Trời đã gần trưa, mà vẫn còn thấy lành lạnh. Cát Tường khoanh hai tay trước ngực, đứng nhìn ra cửa sổ. Chắc tại vì mình còn ở trong nhà, nên chưa cảm thấy ngoài kia nắng ấm. Trên khoảng đất vuông vắn kia, mấy luống rau đã xanh tươi. Hình như cây cỏ đang thỏa thuê tắm nắng. Con đường dẫn xuống rẫy khoai sáng nay như có một vẻ gì hân hoan là lạ? Hay tại vì tự trong lòng mình có một chút đổi khác? Một linh cảm? Một hoài niệm… Ta không sống bằng linh cảm. Còn hoài niệm, nào có gì? Cuộc sống đã an bày nơi đây tự bao lâu rồi. Tại trời đất, chắc vậy. Sắp Tết? Cát Tường nhè nhẹ thở dài. Ở đây không có Tết. Những vui buồn đã lắng xuống cả rồi. Chỉ có tiếng hát vô tư của trẻ nhỏ không làm ta nghĩ ngợi.
- “Nào anh em, nào anh em…”
Lũ trẻ nhỏ đã về thật. Tiếng hát vọng lên từ dưới chân đồi, loang đầy không gian. Tiếng hát từ muôn thuở làm dịu lòng chi lạ. Hôm nay có củi. Phải ra phụ các em ôm củi vào chất đầy hè. Rồi như bao lần, ta sẽ đứng đó ngắm, và nghĩ đến những bữa cơm ngon.
Cát Tường mở nhẹ cánh cửa gỗ, bước ra ngoài. Đưa một bàn tay lên che nắng, Cát Tường đã thấy mười đứa bé kéo đẩy chiếc xe chở củi quen thuộc. Nhưng không có củi. Vật gì ở trên xe vậy? Cát Tường trố mắt ngạc nhiên. Một người! Cát Tường chạy nhanh đến. Lũ trẻ đã lên đến nơi cùng với chiếc xe. Cát Tường đứng sững, nhìn người lạ nằm trên xe, lắp bắp hỏi:
- Cái gì vậy? Ai đây?
Khánh gạt mấy giọt mồ hôi trên trán, đáp:
- Chị Cát Tường! Chị rửa vết thương cho anh này gấp gấp.
Cát Tường bàng hoàng:
- Sao? Ông ấy bị thương hở?
- Anh ấy bị rớt máy bay, lạc trong rừng, tụi em gặp được. Có một vết lớn nơi chân, còn cả người bị xây xát nhiều lắm.
- Chúa ơi! – Cát Tường kêu lên hoảng hốt – Các em giúp chị đỡ ông ấy vào nhà. Lương, đun một nồi nước. Hiền, chạy lẹ vào sửa cái giường cho ông ấy nằm. Còn các em kia dẹp xe lại, rồi đi báo cho cha hay.
Giọng nói mềm dịu mà đầy quyền uy thốt ra khiến bọn trẻ làm theo răm rắp. Trúc được dìu vào bên trong căn nhà gỗ, nằm lên một chiếc giường bằng tre, kê đầu trên một chiếc gối độn rơm. Cát Tường mở mảnh vải nâu mà bé Hiền đã cột tạm lên vết thương của người lính, rồi lấy kéo cắt một đường dài từ gấu quần đến đầu gối. Vết thương người lính bày ra. Máu lại ri rỉ chảy. Mùi máu khô lẫn mùi bùn đất bết lên đó xông lên nồng nồng. Cát Tường cúi xuống nhìn kỹ, rồi nhìn Trúc, nói:
- Chắc không sao đâu, ông ạ.
Trúc mở to hai mắt, hỏi:
- Sao cô biết?
- Dạ, cháu đã xem kỹ. Đạn chỉ xớt ngang bắp chân thôi.
Trúc mỉm cười:
- Tôi có đến nỗi gì… không cô?
- Ông nói dại! Cháu đã nói thật với ông là không sao đâu.
Trúc cười vui vẻ:
- Chết! Cô xưng “cháu” với tôi à?
Cát Tường cúi đầu:
- Với người lớn, cha cháu dặn là phải xưng hô đàng hoàng lễ phép.
Khánh đang lui cui soạn thuốc, góp tiếng:
- Nhưng anh Trúc đáng là anh của tụi mình chị ơi!
Cát Tường len lén nhìn gương mặt người lính. Đất cát lấm lem trên da thịt, làm sao đoán biết được tuổi tác của người? Nhưng cái giọng nói, giọng nói rất trẻ. Có lẽ Khánh nói đúng, người đáng tuổi anh ta. Cát Tường nói nhỏ:
- Xin anh thứ lỗi cho.
Trúc cười:
- Không sao đâu. Tôi là Trúc.
- Thưa anh Trúc!
- Còn cô?
- Em tên Cát Tường.
- Cô Cát Tường!…
Một sự giới thiệu và chào hỏi rất đơn giản và tự nhiên, nhưng sao bỗng làm Cát Tường nao nao lòng. Và nhè nhẹ, Cát Tường quay đi. Cái gì rưng rưng trên mắt? Cái gì buốt buốt trong tim? Không phải. Chắc là sợi khói bay ngang trời. Chắc là ngọn gió lạc loài len vào vách gỗ…
- Chị ơi! Hộp bông gòn đâu?
Cát Tường giật mình, trả lời:
- Ơ… bông gòn đã hết. Nhưng Khánh đừng lo, để đó cho chị.
Rồi Cát Tường mở hộc tủ, lấy ra một chiếc hộp giấy. Trong hộp có mảnh vải mịn trắng tinh mà Cát Tường định may làm khăn “mù-soa”. Tạm dùng thay cho bông gòn vậy. Cát Tường sắp lọ thuốc đỏ, cuộn băng, xà-phòng và mảnh vải mịn ấy lên một cái nắp hộp thiếc sạch sẽ, đặt lên bàn.
Lương bưng vào một thau nước nóng. Cát Tường đỡ lấy, đặt lên bàn. Nhưng Cát Tường chưa động đến những vật dụng ấy, quay sang hỏi Trúc:
- Thưa anh, chắc là anh đói lắm?
- Vâng, tôi nhịn đói từ trưa hôm qua.
- Anh ăn khoai đỡ đói nhé!
- Cô có gì cho tôi ăn cũng được.
Cát Tường đi lấy cho Trúc một củ khoai lang mới luộc còn nóng. Rồi đứng cạnh bên giường, vừa bóc vỏ khoai, vừa nói:
- Chúng em chỉ có khoai lang với củ mì, không có thịt cừu và rượu vang đâu!
Trúc ngạc nhiên. Cô bé này lại nói một câu y hệt như câu nói của đứa trẻ ban sáng. Không phải là một câu nói mỉa mai, mà lại là một câu nói rất chân thành. Thật ngộ nghĩnh! Hầu như tất cả những đứa bé mà Trúc đã gặp từ lúc tỉnh dậy, sáng nay, đã có chung một mẩu chuyện nào đó, có thịt cừu, có rượu vang. Trúc nhận lấy củ khoai nóng, cảm động:
- Nhưng cho đến chết tôi sẽ nhớ mãi củ khoai này, và bình nước lạnh khi nãy của các em.
Cát Tường rửa tay, rồi chăm chú rửa vết thương nơi chân của Trúc. Mảnh vải mịn được xé ra, thay cho bông gòn, nhúng vào nước nóng và rửa sạch vết thương. Trúc nhăn mặt, kêu lên nho nhỏ. Cát Tường dừng tay, hỏi:
- Anh có đau lắm không?
Trúc nhắm mắt lại, đáp:
- Không…, cô cứ làm đi!
Cảm giác nhức nhối chạy lên tận óc. Sự đau đớn chắc đến thế này là cùng. Trúc mím chặt môi, và nghĩ đến “phép lạ”. Ta đang nằm ở đây, diễm phúc quá! Còn có hy vọng để trở về. Những gương mặt người thân bỗng thấy rất gần gũi. Trúc mở mắt ra, và nhìn thấy gương mặt của Cát Tường đầy vẻ từ bi. Trên vết thương, gương mặt đó cúi xuống. Mái tóc dài cột gọn trên vai, tóc ngắn lòa xòa trên trán. Đôi mắt chăm chú, hai bàn tay nhẹ nhàng rửa sạch vết thương. Cuộn băng trắng đang được mở ra, quấn quanh chân Trúc. Cảm giác bây giờ là sự tê tái – nhưng êm đềm. Cảm giác đó truyền khắp người, và cũng ngọt dịu như vị của củ khoai nóng Trúc đang nhai trong miệng. Cô bé đang nghĩ gì về ta, về một người lính xa lạ bỗng hiện ra trong rừng rẫy? Cô bé có thắc mắc gì không? có e ngại gì không? Chắc là không đâu. Vì gương mặt từ bi kia có vẻ như không cần nghĩ đến những đe dọa, những man trá của cuộc đời. Vậy thì ta cũng không nên thắc mắc gì, e ngại gì. Hãy nghĩ rằng đây là một xã hội tí hon, mà mỗi cá nhân ở đây, là một đơn vị của tình người.
Cát Tường đã băng xong vết thương ở chân, ngẩng lên và hỏi Trúc:
- Bây giờ anh có bớt đau không?
Trúc gật đầu:
- Bớt nhiều lắm, Tôi có ý nghĩ là chân tôi không bị gì cả.
- Nhưng anh sẽ không đi được bình thường, ít nhất là một tuần.
- Rồi làm sao, cô Cát Tường?
Cát Tường chớp mắt, đáp nhẹ:
- Thì anh sẽ cứ ở đây vậy.
- Biết cha của cô có bằng lòng không?
Cát Tường hơi nhíu mày:
- Cha chúng em không bao giờ từ chối giúp đỡ một ai.
Rồi Cát Tường im lặng, nhúng mảnh vải mịn còn lại vào nước, vắt khô, nhẹ nhàng lau những bùn đất trên mặt người lính.
Trúc nhắm mắt lại. Trong sự êm ái còn có chen vào một chút bàng hoàng, vì sự săn sóc của Cát Tường giống như sự săn sóc của một cô em ruột, hơn thế nữa, của một người mẹ. Trúc biết gương mặt lấm lem của mình giờ đã được lau sạch. Khi Cát Tường xức thuốc vào những vết xây xát trên tay Trúc, Trúc hỏi:
- Cô Cát Tường, cho tôi được hỏi một điều…
- Dạ??
- Cô là chị ruột của Khánh?
- Dạ…, không…
Trúc trố mắt:
- Phải? mà lại không? Tôi không hiểu.
Cát Tường bưng thau nước đưa cho Khánh đem ra ngoài. Chỉ còn lại hai người. Cát Tường nói:
- Em là chị của Khánh, của tất cả các em nhỏ ở đây. Nhưng chúng em không phải là ruột thịt.
- Còn cha của cô…?
- Cha của chúng em… là cha chung.
Trúc chống tay xuống chiếu, hơi nhỏm người lên. Trúc như vừa nghe một điều lạ lùng. Ở đây có một người cha nuôi một đàn trẻ không phải ruột rà. Trúc lờ mờ hiểu mọi việc. Cát Tường chỉ tay ra ngoài cửa sổ:
- Qua luống rau mới trồng kia là nhà nguyện. Cha của chúng em đang tĩnh tâm trong ấy. Chắc giờ này người cũng sắp qua đây.
Trúc reo lên:
- A! Tôi hiểu rồi!
Cát Tường hỏi:
- Anh nói sao?
- Tôi thật là tối dạ. Vậy mà tôi cứ tưởng….
- Anh tưởng sao ạ?
Trúc nằm thẳng lại, im lặng. Một lát sau, Trúc nói nhỏ:
- Tôi thật có phước khi được các em ở đây cứu giúp. Tôi có cảm tưởng rằng mình đang sống trong một câu chuyện thần tiên.
Cát Tường cười rất nhẹ:
- Không thần tiên đâu anh. Anh đang ở một nơi rất nghèo, rất thiếu thốn. Đây chỉ là một làng cô nhi, không, đúng ra chỉ là một xóm cô nhi… - Nụ cười biến mất trên
Trong một thoáng yên lặng, Trúc nghe rõ tiếng thở dài của Cát Tường. Cô bé đang dọn dẹp bàn thuốc, cất những vật dụng vào một cái bàn thấp. Qua vai Cát Tường, Trúc nhìn thấy một mảng trời trong xanh ở bên ngoài cửa sổ và một mảng màu lá cây thật tươi của một tàn cây nào rất lạ. Trúc chưa thấy nhà nguyện bởi lúc bắt đầu được lũ trẻ đưa lên con dốc thấp, Trúc chỉ chăm chú nhìn ngôi nhà gỗ với mái phủ đầy lá, mà nơi đó, một người con gái mảnh mai xuất hiện một cách rất bất ngờ.
- Cô Cát Tường!
- Dạ?
- Cha sẽ cho tôi ở lại đây?
- Vâng. Anh sẽ ở lại đây cho đến khi lành hẳn.
- Cả cô cũng bằng lòng chứ?
- Không những em, mà cả làng sẽ rất vui ạ.
Trúc hân hoan:
- Cô làm tôi cảm động quá!
- Chúng em rất vụng về.
- Tôi lại thấy cô rất khéo léo.
Cát Tường xấu hổ:
- Chúng em sống mãi ở đây, ít khi về thành phố. Thỉnh thoảng có người của nhà dòng đến thăm và giúp đỡ tiền bạc. Anh là người khách lạ đầu tiên đến thăm làng.
Trúc cười:
- Khách đến thăm mà bắt chủ nhà phải lăng xăng. Tôi rất mong được đi xem khắp nơi trong làng.
Cát Tường chớp nhanh mắt:
- Vâng, khi nào anh lành bệnh
- Cô sẽ dẫn tôi đi thăm nhé!
- Dạ.
Trúc muốn nói tiếp câu chuyện, bỗng phải lắng tai nghe: Có tiếng xôn xao ở đâu trước sân nhà. Tiếng trẻ nít! Cát Tường cũng nhìn ra phía cửa. Giống như có một sự sắp xếp nào đó, rồi một đứa bé gái xuất hiện, gọi:
- Chị ơi! Đã tới giờ ăn cơm.
Cát Tường nói:
- Đợi cha về. Hay là em đi coi thử cha có bận việc gì không.
- Chắc cha đi thăm rẫy.
- Em sang nhà nguyện đi, thưa với cha về việc có anh Trúc ở đây.
Đứa bé gái len lén nhìn người nằm trên giường, hỏi khẽ:
- Ông đó… phải không chị?
- Ừ, em đi nhanh nhé!
Đứa bé quay lưng đi. Đàng trước sân, tiếng ríu rít chưa yên. Cát Tường bảo Trúc:
- Anh nằm nghỉ. Em phải ra sân một chút.
Rồi Cát Tường ra ngoài, đóng cửa lại. Nằm trên giường, Trúc cố lắng nghe những âm thanh là lạ bên ngoài. Tiếng Cát Tường:
- Các bé im lặng nào, nghe chị đây! Sáng nay các em trai khi đi lượm củi gặp một người bị nạn, đem về làng. Vậy các bé hãy nghe lời chị, ngoan ngoãn, giữ trật tự trong khi có khách nhé!
Tiếng trẻ nhỏ:
- Dạ.
- Các bé xếp hàng đôi, đứng ngay ngắn lại. Nào! Bé đàng sau vịn vai bé đàng trước… Giỏi lắm! Bây giờ các bé hát bài “Mừng khách đến đây” mà chị đã dạy nhé!
Tiếng “dạ” lại vang lên, rồi tiếng hát của độ chừng mười mấy đứa trẻ tiếp theo:
- “Mừng người đến đây thăm chúng em
Tỏ tình thương
Người nào sá gian nan xa xôi
Vượt dặm đường”
Tiếng Cát Tường xúc động:
- Chưa đủ. Các bé hãy hát thêm, theo lời chị, để mừng người khách đặc biệt của chúng mình.
“Người đã đến như Quy-Li-Ve
Giấc ngủ ngon!
Người nào biết vây quanh vây quanh
Bầy tí hon”
Lũ trẻ hát theo. Tiếng hát như gió lành xuyên qua vách gỗ, chui vào tai, âu yếm. Trúc mở to đôi mắt, môi nở một nụ cười hân hoan. A! Phải chăng ta là Gulliver 1, đã lạc loài và đã gặp một nước tí hon? Ta chưa được yết kiến vị vua cao cả, nhưng đã biết rằng những thần dân của xứ này là những trẻ nhỏ rất hiền lành, nhân ái và có trí tưởng tượng thật diệu kỳ. Trúc nhìn ra mảnh trời xanh. Bây giờ ở đó có một đám mây trắng. Chợt như tiếng hát bay lên, đọng lại trên mây. Mây trôi lững lờ… Trúc mơ màng nghe tiếng hát biến thành tiếng chong chóng quạt trên đầu. Ta đang bay phía trên đồng ruộng, qua dòng sông, qua vùng rừng xanh. Nếu không là một kẻ gặp nạn, làm sao ta biết được bên dưới tấm thảm xanh đó là một xóm cô nhi hẻo lánh, nhỏ bé? Ở đó, những trẻ nhỏ đã hiện diện – Hiền, Lương, Khánh, Hậu… và Cát Tường. Chúng em không có thịt cừu với rượu vang, mà chỉ có khoai lang, củ mì, và có cho anh một bình nước lạnh. Thật đáng yêu quá! Trúc muốn ngồi dậy, bước xuống đất, mở cánh cửa kia, ra họp mặt với đàn trẻ nhỏ. Anh là Gulliver đây! Trên bãi biển, Gulliver bị trói chặt cả tay chân, và bị “giải” về kinh thành. Còn anh, anh được các em đón tiếp bằng một chân tình hiếm có. Chiếc xe chở củi của các em đưa anh xuyên qua rừng, băng qua rẫy, lên dốc đồi thấp – quý giá hơn một chiếc kiệu vàng. Củ khoai nóng được Cát Tường bóc vỏ mời còn ngon lành hơn cả thịt cừu mà Gulliver được ăn. Và bình nước lạnh nuốt vào cổ lại còn ấm áp hơn cả rượu vang. Thân ái quá! Tuyệt diệu quá! Trưa hôm qua, sau những loạt đạn oan nghiệt, tiếng cười nói biến thành tiếng than khóc. Trưa hôm nay, tiếng hát bé thơ của các em đang biến thành những giọt lệ vui mừng rớt trong tim anh rồi.
Tiếng hát được dẫn ra xa, xa dần… Chừng như đám trẻ nhỏ ngoài ấy đang được Cát Tường dẫn qua một căn nhà khác để ăn cơm. Trúc nhắm mắt lại, cố tưởng tượng ra quang cảnh của làng. Đây là nhà nguyện. Đây là nhà ăn. Đây là nhà bếp. Kia là phòng ngủ của các em trai. Kia là phòng ngủ của các bé gái….
Tiếng cửa mở nhẹ làm Trúc nhìn ra. Trên khung cửa, một tấm áo đen xuất hiện. Một người tầm thước, tóc bạc hết phân nửa mái đầu, mang một đôi giày màu đen – chỉ chừng ấy, bộ áo, dáng người, mái tóc, nét mặt – đủ cho Trúc đoán người là vị cha chung của Cát Tường và bầy trẻ nhỏ. Người bước vào và đưa tay ngăn lại khi thấy Trúc định ngồi dậy. Trúc lên tiếng:
- Con xin kính chào cha.
- Cha rất mừng khi đón con tại đây. Con cứ nằm nghỉ.
- Thưa cha…
Đôi mắt tỏa ánh nhân từ, người nói rất êm đềm:
- Con đừng e ngại gì hết nhé! Ở đây dưỡng sức một thời gian đi. Cha sẽ giúp con những gì con muốn.
- Vâng, con xin cám ơn cha.
- Khi con khỏe, cha và con sẽ nói chuyện nhiều với nhau. Cứ gọi cha là Cha Đạo.
- Dạ vâng.
Cha Đạo xem xét những vết thương trên người Trúc. Đôi mắt nhân từ hơi nhíu lại.
- Con cần phải nghỉ ngơi. Cần gì, cứ lên tiếng gọi nhé! Ở phòng cạnh đây lúc nào cũng có người.
- Dạ.
- Con đói chưa? Để cha bảo Cát Tường nấu cháo cho con – người đổi giọng hóm hỉnh – khi nào khỏe hẳn, con sẽ được ăn cơm độn khoai sắn như dân làng này đó!
--------------------------------
1 Gulliver là tên của nhân vật trong bộ truyện “Gulliver’s travels” của nhà văn người Ái Nhĩ Lan Jonathan Swift, vào thế kỷ 17-18. Truyện được dịch ra tiếng Việt, rất quen thuộc với học sinh Việt Nam.
@by txiuqw4