sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chuyện bí ẩn thường ngày: Những câu chuyện kỳ lạ nhất - Chương 11 - Phần 1-2

NGƯỜI HÁT RONG

1.

Tôi hỏi bố:

- Bố ơi, bố cho con vay 10 đô la được không?

- Không. - Bố tôi trả lời mà không buồn ngẩng đầu lên.

Tôi nài nỉ:

- Khổ quá, bố cho con vay đi, hôm nào lĩnh tiền tiêu vặt con trả ngay mà.

Bố vẫn không buồn nhìn tôi mà chỉ chăm chú phết bơ vào bánh. Ông làm như tôi không hề có mặt ở đó. Ông ăn hết cả ổ bánh mà không nói một lời. Tôi điên lắm nhưng phải cố giữ bình tĩnh. Nếu tôi làm ông cáu thì đừng hòng nói đến chuyện tiền nong nữa.

Tôi lại cố nài nỉ:

- Con sẽ làm việc, con sẽ cắt hết cỏ ở ngoài bãi. Như thế không đáng 10 đô la sao?

Lúc này bố mới ngẩng đầu lên và nói:

- Chắc mày điên nên mới cho rằng tao sẽ để mày cắt cỏ một lần nữa. Mày đã thiến của tao 15 cây mới trồng, mất toi 25 đô la và 5 giờ lao động. Mày cắt hết cả rễ, lại còn đòi chi 10 đô la.

Tôi thấy ngay là đã phạm sai lầm khi nói đến chuyện cắt cỏ. Cần phải đổi đề tài. Tôi năn nỉ:

- Chuyện này quan trọng lắm bố ạ. Con cần tiền để chủ nhật này rủ Tania đi xem chiếu bóng.

- Quan trọng à? Rủ Tania đi xem chiếu bóng là quan trọng hử?

Tôi đáp:

- Vâng, với con đó là điều quan trọng. Tania là đứa con gái tuyệt nhất trường. Thế mà thứ bảy này cô ấy lại đồng ý đi chơi với con, nếu... - Lại một sai lầm nữa. Không, tôi không thể nói với bố điều đó.

Bố làu bàu:

- Nếu, nếu cái gì?

- Nếu con đến đón cô ấy bằng tắc xi. Nếu con không lo được tắc xi thì Tania sẽ đi chơi với Brad Bellamy. Thằng ấy thì tiền nhiều như rác. Mỗi tuần bố nó cho những 15 đô la.

- Trời đất. Mày mới mười lăm tuổi mà đã muốn đón bạn gái đi chơi bằng tắc xi. Không biết rồi sẽ đi tới đâu? Hồi tao bằng tuổi mày...

Tôi vội nói:

- Thôi được rồi. Bố hãy quên chuyện đó đi.

Tôi bỏ đi trước khi bố bắt đầu câu chuyện của mình, nào là hồi nhỏ mỗi sáng ông phải cuốc bộ năm dặm tới trường. Cả mùa đông cũng vậy. Rồi lại cuốc bộ về nhà và sau đó bổ một tấn củi bằng một cái rìu cùn. Mỗi lần kể, chuyện của ông lại càng tồi tệ hơn. Lần đầu ông mới đi bộ hai dặm. Sau tăng lên năm. Nếu cứ cái đà này chẳng mấy chốc ông phải đi bộ năm mươi dặm và bổ tới mười tấn củi bằng con dao cạo râu.

Tôi buồn bực đi ra ngoài, ban đêm không khí thật dễ chịu. Bố không thông cảm với tôi. Đây đâu phải là một cuộc hẹn hò bình thường mà là một cuộc hẹn với Tania. Cô ấy là một cô gái xinh đẹp tuyệt vời. Tôi chưa thấy cô gái nào xinh đẹp như Tania. Mái tóc vàng óng, hàm răng trắng như ngọc trai và thân hình thì không chê vào đâu được. Tania là một cô gái kiêu kỳ, rất kiêu kỳ. Làm gì có chuyện Tania đồng ý đi bộ hoặc đi xe buýt tới rạp chiếu bóng. Cô ấy đã nói toạc ra với tôi:

“Hoặc là xe tắc xi, hoặc là không gì cả.”

Chậm nhất sáng mai tôi phải trả lời. Nếu không Tania sẽ hẹn với thằng Bellamy. Thằng ấy thì có thể gọi một lúc cả chục xe tắc xi vì bố nó giàu ghê lắm.

Tôi ngoái cổ nói với bố:

- Con đi ra biển một lúc.

Không có tiếng đáp, tôi nghĩ, với ông, tôi là đứa chết rồi.

Tôi dầm chân trong nước biển vừa đi vừa nghĩ cách kiếm tiền. Phải mua một vé xổ số. Biết đâu đấy. Thể nào cũng có người trúng mà tại sao người đó lại không phải là tôi? Hay là tôi đi tìm chiếc thuyền bằng gỗ dái ngựa. Nó nằm đâu đó trên bãi biển này, vùi sâu dưới cát và hàng trăm năm nay không một ai tìm thấy. Biết đâu đêm nay nước biển dạt vào cuốn trôi cát, làm lộ ra con thuyền và tôi sẽ phát hiện ra nó, tôi có quyền đòi tiền thưởng. Ít ra cũng được một nghìn đô la. Chà chà, lúc đó tất cả chúng nó sẽ bám lấy mình. Mình sẽ thuê một chiếc tắc xi mạ vàng đưa Tania rong chơi đây đó.

Bãi biển vắng tanh. Trăng sáng vằng vặc. Tôi tiếp tục đi, đi mãi. Phố xa nhà cửa lùi dần về phía sau. Tôi không hề cảm thấy sợ mặc dù đêm đã khuya và tôi hoàn toàn đơn độc. Tôi chỉ tập trung vào việc tìm kiếm con thuyền và cân nhắc xem nên đầu tư khoản tiền thưởng như thế nào. Đôi lúc tôi nhìn thấy một vật gì đó nhô lên từ bãi cát và tôi hộc tốc chạy tới chỗ đó. Nhưng chỉ là những thùng phi, những mảnh ván bị sóng biển đánh dạt vào bờ. Quả thật, tôi không nghĩ nghiêm túc là sẽ phát hiện ra cái thuyền đó. Trong thực tế làm gì có chuyện như thế. Nhưng dù sao, tôi vẫn kiên trì với ý nghĩ, biết đâu vận may sẽ đến với mình và tôi sẽ tìm thấy con thuyền cổ ấy.

Một lúc sau, tôi quyết định đi lên đỉnh doi cát, từ đây có thể nhìn xa hàng dặm. Tôi cố gắng leo lên đụn cát đó và đi tới một cái cây nằm nghiêng nghiêng vì quanh năm phải chống chọi với gió cát. Đúng lúc đó một đám mây che lấp ánh trăng và trời trở nên tối đen. Một giọng nói trầm trầm vang lên trong đêm tối tĩnh mịch:

- Cháu tìm cái gì đấy?

Tôi giật bắn mình, sợ bủn rủn cả người. Tôi hoàn toàn đơn độc, không ai có thể cứu giúp tôi, bãi biển vắng tanh vắng ngắt, lại đêm hôm khuya khoắt như thế này. Tôi định bỏ chạy nhưng hai chân như bị chôn chặt trong cát.

- Cháu tìm cái gì đấy? - Giọng nói lại vang lên. Tôi nhìn đăm đăm vào cái cây giữa trời đêm và trông thấy một cái bóng mờ ảo ngồi trên cát. Tôi không nhận rõ mặt người nhưng theo giọng nói thì đó là tiếng nói của người đã cao tuổi lắm rồi.

Cuối cùng tôi cũng bớt sợ và nói:

- Cháu đi tìm cái thuyền gỗ dái ngựa. Thế cụ là ai?

Ông già không trả lời tôi mà lại hỏi tiếp:

- Này, thế cháu tìm cái thuyền đó để làm gì?

Tôi ấp úng:

- Tiền thưởng. Khoản tiền thưởng là một nghìn đô la.

- Cháu sẽ làm gì với khoản tiền đó, nếu như cháu tìm thấy cái thuyền ấy?

Tôi cũng không hiểu tại sao tôi không quay đầu và chạy biến đi. Đúng là tôi vẫn còn thấy sợ nhưng dù sao tôi cũng đã lấy lại được bình tĩnh và nhất định tôi sẽ chạy nhanh hơn ông già này. Vả lại ở ông ta có cái gì đó gây tò mò với tôi. Ông có giọng nói buồn buồn nhưng đồng thời cũng tỏ ra rất từng trải, thông thái.

Tôi nói:

- Thưa cụ, một cô gái... Cô ấy tên là Tania. Cháu cần tiền để đi chơi với cô ấy. Không phải một nghìn mà chỉ mười đô la thôi. Nhưng nếu có được một nghìn đô la thì thật tuyệt vời.

Ông già lặng đi một lúc lâu không nói gì. Tôi không thấy rõ khuôn mặt của ông nhưng tôi nghe rõ tiếng thở của ông. Cuối cùng ông già nói:

- Cháu nói rằng tiền đó có thể làm cho cô bạn đó yêu thích cháu ư? Cháu nghĩ rằng một nghìn đô la sẽ làm cho cháu được mọi người yêu mến à?

Cách nói của ông già làm tôi cảm thấy là lạ. Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Ông ra lệnh:

- Ngồi xuống, hãy ngồi xuống và nghe lão nói đây.

Suýt nữa thì tôi ù té chạy. Mọi chuyện có vẻ ma quái, rùng rợn nhưng tôi lại làm theo lời ông già. Tôi có cảm giác ông tin rằng mọi người vâng lời ông. Vì thế tôi ngồi bệt trên bãi cát nhìn đăm đăm vào đêm tối mênh mông và cố tìm hiểu xem cụ già này là người như thế nào.

- Ta sẽ kể cho cháu nghe một câu chuyện. Cháu phải ngồi yên mà nghe. Khi ta kể xong cháu mới được phép đứng dậy và đi. Nhưng cháu không được bỏ đi khi lão chưa kể xong. Rõ chưa?

Tôi nhìn cái bóng mờ mờ của ông già, gật đầu và ngồi yên không động đậy. Ông đã kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây.

2

Cách đây lâu lắm rồi, có một người hát rong ở Melbourne. Ông ta đứng gần nhà ga và chơi nhạc cho những người qua đường nghe. Trên khắp thân thể người nhạc công đó chỗ nào cũng cắm những lá cờ nhỏ. Quần dài, áo sơ mi và áo khoác cũng may từ nhiều lá cờ. Trên chiếc mũ hình quả dưa cũng cuốn một lá cờ. Khi ông ta ấn vào một cái nút thì ở mũ của ông hiện ra một cái lỗ nhỏ và nhiều lá cờ bật ra.

Người nhạc công chơi nhiều nhạc cụ khác nhau cùng một lúc. Ông nhấn chân lên bàn đạp và cả ba cái trống gõ liên hồi. Một cái dây buộc chiếc kèn ácmônica qua mặt ông còn hai tay thì chơi ghi ta. Tiếng nhạc của người nhạc công thật kinh khủng, những người qua đường đứng lại chẳng qua chỉ để nhìn con chó của ông ta. Đó là con Tiny, nó ngậm một cái mũ đi vòng quanh và mọi người ném tiền vào mũ. Con Tiny cũng khoác một cái áo có màu cờ nước Úc. Hễ trong mũ không còn tiền là nó đứng thẳng người, đi bằng hai chân sau y như người để xin tiền. Lúc đó mọi người đều thích thú và ném tiền vào mũ.

Người hát rong - không ai biết tên thật của ông ta - ghen tức với con chó. Ông ta cảm thấy mọi người cho tiền chẳng qua là vì con chó chứ không phải tiếng nhạc của mình. Nhưng ông không thể làm được gì hơn vì ông cần tiền.

Ngày tháng trôi qua, người hát rong ngày càng sầu não. Ông ta muốn mọi người yêu thích mình chứ không phải con chó. Từ đó ông ta đối xử tệ bạc với Tiny khi không có người nào ở gần. Tiền được ít là ông ta đổ tội cho con chó. Nhiều ngày quên không cho ăn, con chó tội nghiệp gầy rộc đi và yếu đến mức không tha nổi cái mũ để xin tiền. Nó vất vả dùng răng kéo lê cái mũ trên mặt đất.

Cuối cùng có một người ở Hội bảo vệ loài vật tới gặp người hát rong ngay trong lúc ông ta đang biểu diễn ở gần ga. Người ấy nói:

- Con chó của ông trông thảm hại quá. Ông không chịu chăm sóc nó. Nó bị đói đến gầy giơ xương. Từ nay trở đi, chừng nào nó chưa hồi phục, ông không được phép bắt nó làm việc. Tôi cho ông ba tuần để bồi dưỡng cho nó. Nếu đến lúc đó nó vẫn gầy yếu, chúng tôi không cho ông nuôi nữa và ông sẽ chịu tiền phạt.

Lúc đó nhiều người đứng xung quanh và nghe toàn bộ câu chuyện. Một người đàn ông nói to:

- Hãy trông con chó khốn khổ kìa, thật là nhục nhã.

Nhiều người la ó chê trách người hát rong làm cho ông ta xấu hổ đỏ chín cả mặt. Ông ta vội vàng thu xếp nhạc cụ, cho tất cả lên ô tô và cùng con Tiny biến thẳng.

Người hát rong sống ở ngoại ô thành phố. Ông ta phải đi một quãng đường dài và trên đường đi đầu óc ông ta quay cuồng về câu chuyện vừa xảy ra. Ông ta làu bàu với mình: “Tất cả chỉ vì con chó đáng nguyền rủa này. Không có nó thì đâu nên cơ sự này.” Càng đi cơn giận trong người ông ta càng sôi lên. Khi về tới nhà ông ta tóm gáy con Tiny và đi ra phía sân sau. Giữa sân là một cái giếng cạn nhưng rất sâu, sâu đến nỗi đứng ở trên không nhìn thấy đáy.

Người hát rong làu bàu:

- Tao sẽ quẳng mày xuống dưới đó. Mày không phải làm việc ba tuần. Được, tao cho mày nghỉ phép sung sướng nhé.

Ông ta lấy một cái xô và buộc dây vào. Sau đó đặt con Tiny vào xô và thả xuống giếng. Con chó tội nghiệp vẫy đuôi và sủa vang, nhưng chỉ một lát sau người ta không còn nghe thấy tiếng sủa của nó nữa. Khi cái xô xuống tới đáy nó nhảy vọt ra và sục sạo đánh hơi khụt khịt. Đáy giếng ẩm ướt, từ thành giếng thỉnh thoảng có giọt nước rơi tí tách, song ở đây không có gì có thể ăn được. Người hát rong kéo chiếc xô lên và đi vào nhà.

Con Tiny ngẩng đầu nhìn lên và nó chỉ thấy một quầng ánh sáng xa vời. Nó chạy lòng vòng ở đáy giếng và ngước mắt nhìn vệt ánh sáng xa xăm.

Ngày hôm sau người hát rong đi làm không có con Tiny. Thiếu con chó ngoạm mũ xin tiền nên ông ta quẳng cái mũ trên mặt đất với hi vọng mọi người sẽ vứt tiền vào đó. Nhưng gần như chẳng ai cho tiền. Người hát rong cố gắng chơi hết sức, chơi tất cả các bản nhạc mà ông ta biết, và kể cả chuyện tiếu lâm. Vất vả tất bật suốt ngày vậy mà chỉ được dăm hào chỉ. Giờ thì ông già biết chắc rằng mọi người ưa thích con Tiny chứ không ưa gì ông.

Ông ta phóng xe về nhà và quẳng xuống giếng một miếng thịt. Khi nghe tiếng sủa ăng ẳng yếu ớt xa vời của Tiny ông già nói:

- Mày đừng có cầu xin, không ăn thua gì đâu, chưa hết ba tuần, tao không cho mày lên. Tao phải cho mày một bài học.

Ngày nào ông già cũng đi làm, và kết quả hôm nào cũng như hôm nào. Ông ta lại chơi nhạc, nhưng hầu như khẳng có ai quẳng tiền vào mũ. Người hát rong nhủ thầm: “Không có con Tiny thì không ai ưa thích mình cũng như những bản nhạc của mình.” Ông ta tức điên lên, ông ta muốn mọi người yêu thích mình, ông ta không coi tiền là quan trọng nhất. Chiều chiều, mỗi khi về nhà ông ta lại quẳng xuống giếng một miếng thịt cho con chó tội nghiệp. Ông ta hậm hực:

- Mày hốc nhanh lên cho chóng béo. Nếu không đừng hòng ra khỏi đây.

Con Tiny chạy vòng quanh đáy giếng. Ngày cũng như đêm nó luôn ngước đầu nhìn lên và hy vọng người ta sẽ đưa nó ra khỏi giếng. Nhưng không ai đến với nó ngoài người hát rong mỗi ngày quẳng cho nó một miếng thịt.

Ba tuần trôi qua một cách chậm chạp. Ngày nào ông cũng ra sức chơi nhạc nhưng mọi người chỉ thờ ơ đi qua chẳng buồn để ý. Với con chó thì ba tuần đó mới dài sao, nó nằm bệt dưới đáy giếng, ngước mắt nhìn trời hy vọng người đến cứu nhưng chẳng thấy một ai.

Cuối cùng thì ba tuần cũng trôi qua. Người hát rong kéo con Tiny lên. Ông ta dòng cái xô xuống giếng nhưng con Tiny không biết phải làm gì. Nó đi vòng quanh cái xô nhưng không nhảy vào trong xô. Người hát rong không tính tới tình huống này. Ông ta gào lên:

- Nhảy vào đi, đổ ngu xuẩn.

Nhưng giếng sâu quá, con Tiny đâu có nghe thấy gì. Cuối cùng ông ta phải làm một chiếc thang dây, tốn không biết bao nhiêu tiền. Lại phải mất mấy ngày bện thang. Con Tiny còn phải chờ thêm mấy ngày nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx