sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Con Gái Người Giữ Ký Ức - Chương 09-10

Tháng Năm Năm 1970

Bố? Bố ơi?”

Nghe tiếng Paul cùng những bước chân thoăn thoắt của thằng bé trên bậc thang ga ra, David rời mắt khỏi tấm giấy ảnh đã được phơi sáng mà anh vừa thả vào thuốc tráng phim.

“Gượm đã!” anh kêu lên. “Đợi đã, Paul.” Nhưng anh vừa kịp mở miệng thì cánh cửa đã bật mở, ánh sáng lùa vào khắp phòng.

“Chết tiệt!” David nhìn tấm giấy tối đen lại rất nhanh, những hình ảnh biến mất dưới luồng sáng bất ngờ. “Chết tiệt, Paul, chẳng phải bố đã nói với con hàng triệu triệu tỷ tỷ lần là không được vào phòng khi đèn đỏ sao?”

“Con xin lỗi. Con xin lỗi bố.”

David hít một hơi dài, cố kiềm chế. Paul mới có sáu tuổi, và khi đứng trên bậu cửa trông thằng nhóc bé bỏng làm sao. “Thôi không sao đâu Paul. Con vào đi. Bố xin lỗi đã quát con.”

Anh ngồi xổm xuống và dang rộng vòng tay, Paul lao vào ngay, ngả đầu trên vai David trong giây lát, món tóc lởm chởm mới cắt của Paul cọ lên cổ David, vừa mềm mềm, vừa gai gai. Paul gầy nhưng rắn rỏi, khỏe mạnh, thằng bé di chuyển khắp nơi một cách hiếu động, nhẹ nhàng, thận trọng và đầy háo hức. David hôn lên trán con, hối hận vì phút cáu giận vừa qua, sững sờ ngắm xương bả vai của thằng bé, duyên dáng và hoàn hảo, sải rộng như đôi cánh dưới lớp da và những thớ cơ.

“Nào. Có chuyện gì quan trọng vậy?”. Anh hỏi, đoạn ngồi dựa ra sau, tì lên gót chân. “Chuyện gì quan trọng đến mức phá hỏng cả mấy bức ảnh của bố?”

“Bố, bố nhìn xem!” Paul nói. “Xem con tìm được gì này!”.

Anh mở nắm tay bé tí của con ra. Vài miếng đá dẹt, những chiếc đĩa mỏng với một cái lỗ ở chính giữa, nằm trong lòng bàn tay nó, chỉ nhỏ cỡ chiếc khuy áo.

“Tuyệt quá,” David vừa nói vừa cầm một mảnh lên. “Con tìm ở đâu thế?”

“Hôm qua. Lúc con đi theo Jason đến nông trại của ông bạn ấy. Ở đó có một con lạch, phải coi chừng vì mùa hè năm ngoái Jason đã trông thấy cả một con rắn hổ mang, nhưng bây giờ trời lạnh quá, rắn không ở được, nên bọn con đã lội vào rồi bọn con tìm thấy mấy mảnh đá này ngay gần mép nước.”

“Chà” David mân mê mảnh hóa thạch, nhẹ bẫng và mỏng mảnh, phải tới hàng ngàn năm tuổi, được thời gian lưu giữ chính xác hơn tấm ảnh nào. “Những mảnh hóa thạch này là một phần của một cây huệ biển đấy, Paul à. Con biết đấy, thời xa xưa, phần lớn Kentucky từng nằm dưới mức nước biển.”

“Thật ạ? Hay quá. Có ảnh ở trong cuốn sách về đá không bố?”

“Chắc có. Để bố dọn dẹp đã rồi hai bố con mình sẽ cùng xem. Làm sao kịp bây giờ?” anh nói, đoạn bước ra phía cửa buồng tối và ngó ra ngoài. Đó là một ngày mùa xuân đẹp trời, không khí thoáng đãng và ấm áp, hoa sơn thù du nở rộ xung quanh vườn. Norah đã bày bàn ăn và trải lên đó những tấm khăn rực rỡ. Nàng còn sắp cả đĩa và cốc uống rượu, ghế và khăn ăn cũng những bình hoa. Một cây cột hoa[12], vốn là một cây dương hơi cong được trang trí mà thành, đặt giữa sân, những dải ruy băng sặc sỡ rủ xuống. Cũng do nàng tự tay làm. David đã đề nghị giúp đỡ nhưng nàng từ chối. Tránh ra đi, nàng đã nói vậy. Đó là điều tốt nhất anh có thể làm bây giờ. Vậy là anh nghe lời.

Anh quay gót trở vào trong buồng tối, lạnh lẽo và kín đáo, với ánh đèn đỏ mờ đục và mùi hóa chất nồng nặc.

“Mẹ đang thay đồ,” Paul nói. “Con không được để người bẩn đâu.”

“Yêu cầu khó đây,” David ngắm nghía rồi cất mấy chai keo và thuốc tráng ảnh lên một cái giá cao, vượt hẳn tầm với của Paul. “Con vào nhà đi, nhé? Bố sẽ vào ngay. Rồi ta sẽ cùng tìm mấy bông huệ biển kia.”

Paul chạy xuống cầu thang; David thoáng thấy nó chạy ào qua bãi cỏ, tấm cửa lưới của căn nhà đóng sập lại sau lưng nó.

Anh rửa sạch mấy cái khay và dựng lên cho khô, rồi lấy phim ra khỏi chậu thuốc tráng và đổ dung dịch đó đi. Ở trong buồng tối thật là thanh bình, mát lạnh và yên tĩnh, anh đứng đó thêm vài giây rồi theo gót Paul. Ở bên ngoài, những tấm khăn trải bàn khẽ dợn lên theo từng cơn gió thoảng. Những giỏ con, kết bằng giấy và cắm đầy những hoa xuân, tô điểm thêm cho mỗi chiếc đĩa. Hôm qua, đúng ngày mùng Một tháng Năm, Paul đã cầm những chiếc giỏ như thế sang các nhà hàng xóm, treo lên từng cánh cửa, gõ cửa và chạy đi nấp để xem cảnh mọi người phát hiện ra chiếc giỏ. Đó là sáng kiến của Norah: nghệ thuật, sức sống và trí tưởng tượng của nàng.

Nàng đang ở trong bếp, đeo một chiếc tạp dề bên ngoài bộ đồ màu san hô, đang dở tay xếp mùi tây và cà chua bi lên dĩa thịt.

“Mọi thứ xong hết rồi à?” Anh hỏi. “Ngoài kia bày biện đẹp quá, anh giúp gì được không?”

“Anh thay đồ đi nhé?”, nàng nói mắt liếc đồng hồ rồi lấy khăn lau khô tay. “Nhưng giờ anh bê cái đĩa này để vào tủ lạnh dưới nhà được không? Nó đầy rồi. Cảm ơn anh.”

David đỡ lấy cái đĩa, chất thủy tinh mát rượi trên tay anh. “Cả một núi việc ấy nhỉ,” anh nhìn nàng. “Sao em không đặt đồ ăn?”

Anh có ý giúp nàng nhưng Norah đã dừng bước trên đường ra cửa, cau mày lại.

“Bởi vì em thích làm,” nàng đáp. “Lên kế hoạch và nấu nướng- tất cả mọi việc. Bởi vì em cảm thấy rất dễ chịu khi làm ra những thứ đẹp đẽ từ những vật tầm thường. Em có rất nhiều năng khiếu,” nàng nói thêm, giọng lạnh băng, “dù anh có biết hay không.”

“Ý anh không phải vậy.” David thở dài. Dạo này họ giống như hai hành tinh quay xung quanh một mặt trời, không va chạm mà cũng chẳng tiến gần nhau hơn chút nào. “Ý anh là, sao em không nhờ ai phụ giúp? Thuê người nấu ăn chẳng hạn. Chúng ta hoàn toàn có thể lo được chi phí cơ mà.”

“Không phải vấn đề tiền nong.” nàng nói, lắc đầu, và bước ra ngoài.

Anh cất đĩa thức ăn rồi lên gác cạo râu. Paul bám theo anh, nó ngồi trên thành bồn tắm, vừa nói liếng thoắng, vừa gõ gót chân lên lớp men sứ. Thằng bé yêu nông trại của ông Jason, nó đã giúp ông vắt sữa bò, còn ông Jason cho nó uống ít sữa, vẫn còn âm ấm và có vị của cỏ.

David lấy chiếc chổi lông mềm xoa đều xà phòng, vui vẻ lắng nghe. Lưỡi dao cạo trượt những đường rất êm và mềm mại trên da anh, hắt những đốm sáng lấp lóa trên trần nhà. Trong chốc lát, cả thế giới như dừng lại, bất động: không khí mùa xuân nhẹ nhàng, mùi hương xà phòng cùng giọng nói phấn khích của con trai anh.

“Bố đã từng vắt sữa bò rồi đấy nhé,” David nói. Anh lau khô mặt và với tay lấy chiếc áo sơ mi. “Hồi xưa bố có thể bắn tia sữa vào trúng miệng con mèo cơ.”

“Ông bạn Jason cũng làm được thế đấy! Con thích Jason lắm. Ước gì bạn ấy là anh trai con.”

David, vừa thắt cà vạt vừa ngắm hình ảnh Paul trong gương. Trong cái lặng im không hoàn toàn tĩnh tại ấy - vòi nước bồn rửa nhỏ tí tách, kim đồng hồ tích tắc khe khẽ - anh miên man nghĩ tới con gái mình. Cứ chừng vài tháng một lần, rà qua những thư từ gửi đến văn phòng, anh lại gặp một bức thư với nét chữ ngoằn ngoèo của Caroline. Những bức thư đầu tiên đến từ Cleveland, còn đến giờ cứ mỗi phong bì lại đóng dấu một bưu điện khác. Đôi khi Caroline gửi từ một số hòm thư bưu điện mới - luôn luôn là những địa điểm khác nhau, những thành phố cực kỳ đông đúc - và mỗi lần cô làm vậy, David lại gửi tiền. Họ chưa bao giờ hiểu rõ về nhau, vậy mà những lá thư cô gửi cho anh qua năm tháng ngày càng thêm phần thân thiết. Những lá thư gần đây nhất có lẽ vừa được xé ra từ chính nhật ký của cô, được bắt đầu bằng David thân mến hay chỉ đơn giản là David, những suy nghĩ của cô tuôn trào như thác lũ. Nhiều khi anh cố gắng vứt những lá thư đi mà không hề mở ra, nhưng rốt cuộc anh vẫn lục lại chúng từ trong thùng rác và đọc vội vã. Anh khóa kỹ chúng trong tủ hồ sơ đặt ở buồng tối để luôn biết chắc nơi cất. Để Norah không bao giờ tìm thấy.

Có một lần, cách đây cũng nhiều năm rồi, khi những lá thư đầu tiên tới tay anh, David đã lái xe thẳng một mạch tám tiếng liền đến Cleveland. Anh đi khắp thành phố suốt ba ngày trời, lùng sục khắp các danh bạ điện thoại, hỏi thăm từng bệnh viện. Ở bưu điện trung tâm anh đã chạm đầu ngón tay lên cánh cửa bằng đồng nhỏ xíu đánh số 621, nhưng ông trưởng bưu cục không chịu cho anh biết tên hay địa chỉ của chủ hộp thư. Tôi sẽ đứng đây đợi vậy, David nói và người đàn ông nhún vai. Cứ việc, ông ta nói. Tốt hơn hết là anh nên mang theo cả thức ăn nữa ấy. Phải nhiều tuần nữa may ra có người mới tới lấy thư.

Cuối cùng, anh đã bỏ cuộc và quay về nhà, mặc kệ thời gian trôi qua, ngày nối ngày, khi Phoebe cứ lớn dần mà không có anh. Mỗi lần gửi tiền, anh lại gửi kèm một mẩu giấy nhắn Caroline báo cho anh biết nơi cô sống, nhưng anh không ép cô, hay thuê một thám tử tư như cái ý định đôi lúc nảy sinh trong đầu anh. Anh tin mình muốn tìm ra cô. Anh tin rằng một khi anh làm được - một khi anh có thể sửa chữa mọi chuyện - anh có thể nói với Norah sự thật.

Anh tin tưởng tất cả những điều đó, anh thức dậy mỗi sáng và đi bộ đến bệnh viện. Anh tiến hành những cuộc phẫu thuật, chuẩn đoán các bản chụp X-quang rồi về nhà, xén cỏ ngoài sân và chơi đùa với Paul; cuộc sống của anh đã viên mãn. Nhưng ngay cả thế, thì cứ độ vài tháng, không hiểu vì lý do gì anh lại choàng tỉnh và nhận ra mình vừa mơ thấy Caroline Gill nhìn anh trân trối từ ngưỡng cửa phòng khám hay bên kia sân nhà thờ. Bừng tỉnh, run rẩy, anh mặc quần áo và đi xuống phòng làm việc hoặc ra buồng tối, ở đó anh soạn tài liệu hoặc thả ảnh vào chậu hóa chất, ngắm nhìn những hình ảnh hiện dần lên trên nền giấy trống trơn.

“Bố, bố quên không tra mấy mẫu hóa thạch à,” Paul nói. “Bố hứa rồi mà.”

“À, phải rồi,” David nói, giật mình trở về với thực tại rồi chỉnh lại nút thắt cà vạt. “Phải rồi, con trai. Bố hứa mà.”

Hai bố con cùng nhau xuống căn phòng nhỏ dưới nhà và bày những cuốn sách quen thuộc ra bàn. Mảnh hóa thạch là một loại hoa huệ biển, là một phần của loài sinh vật biển có bề ngoài giống như một bông hoa. Những mảnh đá hình cúc áo xưa kia từng là những phiến đá góp phần tạo nên những cột trụ. Anh khẽ đặt tay lên lưng Paul, cảm nhận từng thớ thịt của thằng bé, thật ấm áp và sống động, cùng những đốt xương sống mảnh dẻ ẩn dưới làn da nó.

“Để con đem cho mẹ xem.” Paul nói. Thằng bé vơ hết các mẫu hóa thạch rồi chạy ào ra khỏi nhà qua cửa hậu. David rót một ly rượu rồi đến đứng bên cửa sổ. Có vài người khách đã tới, đang đứng rải rác quanh bãi cỏ, cánh đàn ông mặc áo khoác xanh sẫm, các bà các cô lại như bông hoa xuân sặc sỡ trong những bộ đồ màu hồng, vàng rực, và lam nhạt. Norah len lỏi giữa đám đông, ôm hôn những người phụ nữ, bắt tay, giới thiệu mọi người. Khi David mới biết nàng, nàng rất ít nói, điềm tĩnh, khép kín, và thận trọng. Anh chưa từng tưởng tượng nổi là sẽ có khi thấy nàng như trong giờ khắc này, ham giao du và thoải mái, tổ chức hẳn một buổi tiệc do chính tay mình chuẩn bị đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngắm nhìn nàng, David bỗng thấy trong lòng ngập tràn một cảm giác tựa như là khao khát. Khao khát điều gì?. Cuộc sống lẽ ra họ đã có, chắc vậy. Dường như Norah đang vui vẻ, nàng cười vang trên bãi cỏ. Tuy vậy David biết rằng thành công này là không đủ, dù chỉ cho một ngày. Đến tối nàng sẽ nghĩ ra việc gì khác, nếu anh tỉnh dậy giữa đêm khuya, lướt tay trên những đường cong tấm lưng nàng, hy vọng sẽ làm nàng giật mình, thì nàng cằn nhằn, giữ tay anh lại rồi quay đi mà không hề tỉnh ngủ.

Paul đang ngồi trên xích đu, bay cao tít lên trời xanh. Trên cổ thằng bé là một sợi dây dài xâu mấy mảnh hóa thạch hoa huệ biển, chúng nẩy lên rồi lại rơi xuống, nhảy nhót trên ngực thằng bé, có lúc lại đập vào sợi dây treo xích đu.

“Paul.” Norah kêu lên, giọng nàng vang lên rành rõ dù ở ngoài trời. “Paul, bỏ ngay thứ ấy ra khỏi cổ con đi. Nguy hiểm lắm.”

David uống nốt hớp rượu và ra ngoài. Anh gặp Norah trên bãi cỏ.

“Đừng em.” anh nhẹ nhàng nói, đặt tay lên cánh tay nàng. “Con tự làm đấy.”

“Em biết. Em đã cho nó sợi dây. Nhưng nó đeo lúc khác cũng được. Nếu nó trượt chân ngã trong lúc chơi mà dây bị vướng, cái dây có thể siết cổ thằng bé đấy.”

Nàng vô cùng căng thẳng, anh bèn thả tay xuống.

“Chắc không đâu,” anh nói, thầm ước mình có thể xóa đi những mất mát và những gì nó đã gây ra với cả hai người. “Norah, sẽ không có chuyện gì xảy ra với con đâu.”

“Anh làm sao biết được.”

“Kể cả thế, David nói đúng đấy Norah.”

Tiếng nói phát ra từ sau lưng. Anh quay lại và thấy Bree, sự hoang dại, cảm xúc và vẻ đẹp của cô tràn qua nhà họ như một cơn gió. Cô mặc một chiếc váy mỏng nhẹ dành cho tiết xuân, dường như bồng bềnh theo mỗi bước chân đi, và nắm tay một chàng thanh niên trẻ, thấp hơn cô: râu ria cạo sạch nhẵn, mái tóc hung hung đỏ, chân đi xăng đan và không cài khuy cổ áo.

“Bree, thật đấy, sợi dây có thể bị vướng và siết cổ thằng bé.” Norah khăng khăng, nàng quay người lại.

“Nó đang chơi đu mà.” Bree dịu dàng nói với nàng trong khi Paul bay cao giữa trời, đầu ngả ra sau, ánh nắng rót lên khuôn mặt nó. “Chị xem xem thằng bé vui chưa kìa. Đừng bắt nó xuống và làm nó lo lắng. David nói đúng đấy, sẽ chẳng có chuyện gì đâu.”

Norah cố nở nụ cười. “Không à? Thế giới có thể sụp đổ. Chỉ mới hôm qua chính miệng em đã nói thế kia mà.”

“Nhưng đấy là ngày hôm qua.” Bree nói. Cô chạm vào tay Norah và họ nhìn nhau một lúc lâu, trong khoảnh khắc họ kết nối với nhau theo cách khiến tất cả những người khác đều bị gạt ra ngoài lề. David quan sát mà thấy lòng dâng trào khao khát, những kỷ niệm về em gái anh chợt ùa về, hai anh em trốn dưới gầm bàn bếp, hé nhìn qua những nếp gấp của tấm vải dầu, cố nén cười. Anh nhớ mãi ánh mắt em, hơi ấm trên cánh tay em, và niềm vui khi có em ở bên.

“Hôm qua có chuyện gì cơ?” David hỏi, gạt những ký ức qua một bên, nhưng Bree lờ đi, vẫn nói chuyện với Norah.

“Chị à, em xin lỗi,” cô nói. “Hôm qua mọi chuyện cứ rối tung hết cả lên. Em cư xử hơi quá.”

“Chị cũng xin lỗi,” Norah nói. “Chị rất mừng vì em vẫn đến chơi.”

“Hôm qua có chuyện gì? Em có mặt ở chỗ đám cháy hả Bree?” David lại hỏi. Anh và Norah đã tỉnh giấc giữa đêm khi nghe tiếng còi báo động, ngửi thấy mùi khói cay sè và thấy một khoảng sáng kỳ dị hắt lên bầu trời. Họ ra ngoài đứng bên cạnh những người hàng xóm trên bãi cỏ tối om, im ắng, mắt cá chân ướt đẫm sương, trong khi đó, trong khuôn viên trường đại học, tòa nhà ROTC bốc cháy ngùn ngụt. Đã từ nhiều ngày nay các cuộc biểu tình trở nên gay gắt hơn, không khí căng thẳng bao trùm, vô hình nhưng hiện hữu, trong khi đó những làng mạc dọc sông Mê Kong, bom rơi đạn nổ và người dân chạy loạn, bế những đứa trẻ đã chết trên tay. Bên kia sông ở Ohio, bốn sinh viên đã thiệt mạng. Nhưng không một ai có thể tưởng tượng nổi chuyện này ở Lexington, Kentucky: một quả bom xăng rồi một tòa nhà chìm trong biển lửa, cảnh sát đổ ra khắp các tuyến phố.

Bree quay sang phía anh, mái tóc dài lúc lắc trên vai và lắc đầu. “Không, em không có ở đó, nhưng Mark thì có.” Cô mỉm cười với chàng thanh niên đi cùng và đưa cánh tay thon dài khoác tay anh ta. “Đây là Mark Bell.”

“Mark đã từng chiến đấu ở Việt Nam,” Norah chêm vào. “Hiện giờ cậu ấy đang tham gia biểu tình phản chiến.”

“À,” David nói. “Một phần tử quá khích.”

“Em nghĩ là người biểu tình thì đúng hơn,” Norah chữa lại, rồi vẫy tay về phía bên kia bãi cỏ. “Kay Marshall kìa,” nàng nói “Xin lỗi mọi người một chút nhé?”

“Thế là người biểu tình hả,” David nhắc lại, anh nhìn Norah quay gót bước đi, gió lùa nhè nhẹ trên tay áo bộ đồ bằng lụa nàng mặc.

“Phải” Mark đáp. Anh ta nói bằng giọng cố ý bỡn cợt bản thân, chất giọng quen quen khiến David nhớ tới giọng của bố anh, trầm và êm. “Cuộc đeo đuổi công bằng và công lý không ngừng nghỉ.”

“Cậu có mặt trên bản tin nữa,” David nói, lập tức nhớ ra ngay anh chàng. “Tối qua. Cậu có phát biểu vài lời. Chà. Chắc cậu rất vui mừng vì đám cháy đó.”

Mark nhún vai. “Không vui. Không hối tiếc. Nó đã xảy ra, thế thôi. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục.”

“David, sao anh hằn học thế nhỉ?” Bree hỏi, đôi mắt xanh nhìn anh như đóng đinh.

“Anh không hằn học,” David đáp, nhưng anh biết mình có cảm giác đó ngay cả khi nói ra. Anh cũng nhận ra mình bắt đầu nén bẹt rồi kéo dài các nguyên âm, bị thu hút bởi một sức hút ngôn từ sâu thẳm bên trong, kiểu nói đã quá quen thuộc và hấp dẫn như nước chảy. “Anh chỉ đang thu thập tin tức, thế thôi. Quê cậu ở đâu?”

“Tây Virginia, gần Elkins. Sao?”

“Chỉ tò mò thôi. Gia đình tôi từng sống ở đó.”

“Em không biết chuyện đó đấy, David.” Bree nói. “Em tưởng anh sinh ra ở Pittsburgh”

“Gia đình anh từng sống gần Elkins,” David lặp lại. “Cũng lâu rồi.”

“Thật hả?” Ánh nhìn của Mark đối với anh đã bớt phần đề phòng. “Nhà anh làm than à?”

“Thỉnh thoảng, vào mùa đông thôi. Gia đình tôi có một nông trại. Cuộc sống cũng khó khăn lắm nhưng không vất vả bằng làm than.”

“Nhà anh giữ đất đai chứ?”

“Phải.” David nghĩ tới ngôi nhà anh đã không nhìn thấy gần mười lăm năm nay.

“Sáng suốt đấy. Ông già tôi ấy, ông ấy đã bán hết đất đai. Năm năm trước khi ông chết trong mỏ than, chúng tôi chẳng biết phải đi đâu. Chẳng có chỗ nào mà đi.” Mark cười chua chát và ngẫm nghĩ một lát. “Anh đã từng quay lại đó chưa?”

“Cũng lâu lắm rồi tôi chưa về. Còn cậu?”

“Không. Sau khi rời Việt Nam tôi vào đại học Morgantown, theo diện ưu tiên cho cựu binh. Cái cảm giác khi trở lại, lạ lắm. Tôi thuộc về nơi này, rồi không còn thuộc về nó nữa, không biết anh có hiểu ý tôi không. Khi ra đi, tôi không nghĩ là mình đang lựa chọn, vậy mà lại đúng như thế.”

David gật đầu. “Tôi hiểu,” David nói. “Tôi hiểu ý cậu mà.”

“Ừm,” Bree cất lời, sau hồi lâu im lặng. “Hai anh ở đây nhé. Em càng lúc càng thấy khát. Mark? David? Có ai muốn uống gì không?”

“Anh đi với em.” Mark nói, đoạn chìa tay ra với David. “Thế giới nhỏ quá, phải không? Rất vui được gặp anh.”

“David là một điều bí ẩn đối với tất cả mọi người.” Bree vừa nói vừa kéo anh ta đi. “Anh cứ hỏi Norah mà xem.”

David nhìn họ mất hút vào đám đông đang đi lại náo nhiệt. Một cuộc gặp gỡ bình thường,vậy mà anh lại cảm thấy bị khích động một cách kì dị, thấy mình bị bóc trần và thật mong manh, quá khứ tràn về như biển dâng. Mỗi sáng anh lại đứng hồi lâu trên bậc cửa văn phòng, ngắm nhìn thế giới giản dị sạch sẽ của mình: những dây dụng cụ xếp ngăn nắp, tấm vải trắng bong phủ trên bàn khám. Nhìn bề ngoài, anh là người thành công trên mọi phương diện, nhưng bản thân anh lại chưa bao giờ cảm thấy trọn vẹn niềm kiêu hãnh và sự an lòng như mình mong muốn. Bố nghĩ là đã đến lúc rồi, bố anh đã nói vậy khi sập cánh cửa xe tải và đứng trên vỉa hè kế trạm dừng xe buýt vào cái ngày David khăn gói đi Pittsburgh. Bố nghĩ đây là lần cuối chúng ta trông ngóng tin con, con còn phải thăng tiến và nhiều thứ nữa phải lo. Con sẽ không có thời gian cho chúng ta nữa đâu. Và David, đứng trên vỉa hè, những chiếc lá đầu mùa rụng rơi quanh anh, cảm thấy nỗi tuyệt vọng sâu sắc, bởi vì ngay trong khoảnh khắc ấy, anh đã linh cảm thấy những gì bố anh nói sẽ trở thành sự thực: dù bản thân anh toan tính điều gì, dù anh có yêu họ đến đâu, cuộc đời anh cũng sẽ kéo anh đi xa dần.

“Anh vẫn ổn đấy chứ, David?” Kay Marshall hỏi. Cô ta tiến đến, tay ôm một bình hoa tulip màu hồng phớt, mỗi cánh hoa mỏng manh tựa mép lá gan “Trông anh đăm chiêu thế.”

“À, Kay,” anh đáp. Cô ta khiến anh phần nào nghĩ tới Norah, có gì đó như sự cô đơn ẩn dưới vẻ ngoài trau chuốt cẩn thận của cô. Có lần, sau khi nốc rượu say mèm ở một bữa tiệc, Kay bám theo anh vào hành lang tối om, vòng tay qua cổ anh và hôn anh. Giật mình, anh đã hôn lại cô ta. Giây phút đó đã qua lâu, và dù vẫn hay nhớ tới làn môi mát lạnh bất thần áp lên môi mình, nhưng mỗi lần nhìn thấy cô ta, David lại tự hỏi liệu nó đã thực sự xảy ra chưa. “Lúc nào trông cô cũng quyến rũ chết người, Kay ạ.”Anh giương mục kỉnh nên nhìn cô. Cô nhoẻn miệng cười vang rồi bước tiếp.

Anh bước vào bầu không khí mát lạnh của ga ra rồi đi lên gác, lấy chiếc máy ảnh trong tủ ra và lắp một cuốn phim mới. Giọng Norah vượt lên hẳn tiếng ồn ào của đám đông. Anh nhớ lại cảm giác trên làn da nàng khi anh chạm vào nàng sáng đó, đường cong mềm mại của sống lưng nàng. Anh nhớ khoảnh khắc nàng và Bree chia sẻ cùng nhau, họ thật sự gắn kết, hơn mọi mối dây tình cảm mà vợ chồng anh từng có. Anh muốn, anh thầm nghĩ, rồi quàng dây máy ảnh qua cổ. Anh rất muốn.

Anh đi quanh các bàn tiệc, cười và chào hỏi, bắt tay, né tránh mọi cuộc trò chuyện để có thể ghi lại những khoảnh khắc của bữa tiệc vào phim. Anh ngừng lại trước bình hoa tulip của Kay, ngắm thật gần, chợt thấy chúng thật sự giống đường nét mỏng mảnh của tế bào gan và hẳn sẽ rất thú vị nếu đóng khung hai bức hình chụp chúng và đặt cạnh nhau. Anh khám phá ra rằng bằng một cách bí ẩn nào đó, cơ thể chính là hình ảnh phản chiếu hoàn hảo của vạn vật. Anh chìm đắm trong đó, những âm thanh của bữa tiệc nhòa dần khi anh say sưa với những bông hoa, và anh bỗng giật mình khi nhận thấy bàn tay Norah đặt lên tay anh.

“Cất cái máy ảnh đi,” nàng nói. “Em xin anh. Đang tiệc tùng mà David.”

“Mấy bông hoa tulip đẹp quá,” anh dợm giọng, nhưng không tài nào giải thích được, anh không biết phải diễn tả lý do khiến những hình ảnh đó mê hoặc anh đến vậy.

“Đang bữa tiệc,” nàng lặp lại. “Anh có thể đứng ngoài mà chụp ảnh, nếu không thì tự lấy cho mình đồ uống và tham gia cùng mọi người.”

“Anh có rượu rồi,” anh phân bua. “Chẳng ai để ý đến việc anh chụp ảnh đâu, Norah.”

“Em để ý. Làm thế là bất lịch sự.”

Họ nói rất nhỏ, và giữa cuộc trao đổi Norah không ngừng mỉm cười. Trông nàng rất điềm tĩnh; vẫn gật đầu và vẫy tay với mọi người ở phía bên kia bãi cỏ. Ngay cả lúc ấy David vẫn có thể cảm thấy sự căng thẳng toát ra từ nàng, và cơn giận mà nàng đang cố kìm nén.

“Em đã phải vất vả bao nhiêu,” nàng nói. “Em đã cắt đặt mọi việc. Em chuẩn bị tất cả thức ăn. Thậm chí em còn phá cả tổ ong. Sao anh không chịu tận hưởng bữa tiệc đi?”

“Em dỡ tổ ong xuống lúc nào?” anh hỏi, cố tìm một chủ đề an toàn, mắt liếc nhìn mái hiên ga ra đã sạch trơn.

“Hôm qua.” Nàng giơ cổ tay ra, vết sưng tấy lên đo đỏ. “Em không muốn anh hay Paul bị dị ứng thêm một lần nào nữa.”

“Bữa tiệc đẹp lắm,” anh nói. Trong cơn bốc đồng, anh đưa cổ tay nàng lên môi và dịu dàng hôn lên chỗ ong đốt. Nàng nhìn anh, đôi mắt mở to ngạc nhiên và lấp lánh niềm vui, rồi rụt tay lại.

“David,” nàng kêu khe khẽ, “trời đất, không phải ở đây. Không phải lúc đâu anh.”

“Bố, bố ơi,” Paul gọi to, David nhìn quanh, cố xác định xem con mình ở đâu. “Bố, mẹ, xem con này. Xem con này!”

“Thằng bé ở trên cây sếu,” Norah kêu lên, mắt tối xầm lại, chỉ tay sang bên kia bãi cỏ. “Kia, ở trên kia, thằng bé leo đến lưng chừng rồi. Sao nó làm được thế nhỉ?”

“Anh cá là thằng bé bám xích đu leo lên. Ê này!” David gọi, đoạn vẫy tay với thằng bé.

“Xuống ngay đi con!” Norah gọi. Rồi nàng quay sang David, “Nó làm em lo quá.”

“Trẻ con mà em,” David nói. “Trẻ con thích leo cây. Nó không sao đâu.”

“Mẹ ơi! Bố ơi! Cứu con với!” Paul gào to, nhưng khi họ ngước lên nhìn thì thằng bé lại cười ngặt nghẽo.

“Anh có nhớ lần nó làm thế ở tiệm tạp hóa không?” Norah hỏi. “Anh có nhớ hồi mới tập nói, nó cũng hay kêu cứu giữa cửa hàng không? Mọi người đã nghĩ là em bắt cóc nó.”

“Nó cũng từng làm thế ở phòng khám mà,” David nói. “Em nhớ không?”

Họ cùng cười vang. David cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui.

“Anh cất máy ảnh đi nhé,” nàng nói, bàn tay đặt trên cánh tay anh.

“Rồi,” anh đáp. “Để anh cất đi.”

Bree lang thang quanh cây cột hoa và nhặt một dải dây duy băng hồng tím lên. Một vài người khác thấy có vẻ thú vị, bèn tham gia trò chơi của cô. David quay gót trở lại ga ra, mắt ngắm nhìn những đầu ruy băng tung bay dập dờn. Anh nghe thấy tiếng lá cây thốt nhiên lay động, và một cành cây gãy rắc rất to. Anh thấy Bree giơ hai tay lên, dải duy băng tuột khỏi ngón tay khi cô với lên cao. Một khoảng im lặng kéo dài dằng dặc, rồi Norah thét lên. David quay lưng lại vừa đúng lúc Paul ngã bịch xuống đất, rồi khẽ nẩy lên, lưng chạm đất, chiếc vòng cổ xâu mảnh hóa thạch huệ biển vỡ vụn, những mảnh đá quí rơi vãi trên mặt đất. David xô đẩy khách khứa chạy đến, và quì gối xuống bên con. Đôi mắt sẫm của Paul tràn đầy nỗi sợ hãi. Thằng bé túm chặt lấy tay David, cố gắng thở.

“Không sao đâu,” David nói, rồi vuốt nhẹ lên trán Paul. “Con bị ngã từ trên cây xuống nên thấy khó thở thôi, không sao đâu. Thả lỏng người đi con. Hít một hơi đi. Con sẽ ổn thôi mà.”

“Con có sao không anh?” Norah hỏi, quỳ xuống bên thằng bé, nàng vẫn bận bộ đồ màu san hô. “Paul, con yêu, con có sao không?”

Paul thở hổn hển và ho hung hắng, nước mắt ầng ậng dâng lên mắt thằng bé. “Tay con đau quá,” nó cất tiếng, khi bắt đầu nói trở lại được. Người nó tái nhợt, một đường tĩnh mạch xanh mảnh hằn trên trán, David đoán được ngay thằng bé đang gắng hết sức để không khóc. “Tay con đau lắm.”

“Tay nào hả con?” David hỏi bằng giọng bình tĩnh nhất có thể. “Con chỉ cho bố xem nào.”

Đó là tay trái, và khi David thận trọng nhấc cánh tay này lên, đỡ lấy khủy tay và cổ tay, Paul hét lên đau đớn.

“David!” Norah kêu lên. “Tay con có bị gãy không?”

“Ừm, anh cũng không chắc,” anh bình tĩnh đáp, mặc dù khá chắc chắn cánh tay đã gãy. Anh nhẹ nhàng đặt cánh tay Paul lên ngực nó, rồi đặt tay lên lưng Norah để xoa dịu vợ. “Paul, bố sẽ bế con lên. Bố sẽ bế con ra xe. Rồi chúng ta đến phòng khám của bố nhé? Bố sẽ chỉ con xem tia X.”

Chậm rãi, nhẹ nhàng, anh bế Paul lên. Con trai anh nằm trên tay thật nhẹ. Khách khứa rẽ ra cho anh bước qua. Anh đặt Paul vào ghế sau, lấy một chiếc chăn trong cốp xe và quấn quanh người nó.

“Em đi cùng hai bố con,” Norah vừa nói vừa ngồi vào nghế trước bên cạnh anh.

“Còn bữa tiệc thì sao?”

“Còn rất nhiều thức ăn và rượu,” nàng đáp. “Họ chỉ cần tự tìm lấy thôi.”

Họ lái đi trong bầu không khí xuân rạng rỡ thẳng hướng bệnh viện. Thỉnh thoảng Norah vẫn hay trêu chọc anh về đêm nàng sinh, cách anh lái xe chậm và máy móc thế nào qua những con phố vắng tanh, nhưng đến hôm nay anh cũng không tài nào ép nổi mình tăng tốc.

Họ lái xe qua tòa nhà ROTC vẫn còn âm ỉ cháy. Làn khói bốc lên như những dải đăng ten tối màu. Những cây sơn thù du đang vào độ nở hoa, cánh hoa nhàn nhạt và mỏng mảnh nổi bật trên nền những bức tường đen kịt.

“Thế giới đang vỡ ra từng mảnh, cảm giác đúng là như vậy”, Norah khẽ nói.

“Không phải lúc này, Norah.” David liếc nhìn Paul qua gương chiếu hậu. Thằng bé im lặng, không phàn nàn nửa câu, nhưng nước mắt chảy dài trên hai gò má nhợt nhạt của nó.

Đến phòng cấp cứu, David dùng ảnh hưởng của mình để đẩy nhanh thủ tục nhập viện và chụp X-quang. Anh đỡ Paul nằm lên giường, để Norah đọc cho thằng bé những mẩu chuyện trong một cuốn sách nàng chộp lấy nơi phòng chờ, rồi đi lấy bản chụp X-quang. Khi nhận bản chụp từ tay kỹ thuật viên, anh thấy tay mình run lên, anh đi dọc hành lang yên tĩnh đến kì lạ trong buổi chiều thứ Bảy đẹp đẽ, tới thẳng văn phòng của mình. Cánh cửa đóng sập lại sau lưng, trong khoảnh khắc David đứng đơn độc trong bóng tối, cố gắng trấn an bản thân. Anh biết những bức tường sơn màu xanh biển nhạt, mặt bàn ngổn ngang giấy tờ. Anh biết những dụng cụ, bằng thép và crôm, sắp thành hàng trên khay bên dưới chiếc tủ ốp kính mặt tiền. Nhưng anh không nhìn thấy chúng. Anh đưa tay lên và áp lòng bàn tay vào mũi, ngay cả ở khoảng cách gần đến thế anh cũng không nhìn thấy những thớ thịt của mình, chỉ có thể cảm thấy mà thôi.

Anh rờ rẫm công tắc đèn; nó bật lên ngay khi anh chạm tới. Một tấm bảng gắn trên tường rung lên rồi tràn ngập ánh sáng trắng khiến mọi vật trông đều có màu nhợt nhạt. Trên nền sáng đó là những tấm phim âm bản anh rửa tuần trước: một seri ảnh chụp tĩnh mạch người, được chụp liên tục, với độ sáng giảm dần từng chút một, độ tương phản cũng thay đổi rất tinh tế qua từng bức ảnh. Điều khiến David vô cùng phấn khích là sự chuẩn xác mà anh đã đạt tới, và trông những bức ảnh như không phải là hình chụp bộ phận trên cơ thể con người mà giống như một vệt sét chạy thẳng xuống mặt đất, như những dòng sông trôi lững lờ, như những đợt sóng trào nơi biển cả.

Tay anh run run. Anh cố ép mình hít mấy hơi thật sâu, rồi gỡ những tấm phim âm bản xuống và kẹp bản chụp X-quang của Paul lên. Những đốt xương nhỏ bé của con trai anh, cứng cáp nhưng cũng rất mỏng manh, nổi bật hẳn lên với một sự sắc nét ma quái. David lần đầu ngón tay theo những hình ảnh tràn ngập ánh sáng. Đẹp quá, xương cậu con trai bé bỏng của anh, tuy mờ đục nhưng hiển hiện ngay đây như thể được lấp đầy trong ánh sáng, những hình ảnh mờ ảo bồng bềnh trong bóng tối phòng làm việc, vừa mạnh mẽ vừa mong manh như hai nhánh cây bện xoắn vào nhau.

Chấn thương khá rõ ràng: xương trụ chỗ khuỷu và xương quay gãy rời. Những đốt xương này chạy song song với nhau; nhưng chỗ nguy hiểm nhất cũng chính là ở đó, khi lành lại, hai xương này có thể bị dính vào nhau.

Anh bật chiếc đèn trên đầu và quay lại hành lang, mông lung nghĩ về thế giới tuyệt đẹp bên trong cơ thể người. Rất nhiều năm trước, trong một cửa hiệu bán giày ở Morgantown, trong khi bố anh thử một đôi ủng lao động và nhăn mặt trước mác giá thì David lại đứng trên cái máy chụp X-quang bàn chân, khiến những ngón chân bình thường biến thành những hình ma quái, bí ẩn. Mê mẩn, cậu bé ngắm nghía những đường sáng, vòng sáng mờ ảo phản ánh chính ngón chân, gót chân của cậu.

Dù sao sau nhiều năm trời anh mới nhận ra, nhưng đó thực sự là một khoảnh khắc quyết định. Rằng có những thế giới khác, chưa được nhìn thấy, chưa được biết tới, thậm chí nằm ngoài sức tưởng tượng, lại là những điều anh sẽ khám phá. Trong mấy tuần tiếp đó, khi ngắm nai chạy, chim vỗ cánh, lá rung rinh và thỏ chạy vọt lên từ dưới bụi cây David đều ngắm thật kỹ, cố gắng nhìn thấy cấu trúc xương bên trong của chúng. Và June- ngồi trên bậc thềm, lặng lẽ lột vỏ đậu hay tẽ ngô, hai bờ môi hé ra chăm chú - anh cũng ngắm cả cô bé nữa. Vì em vừa giống anh lại vừa không giống anh, và điều gì phân biệt giữa hai anh em vẫn còn là một bí ẩn lớn.

Em gái của anh, em yêu gió, em cười với nắng nhảy nhót trên khuôn mặt mình và không sợ rắn. Em chết khi mới mười hai tuổi, và giờ đây em đã là hư vô, chỉ còn trong kí ức yêu thương - đã không còn gì, ngoài một nắm xương tàn.

Và con gái anh, sáu tuổi, đang bước đi ngoài kia, nhưng anh không biết đến.

Khi anh quay lại, Norah đang ôm Paul trong lòng, mặc dù thằng bé đã hết cái tuổi để được ôm ấp kiểu ấy, nó khó khăn ngả đầu trên vai nàng. Cánh tay thằng bé run rẩy trong cơn co giật nhẹ do chấn thương.

“Có phải gãy xương không anh?” nàng hỏi ngay.

“Phải, anh sợ là thế,” David đáp. “Em ra xem đây này.”

Anh kẹp mấy bản chụp X-quang lên bàn đèn và chỉ vào những đường tối của vết nứt.

Bộ xương trong tủ, như mọi người vẫn nói, và khô như xương, và Tôi cần bàn với anh một vấn đề rất xương xẩu. Nhưng thật ra xương là vật thể sống; chúng tự sinh trưởng và hàn gắn; những phần bị gãy rời có thể tự liền lại.

“Em đã dè chừng lũ ong kỹ đến thế cơ mà,” Norah vừa nói vừa giúp anh đỡ Paul nằm lên bàn khám. “Mấy con ong vò vẽ ấy. Em đã dỡ cả tổ, và giờ thì thế này đây.”

“Tai nạn thôi mà,” David nói.

“Em biết,” nàng đáp, gần như bật khóc. “Thì mới là vấn đề.”

“David không đáp. Anh đã lấy đủ các dụng cụ cần thiết, giờ anh chỉ tập trung vào bó bột. Đã từ lâu anh không động tay vào việc này - thường anh chỉ nắn xương vào đúng chỗ và để y tá lo phần việc còn lại- như thế thì dễ chịu hơn. Cánh tay Paul nhỏ và lớp bột bó ngoài dày dần lên, trắng phớ như cái vỏ sò bị tẩy màu, sáng lóa và hấp dẫn chẳng khác nào một tờ giấy. Chỉ vài ngày nữa nó sẽ ngả sang màu xám nhạt, rồi chi chít những hình vẽ vui nhộn của trẻ con.

“Ba tháng,” David nói. “Sau ba tháng con sẽ được tháo bột.”

“Thế thì hết cả mùa hè rồi còn gì,” Norah nói.

“Thế còn các giải đấu mini?” Paul hỏi. “Bơi nữa?”

“Không bóng chày,” David đáp. “Không cả bơi luôn. Bố rất tiếc.”

“Nhưng Jason với con đã lên kế hoạch tham gia giải Little League rồi mà”

“Bố rất tiếc,” David đáp, .còn Paul thì khóc thút thít.

“Anh có nói sẽ không xảy ra chuyện gì,” Norah nói, “thế mà thằng bé bị gãy tay. Thế đấy. Biết đâu còn có thể là cổ nó. Lưng nó.”

David bỗng cảm thấy vô cùng mệt mỏi, một phần anh thấy đau lòng vì Paul, phần khác bực bội vì Norah.

“Chuyện đó đã có thể xảy ra, phải rồi, nhưng chưa hề. Thế nên em hãy thôi đi. Được chứ? Thôi ngay đi, Norah.”

Paul nín thít và chăm chú nghe ngóng, đề phòng trước giọng điệu thay đổi của bố mẹ. David tự hỏi Paul sẽ nhớ lại ngày hôm nay như thế nào? Cứ nghĩ tới việc con trai mình dấn bước vào một tương lai chẳng lấy gì làm chắc chắn, bước vào một thế giới nơi ai cũng có thể tham gia biểu tình và rồi ngã xuống với một viên đạn găm trên cổ, David thấy cảm thông với nỗi lo sợ của Norah. Nàng nói đúng. Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Anh đặt tay lên đầu Paul, món tóc húi cua cọ vào lòng bàn tay anh gai gai.

“Bố ơi, con xin lỗi,” Paul nói, giọng lí nhí. “Con không cố tình làm hỏng mấy tấm ảnh đâu.”

Sau một giây lúng túng, David mới nhớ ra cách đây mấy tiếng anh đã gầm lên khi đèn phòng tối đồng loạt bật sáng, Paul đứng đó tay vẫn còn đặt trên công tắc, sợ đến cứng đơ cả người.

“À, không. Không, con ạ. Bố không giận chuyện đó đâu, con đừng lo.” Anh vuốt lên má Paul. “Chuyện mấy tấm ảnh chẳng có gì đâu. Sáng nay bố mệt quá thôi mà. Con hiểu không?”

Paul di di ngón tay dọc lớp bó bột.

“Bố không định làm con sợ đâu,” David đáp. “Bố không giận đâu mà.”

“Con nghe thử ống nghe được không?”

“Được chứ.” David gài hai cái ống nghe màu đen vào tai Paul rồi ngồi xổm xuống. Anh áp miếng đĩa kim loại mát lạnh lên tim mình.

Qua khóe mắt anh có thể thấy Norah đang dõi theo hai bố con. Rời khỏi bữa tiệc vui vẻ, nàng đem theo nỗi u buồn của mình như một hòn đá đen vẫn nắm chặt trong tay. Anh khao khát được an ủi nàng, nhưng không biết phải nói gì. Anh ước mình có thể nhìn xuyên thấu trái tim con người: trái tim Norah và cả trái tim anh.

“Anh chỉ mong sao em được hạnh phúc hơn,” anh nói khẽ. “Anh ước gì mình có thể làm điều gì đó.”

“Anh không phải lo đâu,” nàng đáp. “Không phải lo cho em.”

“Không ư?” David hít một hơi thật sâu, sâu đến mức chính Paul cũng có thể nghe thấy luồng khí bị hút vào.

“Không. Em vừa nhận một công việc hôm qua rồi.”

“Một công việc?”

“Phải. Một công việc rất tốt.” Rồi nàng nói cho anh nghe tất cả về công việc đó: tại một đại lý du lịch, tất cả các buổi sáng. Nàng sẽ về kịp lúc đón Paul ở trường. Nghe nàng nói, David có cảm tưởng như nàng đang bay xa khỏi vòng tay anh. “Em tưởng như đã phát điên,” Norah nói bằng thứ giọng chì chiết khiến anh sững sờ. “Phát điên vì có quá nhiều thời gian. Đây sẽ là một chuyện tốt.”

“Thôi được,” anh nói. “Cũng tốt thôi. Nếu em mong có một công việc đến thế, thì cứ làm đi.” Anh cù Paul và giơ tay lấy chiếc ống nghe. “Đây nhé,” anh nói. “Nhìn vào tai bố xem nào. Xem bố có để quên con chim nào trong đó không.”

Paul cười, và chất kim loại mát lạnh áp lên dái tai anh.

“Em biết là anh sẽ không thích mà,” Norah nói.

“Ý em là sao cơ? Anh đã bảo em nhận việc rồi mà.”

“Ý em nói là cách anh nói cơ. Anh cứ thử nghe mà xem.”

“Chà, vậy em muốn sao đây?” anh nói, cố gắng giữ giọng điềm tĩnh, vì Paul. “Khó mà không cảm thấy những lời này có tính tiêu cực lắm.”

“Chỉ tiêu cực nếu liên quan đến anh thôi,” nàng đáp. “Đấy là điểm anh vẫn chưa hiểu. Nhưng nó không liên quan đến anh. Vấn đề ở đây là tự do. Vấn đề là em nên có cuộc sống cho riêng mình. Em chỉ mong sao anh có thể hiểu cho em.”

“Tự do?” anh nói. Hẳn nàng đang ám chỉ em gái mình, anh đoán chắc là thế. “Em nghĩ có ai được tự do không, Norah? Em có nghĩ anh tự do không?”

Im lặng rất dài, và anh cảm thấy nhẹ nhõm khi Paul phá tan bầu không khí ấy.

“Chẳng có con chim nào cả, bố ạ. Toàn là hươu cao cổ thôi.”

“Thật hả? Bao nhiêu con?”

“Sáu.”

“Sáu con! Cha chả! Con xem nốt tai kia xem.”

“Có voi trong lỗ tai mất rồi,” David nói, rồi lấy lại chiếc ống nghe. “Ta phải về nhà ngay mới được.” Anh cố nở một nụ cười, rồi ngồi xổm xuống nhấc Paul lên, cùng cái tay bó bột. Khi anh cảm nhận được sức nặng của con trai mình, hơi ấm của cánh tay trần lành lặn vòng quanh cổ anh, David lại thả mình trong suy tư, tự hỏi liệu cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu sáu năm trước anh quyết định làm khác đi. Tuyết đã rơi và anh đứng trong im lặng, hoàn toàn cô độc, rồi trong một thời khắc quan trọng anh đã tự quyết mọi việc. David, Caroline Gill đã viết trong bức thư mới nhất gửi cho anh, giờ tôi đã có bạn trai. Anh ấy rất tốt, còn Phoebe vẫn khỏe; con bé rất thích đuổi bướm và hát.

“Anh mừng vì em đã có việc,” anh nói với Norah trong lúc họ đứng ngoài hành lang chờ thang máy. “Anh không muốn tỏ ra khó khăn. Nhưng anh không tin là chuyện này không có dính dáng gì tới anh.”

Nàng thở dài. “Không,” nàng đáp. “Anh không chịu tin, phải không?”

“Thế nghĩa là sao?”

“Anh cứ cho mình là cái rốn của vũ trụ,” Norah nói. “Là điểm bất biến mà mọi vật khác phải xoay quanh.”

Họ thu nhặt tư trang và bước vào thang máy. Bên ngoài thời tiết vẫn dễ chịu, ngày ngả chiều muộn, trời trong và đầy nắng rực rỡ. Khi họ về đến nhà, khách khứa đã ra về hết. Chỉ còn lại Bree và Mark, khệ nệ bê những đĩa đầy thức ăn vào nhà. Những dải ruy băng treo trên cây cột hoa bay phất phơ trong gió. Chiếc máy ảnh của David nằm trên bàn, mấy mảnh hóa thạch của Paul xếp gọn gàng ngay cạnh đó. David dừng bước, ngắm nhìn bãi cỏ rải rác ghế. Đã từng có thời, cả vùng đất này chìm ngập dưới một biển nước nông. Anh bế Paul vào nhà và đi lên gác. Anh lấy cho nó một cốc nước cùng một viên aspirin vị cam nhai được mà thằng bé vẫn thích rồi ngồi bên nó trên giường, cầm bàn tay nó. Nhỏ quá, bàn tay này, thật ấm áp và tràn đầy sức sống. Nhớ đến hình ảnh những đốt xương của Paul tràn ngập trong ánh sáng, David bỗng thấy dâng tràn một cảm xúc sững sờ. Đó là những gì anh vẫn khao khát ghi lại trong từng thước phim: những khoảnh khắc hiếm hoi khi vạn vật dường như thu về một mối, gắn bó, mỗi vật đều được bao chứa trong một dáng hình thoáng hiện. Một điều giản dị giúp níu giữ mọi nét đẹp, hy vọng và chuyển động - như một bài thơ bàng bạc, cũng giống như cơ thể chính là một bài thơ kết thành từ máu thịt và xương vậy.

“Bố ơi, bố kể chuyện đi,” Paul nói, David bèn nằm xuống giường, vòng tay ôm Paul, giở quyển Cậu George hiếu kỳ, đoạn cậu bé phải nằm trong bệnh viện với cái chân gãy. Dưới nhà, Norah đi khắp các phòng để dọn dẹp. Cánh cửa lưới mở ra rồi đóng lại, mở ra rồi đóng lại. Anh tưởng tượng nàng bước qua khung cửa ấy, mặc bộ vest, hướng tới công việc mới của mình và một cuộc sống không có bóng dáng anh. Trời đã ngả chiều muộn, ánh sáng vàng rực tràn ngập căn phòng. Anh lật từng trang và ôm chặt Paul, cảm nhận rõ hơi ấm, hơi thở đều đặn của nó. Một làn gió nhẹ khẽ lay động những tấm rèm. Bên ngoài, cây sơn thù du như một đám mây sáng nổi bật trên nền đen sẫm của hàng rào. David ngừng đọc, ngắm những cánh hoa trắng rời cành chao xuống. Anh thấy nhẹ lòng và cả rối bời chính bởi vẻ đẹp của chúng, anh cố hết sức để xua đi cảm giác rằng, từ đây nhìn lại, trông chúng chẳng khác nào những bông tuyết.

------------

[12] nguyên bản: maypole, cây cột kết đèn hoa, được dựng lên để chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đây là phong tục truyền thống ở Mỹ và nhiều nước phương Tây. Ngoài ra người ta còn đan những chiếc giỏ cắm hoa và đặt trước nhà hàng xóm trong ngày này

Chương 10Tháng Sáu Năm 1970

TRỜI ĐẤT, PHOEBE CHẮC CHẮN THỪA HƯỞNG MÁI TÓC CỦA EM ĐẤY,” Doro ngắm nghía.

Caroline sờ lên gáy, xem có đúng thế không. Họ đang ở mạn Đông Pittsburgh, trong một khu nhà máy cũ đã được xây lại thành một nhà trẻ hiện đại. Ánh sáng chiếu qua khung cửa sổ dài, hắt những đốm sáng và hình thù kì dị lên mặt sàn ốp ván; nắng chiếu sáng những vệt màu hung vàng trên bím tóc mỏng dính của Phoebe khi con bé đứng trước cái thùng gỗ lớn, xúc những hạt đậu lăng đổ vào lọ. Sáu tuổi, con bé trông thật mũm mĩm, với hai đầu gối lõm xuống và nụ cười hớn hở. Mắt nó hình quả hạnh nhân tinh tế, xếch lên nâu sẫm. Hai bàn tay nó nhỏ xíu. Sáng nay nó mặc váy kẻ sọc hồng trắng, do chính nó chọn và tự mặc lưng ra trước ngực đằng sau. Con bé mặc cả áo len hồng, đây là nguyên nhân của cả một cơn thịnh nộ lúc ở nhà. Chắc chắn con bé thừa hưởng cái nết bẳn gắt của cô đấy. Leo, tính đến nay đã mất gần một năm trời, rất thích càu nhàu như thế, và Caroline lần nào cũng phải sững sờ: không phải vì ông đã nhìn ra một sự liên hệ về nơi chẳng thể có mối liên hệ nào mà bởi ai có thể nói cô là một người phụ nữ bẳn gắt cho được.

“Chị nghĩ vậy sao?” cô Doro, tay luồn vào lọn tóc sau tai. “Chị nghĩ tóc con bé giống tóc em à?”

“Ờ, phải. Chắc chắn đấy.”

Phoebe thọc sâu tay xuống lớp đậu mịn như lụa, cười khanh khách với một thằng bé đứng bên cạnh. Nó vốc lên những nắm to và để đậu rơi qua kẽ tay còn thằng bé giơ một cái ca nhựa màu vàng ra hứng lấy.

Đối với những đứa trẻ khác trong nhà trẻ này Phoebe đơn giản là chính nó, một cô bé thích màu xanh dương, kem que và xoay vòng tròn; ở đây, những điểm khác biệt của nó chẳng bị ai để ý. Trong những tuần đầu tiên Caroline rất cảnh giác, cố gồng mình đón những lời bình phẩm cô đã nghe đến nhàm tai, ở trên sân chơi, trong tiệm tạp hóa, tại phòng khám. Sợ thật đấy! Trời đất, chị đang phải sống như ác mộng ấy nhỉ. Và có một lần thì, Dù sao con bé cũng chẳng sống lâu đâu mà - may phước. Hoặc vô tâm, hoặc ngu dốt, hoặc tàn nhẫn, thảy đều chẳng đáng kể gì, qua năm tháng những lời bình phẩm kiểu đó đã tạo thành vết chai trong tim Caroline. Nhưng ở đây các cô giáo đều trẻ trung và nhiệt tình, các ông bố bà mẹ đều âm thầm noi gương các cô: Phoebe có thể phải vật lộn vất vả hơn, tiến bộ chậm hơn, nhưng như bao đứa trẻ khác, nó vẫn luôn học hỏi.

Những hạt đậu rơi vung vãi trên sàn khi thằng bé vứt cái gầu xúc và chạy vào sảnh. Phoebe cũng chạy theo, bím tóc tung bay, thẳng hướng căn phòng sơn màu xanh lục nơi có những cái giá vẽ và hộp màu.

“Nơi này tốt cho con bé thật,” Doro nói.

Caroline gật đầu. “Em ước sao bộ Giáo dục được nhìn thấy con bé ở đây.”

“Em có luận điểm thuyết phục, và một luật sư giỏi. Em sẽ ổn thôi.”

Caroline liếc nhìn đồng hồ. Tình bạn của cô với Sandra đã nảy nở thành một lực lượng chính trị, và cho tới nay Hội Bệnh nhân Down, với hơn năm trăm thành viên đầy nhiệt huyết, đang đòi ủy ban trường học cho phép con em họ được theo học tại các trường công lập. Cơ hội của họ là rất khả quan, nhưng Caroline vẫn rất lo lắng. Có quá nhiều thứ phụ thuộc vào quyết định này.

Một đứa bé lao đến, xô vào người Doro, chị nhẹ nhàng giữ vai nó lại. Tóc Doro giờ đã bạc trắng, tương phản hoàn toàn với màu mắt sẫm và nước da màu ô liu nhẵn mịn. Sáng nào chị cũng bơi và chơi gôn, dạo này gần đây Caroline thường bắt gặp chị mỉm cười một mình, như thể chị đang ôm ấp một bí mật nào đó.

“Chị thật tốt đã đến đây hỗ trợ cho em,” Caroline vừa nói, vừa mặc áo khoác.

Doro phẩy tay. “Có gì đâu. Thật ra chị thích ở đây hơn là ngồi nhà vật lộn với đống giấy tờ của ông cụ.” Giọng chị mệt mỏi, nhưng một nụ cười thoáng lướt qua gương mặt.

“Doro ạ nếu em không biết tính chị thì em đã tưởng chị đang yêu rồi.”

Doro chỉ cười. “Suy đoán mới táo bạo chứ,” chị đáp. “À nhân nói chuyện yêu đương, chiều nay Al có qua không? Hôm nay là thứ Sáu kia mà.”

Những hình hài tạo bởi ánh sáng và bóng tối trên rặng tiêu huyền mềm mại uyển chuyển như nước chảy. Hôm nay là thứ Sáu, phải rồi, nhưng suốt cả tuần qua Caroline vẫn chưa nghe tin gì của Al. Thường anh gọi khi đang đi trên đường, từ Columbus hay Atlanta, thậm chí là Chicago. Anh đã ngỏ lời cầu hôn cô lần thứ hai kể từ đầu năm; mỗi lần trái tim cô lại rộn lên xao động, và rồi lần nào cô cũng nói không. Trong lần gặp gỡ mới đây họ khá căng thẳng - em cứ giữ khoảng cách với anh thế, anh than thở - và rồi anh giận dữ bỏ đi, không cả nói lời tạm biệt.

“Chúng em chỉ là bạn tốt thôi, Al và em. Chuyện đấy không dễ thế đâu chị.”

“Em đừng ngốc thế chứ,” Doro nói. “Chả có gì đơn giản hơn đâu.”

Vậy ra đó là tình yêu, Caroline thầm nghĩ. Doro hôn lên đôi má mềm mại của Phoebe rồi phóng đi trên chiếc Buick cũ của Leo: đen sì, cồng kềnh, có cái vô lăng chẳng khác nào một chiếc thuyền. Trong những năm cuối đời mình Leo đã yếu đi nhiều, hầu như cả ngày ông chỉ ngồi trên chiếc ghế tựa kê sát cửa sổ với một cuốn sách để trong lòng, mắt chăm chăm nhìn ra ngoài đường. Một ngày kia Caroline thấy ông đã gục xuống, món tóc bạc phất phơ, làn da ông - thậm chí là môi - đều tái nhợt. Ông đã chết. Cô biết điều đó trước cả khi chạm vào ông. Cô gỡ đôi mắt kính, đưa tay lên mắt ông, vuốt cho khép lại. Khi họ đưa thi thể ông đi, cô ngồi trên chiếc ghế của ông, cố gắng hình dung cuộc sống ông ra sao, cành lá khẽ lay động ngoài cửa sổ, dấu chân cô, và dấu chân Phoebe, in thành hình trên sàn căn phòng của ông. “Ôi, Leo,” cô chợt nói thành tiếng với căn phòng trống. “Cháu xin lỗi đã để bác cô đơn như thế.”

Sau đám tang ông, một buổi lễ lặng lẽ với sự tham gia của các giáo sư Vật lý và có rất nhiều hoa dành dành, Caroline đề nghị thôi việc, nhưng do Doro không chịu. Chị đã quen với sự có mặt của em. Chị đã quen có em ở bên cạnh. Không, em phải ở lại.Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi chuyện.

Caroline lái xe xuyên qua cái thành phố mà cô đã dần nảy sinh tình yêu thương, thành phố can trường, bất khuất, đẹp đến nghẹt thở này với những tòa nhà cao vút, những cây cầu lộng lẫy và công viên rộng mênh mông, đường biên của nó mất hút dưới chân đồi xanh ngút mắt. Cô tìm được một ô đỗ xe trên con phố hẹp rồi bước vào tòa nhà, những phiến đá thẫm lại dưới lớp muội than của hàng thập kỷ. Cô đi qua phòng chờ có trần cao vút và mặt sàn khảm gạch rối mắt rồi trèo lên hai lượt cầu thang. Cánh cửa gỗ đen kịt vì cáu bẩn, phía trên gắn một tấm kính mờ và những con số bằng đồng đã xỉn màu ghi: 304B. Cô hít một hơi dài - cô chưa từng lo lắng như thế kể từ hồi đi thi vấn đáp - và đẩy cánh cửa ra. Vẻ tuềnh toàng của căn phòng khiến cô không khỏi ngạc nhiên. Chiếc bàn gỗ sồi lớn tróc lam nham và những ô cửa sổ mờ đục khiến bầu trời bên ngoài dường như ảm đạm, xám xịt. Sandra đã ngồi đó với khoảng nửa tá bậc phụ huynh khác cũng tham gia vào ban điều hành của Hội Bệnh nhân Down. Caroline thấy trong lòng trào dâng một niềm thân thương. Ban đầu họ tập trung vào những cuộc gặp gỡ đơn lẻ, những người cô và Sandra đã gặp trong cửa hiệu tạp hóa và trên xe buýt; sau rồi chuyện cứ thế lan ra và mọi người bắt đầu kêu gọi cả người khác nữa. Luật sự của họ, Ron Stone, ngồi bên cạnh Sandra, mái tóc vàng của cô được cột chặt đằng sau gáy, khuôn mặt nghiêm nghị và xanh xao. Caroline ngồi vào chỗ còn trống bên cạnh cô ta.

“Trông chị mệt mỏi quá,” cô khẽ thầm thì.

Sandra gật đầu. “Tim bị cúm. Mấy ngày rồi. Mẹ tôi phải đi từ McKeesport lên để trông thằng bé.”

Caroline chưa kịp nói gì thì cánh cửa lại bật mở, và các thành viên của bộ Giáo dục bước vào, vẻ thảnh thơi, họ cười đùa, bắt tay nhau. Khi mọi người đã yên vị và cuộc họp xin được bắt đầu, Ron Stone đứng dậy hắng giọng.

“Mọi trẻ em đều xứng đáng được đi học,” ông mở lời, từng từ ông nói đều quá đỗi thân thuộc. Luận cứ ông đưa ra đều rõ ràng, đích đáng: phát triển bền vững, những nhiệm vụ cần được hoàn thành. Tuy vậy, Caroline vẫn thấy những khuôn mặt đối diện dửng dưng, lạnh lẽo. Cô nghĩ đến Phoebe ngồi bên bàn tối qua, bút chì siết chặt trong tay, con bé viết tên nó: chữ ngược, xiên xẹo khắp tờ giấy, nét run rẩy nhưng vẫn là viết. Các thành viên trong ủy ban lật tài liệu và hắng giọng. Khi Ron Stone ngừng lời, một người còn khá trẻ có mái tóc sẫm dợn sóng cất lời.

“Lòng nhiệt thành của ông thật đáng trân trọng, thưa ông Stone. Mọi người trong ủy ban chúng tôi đều đánh giá cao những điều ông vừa nói, cũng như đánh giá cao sự tận tâm và cống hiến của các bậc cha mẹ ở đây. Nhưng những trẻ em này chậm phát triển về trí tuệ; đó mới là vấn đề mấu chốt. Tiến bộ chúng đạt được, dù rất đáng kể, là nhờ một môi trường được bao bọc kỹ lưỡng, với những giáo viên có khả năng dành sự quan tâm đặc biệt, thậm chí là tuyệt đối. Có vẻ đó là một điểm rất đáng chú ý.”

Mắt Caroline gặp mắt Sandra. Những lời này đã quá quen rồi.

“Chậm phát triển trí tuệ là một thuật ngữ có tính miệt thị,” Ron Stone điềm đạm bác lại. “Những trẻ em này chậm tiến bộ, đúng, không ai nghi ngờ điều đó. Nhưng chúng không đần độn. Không ai ngồi trong căn phòng này biết được chúng có thể đạt được những thành tựu gì. Hy vọng lớn lao nhất cho sự trưởng thành và phát triển của chúng, cũng như của bao trẻ em khác, là một môi trường giáo dục không có những rào cản định sẵn. Hôm nay chúng tôi chỉ muốn đòi hỏi sự công bằng.”

“A. Công bằng, phải rồi. Nhưng chúng tôi không có đủ nguồn lực,” một người đàn ông khác lên tiếng, ông này gầy nhom mái tóc bạc lơ thơ. “Muốn công bằng, chúng tôi phải nhận hết các trẻ đó, cả một cơn lũ trẻ chậm phát triển sẽ khiến hệ thống quá tải. Các vị cứ thử nghĩ mà xem.”

Ông ta phát cho mọi người bản sao của một báo cáo và bắt đầu làm phép phân tích chi phí - lợi ích. Caroline hít một hơi dài. Sẽ không hay gì nếu cô nổi khùng. Một con ruồi bay vo ve, rồi kẹt cứng giữa lớp kính trên ô cửa sổ cũ kỹ. Caroline lại nghĩ đến Phoebe, một đứa trẻ nhanh nhẹn đáng yêu làm sao. Kiện tướng tìm đồ vật mất tích, một cô bé có thể đếm đến năm mươi, tự mặc đồ và học thuộc bảng chữ cái, một cô bé phải gắng hết sức mới nói được nhưng có thể đọc được tâm trạng của Caroline chỉ trong nháy mắt.

Có hạn, những tiếng nói cứ vang lên. Tràn ngập các trường học. Tốn kém nguồn lực và cản trở các trẻ em thông minh.

Caroline hoàn toàn tuyệt vọng. Họ chưa từng thực sự trông thấy Phoebe, những người này, họ sẽ không bao giờ nhìn thấy điểm gì ở con bé ngoài sự khác biệt, chậm nói và chậm tiếp thu kiến thức mới. Làm thế nào cô có thể cho họ thấy đứa con gái xinh đẹp của cô: Phoebe, ngồi trên tấm thảm trải trong phòng khách mà xếp những khối gỗ thành tháp, mớ tóc mềm rủ xuống tai và sự tập trung tuyệt đối hiển hiện trên khuôn mặt? Phoebe, ghi số 45 lên chiếc máy hát nhỏ Caroline đã mua cho con bé, bị mê hoặc bởi tiếng nhạc, nhảy nhót trên mặt sàn lát gỗ sồi bóng loáng. Hay bàn tay mềm mại nhỏ nhắn của Phoebe bất chợt đặt lên đầu gối cô, giữa lúc Caroline đang trầm ngâm hay thẫn thờ, chìm đóng trong thế giới xung quanh và những mối lo. Mẹ có khỏe không, mẹ? Con bé sẽ nói thế, hay chỉ đơn giản là, con yêu mẹ. Phoebe, vắt vẻo trên vai Al trong ánh đèn buổi tối, Phoebe ôm chầm lấy bất cứ ai mà con bé gặp. Phoebe nổi giận, bướng bỉnh thách thức, Phoebe tự mặc đồ trong buổi sáng hôm ấy, thật kiêu hãnh.

Cuộc nói chuyện xung quanh bàn họp đã chuyển sang những con số và phép suy luận logic, sự thay đổi bất khả. Caroline đứng bật dậy, run rẩy. Sức mạnh từ người mẹ quá cố thổi tới miệng cô trong cơn sốc. Ngay chính Caroline cũng không tin nổi, cuộc sống đã khiến cô thay đổi ra sao, cô đã trở thành một người khác tới nhường nào. Nhưng không còn đường lui nữa rồi. Cơn lũ những kẻ chậm phát triển trí não, thật hả! Cô ghì tay xuống bàn chờ đợi. Dần dần từng người một ngừng lời, căn phòng trở lại im ắng.

“Đấy không phải chuyện những con số,” Caroline nói. “Vấn đề là bọn trẻ kia. Tôi có một đứa con gái sáu tuổi. Đúng là con bé mất nhiều thời gian hơn trẻ khác để học những điều mới. Nhưng nó đã học được cách làm mọi thứ như mọi trẻ khác: bò, đi, nói và sử dụng nhà tắm, tự mặc quần áo như con bé đã làm sáng nay. Những gì tôi thấy là một đứa bé ham học, yêu quý những người nó gặp. Tôi còn thấy một căn phòng đầy những kẻ dường như đã quên mất là chính tại đất nước này chúng ta đã hứa hẹn sẽ giúp mọi trẻ em được đến trường - bất kể năng lực.”

Trong một lúc không ai nói gì. Cánh cửa sổ cao khẽ cọt kẹt trong cơn gió nhẹ. Lớp sơn đã bắt đầu rộp lên và bong ra trên những bức tường màu be.

Giọng nói của người đàn ông tóc sẫm vang lên nhẹ nhàng.

“Tôi - tất cả chúng tôi - đều rất thông cảm với hoàn cảnh của chị. Nhưng khả năng con gái chị, hay bất cứ cháu nào trong số trẻ này, đạt được các kỹ năng học tập là bao nhiêu? Mà điều đó có giúp gì được cho bản thân cháu không? Nếu là tôi, tôi sẽ cho cháu học một nghề gì đó bổ ích và hữu dụng.”

“Con tôi mới sáu tuổi,” Caroline đáp. “Nó chưa sẵn sàng để học nghề.”

Ron Stone chăm chú theo dõi cuộc trao đổi, và rồi ông cất lời.

“Thật ra,” ông nói, “cuộc tranh luận này đi ra ngoài lề mất rồi.” Ông mở cặp táp lấy ra một cặp tài liệu dày cộp. “Đây không chỉ là vấn đề đạo đức hay logic. Đây là vấn đề luật pháp. Đây là đơn kiến nghị, được ký bởi các bậc cha mẹ có mặt ở đây và năm trăm người khác. Đơn này kèm với bộ luật khởi tố tập thể, được đệ trình thay mặt cho các gia đình tại đây hầu giúp con em họ được nhận vào các trường công lập ở Pittsburgh.”

“Đây là luật dân quyền,” người đàn ông tóc bạc nói, ngước lên khỏi tập tài liệu. “Ông không thể lấy đó làm căn cứ được. Nó không thuộc phạm vi theo cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng của bộ luật này.”

“Các ngài cứ xem cho kỹ đi,” Ron Stone đáp, đoạn đóng cặp táp lại. “Chúng tôi sẽ liên lạc sau.”

Bên ngoài, trên những bậc thềm đá cũ kỹ, mọi người xôn xao bàn tán; Ron tỏ vẻ hài lòng, lạc quan một cách dè dặt, còn những người khác thì sôi nổi hơn, họ ôm chầm lấy Caroline để cảm ơn cô vì bài phát biểu. Cô mỉm cười, ôm lại họ, cảm thấy như vừa kiệt sức lại vừa xúc động vì tình cảm sâu sắc cô dành cho những người này: Sandra, tất nhiên rồi, người vẫn ghé thăm cô hàng tuần để cùng uống cà phê; Colleen, người đã cùng con gái thu thập chữ ký cho đơn kiến nghị; Carl, một người đàn ông hoạt bát, dong dỏng cao, có đứa con trai duy nhất đã chết vì dị tật tim mà nguyên nhân bắt nguồn từ hội chứng Down, anh đã sắp xếp cho hội một văn phòng trong chính kho chứa thảm của mình để phục vụ công việc chung. Bốn năm trước đây cô không biết ai trong số này ngoại trừ Sandra, nhưng giờ đây họ đã gắn bó với cô qua bao nhiêu đêm thức khuya, bao nhiêu tranh đấu với những chiến thắng nhỏ bé, và vô vàn hy vọng.

Vẫn còn xúc động sau bài phát biểu, cô lái xe quay lại nhà trẻ. Phoebe nhảy khỏi vòng tròn chạy tới chỗ Caroline, ôm chầm lấy gối cô. Người con bé sực lên mùi sữa và sô cô la còn váy thì lấm lem vết bẩn. Tóc con bé mềm mại như một dải mây xốp dưới tay Caroline. Caroline kể sơ qua cho Doro nghe những việc vừa xảy ra, những từ đầy ác ý – một cơn lũ, cản trở - vẫn còn ong ong trong đầu cô. Doro, giờ đã trễ giờ làm, vỗ lên tay cô. Tối nay chị em mình nói chuyện thêm nhé.

Đoạn đường về nhà thật đẹp, lá trên cành và hoa tử đinh hương nở rộ như những dải bọt xốp và đốm lửa trải khắp triền đồi. Đêm trước trời vừa mưa; bầu trời xanh trong vắt. Caroline đỗ xe trong ngõ, thất vọng vì Al vẫn chưa về. Cô và Phoebe sóng bước dưới bóng râm rung rinh của rặng tiêu huyền, trong tiếng vo vo đinh tai nhức óc của lũ ong. Caroline ngồi lên bậc thềm nhà và bậc đài lên. Phoebe bắt đầu quay tròn trên thảm cỏ mềm, hai cánh tay dang rộng và đầu ngả về phía sau, mặt hướng về phía mặt trời.

Caroline ngắm cô bé, cố gắng xua đi cảm giác căng thẳng và bực bội từ lúc sáng. Tuy vẫn có lý do để hy vọng, nhưng sau chừng ấy năm tranh đấu để thay đổi nhận thức của mọi người, Caroline còn rất nghi ngại.

Phoebe chạy ào tới, đưa hai tay chụm lên tai Caroline mà thì thầm một điều bí mật. Caroline không nghe rõ tiếng, chỉ cảm thấy một luồng hơi hào hứng tới ngạt thở, rồi Phoebe lại chạy vụt ra dưới nắng, xoay tròn trong chiếc váy đầm hồng phớt xòe. Nắng rải ánh hổ phách lên mái tóc sẫm của nó, và Caroline chợt nhớ tới Norah Henry dưới ánh đèn sáng trưng nơi phòng khám. Trong khoảnh khắc cô chợt thấy nhói lên cảm giác kiệt quệ và hoang mang.

Phoebe ngừng quay tròn, hai tay dang rộng để giữ thăng bằng. Rồi con bé hét toáng lên và chạy một mạch qua bãi cỏ lên bậc thềm nơi Al đang đứng, mắt nhìn xuống, một cái gói bọc giấy sặc sỡ cầm trên tay dành cho Phoebe và một bó tử đinh hương mà Caroline biết là dành cho mình.

Tim cô rộn lên. Anh đã cố chiếm được tình cảm của cô bằng lòng kiên nhẫn bền bỉ, điềm đạm, anh đến, đúng giờ và đều đặn, tuần này qua tuần khác, đem đến những bó hoa hoặc những món quà dễ thương khác, niềm vui sướng hiển hiện trên mặt anh chân thực đến mức cô không đành lòng khước từ anh. Mặc dù cô vẫn còn giữ khoảng cách với anh, không dám tin vào tình yêu đến bất ngờ này, từ một người cô không ngờ tới. Giờ đây cô đứng đó, tràn ngập vui sướng. Cô đã lo lắng biết bao rằng anh sẽ không tới !

“Trời đẹp quá,” anh nói, đoạn ngồi xuống ôm Phoebe, con bé quàng tay quanh cổ anh chào đón. Trong cái gói là một chiếc vợt bươm bướm mỏng nhẹ cán gỗ uốn, con bé nhận ngay lấy, rồi chạy ù ra chỗ bụi tú cầu xanh thẫm. “Cuộc họp thế nào hở em?”

Cô kể cho anh nghe mọi chuyện còn anh lắng nghe, rồi lắc đầu.

“Chà, trường học đâu phải dành cho tất cả mọi người,” anh nói. “Như anh thì chẳng khoái nó mấy. Nhưng Phoebe là đứa bé đáng yêu, họ không nên gạt con bé ra ngoài.”

“Em muốn nó có được một vị trí trong xã hội,” Caroline đáp, thốt nhiên nhận ra mình không còn e ngại về tình yêu Al dành cho cô, mà là tình yêu Al dành cho Phoebe.

“Em à, con bé đã có rồi đấy thôi. Là ngay tại đây. Nhưng cũng phải, anh nghĩ em nói đúng. Anh nghĩ em đang làm những việc đúng đắn để đấu tranh cho nó.”

“Em hy vọng anh đã có 1 tuần vui vẻ,” cô nói, nhận thấy có những quần thâm dưới mi mắt anh.

“Ồi dào, vẫn thế, vẫn thế thôi,” anh đáp, ngồi xuống bậc thềm bên cạnh cô và nhặt lấy một cành cây, rồi bắt đầu gọt giũa. Phía xa xa, tiếng máy giặt kêu ầm ĩ; chiếc đài nhỏ của Phoebe phát bài “Love, Love Me, Do.” Tuần này anh đã đi tới 2.398 dặm cơ đấy. Kỷ lục, ngay cả với anh.”

Chắc anh ấy sẽ lại ngỏ lời, Caroline thầm nghĩ. Đến lúc rồi; anh đang mệt mỏi sau quãng đường dài và chuẩn bị nghỉ ngơi, rồi anh sẽ ngỏ lời. Cô nhìn theo bàn tay anh chuyển động khéo léo, nhịp nhàng, tước từng lớp vỏ cây, và trái tim cô xao động. Lần này cô sẽ đồng ý. Nhưng Al không nói gì. Bầu im lặng dai dẳng đến độ cuối cùng cũng thúc bách cô phải phá vỡ nó.

“Món quà rất dễ thương,” cô nói, ra hiệu về phía bên kia thảm cỏ nơi Phoebe đang chạy, chiếc vợt tạo thành một hình vòng cung rực rỡ trong không trung.

“Một ông bạn ở Georgia làm đấy,” Al đáp. “Ông ấy tốt bụng lắm. Ông ấy làm cả một đống cho mấy đứa cháu. Bọn anh gặp nhau trong tiệm tạp hóa. Ông già sưu tập đài sóng ngắn và mời anh ghé qua xem. Thế là truyện trò suốt cả đêm, anh và ông ấy. Đấy, sống nay đây mai đó cũng có cái hay. A, phải rồi,” anh nói, đoạn thò tay vào túi quần rút ra một phong bì màu trắng. “Thư của em lấy từ Atlanta đây.”

Caroline nhận lấy phong bì mà không nói gì thêm. Bên trong có lẽ là mấy tờ hai mươi đô gói gọn trong một tờ giấy trắng. Al mang chúng về từ Cleveland, Memphis, Atlanta, Akron: những thành phố anh thường ghé qua trên đường đi. Cô chỉ nói với anh đó là tiền gửi cho Phoebe, từ bố nó. Al chấp nhận lời giải thích này mà không bình luận gì, song cảm giác của Caroline lại phức tạp hơn thế. Đôi khi cô mơ thấy mình bước đi trong ngôi nhà của Norah Henry, nhặt nhạnh các thứ đồ trên giá và trong tủ, cho vào một cái túi vải, cảm giác thật hạnh phúc cho tới khi cô nhìn thấy Norah Henry đứng bên cửa sổ, khuôn mặt trông thật xa xăm và tràn đầy nỗi buồn đau vô hạn. Cô tỉnh giấc, run lẩy bẩy, rồi trở dậy pha cho mình một tách trà, ngồi trong bóng tối. Khi tiền được chuyển đến, cô gửi hết vào ngân hàng và không nghĩ ngợi gì nữa cho tới khi phong bì tiếp theo tới tay cô. Đã năm năm ròng cô làm như vậy, tính đến nay cô đã dành ra được gần 7.000 đô.

Phoebe vẫn đang chạy, đuổi theo bướm, chim, những đốm sáng, những nốt nhạc réo rắt tuôn ra từ chiếc đài. Al đang táy máy mấy nút bấm.

“Cái hay của thành phố này là ở chỗ em có thể thưởng thức âm nhạc. Ở mấy cái xứ khỉ ho cò gáy anh từng đi qua, bất quá chỉ nghe được Top 40 bài hát. Chỉ được một thời gian là thấy nhàm.” Anh bắt đầu ngâm nga theo nhạc bài “Begin with Beguine”.

“Hồi xưa bố mẹ em từng khiêu vũ theo nhạc bài này,” Caroline nói, và trong chốc lát cô đã ngồi trên những bậc cầu thang nơi căn nhà thuở ấu thơ, hoàn toàn vô hình, ngắm mẹ cô mặc chiếc váy dài đang chào khách khứa ở cửa ra vào, “Lâu rồi em không nghĩ đến. Nhưng thỉnh thoảng cứ đến tối thứ Bảy bố mẹ em lại cuốn hết thảm trong phòng khách và mời mấy cặp vợ chồng đến, rồi họ cùng nhảy.”

“Khi nào anh với em cũng phải đi nhảy mới được,” Al nói. “Em thích nhảy không, Caroline?”

Caroline bỗng thấy trong lòng xao động, hơi kích thích. Cô không lý giải nổi là do đâu: do cơn giận của cô từ buổi sáng, do một ngày sôi nổi, và hơi ấm của vòng tay Al ngay sát bên cô. Gió lay động hàng dương, làm lộ ra mặt sau những chiếc lá bạc.

“Tại sao phải đợi nhỉ?” cô nói, rồi đứng dậy, dang tay ra.

Anh có phần bối rối, ngỡ ngàng, nhưng rồi anh cũng đứng dậy, tay đặt lên vai cô và họ thả mình trên bãi cỏ theo điệu nhạc, trên nền tiếng xe cộ đi lại hối hả. Ánh nắng đan vào tóc cô, lớp cỏ êm mượt dưới bàn chân lồng tất của cô, họ cùng di chuyển thật nhẹ nhàng, nhún và xoay, cảm giác căng thẳng theo đuổi cô từ cuộc họp cứ nhạt dần đi theo từng bước nhảy. Al mỉm cười, siết chặt cô thêm; nắng sưởi ấm trên cổ cô.

Ồ, cô thầm nghĩ, khi anh xoay vòng cô lần nữa, Mình sẽ nói có.

Cảm giác thật thư thái với ánh nắng và tiếng cười trầm bổng của Phoebe, với bàn tay Al ấm áp qua lần vải trên lưng cô. Họ nhảy trên cỏ, xoay cùng điệu nhạc, khiêu vũ gắn kết họ với nhau. Dòng xe cộ gấp gáp băng qua như hiện tại, nhẹ nhàng như sóng biển. Rồi có những âm thanh khác, khe khẽ, xen vào từng nốt nhạc, vang lên giữa buổi ban ngày rực rỡ. Caroline không nhận ra ngay. Al xoay cô lại, và cô dừng nhảy. Phoebe đang quỳ trên lớp cỏ mềm bên bụi tú cầu, khóc đến nghẹn cả lời, tay giơ lên. Caroline chạy đến và quỳ xuống cỏ, quan sát đốm tròn sưng tấy trên lòng bàn tay của Phoebe.

“Vết ong đốt,” cô nói. “Ôi, con yêu, con đau lắm phải không?”

Cô áp mặt lên mái tóc âm ấm của Phoebe. Làn da mềm mềm, lồng ngực nó nhô lên rồi xẹp xuống; bên dưới đó là nhịp đập đều đặn của trái tim. Đó là điều không thể đo đếm được, không thể cân đong hay thậm chí lý giải: Phoebe là chính nó. Nói cho cùng, chẳng ai có thể xếp loại mỗi con người. Không ai biết được cuộc sống thực sự là gì hay chứa đựng điều gì.

“Con yêu, không sao đâu mà,” cô nói, vuốt ve mái tóc Phoebe.

Nhưng cơn nức nở của Phoebe đã nhường chỗ cho tiếng khò khè giống như bệnh bạch hầu con bé mắc hồi nhỏ. Lòng bàn tay nó sưng vù lên, cả mu bàn tay và ngón tay cũng vậy. Caroline cảm thấy lòng mình bỗng trở nên tê dại, ngay cả khi cô đứng vụt dậy gọi Al.

“Nhanh nhanh!” cô hét lên, giọng lanh lảnh và kỳ lạ. “Ôi Al ơi, con bé bị dị ứng.”

Cô bế Phoebe lên, nặng trĩu trên tay, rồi đứng khựng lại, lúng túng, vì chìa khóa còn để trong túi trên quầy bếp, cô không nghĩ ra cách gì để mở cửa trong khi tay vẫn bế Phoebe, con bé khò khè càng lúc càng dữ hơn. Rồi Al chạy đến, đỡ lấy Phoebe và chạy ra xe, Caroline bằng cách nào đó đã lấy được chìa khóa, cả chìa khóa lẫn túi. Cô lái nhanh hết mức có thể luồn lách qua những con phố nội thành. Khi họ đến được bệnh viện, Phoebe đã thở ra từng nhịp ngắn, gấp gáp khó khăn.

Họ để xe ở ngay lối vào và túm lấy y tá đầu tiên họ nhìn thấy.

“Có một ca dị ứng. Chúng tôi cần gặp bác sĩ ngay bây giờ.”

Bà y tá đã đứng tuổi, vóc người hơi nặng nề, mái tóc bạc cắt ngắn khum khum ôm lấy mặt. Bà ta dẫn họ đi qua hàng loạt cánh cửa thép cho đến khi Al nhẹ nhàng, nhẹ nhàng đặt Phoebe xuống giường cấp cứu. Phoebe gắng thở, môi tái nhợt. Caroline cũng vậy, cô hổn hển không ra hơi, nỗi sợ hãi quặn thắt lồng ngực. Bà y tá vuốt tóc Phoebe ra sau, đưa tay lên bắt mạch ở cổ con bé. Và rồi Caroline thấy bà ta xem xét Phoebe đúng như cách bác sĩ Henry đã xem xét con bé trong cái đêm bão tuyết cách đây lâu lắm rồi. Cô thấy bà y tá ngắm nghía đôi mắt xếch xinh đẹp, đôi bàn tay nhỏ xíu nắm chiếc vợt rất chặt khi con bé đuổi bắt bướm, nhìn thấy mắt bà ta khẽ nheo lại. Tuy vậy, bà ta vẫn chưa sẵn sàng xử lý.

“Cô có chắc không đây?” bà y tá hỏi, ngước lên và chạm mắt cô. “Cô có chắc là muốn tôi gọi bác sĩ tới không?”

Caroline đứng đờ một chỗ. Cô nhớ mùi rau củ luộc, nhớ cái ngày cô lái xe đưa Phoebe đi, và khuôn mặt trơ trơ vô cảm của những thành viên hội đồng giáo dục. Trong cơn xúc động mãnh liệt, nỗi sợ hãi chuyển thành giận dữ, cuồng nộ và đau đớn. Cô giơ tay lên tát mạnh bản mặt lạnh lùng, thờ ơ của bà y tá, nhưng Al đã giữ cổ tay cô lại.

“Bà đi gọi bác sĩ đi,” anh nói vớ bà y tá. “Đi ngay đi.”

Anh vòng tay ôm Caroline, không buông ra, cho tới khi bà y tá quay đi và khi bác sĩ tới, cho tới khi hơi thở của Phoebe trở lại bình thường và đôi má hồng hào trở lại. Họ cùng sang phòng chờ và ngồi trên những chiếc ghế nhựa màu cam, tay trong tay, tiếng y tá lao xao, tiếng nói vang vọng trên loa phát thanh, tiếng trẻ con khóc.

“Suýt nữa thì con bé mất mạng rồi,” Caroline nói. Sự điềm tĩnh của cô đã mất; cô bắt đầu run lẩy bẩy.

“Nhưng nó không sao mà,” Al đáp bằng giọng cứng cỏi.

Bàn tay của Al ấm áp, to lớn và dịu dàng. Anh đã rất nhẫn nại trong ngần ấy năm trời, anh đã quay lại hết lần này tới lần khác, kể những điều thú vị mình đã gặp. Nói rằng anh sẽ chờ. Nhưng lần này anh đã đi suốt hai tuần liền, không chỉ một. Anh không gọi về trên đường đi, và dù anh vẫn mang hoa tặng cô như mọi lần, anh đã không nhắc lại chuyện cầu hôn suốt sáu tháng qua. Lẽ ra anh đã có thể lái xe đi mãi mãi, không bao giờ quay trở lại nữa, không bao giờ cho cô cơ hội để chấp nhận lời cầu hôn.

Cô cầm tay anh lên hôn vào lòng bàn tay mạnh mẽ, thô ráp với đầy vết chai sần, những đường chỉ tay ngang dọc. Anh quay sang, như bừng tỉnh giữa dòng suy tư, vẻ mặt bối rối như vừa bị kim châm.

“Caroline này.” Anh nói bằng giọng thật trịnh trọng. “Có điều này anh muốn nói với em.”

“Em biết.” Cô đặt bàn tay anh lên tim mình và giữ nguyên ở đó. “Ôi, Al, em thật ngu ngốc làm sao. Tất nhiên rồi, em sẽ lấy anh,” cô nói.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx