sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2) - Phần 5 - Chương 15 - 16

Phần V

Chương - 15 -

Sang tháng Tư, quân sĩ phấn khới nghe tin hoàng đế đến thăm. Roxtov không được dự lễ hoàng đế duyệt binh ở Bartenstain vì lính phiêu kỵ Pavlograd bây giờ đang ở tiền tiêu, cách Barlenstain rất xa.

Họ đang đóng doanh trại tạm trú. Denixov và Roxtov sống trong một túp lều đất do binh sĩ đào lên, phủ bằng cành cây và cỏ.

Lều đất dựng lên theo một cách thức rất thịnh hành thời bấy giờ. Người ta đào một cái hào rộng một thước, sâu một thước rười và dài hai thước rưỡi. Ở một đầu người ta đào những bậc thềm làm chỗ ra vào lên xuống. Cái hào là phòng, và trong phòng những người may mắn nhất như phóng viên đại đội trưởng thì có một tấm ván đặt trên mấy cái cọc ở phía trong cùng, dùng làm bàn. Ở hai bên hầm moi đất sâu vào độ một ác-xin, và những chỗ lõm ấy được dùng làm giường và làm đi văng. Cái mái cho phép người ta đứng ở giữa nhà và có thể ngồi trên giường ở chỗ gần bàn. Denixov sống rất sang trọng bởi vì binh sĩ trong tiểu đoàn yêu quý chàng; trên mui nhà hầm của chàng có đặt một tấm ván và trên tấm ván này lại có một miếng kính vỡ nhưng đã được dán lại. Khi nào trời lạnh quá thì người ta đặt lên các bậc thềm (Denixov gọi phần này của gian hầm và khoảng cách) một miếng tôn uốn cong dầy những cục than hồng lấy ở những nơi binh sĩ đốt lửa, và lúc bấy giờ gian hầm ấm đến nỗi các sĩ quan (bao giờ cũng có nhiều sĩ quan ở nhà của Denixov và Roxtov) chỉ mặc sơ mi.

Vào tháng Tư, Roxtov phải trực nhật. Một hôm nào vào khoảng tám giờ sáng chàng trở về lều sau một đêm không ngủ, sai đem than đỏ đến, thay bộ quân phục đã ướt sũng nước mưa.

Chàng cầu nguyện, uống nước chè, sưởi cho ấm, xếp dọn đồ đạc trong góc của mình và ở trên bàn, rồi mặt nóng bừng vì vừa đi giữa gió, chàng mặc áo sơ mi nằm ngửa trên giường, đầu gối lên hai tay. Chàng sung sướng nghĩ rằng mình sẽ được thăng chức nhân chuyến đi trinh sát vừa rồi, và đang sốt ruột chờ đợi Denixov về. Vì lúc bấy giờ Denixov đi đâu vắng. Roxtov muốn nói chuyện với anh ta một lát.

Chợt phía sau lều nghe có tiếng Denixov quát tháo ầm ầm, giọng rất giữ. Roxtov nhỏm dậy ghé mắt ra cửa sổ xem Denixov đang to tiếng với ai thì trông thấy viên tào trưởng Topseyenko.

- Tôi đã ra lệnh cho anh là không được để cho họ ngốn cái rễ Mask ấy kia mà, - Denixov quát. - Thế mà chính mắt tôi vừa thấy Lazartsuk lôi thứ của nợ ấy ở ngoài đồng về?

- Thưa ngài, tôi đã ra lệnh nhưng họ không chịu nghe, - viên tào trưởng nói.

Roxtov lại nằm xuống giường và đắc chí nghĩ thầm: "Bây giờ cứ mặc kệ anh ấy lo, mình đã làm xong công việc của mình rồi, mình cứ việc nằm, khoái thật".

Bên kia tường, ngoài tiếng nói của viên tào trưởng nghe thêm tiếng nói của Lavrutska anh cần vụ láu lỉnh, tinh ma của Denixov. Anh ta đang nói gì về những đoàn vận tải, những lương khô và những con bò mà anh ta vừa trông thấy trong nhà khi đi tìm lương thực.

Từ phía sau lều lại nghe tiếng quát xa dần của Denixov: "Trung đội hai! Đóng yên cương!".

Roxtov tự hỏi: "Họ chuẩn bị đi đâu thế nhỉ?"

Năm phút sau Denixov bước vào nhà hầm, để cả đôi ủng lấm bùn leo lên giường rít tẩu thuốc một cách giận dữ, xáo tung đồ đạc lên, với lấy roi ngựa, xách kiếm và chực ra khỏi lều. Khi Roxtov hỏi: "Anh đi đâu đấy" thì chàng càu nhàu trả lời bâng quơ là đi có việc Thượng đế và hoàng đế cứ xét xử tội!

Denixov nói đoạn bước ra ngoài. Rồi Roxtov nghe phía sau nhà có tiếng chân mấy con ngựa dẫm trên bùn. Roxtov chẳng hề tự hỏi xem Denixov đi đâu.

Nằm ấm áp ở trong góc của mình, chàng ngủ một mạch, và đến chiều mới ra khỏi lều. Denixov vẫn chưa thấy về. Chiều hôm ấy rất đẹp trời, gần cái lều đất bên cạnh, hai sĩ quan và một chuẩn uý đang chơi Xvaika vừa reo cười vừa cắm những cái cọc xuống lớp bùn mềm. Roxtov nhập bọn. Đang chơi dở chừng họ bỗng trông thấy mấy chiếc xe vận tải đang tiến lại gần.

Khoảng chừng mười lăm người lính phiêu kỵ cưỡi những con ngựa gầy gò đi theo. Đoàn xe bị đội phiêu kỵ áp giải đến gần các cọc gỗ buộc ngựa, và một đám đông lính phiêu kỵ xúm xít vây quanh họ.

- Xem kìa. - Roxtov nói. - Denixov cứ phải lo lắng mãi. Lương thực đã đến đây kia.

- Đúng rồi! - Các sĩ quan nói. - Chuyến này thì binh sĩ khoái lắm đấy!

Denixov cưỡi ngựa đi sau toán lính phiêu kỵ một quãng cùng với hai sĩ quan bộ binh, và đang nói chuyện gì với họ. Roxtov ra đón bạn.

- Tôi báo trước cho ông biết, ông đại uý ạ… - Một viên sĩ quan người nhỏ nhắn và gầy gò nói, vẻ căm giận.

- Đã bảo là không trả. - Denixov đáp.

- Ông phải chịu trách nhiệm đấy ông đại đội trưởng kỵ binh ạ! Như thế là manh động! Ai lại đi cướp xe vận tải của quân đội bao giờ! Quân lính chúng tôi không ăn gì đã hai ngày nay.

- Còn quân chúng tôi thì đã hai tuần nay. - Denixov nói.

- Như thế là ăn cướp! Thưa ngài, rồi ngài sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này! - Viên sĩ quan bộ binh to tiếng nhắc lại.

- Này, sao cứ quấy rầy người ta mãi thế? - Denixov đột nhiên nổi giận quát lên. - Kẻ chịu trách nhiệm là tôi, chứ không phải anh, muốn tốt đừng có lải nhải mãi nữa. Đi đi! - Chàng thét vào mặt mấy viên sĩ quan.

- Được lắm! - Viên sĩ quan nhỏ nhắn đáp: hắn vẫn đứng nguyên, không có vẻ gì sợ hãi, - Làm như thế là ăn cướp, rồi tôi cho anh…

- Xéo đi xéo nhanh đi, trong khi hãy còn lành lặn! - Rồi Denixov quay ngựa về phía viên sĩ quan.

- Được lắm được lắm. - vièn sĩ quan hăm dọa rồi quay ngựa phóng nước kiệu đi, người lắc lư trên yên.

- Chó ngồi bờ rào, hệt chó ngồi bờ rào! - Denixov nói với theo; đó là lời chế nhạo khinh bỉ nhất của một kỵ binh đối với một bộ binh cưỡi ngựa. Đoạn chàng đến cạnh Roxtov và cười phá lên.

- Mình đã tước của bộ binh, mình đã dùng võ lực cướp của đoàn vận tải. - Chàng nói. - Chả nhẽ để cho quân mình chết đói sao?

Đoàn xe vận tải vừa rồi là giành cho một trung đoàn bộ binh, nhưng được Lavrutska báo tin rằng đoàn này đi một mình không được yểm hộ. Denixov và lính phiêu kỵ liền dùng võ lực cướp lấy.

Người ta phát lương khô cho lính ăn tha hồ, thậm chí còn chia bớt cho các đại biểu đoàn binh khác nữa.

Hôm sau viên trung đoàn trưởng gọi Denixov lên gặp. Ông ta xòe bàn tay ra che mắt(1) và nói với chàng: "Tôi nhìn việc vừa rồi như thế đấy; tôi không biết gì và không can thiệp, nhưng tôi khuyên anh đến bộ tư lệnh giải quyết việc này với phòng quân lương và nếu có thể thì ký một tờ giấy nói rằng anh đã nhận bao nhiêu lương thực (chỗ lương thực này có ghi vào sổ yêu cầu của trung đoàn bộ binh); Nếu không việc này sẽ thành to chuyện và có thể đưa đến những hậu quả rất tai hại".

(1) Trong tiếng Nga: "nhìn qua mấy ngón tay" nghĩa là làm ngơ.

Denixov từ giã trung đoàn trưởng và đi thẳng đến bộ tư lệnh, thực tâm muốn làm theo lời khuyên của ông ta. Đến chiều chàng trở về lều.

Chưa bao giờ Roxtov thấy chàng như vậy: Denixov thở hổn hển nói không nên lời. Khi Roxtov hỏi chàng có việc gì thì chàng cất cái giọng khản đặc phều phào tuôn ra một tràng toàn những lời chửi bới và hăm dọa không tài nào hiểu nổi.

Sợ hãi trước tình trạng của Denixov, Roxtov bảo chàng cởi áo quần, cho chàng uống nước và sai người đi mời thầy thuốc.

- Họ khép mình vào tội ăn cướp. Ô! Cho mình tý nước nữa!… Muốn xét xử gì thì xét xử, tao cũng nện cho cái bọn chó má ấy!… Rồi tao sẽ nói với cả hoàng thượng nữa, cho mình tý nước đã? - Chàng nói.

Viên y sĩ của trung đoàn đến, ông ta bảo cần phải trích máu cho chàng. Người ta lấy ở cánh tay lông lá của Denixov ra một đĩa máu đen ngòm và bấy giờ Denixov mới kể lại được tất cả những điều đã xảy ra.

- Tôi đến, - Denixov - "Xem nào, ở đây ai là thủ trưởng của các anh?" Người ta chỉ cho tôi. "Ông làm ơn đợi một lát." - "Tôi có việc cần. Tôi đi ba mươi dặm đến đây, tôi không có thì giờ đợi, vào báo cáo ngay cho tôi". Thế rồi cái thằng ăn cướp thượng hạng ấy cũng muốn lên mặt dạy tôi. "Như thế là ăn cướp!" - Tôi nói: "Người ăn cướp không phải là người lấy lương thực để nuôi binh sĩ của mình mà là người lấy lương thực để nhét vào túi!" - "Hay lắm" - hắn nói. "Ông hãy đến ký giấy biên lại ở phòng ông phụ trách quân lương và việc của ông sẽ được đưa lên cấp trên". Tôi đến gặp thằng cha phụ trách quân lương. Tôi bước vào. Có biết ai ngồi ở phòng không? Cậu thử đoán xem, có đứa nào bắt chúng ta nhịn đói không. - Denixov thét lên, giơ bàn tay bị thương đấm lên mặt bàn đến nỗi cái bàn xuýt lăn kềnh ra và cốc chén cứ nhảy lổng chổng, - Thằng Telyanin "A, ra cái thằng bắt chúng tao chết đói chính là mày phải không?" Thế là tôi tống luôn mấy quả vào giữa mồm hắn, khoái thật! Tôi trút lên đầu hắn một tràng câu chửi và bắt đầu nện cho hắn một trận nên thân. Thật hả quá - Denixov quát lên, vẻ hả hê và hung ác, nhe hàm răng trắng dưới bộ râu mép đen nhánh. - Người ta không giằng nó ra khỏi tay tôi thì tôi đã đánh cho nó chết tươi rồi!

- Nhưng anh đừng có thét lên như thế chứ! Bình tĩnh lại tý nào! - Roxtov nói. Đấy, máu lại chảy ra rồi! Yên nào, phải băng lại.

Người ta băng bó lại cho Denixov và đặt chàng nằm ngủ. Sáng hôm sau chàng thức dậy, vui vẻ và bình tĩnh.

Nhưng đến giữa trưa thì viên sĩ quan phụ tá của trung đoàn vẻ mặt buồn rầu và nghiêm nghị, bước vào căn nhà hầm chung của Denixov và Roxtov và tỏ ý rất tiếc phải đưa cho thiếu tá Denixov một công văn của viên trung đoàn trướng chất vấn chàng việc đã xảy ra hôm qua. Viên sĩ quan phụ tá bảo cho chàng biết rằng việc này có thể có những hậu quả tai hại, một tiểu ban quân pháp đã được cử ra để xét việc này, và trong tình hình hiện nay người ta rất nghiêm khắc đối với những hành động ăn cướp và vô kỷ luật trong quân đội, cho nên ít nhất Denixov cũng bì giáng chức.

Theo như lời khiếu nại của bên nguyên thì sau khi đã cướp đoàn xe vận tải, thiếu tá Denixov say rượu đến gặp viên phụ trách quân lương, và mặc dầu không hề bị khiêu khích, đã gọi ông ta là đồ ăn cắp dọa đánh ông ta và khi bị lôi ra ngoài thì lại xông vào cơ quan đánh hai viên chức làm một trong hai người sái cả xương tay.

Khi Roxtov hỏi thêm thì Denixov cười phá lên, nói rằng quả thật hình như có một thằng cha nào khác ngẫu nhiên ăn đòn của chàng, nhưng việc đó chẳng có gì quan trọng, toàn là những chuyện vớ vẩn, rằng chàng chẳng sợ tòa án nào hết và nếu cái bọn khốn kiếp còn dám gây sự với chàng thì chàng sẽ trị cho chúng một mẻ nhớ suốt đời.

Denixov nói đến tất cả những sự việc này với một giọng khinh thường, nhưng Roxtov biết chàng quá rõ nên không thể không nhận thấy rằng tuy chàng cố giấu, trong thâm tâm chàng vẫn sợ tòa án và rất khổ tâm về việc này, mà chắc thế nào cũng có những hậu quả tai hại. Ngày nào cũng có những tờ trát gửi đến chất vấn Denixov hoặc đòi chàng đến tòa án xét hỏi, và ngày mồng một tháng năm có lệnh bắt Denixov phải giao kỵ đội của mình lại cho người sĩ quan cao cấp nhất còn lại trong đơn vị chỉ huy, và phải đến trình diện ở bộ tư lệnh sư đoàn để trình bày về việc đã đến hành hung ở ban quân lương. Trước đấy một hôm, Platov đem hai trung đoàn cô-dắc và hai tiểu đoàn kỵ binh đi trinh sát địch tình. Cũng như mọi ngày, Denixov hiên ngang xông lên trước. Một viên đạn của lính xạ kích Pháp bắn trúng vào bắp đùi chàng. Vào những lúc khác chắc Denixov không đời nào chịu rời khỏi trng đoàn vì một vết thương nhẹ như vậy, nhưng bây giờ chàng nhân dịp này không chịu lên trình diện và đi luôn vào bệnh viện.

Phần V

Chương - 16 -

Đến tháng sáu diễn ra trận Frilland, nhưng lính phiêu kỵ Pavlograd không dự trận này, và sau đó có lệnh đình chiến.

Roxtov rất buồn vì vắng bạn, và từ ngày Denixov ra đi, chàng chẳng có tin tức gì về anh ta, nên lại thêm lo lắng về vụ án và vết thương của bạn, vì vậy nhân dịp đình chiến Roxtov liền xin vào bệnh viện thăm Denixov.

Bệnh viện ở trong một thị trấn nhỏ của Phổ đã hai lần bị quân đội Nga và quân đội Pháp tàn phá. Bấy giờ là vào mùa hè trong khi ở thôn quê trời đẹp như vậy, thì cái thị trấn nhỏ này với những mái nhà đổ nát, những hàng rào xiêu vẹo, những con đường đầy rác rưởi, những người dân áo quần rách rưới, những người lính say rượu và đau ốm đi lang thang trên đường càng làm thành một cảnh tượng đặc biệt ảm đạm.

Một ngôi nhà bằng đá, cửa sổ và kính một phần đã bị phá vỡ với một cái sân chung quanh chỉ còn lại những mảnh hàng rào đổ nát, được dùng làm nhà thương. Một vài binh sĩ xanh xao, bủng beo, người quấn đầy băng đang đi dạo hay ngồi sưởi nắng ngoài sân.

Roxtov vừa bước qua ngưỡng cửa thì mùi thịt thối và mùi nhà thương đã bao trùm lấy chàng. Ở cầu thang gác, chàng gặp một bác sĩ quân y Nga miệng ngậm xì gà. Một người y tá theo sau ông ta.

- Thì tôi cũng không thể xẻ mình thành làm đôi được kia mà - Bác sĩ nói. - Chiều nay anh đến nhà ông Alekxeyevich tôi sẽ ở đấy, - Người y tá còn hỏi ông ta một câu gì nữa. - Thôi! Anh cứ liệu mà làm. Chung quy cũng thế cả thôi.

Bác sĩ chợt trông thấy Roxtov đang bước lên cầu thang, liền hỏi chàng:

- Thưa đại nhân, ngài muốn gì ạ? Ngài đến đây có việc gì ạ? Hay là không có viên đạn nào đoái hoài đến ngài, cho nên ngài muốn kiếm tý bệnh thương hài? Thưa ngài đấy quả là một nhà hủi.

- Tại sao thế? - Roxtov hỏi.

- Có bệnh thương hàn ông bạn ạ. Ai bước vào đây thì chỉ có chết. Ở đây chỉ còn sót lại hai người, tôi và Makeyev (ông ta chỉ người y tá). Trong số bạn đồng nghiệp chúng tôi đã có năm người chết rồi. Có người nào mới đến thì chỉ sau một tuần lễ là đi đứt. - Bác sĩ nói, vẻ đắc ý rõ rệt. Người ta có yêu cầu cho y sĩ Phổ đến, nhưng mấy ông bạn đồng minh quý hóa của chúng ta không thích cái trò này.

Roxtov nói cho ông ta biết rằng chàng muốn gặp thiếu tá phiêu kỵ Denixov hiện nằm điều trị ở đây.

- Tôi không biết, ông bạn ạ. Ông thử nghĩ xem một mình tôi quản đốc ba bệnh viện, hơn bốn trăm bệnh nhân. Cũng may phúc là các phu nhân người Phổ có lòng từ thiện gửi cho chúng tôi cà phê và vải băng mỗi tháng hai bảng, nếu không thì chúng tôi đã bỏ mẹ cả rồi. - Ông ta cười khà khà. - Bốn trăm bệnh nhân ông ạ, thế mà hôm nào họ cũng gửi thêm mấy người nữa, - rồi ông ta hỏi người y tá: Bốn trăm người phải không nào? Hả?

Người y tá có vẻ mệt lử, hình như anh đang bực bội chờ mong bác sĩ đi nhanh cho, nhưng bác sĩ thì lại nói dai.

- Thiếu tá Denixov - Roxtov nhắc lại. - Ông ta bị thương ở Moliten.

- Hình như ông ta chết rồi thì phải, Makeyev nhỉ? - Bác sĩ hỏi người y tá, giọng lơ đãng. Nhưng người y tá không xác nhận điều bác sĩ vừa nói.

- Ông ta người thế nào, có phải người cao tóc hoe không? - Bác sĩ hỏi.

Roxtov miêu tả diện mạo của Denixov.

- Có có trước đây có một người như thế. - Bác sĩ nói, giọng nghe như vẻ mừng rỡ - Nhưng hình như anh ta chết thật rồi; nhưng để tôi xem, tôi có danh sách. Anh có cầm danh sách đây không, anh Mekeyev?

- Danh sách ở nơi anh Makar Alekxeyevich. - Người y tá đáp. - Nhưng ông cứ vào phòng các sĩ quan thì sẽ gặp thôi. - Anh ta nói thêm với Roxtov.

- Thôi ông đừng vào là hơn! Ông bạn ạ - Bác sĩ nói. - Ông mà vào thì tôi e ông sẽ nằm lại đây mất.

Nhưng Roxtov từ giã viên bác sĩ và yêu cầu người y tá đưa chàng đi.

- Nhưng đừng có trách tôi đấy nhé. - Bác sĩ đứng dưới chân cầu thang nói vọng lên.

Roxtov và người y tá bước vào hành lang. Mùi nhà thương ở trong dãy hành lang tối om này nồng nặc lên đến nỗi Roxtov phải bịt mũi và phải dừng lại lấy sức trước khi tiếp tục đi. Một cánh cửa mở ra ở bên tay phải và một người gầy gò vàng võ đi chân không, chỉ mặc đồ lót, chống nạng đi ra. Anh ta tựa vào khung cửa nhìn hai người mới đến với cặp mắt sáng long lanh và dầy vẻ ganh tị.

Roxtov nhìn vào phòng: thương binh và bệnh binh nằm ta liệt trên những ổ rơm và trên những chiếc áo khoác trải giữa nền nhà.

- Vào xem có được không? - Roxtov hỏi.

- Có gì đây mà xem. - Người y tá nói.

Nhưng chính vì người y tá không muốn cho chàng vào nên Roxtov cứ bước vào phòng bệnh của binh sĩ. Cái mùi trong dãy hành lang mà chàng đã bắt đầu quen, ở đây còn nồng nặc hơn nữa. Ở đây nó có khác một chút gay gắt hơn, và có thể thấy rõ rằng nó xuất phát chính từ chỗ này.

Trong gian phòng dài được ánh mặt trời chiếu sáng rực qua những khung cửa sổ lớn, bệnh binh và thương binh nằm xếp thành hai dãy, đầu quay vào tường để một lối đi giữa. Phần lớn nằm mê man không để ý gì đến hai người mới vào. Những người còn tỉnh đều nhỏm dậy hay ngẩng khuôn mặt gầy gò và vàng võ lên, và mới một vẻ hy vọng được cứu giúp pha lẫn với vẻ trách móc và ghen tị khi thấy người khác khỏe mạnh, họ nhìn đăm đăm vào Roxtov, Roxtov tiến vào giữa phòng, liếc mắt nhìn sang phòng bên qua những khung cửa mở và cả hai bên chàng đều thấy một cành tượng như nhau. Chàng dừng lại, im lặng đưa mắt nhìn quanh. Chàng không ngờ có thể trông thấy một cảnh tượng như vậy: trước mắt chàng là một người bệnh, chắc là một người cô-dắc (vì tóc anh ta cắt thành vòng quanh đầu) đang nằm trên nền nhà gần như chắn ngang lối đi. Anh ta nằm ngửa, tay chân to tướng giang rộng ra. Mặt anh ta đỏ bầm, mắt trợn ngược chỉ thấy có lòng trắng, trên tay và trên cặp chân để trần, cũng đỏ bầm như khuôn mặt, mạch máu nổi lên như những sợi dây chão. Anh ta nện gáy xuống đất và cất giọng khàn khàn nhắc đi nhắc lại. Tiếng ấy là: "nước", "cho tôi xin tí nước!". Roxtov đưa mắt nhìn quanh mong tìm một người nào có thể vực người bệnh về chỗ cũ nằm và cho anh ta uống nước.

- Ai săn sóc bệnh nhân ở đây? - Chàng hỏi người y tá.

Vừa lúc ấy một người lính quân nhu làm nhiệm vụ hộ lý từ phòng bên nện gót chân bước vào và đứng nghiêm chào Roxtov.

Hắn mở to mắt nhìn Roxtov nói:

- Kính chào đại nhân. - Chắc hẳn hắn ta tưởng chàng là một sĩ quan trong ban Giám đốc bệnh viện.

- Anh đỡ người này về chỗ cũ, cho người ta uống nước, - Roxtov chỉ người cô-dắc nói.

- Xin tuân lệnh! - Người lính vui vẻ đáp, mắt còn mở to hơn và người còn rướn thẳng hơn trước nhưng vẫn không rời khỏi chỗ.

"Quả thật ở đây chẳng còn biết làm thế nào nữa" - Roxtov nghĩ thầm. Chàng cúi mặt xuống và đã toan bước ra, thì đột nhiên chàng cảm thấy ở bên tay phải có ai đang chăm chú nhìn mình.

Chàng quay về phía ấy. Ở gần góc phòng, một người lính già, nước da vàng võ, gầy gò như bộ xương, vẻ mặt khắc khổ, bộ râu lốm đốm bạc đã lâu ngày không cạo, đang ngồi trên chiếc áo khoác, chăm chú nhìn Roxtov. Một người nằm cạnh ông ta vừa nói một câu gì với ông ta vừa chỉ vào Roxtov. Chàng hiểu ý rằng ông già kia muốn xin chàng điều gì. Chàng lại gần và thấy ông già chỉ có một chân co lại còn cái chân kia thì đã bị cưa cụt đến quá đầu gối. Một người khác ở bên cạnh cách ông ta khác xa đang nằm dài im lìm đầu hất ra phía sau, mắt trợn ngược. Đó là một người lính trẻ tuổi, mũi hếch, mặt tái nhạt màu sáp ong lốm đốm tàn hương: Roxtov nhìn người lính có cái mũi hếch và thấy lạnh buốt cả sống lưng:

- Nhưng mà… hình như người này… - Chàng nói với người y tá.

- Thưa ngài chúng tôi đã yêu cầu mãi. - Người lính già nói, hàm dưới run run. - Anh ta chết từ hồi sáng. Dẫu sao chúng tôi cũng là người, chứ có phải là chó đâu…

- Tôi sẽ cho người đến ngay, sẽ đem đi, sẽ đem đi ngay. - Người y tá vội vã - Thưa ngài, xin ngài đi cho.

- Ta đi đi, ta đi đi. - Roxtov nói vội vã, rồi mắt nhìn xuống đất, cố thu mình lại cho nhỏ bớt, chàng ra khỏi phòng, cố lẻn qua những luồng mắt đầy trách móc và ghen tị đang xỉa xói vào chàng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx