sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chúng ta là những Kẻ dối trá - Phần IV - Chương 58 - 59 - 60 - 61

PHẦN BỐN

Trông kìa, một đám cháy

58

TRÔNG KÌA.

Một đám cháy.

Ở đó trên đỉnh bắc Đảo Beechwood. Nơi cây mộc lan vươn mình trên bãi cỏ rộng.

Căn nhà bừng cháy. Ngọn lửa bốc cao, làm sáng cả một vùng trời.

Chẳng có ai ở đây để giúp cả.

Từ phía xa, tôi có thể thấy những thợ cứu hỏa của Vineyard, đang đi ngang vịnh trong chiếc thuyền được thắp sáng.

Thậm chí ở phía xa hơn nữa, con thuyền cứu hỏa của Woods Hole đang bình bịch nổ máy về phía ngọn lửa mà chúng tôi đã châm lên.

Gat, Johnny, Mirren, và tôi.

Chúng tôi đã châm ngọn lửa này và nó đang đốt căn nhà cháy rụi.

Thiêu trụi tòa lâu đài, tòa lâu đài của vì vua có ba người con gái xinh đẹp.

Chúng tôi đã châm nó.

Tôi, Johnny, Gat, và Mirren.

Giờ thì tôi nhớ ra rồi,

Trong cơn vội vã tông vào tôi mạnh đến nỗi tôi ngã ra,

và tôi lao thẳng xuống,

xuống đến đáy biển đầy đá là đá, và

tôi có thể thấy đáy Đảo Beechwood và

cánh tay và chân tôi tê cóng nhưng ngón tay tôi thì lạnh. Những dải tảo biển lướt qua khi tôi rơi xuống.

Và rồi tôi trồi lên lại, và thở,

Và Clairmont đang bừng cháy.

GIỜ THÌ TÔI ĐANG ở trên giường ở Windemere, trong những tia sáng sớm mai của buổi bình minh.

Đây là ngày đầu tiên trong tuần cuối cùng của tôi trên đảo. Tôi loạng choạng tiến về phía cửa sổ, mình cuộn trong chăn.

Clairmont Mới đó. Với đầy đủ đồ tối tân và khu vườn Nhật Bản.

Giờ thì tôi đã nhìn thấy được bản chất thật của nó. Nó là căn nhà xây trên những tàn tro. Tàn tro của cuộc sống Ông ngoại san sẻ cùng bà ngoại, tàn tro của cây mộc lan nơi chiếc lốp xe đu lên, tàn tro của căn nhà Victorian cũ với hiên nhà và võng treo trước cửa. Căn nhà mới được xây trên mộ của tất cả những chiến tích và biểu tượng của gia đình: tranh biếm họa của tờ New Yorker, những con thú nhồi, những chiếc gối thêu, những bức chân dung đại gia đình.

Chúng tôi đã thiêu trụi tất cả những thứ ấy.

Vào cái đêm khi Ông ngoại và cả nhà lấy những chiếc thuyền đi dọc vịnh,

khi dàn nhân viên nghỉ việc

và khi chỉ có mình lũ những Kẻ dối trá chúng tôi trên đảo,

bốn đứa đã làm những gì chúng tôi sợ làm.

Cái chúng tôi đốt không chỉ là một căn nhà, mà còn là một biểu tượng.

Chúng tôi đã đốt biểu tượng ấy thành tro.

59

CỬA CUDDLEDOWN bị khóa trái. Tôi dộng cửa cho đến khi anh Johnny xuất hiện, vẫn mặc trên người bộ đồ đêm trước. “Anh đang làm bộ uống trà,” anh nói.

“Anh để nguyên đồ đi ngủ à?”

“Ừ.”

“Chúng ta đã châm lửa,” tôi bảo anh, chân vẫn đứng ở ngưỡng cửa.

Họ sẽ không còn nói dối tôi nữa. Đến những nơi, ra những quyết định mà không có tôi nữa.

Giờ thì tôi hiểu được câu chuyện của chúng tôi rồi. Chúng tôi là một lũ tội phạm. Một nhóm bốn người.

Johnny nhìn lâu vào mắt tôi chẳng nói chẳng rằng. Cuối cùng anh xoay người và tiến vào bếp. Tôi theo sau. Johnny rót nước nóng từ phích vào những tách trà. “Em còn nhớ ra gì nữa nào?” anh hỏi.

Tôi chần chừ.

Tôi có thể thấy đám lửa. Khói. Clairmont trông đồ sộ như thế nào khi bốc cháy.

Tôi biết, một cách chắc chắn và chẳng thể đổi khác, rằng chúng tôi đã châm lửa nó.

Tôi có thể thấy tay của Mirren, lớp gel làm bóng móng tay màu vàng của cô bạn, tay cầm một bình ga dành cho những chiếc thuyền máy.

Chân của anh Johnny, từ Clairmont chạy nhào xuống cầu thang đến nhà thuyền.

Ông ngoại, tay vịn vào một cái cây, khuôn mặt được ánh sáng rực rỡ từ ngọn lửa mừng chiếu sáng.

Không. Chính xác là.

Ánh sáng rực rỡ của căn nhà, hoàn toàn bị thiêu trụi.

Nhưng đấy là những ký ức tôi đã có từ đầu. Chỉ là giờ tôi mới biết nơi để ghép chúng vào.

“Không phải mọi chuyện,” tôi bảo Johnny. “Em chỉ biết là chúng ta đã châm lửa. Em có thể thấy lửa cháy bừng.”

Anh nằm dài xuống sàn bếp và gác tay lên mặt.

“Anh ổn chứ?” tôi hỏi.

“Anh đang mệt rã ra đây. Nếu em muốn biết.” Johnny trở mình và ấn mũi vào phần gạch lát. “Họ đã bảo là họ sẽ không nói nữa,” anh lẩm bẩm vào sàn nhà. “Họ bảo là chuyện đã qua rồi và họ sẽ tách xa nhau.”

“Ai cơ?”

“Các dì.”

Tôi nằm xuống sàn kế anh để có thể nghe được những gì anh nói.

“Đêm nối đêm, các dì cứ say khướt,” Johnny lẩm bẩm như thể thật khó để nghẹn lời nói ra.

“Và tức giận hơn, mọi lúc. La hét vào mặt nhau. Lảo đảo bước quanh bãi cỏ. Ông ngoại chẳng làm gì ngoài việc châm thêm dầu vào lửa. Chúng ta ngó họ cãi cọ tranh giành những món đồ của ông bà và những bức tranh treo ở Clairmont — nhưng trên hết là bất động sản và tiền bạc. Ông ngoại thì say trong quyền lực của mình và mẹ anh thì muốn anh diễn để giành lấy tiền. Bởi vì anh là anh cả. Mẹ cứ thúc và thúc anh — anh không biết nữa. Để là người thừa kế trẻ sáng giá. Để nói xấu em vì em là đứa lớn nhất. Để là niềm hy vọng da trắng và có giáo dục của tương lai nền dân chủ, thứ nhảm nhí gì đó. Mẹ đã mất đi sự yêu quý của Ông ngoại, và mẹ muốn anh giành lấy nó để mẹ không bị mất đi khoản thừa kế của mình.”

Khi anh nói, những ký ức lóe lên trong đầu tôi, rõ ràng và sáng rọi đến quặn đau. Tôi nao núng và lấy hai tay che mắt mình.

“Em có nhớ thêm gì về ngọn lửa không?” anh dịu dàng hỏi. “Nó đang trở lại à?”

Tôi nhắm mắt một lúc và cố. “Không, không phải chuyện đó. Mà là những chuyện khác.”

Anh Johnny đưa tay ra và nắm lấy tay tôi.

60

MÙA XUÂN TRƯỚC MÙA HÈ thứ mười lăm, Mẹ bắt tôi viết thư cho Ông ngoại. Chẳng có gì hiển nhiên. “Nghĩ về ông và mất mát của ông ngày hôm nay. Hy vọng ông vẫn khỏe mạnh.”

Tôi gửi đi những tấm thiệp — những tấm màu kem đặc với tên Cadence Sinclair Eastman in ở phía trên cùng.

Ông ngoại yêu dấu, cháu vừa dự cuộc đua xe đạp 5 cây cho việc nghiên cứu về ung thư. Đội tennis bắt đầu vào tuần tới.

Câu lạc bộ sách của chúng cháu đang đọc Thăm lại Brideshead. Yêu ông.

“Chỉ cần nhắc ông nhớ rằng con có quan tâm,” Mẹ nói. “Và rằng con là một người tốt. Một người toàn năng và là niềm vẻ vang của gia đình.”

Tôi than phiền oán trách. Viết thư có vẻ giả dối. Tôi yêu Ông ngoại và tôi có nghĩ về ông. Nhưng tôi không muốn cứ mỗi hai tuần một lần lại phải viết những bức thư nhắc nhở về sự xuất sắc của mình.

“Ngay lúc này đây ông rất nhạy cảm,” Mẹ nói. “Ông đang đau khổ. Ngẫm nghĩ về tương lai. Con là đứa cháu ngoại đầu.”

“Anh Johnny chỉ kém con có ba tuần tuổi.”

“Đó là ý mẹ muốn nói. Johnny là con trai và nó chỉ kém con ba tuần. Thế nên viết thư đi.”

Tôi làm như mẹ bảo.

MÙA HÈ THỨ MƯỜI LĂM ở Beechwood, mẹ và các dì thế vào chỗ trống của bà ngoại, làm bánh slump và nhặng xị quanh Ông ngoại như thể ông đã không hề sống một mình ở Boston kể từ khi bà Tipper mất vào tháng Mười. Nhưng họ hay gây gổ nhau. Họ không còn bà ngoại như một chất keo kết dính họ lại với nhau nữa, và họ tranh nhau ký ức, trang sức của Ngoại, quần áo trong tủ, thậm chí cả giày của bà. Những thứ ấy vẫn chưa được giải quyết từ hồi tháng Mười. Rồi thì cảm xúc của người người ta quá là mong manh dễ vỡ. Tất cả đã để lại cho mùa hè. Khi chúng tôi đến Beechwood vào cuối tháng Bảy, dì Bess đã kiểm kê sẵn tài sản của bà ngoại ở Boston và giờ bắt tay vào những món ở Clairmont. Các dì có những bản in để trên bàn và thường xuyên lôi chúng ra.

“Chị luôn yêu những món trang trí cây màu ngọc bích đó.”

“Em ngạc nhiên là chị còn nhớ đấy. Chị chưa từng giúp trang trí gì cả mà.”

“Em nghĩ ai là người đã chặt cây chứ? Mọi năm chị đều bọc tất cả những món trang trí ấy trong khăn giấy đấy.”

“Kẻ tử vì đạo.”

“Đây là đôi bông tai ngọc trai Mẹ hứa cho chị.”

“Những viên ngọc trai đen? Mẹ đã bảo là em có thể có nó.”

Riết rồi các dì bắt đầu trở nên ai cũng như ai khi những ngày hè dần điểm trôi qua. Những cuộc cãi vã nối tiếp nhau, những vết thương cũ bị xào xáo và len lỏi qua những vết thương mới.

Những phiên bản.

“Bảo Ông ngoại là con yêu những chiếc khăn thêu trải bàn đến nhường nào đi,” Mẹ bảo tôi.

“Con không yêu chúng.”

“Ông ngoại sẽ không từ chối con đâu.” Chỉ có mình hai chúng tôi ở căn bếp Windemere. Mẹ đang say khướt.

“Con yêu mẹ phải không, Cadence? Giờ con là tất cả những gì mẹ có. Con không như Ba con.”

“Con chỉ là không quan tâm tới mấy tấm khăn trải bàn thôi.”

“Thế thì nói dối đi. Nói với ông về những tấm ở căn Boston ấy. Những tấm khăn thêu màu kem.”

Nói với mẹ là tôi sẽ làm thế là dễ nhất.

Và rồi sau đó, tôi bảo mẹ là tôi đã viết vậy.

Nhưng dì Bess đã bảo Mirren làm điều tương tự,

và chẳng đứa nào trong đám chúng tôi,

đã xin Ông ngoại

lấy những tấm khăn trải bàn chết tiệt đó cả.

61

GAT VÀ TÔI đã đi bơi đêm. Chúng tôi nằm trên lối đi bằng gỗ và ngắm nhìn những vì sao. Chúng tôi hôn nhau trên căn gác mái.

Chúng tôi yêu nhau.

Cậu tặng tôi một cuốn sách. Với mọi thứ, mọi thứ.

Chúng tôi không nói về Raquel. Tôi không thể hỏi. Cậu không nói.

Hai đứa sinh đôi có buổi sinh nhật vào ngày 14 tháng 7, và luôn có một bữa thịnh soạn. Tất cả mười ba người chúng tôi quây quần trên chiếc bàn dài ở bãi cỏ bên ngoài Clairmont. Những con tôm hùm và khoai tây với trứng cá muối. Những nồi nhỏ đựng bơ hóa lỏng. Những rau củ dạng bi với rau húng quế. Hai chiếc bánh kem, một vani và một chocolate, được để ở trên quầy bếp trong nhà.

Đám nhóc đang ồn ào với những con tôm hùm của chúng, dùng càng chọc nhau và nhóp nhép nhai phần thịt ở càng. Anh Johnny kể chuyện. Mirren và tôi cười đùa. Chúng tôi ngạc nhiên khi ông ngoại bước qua và chen mình vào giữa Gat và tôi.

“Ông muốn hỏi xin lời khuyên của mấy đứa về chuyện này,” ông nói. “Lời khuyên của người trẻ.”

“Tụi cháu là những người trẻ thạo đời và tuyệt cú đấy,” Johnny nói, “thế nên ông tìm đến đúng chỗ đúng người rồi.”

“Ông biết,” Ông ngoại bảo, “Ông chẳng còn trẻ trung gì nữa, trừ cái bề ngoài bảnh bao của mình.”

“Vâng, vâng,” tôi nói.

“Thatcher và ông đang phân loại đồ đạc của ông. Ông đang suy xét tới việc để lại một khoản có giá trị trong số tài sản cho alma mater[41] của mình.”

[41] Alma mater (tiếng La tinh): trường đại học.

“Cho Harvard á? Để chi vậy, hả Ba?” Mẹ hỏi, chân bước đến đứng phía sau Mirren.

Ông ngoại mỉm cười. “Có lẽ là để tài trợ cho một trung tâm học sinh – sinh viên. Họ sẽ đề tên ba trên đó, ngay đằng trước phía ngoài.” Ông thúc khuỷu tay vào Gat. “Họ nên gọi nó là gì đây, hở, chàng trai trẻ? Cậu nghĩ sao?”

“Tòa Harris Sinclair?” Gat đánh bạo nói.

“Hừ.” Ông ngoại lắc đầu. “Chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Johnny?”

“Trung tâm Xã hội hóa nhà Sinclair,” Johnny nói, tay nhét miếng bí ngòi vào miệng.

“Và quà vặt,” Mirren thêm vào. “Trung tâm Xã hội hóa và Quà vặt nhà Sinclair.”

Ông ngoại dộng tay xuống bàn. “Nghe hay đấy, ta thích. Không mang tính giáo dục, nhưng mà ai cũng khoái. Ông bị thuyết phục rồi đấy. Ông sẽ gọi cho Thatcher vào ngày mai. Tên ông sẽ có mặt trên mọi tòa nhà yêu thích của đám sinh viên.”

“Ông sẽ chết trước khi người ta xây chúng đấy,” tôi nói.

“Đúng. Nhưng bộ mấy đứa không thấy tự hào khi nhìn thấy tên ông trên đó khi mấy đứa là sinh viên hả?”

“Ông sẽ không chết trước khi tụi cháu vào đại học đâu,” Mirren nói. “Tụi cháu sẽ không cho phép.”

“Được thôi, nếu cháu cứ nài nỉ.” Ông ngoại xiên một miếng đuôi tôm hùm trên đĩa của cô bạn và ăn.

Chúng tôi dễ dàng bị nhiễm theo, Mirren, Johnny, và tôi — cảm nhận được quyền lực mà ông ban cho khi mường tượng chúng tôi ở Harvard, sự đặc biệt của việc hỏi ý kiến và cười trước trò đùa của chúng tôi. Đó là cách mà Ông ngoại luôn xử sự với chúng tôi.

“Ba chẳng đang hài hước gì đâu, ba ạ,” Mẹ ngắt lời. “Kéo đám trẻ con vào trò đó.”

“Tụi con không phải là trẻ con,” tôi bảo mẹ. “Tụi con hiểu được cuộc chuyện trò mà.”

“Không, mấy đứa con không hiểu,” mẹ nói, “không thì mấy đứa con sẽ không hùa theo ông kiểu đó đâu.”

Một cơn giá lạnh trải khắp bàn. Thậm chí đám nhóc cũng im lặng.

Dì Carrie sống với chú Ed. Hai người họ mua những bức nghệ thuật mà sau này có thể có giá trị hoặc không. Anh Johnny và Will học trường tư. Dì Carrie đã mở một cửa hàng đồ trang sức với khoản ủy thác của mình và điều hành nó được vài năm cho đến khi thất bại. Chú Ed có kiếm tiền, và chú ủng hộ dì, nhưng dì Carrie chẳng có một khoản thu nhập nào của riêng mình cả. Và họ đã không kết hôn. Chú sở hữu căn hộ của họ và dì thì không.

Dì Bess một thân một mình nuôi bốn đứa con. Dì cũng có chút tiền từ khoản ủy thác, như Mẹ và dì Carrie, nhưng khi dì ly dị chú Brody đã giữ lấy căn nhà. Dì đã không làm việc kể từ khi kết hôn, và trước đó dì chỉ là một trợ lý trong tòa báo. Dì Bess sống dựa vào khoản tiền ủy thác và đang dùng dần nó.

Và Mẹ. Công việc gây giống chó không kiếm được nhiều tiền, và Bố muốn chúng tôi bán ngôi nhà Burlington để ông có thể lấy một nửa. Tôi biết Mẹ đang sống dựa vào khoản tiền ủy thác của mình.

Chúng tôi.

Chúng tôi đang sống dựa vào khoản tiền ủy thác của mẹ.

Nó sẽ chẳng được mãi.

Thế nên khi Ông ngoại nói rằng ông có lẽ sẽ để lại số tiền của mình cho việc xây cho Harvard một trung tâm học sinh – sinh viên và hỏi xin lời khuyên của chúng tôi, ông đã chẳng bao hàm gia đình trong kế hoạch tài chính của ông.

Ông đang đưa ra một lời đe dọa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx