh bật hai lữ đoàn Pháp. Để báo cáo cho Kutuzov biết việc này, họ gửi cho ông ta một phong bì đựng một tờ giấy trắng thay cho bản báo cáo.

Và tuy Kutuzov đã ra sức kìm giữ quân đội lại, quân đội vẫn tấn công, vẫn cố chặn đường quân Pháp. Như người ta vẫn thường kể, các trung đoàn bộ binh trong tiếng quân nhạc và tiếng trống trận, tiến lên công phá quân địch; họ giết chết và bị tổn thất hàng nghìn người.

Nhưng họ cắt được đường, mà cũng không đánh bật được ai. Và quân đội Pháp đứng trước nguy cơ, đã xiết chặt hàng ngũ lại, tiếp tục cuộc hành trình tai họa về Smolensk, trong khi vẫn tan rã một cách đều đặn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx