sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2) - Phần 6 - Chương 17 - 18

Phần VI

Chương - 17 -

Sau công tước Andrey, Boris đến mời Natasa nhảy sau đó lại có viên sĩ quan phụ tá đã mở đầu vũ hội, rồi đến mấy người thanh niên nữa. Thỉnh thoảng Natasa lại phải chuyển bớt bạn nhảy của mình cho Sonya. Mặt đỏ ửng và tươi cười sung sướng, nàng khiêu vũ không ngừng suốt cả buối tối. Nàng không hề để ý và không hề trông thấy những điều mà mọi người chăm chú theo dõi trong buổi vũ hội này. Nàng không những không nhận thấy rằng nhà vua nói chuyện rất lâu với sứ thần Pháp, không thấy Người đặc biệt ân cần hỏi chuyện một vị mệnh phụ nào đó, không nhận thấy vị hoàng thân này, vị hoàng thân kia làm những gì, và nói những gì, không nhận thấy Elen được mọi người trầm trồ ca ngợi và được vị này vị nọ đặc biệt chú ý; tất cả những cái đó, nàng không nhận thấy đã đành, nhưng có điều lạ hơn nữa là nàng tuyệt nhiên không nhìn thấy cả hoàng thượng nữa, và sở dĩ đến một lúc nào đó nàng nhận thấy nhà vua đã ra về thì cũng chỉ vì sau đó vũ hội tưng bừng hẳn lên.

Trước bữa ăn khuya trong một điệu Cotillon(1) rộn rã tươi vui, công tước Andrey lại nhảy với Natasa. Chàng nhắc cho Natasa nhớ lại buổi gặp đầu tiên trên lối đi vào khu vườn dinh thự Otradnoye và cái đêm sáng trăng mà nàng không ngủ được và chàng đã vô tình nghe lỏm những câu nói của nàng. Nghe nhắc đến chuyện ấy Natasa đỏ mặt và cố thanh minh, tưởng chừng như trong những cảm xúc của nàng đêm hôm ấy có một cái gì đáng cho nàng hổ thẹn.

Công tước Andrey, cũng như tất cả những người đã lớn lên trong giới xã giao, vẫn thích gặp ở những nơi giao tế một cái gì không mang khuôn sáo chung của môi trường này. Và Natasa chính là con người như vậy, với vẻ ngơ ngác, mừng rỡ và rụt rè của nàng, và ngay cả những chỗ nhầm của nàng trong khi nói tiếng Pháp.

(1) Một điệu vũ nhảy bốn người một, gồm có nhiều điệu khúc khác nhau chen với những trò chơi: thường kết thúc một vũ hội lớn.

Chàng đặc biệt dịu dàng và trân trọng trong khì tiếp xúc và nói chuyện với nàng về những điều hết sức giản dị và nhỏ nhặt, công tước Andrey ngắm ánh mắt long lanh và nụ cười vui sướng của nàng, nụ cười không dính dáng đến những điều đang nói, mà toát ra từ niềm vui sướng trong tâm hồn nàng. Mỗi khi Natasa được mời, mỉm cười đứng dậy, và bắt đầu khiêu vũ quanh phòng, công tước Andrey đặc biệt chú ý đến dáng người uyển chuyển mà rụt rè của nàng. Giữa điệu Cotillon. Natasa vừa nhảy xong một vũ hình liền trở về chỗ, nàng đang thở hổn hển thì một khách nhảy nam giới đã đến mời nàng. Natasa mệt lắm và hình như toan từ chối, nhưng chợt lại vui vẻ đưa tay để lên vai người khách nhảy và quay lại mỉm cười với công tước Andrey.

"Tôi cũng muốn nghỉ và ngồi với anh một lát, tôi mệt rồi; nhưng anh cũng thấy đấy, họ mời tôi nhảy, và tôi cũng mừng, tôi cũng sung sướng thấy họ chọn mình, và tôi quý hết thảy mọi người, và cũng như tôi, chúng mình đều hiểu tất cả những điều đó" - Nụ cười của Natasa còn nói nhiều, nhiều điều khác nữa. Khi người bạn nhảy rời Natasa, nàng chạy qua gian phòng để rủ hai người con gái khác cùng ghép thành bộ cho các vũ hình sắp tới.

"Nếu nàng đến rủ cô chị họ trước, rồi đến một cô khác, thì nàng sẽ là vợ ta" - Bỗng dưng công tước Andrey tự nhủ như vậy trong khi nhìn nàng, và chính chàng cũng không ngờ mình lại có một ý nghĩ đột ngột như vậy, Natasa đến rủ Sonya trước.

"Đôi khi người ta có những ý nghĩ thật nhảm nhí! - Công tước Andrey nghĩ thầm, - Nhưng có một điều chắc chắn là cô bé này rất đáng yêu và đặc biệt như thế, thì chỉ khiêu vũ ở đây một tháng là có người hỏi ngay… Người như cô ấy ở đây hiếm lắm" - Chàng nghĩ thầm khi Natasa vừa sửa lại đóa hoa hồng cài trên ngực vừa ngồi xuống cạnh chàng.

Cuối điệu Cotillon, lão bá tước Roxtov với bộ lễ phục màu xanh của ông đến gần hai người đang nhảy. Ông mời công tước Andrey ghé nhà chơi và hỏi con gái xem nàng có vui không. Natasa không đáp chỉ mỉm cười, một nụ cười nũng nịu như có ý trách: "Điều đó mà ba còn phải hỏi sao?".

- Chưa bao giờ con thấy vui như thế này! - Natasa nói và công tước Andrey để ý thấy đôi tay mảnh dẻ của nàng đưa lên rất nhanh để ôm hôn cha rồi buông xuông ngay. Natasa sung sướng lắm, chưa bao giờ nàng thấy sung sướng như hôm nay.

Nàng đang sống trong cái tâm trạng hạnh phúc đến tột độ nó làm người ta tốt hẳn lên và không tin ràng trên đời lại có thể có điều ác có buồn khổ được.

Trong buổi vũ hội này Piotr lần đầu tiên cảm thấy nhục vì cái địa vị của vợ chàng trong giới thượng lưu tai mắt. Chàng lầm lì và lơ đễnh. Trên trán chàng một nếp hằn rộng vắt ngang, và chàng đứng bên một khung cửa sổ nhìn qua cặp kính trắng, nhưng chẳng trông thấy gì cả.

Trong khi đi sang phòng ăn dùng bữa khuya. Natasa đi ngang trước mặt chàng.

Vẻ mặt sa sầm, khổ sở của Piotr khiến nàng kinh ngạc. Nàng dừng lại trước mặt chàng. Nàng muốn giúp đỡ Piotr trút bớt sang cho chàng một phần sung sướng thừa thãi của mình.

- Vui quá bá tước nhỉ, - Nàng nói, - Có phải không nào?

Piotr ngơ ngác mỉm cười, hẳn là không hiểu người ta vừa nói gì với mình.

- Vâng, rất hân hạnh, - Chàng đáp.

"Làm sao họ còn có thể có điều gì buồn bực được nhỉ, - Natasa nghĩ thầm, - Nhất là một người tốt như Bezukhov". Dưới mắt Natasa, tất cả những người dự buổi vũ hội đều hiền lành, đều đáng yêu như nhau, đều là những người rất tốt biết yêu quý nhau, cho nên tất cả lẽ ra phải sung sướng mới phải.

Phần VI

Chương - 18 -

Ngày hôm sau công tước Andrey nhớ lại buổi vũ hội tối qua, nhưng chàng không nghĩ nhiều đến nó: "Phải, buổi vũ hội rất lịch sự. Và lại còn… phải, cô Roxtov rất dễ thương. Ở cô ta có một cái gì tươi mát, đặc biệt, không Petersburg một tí nào, làm cho cô ta khác hẳn những người khác". Về buổi vũ hội hôm qua chàng chỉ nghĩ có thế, và sau khi uống trà, chàng ngồi vào bàn làm việc.

Nhưng không biết vì mệt hay mất ngủ, ngày hôm đó công tước Andrey thấy khó lòng có thể làm việc được. Quả nhiên chàng không làm được việc gì cả; chàng chỉ ngồi tự phê phán công việc của mình như thỉnh thoảng vẫn làm, và rất mừng khi nghe người nhà báo có khách đến.

Người khách đó là Bitxki, hiện đang làm việc trong nhiều tiểu ban khác nhau, giao thiệp với đủ các giới ở Petersburg, một người say mê theo đuổi các tư tưởng mới, rất mực thán phục Xperanxki và là một người truyền tin rất sốt sắng ở Petersburg. Bitxki thuộc hạng người chọn khuynh hướng chính trị như chọn áo. - Chọn theo thời trang, nhưng chính vì vậy mà lại có vẻ là người hăng hái nhất trong khi bênh vực các khuynh hướng. Vừa kịp bỏ mũ, Bitxki đã xun xoe chạy vào trong phòng công tước Andrey và lập tức bắt đầu nói. Ông ta vừa biết được những chi tiết về phiên họp của Hội đồng Quốc gia sáng nay do hoàng thượng khai mạc, nên vội đem ra kể say sưa. Bài diễn văn của hoàng thượng thật phi thường. Đó là bài diễn văn mà chỉ có các vị vua lập hiến mới có được. "Hoàng thượng nói thẳng ra rằng Hội đồng quốc gia và nguyên lão viện là những đẳng cấp của Nhà nước, rằng việc cai trị không thể dựa trên cơ sở chuyên quyền, mà phải dựa trên những nguyên lý cứng rắn. Hoàng thượng nói rằng tài chính phải được cải cách lại và những bản báo cáo tàì chính phải được đưa ra trước công chúng". - Bitxki kể lại, cố ý nhấn mạnh một số từ ngữ và giương mắt lên có vẻ bao hàm nhiều ý nghĩa.

- Phải, sự kiện hôm nay là cả một kỷ nguyên, kỷ nguyên vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta, - Bitxki kết luận.

Công tước Andrey nghe Bitxki kể lại buổi khai mạc Hội đồng Quốc gia mà lâu nay chàng đã nóng lòng chờ đợi và vẫn xem như một việc hết sức quan trọng, nhưng lấy làm lạ rằng bây giờ, sau khi nó đã diễn ra rồi, không những chàng không thấy xúc động gì cả, mà lại còn thấy sự việc đó càng vô nghĩa hơn. Chàng nghe Bitxki say sưa kể, lòng thầm chế giễu ông ta. Một ý nghĩ hết sức đơn giản hiện ra trong tâm trí chàng: "Nhà vua thích nói thế này hay thế khác ở Hội đồng thì việc đó có gì dính dáng đến ta hay đến Bitxki? Tất cả những thứ đó có làm cho ta sung sướng hơn hay tốt hơn lên đâu?".

Và lập luận đơn giản đó trong một nhoáng đã thủ tiêu hết sự quan tâm trước kia của công tước Andrey đối với những cuộc cải cách đang diễn ra. Cũng ngày hôm ấy công tước Andrey sẽ phải dự ở nhà Xperanxki một bữa tiệc thân mật như chủ nhân có nói khi mời chàng. Trước đây công tước Andrey rất quan tâm đến bữa tiệc này: đó là một bữa tiệc ăn thân mật trong phạm vi gia đình và bằng hữu của một con người mà chàng rất khâm phục, đã thế cho đến nay chàng chưa hề được thấy Xperanxki trong cảnh sinh hoạt ở nhà; Nhưng bây giờ chàng không muốn đi.

Tuy vậy đến giờ đã định, công tước Andrey cũng bước vào ngôi nhà riêng nho nhỏ của Xperanxki ở cạnh vườn Taorich. Công tước Andrey đến gian phòng ăn lát sàn gỗ bóng của ngôi nhà sạch sẽ lạ thường (nhắc nhở nếp sống sạch sẽ ở tu viện) hơi muộn, nên khi vào đã thấy tất cả cái nhóm thân mật của những người quen thân Xperanxki đã tề tựu đông đủ. Phía phụ nữ không có ai ngoài đứa con nhỏ của Xperanxki khuôn mặt dài dài giống bố, và người nữ gia sư trông nom cô bé. Tân khách thì có Zerve, Marnitxki và Xtolypin.

Ngay từ phòng ngoài công tước Andrey đã nghe những giọng nói rất to và một tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng. - Tiếng cười của các diễn viên trên sân khấu. Một giọng cười giống của Xperanxki buông ra từng tiếng tách bạch: ha… ha… ha… công tước Andrey chưa lần nào nghe Xperanxki cười, nên tiếng cười giòn giã, thanh thanh của nhà chính trị gây cho chàng một ấn tượng kỳ quặc.

Công tước Andrey bước vào phòng ăn. Khách và chủ đang đứng ở khoảng giữa hai cửa sổ, bên cạnh một chiếc bàn con bày mấy thức khai vị. Xperanxki ngoài mặc lễ phục xám, đeo một ngôi sao, trong mặc gi-lê trắng và thắt khăn trắng, chắc hẳn vẫn là để treo cổ như thường lệ, chiếc gi-lê và chiếc khăn ông dã mang trong phiên họp trứ danh của Hội đồng Quốc gia, đang đứng cạnh bàn, sắc mặt vui vẻ. Các tân khách đứng quây quần quanh ông.

Marnitxki đang kể một mẩu giai thoạn cho Mikhail Mikhailovich. Xperanxki lắng nghe, cười trước để tán thưởng những điều mà Marnitxki sắp nói ra. Khi công tước Andrey bước vào phòng, tiếng của Marnitxki lại bị lấp dưới một trận cười. Xtolypin cười rất to, giọng ồ ồ, trong khi nhai miếng bánh mì cặp phó-mát; Zerve thì cười khì khì, giọng khe khẽ, còn Xperanxki thì cười thanh thanh, giòn giã nghe rõ từng tiếng.

Xperanxki trong khi vẫn còn cười chưa dứt, giơ bàn tay trắng, mềm ra cho công tước Andrey, nói:

- Rất sung sướng được gặp công tước. Xin phép một chút… - Ông quay sang Marnitxki, ngắt quãng câu chuyện của ông ta. - Hôm nay chúng ta giao hẹn với nhau như thế này nhé: đây là một bữa tiệc vui thôi, không ai được nói một câu nào về công việc đấy. - Nói đoạn lại quay sang người kể chuyện và lại cất tiếng cười ha hả.

Công tước Andrey ngạc nhiên và thất vọng nghe tiếng cười của Xperanxki. Chàng có cảm giác như đó là một người khác chứ không phải Xperanxki nữa. Tất cả những gì ở Xperanxki mà trước đây công tước Andrey thấy là bí ẩn và đầy sức hấp dẫn thì nay chàng bỗng thấy nó rõ ràng giản dị và chẳng có gì hấp dẫn nữa.

Bên bàn tiệc, câu chuyện không phút nào ngớt và dường như là một cuộc lượm lặt những mẩu giai thoại buồn cười. Marnitxki chưa kịp câu chuyện đang kể thì đã có một người khác tỏ ý sẵn sàng kể một chuyện gì còn buồn cười hơn. Phần lớn các giai thoại nếu không đả động ngay đến cái thế giới quan trường, thì cũng dính dáng đến các nhân vật trong quan trường. Hình như đối với nhóm người này sự vô nghĩa của các nhân vật ấy đã là một điều quá hiển nhiên, cho nên đối với họ chỉ có thể là thái độ duy nhất là giễu cợt một cách hiền lành nữa mà thôi. Xperanxki kể rằng trong phiên họp Hội đồng sáng nay có lần người ta hỏi một ông quan đại thần đại điếc xem ý kiến của ông ta thế nào, thì ông ta trả lời là: "Vâng, tôi đồng ý với ngài". Zerve kể lại cả một vụ thẩm tra rất đáng chú ý vì sự ngu xuẩn của tất cả những người tham dự. Xtolypin vừa nói đáp, vừa xen vào câu chuyện và bắt đầu nói rất hăng về những lối lộng hành dưới trật tự cũ. Ông ta làm cho câu chuyện có cơ xoay sang hướng nghiêm túc. Marnitxki bắt đầu chế giễu các lối bốc đồng của Xtolypin. Zerve chêm một câu nói đùa, và câu chuyện lại quay về hướng bông đùa như cũ.

Hẳn là Xperanxki sau khi làm việc mệt nhọc thích nghỉ ngơi và vui chơi với bạn bè, và tất cả các tân khách của ông vốn hiểu điều đó nên cố sức làm cho ông vui và cũng tự mua vui cho mình.

Nhưng công tước Andrey cảm thấy cái vui này có một cái gì nặng nề khó nhọc và chẳng vui tí nào cả. Giọng nói thanh thanh của Xperanxki gây cho chàng một cảm giác khó chịu và tiếng cười không ngớt có một âm sắc lạc lõng không hiểu tại sao khiến cho chàng thấy chạnh lòng như bị xúc phạm. Công tước Andrey không cười và cứ lo rằng chủ và khách sẽ thấy khó chịu vì chàng. Nhưng không có ai để ý thấy chàng không ăn ý với không khí vui chung.

Mọi người đều có vẻ rất vui. Mấy lần chàng định góp chuyện, nhưng mỗi lần như thế lời của chàng lại bị gạt ra ngoài, như một cái nút chai bật lên trên mặt nước; Và chàng không thể nào cùng đùa bỡn với họ được.

Trong những điều họ nói không có gì nhảm nhí hoặc không đúng chỗ, tất cả những lời lẽ của họ đều ý nhị và lẽ ra phải rất buồn cười; nhưng có một cái gì làm thành ý vị của niềm vui thì không những họ thiếu hẳn, mà thậm chí họ cũng không hề biết là có một cái gì như vậy.

Sau bữa tiệc, đứa con gái của Xperanxki và người nữ gia sư đứng dậy. Xperanxki đưa bàn tay trắng trẻo ra vuốt má con gái và hôn nó. Cả cử chỉ này nữa, công tước Andrey cũng có cảm tưởng là không tự nhiên.

Theo lối Anh, nam giới vẫn ngồi lại bàn tiệc ăn uống rượu Porto. Họ bắt đầu nói chuyện về những cuộc hành quân của Napoléon ở Tây Ban Nha; ai nấy đều đồng ý với nhau tán thành những cuộc chinh phạt đó, trừ công tước Andrey: giữa chừng câu chuyện, chàng bắt đầu phản bác lại ý họ. Xperanxki mỉm cười và hẳn là muốn lái câu chuyện sang hướng khác, kể một mẩu giai thoại không liên quan gì đến câu chuyện đang bàn. Mọi người đều im lặng một lát.

Ngồi được một lúc, Xperanxki đậy nút chai rượu lại nói: "Dạo này rượu hiếm lắm" rồi trao chai rượu cho người đầy tớ và đứng dậy. Mọi người đều đứng dậy theo và vẫn trò chuyện rôm rả, đi sang phòng khách. Người nhà vào đưa cho Xperanxki phong thư mà người liên lạc vừa mang lại. Ông cầm lấy và đi vào phòng làm việc.

Xperanxki vừa đi khỏi thì mọi người đều im bặt và các tân khách bắt đầu thì thầm bàn bạc với nhau.

Xperanxki trong phòng làm việc bước ra nói:

- Nào, bây giờ đến lúc ngâm thơ! - Ông quay sang công tước Andrey nói tiếp. - Ông Marnitxki đây thật là một tài năng phi thường.

Marnitxki lập tức đứng lên lấy dáng diệu và bắt đầu ngâm một bài thơ khôi hài bằng tiếng Pháp do ông ta soạn ra để châm biếm một số nhân vật tai mắt ở Petersburg, cử tọa mấy lần vỗ tạy ở giữa chừng bài thơ. Marnitxki ngâm xong, công tước Andrey lại gần Xperanxki để cáo từ.

- Hãy còn sớm, công tước đi đâu bây giờ? - Xperanxki hỏi.

- Tôi có hứa sẽ đến dự buổi tiếp tân của…

Hai người im lặng một lúc. Công tước Andrey nhìn thẳng vào cặp mắt lạnh lùng, kín như bưng của Xperanxki và tự dưng thấy buồn cười không hiểu sao mình lại có thể đi chờ mong một điều gì

Ở Xperanxki và ở tất cả những công việc của mình cùng làm với ông ta. Chàng cười thầm thấy lấy làm lạ mình có thể coi trọng những việc Xperanxki làm.

Công tước Andrey ra khỏi nhà Xperanxki rồi, mà tiếng cười giòn giã, rõ từng tiếng và tẻ nhạt ấy vẫn văng vẳng mãi bên tai chàng.

Về đến nhà, công tước Andrey ngồi ôn lại cuộc sống của mình ở Petersburg trong bốn tháng gần đây như nhớ đến một cái gì mới mẻ.

Chàng nhớ lại những công việc lo toan, chạy vạy của chàng, câu chuyện bản dự án quy chế quân sự của chàng đã được nhận xét duyệt nhưng rồi lại bị người ta cố dìm đi chỉ vì đã có một bản khác, rất tồi, thảo xong và trình lên hoàng thượng; chàng nhớ lại những phiên họp của tiểu ban, trong đó có Berg dự; chàng nhớ rằng trong những phiên họp ấy người ta đã bàn rất kỹ và rất lâu về tất cả những vấn đề liên quan đến hình thức và cách tiến hành các buổi họp của tiểu ban, và đã cẩn thận tránh và bỏ qua nhanh tất cả những vấn đề liên quan đến thực chất của công việc. Chàng nhớ lại bản dự thảo luật pháp của chàng, nhớ đến việc chàng đã sốt sắng dịch các điểu khoản trong hai bộ luật La Mã và của Pháp ra tiếng Nga, và chợt thấy xấu hổ cho mình… Rồi chàng hình dung rõ ràng thấy thôn Bogutsarovo, những công việc của chàng ở thôn quê, chuyến đi Ryazan, chàng nhớ lại những người nông dân, viên thôn trưởng Dron, nhớ mình đã thử áp dụng từng khoản một trong chương Nhân quyền đối với họ, và thấy ngạc nhiên không hiểu tại sao trong bấy nhiêu lâu nay mình lại có thể cặm cụi làm một công việc vô bổ như vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx