sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 19 - 20

Chương 19. Quà tặng không dám gửi

Nghiêm Khắc, nam, 17 tuổi, sinh viên trung cấp

Năm ngoái, tôi đã thi đỗ vào một trường trung cấp. Khi nhập trường, thầy giáo nói với chúng tôi rằng, sau khi tốt nghiệp, mỗi lớp sẽ có một sinh viên được tuyển thẳng lên cao đẳng, vì thế, thầy yêu cầu cả lớp phải chăm chỉ, nỗ lực học tập để giành được cơ hội này. Lúc đó, trong thâm tâm, tôi thầm mong sẽ là người được tuyển thẳng đó, bởi tôi biết, khi đi làm, tấm bằng cao đẳng có giá trị hơn nhiều so với tấm bằng trung cấp. Nếu như tôi được tuyển thẳng lên cao đẳng thì đó đúng là một niềm vui lớn cho bố mẹ tôi, những người không chức không quyền, lao động khó nhọc cả đời vì con cái.

Nhưng dần dần tôi phát hiện ra rằng, đây là một cuộc cạnh tranh không công bằng. Giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi thường cho điểm dựa vào ý thích cá nhân. Nghe các bạn trong lớp kể rằng, có bạn mua cho thầy mấy bao thuốc lá, thế là thầy liền cho bài thi đạt 59 điểm lên 65 điểm; còn nếu có bậc phụ huynh nào giúp thầy làm gì đó thì ngay lập tức con cái họ sẽ được thầy tặng luôn thêm 30 điểm gọi là quà cảm ơn... Do những điểm đánh giá thường ngày này sẽ được tính vào tổng điểm để xét quyền tuyển thẳng lên cao đẳng nên chúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vì thế mà sinh viên nào cũng để ý, ai cũng cho rằng biếu xén giáo viên để mua điểm là một hành động đáng khinh bỉ. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Cứ khi nào mọi người nhắc đến vấn đề này là tôi chỉ muốn chửi thẳng vào mặt những kẻ hối lộ giáo viên và mắng chửi những giáo viên xấu xa ham của đút lót. Giáo viên chủ nhiệm lớp tôi là một thầy giáo trung niên, nhìn bộ dạng có vẻ khá bủn xỉn. Tin đồn về thầy Lưu nhiều vô kể, phần lớn đều là do các anh chị sinh viên khóa trên kể lại. Một trong những tin đồn đó là: một hôm, thầy Lưu đang nấu cơm thì có một học sinh từ nông thôn đến tìm. Cậu sinh viên này cầm bài thi không đạt của mình đến xin thầy giúp đỡ. Thế nhưng, thầy Lưu không nói gì, chỉ nhìn cái chảo rau xào mà nói: “Ôi, rau này mà có một chút xì dầu thì thơm phải biết!”. Cậu sinh viên kia như hiểu ý, liền gọi điện cho bố mẹ lập tức gửi lên mười chai xì dầu ngon để biếu thầy. Hóa ra, quê của cậu học sinh này sản xuất xì dầu ngon nổi tiếng. Về sau, cậu sinh viên này thường mang xì dầu đến biếu thầy để đổi lấy điểm cao. Tin đồn về thầy Lưu làm cho tôi mất hết cả cảm tình với thầy, thậm chí còn rất ghét thầy nữa! Nhưng không lâu sau, có một chuyện xảy ra làm cho tôi thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình về thầy Lưu.

Tôi và M là bạn cùng phòng. Mối quan hệ giữa chúng tôi không được tốt cho lắm. M là một đứa rất đào hoa lại thường thích bắt nạt người khác, nhất là những đứa từ nông thôn ra như chúng tôi. Cậu ta không cười nhạo thì cũng tìm cách chọc ghẹo chúng tôi. Bố M giữ một chức vụ nhỏ trong thành phố, vì thế các thầy cô giáo thường dung túng thậm chí còn nịnh nọt cậu ta nữa. Chúng tôi không ai dám chọc giận cậu ta, dù chỉ là vô tình. Nhưng hôm đó, tôi cùng vài người bạn đồng hương họp mặt nhau nên đã uống rượu. Về đến phòng, thấy M không chịu làm trực nhật, vì là trưởng phòng nên tôi đã mắng cậu ta vài câu. M không những không nghe mà còn quát lại tôi, thậm chí còn xúc phạm tôi rất khó nghe. Thế là tôi nổi điên lên, cãi nhau với cậu ta một trận. Chúng tôi còn đánh nhau nữa. Tôi đấm cho cậu ta tím cả mắt, cậu ta đấm vỡ sống mũi tôi. Chuyện vỡ lở, mọi người trong phòng đều đồng ý làm chứng cho tôi là M ra tay đánh tôi trước, hơn nữa, tôi vì công việc chung của cả phòng mới làm như vậy. Thực ra tôi rất lo bị nhà trường phạt, rất có thể vì chuyện này mà tôi sẽ bị trừ điểm. Tôi không nghĩ người bị phạt sẽ là M và cảm thấy có đôi chút hối hận vì đã đánh nhau với cậu ta.

Nhưng không ngờ thầy Lưu lại đứng về phía tôi. Thầy không những không phê bình mà còn khen ngợi tôi làm việc có trách nhiệm, còn M thì đáng bị trừ điểm. Mặc dù trong lớp có người nói rằng do M quá kiêu ngạo, không bao giờ coi thầy Lưu ra gì nên đã đắc tội với thầy; cũng có người nói là do M quên tặng quà cho thầy Lưu, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất biết ơn thầy, biết ơn thầy đã bảo vệ một đứa không có bè cánh, ô dù nâng đỡ gì như tôi.

Một lần về nhà nghỉ, lúc ngồi nói chuyện phiếm với mẹ, tôi đã kể cho mẹ nghe chuyện này. Mẹ bàn với tôi phải đem chút quà đến biếu thầy để thể hiện chút lòng thành của mình. Tôi không biết phải nói thế nào với mẹ. Tôi nghĩ, những gì mà gia đình tôi có thể tặng thầy chắc chắn chẳng phải hiếm có; hơn nữa, tôi không muốn các bạn cùng lớp nghĩ rằng tôi hối lộ thầy. Nhưng rốt cuộc tôi vẫn không nói những suy nghĩ này với mẹ, bởi vì tôi thấy mẹ đã rất cẩn thận chuẩn bị quà biếu thầy nên không nỡ ngăn mẹ lại.

Ngày trở lại trường học, tôi xách gần chục cân lạc ngon mà mẹ đã nhặt kĩ từng hạt và cẩn thận rang chín về trường. Nhìn túi lạc to và nặng này, tôi có đôi chút do dự vì không biết nhà thầy ở đâu, nếu hỏi bạn bè thì lại sợ bị nói là nịnh nọt thầy; không biết thầy Lưu có thích món quà này không? Cứ như vậy, túi lạc bị tôi “lãng quên” dưới gầm giường. Một hôm, có một người bạn cùng phòng phát hiện ra “kho tàng đồ ăn” này. Thế là tất cả mọi người trong phòng đều chạy đến xin tôi. Tôi không dám nói rằng đó là quà biếu nên đành phải để mọi người chia nhau. Nhìn đống vỏ lạc ở trên sàn, nghĩ đến hình ảnh mẹ lụi cụi nhặt lạc trong bếp mà lòng tôi cảm thấy xót xa. Tuy nhiên, chia cho mọi người ăn hết cũng tốt, vì dù sao tôi cũng đâu có dám mang đến biếu thầy.

Khi về nghỉ Tết, mẹ nhìn thấy tôi liền vui vẻ hỏi han xem thầy giáo có thích lạc không? Tôi nói dối mẹ là thầy thích lắm. Mẹ nghe xong vô cùng vui mừng. Lúc tôi đi, mẹ lại chuẩn bị cho tôi một ít đậu tằm và đậu Hà Lan rồi bảo tôi mang biếu thầy. Tôi nói thôi không cần, lần trước thầy giúp đỡ nên mới tặng quà tỏ chút lòng biết ơn, lần này thì không cần thiết. Nhưng mẹ mắng tôi và bảo: “Sao lại quên ơn người khác nhanh thế? Hơn nữa, những thứ này bố mẹ mới thu hoạch, của nhà trồng được nên vừa rẻ lại vừa tươi ngon, dù sao cũng là một chút lòng thành!”. Mẹ còn nhắc tôi đến trường là phải mang biếu thầy ngay vì để lâu sẽ mất ngon. Hôm đó trở lại trường, tôi lại đem túi đậu giấu dưới gầm giường. Tôi nghĩ rất lâu mà không biết phải đem túi đậu này đến biếu thầy như thế nào. Cứ như vậy, ngày qua ngày, hạt đậu bắt đầu chuyển sang màu đen, vàng. Cuối cùng, tôi mang số đậu đó đi đổ hết. Lúc đó, tôi cảm thấy rất tiếc!

Nghỉ hè về nhà, mẹ tôi lại không quên chuẩn bị quà cáp cho tôi mang biếu thầy. Tôi rất muốn nói với mẹ rằng: “Mẹ đừng nên bận tâm mấy chuyện này nữa, những thứ mẹ chuẩn bị hai lần trước con đều không mang đến biếu thầy đâu!”. Thế nhưng tôi không sao mở miệng được, tôi cảm thấy rất khó xử. Mặc dù tôi biết tất cả những gì mẹ làm đều xuất phát từ lòng biết ơn chứ không phải có ý nịnh nọt thầy giáo tôi (thực ra nếu muốn nịnh nọt thầy thì những thứ này thật chẳng đáng là gì), nhưng tại sao tôi vẫn không thể tiếp nhận cách làm của mẹ nhỉ?

Con người trong những hoàn cảnh đặc biệt thường rất coi trọng danh tiếng của mình. Về lí mà nói thì những việc làm của mẹ bạn không có gì là khó chấp nhận cả, bởi mẹ bạn là người tốt bụng, lại biết cách đối nhân xử thế. Tôi tin rằng, nếu như thầy giáo mà hiểu được tấm lòng của mẹ bạn thì chắc chắn sẽ rất cảm động. Đây vốn có thể trở thành con đường hữu nghị giữa người với người, nhưng do một số lí do nào đó mà con đường này đã bị chặn mất.

Làm việc cẩn thận không phải là một chuyện xấu. Nhưng bên cạnh sự cẩn thận, cũng cần có sự thẳng thắn và vô tư. Những môi trường khắc nghiệt sở dĩ có nhiều tin đồn và sự cạnh tranh chẳng qua là do lòng dạ của mỗi người nơi đó đều quá hẹp hòi, không được thẳng thắn, vô tư. Đối mặt với vấn đề lợi ích, thần kinh của chúng ta đều trở nên nhạy cảm quá mức. Thực ra, so với việc lãng phí thời gian và tâm tư để giành lấy quyền được tuyển thẳng lên cao đẳng (tỉ lệ trúng tuyển rất thấp), chi bằng chúng ta hãy sống vô tư và thoải mái. Nhân cách con người còn quan trọng hơn nhiều so với cái tấm bằng mà các bạn cầm trên tay, hơn nữa, các bạn còn rất nhiều cơ hội để có được tấm bằng tốt. Thế nhưng, nếu thay đổi cả tâm tính chỉ để mưu đồ một việc gì đó thì sau này dù có muốn quay trở lại như lúc đầu cũng không phải một việc dễ dàng!

Chương 20. Phút sao nhãng học trò

Ngưu Phương, nam, 18 tuổi, học sinh cấp ba

Tiếng chuông báo hiệu buổi thi vang lên, tôi mang tâm trạng thấp thỏm vào phòng thi. Số học là môn tôi học rất kém. Khi được thầy giáo phát đề thi, tôi cảm thấy đầu mình như muốn nổ tung ra. Chỉ nhìn thấy ba trang kín đặc toàn chữ là tôi đã thấy xây xẩm cả mặt mày. Tôi cực kì ghét mực in của trường, chỉ quẹt nhẹ vào bài một cái là mực in dính nhoe nhoét ra tay ngay. Trước buổi thi, chúng tôi còn cười đùa nói rằng lúc thi, đứa nào cũng bị biến thành đảng viên đảng “tay đen” hết. Nhưng đến khi thật sự vào kì thi rồi thì không đứa nào cười nổi nữa. Tôi lấy một tờ nháp kê lên trên đề thi, viết tên mình lên giấy rồi bắt đầu làm bài.

Bài đầu tiên là bài chọn đáp án đúng. Trời ơi, chỉ một bài toán nhỏ mà cho hẳn 4 điểm! Tôi vô cùng sửng sốt, suýt nữa thì kêu thành tiếng. Không hiểu là thầy cô giáo nào ra đề mà ác quá! Đương nhiên là tôi cũng chỉ dám mắng thầm trong bụng vậy thôi. Câu hỏi nhỏ đầu tiên coi như làm xong khá thuận lợi, nhưng đến câu thứ hai thì tôi không biết bắt đầu làm từ đâu cả. Tôi quay bút liên tục, trong bụng chửi thầm mấy cái chữ ABCD chết tiệt này, mỗi đáp án cứ na ná là A, nhưng dường như lại là B... Đầu óc tôi quay cuồng, không biết chọn đáp án nào. Thôi đành phải bỏ qua câu này vậy! Câu tiếp theo tôi không biết làm nên đành phải xem bài tiếp theo, nhưng bài đó tôi cũng không biết làm. Đã vậy tôi quyết tâm chọn bừa đáp án, may ra thì đúng vài câu.

Bài toán thứ hai là bài điền vào chỗ trống, gồm năm câu hỏi nhỏ. Tôi tự nhủ thầm số mình đen đủi, câu nào cũng không biết làm. Đột nhiên tôi nhớ ra bài này có ở trong cuốn Rèn luyện kiến thức cơ bản của tôi. Thế là nhân lúc thầy giáo không để ý, tôi nhẹ nhàng thò tay vào ngăn bàn. Do dự hồi lâu, tôi nghĩ: tốt nhất là không nên lấy ra, chẳng may bị thầy giáo phát hiện thì nguy to! Thế là tôi bèn rụt tay lại, viết mấy cái công thức và định lí lên giấy nháp, rồi nhanh chóng điền đáp án bài làm. Cuối cùng thì tôi cũng cố xong được bài thứ ba, nhưng cũng không biết là đúng hay sai nữa.

Tôi lại lấy hết dũng khí tiếp tục làm bài. Đang làm được một nửa bài tính toán thì tôi rơi vào bế tắc. Tôi khổ sở mò mẫm đống công thức đã thuộc lòng. Nhưng kì lạ là tại sao đám công thức thường ngày tôi đã học thuộc làu làu giờ bỗng nhiên biến đi đâu mất! Tôi vỗ đầu bồm bộp, với hy vọng tìm ra công thức mà tôi cần đang bị kẹt ở trong đó. Nhưng dù cho tôi vò đầu bứt tai thì vẫn không thể nhớ ra được. May là cuối cùng cái công thức chết tiệt kia cũng bắt đầu hiện ra. Tôi đang định tóm chặt lấy nó thì thầy giáo coi thi đột nhiên cất tiếng: “Này em kia, em đang nhìn đi đâu thế hả?”. Tôi giật nảy mình, mặc dù người bị nhắc không phải là tôi, nhưng cái công thức vừa mới ló ra trong đầu tôi đã lặn mất tăm rồi!

Bây giờ đang là mùa đông nhưng hai bên sống mũi tôi đã lấm tấm những giọt mồ hôi. Bỗng nhiên “Reng...”, một hồi chuông ngân lên báo hiệu giờ làm bài đã hết. Tôi đưa mắt nhìn bài thi thảm hại của mình mà ngẩn người ra không biết phải làm thế nào. Thầy giáo thu bài thi của chúng tôi rồi nhanh chóng đi ra khỏi lớp. Tôi vẫn còn ngồi đực ra đó, nước mắt lưng tròng. Một nỗi xót xa khó diễn tả thành lời cứ dâng lên trong lòng tôi.

Nhớ lại ngày trước, mới học tiểu học mà tôi đã phải đeo trên lưng gần chục cân sách vở nặng trịch rồi. Lúc lên xe buýt, mặc dù người đã len được người lên xe rồi nhưng cặp sách của tôi vẫn còn bị kẹt ở bên ngoài cửa xe. Lên đến cấp hai thì càng khỏi phải nói, thi cử ngày càng nặng nề hơn. Mỗi ngày tôi đều sống trong sợ hãi, sợ bị người lớn đánh mắng, lại càng sợ sự giày vò về mặt tinh thần do kết quả học tập yếu kém. Đến năm lớp chín, vô tình tôi phát hiện ra rằng có đến nửa lớp phải đeo kính cận, trông thật là ngán ngẩm! Tôi cũng chẳng phải là ngoại lệ. Mẹ thường mắng tôi xem ti vi nhiều nên hỏng mắt. Tại sao mẹ không thể nhìn nhận và suy nghĩ một cách khách quan xem trong cả tuần, thời gian tôi xem ti vi và thời gian tôi phải học hành, làm bài tập... cái nào nhiều hơn? Nếu như bài tập mỗi ngày ít hơn một chút, mỗi ngày tôi có thể ngủ thêm một chút thì tối đến đầu tôi đâu có ong ong, mắt tôi đâu có hoa lên như vậy?

Các thầy cô giáo luôn cố gắng nhồi nhét vào đầu chúng tôi càng nhiều kiến thức càng tốt, cứ như thể là đang “nhồi vịt” vậy. Tôi thường nghi ngờ bản thân, tại sao tôi chăm chỉ học hành từ sáng tới tối mà chẳng có chút hiệu quả nào? Tôi nghĩ mình đã bị ảnh hưởng xấu bởi phương pháp dạy học không hiệu quả này rồi. Lí do là các thầy cô giáo toàn cho thi những thứ đòi hỏi phải ghi nhớ, trong khi đó, trí nhớ của tôi lại cực kì tệ hại.

Trước đó không lâu, một học sinh nữ lớp mười hai của trường tôi xảy ra chuyện. Bạn ấy bị mắc chứng suy nhược thần kinh nên gia đình phải đưa ra ngoại ô để điều dưỡng. Ai cũng cảm thấy tiếc thay vì bạn ấy là một học sinh có thành tích học tập cực kì xuất sắc. Ban đầu chúng tôi nghĩ bạn ấy học giỏi như vậy là do có ba đầu sáu tay, về sau mới biết, nhờ có mỗi tối học tập chăm chỉ đến tận đêm khuya bạn ấy mới có thành tích đáng nể đến như vậy. Đáng tiếc là gần đến giai đoạn nước rút thì bạn ấy lại gặp chuyện. Nếu học hành không vất vả thế này thì kì thi đại học hằng năm đâu có mang màu sắc ảm đạm như vậy?

Còn nhớ một lần họp lớp tiểu học, có một bạn nữ không thấy đến, tôi nghe bạn bè nói rằng bạn ấy không thi đỗ trường chuyên cấp ba, lại bị mọi người trong nhà trách mắng, áp lực tinh thần quá lớn nên bạn ấy bị tâm thần phân liệt, cuối cùng phải vào bệnh viện điều trị. Nhớ lại hình ảnh của bạn ấy ngày xưa, thông minh và nhanh nhẹn không ai có thể tượng tượng ra được bộ dạng của bạn ấy trong viện tâm thần; càng không thể tưởng tượng được bố mẹ của bạn ấy, những người luôn kì vọng con mình sẽ thành tài hiện nay ra sao? Chắc rằng bây giờ họ hối hận lắm!

Tôi cảm thấy đi học thật khổ cực. Tôi không có cả thời gian cho riêng mình. Trường tôi học thường không tổ chức các hoạt động ngoại khóa; thậm chí những ngày lễ, tết cũng sắp xếp lịch học bù. Mặc dù trường tôi luôn hướng đến cái gọi là “giáo dục tố chất”, nhưng các bậc phụ huynh luôn nói với chúng tôi rằng: Một khi chế độ thi đại học vẫn còn thì hình thức giáo dục thi cử sẽ còn tồn tại. Các thầy cô giáo luôn liệt kê ra cho chúng tôi một hiện thực khắc nghiệt: điểm sàn ở các thành phố lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải luôn thấp hơn điểm sàn của chúng tôi gần 100 điểm. Điều này càng làm cho chúng tôi thêm mất tự tin. Tôi thật không tài nào hiểu nổi, học sinh ở các thành phố lớn rõ ràng có điều kiện giáo dục tốt hơn chúng tôi rất nhiều: trường lớp, kí túc xá đều rộng rãi, đẹp đẽ, phòng thí nghiệm đầy đủ thiết bị; thư viện rộng rãi, sách báo phong phú; quan trọng hơn là giáo viên ở đó giỏi hơn và có kinh nghiệm hơn, biết cách dạy học sinh làm sao ứng phó được với các kì thi. Vậy thì tại sao không cho chúng tôi được đứng trên cùng một vạch xuất phát với họ cơ chứ? Tôi thật không thể hiểu nổi tại sao nhà nước lại thiết lập chế độ thi cử bất hợp lí như vậy?

Mặc dù biết học hành là bể khổ, nhưng tôi cũng biết là mình bắt buộc phải học, nếu không sau này sẽ không có chỗ đứng trong xã hội luôn có sự cạnh tranh gay gắt này. Chưa nói đến việc không phụ sự kì vọng của bố mẹ, chỉ riêng để thực hiện được yêu cầu giải quyết vấn đề tồn tại của mình trong tương lai thôi, chúng tôi cũng đã phải cố gắng hết sức mình rồi. Tuy những điều này tôi đều hiểu cả, nhưng tôi luôn than thở tại sao mình lại xuất hiện trên thế giới này. Mặc dù bố mẹ tôi rất yêu thương và quan tâm đến tôi, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật chẳng có chút gì còn gọi là vui vẻ nữa!

Ngưu Phương là một thanh niên biết suy nghĩ, hơn nữa những suy nghĩ của bạn có chiều sâu, thể hiện khả năng tư duy nhạy bén của bạn. Tôi tin rằng một khi bạn tìm được phương pháp học tập hợp lí, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng tiến bộ. Muốn có phương pháp học tập tốt phải dựa vào sự tìm tòi không ngừng của bản thân. Ngoài việc tìm cho mình một phương pháp học tập đúng đắn, hiện nay, điều quan trọng nhất đối với Ngưu Phương là thay đổi tâm lí chán ghét việc học hành của mình. Chán học là kẻ thù lớn nhất của mỗi học sinh. Một học sinh mắc phải hội chứng chán học thì cho dù có cái đầu siêu thông minh đi nữa, bộ não vẫn sẽ bị “đoản mạch”. Tôi đồng tình với ý kiến phê phán của Ngưu Phương về chế độ thi đại học hiện nay. Nhưng đối với một học sinh, không thể không phụ thuộc vào hình thức thi cử, cạnh tranh như vậy được. Bởi vì cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm ra được phương pháp chọn lọc nhân tài nào công bằng và chính xác hơn chế độ thi cử. Đương nhiên, tính công bằng cũng chỉ là tương đối. Hiện nay, sự khác biệt, chênh lệch về điểm sàn thi đại học giữa các khu vực là chính sách được đề ra nhằm mục đích ổn định tình hình chung giữa các khu vực, đã được thông qua chất vấn của hội nghị hiệp thương chính trị. Tôi tin rằng chính sách này sẽ được sửa đổi để ngày càng hoàn thiện hơn.

Do đó tôi nghĩ, Ngưu Phương nên tạm thời gạt bỏ thái độ phê phán và tâm lí chán học sang một bên để tập trung học tập. Đây mới là một thái độ đúng đắn của một học sinh sắp bước vào kì thi quan trọng trong đời.

Cuối cùng, tôi muốn nói với Ngưu Phương rằng, các trường đại học và cao đẳng ở nước ta đang ngày càng được mở rộng; không lâu nữa, mỗi học sinh đều có thể thực hiện được giấc mơ vào đại học của mình. Vì thế bạn cần phải có niềm tin vào bản thân nhé!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx