sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Khánh trở về lúc sáng sớm tinh mơ. Gặp Cát Tường, Khánh kể chuyện ngay:

- Chị biết đêm qua em ngủ ở đâu không? Ở trên cành cây. Em xin lỗi chị vì em đi mà không cho chị biết. Lúc hai ông đó từ nhà nguyện đi ra, thấy chẳng có gì lạ hết, em biết là anh Trúc đã thoát nạn. Nhưng em len lén đi theo hai người ấy ra tận gần đường lộ. Em nấp trong bụi cây giả tiếng cú kêu làm hai ông ta sợ hết hồn.

Cát Tường trố mắt:

- Rồi sao nữa?

- Em thấy hai người ra tới đường lớn, chạy nhanh băng qua đám bụi cây bên kia đường, biến mất luôn.

- Rồi tại sao em không về?

- Em nghi hai người này còn trở lại, nên em giăng sợi dây ngang giữa đường mòn, rồi lên cây rình. Cả đêm, em nửa thức nửa ngủ. Nhưng họ không trở lại nữa. Bây giờ chị em mình yên chí lớn.

Cát Tường thở ra. Khánh nhìn dáo dác xung quanh, hỏi:

- Anh Trúc đâu?

- Anh ấy đang viết gì đó ở trong phòng thuốc.

Cát Tường nói giọng bùi ngùi:

- Đêm hôm qua, nếu Cha không lanh trí, chắc anh Trúc không còn ở đây với tụi mình giờ này. Chúa quả thật đã thương xót chúng ta. Kể cả bộ đồ trận của anh ấy cũng không có ở trong phòng.

- Ủa, chứ ở đâu hở chị?

- Bé Hậu đã đem ngâm trong nước tro để hôm sau giặt. Vì vậy khi khám xét ở đàng sau họ tưởng đó là thau nước rửa khoai.

- Híc híc, bé Hậu lóc chóc vậy mà hay.

- Khánh nè, bây giờ phải làm sao biến anh Trúc thành người làng hoàn toàn đi! Tình trạng này chị thấy nguy lắm! Làm sao kiếm cho anh ấy một đôi dép như đôi của Cha.

Khánh chỉ xuống chân mình:

- Anh ấy mang đôi dép này được không?

- Sao được? Chân Khánh nhỏ hơn chân anh ấy! Chỉ cần một vật gì thay cho đôi giày đinh của anh ấy là được.

Khánh reo lên:

- Nếu vậy thì… dễ quá!

- Hả? Khánh nói sao?

- Sao mình không làm cho anh ấy một… đôi guốc, há chị? Có sẵn gỗ trong nhà, để em đẽo ngay một đôi guốc.

Cát Tường mở tròn đôi mắt, nhìn Khánh. Rồi như vui mừng quá, Cát Tường xoa đầu Khánh thật mạnh. Khánh kêu:

- Á! Chị làm gì vậy?

- Ngu quá! Chị ngu quá! Vậy mà nghĩ không ra. Khánh vào làm mau đi! Chị sẽ lấy miếng cao su trong nhà xe của ông Năm làm hai cái quai. Mau đi! Khánh! Quy-Li-Ve sắp có guốc mới để mang!

Bỏ Khánh đứng đó, Cát Tường chạy về phía phòng của Trúc. Cửa khép hờ. Cát Tường đứng khựng lại. Không nên cho Trúc biết trước mà phải dành làm một bất ngờ. Cát Tường nhè nhẹ mở cửa. Ở trên giường, Trúc đang ngồi thẳng, viết say sưa vào quyển sổ nhỏ của Trúc. Cát Tường mỉm cười một mình rồi quay ra. Người đang nghĩ gì vậy? về Cha Đạo, hay về mình? Về đêm hôm rồi thoát nạn? Cát Tường muốn để yên cho người với ý nghĩ đang liên tục. Lạ kỳ quá! Nhìn người viết, sao bỗng dưng hồi hộp? Không, đừng nghĩ gì hết, Cát Tường! Người còn phải nghĩ tới gia đình nữa chứ! Chắc người đang nhớ một người cha, một người mẹ, nhớ một đàn em… Ô hay, người còn có ai nữa không? Có còn ai ngoài gia đình và những bạn bè cùng chiến đấu? Cát Tường chớp mắt nhanh. Sao lại nghe buồn buồn trên mắt, như có khói bay ngang trời? Cát Tường ngồi xuống thềm đá, nhìn ra con dốc thoai thoải dẫn xuống rẫy khoai. Sương tan đã gần hết. Trời cũng lạnh như những buổi sáng trước. Chốc nữa đàn trẻ sẽ dẫn nhau đi xuống dưới rẫy. “Nào anh em, nào anh em…”, những lời hát sẽ cất lên. Sáng hôm nào trẻ nhỏ mang Quy-Li-Ve từ rừng sâu về làng. Cũng ở bậc thềm này ta thấy người lần đầu. Chúa đã mang người đến đây, phải không? Cuộc gặp gỡ bất ngờ và kỳ lạ quá! Chắc Chúa đã muốn vậy và sắp đặt như vậy. Nhưng nghĩ thế để làm gì? Sự hiện diện của anh nơi đây chỉ là tạm bợ. Mây rồi phải lên trời. Chim rồi phải cất cánh. Có khi nào biển chảy vào sông? Nghĩ thế để làm gì? Ta là chị của một bầy trẻ nhỏ, sống ở rừng rẫy bốn năm rồi, chưa có gì đặc biệt xảy ra. Đời hồn nhiên và thoải mái. Có gì để suy nghĩ? Có gì để phải thay đổi? Tự nhiên Cát Tường nghe se sắt lòng. Chỉ vì anh! Sự hiện diện làm Cát Tường suy tư nhiều hơn trước…

Trúc đứng ở ngưỡng cửa, định gọi Cát Tường, nhưng thôi. Vì Trúc bỗng dưng thấy ở Cát Tường một vẻ gì là lạ - chỉ qua mái tóc, chỉ ở vai áo, chỉ ở dáng ngồi cô quạnh nơi bậc thềm. Trúc đã thấy trong những ngày ở đây, một Cát Tường lanh lẹ, một Cát Tường vui tươi, một Cát Tường khéo léo, rất xứng đáng làm chị cả của một bầy nai non. Chưa thấy một Cát Tường trầm ngâm tư lự. Nhưng trước mắt Trúc bây giờ, người con gái ngồi thu mình, tay đặt trên chân, hướng mắt nhìn xuống đường đồi. Dáng ngồi cô đơn. Mái tóc cô đơn. Vai áo buồn buồn. Trong gió sớm mai không lạnh nhưng làm se sắt da, hình ảnh của Cát Tường làm Trúc thấy bồi hồi. Trúc bước xuống thềm. Tiếng giầy làm Cát Tường ngẩng lên. Đôi mắt không che giấu được rằng Cát Tường đang suy nghĩ. Trúc toan nói một câu, nhưng Cát Tường đã lên tiếng trước:

- Anh không ở trong ấy nghỉ? Ra ngoài này gió lạnh…

Trúc cười:

- Lạnh sao Cát Tường ngồi ở đây?

Cát Tường đứng lên, chớp mắt, nói:

- Em quen sáng nào cũng dậy sớm. Các bé vẫn còn ngủ.

- Tôi có cảm tưởng là ở đây, sáng hay trưa, hay chiều, không khí đều trong lành. Tôi cũng thích thức dậy sớm để ra ngoài trời như Cát Tường vậy.

- Nhưng anh chưa được khỏe.

- Không, hôm nay tôi không còn cảm thấy đau nhức gì nữa. Chính hôm qua Cát Tường cũng đã thấy vết thương của tôi rồi.

Cát Tường vui mừng:

- Anh nói thật không?

- Thật. Tôi đã khỏe hẳn.

- Em mừng lắm!

Cát Tường cười hân hoan, Trong đôi mắt như đã tan sương mù. Trúc nói:

- Chúa đã cứu giúp tôi. Cha Đạo, Cát Tường và các bé đã cho tôi những ngày sống thật không ngờ.

Cát Tường xúc động:

- Anh Trúc tin có Chúa?

- Tin chứ! Tôi vẫn luôn luôn nghĩ rằng tôn giáo là niềm hy vọng quý giá nhất của con người. Tôi không theo đạo, nhưng tôi tin có Chúa. Nhất là sau đêm hôm qua, tôi cảm thấy là có Chúa ở cạnh bên tôi, không riêng gì lúc tôi ở trong nhà nguyện, mà kể cả lúc này…

Rồi Trúc lôi sợi dây chuyền bạc trên cổ, chìa ra cho Cát Tường thấy, bên cạnh tấm thẻ bài, là tượng Thập tự giá bằng đồng.

- Cha Đạo đã cho tôi tượng này, tôi sẽ giữ mãi, từ bây giờ…

- Cho đến khi anh rời khỏi làng cô nhi…?

Trúc bâng khuâng:

- Và sau này….khi tôi tiếp tục đi chiến đấu…

- Nhưng trước hết, anh phải về với gia đình.

- Vâng, nghe đến hai chữ gia đình, tôi nao lòng quá. Nghĩ đến lúc tôi bước chân về nhà…

Cát Tường bỗng dưng nghe tim đập mạnh, cúi xuống để che giấu một sự hồi hộp vô cớ, nhưng vẫn chờ nghe. Trúc nói:

- Tôi còn may mắn hơn Cát Tường một chút. Tôi còn mẹ già và mấy đứa em nhỏ.

- Anh có em nhỏ nữa? Anh có mấy người em?

- À, để tôi đếm… Tôi thua Cát Tường một bậc rồi đấy nhé! Cát Tường nhớ rõ một đàn em đông, còn tôi có vài đứa em mà không biết là mấy. Để coi, Lệ, Hạnh, Trinh, Tuấn nè…..

- Vậy là bốn…

- Ấy vậy mà mỗi khi ai hỏi thì tôi lại phải giơ tay ra đếm.

- Các em của anh còn đi học?

- Lệ sắp làm cô Tú, còn bé nhất là Tuấn mới lên trung học.

- Các em của anh chắc ngoan lắm?

- Ngoan nhưng chắc là không ngoan bằng các em của Cát Tường đâu.

Cát Tường cười:

- Anh nói vậy chứ các bé sống ở đây tội nghiệp lắm. Nhất là… thiếu cha mẹ…

- Đã có Cát Tường. Cát Tường còn hơn cả một người mẹ.

- Anh nói vậy… làm em xấu hổ quá! Thôi, anh nói tiếp đi.

- Về chuyện gì? Về gia đình anh, về bạn bè anh, về những gì ở quê anh.

Đôi mắt của Trúc trở nên xa xăm:

- Những gì ở quê tôi…? Quê tôi ở ngoài Bắc lận cơ, mịt mờ lắm, tôi không còn nhớ rõ một điều gì ở đó. Quê hương thứ hai là Sài Gòn, nơi mà gia đình tôi hiện đang sống. Không biết những điều tôi muốn kể có gì đặc biệt chăng?

- Anh Trúc kể đi! Với em, cái gì cũng đặc biệt cả. Em chưa được biết Sài Gòn. Từ nhỏ đến lớn em chỉ mới biết tỉnh em và cái làng cô nhi này.

- Cát Tường ngược lại với Hồng Phước. Hồng Phước chỉ biết Sài Gòn và chưa đi ra khỏi Sài Gòn.

Cát Tường trố mắt:

- Hồng Phước là ai?

Trúc cười:

- À…à… là em nuôi của tôi.

- Anh Trúc có em nuôi nữa? Là con trai hay con gái?

- Là con gái. Hồng Phước bằng cỡ Cát Tường vậy, cũng cao bằng này, cũng mảnh mai như thế này.

- Hồng Phước… cũng mồ côi hở anh?

- Ồ không… Hồng Phước sống với cha mẹ.

- Nhưng sao anh nhận làm em nuôi?

Trúc nhíu mày, bối rối, rồi cười:

- Thì tại vì thế này… ủa, nhưng điều đó có đặc biệt không?

- Với em, cái gì cũng đặc biệt cả.

- À, tại vì… Hồng Phước dễ mến lắm, ngoan ngoãn lắm.

- Hồng Phước có hiền không?

- Có chứ! Nhưng chắc là về tài khéo léo thì thua Cát Tường. Hồng Phước không biết chỉ huy một đàn trẻ như Cát Tường đâu! Còn về băng bó thì chắc còn thua xa. Thế này nữa, bỏ Hồng Phước vào rừng, vào rẫy, chắc cô bé chỉ biết khóc nhè.

Cát Tường cười thích thú:

- Hồng Phước dễ thương quá! Anh nói về cô ấy nữa đi!

Trúc nhìn xuống đường đồi, mắt mơ màng, giọng nói trở nên xa xăm:

- Hồng Phước đi học cùng lớp với Lệ. Trường học của Hồng Phước cũng nho nhỏ, dễ thương như nhà nguyện ở đây vậy. Tóc cô bé dài và hay cột thành hai đuôi, thắt hai sợi nơ vàng. Ngoài giờ học, Hồng Phước cũng thích mặc áo dài vàng nữa. Đi đâu cô cũng mặc áo vàng. Vì thế mọi người gọi cô là “bé áo vàng”.

- Hay quá! “Bé áo vàng”. Anh kể nữa đi!

- Hồng Phước đi học bằng chiếc xe Cady màu vàng. Cây bút, quyển sổ cũng màu vàng.

Cát Tường chớp mắt:

- Như vậy Hồng Phước dễ thương quá! Em chưa gặp, nhưng cũng hình dung ra được rồi! Hồng Phước là… em nuôi của anh Trúc hở?

Trúc cười:

- Ừ.

- Sao… sao hay vậy?

- “Hay” là sao? À, là vì Hồng Phước là… bạn của Lệ.

- Chắc anh thương cô ấy lắm?

- Thương, …thì thương… như em nuôi vậy.

- Hồng Phước có nghe lời anh không?

- Có chứ!

- Có săn sóc anh không?

- Săn sóc? – Trúc ngẫm nghĩ – Hình như có. Nhưng chưa bằng Cát Tường. Phải nói, Cát Tường là ân nhân của tôi, là người đầu tiên băng bó cho tôi.

- Anh Trúc đừng xem em là ân nhân. Em chỉ làm theo lời Cha dạy.

Rồi Cát Tường yên lặng. Nắng như đã đến từ lâu, sao mình không hay biết? Dưới chân đồi, nắng lấp lánh cùng với lá, với cây, với đất. Phía nhà nguyện, nắng làm cây Thập tự trên nóc nhà nổi rõ. Cát Tường cúi xuống, dí mũi dép trên một viên sỏi nhỏ dưới chân. Tự nhiên hết lời để nói. Cát Tường vẫn còn muốn câu chuyện tiếp tục nữa. Nhưng nắng đã lên nhắc nhở rằng các bé đã thức dậy. Quả thật thế, có tiếng xôn xao từ trong nhà ngủ ra đến nhà bếp.

Trúc nói:

- Các bé đã dậy rồi.

- Dạ. Em phải vào để cho các bé đọc lời tâm niệm, rồi ăn cháo.

Khi Cát Tường vào phòng học, đã thấy trẻ nhỏ ngồi yên trên ghế. Những cánh tay vòng lại trước ngực, đặt ngay ngắn trên bàn. Cát Tường đứng yên, nhìn những đôi mắt ngó lên. Như nai đàn, như chim bầy… đợi chị cả gật đầu, những cái miệng mở ra, đọc lời tâm niệm:

- “Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, rèn luyện thể chất chúng con, trau dồi tâm hồn chúng con, giúp chúng con yêu mến thiên nhiên và chịu đựng thử thách, để mai sau chúng con trở nên người hữu dụng. Amen”

- Nào! Bây giờ các em đi ăn sáng. Sáng nay, các bé gái phụ với chị chuyền nước từ hồ ra vườn rau để tưới rau cải và đổ đầy hai lu, một lu trước nhà nguyện và một lu trước phòng thuốc. Còn các em trai theo anh Khánh xuống rẫy khoai, đào khoai chở về nhà. Quên nữa, trưa nay chị sẽ làm thịt hai con gà để ăn mừng Quy-Li-Ve của chúng mình đã bình phục, …tức là hết đau ốm đó!

Đàn trẻ vỗ tay thích thú. Cát Tường nói thêm:

- Còn để dành hai con đến khi ông Năm về, kẻo không có trứng mà ăn.

Cát Tường nhìn ra cửa phòng học, thấy Trúc đứng đó từ bao giờ. Trúc mỉm cười nhìn lũ trẻ. Vài đứa quay ra. Những đôi môi nhỏ nhắn cười đáp lễ. Hôm nay Quy-Li-Ve hiện diện không cần có người dìu đỡ. Người mạnh khỏe, tươi tắn. Cát Tường nháy mắt với bầy trẻ, rồi mở đầu:

- “Mừng người đến đây…”

Những cái miệng cùng mở ra, trong đó có miệng của bé Nhu Mì, không nói được nhưng mở ra để cười. Và bài hát bắt đầu, thật dễ dàng như đã quen thuộc từ lâu:

- “Mừng người đến đây thăm chúng em

Tỏ tình thương

Người nào sá gian nan xa xôi

Vượt dặm đường

Người đã đến như Quy-Li-Ve

Giấc ngủ ngon

Người nào biết vây quanh vây quanh

Bầy tí hon”

Trúc sung sướng vỗ tay. Cát Tường vỗ tay. Rồi lũ trẻ vỗ tay theo. Sớm mai có nắng múa ngoài sân, có trẻ hát trong này. Bài hát mừng người khách, tập đã lâu nhưng chưa hát bao giờ, hôm nay được hát lên để mừng ngày Gulliver bình phục. Thân ái quá! Tuyệt vời quá! Trúc nhìn đàn trẻ, nhìn Cát Tường. Có phải con người này là cả một nguồn hạnh phúc cho những ai được ở gần? Cái hình ảnh một Cát Tường cô đơn, buồn bã, ngồi hiu quạnh trên bậc thềm đá, bỗng chốc mờ đi, Trúc lại thấy trước mắt là một Cát Tường hân hoan, bao dung, sống động giữa bầy trẻ nhỏ.

° ° °

Sau khi ăn, Cát Tường dẫn lũ trẻ ra sân. Tự động, chúng chia làm hai cánh, một bên trai, một bên gái. Hiền và Lương chạy đi lấy chiếc xe đẩy lại, chiếc xe hôm nào chở “người khổng lồ” từ rừng về. Trúc ngạc nhiên:

- Ủa, Khánh đâu?

Cát Tường đáp:

- Khánh đang ở đàng sau, cậu ta đang… đang…

Trúc cười:

- Lại một điều gì mới mẻ nữa phải không?

- Dạ.

- Vậy thì cho tôi biết với. Tôi đang muốn đi làm rẫy với các em đây!

Cát Tường reo lên:

- Anh Trúc xuống rẫy?

- Chứ sao!

- Ngay bây giờ?

- Ừ, ngay bây giờ.

- Vậy em phải làm mau mới được.

Mặc cho Trúc ngơ ngác, Cát Tường chạy ra phía sau nhà bếp, vừa chạy vừa nói vói lại:

- Tìm cái miếng cao su của ông Năm làm cho anh hai quai guốc. Khánh ơi! Sáng nay anh Trúc xuống rẫy với chúng mình….


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx