sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn - Nhà Vua Trở Về - Quyển VI - Phụ Lục C - D

PHỤ LỤC C

PHẢ HỆ

Các tên ghi trong các cây phả hệ dưới đây chỉ là một phần trích từ rất nhiều tên khác. Phần lớn đều là khách mời trong Tiệc Chia Tay của Bilbo, còn lại là tiền bối trực tiếp của họ. Tên các khách dự tiệc đều gạch chân. Trong các bảng còn ghi thêm một vài người liên quan tới các sự kiện đã kể. Thêm vào đó, bảng này còn cung cấp chút ít thông tin về gia phả Samwise, người mở đầu dòng họ Làm Vườn sau này trở nên vô cùng nổi tiếng và quan trọng.

Con số ghi sau tên là năm sinh (và năm mất khi có thông tin). Mọi năm đều tính theo NLQ, khởi đầu từ năm hai anh em Marcho và Blanco vượt sông Bia Rum Đun - Năm thứ Nhất ở Quận, hay 1601 Kỉ Đệ Tam.

PHỤ LỤC D

LỊCH QUẬN

DÙNG CHO MỌI NĂM

Năm bắt đầu vào ngày đầu tuần, thứ Bảy, kết thúc vào ngày cuối tuần, thứ Sáu. Ngày Giữa Năm và ngày Overlithe trong các Năm Nhuận không có tên thứ. Ngày Lithe trưóc Ngày Giữa Năm gọi là 1 Lithe, sau ngày giữa năm gọi là 2 Lithe. Ngày Yule cuối năm gọi là 1 Yule, đầu năm gọi là 2 Yule. Overlithe là một ngày nghỉ lễ đặc biệt, nhưng lại không xảy ra suốt trong những năm quan trọng nhất của lịch sử Nhẫn Chúa. Tới năm 1420 mới có ngày nhuận, năm có vụ thu hoạch lừng tiếng và mùa hè tuyệt đẹp; và cảnh hội hè tưng bừng năm đó nghe đồn lớn hơn bất kì những gì nguời ta còn nhớ hay ghi lại.

Các hệ lịch

Lịch dùng ở Quận khác lịch chúng ta ở vài điểm. Hiển nhiên độ dài một năm vẫn không đổi[1], vì dù thời ấy có vẻ đã rất xa xôi nếu tính bằng số năm và đời người, thì lại chẳng qua là một quãng ngắn trong kí ức của Trái Đất. Theo ghi chép của người Hobbit, họ không có khái niệm “tuần” hồi vẫn còn là giống người du cư, và dù có tính “tháng” ít nhiều dựa theo mặt trăng thì việc ghi chép ngày tháng, tính toán thời gian nói chung vẫn mù mờ không chính xác. Ở miền Tây Eriador, khi cuối cùng cũng định cư êm ấm, họ học theo Niên lịch Dúnedain của Các Vua, tức có nguồn gốc nguyên thủy từ tộc Eldar; nhưng Hobbit ở Quận có thêm vài điều chỉnh nhỏ. Lịch của họ, gọi là “Niên lịch Quận,” rốt cuộc còn được dùng cả ở Bree, chỉ trừ việc tính Năm thứ Nhất là năm họ tới Quận sinh sống.

[1] 365 ngày 5 giờ 48 phút 46 giây.

Lệ thường ít khi có thể khai thác trong truyện cổ và truyền thuyết những điều các dân tộc thường nắm rõ và coi như đương nhiên vào thời đại đang sống (ví dụ tên các chữ cái, tên ngày trong tuần, tên và số ngày các tháng). Nhưng nhờ mối quan tâm rộng rãi tới phả hệ họ hàng, cộng thêm niềm hứng thú với lịch sử cổ đại đã hình thành trong bộ phận người có học sau cuộc Nhẫn Chiến, có vẻ như dân Hobbit ở Quận vô cùng rành rẽ về ngày tháng, thậm chí còn lên nhiều bảng biểu phức tạp đối chiếu giữa lịch pháp của họ với của các dân tộc khác. Về vấn đề này tôi không phải là chuyên gia, nên rất có thể đã phạm nhiều sai sót; nhưng dù sao biên niên sử các năm chính yếu là 1418, 1419 NLQ cũng đã được ghi chép quá tường tận trong cuốn Sách Đỏ, nên chẳng thể sai lạc gì nhiều về ngày tháng và thời gian giai đoạn này.

Một điều thấy rõ là tộc Eldar ở Trung Địa, vì đã quen với lượng thời gian nhiều hơn hẳn như Samwise từng nhận xét, thường tính theo từng giai đoạn rất lớn, và từ Quenya yén vẫn thường dịch là “năm” (I 490) thực tế tương đương với 144 năm của chúng ta. Dân Eldar ưa dùng hệ số sáu hoặc mười hai bất kì lúc nào có thể. Một “ngày” mặt trời được gọi là ré và tính từ lúc mặt trời lặn hôm trước tới hôm sau. Một yén bao gồm 52.596 ngày. Dân Eldar tính tuần cho các mục đích nghi lễ hơn là thực tiễn gồm sáu ngày, gọi là enquië, mỗi yén gồm 8.766 enquier nối tiếp tuần hoàn suốt năm dài đó.

Ở Trung Địa, dân Eldar còn dùng đơn vị ngắn là năm mặt trời, gọi là coranar tức “vòng mặt trời” khi xét theo khía cạnh thiên văn học, nhưng thông thường gọi là loa, “đợt sinh trưởng” (đặc biệt ở miền Tây Bắc) khi chủ yếu nói về những thay đổi theo mùa của cỏ cây, là mối quan tâm chính của người Tiên cũng như trong nhiều việc khác. Mỗi loa lại chia thành nhiều kì có thể coi là các tháng dài, hoặc các mùa ngắn. Hiển nhiên những kì này khác nhau ở mỗi vùng khác nhau; nhưng ghi chép của dân Hobbit chỉ để lại thông tin về Lịch Imladris. Lịch đó có sáu “mùa” như vậy, các tên Quenya là tuilë, lairë, yávië, quellë, hrívë, coirë, có thể tạm dịch là “xuân, hạ, thu, phai, đông, nhú.” Các tên Sindarin là ethuil, laer, iavas, firith, echuir. Mùa “phai” còn gọi là lasse-lanta, “lá rụng,” hay tiếng Sindarin gọi narbeleth, “mùa mặt trời mờ.”

Lairë và hrívë đều có bảy mươi hai ngày, các mùa còn lại có năm mươi tư ngày. Mỗi loa bắt đầu bằng yestarë, ngày liền trước mùa tuilë, và kết thúc bằng mettarë, ngày liền sau mùa coirë. Chen giữa yávië và quellë là ba enderi tức “ngày giữa.” Như vậy là đủ một năm ba trăm sáu mưới năm ngày, điều chỉnh thêm bằng việc nhân đôi số enderi (thêm ba ngày nữa) cứ mỗi mười hai năm.

Không có thông tin rõ ràng về việc sửa lại những chênh lệch gây mất chính xác. Nếu một năm thời đó cũng dài bằng hiện nay, thì mỗi yén hẳn đã bị thừa ra nhiều hơn một ngày. Ta biết chênh lệch đó có tồn tại, nhờ một ghi chú trong phần Lịch pháp cuốn Sách Đỏ, rằng trong “Niên lịch Thung Đáy Khe” cứ mỗi ba yén thì năm cuối lại bớt đi ba ngày: việc nhân đôi ba ngày enderi năm đó không được thực hiện; “nhưng việc này chưa xảy ra trong thời chúng ta.” Còn các sai lệch khác có được sửa không thì không thấy ghi lại.

Người Númenor đã chỉnh lại các quy ước này. Họ chia một loa thành những kì ngắn hơn, độ dài đều nhau hơn; và họ giữ tục lệ tính năm bắt đầu giữa mùa Đông như Con Người miền Tây Bắc, tổ tiên họ vào Kỉ Đệ Nhất. Sau này họ còn kéo một tuần thành bảy ngày, mỗi ngày tính từ lúc mặt trời mọc (từ biển Đông) hôm trước tới mặt trời mọc hôm sau.

Cách tính của người Númenor, dùng cả ở Númenor lẫn Arnor và Gondor cho tới lúc dòng vua chấm dứt, gọi là Niên lịch Các Vua. Một năm thông thường có 365 ngày. Năm chia làm mười hai astar tức tháng, mười tháng có ba mươi ngày và hai tháng có ba mươi mốt. Hai astar này nằm trước và sau ngày Giữa Năm, đại khái bằng tháng sáu và bảy của ta. Ngày đầu năm gọi là yestarë, ngày giữa năm (ngày thứ 183) gọi là loëndë, ngày cuối năm gọi là mettarë; ba ngày đó không thuộc về tháng nào. Cứ bốn năm một lần, trừ năm cuối mỗi thế kỉ (haranyë), hai enderi tức “ngày giữa” lại được dùng thay loëndë.

Ở Númenor bắt đầu tính năm từ 1 KĐ2. Độ Khuyết gây ra khi bớt một ngày khỏi năm cuối thế kỉ phải chờ tới năm cuối thiên niên kỉ mới được bổ sung, chừa lại độ khuyết thiên niên kỉ dài 4 giờ 46 phút 40 giây.

Phép điều chỉnh này được thực hiện ở Númenor vào các năm 1000, 2000, 3000 KĐ2. Sau cuộc Sụp Đổ vào năm 3319 KĐ2, lịch pháp cũ vẫn được duy trì ở các vương quốc lưu vong, nhưng tới đầu Kỉ Đệ Tam thì bị đảo lộn vì bắt đầu đánh số lại: 3442 KĐ2 trở thành năm 1 KĐ3. Khi đổi năm 4 KĐ3 thành năm nhuận thay cho năm 3 KĐ3 (3444 KĐ2), một năm ngắn 365 ngày bị chèn vào giữa, khiến độ khuyết tăng lên thành 5 giờ 48 phút 46 giây. Ngày bổ sung hằng thiên niên kỉ bị chậm 441 năm: vào năm 1000 (4441 KĐ2) và 2000 KĐ3 (5441 KĐ2). Để giảm bớt những sai sót sinh ra cũng như độ khuyết cộng dồn qua các thiên niên kỉ, Mardil Quốc Quản đã ban hành lịch sửa đổi có hiệu lực năm 2060 KĐ2, sau khi đặc biệt bổ sung hai ngày vào năm 2059 (5500 KĐ2), năm kết thúc 5½ thiên niên kỉ tính từ khi bắt đầu lịch Númenor. Nhưng như vậy vẫn còn khuyết mất 8 giờ nữa. Hador thêm một ngày vào năm 2360, dù chênh lệch vẫn chưa tới con số đó. Sau lần này không có điều chỉnh gì thêm. (Năm 3000 KĐ2, khi hiểm họa chiến tranh đã gần kề, người ta không còn chú ý mấy những việc loại đó.) Tới cuối Kỉ Đệ Tam, 660 năm sau, Độ Khuyết vẫn chưa cộng đủ một ngày.

Lịch Sửa Đổi do Mardil ban bố được gọi là Niên lịch Quốc Quản, và cuối cùng được hầu hết dân chúng dùng Tây ngữ sử dụng, trừ dân Hobbit. Mỗi năm đều có ba mươi ngày, bổ sung thêm hai ngày không thuộc tháng nào: một ngày giữa tháng ba và tháng tư, một ngày giữa tháng chín và tháng mười. Năm ngày không tháng đó, gọi là yestarë, tuilérë, loëndë, yáviérë, mettarë, đều là ngày lễ.

Vốn tính bảo thủ, người Hobbit vẫn dùng một loại Niên lịch Các Vua có sửa đổi cho hợp tập tục của họ. Mỗi tháng đều dài bằng nhau, có ba mươi ngày; nhưng họ có ba Ngày Hạ, ở Quận gọi là Lithe hay Ngày Lithe, nằm giữa tháng sáu và tháng bảy. Ngày cuối năm cũ và ngày đầu năm mới đều gọi là Ngày Yule. Các Ngày Yule và Ngày Lithe đều không có tháng, nên 1 tháng một là ngày thứ hai, chứ không phải ngày đầu năm. Cứ bốn năm một lần, ngoại trừ năm cuối thế kỉ[2], lại còn bốn Ngày Lithe. Các Ngày Lithe và Ngày Yule là những ngày lễ hội chính cho người ta tiệc tùng ăn uống. Ngày Lithe bổ sung nằm sau Ngày Giữa Năm, nên ngày thứ 184 các Năm Nhuận được gọi là Overlithe và là ngày ăn mừng long trọng hơn cả thường lệ. Lễ Yuletide tổng cộng dài sáu ngày, là ba ngày cuối và ba ngày đầu mỗi năm.

Dân Quận còn đưa thêm một sáng tạo nhỏ của riêng mình (mà sau cũng được Bree học theo), tự gọi là Cải Cách Quận. Họ nhận thấy việc thứ trong tuần không khớp với ngày trong năm là một điều rất phiền toái và lộn xộn. Vì thế tới thời Isengrim II, họ quy định ngày lẻ làm chệch vòng lặp tuần sẽ không có cả tên thứ. Từ đó về sau Ngày Giữa Năm (và ngày Overlithe) chỉ còn gọi bằng tên đó, không thuộc về tuần nào cả (I 218). Cải cách này có nghĩa là năm luôn luôn bắt đầu vào Ngày Đầu Tuần và kết thúc vào Ngày Cuối Tuần; và mỗi ngày sẽ có chung một thứ vào tất cả các năm, nên dân Quận bỏ cả thói quen ghi thứ vào thư từ hay nhật kí[3]. Họ thấy làm như thế rất tiện khi ở nhà, tuy không tiện lắm nếu có ai đi công chuyện xa hơn Bree.

[2] Thế kỉ ở Quận, vì họ tính Năm 1 là năm 1601 KĐ3. Ở Bree tính Năm 1 là năm 1300 KĐ3, nên đó lại là năm đầu thế kỉ.

[3] Nhìn vào Lịch Quận ta có thể thấy trong tuần chỉ duy nhất thứ Sáu không bao giờ là ngày đầu tháng. Vì thế ở Quận người ta có câu đùa quen thuộc “vào thứ Sáu ngày mùng 1” chỉ một ngày không tồn tại, hay ngày có những sự việc rất rất ít khả năng xảy ra như chạch đẻ ngọn đa hay cây biết đi (ở Quận). Câu nói đầy đủ là “vào thứ Sáu ngày mùng 1 tháng Summerfilth.”

Trong phần ghi chú trên đây, cũng như trong bản kể chính, tôi đã dùng các tên gọi hiện đại chỉ tháng và thứ của chúng ta, dù tất nhiên cả dân Eldar, Dúnedain lẫn Hobbit không ai làm thế. Dịch các tên bằng Tây ngữ xem ra là điều bắt buộc để tránh nhầm lẫn cho người đọc, hơn nữa ý nghĩa chỉ mùa của các tên tháng tiếng Anh nói chung cũng tương tự, ít ra là với Quận. Tuy nhiên, có vẻ Ngày Giữa Năm được tính toán sao cho thật sát ngày Hạ Chí. Như vậy thì thực tế ngày tháng ở Quận nhanh hơn ta khoảng mười ngày, nghĩa là ngày đầu năm của ta tương đương với khoảng 9 tháng một ở Quận.

Trong Tây ngữ nói chung vẫn giữ lại các tên Quenya chỉ tháng, cũng như ở ta các tên La tinh nay vẫn sử dụng rộng rãi cả trong các ngôn ngữ lạ. Các tháng là: Narvinyë, Nénimë, Súlimë, Víressë, Lótessë, Nárië, Cermië, Úrimë, Yavannië, Narquelië, Hísimë, Ringarë. Tên bằng tiếng Sindarin (chỉ người Dúnedain dùng) là: Narwain, Nínui, Gwaeron, Gwirith, Lothron, Nórui, Cerveth, Úrui, Ivanneth, Narbeleth, Hithui, Girithron.

Nhưng về phần tên tuổi này dân Hobbit cả ở Quận lẫn Bree, trái với những người dùng Tây ngữ khác, lại bảo lưu những tên địa phương kiểu cổ của riêng mình, mà hình như họ học từ Con Người trong đồng bằng sông Anduin từ thượng cổ; ít nhất cũng có thể thấy những tên tương tự dùng ở thành bang thung lũng và Rohan (xem Phụ Lục F.). Nghĩa của các tên này vốn do Con Người đặt ra, từ lâu dân Hobbit đã quên khuấy cả, kể cả những tên hiểu được ý nghĩa lúc đầu; và vì thế cả dạng thức các tên cũng bị bóp méo nhiều điểm: ví dụ math đứng cuối vài tên là dạng nhược hóa của “month,” tháng.

Các tên tháng ở Quận đã ghi trong Lịch. Lưu ý thêm là Solmath thường được đọc, và có khi cả viết thành Somath; Thrimidge thường viết là Thrimich (dạng cổ là Thrimilch); và Blotmath đọc là Blodmath hay Blommath. Ở Bree các tên dùng hơi khác, Frery, Solmath, Rethe, Chithing, Thrimidge, Lithe, các Ngày Hạ, Mede, Wedmath, Harvestmath, Wintring, Blooting, Yulemath. Frery, Chithing và Yulemath cũng dùng ở Tổng Đông[4].

[4] Ở Bree có câu nói nhạo “Winterfilth [mùa Đông bẩn thỉu - BT] ở Quận (đầy bùn),” nhưng theo dân Quận thì chính chữ Wintring mới là do người Bree nói chệch đi từ tên cổ, vốn có nghĩa là sự làm tròn, kết thúc của năm trước khi tới mùa Đông, còn lại từ thời xưa trước khi dùng Niên lịch Các Vua vốn tính năm từ sau vụ thu hoạch.

Tuần Hobbit lấy theo người Dúnedain, tên các thứ trong tuần là dịch từ tên dùng ở vương quốc Bắc, đến lượt mình lại học của dân Eldar. Sáu ngày trong tuần Eldar dành để thờ phụng và đặt tên theo Các Sao, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hai Cây, Các Tầng Trời, và các Valar hay Quyền Năng, theo thứ tự đó; ngày cuối tuần là ngày chính trong tuần. Tên trong tiếng Quenya là Elenya, Anarya, Isilya, Aldúya, Menelya, Valanya (hoặc Tárion); tên tiếng Sindarin là Orgilion, Oranor, Orithil, Orgaladhad, Ormenel, Orbelain (hoặc Rodyn).

Người Númenor vẫn giữ đối tượng sùng bái và trật tự các ngày, nhưng đổi ngày thứ tư thành Aldëa (Orgaladh) chỉ riêng Cây Trắng, tương truyền là tổ tiên của Nimloth trồng ở Sân Triều của Nhà Vua ở Númenor. Thêm nữa, vì muốn thêm một ngày nữa, và vì lão luyện nghề hàng hải, họ đặt ra “ngày Biển,” Eärenya (Oraearon) sau ngày của Trời.

Dân Hobbit cũng lặp lại quy định đó, nhưng ý nghĩa những cái tên đã dịch ra dần dà bị quên đi mất, hay chẳng còn ai để ý, và vỏ ngôn từ cũng bị nhược hóa đi nhiều, nhất là khi nói chuyện thường ngày. Lần đầu tiên các tên Númenor được dịch ra hẳn là từ hai nghìn năm hoặc hơn trước khi Kỉ Đệ Tam kết thúc, khi tuần Númenor (yếu tố đầu tiên trong hệ đếm ngày tháng được các tộc dân khác học hỏi) bắt đầu được sử dụng bởi Con Người miền Bắc. Dân Hobbit giữ lại các tên dịch này, cũng như các tên tháng, dù mọi vùng nói tiếng Tây ngữ khác đều dùng tên Quenya.

Không nhiều tư liệu cổ còn được lưu giữ ở Quận. Tới cuối Kỉ Đệ Tam, đáng chú ý nhất còn lại chỉ có cuốn Da Vàng, tức cuốn Niên phả Ấp Tuck[5]. Những mục đầu tiên có vẻ bắt đầu trước thời Frodo ít nhất chín trăm năm; nhiều mục được trích lại trong sử kí và phả hệ trong cuốn Sách Đỏ. Chúng dùng tên thứ theo các dạng cổ, cổ nhất là: (1) Sterrendei, (2) Sunnendei, (3) Monendei, (4) Trewesdei, (5) Hevenesdei, (6) Meresdei, (7) Hihdei. Trong ngôn ngữ thông dụng thời diễn ra Nhẫn Chiến, các tên này đã trở thành Sterday, Sunday, Monday, Trewsday, Hevensday (hoặc Hensday), Mersday, Highday.

Những tên này tôi cũng đã dịch sang tên Anh, tất nhiên bắt đầu bằng Chủ Nhật và thứ Hai (Sunday, Monday), hai ngày cũng có trong tuần ở Quận mang tên giống như trong tiếng Anh, và đổi lại các tên khác theo thứ tự. Tuy nhiên cần lưu ý rằng hàm nghĩa của các tên ở Quận lại tương đối khác. Ngày cuối tuần tức thứ Sáu (Highday) là ngày quan trọng nhất, cũng là ngày nghỉ (từ sau chính ngọ) và tiệc tùng buổi tối. Vì vậy thứ Bảy giống với thứ Hai của ta, còn thứ Năm giống thứ Bảy của ta thì đúng hơn[6].

[5] Sách chép việc sinh tử hôn nhân trong các gia đình Took, cũng như các sự việc như mua bán đất và sự kiện khác ở Quận.

[6] Vì thế khi dịch bài hát của Bilbo tôi đã dùng thứ Bảy và Chủ Nhật thay cho thứ Năm và thứ Sáu.

Có lẽ nên điểm thêm vài tên khác chỉ thời gian, dù không dùng để tính toán chuẩn xác. Các mùa thường được gọi tên là tuilë, xuân, lairë, hạ, yávië, thu (hay mùa thu hoạch), hrívë, đông; nhưng những tên này cũng không được định nghĩa chính xác, và họ còn dùng quellë (hoặc lasselanta) chỉ nửa sau mùa thu và phần đầu của mùa đông.

Dân Eldar đặc biệt chú ý đến “bóng tà” (ở các vùng Bắc), chủ yếu là vì đó là thời khắc sao tàn và thời khắc sao nở. Họ đặt rất nhiều tên cho hai giờ đó, quen thuộc nhất có tindómë và undómë, là hai từ chỉ thời điểm trước bình minh, và thời điểm chạng vạng tối. Từ tiếng Sindarin là uial, chia làm minuial và aduial. Ở Quận thường gọi là bóng sớm và bóng chiều. Ss. Hồ Bóng Tà là cách dịch của Nenuial.

Niên lịch Quận và ngày tháng Quận là hệ lịch duy nhất có ý nghĩa với bản kể về cuộc Nhẫn Chiến. Tất cả thứ ngày tháng đều được dịch sang tên Quận trong cuốn Sách Đỏ, hoặc đối chiếu trong phần chú thích. Vì thế các ngày tháng trong toàn cuốn Chúa tể những chiếc Nhẫn đều tính theo Lịch Quận. Những điểm khác biệt duy nhất giữa Lịch Quận và lịch ta có ý nghĩa với câu chuyện vào thời kì cốt yếu cuối 3018 đầu 3019 là: tháng mười 1418 chỉ có ba mươi ngày; một tháng một là ngày thứ hai năm 1419, còn tháng hai có ba mươi ngày; nên 25 tháng ba, ngày Barad-dûr sụp đổ, sẽ tương đương với 27 tháng ba lịch ta, nếu chúng ta cũng bắt đầu năm cùng vào mùa đó. Tuy nhiên ngày hôm đó là 25 tháng ba theo cả Niên lịch Các Vua và Niên lịch Quốc Quản.

Niên lịch Mới bắt đầu trên Vương quốc đã khôi phục vào năm 3019 Kỉ Đệ Tam. Hệ này tính lại theo Niên lịch Các Vua, có sửa lại để bắt đầu vào mùa xuân như loa của dân Eldar[7].

[7] Dù thực tế là yestarë theo Niên lịch Mới bắt đầu sớm hơn Lịch Imladris, vốn tính ngày đầu năm vào khoảng sáu tháng tư lịch Quận.

Theo Niên lịch Mới, năm bắt đầu vào ngày 25 tháng ba lịch cũ, ghi nhớ sự sụp đổ của Sauron và công trạng của các Người Mang Nhẫn. Các tháng vẫn giữ tên cũ, bắt đầu từ Víressë (tháng tư), nhưng nhìn chung sớm lên năm ngày so với trước đó. Tháng nào cũng có 30 ngày. Có ba Enderi tức Ngày Giữa (ngày thứ hai gọi là Loëndë) giữa Yavannië (tháng chín) và Narquelië (tháng mười), tương ứng với 23, 24, 25 tháng chín lịch cũ. Nhưng để vinh danh Frodo, ngày 30 Yavannië tức ngày 22 tháng chín cũ, sinh nhật ông, được coi là ngày lễ, và tới năm nhuận lễ hội đó kéo dài gấp đôi, thêm ngày Cormarë tức Ngày Nhẫn.

Kỉ Đệ Tứ được coi là bắt đầu khi Chủ Nhân Elrond ra khơi, vào tháng chín 3021; nhưng trong sách vở của Vương quốc, năm 1 Kỉ Đệ Tứ là năm bắt đầu theo Niên lịch Mới vào 25 tháng ba 3021 lịch cũ.

Niên lịch này dưới thời Vua Elessar tại vị được sử dụng rộng rãi trên toàn lãnh thổ, ngoại trừ ở Quận, nơi dân chúng vẫn dùng lịch cũ và đánh số tiếp theo Niên lịch Quận. Năm 1 Kỉ Đệ Tứ vậy là năm 1422; và nếu có người Hobbit nào thừa nhận sự thay đổi sang Kỉ Nguyên mới, họ cũng khăng khăng là kỉ nguyên ấy bắt đầu vào 2 Yule năm 1422, chứ không phải vào tháng ba trước đó.

Không có ghi chép gì về việc dân Quận tưởng niệm ngày 25 tháng ba hay 22 tháng chín, nhưng ở Tổng Tây, nhất là ở vùng quê quanh Quả Đồi ở Hobbit Thôn, bắt đầu tập tục ăn mừng và nhảy múa trên Đồng Tiệc, nếu thời tiết cho phép, vào ngày 6 tháng tư. Có người bảo đấy là sinh nhật cụ Sam Làm Vườn, có người nói là ngày Cây Vàng lần đầu nở hoa năm 1420, lại có người bảo đấy là Năm Mới theo lịch Tiên. Ở Trấn Hươu, cây Tù Và đất Mark được đem ra thổi khi mặt trời lặn ngày 2 tháng mười một mỗi năm, tiếp đó là lửa trại và ăn tiệc[8].

[8] Kỉ niệm ngày cây tù và lần đầu lên tiếng ở Quận năm 3019.

______________


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx