sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 17 - 18

Chương 17. Tìm lại sự tự tôn ở nơi đâu?

Lưu Cần, nữ, 15 tuổi, học sinh lớp 9

Ngay từ nhỏ tôi đã được giáo dục rất nghiêm khắc. Trong khi những đứa trẻ khác được vui đùa thoải mái ở bên ngoài thì tôi phải học môn vẽ khô khan. Năm tôi năm tuổi, mẹ tìm thêm cho tôi một cô giáo dạy đàn riêng, thế là chuỗi ngày học đàn của tôi bắt đầu. Trong kí ức tuổi thơ của tôi, chỉ có vẽ tranh và đánh đàn, cùng với vô số lời khen ngợi, tuyên dương của thầy cô giáo.

Lên tiểu học, rồi lên cấp hai, cuộc sống của tôi vẫn không có gì khác biệt so với trước đây. Tôi là một phần tử năng nổ trong các phong trào văn nghệ của trường. Tôi thường tham gia các cuộc thi vẽ tranh, các cuộc thi văn nghệ và đem vinh quang về cho trường. Hơn nữa, kết quả học tập của tôi mặc dù không đứng thứ nhất, thứ nhì trong lớp nhưng cũng luôn nằm trong tốp đầu. Các thầy cô giáo rất yêu quý tôi, thường gửi bài viết của tôi lên báo. Năm tôi lên lớp sáu, tôi đã giành được giải thưởng quốc tế và năm giải thưởng vẽ tranh ở trong nước cùng với vô số giải nhất về văn nghệ, bài văn của tôi ba lần được đăng báo. Tôi từng được coi là “học sinh kiểu mẫu” của trường và được long trọng tuyên dương lên Sở giáo dục của tỉnh.

Nhưng rồi mọi thứ đã chấm dứt hoàn toàn cùng với lần chuyển nhà của gia đình tôi. Năm tôi lên lớp bảy, bố mẹ tôi bị điều đến công tác ở một thành phố khác. Sau khi chuyển đến đây, tôi được chuyển vào học trong một trường chuyên của thành phố. Tôi có thể thuận lợi bước chân vào ngôi trường này là nhờ có bản lí lịch “đẹp đẽ” trước đây. Cô chủ nhiệm tên là Điền, một phụ nữ trung niên rất cẩn thận. Cô đeo kính, nhìn rất nữ tính, nhưng có vẻ khá nghiêm khắc. Cô đích thân tìm tôi nói chuyện, thể hiện nhã ý của trường đối với tôi, đồng thời bảo tôi hãy vào lớp do cô chủ nhiệm. Lúc đó tôi không hề biết lớp cô đang chủ nhiệm như thế nào, nên vui vẻ nhận lời ngay mà không chút đắn đo. Có thể nói, sự êm đềm trong cuộc sống đã làm cho tôi mất đi tính cảnh giác cần có.

Ngày đầu tiên đi học, tôi mới phát hiện ra rằng giáo trình dạy học của lớp này là giáo trình dành cho học sinh phân ban, hoàn toàn khác xa giáo trình trước đây chúng tôi được học; hơn nữa, những giáo trình này lại rất khó. Tôi không có thói quen nói với bố mẹ hay thầy cô giáo rằng tôi không hiểu bài, bởi vì từ trước đến nay tôi chưa bao giờ gặp phải hoàn cảnh này. Giờ thì mỗi ngày lên lớp đối với tôi như một cực hình, đầu óc tôi quay cuồng, chỉ lo tìm cách đối phó với bố mẹ và thầy cô. Không ai biết được, một học sinh xuất sắc như tôi giờ lại lâm vào tình cảnh thê thảm như vậy!

Cuối cùng, kì kiểm tra chất lượng cũng đến. Bài kiểm tra toán của tôi bị bỏ trống đến một nửa; bài thi tiếng Anh cũng vô cùng thê thảm, có rất nhiều từ mới mà tôi chưa từng nhìn thấy; bài kiểm tra văn dù có đỡ hơn nhưng cũng chỉ được có 81 điểm (thang điểm 100). Cô Điền nhìn vào kết quả học tập của tôi mà không giấu nổi sự ngạc nhiên. Cô gọi tôi đến nói chuyện, hỏi tôi có phải mới đến nên chưa quen đúng không. Tôi trầm ngâm rất lâu. Nhưng cuối cùng, vì sĩ diện nên tôi đã không nói rằng tôi không hiểu những gì mà thầy cô giáo giảng trên lớp. Sức chịu đựng của cô Điền có giới hạn, cô bắt đầu mắng tôi kiêu căng, tự mãn, tự cho là mình giỏi giang (có trời chứng giám, giờ tôi vô cùng tự ti). Lần đầu tiên bị giáo viên phê bình, tâm trạng tôi vừa buồn rầu, sợ hãi, lại vừa tuyệt vọng. Nhưng tôi vẫn chỉ trầm tư không nói. Cô Điền cuối cùng không còn giữ được sự hiền dịu và nhẫn nhại của mình nữa, cô mắng mỏ tôi thậm tệ ngay trước cửa văn phòng, rồi còn thẳng thừng đuổi tôi về. Tôi không biết phải “cút” đi thế nào nữa, chỉ thấy mọi ánh mắt chế giễu và khinh bỉ như đang đổ dồn vào mình.

Tối đó, sau khi trở về nhà, nhớ lại những chuyện đã xảy ra, tôi cảm thấy mình vẫn còn đôi chút may mắn vì bạn bè trong lớp đều không ai biết chuyện này. Nhưng đến hôm sau, chút may mắn cuối cùng này của tôi cũng bị cô Điền cướp mất. Trước năm mươi sáu học sinh của lớp, cô chỉ vào mặt tôi mà nói: “Trong cuộc đời này tôi đã phạm hai sai lầm lớn. Chuyện thứ nhất thì thôi, không cần phải nói đến nữa. Còn chuyện thứ hai là đã nhận Lưu Cần vào lớp mình”. Cả lớp im phăng phắc. Nhìn ngón tay cô đang chỉ thẳng vào mình, tôi cảm thấy như mình có thể nghe rõ cả tiếng tim đập quá nhanh trong lồng ngực, nhanh đến nỗi tôi thấy như nghẹt thở.

Càng ngày tôi càng cảm thấy buồn hơn. Tôi thường xuyên làm cho cô Điền tức giận. Cô thường cho cả lớp chuyền tay nhau cuốn vở bài tập của tôi, nói là tôi làm sai be bét hết cả, là một trong những điển hình yếu kém... Vì tốt bụng, không muốn để tôi thêm xấu hổ, người bạn cùng bàn với tôi không giở cuốn vở bài tập của tôi ra xem thì lập tức bị cô Điền mắng: “Tại sao em không giở ra xem? Xem cho kĩ vào, rồi đừng có mà giống như bạn ấy!”. Mỗi lần cuốn vở bài tập được chuyền đến tay một bạn khác, tôi lại có cảm giác mình như bị tát một cái đau điếng vào mặt, đã thế thỉnh thoảng lại còn vang lên tiếng cười nhạo báng. Tôi trở thành một người có tinh thần không ổn định, luôn rụt rè, nhút nhát. Những bức ảnh mà tôi chụp trong thời gian này đều là những bức ảnh tôi cúi đầu rụt rè, mặt mũi nhăn nhó khổ sở, không còn vui vẻ, thoải mái như trước nữa.

Tháng trước, chúng tôi đang ngồi trong phòng học thì cô Điền đột ngột gọi tên tôi. Tôi lập tức đứng dậy vì cho rằng cô giáo đang định yêu cầu tôi trả lời câu hỏi. Nào ngờ cô nói: “Lớp này không cần cô nữa, cô mau lên phòng giáo vụ đi!”. Cả lớp ai nấy đều nhìn cô không hiểu có chuyện gì, tôi cũng đứng ngây ở đó mà không biết phải làm sao. Thế là cô Điền đột nhiên nổi giận, quát: “Tôi bảo cô đi sao cô còn đứng đấy?”. Tôi đành phải đi ra khỏi lớp, trong lòng vô cùng hoảng loạn. Tôi có cảm giác như bầu trời đã sụp xuống dưới chân mình rồi.

Tiết học tiếp theo là tiết tiếng Anh. Khi tôi quay trở về lớp học, cả lớp đều im lặng nhìn tôi. Tôi biết trong số đó có người thông cảm, có người đang cười chế nhạo tôi. Tôi có cảm giác như mình là một con chuột đang chạy qua đường vậy. Người bạn ngồi cùng bàn an ủi tôi, nói cô Điền tính tình nóng nảy và khuyên tôi hãy viết cho cô một lá thư, nói rõ ràng rằng giữa tôi và cô giáo chỉ là chưa thực sự hiểu nhau mà thôi.

Nghe lời khuyên của người bạn ấy, tôi như một kẻ chết đuối vớ được cọc. Về đến nhà, tôi lập tức khóa trái cửa phòng và viết một bức thư rất dài cho cô Điền. Tôi đã viết bức thư đó bằng những tình cảm vô cùng chân thực, tôi tin là nó sẽ làm cô cảm động. Mở đầu bức thư là: “Cô Điền kính yêu!”. Trong thư tôi nói cho cô biết về sự lạ lẫm, khó thích nghi với môi trường mới của tôi khi vào trường, cũng nói rằng tại mình sĩ diện và thẳng thắn nói với cô rằng cô đã làm cho lòng tự trọng, sự tự tôn của tôi bị tổn thương. Cuối cùng, tôi nói tôi hy vọng hai cô trò sẽ hiểu nhau hơn. Ngày hôm sau, tôi ôm hy vọng khi gửi bức thư này cho cô giáo, mối quan hệ của hai cô trò sẽ chuyển sang một thời kì mới.

Nhưng ảo tưởng của tôi chẳng kéo dài được bao lâu. Tiết học đầu của buổi chiều hôm đó, cô Điền cầm lá thư của tôi trong tay đi vào lớp học. Khi cô trừng mắt nhìn tôi, tôi lập tức biết rằng số phận của mình thê thảm rồi! Quả nhiên, cô Điền cầm lá thư của tôi giơ lên trước lớp, không quên mắng cho tôi một trận. Những tình cảm chân thành mà tôi thẳng thắn bộc lộ ở trong thư giờ đã trở thành “bằng chứng thuyết phục” cho sự cười nhạo và phê bình của cô.

Cứ như vậy, tôi đã trở thành một học sinh yếu kém không thể cứu vãn được nữa. Lòng tự tôn của tôi đã đổ sập xuống ngay tại cái nơi đáng sợ đó. Tôi không dám nhớ tới thời kì huy hoàng của mình trước đây nữa, cũng không biết phải ăn nói ra sao với bố mẹ. Nước mắt của tôi lăn dài trên gò má trước sự mắng mỏ của cô giáo và sự giễu cợt của bạn bè. Giờ đây tôi sống mà như đã chết...

Nếu như Lưu Cần là một người trưởng thành, hoặc cô bé cảm thấy được tất cả những điều đó chỉ là trò cười ngu xuẩn khi phải đối mặt với những người như cô giáo Điền thì tốt biết mấy! Nhưng Lưu Cần lại chưa phải là một người trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm mà chỉ là một cô bé mới mười lăm tuổi. Đối với một học sinh mới mười lăm tuổi, thầy cô giáo là trời, trường học là đất. Khi mà trời và đất đều đang rung lên thì thử hỏi làm sao cô bé có thể không hoảng loạn cho được? Tôi chỉ có thể nói với Tiểu Cần một điều: thực ra, trời đất bao la vô cùng, chỉ một người không thể quyết định tất cả số phận của bạn được. Tôi nhớ có một câu hát như thế này: “Hãy đi đi, phía trước em là cả một chân trời rộng mở!”. Có lẽ câu hát này có thể an ủi Tiểu Cần phần nào trong tình cảnh hiện nay của em.

Cũng may là hiện nay Tiểu Cần đã học đến lớp chín rồi, chẳng mấy chốc cô bé sẽ tốt nghiệp thôi. Chính vì thế, mọi chuyện không hay đã xảy ra chẳng bao lâu nữa sẽ lùi hết về quá khứ, sẽ giống như một cơn giông tố, điên cuồng thổi qua rồi nhanh chóng biến mất! Vì thế tôi hy vọng Tiểu Cần có thể vươn mình chống chọi chứ không phải cúi đầu hay bỏ chạy. Nếu lo mình bị mất gốc, thì đừng lo lắng, chỉ cần nhiều nhất một năm là cô bé có thể củng cố lại hết kiến thức cho mình. Tuy nhiên, có những mất mát không dễ gì tìm lại được. Lòng tự tôn luôn nằm trong trái tim mỗi người, không gì có thể cướp nó đi được, trừ phi Tiểu Cần tự mình vứt bỏ nó. Nếu không may đánh mất, có tìm lại được nó hay không phần nhiều phụ thuộc vào chính bản thân mình!

Chương 18. Sự tĩnh lặng sau cơn bão tố

Tiểu Vũ, nữ, 16 tuổi, học sinh cấp ba

Năm nay tôi mười sáu tuổi, là học sinh cấp ba. Tôi ở trong kí túc xá của trường nên cứ cách một tuần lại về thăm bố mẹ một lần. Tôi rất thích cuộc sống như thế này. Có thể ai đó sẽ cho rằng tôi là một đứa con bất hiếu bởi tôi không thích thường xuyên nhìn thấy bố mẹ mình, tôi không thích bị quản lí quá chặt, không thích hằng ngày phải nghe mấy lời dặn dò của bố mẹ... Nhưng dù có hai tuần về nhà một lần thì cũng không giúp cho tôi tránh được những trận tranh cãi với bố mẹ.

Đầu tiên là do vấn đề quần áo của tôi. Một ngày Chủ nhật nọ, mẹ nói muốn mua cho tôi một chiếc áo khoác mỏng giống như chiếc áo cũ. Thế nên hai mẹ con cùng nhau đi mua. Mẹ thích một chiếc áo màu xanh có nơ hoa ở ngoài, nhưng tôi lại không thích và cho rằng nó hơi quê mùa nên không muốn thử. Mẹ có vẻ hơi bực mình nên mắng tôi vài câu. Tuy nhiên, cuối cùng hai mẹ con vẫn đi vào một hàng khác xem tiếp. Mẹ lại chọn một chiếc váy yếm màu đỏ và bảo tôi mặc thử. Tôi mặc lên người rồi nhìn mình ở trong gương, trông tôi chẳng khác gì một đứa trẻ ngốc nghếch và buồn cười, thế nhưng mẹ cứ ở bên cạnh và khen đẹp. Tôi nói, con không thích, tức thì mẹ nổi giận, mắng tôi là cái này không thích, cái kia cũng không thích rồi quyết định mua chiếc váy đó. Tôi cãi, dù mẹ có mua con cũng sẽ không mặc đâu. Mẹ giận quá liền bỏ đi, để mặc tôi đứng đó.

Hôm đó, hai mẹ con tay không trở về, không mua gì cả. Đợi bố về đến nhà, mẹ liền mắng cho tôi một trận nữa, lại còn nói rằng ngày xưa tôi rất ngoan ngoãn và nghe lời, mẹ mua gì thì mặc nấy... Tôi thừa nhận, khi tôi còn nhỏ, mẹ chọn rất nhiều quần áo đẹp cho tôi. Nhưng bây giờ, mẹ tôi không chịu hiểu rằng tôi đã lớn rồi, trong khi đó mẹ lại không còn trẻ nữa, làm sao mẹ hiểu được xu hướng thời trang hiện nay. Mặc dù không phải là một người thích chạy theo mốt, nhưng tôi không muốn mình mặc những bộ quần áo quá khác người, quá quê mùa so với các bạn trong lớp. Những điều này tôi đã phải nói với bố mẹ bao nhiêu lần rồi, nhưng họ không hề hiểu cho tôi, thậm chí còn nói tôi chỉ giỏi nghĩ ngợi linh tinh, không tập trung học hành.

Về sau, mẹ đồng ý cho tôi cầm tiền tự đi mua quần áo. Tôi liền mua một chiếc áo khoác “cái bang”, trông rất bụi. Thế nhưng bố mẹ tôi lại ra sức chê bai cái áo tôi mua. Bố thậm chí còn bảo trông tôi chẳng khác gì một con bé đầu đường xó chợ. Tôi rất tức giận, liền nói với bố rằng phải đến một nửa lớp mặc những cái áo kiểu này, vậy chẳng lẽ họ đều là đầu đường xó chợ hết hay sao? Thế là bố tôi nổi trận lôi đình, còn định đánh cho tôi một trận nữa. Thật là ấm ức!

Một lần khác, tôi lại mua một chiếc áo bông có thắt eo, mẹ liền nói trông tôi ăn mặc cứ như bà cô ba mươi tuổi vậy. Có thể là mẹ giận vì tôi đã không hỏi ý kiến của mẹ trước khi mua cái áo này. Nhưng bây giờ tôi đã lớn rồi, ăn mặc như thế nào là quyền của tôi chứ! Tôi nói với mẹ, cho dù tôi mặc chiếc áo này không đẹp, thậm chí có mất mặt đi chăng nữa thì đó cũng là chuyện của tôi, hơn nữa, tôi mặc thế nào hợp thì bản thân tôi là người biết rõ hơn ai hết. Thế nhưng mẹ tôi không nghe, còn nói quần áo của tôi từ nay về sau sẽ do mẹ quyết định. Thật đáng sợ! Mẹ không biết rằng tôi không muốn mẹ quyết định tất cả những gì liên quan đến tôi. Bởi vì tâm sự của tôi, mẹ mãi mãi không bao giờ hiểu được.

Tuần trước, tôi bị cảm cúm. Vì không muốn ảnh hưởng đến việc học tập nên tôi đã về nhà nhờ mẹ mua thuốc cho. Thế nhưng vì chuyện này mà mẹ lại có dịp nói tôi một thôi một hồi. Mẹ mắng tôi nào là không chịu nghe lời, cho đến chuyện quần áo của tôi. Nói xong mẹ lôi ngay một chiếc quần bông ở trong tủ quần áo ra bảo tôi mặc vào. Trời đất ơi, lớp tôi làm gì có ai mặc chiếc quần bông dày cộp như vậy! Chỉ có mấy ông bà già mới mặc mấy loại quần này. Thế mà mẹ lại đi may cho tôi ngay một chiếc quần bông, đương nhiên là tôi sẽ chẳng bao giờ chịu mặc nó rồi! Thế nhưng lần này mẹ vẫn tìm được lí do ép tôi phải mặc. Tôi không muốn mặc, lấy lí do là không mặc vừa. Nhưng mẹ không tin, nhất định bắt tôi phải mặc thử. Tôi đành phải mặc vào cho mẹ tôi vừa lòng, và quả thật là tôi không mặc vừa chiếc quần đó. Nhưng mẹ tôi vẫn không bỏ cuộc. Mẹ lấy ra một chiếc quần bông khác của mẹ trong tủ ra và bắt tôi mặc, tôi nhất quyết không nghe và khóc tấm tức. Nhưng tôi càng khóc thì mẹ tôi càng nổi giận, mẹ ấn người tôi xuống, bắt tôi mặc chiếc quần bông đó vào, tôi đứng im, nhất quyết không mặc. Mẹ tôi tức quá liền gọi điện thoại cho bố tôi. Thế là bố về, mắng cho tôi một trận, còn bắt tôi quỳ xuống xin lỗi mẹ nữa. Bố còn mắng tôi vì cái tội sử dụng máy nhắn tin, bố nói chỉ có gái gọi mới sử dụng máy nhắn tin như vậy. Thực ra, đến một nửa lớp tôi đều sử dụng máy nhắn tin, vì ở trong kí túc không có điện thoại, bạn bè phải liên lạc với nhau bằng máy nhắn tin. Lúc tôi xin phép bố mẹ dùng máy nhắn tin, bố mẹ tôi đều đồng ý cả, vậy mà bây giờ vì chuyện này bố lại mắng tôi, còn hỏi tôi lấy tiền đâu ra mà mua, có phải đi ăn cắp hay không?... Lúc đó, tôi vô cùng tức giận, chưa bao giờ tôi tức giận đến vậy. Tôi to tiếng cãi lại bố mẹ, liệt kê một loạt những “lỗi lầm” của họ đối với mình. Tôi còn nói bố mẹ quá độc tài rồi thề sau này trưởng thành sẽ không bao giờ quay về cái nhà này và không bao giờ nhận bố mẹ nữa.

Bố tôi lôi tôi từ trên sofa xuống, tát tôi mấy cái nổ đom đóm mắt. Chắc nếu không có mẹ can ngăn thì bố đã đánh chết tôi rồi. Hai tai tôi ù đi vì tiếng mắng chửi, bố còn nói hôm nay mà không đánh chết tôi thì không mang họ Hàn nữa. Nhân lúc mẹ không chú ý tôi đã đập đầu vào tủ quần áo, chẳng phải bố nói muốn đánh chết tôi còn gì, đã vậy tôi sẽ chết cho bố xem. Trận cãi vã đó cuối cùng cũng kết thúc dưới sự khuyên can của hàng xóm. Mặt tôi sưng phù lên, vết thương trong trái tim tôi có lẽ sẽ không bao giờ liền được nữa.

Sau khi vết thương trên mặt đã lành, tôi liền quay trở về trường. Tôi cảm thấy ở trường thật thoải mái, cái gì cũng thật tuyệt vời, có lẽ là do ở đây tôi được tự do. Kể từ sau khi chuyện đó xảy ra, bố mẹ không còn mắng tôi nữa, tôi cũng gần như chẳng nói với bố mẹ câu nào, hình tượng của bố trong tôi như đã sụp đổ hoàn toàn. Mẹ đến thăm tôi, trong mắt mẹ ánh lên ý muốn cứu vãn sự việc. Tôi rất đau lòng! Trước đây, tôi cố gắng để cả nhà có thể hiểu nhau hơn, nhưng bố mẹ lại quá thờ ơ với việc đó. Còn bây giờ, mẹ tôi đang nghĩ gì nhỉ? Đáng tiếc là tôi không còn quan tâm đến điều đó nữa...

Những cô bé, cậu bé ở độ tuổi như Tiểu Vũ hiện nay đang ở trong giai đoạn muốn tự làm chủ bản thân. Có thể nói đây là một giai đoạn mà bất cứ ai cũng phải trải qua trong cuộc đời của mình. Một số bậc cha mẹ khó thích nghi được với giai đoạn này của con, vẫn giữ thói quen quan tâm và quyết định tất cả mọi chuyện của con cái như trước đây. Mặc dù có vẻ như bố mẹ toàn lo lắng những việc không đâu, nhưng thực chất những hành động này đều xuất phát từ lòng yêu thương con cái. Trong giai đoạn này, tính tình của Tiểu Vũ trở nên tương đối bướng bỉnh và thích tự lập. Cho nên rất có thể cô bé sẽ có cái nhìn phiến diện về những hành động thể hiện sự quan tâm đối với con cái của bố mẹ mình, cho rằng bố mẹ lạc hậu, không chịu hiểu con cái... Trong rất nhiều gia đình, mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái khó mà tránh được những xung đột xảy ra.

Còn một điểm nữa cần phải nhắc đến đó là, bố mẹ Tiểu Vũ chắc khoảng bốn mươi tuổi, có thể nói cũng đang ở trong một giai đoạn phát triển đặc biệt của con người, giai đoạn trung niên. Những bậc cha mẹ ở độ tuổi trung niên tính cách thường có chút nóng nảy, cố chấp. Điều này có liên quan đến tình trạng sức khỏe của họ. Chính vì thế, con cái cần phải hiểu, thông cảm và có thái độ khoan dung với bố mẹ mình.

Tôi tin rằng, chỉ cần trong lòng không mất đi tình cảm ruột thịt thì mối quan hệ của Tiểu Vũ với bố mẹ sẽ dần dần tốt hơn. Rất nhiều gia đình đã từng trải qua giai đoạn như vậy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx