sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Ý thức bắt đầu nhờ tiếng chim hót. Sáng hôm qua cũng vậy, nghe chim hót mới biết những bóng vàng là nắng, tấm thảm xanh là lá cây. Trúc thức dậy sáng nay, trong một cảm giác lạ kỳ chưa hề thấy bao giờ. Thân thể như đau dần hơn, ê ẩm hơn. Nhưng sự nhức nhối ở vết thương không còn. Lẫn lộn trong đó, một chút mát mẻ khoan khoái len vào. Chiếc gối độn rơm, tấm mền cũ, chiếc mùng màu xanh đã bạc màu – là những tiện nghi của xứ tí hon dành cho Trúc. Cánh cửa sổ khép lại. Nhưng qua khe hở, Trúc thấy được màu trời, biết là đã sáng.

Trúc chống tay xuống giường, gượng ngồi dậy. Trúc nhìn xuống chân. Ai đã cởi đôi giày? Thảo nào suốt một đêm mình đã ngủ được một giấc thoải mái. Trúc mỉm cười thú vị. Ở đây mọi cảm nghĩ đều mới mẻ. Buổi sáng bắt đầu như bắt đầu cho ta một cuộc sống mới. Thời gian dừng chân ở quận nhỏ trước kia, sáng thức dậy phải vội vàng lo tập họp. Bây giờ ở đây chỉ nghe thoáng nhẹ tiếng ríu rít của chim chóc gọi nhau đi tìm thức ăn. Đời sống êm đềm thanh thản quá!

- “Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, rèn luyện thể chất chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con, giúp chúng con biết yêu mến thiên nhiên và chịu đựng thử thách, để mai sau chúng con trở nên người hữu dụng. A-men”

Trúc lắng nghe. Tiếng trẻ nhỏ vọng lên đều đặn, hình như phát ra từ căn phòng bên cạnh, có lẽ là phòng học. Sau tiếng “A-men”, sự lặng yên trở lại. Trúc đợi nghe tiếng Cát Tường. Nhưng một lát lâu sau vẫn không nghe thấy gì.

Một đứa bé gái nhỏ bước vào. Trúc nhìn kỹ đứa bé, nghĩ ra rằng Trúc chưa gặp nó lần nào. Đứa bé bước thật nhẹ đến bên giường rồi leo lên, hai tay cuốn vắt chiếc mùng lên cao, khá cao đối với thân hình của nó khiến nó phải nhón gót. Trong khi Trúc còn trố mắt ngạc nhiên thì đứa bé leo xuống đất. Trúc nói:

- Này em, cám ơn em lắm.

Đứa bé gái đứng yên nhìn Trúc, gật đầu nhẹ, đôi mắt ngây thơ long lanh. Trúc hỏi:

- Chị Cát Tường đâu em?

Đứa bé chỉ tay ra cửa sổ, không đáp. Trúc bật cười, hỏi:

- Chị ấy vào nhà nguyện hở?

Đứa bé lắc đầu. Trúc càng ngạc nhiên hơn:

- Sao em không nói chuyện với anh?

Một cái lắc đầu tiếp theo nữa. Rồi đứa bé gái bước nhanh đi. Tới ngưỡng cửa, cái bóng nhỏ nhắn dừng lại, vì Cát Tường đã đến.

- A! Nhu Mì, em ở bên này à? Chị tìm em bên phòng học mà không thấy.

Đứa bé gái mang tên Nhu Mì chỉ tay về phía Trúc, rồi nhìn Cát Tường. Cát Tường cười:

- Em cuốn mùng cho ông Quy-Li-Ve đó hở? Giỏi lắm! Về phòng học đi nghen!

Bé Nhu Mì lắc đầu, giơ bàn tay trái ra, rồi dùng ngón trỏ của tay phải vẽ tròn tròn trên lòng bàn tay trái. Cát Tường hiểu, gật đầu:

- À, muốn vẽ hở? Thì… ờ, thì em cứ vẽ.

Nhu Mì nhoẻn miệng cười, rồi quay lại nhìn Trúc. Đôi mắt long lanh như muốn nói điều gì. Đứa bé ra khỏi ngưỡng cửa rồi, Cát Tường đến bên giường Trúc:

- Anh thức dậy lâu chưa?

- Hơi lâu rồi cô Cát Tường ạ. Tôi có nghe các em đọc kinh cầu bên ấy nữa.

- Không phải kinh đâu anh. Đó chỉ là lời tâm niệm đọc buổi sáng.

° ° °

- Bé Nhu Mì có một vẻ khác thường làm tôi thắc mắc quá. Hình như bé không muốn nói chuyện với tôi?

- Với ai cũng thế, anh Trúc ạ. Bé Nhu Mì rất muốn nói chuyện…nhưng…

Trúc biết ngay rằng mình đã đoán không sai. Cát Tường nói nhỏ như muốn để tiếng nói của mình chìm xuống:

- Nhưng bé không nói được.

Cá Tường ngồi xuống một chiếc ghế, nói:

- Bé Nhu Mì cũng quý‎ mến anh, giống như tất cả chúng em ở đây đều quý mến anh. Bé đã tỏ tình cảm của bé bằng công việc vừa rồi đó!

- Nhưng tôi nhận thấy là tôi chưa làm được điều gì cho các bé cả. Sự có mặt của tôi làm các bé bận rộn. Riêng Cát Tường, chắc cô mất rất nhiều thì giờ vì tôi lắm?

- Dạ không... không! Anh nói làm em… không biết phải nói sao. Chúng em quý mến anh như quý mến ông Gulliver..

Trúc cười:

- Cô thích truyện Gulliver?

- Dạ, không những em, mà cả làng đều thích.

Trúc kêu lên thú vị:

- Đến thế à?

- Dạ. Vì em thường đọc cho các bé nghe truyện ông Gulliver lạc vào nước của người tí hon. Mà chúng em ở đây, cũng giống như dân tí hon vậy.

Trúc reo lên:

- Đúng vậy, một xứ thật dễ thương!

Cát Tường bẽn lẽn:

- Đó là chuyện đặt ra để các bé khỏi buồn. Mà cũng vì… em chỉ thích mỗi truyện ông Gulliver mà thôi. Chuyện đó em xem hồi nhỏ.

Cát Tường thở dài:

- Vậy mà các bé tin lắm, thích lắm. Các bé tin rằng sẽ có một ngày ông Gulliver lạc vào xứ của các bé, các bé sẽ trói ông ấy lại, chở về làng.

- Rồi các bé sẽ leo lên mặt, lên mũi ông ấy, bứt tóc ông ấy? Ồ, nhưng các bé đã đối xử với tôi thật tốt. Tôi không bị trói, mà lại được chở về trên một chiếc xe ngộ nghĩnh. Các bé không phá phách mặt mày tôi, mà tôi lại được băng bó, săn sóc như thế này.

Cát Tường cúi đầu im lặng. Trúc gọi:

- Cô Cát Tường!

- Dạ!..

- Tôi phải nói sao để cám ơn các bé và cám ơn riêng cô đây?

Câu nói của người nghe khách sáo quá! Cát Tường chớp mắt, đáp:

- Chúng em chỉ làm theo… theo lời cha Đạo dạy.

- Cha Đạo là một vị vua cao quý.

- Nhờ cha, chúng em mới được như thế này.

- Tôi có cảm tưởng là để tìm hiểu trọn vẹn nơi đây, chắc phải sống ở làng cả năm.

Cát Tường sáng đôi mắt lên:

- Anh cứ ở đây… cả năm nhé!

Trúc cười:

- Đâu được. Tôi phải ra trình diện đơn vị chứ! Chắc lúc này họ đang tìm kiếm chúng tôi. Xem như là tôi đã mất tích.

Trúc xoa nhẹ chân, nơi có những lằn vải băng trắng toát:

- Chắc không thể ở lâu nơi đây.

- Nhưng anh đợi vết thương lành chứ?

Trúc gật đầu, lẩm bẩm:

- Điều quan trọng là phải làm sao liên lạc với đơn vị.

- Chuyện đó anh không lo. Sáng sớm em có gặp cha. Cha bảo rằng vài ngày nữa ông Năm chở gạo về, Cha sẽ nhờ ông Năm lên tỉnh báo với người ta.

- Ông Năm là ai?

- Một người thân tín của cha. Mỗi tháng ông Năm lái xe lên tỉnh mua các thứ cần thiết cho chúng em về trữ ở đây. Hầu như chỉ có ông Năm là người hay liên lạc với bên ngoài.

Trúc nhìn Cát Tường. Lúc này cô bé đang dọn dẹp căn phòng. Vẻ mặt Cát Tường, khi im lặng, trông giống người trong một bức tranh nào đó mà Trúc đã có lần được xem. Mái tóc vẫn được cột gọn sau gáy. Trúc tưởng tượng khi cô bé xõa tóc ra, chắc trên vai sẽ có một dòng suối đen nhánh. Trúc chưa biết tuổi của Cát Tường, cũng như chưa biết gì về cuộc đời của cô. Trúc tự nghĩ những điều thắc mắc ấy nếu hỏi ngay bây giờ chắc sẽ đường đột lắm. Thôi cứ để tự nhiên. Ít ra mình cũng sẽ được trú ngụ ở đây cho đến khi “ông Năm” nào đó trở về.

Bé Nhu Mì lại vào phòng, đem theo một đĩa khoai lang đã bóc vỏ và cắt ra thành từng lát. Cát Tường khen:

- Chà, bé giỏi quá, giành việc làm của chị ha! Sao lại để trên bàn? Bé mang lại mời anh Trúc ăn đi!

Bé Nhu Mì lắc đầu. Cát Tường cười:

- Sao vậy?

Đứa bé chỉ vào Trúc, rồi đưa hai tay ra sau lưng, như người bị trói. Chỉ có Cát Tường hiểu ý.

- À, quên nhỉ! Bé mang lại mời ông “Quy-Li-Ve” ăn đi!

Đôi môi nhỏ xíu hé ra, cười. Trúc nhận một lát khoai, cho vào miệng, và hỏi:

- Bé ăn không?

Nhu Mì lắc đầu, đưa đĩa khoai đến gần hơn cho Trúc. Cát Tường nói thay:

- Các em đã ăn từ sáng sớm. Các em trai xuống rẫy, còn các em gái làm việc nhà, nấu nướng, may vá hoặc tưới rau ngoài kia.

- Còn bé Nhu Mì làm gì?

Nhu Mì lại dùng ngón trỏ của bàn tay phải vẽ tròn tròn, rồi viết lên lòng bàn tay trái. Trúc hỏi:

- Bé viết? Bé vẽ nữa?

Một cái gật đầu, và một nụ cười thích thú kèm theo. Trúc khoe:

- Cô Cát Tường! Tôi đã có thể “tâm sự” với bé Nhu Mì rồi đó!

- Có cần em thông ngôn không?

- Khỏi, khỏi!

- Vậy bé Nhu Mì ở đây nói chuyện với anh, à không, với ông Quy-Li-Ve cho vui nha. Chị ra tưới rau nhé!

Bóng Cát Tường khuất sau khung cửa gỗ. Trúc quay lại nhìn bé Nhu Mì. Đôi mắt cô bé lúc nào cũng như ươn ướt, trông tội tội. Trúc hỏi:

- Sao? Bé Nhu Mì có thích nói chuyện với anh không? Bé thấy anh có giống Quy-Li-Ve không?

Nhu Mì gật đầu. Bé nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, đưa bàn tay thấp xuống đầu gối ra dấu như có những người lùn đang vây quanh bé. Trúc đoán:

- A, Quy-Li-Ve ngủ, rồi thức dậy, thấy có người tí hon ở xung quanh phải không?

Nhu Mì sáng đôi mắt lên, chỉ vào người Trúc, chỉ vết thương của Trúc, rồi chỉ hai bên chân của Trúc, chỉ xuống dưới chân giường. Trúc nhìn theo, thấy đôi giày của mình được đặt ngay ngắn ở đó. Trúc mỉm cười:

- Bé đã cởi giày cho anh phải không?

Bé Nhu Mì gật đầu, nhoẻn miệng cười. Trúc nghe một nỗi gì mang mang trong lòng. Nhìn đôi mắt ươn ướt non dại của bé, Trúc như thấy cả một tâm hồn chân thật, cả một ấu thời buồn tủi. Bé ở đâu đến? Bé là con của ai? Bé nghĩ gì khi thiếu thốn giác quan? Bé có nghe lời tâm niệm mỗi sáng các bạn của bé đọc không? “Lạy Chúa!... xin giúp chúng con chịu đựng thử thách…”, và bé đã chịu đựng cái thử thách suốt đời bé đó!

- Anh no rồi! Bé để dĩa lên bàn đi, rồi ngồi đây, anh nói chuyện tiếp.

Bé Nhu Mì làm theo lời Trúc. Trúc nói:

- Bé thật là ngoan, và… nhu mì giống như tên của bé vậy. Bé mấy tuổi?

Nhu Mì xòe hai bàn tay ra nhìn, rồi giơ bảy ngón lên.

- A, bé bảy tuổi rồi! Bé học được nhiều chưa?

Nhu Mì lắc đầu, rồi chạy nhanh ra cửa. Trúc ngơ ngác nhìn theo. Một phút sau bé Nhu Mì trở lại, tay cầm một tập giấy nhỏ. Bé giở ra từng trang, cho Trúc thấy những nét chữ vụng dại viết trên giấy. Bắt đầu bằng những chữ đơn giản, lần lần về sau bé viết chữ khó hơn. Xen vào đó, có những hình tròn, vuông hay chữ nhật. Bé Nhu Mì vẽ được cả hình mặt trời, hình cái cây, hình bông hoa. Và ở trang gần cuối là hình một đôi giày. Trúc ngạc nhiên hỏi:

- Bé vẽ… đôi giày của anh?

Nhu Mì gật đầu.

- Sao giống hai ống điếu quá vậy?

Đứa bé úp tập giấy lên che mặt, cười mắc cỡ. Rồi trước sự ngạc nhiên của Trúc, bé rút cây bút ngắn từ trong túi áo bà ba, hí hoáy viết phía dưới hình đôi giày:

“Bé sẽ lấy vải may cho anh một đôi dép để anh mang đi dạo”.

Trúc vỗ tay, khoái chí:

- Giỏi quá! Bé Nhu Mì giỏi quá! Cám ơn bé lắm! Nhưng… nhưng… anh mà mang dép bằng vải, đi dạo dưới rẫy, trong rừng, thì… chân anh sẽ làm rách đôi dép xinh xắn của bé liền. Vì chân anh… to và mạnh như chân của ông khổng lồ.

Bé Nhu Mì xấu hổ che mặt bỏ chạy. Trúc gọi theo:

- Bé! Bé!

Bóng dáng nhỏ nhắn biến mất. Trúc nằm dài ra giường, cười một mình, và nhắm mắt lại, tưởng như hai mắt đang được vây kín bởi một màu trời xanh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx