sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2) - Phần 6 - Chương 19 - 20

Phần VI

Chương - 19 -

Ngày hôm sau công tước Andrey đi thăm mấy nhà quen mà chàng chưa lần nào đến, trong số đó có gia đình Roxtov mà chàng vừa gặp lại trong buổi vũ hội vừa rồi. Ngoài những quy tắc xã giao buộc chàng đến nhà Roxtov, công tước Andrey còn muốn gặp lại trong không khí gia đình người con gái đặc biệt hoạt bát đã để lại cho chàng một kỷ niệm thú vị như thế.

Natasa là một trong những người đầu tiên ra đón chàng. Nàng mặc chiếc áo dài xanh thường mặc trong nhà: khi mặc chiếc áo này, công tước Andrey thấy nàng còn xinh hơn cả khi mặc chiếc áo khiêu vũ nữa:

Natasa và cả gia đình Roxtov tiếp công tước Andrey như một người bạn cũ niềm nở và giản dị. Trước kia công tước Andrey phê phán gia đình này rất nghiêm khắc, nhưng bây giờ chàng thấy cả nhà là những người rất tốt, giản dị và hiền lành. Lão bá tước có một thái độ rất mến khách, niềm nở và hồn hậu, một thái độ thật đặc biệt và đáng quý giữa chốn kinh đô này, đến nỗi công tước Andrey không sao từ chối được khi ông mời chàng ở lại ăn bữa cơm chiều. "Phải đây là những con người hiền hậu, rất tốt. - Công tước Andrey tự nhủ, - Dĩ nhiên họ không thể biết Natasa của họ quý giá đến nhường nào; nhưng họ là những người tốt, họ là một cái nền rất tốt trên đó nổi bật lên người con gái đáng yêu, nên thơ và tràn đầy sức sống".

Công tước Andrey cảm thấy đối với chàng, Natasa là một thế giới đặc biệt, hoàn toàn mới lạ đầy những niềm vui mà chàng chưa hề biết, cái thế giới xa lạ mà hồi nào, trên con đường vào vườn Otradnoye và trong đêm sáng trăng dạo ấy đã từng làm cho chàng xao xuyến, không còn là một thế giới xa lạ nữa; bây giờ chính chàng đang bước vào thế giới đó và tìm thấy ở đó một khoái cảm rất mới mẻ đối với chàng.

Sau bữa ăn chiều, theo lời yêu cầu của công tước Andrey, Natasa ngồi bên dương cầm và cất tiếng hát. Công tước Andrey đứng cạnh cửa sổ nói chuyện với nữ chủ nhân và nghe Natasa hát.

Đang nói dở một câu công tước Andrey bỗng im bặt và đột nhiên cảm thấy nước mắt dâng lên nghẹn ngào ở cổ, một cảm giác mà chàng không thể ngờ là mình lại có thể có được. Chàng nhìn Natasa hát, và trong tâm hồn chàng diễn ra một cái gì đó mới mẻ và vui sướng. Chàng thấy vui sướng, nhưng đồng thời cũng thấy buồn rười rượi. Tuyệt nhiên không có gì đề cho chàng khóc cả, nhưng chàng thấy mình sẵn sàng có thể khóc. Khóc vì cái gì? Vì mối tình trước kia chăng? Vì công tước phu nhân Liza nhỏ nhắn chăng? Vì những nỗi thất vọng của chàng hay vì những niềm hy vọng của chàng về tương lai? Cũng có, mà cũng không. Cái chính cho chàng thấy muốn khóc là chàng chợt nhận ra sự tương phản khủng khiếp giữa một cái gì vô cùng to lớn và không thể hình dung bằng lời nói được đã từng có ở trong chàng, với một cái gì chật hẹp và có thể xác, và cái đó chính là chàng trước kia, mà cũng chính là nàng trước kia nữa. Sự tương phản này vừa khiến chàng khổ tâm, vừa làm chàng vui trong khi nghe nàng hát.

Vừa hát xong, Natasa lại gần công tước Andrey và hỏi chàng có thích giọng hát của nàng không. Nàng hỏi chàng như vậy, và sau khi hỏi nàng thấy ngượng ngùng vì đã hiểu ra rằng đó là một điều lẽ ra không nên hỏi. Chàng mỉm cười nhìn nàng và nói rằng chàng thích giọng hát của nàng, cũng như tất cả những gì nàng làm.

Đêm đã khuya, công tước Andrey từ giã gia đình Roxtov ra về.

Chàng theo thói quen lên giường nằm nhưng chẳng bao lâu đã nhận ra rằng mình không thể nào ngủ được. Khi thì chàng đốt nến lên và ngồi trên giường, khi thì đứng dậy, rồi lại đặt lưng nằm xuống giường, tuy không ngủ được mà không hề thấy khó chịu; tâm hồn chàng tươi vui và mới mẻ quá, dường như chàng vừa từ căn buồng ngột ngạt bước ra một khoảng rộng tràn ngập không khí và ánh sáng. Chàng cũng không hề nghĩ rằng mình yêu cô Roxtov; chàng không nghĩ đến nàng; chàng chỉ tưởng tượng thấy nàng và do đó cả cuộc đời chàng hiện ra trước mắt chàng dưới một ánh sáng mới.

"Tại sao ta lại sống quằn quại như thế, tại sao ta lại vật vã khổ sở trong cái khung chật chội này, khi mà cuộc đời, tất cả những niềm vui của cuộc đời đã mở rộng trước mắt ta?" - Chàng tự nhủ. Và lần đầu tiên sau một thời gian dài chàng vui sướng bắt tay vào dự tính chuyện tương lai. Chàng tự quyết định là sẽ lo việc giáo dục cho con trai, thuê một người gia sư và giao con cho người đó dạy dỗ. Sau đó phải từ chức và đi du lịch nước ngoài, sang ý, Thuỵ Sĩ, Anh.

Ta phải tận hưởng sự tự do của mình, trong khi còn cảm thấy mình còn nhiều sinh lực trẻ trung như thế này, - Chàng tự nhủ - Piotr nói đúng: cần phải tin rằng hạnh phúc có thể có được thì mới có thể hướng hạnh phúc, bây giờ ta cũng tin điều đó. Hãy để cho người chết chôn người chết, còn trong khi còn sống thì phải sống và phải sống cho có hạnh phúc".

Phần VI

Chương - 20 -

Một buổi sáng đại tá Alekxandr Berg, mà Piotr có quen như chàng vẫn quen tất cả mọi người ở Petersburg và Moskva, mặc một bộ quân phục sạch sẽ choáng lộn, hai chòm tóc mai xức đầu thơm chải ra phía trước như tóc mai của Hoàng đế Alekxandr Pavlovich, lên xe đến nhà chàng.

Berg mỉm cười nói với Piotr:

- Tôi vừa gặp bá tước phu nhân, quý phu nhân, nhưng rủi ro quá lời thỉnh cầu của tôi đã không được chấp nhận, tôi hy vọng rằng với ngài, thưa bá tước, tôi sẽ được may mắn hơn.

- Thưa đại tá ngài cần việc gì? Tôi xin sẵn sàng hầu ngài.

- Thưa bá tước, nay tôi đã thu xếp xong xuôi gian nhà mới của tôi, - Berg nói, có vẻ như chắc rằng người ta không thể không lấy làm mừng khi được biết điều đó, - Cho nên tôi muốn tổ chức gọi là một tối tiếp tân nho nhỏ mời các bạn của tôi và cả nhà tôi (chàng mỉm cười càng tươi tắn hơn). Tôi muốn xin bá tước phu nhân và xin bá tước cho chúng tôi được hân hạnh tiếp ngài ở tệ xá, dùng chén trà và… dùng bữa tối.

Chỉ có bá tước phu nhân Elena Vaxilievna, vì cho rằng giao thiệp với hai vợ chồng một anh Berg phất phơ nào đó là quá hạ mình, mới có thể nhẫn tâm từ chối một lời mời như vậy. Berg phân trần cho Piotr hiểu là tại sao chàng lại muốn mời một số ít người quý phái ưu tú đến chơi nhà, tại sao được như thế thì chàng rất hài lòng.

Tại sao đối với cờ bạc và những trò chơi nhảm nhí thì chàng tiếc tiền, nhưng đối với việc chiêu đãi các khách quý thì dù có tốn tiền chàng cũng sẵn sàng. Berg giảng giải cặn kẽ đến nỗi Piotr không nỡ từ chối và hứa là sẽ lại.

- Nói vô phép, chỉ xin bá tước đừng đến muộn cho: thế là đúng tám giờ kém mười, xin bá tước nhớ cho. Ta sẽ ngồi dăm ván bài, sẽ có cả vị tướng ở đơn vị chúng tôi đến dự. Ông ta đối với tôi rất tốt. Thưa bá tước chúng ta vẽ dùng bữa tối. Xin bá tước vui lòng quá bộ…

Trái thói quen của, chàng là bao giờ cũng đến muộn, hôm đó Piotr đến nhà Berg không phải lúc tám giờ kém mười, mà là lúc tám giờ kém mười lăm.

Hai vợ chồng Berg đã sửa soạn những thứ cần thiết cho tối tiếp tân và đã sẵn sàng tiếp khách.

Họ ngồi trong căn phòng khách mới tinh, sạch sẽ, sáng sủa, bày toàn bàn ghế mới, trang hoàng bằng những bức tượng bán thân nho nhỏ và những bức tranh. Berg mặc bộ quân phục mới bó sát vào người ngồi bên cạnh vợ, giảng giải cho vợ nghe rằng bao giờ cũng cần và có cách làm quen với người có địa vị cao hơn mình, vì chỉ có như thế thì việc giao du mới lý thú.

"Có thể bắt chước người ta, lại có thể nhờ vả này nọ. Đấy mình xem từ các cấp bậc thấp trở lên tôi sống như thế nào (Berg tính cuộc đời của mình không phải theo tuổi, mà là theo cấp bậc). Bạn bè tôi bây giờ chưa thành cái gì cả, thế mà tôi lại có diễm phúc được làm chồng mình (chàng đứng dậy và lại hôn tay vợ, nhưng trên đường đi cũng nhớ sửa lại cho ngay ngắn cái góc thảm bị gập). Sở dĩ được như vậy là nhờ đâu? Cái chính là nhờ biết chọn người mà giao du. Dĩ nhiên là cũng phải có đức độ và làm việc cho chu đáo".

Berg mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với người phụ nữ yếu đuối và trầm ngâm nghĩ rằng dù sao người vợ đáng yêu này cũng chỉ là một người phụ nữ yếu đuối không thể hiểu nổi tất cả những cái gì làm thành cái phẩm chất của người đàn ông, - ein Mannzusein(1). Vera trong lúc đó mỉm cười nghĩ đến ưu thế của mình đối với chồng, một người đức độ, tốt nết nhưng theo Vera thì hiểu sai lạc về cuộc sống, như tất cả đàn ông nói chung. Berg bằng vào vợ mình để cho rằng phụ nữ đều là yếu đuối và ngu ngốc. Vera bằng vào con người độc nhất chồng mình để suy rộng ra rằng đàn ông tự gán cho mình cái độc quyền về trí tuệ, nhưng thực ra thì họ chẳng hiểu gì, họ kiêu căng và ích kỷ.

(1) Làm một đấng nam nhi (tiếng Đức)

Berg đứng dậy ôm lấy vợ, ôm thận trọng để khỏi làm nhàu chiếc áo choàng vai thêu đăng ten mà chàng đã phải trả tiền rất đắt, và hôn vào giữa môi nàng.

- Miễn sao đừng có con sớm quá, chàng nói theo một dòng tư tưởng vô ý thức.

- Phải, Vera đáp, - Tôi cũng chẳng muốn thế tí nào. Phải sống cho xã hội chứ?

- Công tước phu nhân Yuxipova cũng có một chiếc đúng y như thế này, - Berg chỉ vào chiếc áo choàng vai viền đăng ten nói, miệng mỉm cười sung sướng và hồn hậu.

Vừa lúc ấy người nhà báo có bá tước Bezukhov đến. Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau mỉm cười hể hả, mỗi người đều cho rằng sở dĩ được cái hân hạnh này chính là nhờ mình.

"Đấy như thế mới gọi là biết giao du chứ, - Berg nghĩ thầm, - Như thế mới gọi là biết xở sự chứ!"

Vera nói:

- Chỉ xin anh một điều là khi tôi tiếp chuyện với khách anh đừng ngắt lời tôi. - Bởi vì tôi biết cách nói chuyện với từng người một và trong giới này nên nói chuyện gì, trong giới kia nên nói chuyện gì.

Berg cũng mỉm cười nói:

- Không xong đâu; đôi khi nam giới họ cũng cần nói những chuyện giữa đàn ông với nhau chứ?

Piotr được đưa vào gian phòng mới tinh khôi. Trong phòng bày thật không biết ngồi vào chỗ nào cho khỏi phá hỏng sự cân đối, sạch sẽ và ngăn nắp trong phòng, cho nên ta chẳng lấy làm lạ rằng trong khi hào phóng mời người khách quý phá vỡ sự cân đối của một chiếc ghế bành hay một chiếc đi-văng, chính Berg hình như cũng phân vân bứt rứt không biết có nên dành để cho khách tự ý chọn lấy cách giải quyết vấn đề này. Piotr phá tan sự cân đối băng cách kéo một chiếc ghế lại ngồi, và hai vợ chồng Berg lập tức khai mạc tối tiếp tân, tranh nhau tiếp chuyện vị khách.

Vera đã định sẵn trong trí là với Piotr thì phải nói chuyện về đại sứ quán Pháp, liền bắt đầu vào chuyện này. Berg thì cho rằng cũng cần có một câu chuyện đàn ông, bèn ngắt lời vợ mào đầu một câu chuyện chiến tranh với nước Áo, và đang nói chuyện chung bỗng bất giác nhảy sang những chuyện trù tính riêng của mình: Berg kể lể là hiện nay họ đang đề nghị chàng tham gia vào chiến dịch nước Áo và cắt nghĩa tại sao chàng lại không ưng thuận lời đề nghị đó. Mặc dù câu chuyện chẳng có mạch lạc gì cả và Vera phát cáu lên vì sự can thiệp của một phần tử nam giới, cả hai vợ chồng đều hài lòng cảm thấy lằng tuy chỉ có một vị khách mà tối tiếp tân đã bắt đầu một cách hay ho, và buổi tiếp tân này cũng giống như bất kỳ buổi tiếp tân nào khác, có nói chuyện, có nước trà và có nến thắp sáng trưng.

Được một lát có Boris, bạn cũ của Berg, đến dự. Boris hơi thoáng có cái vẻ bề trên khi nói năng với Berg và Vera. Sau Boris thì đến một phu nhân đi với một ông đại tá, rồi đến vị tướng, rồi đến gia đình Roxtov, và bây giờ tối tiếp tân đã hoàn toàn giống như tất cả mọi tối tiếp tân khác. Berg và Vera không kìm nổi một nụ cười vui sướng khi nhìn thấy tân khách đi lại trong phòng, lắng nghe tiếng nói chuyện linh tinh và tiếng áo quần sột soạt. Tất cả đều giống như trong mọi phòng tiếp tân, và giống nhất là vị tướng của Berg. Ông ta khen ngợi gian phòng, vỗ vai Berg và với cái vẻ tự tiện chẳng khác nào một ông bố trong nhà, ông lăng xăng chỉ bảo cho người dọn bàn đánh bài boston. Vị tướng đến gần bá tước Ilya Andreyevich là vị khách quan trọng nhất sau ông ta. Người già thì ngồi với người già, người trẻ thì ngồi với người trẻ, nữ chủ nhân thì ngồi bên chiếc bàn trà có bày những chiếc bánh ngọt đựng trong một cái giỏ bằng bạc, giống đúc như những chiếc bánh ở buổi tiếp tân của nhà Panin; tất cả đều hoàn toàn giống như ở các nhà khác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx