sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

- Có ông Quy-Li-Ve ở đây, tụi em phải đào nhiều khoai hơn.

- Đừng lo, của Trời cho, và của do sức mình làm ra, không bao giờ hết.

- Nhưng tụi em đâu có than phiền gì, mà còn vui nữa là. Có anh ấy ở làng mình, tụi em thích ghê!

- Ông Quy-Li-Ve của chúng mình đâu có ăn nhiều ha!

- Anh ấy biết kể chuyện nữa đó.

- Chuyện gì?

- Nhiều lắm. Chuyện anh ấy đến một quận nhỏ, được dân chúng nấu cơm giùm, đi chợ giùm, và … hứa gả con gái cho anh ấy nữa.

Cát Tường bật cười:

- Rồi anh ấy chịu không?

Khánh đun thêm một cây củi vào lò, nói:

- Anh ấy sắp chịu, thì máy bay đến, chở đơn vị của anh ấy đi nơi khác. Híc híc!...

- Rồi sao nữa?

- Rồi máy bay bay ngang rừng, bị địch ở dưới bắn lên. Máy bay rớt, bạn bè của anh ấy chết hết.

- Chuyện đó thì chị biết rồi. À nè Khánh, mấy hôm nay các em vào rừng có thấy gì lạ nữa không?

- Dạ không. Em muốn đi lần theo dấu chân anh Trúc để tìm đến xem chỗ chiếc máy bay bị rớt, nhưng Cha có dặn là không được đi.

- Phải đó! Em đừng đi nghen. Chỗ đó chắc cũng ở sâu bên trong. Em vào đó lỡ có chuyện gì…

Khánh không nói, nhìn vào bếp lửa. Cát Tường lẩm bẩm:

- Gần hết gạo rồi. Chuyến này ông Năm đi lâu quá!

- Chắc ông Năm lên tỉnh gặp người quen.

- Không chắc… Hy vọng kỳ này ông Năm có mua quà cho chúng mình.

- Quà gì chị?

- Chị có dặn ông Năm tìm mua nhiều sách truyện để chị kể cho các bé nghe. Với lại vải hoa để chị may áo cho các bé.

Cát Tường cúi xuống. Tội nghiệp, ông Năm lâu về quá, Nhu Mì vẫn còn mặc áo cũ, các bé vẫn còn mặc áo cũ. Mới đây Cát Tường khám phá ra rằng các bé lớn dần và biết ao ước. Có lẽ các bé chẳng bao giờ nghĩ rằng người ta có khi may áo bằng vải màu sặc sỡ, bằng vải có hoa, nếu không có một hôm nghe Cát Tường kể chuyện về một nàng công chúa xinh đẹp và chiếc áo của nàng. Tội nghiệp! Tuổi nhỏ làm các bé chưa nhớ. Thời gian làm các bé dễ quên. Ở đây màu áo của các bé đồng hóa với màu cây, màu lá, màu đất, màu chiều xám xuống dần dưới chân đồi. Chờ ông Năm về, các bé sẽ có áo hoa.

Cát Tường đứng lên, nói:

- Khánh coi nồi cơm nghen! Chị đi sắp đặt lại nhà cơm. Chiều nay anh Trúc qua đó ăn cơm với tụi mình. Anh ấy đi được tốt rồi. Anh có thể vịn theo bàn ghế, vách tường, không run rẩy như ngày đầu. Chị nói anh ấy cứ ở trong phòng, chị bưng cơm vào, anh ấy không chịu, muốn ăn chung với các bé.

- Thích quá! Coi nào, bữa nay cơm ghế khoai, ăn với tương, rau muống luộc, với lại… hết rồi!

Cát Tường ngẩn ngơ:

- Ủa, hết rồi à? Không được. Vào chuồng gà, coi có cái trứng nào còn sót không.

Khánh cười:

- Sót làm sao được! Thôi kệ, đợi vài ngày nữa ông Năm về, tha hồ ăn cá hộp, thịt hộp.

- Ừ, thôi kệ.

- Ông Quy-Li-Ve của tụi mình đâu có đòi hỏi thức ăn ngon.

Cát Tường chắc lưỡi:

- Chắc khi về nhà, anh ấy còn bằng que tăm.

- Thiên hạ sẽ chê bai xứ tí hon mình quá tệ.

- Tại mình nghèo chứ!

- Nhưng anh Trúc của tụi mình dễ thương gấp mười lần ông Quy-Li-Ve.

Nói quanh quẩn chán, Khánh và Cát Tường nhìn nhau, phì cười. Thường ở đây, mỗi khi gặp nhau lúc ôm củi hay nhóm bếp, nấu ăn, hai chị em nói với nhau những câu chuyện vẩn vơ. Từ ngày có Trúc, những câu chuyện lại xoay quanh người ấy. Một cách không rõ rệt, cả hai cảm thấy sự có mặt của một người khách lạ nơi đây như nắng ấm làm tan chút sương mờ, thế thôi.

Cát Tường vào nhà cơm. Đây chỉ là một gian nhà nhỏ, cạnh nhà bếp. Vách cũng làm bằng ván mỏng, có nhiều khe hở. Mái tôn cũ kỹ đã lủng dột nhiều nơi. Không biết qua Tết này, đến mùa mưa, các bé có được yên thân mỗi khi ăn cơm không? Bốn cái bàn dài với hơn hai mươi cái ghế nhỏ choáng vừa hết gian nhà. Cát Tường thở dài. Không còn cái trứng gà nào sót lại. Chiều nay vẫn ăn cơm với rau muống chấm tương. Không có gì ngon hơn để thết đãi người khách đã khá thân. Nhưng có lẽ người không đòi hỏi gì đâu. Người dễ thương gấp mấy mươi lần Gulliver. Đúng vậy. Điều quan trọng là làm sao tìm cho anh ấy một cái ghế. Anh ấy không thể ngồi trên cái ghế nhỏ xíu bằng tre như các bé được. Phải đi qua nhà nguyện, xin cha Đạo một cái ghế.

Cát Tường vào gian nhà dùng làm phòng ngủ của mình và các bé gái. Buổi chiều, các bé qua hết bên nhà nguyện. Chỉ còn bé Nhu Mì ngồi yên trên giường. Hai mắt mở hé, chứng tỏ bé đang thức. Nhưng quyển vở trên tay thì gấp lại. Cát Tường ngồi xuống cạnh bên bé, rồi giở chiếc gối, lấy ra một bộ quần áo màu lam. Đây là quần áo của ông Quy-Li-Ve, Cát Tường mỉm cười với đôi mắt lười biếng của Nhu Mì. Còn một khuy nút chót phải làm, sau đó…, ừ sau đó sẽ mang qua cho Trúc.

Cát Tường kêu lên ngạc nhiên:

- Ủa! Ai đã khâu cái khuy nút này?

Rồi nhìn qua bé Nhu Mì, thấy đôi mắt bé mở to, bày ra sự thích thú. Nhu Mì chỉ vào mình. Cát Tường nói:

- Bé khâu hả? Giỏi quá! Hồi nào vậy?... A, mới đây thôi?... Anh Quy-Li-Ve sẽ thích lắm.

Nhu Mì đưa bàn tay chỉ vào nơi trái tim của bé, rồi nhắm mắt lại, mỉm cười. Cát Tường hỏi:

- Bé thương anh Trúc lắm phải không?

Nhu Mì đưa hết mười ngón tay ra, tỏ ý thương nhiều, nhiều lắm. Cát Tường vuốt mái tóc mướt mịn của đứa nhỏ, nói khe khẽ:

- Ai cũng mến anh ấy hết. Nếu mà… anh ấy ở lại làng mình luôn, bé thích không?

Nhu Mì gật đầu, Cát Tường tiếp:

- Có bộ quần áo này, anh ấy khỏi phải mặc bộ đồ lính kềnh càng nặng nề. Anh ấy sẽ dần dần lành chân, anh ấy xuống đồi, xuống rẫy với mình, thích nhé! ‎

Nhu Mì gật đầu, rồi mở quyển vở ra, lật đến trang giấy có dòng chữ “Bé sẽ lấy vải may cho anh đôi dép để đi dạo”, đưa cho Cát Tường xem.

- Bé viết được câu này đó à? Chúa ơi! Em tôi học giỏi vô cùng. A, nhưng mà… - Cát Tường vỗ trán, chưng hửng – Bé làm chị sực nhớ…anh Quy-Li-Ve chưa có dép. Chân anh ấy đau, mang giày nặng chịu gì nổi. Mà mang giày vải của bé, anh ấy chỉ ngồi trên giường thôi, không dám bước xuống đất đâu!

Hai chị em nhìn nhau. Ở làng cô nhi này, hiện không biết tìm đâu ra một đôi dép đàn ông, ngoại trừ… ngoại trừ đôi dép của cha Đạo. Cát Tường hoảng hốt ngưng ngay ý nghĩ đó lại, tự cho là vô lễ lắm. Thôi, người khách đã chẳng đòi hỏi gì, chắc mình cũng đừng nên áy náy. Cát Tường ôm bộ quần áo đứng lên, nói với Nhu Mì:

- Bé ở đây, chị đem bộ đồ qua cho anh ấy. Chút nữa anh ấy xuống ăn cơm với chị em mình đó.

° ° °

Trúc đang xem một quyển sổ nhỏ, gấp lại khi thấy Cát Tường vào.

- À, cô Cát Tường.

- Anh đang làm gì đó?

- Tôi lục lại giấy tờ trong túi áo, xem hôm bị nạn có…

- Anh có bị mất mát giấy tờ gì không?

- Ô… không. May quá cô Cát Tường ạ, giấy tờ vẫn ở nguyên trong túi, kể cả… cái này vẫn còn nguyên trên cổ.

Trúc mỉm cười, cầm mảnh kẽm hình chữ nhật có khắc những chữ và số lên ngắm. Cát Tường hỏi:

- Cái gì vậy anh?

- Đây gọi là tấm thẻ bài mà mỗi người lính đều phải đeo trên cổ. Đây là tên tôi. Đây là số quân, đây là loại máu. Khi mình bị thương, người ta nhìn đây biết được mình cần loại máu nào để mà tiếp cứu. Còn khi mình chết, nếu thân xác có bị dập vùi, người ta vẫn biết được gốc tích của mình để đưa tin về nhà.

Cát Tường rùng mình, nhìn Trúc. Những điều vừa nghe được thật là những khám phá mới. Ta cũng biết chiến tranh. Ta cũng biết tang tóc là gì. Nhưng đây mới là lần đầu đối diện với một người lính. Chẳng cần biết cấp bậc. Chẳng cần biết người ở đơn vị nào. Cát Tường chỉ thấy rõ hơn hết, một điều rằng những người chiến đấu là những người chấp nhận những gì rất bi hùng. Cái hình hài mà ta nhìn thấy trước mặt, mà ta đã may áo quần cho đây, biết đâu sau này khi tiếp tục đoạn đời gian nan, sẽ có ngày gửi thẻ bài về cho thân quyến. Cát Tường nhắm mắt lại. Cảm xúc nào làm tái tê ý nghĩ?... Hay cũng lại là sợi khói bay ngang trời? Hay cũng lại là ngọn gió lạc loài len vào vách gỗ?

- Cô Cát Tường! Cô nghĩ gì đó?

Cát Tường giật mình:

- Dạ? Không ạ. Em…

- Những điều tôi nói làm cô nghĩ ngợi hở? Tôi thật vô ý. Bỏ chuyện ấy đi nghen Cát Tường! Bây giờ tôi chỉ còn nhớ một điều là tôi đang sống ở xứ tí hon toàn những người tử tế, dễ mến.

- Chúng em chỉ sợ những thiếu thốn ở đây làm anh khó chịu.

Trúc cười:

- Khó chịu? Ồ không bao giờ. Cô không hiểu được rằng tôi đang sung sướng đâu! Thuở nhỏ tôi cũng thích xem truyện thần tiên vậy. Tôi không tin trên đời có chuyện thần tiên. Nhưng nơi đây là một nơi mà tôi không hề ngờ.

Cát Tường hỏi nhỏ:

- Anh có nhớ gia đình không?

- Có chứ! Nhưng tôi biết là tôi sẽ được về.

- Vâng. Khi nào ông Năm về lại, anh sẽ được ông ấy chở ra tỉnh.

- Tôi biết thế. Tôi cũng nóng lòng lắm. Nhưng nơi đây có một cái gì làm tôi quyến luyến. Tôi chưa biết nhiều về các bé, về làng cô nhi này, về… Cát Tường.

- Khi ăn cơm chung với các bé, anh sẽ biết nhiều hơn. Còn về làng cô nhi này, cũng rất đơn giản. Chúng em, xưa ở trên tỉnh, rồi vì loạn lạc, chúng em tản cư cùng với dân chúng tị nạn. Cha Đạo quyết định dẫn chúng em về định cư ở đây, vừa sống thoải mái gần thiên nhiên, vừa có thể tự lo phần nào miếng ăn.

- Cha không định lên tỉnh lại hay sao?

- Dạ, Cha có nghĩ tới. Nhưng bốn năm rồi, sống ở đây, Cha và chúng em thấy không nơi nào hơn ở đây nữa. Vả lại, ở tỉnh chật vật quá, ít có ai giúp đỡ thường xuyên được. Cha muốn chúng em tự lập, ít ra là về miếng ăn. Có ông Năm làm người chạy đi chạy về, còn cha với chúng em không đi đâu cả. Ở đây yên ổn, không biết gì đến thời cuộc. Chúng em dạy dỗ lẫn nhau, chăm sóc cho nhau.

- Cát Tường làm cô giáo?

- Em chỉ có thể dạy các em đọc, viết và làm toán. Vài năm nữa, chắc Cha phải gửi Khánh lên tỉnh.

- Đúng rồi, Khánh là con trai lớn.

Cát Tường nhìn ra cửa. Chiều đến chầm chậm trên những luống rau. Mặt trời còn để rơi rải những tia nắng úa. Cảm nghĩ hồ như cũng theo đó mà úa vàng. Điều gì buồn buồn theo nắng len vào mắt. Cát Tường đan mười ngón tay vào nhau, yên lặng. Trúc quan sát nét mặt cô bé, và hỏi:

- Còn Cát Tường?

- Dạ? Anh nói sao?

- Cát Tường có muốn về lại tỉnh không?

Cát Tường mở to mắt:

- Dạ? Về tỉnh? Em… chưa nghĩ gì hết.

- Sao vậy?

- Vì… vì em sống với các bé đã sáu năm rồi. Các bé ở đâu, em ở đó. Từ ngày chen chúc trong cô nhi viện chật hẹp đến lúc tung tăng ở đây, chúng em chưa rời nhau bao giờ.

Một điều thật đương nhiên – Cát Tường nghĩ nhanh như vậy rồi nhíu mày, không biết mình buồn hay vui. Tại vì Trúc hỏi, nên điều đương nhiên trở nên có vẻ dị kỳ. Cát Tường nói tiếp:

- Em vào sống ở cô nhi viện của cha Đạo năm mười bốn tuổi. Em là một trường hợp đặc biệt vì thuở đó cô nhi viện của cha Đạo không nhận những đứa trẻ lớn hơn mười tuổi. Em là bà con xa của ông Năm. Gia đình em bị tan nát trong chiến tranh, em không còn ai là người thân. Chỉ có ông Năm quen với Cha nên xin Cha cho em vào sống trong cô nhi viện. Lúc đó Khánh còn nhỏ lắm, mới chín tuổi, còn bé Nhu Mì chỉ mới thôi nôi. Cha nhận em vì em học khá, có thể giúp Cha dạy dỗ chăm sóc các bé. Từ ngày ấy em trở thành con cả của Cha.

Cát Tường nói như trả bài. Hết. Từ ngày ấy, Cát Tường trở thành con cả của cha. Đến bây giờ, và mãi mãi về sau.

Trúc lặng yên, tay đặt trên lớp vải băng. Không gian êm đềm làm Trúc thấy thèm một điếu thuốc lá. Ở đây, mấy ngày giam mình trong căn phòng, chỉ lê ra ngoài thật nhọc mệt mỗi khi thật cần thiết, Trúc cảm thấy mình giống như một đứa bé. Bây giờ nhớ những điếu thuốc tỏa khói trên môi của bạn bè, nhớ những lúc di chuyển bằng GMC, qua những con đường hai bên là ruộng, hoặc qua những cánh rừng cây xanh ngút ngàn. Khói thuốc không đủ làm ấm khoảng không gian lưu chuyển. Nhưng có với nhau điếu thuốc, bạn bè thấy gần nhau hơn, cảm thông nhau hơn về nỗi nhớ gia đình, bạn bè, người yêu. Ở đây, những sự việc bỗng dưng mới mẻ. Mới mẻ giống như ánh nắng lập lòe trong một khu rừng xa lạ. Mới mẻ giống như tiếng ríu rít của trẻ nhỏ bên tai khi mình còn đang nhắm mắt. Trúc nhìn Cát Tường. Cả đến mái tóc của Cát Tường cũng không giống một mái tóc nào mà Trúc đã thấy. Và đôi mắt cũng không giống đôi mắt của người trong một bức tranh nào đó. Tất cả đều mới mẻ. Tất cả đều như bắt đầu cho một khúc đời lạ.

Cát Tường đặt bộ quần áo lên giường, e dè nói:

- Xin anh Trúc nhận cho.

- Chi đó Cát Tường?

- Dạ… của em may và bé Nhu Mì kết nút.

Trúc reo lên:

- Tôi đoán là…

Trúc thích thú cầm bộ quần áo lên, giọng hân hoan:

- Cô lại cho tôi một điều mới mẻ nữa.

- Vì chúng em muốn anh được khỏe khoắn hơn với bộ đồ này.

- Cám ơn, cám ơn cô Cát Tường lắm! Cám ơn bé Nhu Mì nữa.

Trúc thấy mình nhỏ lại, nhỏ lại, như một đứa bé. Đôi mắt Cát Tường long lanh như muốn tỏa hết nỗi vui sướng. Cát Tường nói:

- Chỉ còn một đôi dép…. Chúng em còn thiếu cho anh một đôi dép.

Trúc kêu lên:

- Ấy! Thôi, Cát Tường! Tôi không dám để cô bận rộn vì tôi nữa đâu. Chẳng lẽ cô lại nhường luôn cho tôi đôi dép xinh xắn của cô nữa hay sao?

- Anh phải mang giày, nặng nề lắm!

- Tôi đã quen rồi. Đi chân đất cũng không sao mà.

Nâng niu bộ quần áo trên tay, Trúc nói, giọng cảm động:

- Cát Tường lo lắng cho tôi hơn là một cô em gái lo lắng cho anh. Tôi phải làm gì cho xứng đáng với sự chăm sóc ấy?

Cát Tường nói rất nhỏ:

- Em không mong gì hơn là được anh Trúc xem em như cô em gái. Đã từ lâu rồi, em chỉ làm chị cả.

Rồi không đợi nghe Trúc nói, Cát Tường quay bước, sau khi dặn:

- Chúng em chờ anh ở nhà cơm. Xin phép anh, em xuống sắp chỗ cho các bé.

Cát Tường đi ra sân. Đàng xa, các bé trai bé gái đã đứng thành hàng đôi trước nhà cơm. Cát Tường đưa tay ra hiệu cho bầy trẻ đi vào. Sự trật tự đã quá quen thuộc. Cát Tường đứng nhìn đến khi đứa bé cuối cùng vào cửa, rồi quay trở lại để vào nhà nguyện. Còn phải xin cho Quy-Li-Ve một cái ghế. Khi bước đến khoảng đất trồng rau, Cát Tường nghe tiếng trẻ cất lên từ phía nhà cơm:

- “Là nai đàn nên nhường nhau miếng khoai

Là chim bầy nên chia nhau chén cơm

Giờ cơm đến rồi

Giờ cơm đến rồi….”

Cát Tường mỉm cười. Các em hát để nhắc nhau niềm vui và sự chia xẻ. Hát để yêu mến những bữa ăn thanh đạm Và hát để chờ người khách sắp xuống cùng chia nhau miếng cơm ngon...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx