Cát Tường bước lên thềm nhà nguyện, đứng ở đó một tí. Trời nắng gắt. Buổi trưa êm ả như muốn bảo mọi vật ngủ đi. Nắng giữa trưa đứng bóng. Cát Tường bâng khuâng nhìn cái bóng nhỏ xíu của mình in trên nền gạch đã loang lở. Không một ý nghĩ nào được bắt đầu. Mà chỉ thấy trong trí một sự trống rỗng – một sự trống rỗng lạ kỳ.
Cát Tường ngồi xuống đó. Tự nhiên nhìn xuống tay, nhìn xuống chân. Bàn tay làm việc với vườn rẫy qua nhiều tháng nhiều năm, dù chưa khô cứng nhưng có nhiều vết buồn bã. Bàn chân chưa quen bước lên xe, đã quên đường đến trường, trông tội nghiệp làm sao! Và áo quần màu nâu, màu đen, màu xám! Ta chưa có vải hoa. Các bé chưa có vải hoa… Ở đây sáng sớm thấy mặt trời lên từ nóc nhà nguyện, chiều thấy bóng tối tràn đến từ rừng xa. Chưa có gì khuấy động, và cũng chẳng có gì để làm náo nhiệt hơn.
Tự nhiên ký ức bùng dậy. Mới đầu, như một tiếng thở dài của người vừa bừng tỉnh giấc ngủ. Rồi cuồn cuộn dâng lên, nức nở như tiếng than van. Chiều nào đó trên sân nhà vắng bóng, ta khóc như chưa hề được khóc. Sáng nào đó trong sân viện cô nhi đông đảo những khuôn mặt nhỏ bé tội nghiệp, ta mở miệng cười như cười nụ đầu tiên. Cười vì xung quanh mình là nai, là chim, mà mình thì lớn quá! Tất cả gọi mình bằng chị. Chị cả! Chị dạy chúng em hát đi! Anh Khánh chẳng biết hát gì hết trơn, có mỗi bài “Em có nuôi một con chó” hát hoài. Mà Cha đâu có nuôi chó. Chúng em ăn cơm còn chưa đủ nữa là! Ha ha, hi hi… Nai với chim cười đùa thật tẻ nhạt, cười đùa như cho quên thân phận. Không được, các em! Đứng thành vòng tròn xung quanh chị đi! Nắm tay nhau, như chim giăng cánh che hết trời. Chị dạy cho mà hát. Không hát bài con chó, con mèo nữa. Nhạc đó không dành cho chúng ta. Lời hát không chép trên giấy. Bài hát chưa có nốt nhạc. Chị nghĩ bằng trí tưởng tượng. Chị viết từ con tim. Nào hát nhé! “Em thương cha em lắm, người cha tóc trắng. Cha em như ánh nắng chiếu ấm đời em. Cha mặc áo màu đen, nhưng tim cha sáng như ánh đèn…”. Mấy chục cái miệng mở ra, mà lời hát như bắt đầu từ trong phổi, trong tim. Cha Đạo đứng trên thềm, bước xuống, vuốt tóc Cát Tường. Đôi mắt Cha xúc động. Con giỏi lắm! Con hiền ngoan lắm! Con có muốn ở lại đây không? Cha chưa bao giờ nhận trẻ lớn như con, vì Cha sợ không đủ phương tiện dạy dỗ. Nhưng con là trường hợp đặc biệt. Con sẽ giúp Cha chăn dắt đàn trẻ này nhé! Con tên gì? Dạ, Cát Tường. Con ở lại đây nhé! Không trả lời được, nước mắt ứa ra. Ta xấu hổ với đàn bé, mà cũng thương cho chính ta nữa. Mấy mươi đôi mắt khờ dại nhìn ta. Chị ở đây đi! Dạy cho em học, dạy cho em hát, nhé chị!...
Cha Đạo đứng trên thềm, bước xuống. Nhưng Cha không vuốt tóc Cát Tường như năm xưa. Cha ngạc nhiên khi thấy đứa con cả của Cha ngồi một mình, để nắng chiếu đầy tóc, đầy lưng.
- Kìa, Cát Tường! Con qua tìm Cha à?
Cát Tường giật mình quay lại, rồi đứng dậy, nói:
- Thưa Cha, không… Nhưng…
- Không, sao con ngồi đây?
Cát Tường ấp úng:
- Nhưng…, thưa Cha, anh Trúc…
- Có chuyện gì vậy con?
- Dạ… sáng nay anh Trúc bảo là anh ấy muốn ra đường lớn một mình.
- Để làm gì?
- Thưa Cha, anh ấy muốn ra đón xe để lên tỉnh trình diện vì quá mười lăm ngày thì đơn vị sẽ thông báo là anh ấy mất tích. Như thế ở Sài Gòn gia đình anh ấy sẽ lo lắng, anh ấy không muốn thế.
Đôi mày trắng của Cha Đạo nhíu lại. Cha nói:
- Ồ! Nhưng Cha ngại quá! Đường sá hình như bị chận ở khúc nào đó, thì làm gì có xe cho Trúc đi. Con thấy không, cả ông Năm cũng chưa về nữa mà!
- Con có nói với anh Trúc như vậy, nhưng anh ấy không yên, cứ lo lắng hoài.
- Vả lại, Trúc đã lưu lạc đến đây, cha con ta đã săn sóc cho Trúc lành lặn, bây giờ để anh ta đi một mình sao đành? Mà chúng ta thì đâu có ai rời khỏi làng được. Con cứ nói với Trúc là hãy đợi vài hôm nữa, ông Năm thế nào cũng về. Cha sẽ nhờ ông Năm đưa Trúc ra tỉnh ngay.
- Dạ.
- Đêm nào Cha cũng nghe tiếng súng, ở xa xa đâu đó. Cha đoán là phía cầu. Chắc vì thế mà cầu bị chận, ông Năm về không được.
Cát Tường nhè nhẹ thở dài. Sự lo sợ đã bắt đầu từ hôm có hai người đàn ông lạ vào nhà nguyện, từ hôm có tiếng súng vang vọng giữa đêm. Nếu vì có giao tranh trên đường đi, hoặc vì sập cầu, hoặc vì một lý do nào khác mà ông Năm không về được, thì chỉ một tuần nữa thôi, Cha Đạo và các con của Cha sẽ phải nhịn cơm. Gạo đã sắp hết. Không những chỉ một vấn đề đó, mà còn nhiều chuyện nữa. Thuốc men cũng thiếu thốn. Hôm nào đưa Trúc về làng, Cát Tường đã phải hy sinh miếng vải mịn định may khăn tay để thay bông gòn rửa vết thương cho Trúc. Các bé nhỏ lại đang chờ có vải hoa để may áo đẹp. Cát Tường cũng chờ có thêm nhiều sách truyện để kể cho các bé nghe. Quá nhiều việc chờ ông Năm về giải quyết, kể cả việc đưa Trúc ra tỉnh để chờ về đơn vị nữa. Nhưng lại cũng điều ấy làm Cát Tường thấy nao nao, bồi hồi kỳ lạ. Mai mốt ông Năm về, chở anh Trúc đi xa, đi luôn. Làm sao biết có ngày gặp lại? Vì mây bao giờ cũng ở trên trời, nếu có rơi xuống thì đã là mưa lũ. Mà anh Trúc là mây. Cát Tường nghĩ quanh quẩn như thế rồi lấy làm buồn bã lắm, nên dù lo lắng sao ông Năm chưa về nhưng cứ như là mong ông Năm khoan về. Cầu hãy bị chận thêm vài ngày. Đường hãy bị kẹt thêm vài ngày.Để anh ấy còn trú ngụ ở đây, sáng xuống rẫy cùng đào khoai, trồng củ mì; trưa thăm luống cải đã che xanh cả khoảng đất; chiều thơ thẩn trước nhà nguyện hay vào đó tĩnh tâm trước mặt Chúa; tối sang phòng học cùng Cát Tường dạy cho các bé. Ở đâu có dấu chân của Trúc, ở đó Cát Tường thấy có sự vui tươi. Cái bóng dáng của Trúc là biểu hiệu cho sự an ổn, vững mạnh. Tại sao người đến, rồi chờ ngày ra đi? Sao người không là mưa mà lại làm mây? Người có biết, ngoài những lúc cùng sinh hoạt vui vẻ, còn lại là những giờ phút dành cho Cát Tường nghĩ ngợi, khắc khoải? Một thứ lo âu nào thật mơ hồ. Một thứ buồn bã nào vồ chụp lấy Cát Tường, mỗi đêm, khiến đôi mắt Cát Tường mỗi sáng soi gương thấy có vết thâm quầng.
- Cát Tường, con có điều gì buồn chăng?
Cha Đạo hỏi làm Cát Tường ngỡ ngàng, vội nói để Cha đừng nghi ngờ:
- Thưa Cha không. Con chỉ qua đây … muốn để thưa với Cha việc đó.
- Cha thấy con có vẻ khác lạ. Có việc gì làm con khó nghĩ không?
- Dạ không thưa Cha. Con vẫn như thường.
Nhưng Cha Đạo vẫn áy náy:
- Nếu con có mệt mỏi, con hãy nghỉ ngơi đi, giao cho Khánh làm bớt. Cha thấy lúc này con làm việc nhiều lắm đó!
- Thưa Cha, con đâu có làm gì nhiều.
Cha Đạo cười:
- Mọi khi con chỉ lo việc ở nhà, bây giờ Cha thấy con còn lo dưới rẫy. Bọn con trai khỏe, chứ con là con gái, đừng ra dang nắng nhiều.
Cát Tường cảm động, muốn nói gì với Cha Đạo, nhưng thôi. Cũng phải công nhận là mình có xuống rẫy hơi nhiều. Nhưng tại vì… à, tại vì có Trúc. Có đôi guốc của Trúc dẫm trên đá, có tiếng cuốc của Trúc đào vỡ đất, có tiếng cười của Trúc vang động giữa trời xanh, là như có sự sống linh hoạt và bền bỉ. Như thế ai mà không náo nức, ai mà đứng yên được ở trên đỉnh đồi?
Cát Tường nói như để Cha Đạo yên lòng:
- Dạ, con sẽ bớt làm việc lại, thưa Cha.
- Công việc mà Cha muốn con đừng xao lãng là dạy các em con học. Còn những công việc khác, con hãy để Khánh lo.
- Dạ.
- Ít nhất, Cha muốn các em con sẽ học bằng với sức học của con ngày trước. Tới chừng đó, Cha sẽ gửi chúng đi học thêm ở các Cha trên tỉnh. Con cũng vậy. Bây giờ thời cuộc chưa yên, mình chấp nhận thế này. Sau này, có điều kiện, con cũng phải tiến lên – Cha Đạo thở dài – Nhưng có lẽ việc ấy hãy còn xa. Hiện giờ Cha vẫn thấy sống gần thiên nhiên, các con phát triển nhiều hơn khi sống chật chội ở thành phố. Sao? Đến nay bé Nhu Mì đã làm được toán nhân chưa?
- Thưa Cha, Nhu Mì học giỏi lắm ạ. Nhờ có anh Trúc thúc đẩy, bé đã làm được cả bốn phép toán. Các em khác cũng học chăm lắm. Chỉ trừ Hậu…
- Hậu làm sao?
- Thưa Cha, Hậu chỉ thích chơi những trò chơi ngoài trời, nó có tính tháo vát nên thích hoạt động tay chân, ít chịu học. Đến nay Hậu vẫn chưa đánh vần trôi chảy.
- Vậy sao? Để Cha rầy nó.
- Con nghĩ chắc không phải bé Hậu tối dạ, mà vì nó thích những việc linh động hơn.
Cha Đạo có vẻ suy nghĩ:
- Như vậy, sau này Cha sẽ cho nó học nghề. Chắc thằng bé đã thích vậy… Nhưng con cũng rán dạy cho nó đọc, viết cho được nhé!
- Dạ.
- Thôi, con trở về nhà đi. Đứng ở đây nắng quá. Chiều Cha sẽ qua gặp Trúc. Giờ này Trúc đang làm gì bên đó?
- Thưa Cha, chắc anh ấy nghỉ.
- Thế à? Thôi con về đi.
- Vâng, thưa Cha con về.
Ở trên trời, có một vầng mây xám mỏng bỗng dưng che ánh nắng. Lúc Cát Tường quay lưng đi, Cha Đạo chợt nhận thấy một điều gì không được vui lắm. Cha định gọi Cát Tường lại, nhưng thôi. Cha tự nghĩ có lẽ cuộc sống bình lặng quá đôi lúc cũng làm con người mất vẻ vui nhộn. Cha đứng trên thềm, nhìn theo cái bóng của Cát Tường xa dần về phía dãy nhà bên kia vườn rau. Ở đó gần, nhưng thấy có vẻ ngăn cách quá! Chợt Cha đưa bàn tay lên, tính nhẩm. Rồi đôi mày cau lại, Cha lẩm bẩm:
- Ủa, sáu năm rồi sao?...
° ° °
Trưa yên vắng làm bước chân Cát Tường chậm lại. Đến trước cửa phòng thuốc – nơi mà hơn một tuần nay dành làm phòng của Trúc – Cát Tường nhẹ đặt tay lên chốt cửa. Chắc Trúc đang thức? Cát Tường gọi khẽ:
- Anh Trúc!
Chưa nghe tiếng trả lời, nhưng cánh cửa đã tự động mở ra vì bên trong không cài móc lại. Căn phòng vắng lặng. Cát Tường ngạc nhiên quá, chạy qua phòng học. Chỉ có bé Nhu Mì đang ngồi vẽ. Cát Tường tìm khắp nơi, vẫn không thấy Trúc đâu. Các bé thì đang ngủ trưa. Khắp sân trước vườn sau, chẳng hề thấy bóng Trúc. Trúc ở đâu? Cát Tường giật mình khi tìm được câu trả lời. Trúc đã ra đường lớn một mình? Trúc đã đi lúc trời trưa vắng vẻ để đừng ai hay biết? Trúc chờ một chiếc xe lam chạy ngang, Trúc vẫy, và xe đưa Trúc về thành phố? Trúc bỏ mọi người nơi đây. Không có gì để tiếc rẻ, để lưu luyến cả, phải không? Cát Tường ngồi xuống bậc thềm đã trở thành của riêng Trúc, ôm mặt khóc. Ô hay! Ta khóc được dễ dàng như thế này ư? Vì sao vậy? Vì thương người quá? Vì bóng dáng người làm không gian rạng rỡ, vì tiếng nói của người làm tỏa ngát niềm vui, vì dấu chân của người làm cảm tình in đậm…
- Cát Tường!
Ai gọi? Đúng rồi, tiếng của người chào ta ngày đầu tiên đến đây bằng chiếc xe chở củi. Tôi là Trúc – Thưa anh Trúc!... Còn cô? Em tên Cát Tường – Cô Cát Tường!... Chỉ có thế, nhưng là lời chào nhau rất đậm đà.
- Cát Tường!
Đúng rồi! Tiếng của người lo âu, sợ nơi đây từ chối sự có mặt của người. Cô Cát Tường! Dạ? Cha cô sẽ cho tôi ở lại đây? Vâng, anh sẽ ở đây đến khi lành hẳn. Cả cô cũng bằng lòng chứ? Không những em, mà cả làng sẽ rất vui… Cô làm tôi cảm động quá!..
- Cát Tường! Sao Cát Tường khóc?
Đúng rồi, giọng của Trúc thật mà! Cát Tường bàng hoàng ngước lên. Trúc đứng trước mặt, rõ ràng như vậy. Đâu phải lời chào hỏi, đâu phải lời lo âu. Mà thật đó, Trúc còn ở đây, Trúc hỏi sao Cát Tường khóc. Tự nhiên điều gì làm Cát Tường ngượng ngùng quá! Anh có thấy rõ những ý nghĩ của mình không?
- Anh Trúc… vẫn còn ở đây hở?
Trúc ngơ ngác:
- Chứ tôi đã đi đâu! Tôi ra lối đường mòn…
- Anh ra đó… để đón xe về hở?
Trúc cuời:
- Không, tôi theo đường Khánh chỉ, để xem cho biết.
Cát Tường tấm tức:
- Anh nói gạt.
- Thật mà! Ủa, nhưng sao Cát Tường khóc? Có ai làm Cát Tường buồn không?
- Dạ…
- Tôi nghĩ, ngoài tôi ra, không ai làm buồn lòng Cát Tường được hết.
- Không, đâu có…
- Tôi là người làm phiền Cát Tường nhiều nhất. Mà lúc nãy tôi lại đi vắng. Vậy thì ai?
Cát Tường xấu hổ đáp:
- Không ai hết. Tại vì… tại vì buồn quá!
Trúc cười lớn:
- Lần đầu tiên nghe Cát Tường nói buồn. Nhưng nè, Cát Tường, nghe tôi nói chuyện này, hết buồn ngay.
Cát Tường lau nước mắt, chờ đợi. Trúc vui vẻ ngồi xuống, cầm một nhánh cây khô vẽ lên đất, nói:
- Này nhé Cát Tường, trưa nay ngủ không được tôi ra đường mòn, đi lần lần tới đường lớn. Nhưng tôi không đón xe đâu. Vả lại, chẳng có một bóng xe nào chạy qua cả. Tôi trở lại, và phát bớt cây cỏ hai bên đường để lối đi sáng sủa hơn. Con đường vào làng thật ra đâu phải là đường mòn.
- Dạ, nhưng tại vì cây cỏ mọc lấn ra đó anh. Xe ông Năm vẫn ra vào được mà!
- Làm rộng con đường ra rồi, tôi nghĩ ra một điều, là làng ta chưa có cổng.
- Hồi trước có, nhưng mưa gió làm mục gãy, Cha bỏ đi đó anh!
- Bây giờ tôi muốn dựng một cái cổng ở chỗ cũ. Hai bên đã có hai cây to. Mình chỉ việc hè nhau lấy gỗ và tre đóng thành cánh cổng gắn vào đó.
- Có sẵn đinh, dây thép ở nhà bếp…
- Chưa hết, có một cái chuông, tôi vừa mới tìm được sau chỗ chất củi.
Cát Tường reo lên:
- Cái chuông gọi ăn cơm của chúng em, lạc mất đã lâu.
- Đúng rồi. Tôi sẽ nối một sợi dây vào chuông, rồi cột nơi cánh cổng. Tiếng chuông vẫn còn dòn dã lắm. Có ai mở cổng, ta ở trong này sẽ nghe chuông “leng keng, leng keng”.
Cát Tường thích thú cười:
- Hay quá! Có cái chuông đó, người lạ có đến, mình sẽ biết trước mà tránh.
- Như hai cái ông hôm nọ?
- Dạ.
Cả hai không hẹn mà cùng im lặng. Rồi chợt Trúc đưa một ngón trỏ lên trước mặt, cười hóm hỉnh:
- Thấy chưa? Tôi đã bảo nghe chuyện làm cổng với lại làm dây chuông là Cát Tường sẽ vui ngay.
Cát Tường bẽn lẽn:
- Sao anh biết?
- Thì tại vì Cát Tường là chị cả. Chị cả của một cái làng thì luôn luôn muốn cho các em mình được yên ổn.
- Anh Trúc nói sai rồi!
Cát Tường cúi xuống, xấu hổ. Nếu mà Trúc biết được rằng chỉ cần sự có mặt của Trúc thôi, Cát Tường sẽ vui lại ngay. Nhưng xấu quá, thẹn quá! Cát Tường muốn trốn ánh mắt của Trúc, cái ánh mắt lạ lùng quá, thu hút quá!
Trúc hỏi:
- Tôi nói sai chỗ nào?
- Em là chị cả của các bé, chứ đâu phải là chị cả của…
Trúc bật cười:
- …của tôi, phải không?
- Dạ.
Rồi lại im lặng. Nhưng Cát Tường muốn nói với Trúc rằng: trước khi anh hiện diện nơi đây, Cát Tường thấy mình là chị cả thật; rồi sau ngày đón nhận người làm người khách bất ngờ, Cát Tường đã dần dần cảm thấy mình nhỏ nhoi, bé mọn, và cần một sự che chở yêu thương nào đó… Không biết!!!
@by txiuqw4