sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2) - Phần 5 - Chương 13 - 14

Phần V

Chương - 13 -

Bà hành hương yên tâm, và sau khi được gợi chuyện, lại thao thao bất tuyệt một hồi lâu về cha Amfilok, con người sống một cuộc đời thánh đức đến nỗi hai bàn tay sực nức mùi hương trầm.

Rồi bà lại kể rằng trong cuộc hành hương gần đây của bà đến Kiev, các tu sĩ mà bà quen biết đã cho bà mượn chìa khóa đi vào động thánh và bà đã đem lương khô đến đấy sống hai ngày hai đêm bên mộ các vị phúc lộc. "Tôi cầu nguyện trước một thánh cốt, tôi đọc kinh một lát rồi tôi lại đến một thánh cốt khác. Tôi ngủ thiếp đi một lát rồi lại đến hôn các thánh cốt; tiểu thư ạ, bấy giờ thật là tịch mịch, tôi cảm thấy sung sướng đến nỗi không còn muốn bước ra ngoài trời nữa".

Piotr chăm chú và nghiêm trang lắng nghe bà ta nói. Công tước Andrey đã ra khỏi phòng. Một lát sau, tiểu thư Maria cũng ra theo, đưa Piotr đến phòng khách, để những người nhà trời ngồi lại uống nốt chén trà.

- Anh tốt quá - Nàng nói với chàng.

- Thật tôi không có ý muốn là bà ta phật lòng đâu, tôi rất hiểu và rất quý những tình cảm ấy.

Công tước tiểu thư Maria im lặng nhìn chàng và mỉm cười dịu dàng:

- Tôi đã biết anh từ lâu và yêu quý anh như một người anh ruột. Anh thấy anh Andrey thế nào? - Nàng hỏi vội vàng, không để cho chàng có thì giờ nói một câu gì đáp lại những lời lẽ trìu mến của mình

- Tôi lo cho anh ấy lắm. Sức khỏe của anh ấy mùa đông năm ngoái đã khá hơn, nhưng sang mùa xuân năm nay vết thương lại tấy lên, và bác sĩ bảo là anh ấy cần phải đi dưỡng bệnh. Về mặt tinh thần anh ấy cũng làm cho tôi rất lo ngại. Anh ấy không phải như đàn bà chúng tôi có thể than khóc để chịu đựng nỗi khổ của mình. Anh ấy giữ kín nỗi đau khổ trong lòng. Hôm nay anh ấy vui vẻ và phấn chấn, nhưng đó là vì có anh đến thăm, chứ ngày thường ít khi anh ấy như thế lắm. Nếu anh có thể khuyên anh ấy đi du lịch nước ngoài thì tốt quá! Anh ấy cần hoạt động: cuộc sống yên tĩnh và đều đều ở đây rất có hại cho anh ấy. Người khác thì không để ý nhưng tôi thì tôi thấy rất rõ.

Vào khoảng hơn chín giờ, gia nhân chạy ùa ra ngoài thềm khi nghe tiếng chuông xe ngựa của lão công tước. Andrey và Piotr cũng ra thềm đón.

- Đây là ai? - Lão công tước hỏi khi bước xuống xe và trông thấy Piotr. Khi đã biết chàng thanh niên lạ mặt kia là ai, ông nói:

- A! Rất vui mừng! Anh hôn tôi đi.

Lúc bấy giờ lão công tước đang vui, nên tiếp Piotr rất niềm nở thân ái.

Trước bữa ăn tối, công tước Andrey quay lại phòng làm việc của cha thì thấy lão công tước đang tranh luận rất hay với Piotr, lúc bấy giờ Piotr đang chứng minh rằng sẽ có lúc không còn chiến tranh nữa. Lão công tước bác lại, chế nhạo chàng nhưng vẫn không giận dữ.

- Lấy hết máu trong huyết mạch của họ ra, và đổ nước lã vào, lúc bấy giờ mới không có chuyện nhảm! - Lão công tước nói, nhưng vẫn thân mật vỗ vai Piotr rồi đến cạnh bàn công tước Andrey. Công tước Andrey, hẳn là không muốn dự vào câu chuyện, đang ngồi giở xem những giấy tờ mà cha chàng mới đem từ trên tỉnh về. Lão công tước đến cạnh chàng và bắt đầu nói chuyện công việc.

- Bá tước Roxtov, đô thống quý tộc, không cung cấp được một nửa số người ấn định. Ông ta lên tỉnh, bày chuyện mời ta đến dự tiệc ta mới cho lão ta một trận: cái lão này chỉ ăn với uống… này anh. - Lão công tước Nikolai Andreyevich nói với con trai trong khi vỗ vai Piotr, - Anh bạn của anh cừ đấy, ta rất mến. Nói chuyện với anh rất thú. Những người khác ăn nói thông minh nhưng người ta không buồn nghe, còn cái anh này thì chỉ nói nhảm nhưng lại làm cho già này hăng hái hẳn lên. Thôi đi ăn đi, đi ăn đi, có lẽ ta sẽ đến ngồi tiếp anh trong bữa ăn tối. Rồi chúng ta còn tranh luận nữa. - Lão công tước đã đến cửa phòng, còn ngoái cổ lại quát to với Piotr - Anh hãy thương yêu lấy nữ công tước Maria, con bé ngốc nghếch của tôi.

Mãi đến nay, khi đến Lưxye Gorư, Piotr mới thấy hết cái sức mạnh và sức thu hút trong tình bạn của chàng với công tước Andrey. Sức thu hút này không phải chỉ biểu hiện trong mối quan hệ đối với cả gia đình và tất cả những người ở trong nhà nữa. Với lão công tước khắc nghiệt, với công tước tiểu thư Maria dịu dàng và nhút nhát, tuy chàng hầu như chưa quen biết họ, Piotr cũng vẫn cảm thấy ngay rằng đối với họ mình là một người bạn cũ. Và tuy mới gặp, mọi người cũng đều đã yêu quý chàng hơn. Không phải chỉ có công tước tiểu thư Maria mến chàng vì cái thái độ hiền hòa của chàng đối với mấy người hành hương và mỗi khi nhìn chàng, đôi mắt trong sáng của nàng lại càng thêm trong sáng, mà ngay cả tiểu công tước Nikolai (như ông nội của cậu vẫn gọi) bấy giờ đã được một tuổi, cũng mỉm cười với Piotr và để cho chàng bế, Mikhail Ivanyts, cô Burien nhìn chàng với những nụ cười vui vẻ khi chàng nói chuyện với lão công tước.

Lão công tước ra dự bữa ăn tối gia đình: cái đó rõ là vì Piotr. Lão công tước tỏ ra đặc biệt thân mật với chàng trong hai ngày chàng ở lại Lưxye Gorư và bảo chàng thỉnh thoảng đến chơi.

Khi Piotr đã ra đi và tất cả những người trong gia đình hội họp lại bắt đầu bình phẩm về chàng, cũng như thói thường mỗi khi một người mới quen biết vừa ra về, và có một điều ít có là mọi người đều chỉ nói tốt cho chàng.

Phần V

Chương - 14 -

Lần này đi nghỉ phép về, Roxtov lần đầu tiên cảm thấy và hiểu lo mối liên hệ giữa chàng với Denixov và tất cả trung đoàn là mãnh liệt như thế nào.

Khi gần về đến trung đoàn, Roxtov có một cảm xúc giống như cái cảm xúc chàng đã từng thể nghiệm khi gần về đến ngôi nhà của mình ở phố Povarxkaya. Khi chàng trông thấy người lính phiêu kỵ đầu tiên mặc quân phục phanh ngực, khi chàng nhận ra anh chàng Dementyev tóc hoe, nhìn thấy những cái cọc buộc mấy con ngựa hồng, khi chàng nghe Lavruska mừng rỡ reo lên với chủ: "Bá tước đã về!" và anh chàng Denixov tóc bờm xờm đang ngủ trên giường bỗng vùng dậy chạy ra khỏi lều đất(1) ôm lấy chàng mà hôn và các sĩ quan chạy đến xúm xít xung quanh con người mới đến, Roxtov có một cảm xúc giống như khi mẹ chàng, hay các em gái của chàng ôm hôn chàng, và những giọt nước mắt vui sướng trào lên cổ làm cho chàng nghẹn ngào không sao nói được nữa. Trung đoàn đối với chàng cũng là nhà của chàng, một cái nhà thứ hai, cũng thân mật và quý báu như ngôi nhà của cha mẹ chàng.

Sau khi đã lên trình diện với trung đoàn trưởng, và lại được bổ dụng vào tiểu đoàn cũ, sau khi đã làm xong công việc trực nhật và đi lấy cỏ ngựa, dự phần vào tất cả những điều lo lắng nhỏ nhặt của trung đoàn và cảm thấy mình đã mất tự do và bị gắn chặt vào cái khuôn khổ chật hẹp và không thay đổi, Roxtov cũng thấy mình yên tĩnh, có chỗ nương tựa vững vàng, và có ý thức rằng mình ở đây là ở nhà, ở nơi dành liêng cho mình, đúng như khi ở dưới mái nhà của cha mẹ. Ở đây không có những cảnh rối ren của cuộc sống bên ngoài quân đội, trong đó chàng không tìm thấy vị trí của mình và cứ phải lầm lẫn trong lúc lựa chọn; ở đây không có Sonya để chàng cứ phải băn khoăn không biết có nên thổ lộ tình yêu hay không. Ở đây không thể có khả năng đến "đàng ấy" hay không đến "đàng ấy", không có những ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà người ta có thể giải trí theo bao nhiêu cách khác nhau cũng được; không có cái đám người đông vô số trong đó chẳng có ai thân thiết hơn ai mà cũng chẳng có ai xa lạ hơn ai; không có những quan hệ tiền tài không rõ ràng và không xác định với cha chàng, không còn phải hồi tương lai canh bạc khủng khiếp chàng đã thua Dolokhov, ở đây, trong trung đoàn, mọi việc đều rõ ràng và đơn giản. Thế giới chia ra hai phần không đều nhau, một phần là "trung đoàn Pavlograd của chúng ta", còn cái phần kia là tất cả những gì còn lại. Và cái phần còn lại kia thì tuyệt nhiên chẳng cần đếm xỉa gì đến. Trong trung đoàn cái gì cũng rõ; ai là trung uý, ai là đại uý, ai tốt, ai xấu, và nhất là ai là bạn mình. Người bán hàng rong cho anh mua chịu, tiền lương thì lĩnh từng quý một; chẳng cần gì phải suy tính hay lựa chọn lôi thôi, chỉ cần đừng làm những việc mà trong trung đoàn Pavlograd người ta vẫn coi là xấu xa, và khi được giao nhiệm vụ thì chỉ có việc thi hành cho đúng những điều đã được chỉ thị một cách rõ ràng, minh xác, thế là mọi việc sẽ ổn thoả.

(1) Một thứ hào có lợp mái.

Quay trở về với hoàn cảnh sinh hoạt rõ ràng minh bạch của trung đoàn, Roxtov cảm thấy vui sướng và thư thái như một người mệt mỏi khi ngả lưng xuống nằm nghỉ. Cuộc sống ở trung đoàn trong chiến dịch này đối với chàng lại càng thú vị hơn nữa là vì từ khi chàng thua bạc (một việc chàng không thể nào tha thứ cho mình, mặc dầu cha mẹ chàng đã hết lời an ủi), chàng đã quyết định làm nghĩa vụ quân nhân không phải như trước kia nữa, mà lại để chuộc lại lỗi lầm của mình, chàng quyết tâm phục vụ tốt và trở thành một người bạn và một sĩ quan gương mẫu, nghĩa là một con người hoàn toàn, điều mà chàng cảm thấy thật khó lòng thực hiện nổi khi còn sống ở ngoài đời, nhưng ở trong trung đoàn thì lại rất dễ.

Từ dạo chàng thua bạc, Roxtov đã quyết định trong năm năm sẽ trả xong món nợ chàng đã mắc cha mẹ chàng. Trước kia gia đình gửi cho chàng một số tiền trợ cấp mỗi năm một vạn rúp, nhưng bây giờ chàng nhất quyết chỉ nhận hai nghìn thôi, còn bao nhiêu để lại cho cha mẹ mong trả dần số nợ. Sau nhiều lần thoái quân rồi lại tiến quân, và sau các trận Pultuxk, Proixich Ailau, quân ta kéo về tập trung ở gần Bartenstain. Quân sĩ đang chờ đợi hoàng đế đến và chờ một chiến dịch mới sắp mở đầu.

Trung đoàn Pavlograd là một bộ phận của đạo quân đã dự chiến dịch 1805. Vì còn phải bổ sung quân số ở Nga nên nó đã đến quá chậm không được dự những trận đầu tiên của chiến dịch và không có mặt ở Pultuxk cũng như ở Proixich Ailau. Đến cuối chiến dịch, nó được sáp nhập vào quân đội đã chiến và trở thành một đơn vị của chi đoàn Platov.

Chi đoàn Platov hoạt động độc lập đối với quân đội. Đã mấy lần lính phiêu kỵ Pavlograd đã tham dự vào những trận đánh nhỏ với quân địch, bắt được tù binh và có một lần đã cướp được đoàn xe vận tải của thống chế Udino. Vào tháng tư trung đoàn phiêu kỵ Pavlograd đã mấy tuần đóng quân cạnh một làng Đức bị đốt phá tan hoang và không còn ai ở nữa; họ cứ ở lì một chỗ, không đi đâu cả.

Tuyết đã bắt đầu tan và đâu đâu cũng ngập đầy những bùn. Trời lạnh, sông ngòi ngập nước đường sá không đi lại được; người và ngựa đã mấy ngày không có lương ăn. Vì việc vận tải không thể thực hiện được, binh sĩ tràn vào các làng hoang vắng tìm khoai tây, nhưng ngay cả thứ này bây giờ cũng rất hiếm.

Lương thực đã cạn và bao nhiêu dân cư đều đã chạy chốn hết; những người nào ở lại thì còn đói khổ hơn ăn mày và không còn gì để mà lấy của họ nữa, đến nỗi quân lính xưa nay vốn ít biết thương xót ai, đến nay không những không lấy gì của họ mà lại còn chia sẻ với họ những mẩu bánh cuối cùng.

Trung đoàn Pavlograd chỉ có hai người bị thương trong chiến đấu; nhưng nạn đói và bệnh tật đã cướp mất gần nửa quân số. Trong các bệnh xá người ta chết một cách chắc chắn đến nỗi mặc dầu phát sốt và bị phù thũng vì ăn uống tồi tàn, binh sĩ vẫn cứ một mực xin ở lại đơn vị thà cố sức lê chân trong hàng ngũ còn hơn là đến bệnh xá.

Đầu mùa xuân binh sĩ tìm thấy một thứ cây giống như cây măng tây ở dưới đất mọc lên và không hiểu tại sao họ đặt tên cho nó là rễ ngọt Maska. Họ phân tán ra các bãi cỏ và cánh đồng để tìm cái thứ rễ ngọt này (thực ra thì nó rất đắng) lấy gươm đào lên ăn, mặc dầu đã có lệnh cấm không được động đến thứ cây độc này. Vào mùa xuân, trong đám binh sĩ phát sinh một thứ bệnh mới; đó là bệnh phù thũng ở tay, chân và mặt; các bác sĩ cho rằng sở dĩ sinh bệnh phù thũng như vậy là vì ăn thứ rễ độc kia. Nhưng tuy đã có lệnh cấm, lính phiêu kỵ Pavlograd trong tiểu đoàn Denixov vẫn dùng cái rễ Maska là món ăn chính, bởi vì suất lương khô cuối cùng mỗi người nhận được là nửa bảng đã kéo dài hai tuần nay, còn chỗ khoai tây đưa đến lần cuối cùng thì đã đóng giá và mọc mầm hết.

Ngựa cũng vậy, đã mười lăm ngày nay chỉ ăn mái tranh thay cỏ gầy gò như những bộ xương, và vẫn còn giữ bộ lông mùa đông rối bết lại thành cục.

Mặc dầu tình cảnh bi đát như vậy, nếp sinh hoạt của binh lính và sĩ quan vẫn đúng như mọi khi. Bấy giờ, tuy mặt mày xanh xao và sưng phù lên quân phục rách rưới, lính phiêu kỵ vẫn cứ tập hợp điểm danh, đi tìm thức ăn, tắm rửa cho ngựa, lau chùi khí giới, lấy tranh trên mái cho ngựa ăn thay cỏ, đi lĩnh phần cháo ăn trở về đói lả nhưng vẫn bông đùa về cảnh ăn uống cơ cực và đói khổ của mình. Cũng như mọi ngày, mỗi khi rỗi rãi họ lại đốt lửa lên, đánh trần ra ngồi sưởi, hút thuốc, nướng những củ khoai tây đã mọc mầm hoặc đã thối và kể lại hay nghe kể lại các chiến dịch của Potyomkin và Xuvorov, những câu chuyện phiêu lưu của chàng Ayosa tinh ranh và của Mikolka, người cố nông của ông Pop.

Các sĩ quan cũng như thường ngày vẫn sống hai hay ba người một trong những ngôi nhà dột nát, tứ phía gió lùa vào thông thống.

Các sĩ quan cấp trên thì lo việc kiếm rơm và khoai tây và nói chung lo vấn đề lương thực của binh sĩ. Các sĩ quan cấp dưới thì vẫn như mọi ngày, người thì đánh bài (tiền thì họ vẫn có nhiều mặc dầu không có lương thực), người thì chơi những trò vô hại như chơi "gorodki" và chơi "xvaika". Người ta ít nói đến tình hình chung của chiến sự, một phần vì không biết gì đích xác, một phần vì cảm thấy mơ hồ rằng tình hình chiến sự điền biến không lấy gì làm tốt đẹp.

Roxtov vẫn ở chung với Denixov như trước, và từ ngày họ được nghỉ phép, tình bạn của hai người lại càng thêm khăng khít.

Denixov không bao giờ nhắc đến gia đình Roxtov nhưng mối tình bằng hữu đằm thắm của viên chỉ huy đối với sĩ quan dưới quyền mình khiến Roxtov cảm thấy rằng tình yêu tuyệt vọng của người lính phiêu kỵ dạn dày đối với Natasa đã góp phần xiết chặt tình bạn của họ. Hình như Denixov tìm mọi cách để cho Roxtov ít phải xông pha nơi nguy hiểm, nương nhẹ nhàng và sau mỗi lấn giao chiến, Denixov lại hết sức vui sướng khi thấy Roxtov trở về lành lặn.

Trong một chuyến đi công tác lương thực, Roxtov đã tìm thấy trong một cái làng vắng vẻ bị phá phách tan hoang một cụ già người Ba Lan với người con gái của cụ đang có con dại. Họ rách rưới đói khổ không đi được nữa và không có tiền để thuê một chiếc xe. Roxtov đem họ về nơi đóng quân, cho họ ở trong lều mình và suốt mấy tuần săn sóc họ cho đến khi cụ già bình phục. Một người bạn của chàng, một hôm nhân nói đến đàn bà, đã chế giễu Roxtov, nói rằng chàng tinh ranh nhất đời, và lẽ ra cũng nên giới thiệu với bạn bè cái cô Ba Lan xinh đẹp mà chàng đã cứu sống. Roxtov cho rằng bông đùa như thế là lăng nhục mình và nổi xung lên mắng nhiếc viên sĩ quan nặng lời đến nỗi Denixov phải khó nhọc lắm mới ngắn cản được một cuộc đấu súng. Chính bản thân Denixov cũng không hiểu rõ mối quan hệ giữa Roxtov với người đàn bà Ba Lan này; khi viên sĩ quan đã ra về, chàng trách Roxtov quá nóng nảy, thì Roxtov đáp:

- Anh nói thế nào cũng được… Tôi xem người ấy như chị ruột và tôi không thể nào nói cho anh rõ tôi tức giận đến chừng nào… Bởi vì… vì…

Denixov vỗ mạnh lên vai Roxtov và bắt đầu đi đi lại lại rất nhanh trong phòng, không nhìn Roxtov, như chàng vẫn thường làm những khi xúc động.

- Dòng họ Roxtov nhà cậu thật là gàn. - Chàng nói, và Roxtov nhận thấy mắt Denixov rưng rưng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx