sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8

Biết rồi! Cát Tường đã biết rồi! Biết là mình bé mọn, nhỏ nhoi. Biết mình là một đứa con gái chưa một lần sống với tình cảm mới. Nên cần che chở. Nên cần yêu thương. Nhưng không phải sự che chở của Chúa, không phải sự yêu thương của Cha. Mà của anh Trúc. Phải là anh không? Sự gặp gỡ kỳ lạ và huyền diệu. Một bông hoa hồng nở trong khúc đời xanh ngát. Cát Tường đã biết rồi! Cát Tường cần có anh như một an ủi tuyệt vời. Biết như thế, sao không vui mà lại buồn? Sao không cười mà lại khóc?

Trưa hôm nay chỉ một mình trong phòng học, trước chiếc gương nhỏ, Cát Tường khóc như thể bây giờ mới là lần đầu được khóc. Khóc vì thấy tóc, thấy mắt, thấy gương mặt của chính mình. Cát Tường ơi, sao mi lại như thế? Nếu mi còn cha, còn mẹ, còn cắp sách đến trường, biết đâu chừng đã được bạn bè gọi là “cô bé áo xanh, áo hồng, hay áo trắng”… Sao Cát Tường lại ở đây? Một diễm phúc hay một đọa đày?

Kìa, tóc đó cũng mượt lắm, đen lắm! Mắt đó cũng sáng lắm, to lắm! Da kia cũng trắng lắm! Môi kia cũng hồng lắm! Cát Tường, mi là con gái hay là nữ tu? Mi có cần yêu thương, che chở? Hay mi muốn làm chim đại bàng giăng cánh bảo vệ lũ chim non? Điều gì trái ngược quá! Điều mà trước kia mình không bao giờ nghĩ tới, bây giờ lại đâm xoáy vào tim. Tại sao lại có anh, hở Trúc? Anh hiện diện như Gulliver lạc vào nước tí hon. Ở đây chúng em không giam cầm anh, không tước đoạt vật dụng của anh. Mà trái lại, chúng em còn may cho anh quần áo, đẽo cho anh đôi guốc. Anh vui vẻ, anh hiền lành vô hạn. Nhưng có mỗi con tim của Cát Tường, chính anh đã giam cầm mất rồi!

Anh biết gì không? Người thanh niên đang vui cười dưới rẫy khoai ngập nắng kia, biết gì không? Mai mốt cánh chim sẽ bay lên trời, có đem theo gì không? Một chút nhớ, một chút buồn? Rồi thì cuộc đời sẽ tiếp tục như sông, như biển. Cát Tường đã biết việc gì sẽ đến. Sông sẽ cuốn trôi hết những muộn phiền. Biển sẽ hòa tan tất cả nỗi nhớ. Anh sẽ sống đời anh.Cuộc sống tiếp diễn như người ta lật những trang sách. Những trang sắp tới, Cát Tường vẫn ở đây, giữa bầy trẻ nhỏ, bên người Cha chung. Đợi cho trẻ nhỏ chóng lớn. Cầu cho Cha chung lâu già. Còn Cát Tường thì sao? Có tiếp tục hồn nhiên, vui tươi? Hay Cát Tường sẽ là cái bóng cằn cỗi, khắc khoải và ưu phiền? Ôi, tóc đó, mắt đó, mai mốt sẽ là tóc trắng, mắt sâu. Cát Tường ơi! Sao biết mình yêu qu‎ý người mà lại khóc? Sao biết mình cần người mà chẳng vui? Nước mắt lăn xuống má, nhỏ giọt trên tay. Lòng cũng như thế mà se thắt.

Đêm hôm qua Cát Tường mơ thấy mình được về thành phố - một thành phố nào thật xa, thật lạ, và là nơi trú ngụ của Trúc. Có mẹ Trúc, có em Trúc: Lệ, Hạnh, Trinh, Tuấn. Có cô bé áo vàng Hồng Phước. Ai cũng mến Cát Tường và muốn Cát Tường ở lại đó. Trúc cũng năn nỉ Cát Tường ở lại đó. Cát Tường gọi mẹ Trúc bằng mẹ, gọi những người kia là em. Cát Tường được đi học, mặc áo dài trắng. Trúc khen Cát Tường đẹp, nhất là khi mặc áo dài trắng. Cát Tường cài hoa trắng trên đầu. Rồi mùa xuân cũng đến. Trúc tặng cho Cát Tường thật nhiều hoa trắng. Hoa ngợp cả người, cả mặt. Cát Tường chới với như đang bước giữa chân không. Cát Tường ngỡ mình sắp chết, khóc òa trong hoa. Nhưng có Trúc bên cạnh, Trúc an ủi ngọt ngào. Trúc biến những giọt lệ thành những hạt sương, cho rơi xuống những cánh hoa. Âm thanh vỡ ra thành tiếng đàn. Không phải tiếng thánh nhạc đều đặn ở giáo đường, mà là tiếng hân hoan rung lên từ những tâm hồn trẻ trung. Là tình ca. Là tiếng ru cho lòng người náo nức. Rồi Trúc hát, và Cát Tường cũng hát. Không phải bài kéo củi, mà là khúc hát ngọt ngào giúp Cát Tường quên đi nỗi thê lương của một thời thơ ấu.

Giấc mơ chỉ có thế.

Trúc hiện ra ở cửa sổ ngoài phòng học. Trúc ngạc nhiên vô cùng, vì lần thứ hai Trúc trông thấy nước mắt Cát Tường. Gương mặt can đảm, từ bi đang nhòa nhạt lệ. Và cô gái đó, trước mắt Trúc bây giờ, đang trở thành một cọng cỏ yếu đuối, mảnh mai. Trúc bồi hồi, gọi khẽ:

- Cát Tường, có chuyện gì thế?

Cát Tường quay mặt đi. Không che giấu được người, nhưng biết trả lời làm sao? Trúc vòng lại phía cửa lớn, bước vào phòng học. Mấy dãy ghế vắng ngắt, vì đám học trò tất cả đều ra rẫy. Chỉ có mỗi cô giáo đang tấm tức một mình.

Tiếng chân Trúc đến gần, đàng sau lưng, làm Cát Tường bỗng dưng run rẩy. Không phải vì tiếng chân vang động như chân của người khổng lồ. Mà vì Cát Tường đã nhìn Trúc bằng một nhãn quan khác, nên tiếng chân quen thuộc đã biến thành tiếng của hạnh phúc, của nỗi khổ, của một tình cảm nào đó rất thênh thang. Một sự gì khó định nghĩa lắm! Trúc đứng trước mặt. Nụ cười trở nên ái ngại. Trúc hỏi:

- Có chuyện gì vậy, Cát Tường?

Cát Tường lắc đầu,nước mắt lại ứa ra, không cầm giữ được. Trúc hỏi tiếp:

- Bộ Cát Tường phiền tôi chuyện gì?

- Dạ không...

- Hay là tại vì ở đây buồn quá?

- Không...

Cát Tường im bặt. Sao người lại biết rằng ở đây buồn quá? Cát Tường nghĩ như thế rồi nhớ ngay là có lần mình đã nói như vậy. Ở đây buồn quá! Sáng xuống rẫy, chiều trở về, chẳng có gì đáng nói. Mai mốt người ra đi, chắc cũng không luyến tiếc những bữa cơm trộn khoai nuốt nghẹn cổ, nhức óc...

- Cát Tường, lau nước mắt đi, nói cho tôi nghe sao đến nỗi Cát Tường phải khóc.

- Không, không có gì cả. Thỉnh thoảng vẫn vậy. Mỗi khi nhớ ba mẹ, em khóc. Khóc rồi thì thôi, không có gì cả.

- Có thật không? Hay có điều gì Cát Tường muốn giấu?

Chợt nhìn thấy chiếc gương nhỏ đặt trên bàn, Trúc phì cười:

- A! Cát Tường khóc... mà soi gương!...

Cát Tường mắc cỡ chết thôi! Không biết phải giải thích thế nào. Chắc dưới mắt Trúc, ta đang trở thành một cô Mán rừng đáng thương lắm. Trúc cười nhẹ nhàng, nhưng giọng cười khiến Cát Tường lúng túng.

- Anh Trúc đừng nhạo nữa. Cát Tường khóc vì... vì Cát Tường xấu xí quá!...

Trúc mở to đôi mắt:

- Ai nói vậy?

- Không ai nói, nhưng em biết.

- Tầm bậy nào! Cát Tường đâu có xấu xí.

- Anh nói gạt.

Trúc cười:

- Tôi nói thật. Cát Tường quá bi quan đó. Cát Tường dịu dàng, đáng mến lắm. Cát Tường có nét đẹp quen quen, mà mới lúc ban đầu, tôi cứ tưởng là tôi đã gặp trong một bức tranh nào.

Cát Tường lập lại bằng giọng ngạc nhiên:

- Trong một bức tranh nào...?

Trúc gật đầu:

- Nhưng tôi nhớ ra rồi, không phải trong tranh bình thường, mà Cát Tường biết ở đâu không?

- Ở đâu hở anh?

- Trong hình tượng Đức Mẹ.

Cát Tường kêu lên:

- Chết! Sao lại như thế được?

- Thật mà Cát Tường. Cát Tường có nét đẹp từ bi, giống như Mẹ Maria, mà tôi chưa hề gặp ở một người con gái nào khác. Cát Tường lại có nhiều đức tính quá, nếu các em gái của tôi được ở gần Cát Tường, tôi sẽ khuyên chúng nó tập lấy giống như Cát Tường.

- Anh Trúc nói, làm em “dị” quá!

Trúc nhìn thẳng vào đôi mắt Cát Tường, nói rất êm đềm:

- Nếu Cát Tường không ngại, thì cho tôi được xem Cát Tường như một người em gái, được không?

- Dạ? Anh Trúc nói gì?

- Tôi mong nhận Cát Tường làm em gái.

Giọng Trúc nghe thiết tha quá! Cát Tường chớp mắt:

- Anh... nhận em làm em gái?

- Vâng.

- Em gái... là thế nào?

Hỏi xong, Cát Tường thấy mình ngớ ngẩn, và xấu hổ vô cùng. Trúc cười:

- Thì hai ta xem nhau như anh em một nhà.

Cát Tường bâng khuâng:

- Ở đây... đã là một nhà rồi!

- Cát Tường không chịu hả?

- Đâu có! Chịu chứ! Từ lâu... em đã xem anh Trúc như... một người anh.

- Cám ơn Cát Tường. Riêng tôi, vì cách xưng hô khiến tôi cảm thấy xa cách. Tôi vẫn thấy Cát Tường xứng đáng là chị cả của các bé nhỏ. Tôi chưa hề có ý nghĩ coi Cát Tường ở vai thấp hơn tôi – giọng Trúc trầm xuống – Nhưng trưa nay, lúc đang cuốc đất dưới rẫy, tôi có một ý nghĩ khác. Ở đây đã có một cái gì làm tôi thương mến lắm. Không biết tôi còn được ở lại đây bao lâu nữa? Nhưng chắc khi xa sẽ nhớ lắm. Nhất là Cát Tường... Sao tôi lại không thể thân mật hơn với Cát Tường, mà tôi lại cứ xem Cát Tường như một người rất xa cách?

- Em... có gì đáng để xa cách đâu!

- Không, chỉ vì Cát Tường quá bao dung, khéo léo, làm tôi kính phục.

Giọng Cát Tường ướt sũng:

- Nhưng em không phải là một người cứng rắn. Có lúc em cũng nhận thấy mình yếu ớt. Ở đây, nhiều khi... cũng buồn lắm. Không có ai chia xẻ với em. Em thèm sống trong một mái gia đình. Em thèm có cha, mẹ, có anh chị. Em muốn được nghe những lời an ủi, lo lắng. Sáu năm rồi, em sống không có tình gia đình. Bốn năm nay, em nhận nơi này làm mái nhà lớn. Em thương Cha lắm, thương các bé lắm. Nhưng có nhiều lúc, em thương thân em quá!

- Cát Tường! Anh hiểu...

Giọng của Trúc êm như gió chiều. Nước mắt lại được dịp rơi. Cát Tường cũng không hiểu tại sao mình lại có can đảm khóc sụt sùi trước mặt Trúc. Không còn xấu, không còn thẹn. Tưởng như chỉ có Trúc là người chia xẻ được nỗi buồn.

Giọng Trúc vỗ về, an ủi:

- Vì hiểu thế, nên anh muốn Cát Tường xem anh như người anh của Cát Tường. Anh muốn mỗi khi Cát Tường có điều gì suy nghĩ, bận trí, Cát Tường nói cho anh nghe với.

- Cho đến khi nào? Cho đến khi ông Năm về, hở anh?

Trúc im lặng. Ngoài sân vắng có tiếng chim gọi nhau nghe thật rõ. Trúc sực nhớ rằng dưới rẫy có lũ trẻ nhỏ đang chờ mình.

- Cát Tường! Đừng buồn nữa, xuống rẫy chơi đi!

- Em sắp phải nấu cơm.

- Xuống chơi một lát đi! Ngồi một mình, lại suy nghĩ vẩn vơ.

- Nhưng... mới khóc xong, xấu lắm, “dị” lắm!

Trúc cười:

- Không “dị” đâu! Lau nước mắt đi, để các bé thấy tưởng là chị cả nhớ nhà, các bé bắt chước thì khổ đó!

- Anh Trúc chế nhạo mãi, em cứ tưởng như mình xấu xí lắm.

- Không, trái lại nữa là khác. Anh nghĩ... nếu mà Cát Tường mặc một chiếc áo dài trắng, ôm một chiếc cặp, chắc sẽ đẹp và ngoan như một cô bé học trò.

Cát Tường mỉm cười. Lời nói như một sự khích động lớn lao. Ở trong giấc mơ, Trúc cũng khen Cát Tường đẹp khi mặc áo dài trắng. Tự nhiên Cát Tường nghe dâng lên một niềm ao ước. Ao ước một cuộc sống giản dị và bình thường – sớm có áo trắng tung tăng, chiều có nghe lời mẹ gọi - nhưng thần tiên lắm, ngọt ngào lắm, tưởng như rất khó xảy ra, hay nói đúng hơn là chẳng bao giờ xảy ra nữa.

Tiếng chân trẻ nhỏ dừng lại trước hiên nhà. Tiếng ríu rít trao đổi với nhau khiến Cát Tường đoán là có độ ba, bốn đứa đang ở ngoài cửa. Cát Tường lau vội cho khô những dấu nước mắt, rồi nhón gót nhìn ra thềm. Hiền, Lương và Hậu, ba đứa con trai nhỏ đang ló đầu vào cửa sổ phòng học. Hiền nói:

- Anh Trúc ơi! Sao lâu vậy?

Trúc đáp:

- Thì tại vì anh chờ chị Cát Tường đây này! Chị ấy đang bận… vá chiếc áo…

Hậu hỏi:

- Áo nào hở chị?

Trúc cười:

- Xong rồi, chị ấy cất rồi. Bây giờ thì chị Cát Tường sẽ xuống chơi với các em.

- Cả anh nữa chứ?

- Ừ, thì có anh nữa.

Trúc quay lại nói với Cát Tường:

- Không biết có trò chơi gì đây mà các bé bắt anh phải làm “vai chính”.

Cát Tường ngơ ngác:

- Cái gì vậy?

Hậu đáp nhanh nhẩu:

- Chị cứ xuống rẫy coi thì rõ. Cả đám chờ ở dưới ấy.

Cát Tường nhẹ cốc đầu thằng bé, mắng yêu:

- Bé Hậu này, được cái chơi đùa thì thích nhé, chứ động đến sách vở thì sợ lắm.

- Cho em chơi đi, ngày mai em học bù.

- Ngày mai… ngày mai chẳng bao giờ đến cả.

Hậu cười lấp, nắm tay Cát Tường lôi đi. Cát Tường vừa cười vừa nói:

- Chẳng hiểu gì hết. Các bé làm gì đây?

Trúc đi theo sau với Hiền, Lương. Năm người xuống đường dốc thấp, tới đám rẫy trồng khoai sắn. Đi từ trên, đã thấy ở bên dưới, lũ trẻ nhỏ đứng thành một đoàn. Chúng reo hò khi thấy Trúc và Cát Tường. Khánh chạy đến, nói ngay:

- Rồi, đã đông đủ tất cả, chúng ta bắt đầu chơi.

Cát Tường hỏi:

- Bé Nhu Mì đâu?

Từ đám đông, bé Nhu Mì chạy ra, giơ một tay lên khỏi đầu. Đôi môi mọng đỏ tươi tắn hơn mọi ngày, đang mấp máy như muốn nói: “Em đây!” Lần đầu tiên bé xuống rẫy vui cùng các bạn. Vì ai thế? Vì một trò chơi nào sắp bày ra đây làm nôn nao lòng bé?

Trúc đứng thẳng người, nói:

- Bây giờ Khánh cho biết trò chơi đi!

- Trò chơi rất giản dị: em muốn anh Trúc làm ông Quy-Li-Ve. Ông Quy-Li-Ve là thuyền trưởng của một chiếc chiến hạm.

Hiền la lên:

- Không phải! Ông ấy là một tên cướp biển.

Cát Tường nói:

- Các em quên rồi à? Quy-Li-Ve là một y sĩ làm việc trên các tàu biển.

Khánh cười:

- A đúng rồi. Quy-Li-Ve là y sĩ. Ông ta bị đắm tàu và trôi dạt trên biển. Ông ngất đi. Đến lúc tỉnh dậy ông thấy mình bị trói chân tay, và vây quanh ông là những người nhỏ tí xíu. Đó là người của nước tí hon “Chim Chích”.

Trúc ngơ ngác:

- Nhưng trò chơi gì đây?

- Khoan. Để em thuật chuyện cho có đầu có đuôi. Mấy người dân của nước “Chim Chích” sợ ông Quy-Li-Ve lắm, giống như mình sợ người khổng lồ vậy, nên họ trói ông ấy thật chặt. Họ còn bắn những mũi tên tí hon vô người ông ấy nữa.

Hậu tiếp lời:

- Nhưng đến khi Quy-Li-Ve tỉnh dậy, người tí hon thấy ông ấy hiền lành, nên vác những thúng thịt cừu tới cho ông ăn, đem rượu vang cho ông uống, rồi… rồi….

Khánh:

- Rồi họ đóng một cái xe vừa với thân hình của Quy-Li-Ve để chở ông ấy về kinh thành.

Đám trẻ đồng loạt vỗ tay. Trúc đứng lặng người, nửa bàng hoàng nửa sung sướng. Chừng như câu chuyện Gulliver đều được những đứa trẻ ở đây thuộc lòng. Cái câu chuyện được viết ra bởi một nhà văn người Ái Nhĩ Lan mà thuở nhỏ Trúc đọc không mấy thích, giờ trở nên sống động dạt dào. Vì nhân vật đó bây giờ là Trúc. Từ một tai nạn, Trúc đã làm một kẻ lạc loài. Giữa cánh rừng thưa nghe tiếng trẻ ríu rít, nghe tiếng xe cót két đẩy tới, đưa mình về làng nhỏ. Có những điều mình cho là chỉ có trong trí tưởng tượng, lại xảy đến cho chính mình. Và cái làng cô nhi “Chim sâu nhỏ” này, là một sự thật trên đất nước của mình.

Trúc nói, với giọng xúc động, khi tiếng vỗ tay đã dứt:

- Anh hiểu rồi! Bây giờ anh sẵn sàng làm theo ý muốn của các em. Trò chơi gì đây?

Khánh nói:

- Gần nửa tháng nay anh Trúc sống ở xứ tí hon, đến một hôm dân chúng muốn mở tiệc đãi anh. Nhưng đặc biệt, dân chúng chỉ đem đến cho anh những gì mà anh yêu cầu. Trò chơi là như vậy. Bây giờ, Quy-Li-Ve đứng giữa, chúng em chia làm hai nhóm. Hễ Quy-Li-Ve bảo thích thứ gì, mọi người sẽ thi nhau đi tìm cho anh thứ nấy. Bên nào đếm được nhiều món hơn, sẽ được bên bị thua cõng đi một vòng.

Đám trẻ vỗ tay thích thú. Khánh nói tiếp:

- Em dẫn đầu một phe, chị Cát Tường một phe.

Lũ trẻ nhỏ giành nhau chia phe. Nhu Mì chạy lại với Cát Tường. Trúc đứng một mình ở giữa. Xong xuôi. Khánh nói lớn:

- Chuẩn bị nhé! Anh Trúc, ủa quên, Quy-Li-Ve cứ truyền lệnh, chúng em đã sửa soạn đủ. Nhưng anh không được đòi hỏi những thứ mà nước tí hon không thể có nghen!

Trúc đồng ý, suy nghĩ và nói:

- Bây giờ Quy-Li-Ve đang đói. Anh muốn có một củ khoai mới luộc.

Lũ trẻ tranh nhau đem khoai tới. Phe của Khánh đến trước. Trúc nhận củ khoai, rồi nói:

- Ăn no rồi, anh muốn có… nước uống.

Chỉ có một bình nước của phe Cát Tường đem lại. Trúc dốc ngược cái bình: không có một giọt nước. Phe của Khánh la hò phản đối. Trúc cười:

- Nhưng có cái bình tượng trưng là được rồi. Bây giờ… Quy-Li-Ve muốn có một cái mũ con trai.

Cái mũ của bé Hảo được lấy xuống. Lũ trẻ lại reo hò cổ võ. Trúc nói ngay:

- Một cái áo con trai.

Khánh cởi áo của mình vứt nhanh cho Trúc.

- Một cái kẹp tóc.

Mấy đứa bé gái vội vã gỡ kẹp xuống. Trúc nhận chiếc kẹp của Diệu rồi nói tiếp:

- Một chiếc dép… đứt quai.

Thế là có một màn tìm kiếm dưới chân của nhau. Rốt cuộc chỉ có Lương đem đến cho Trúc chiếc dép xơ xác của cậu bé. Cát Tường và Khánh cùng la lớn thúc giục phe của mình:

- Cố lên!

- Cố lên!

- Phải lẹ tay mới được nghen các em!

Trúc đứng yên suy nghĩ. Hết nghĩ ra được thứ gì để đòi hỏi. Ở hai bên, đám trẻ cứ chờ đợi, hồi hộp. Sau nửa phút, Trúc hô to:

- Quy-Li-Ve… muốn có một bông hoa.

Đám trẻ hơi lúng túng vì cứ chuẩn bị những thứ trên người mình, bây giờ phải chạy ra đi tìm bông hoa. Những hoa dại bị hái và đem tới cho Trúc. Trúc nói tiếp:

- Một cây củi.

Lũ trẻ hè nhau chạy tới cuối rẫy. Khi cây củi nhanh nhẹn nhất được trao cho Trúc, Trúc nói ngay:

- Một xe chở củi.

Lũ trẻ lại xô đẩy nhau chạy lên dốc. Trúc cười vang theo với chúng, và nhìn theo những bước chân chạy vội vàng. Phía đó, Trúc đã thấy, chiếc áo đen của Cha Đạo hiện rõ trên nền trắng của trời chiều. Cha đang mỉm cười nhìn bọn trẻ chơi đùa như chưa bao giờ được vui vẻ như vậy.

Chiếc xe được lũ trẻ đẩy chạy xuống dốc. Khi đến nơi, chúng giành nhau phần thắng. Trúc phải giảng hòa:

- Món này xem như huề đi, vì cả hai phe đều có công. Bây giờ…

Lũ trẻ sắp xếp lại hàng ngũ, chờ đợi. Trúc vỗ trán suy nghĩ, rồi:

- Một sợi tóc thật dài.

Cát Tường bứt nhanh một sợi tóc của mình, chạy đến đưa cho Trúc. Lũ trẻ reo hò ầm ĩ. Trúc cầm lấy sợi tóc rồi la lớn:

- Thôi! Quy-Li-Ve xin cám ơn dân chúng xứ tí hon. Ở đây cái gì cũng có, thật là sung sướng. Nếu mà anh đòi hỏi thêm nữa thì tội lắm. Bây giờ để anh đếm nhé! Chiếc xe kể như của chung rồi, không kể. Còn lại… xem nào, phe của Khánh thắng rồi!

Tiếng trẻ nhỏ xôn xao:

- Phe chị Cát Tường phải cõng.

- Không! Không! Bên này nhiều con gái, ít con trai, làm sao cõng nổi bên đó?

- Rán chịu, phải cõng! Phải cõng!...

- Không chịu! Chiếc xe là của phe này lấy trước.

Cát Tường can:

- Đừng cãi vã, các bé! Hồi nãy bé nào chạm tay vào xe củi trước nhất?

- Chị Thương.

- Vậy là phe ta có công trước. Xem như huề.

Khánh la lên:

- Không chịu. Nếu vậy anh Trúc muốn một thứ nữa đi!

Trúc cười:

- Anh hết ý rồi! Bây giờ… để coi, anh cần… à, để anh cần người nhé! Anh cần một người… một người…

Một giọng nói tinh nghịch con trai cất lên:

- Một người… vợ!

Lũ trẻ ré lên cười. Nhưng bé Nhu Mì đã bất thình lình nắm tay Cát Tường kéo chạy đến phía Trúc. Trúc còn đứng ngơ ngác, trong khi lũ trẻ vỗ tay reo cười vang dội, mà Cát Tường thì xấu hổ nóng bừng cả mặt. Cát Tường giật tay ra khỏi tay bé Nhu Mì chạy băng lên dốc. Ở đàng sau, tiếng gọi của đám trẻ nghe xôn xao như tiếng rượt đuổi. Ở phía trước, bóng áo của Cha Đạo như cũng tươi tắn lên với nụ cười của Cha. Xung quanh ai cũng cười vui. Cát Tường thì muốn trốn cho biến mất. Nỗi gì kỳ lạ quá, lâng lâng quá! Cát Tường chạy đến nhà, ngồi xuống bậc thềm, và kìa, Trúc đang dẫn đàn trẻ đi lên dốc. Những tiếng cười cứ chạy ùa đến hồ như làn gió. Lẫn trong tiếng cười, có những âm thanh nào là lạ. Cát Tường lắng tai nghe. Âm thanh nghe xa xa, nhưng dồn dập lắm, tựa như tiếng thúc giục trước đây mỗi khi ăn cơm. Leng keng… leng keng… leng keng… Cát Tường đứng bật dậy. Tiếng chuông rõ dần. Tiếng chuông từ ngoài cổng. Ai đã đến?

Cha Đạo cũng đã nghe. Trúc và đàn trẻ vừa lên đến nơi cũng đã nghe. Không ai bảo ai, tất cả đều ùa ra phía cổng rào mới được Trúc dựng xong. Và đồng loạt, những đứa trẻ reo lên:

- Ông Năm về! Ông Năm về!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx