sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 02 - Phần 4

Con gái chịu ảnh hưởng từ tôi, từ nhỏ ước mơ của con đã không giống ai.

Ngày 27 tháng 6 năm 2002, trường mẫu giáo số 5 thuộc Đại học Cát Lâm tổ chức lễ tốt nghiệp cho các học sinh lớp lớn. Trong buổi lễ tốt nghiệp có một hoạt động là mời các bạn nhỏ lên sân khấu trình bày ước mơ của mình. Trước đó cô giáo đã bố trí bài tập để các bạn nhỏ có thể chuẩn bị trước ở nhà, cô yêu cầu các con phải viết ra giấy, khi lên sân khấu chỉ cần mở giấy ra đọc. Hôm đầu tiên khi đi học về, con gái đã nhốt mình trong phòng để viết về ước mơ của mình. Sau khi viết xong, con cầm đưa cho chúng tôi xem, con viết con muốn trở thành một chiến sĩ cảnh sát dũng cảm, mặc dù có rất nhiều chữ con chỉ biết viết phiên âm, nhưng con viết rất ngay ngắn, câu chữ rất trịnh trọng.

Ngày hôm sau, tôi và vợ nhận được lời mời của trường tới dự buổi lễ tốt nghiệp của con. Buổi lễ tiến hành theo kế hoạch, rất nhanh đã đến phần nói về ước mơ. Con gái tôi có số thứ tự tám, con ngồi trên hàng ghế đầu, chăm chú lắng nghe các bạn mình nói về lý tưởng của bản thân. Tôi để ý con thường xuyên nhíu lông mày, thi thoảng lại ra vẻ trầm tư suy nghĩ, tôi không biết con đang nghĩ gì.

Tiếp theo là đến lượt của Y Y, khi cô giáo gọi đến tên con, tôi phát hiện con có chút do dự, sau đó, để lại tờ giấy vốn nắ̀m chặt trong tay con nãy giờ trên bàn, ngập ngừng bước lên sân khấu. Tôi hơi lo lắng, không biết có chuyện gì xảy ra với con, tối hôm trước không phải là con đã chuẩn bị rất chu đáo rồi sao? Tại sao đến giờ phút quyết định con lại sợ sệt co rúm lại thế kia? Nhút nhát sợ sệt không phải là tính cách của con, hơn nữa tại sao con lại không cầm theo tờ giấy đã chuẩn bị sẵn?

Không để cho tôi phải nghĩ nhiều, con bắt đầu phát biểu: “Xin chào tất cả mọi người, cháu tên là Phạm Khương Quốc Nhất, ước mơ của cháu là… là bán dây chuyền vàng!”. Cái gì, tôi nghĩ mình đã nghe nhầm, con gái đang nói cái gì vậy? Bán dây chuyền vàng? Để kiểm tra lại rằng tôi không nghe sai, tôi hỏi lại vợ tôi, vẻ mặt kinh ngạc sợ hãi của vợ tôi đã chứng thực điều tôi nghe thấy là sự thật: “Cái này mà cũng gọi là ước mơ? So với ước mơ trở thành giáo viên, cảnh sát, bác sĩ, nhà khoa học… mà bảy bạn trước đó đã nói thì ước mơ của con sao mà tầm thường thế, nó còn không thể gọi là ước mơ được, thật là mất mặt quá”. Vợ tôi mặt nóng bừng bừng, phụ huynh ngồi cạnh cũng không nhịn được phải bật cười. Tôi cũng bồn chồn lo lắng, muốn lên sân khấu lôi con xuống, hỏi con tại sao lại đột nhiên nói những lời đó. Tại sao đột nhiên lại nghĩ ra một ước mơ như vậy, nhà tôi từ trước tới giờ không ai thích đồ trang sức bằng vàng, con gái từ nhỏ đến lớn chưa từng tiếp xúc với “dây chuyền vàng”, tại sao con lại có “cảm tình” với thứ này?

Tôi nghĩ nhất định là có nguyên do của nó, vì thế trên đường về nhà mới có đoạn đối thoại như thế này:

“Y Y tại sao con không cho mọi người biết ước mơ của con là làm cảnh sát, tại sao lại thay đổi ước mơ của mình trong chốc lát như vậy?”.

“Cha không nghe thấy đã có một bạn nói bạn ấy muốn làm cảnh sát rồi sao ạ? Con không muốn nói giống người khác, nếu nói như vậy cô giáo sẽ cho rằng con bắt chước người khác, chẳng ra gì cả”.

“Nhưng tại sao lại phải là bán dây chuyền vàng? Tại sao con lại nghĩ đến điều này?”.

“Con thấy có bạn nói muốn làm cảnh sát rồi, con đổi thành giáo viên. Nhưng lại có bạn nói muốn làm giáo viên, con đành đổi thành làm bác sĩ, nhưng kết quả là lại có bạn nói muốn làm bác sĩ. Con nghĩ mãi mới ra nhà khoa học, kết quả là bạn số bảy lại nói trước. Chẳng còn cách nào khác, lúc lên sân khấu con vẫn đang nghĩ phải nói cái gì. Đang suy nghĩ con chợt nhìn thấy trên cổ cô giáo có đeo một sợi dây chuyền, con đành nói ước mơ của con là bán dây chuyền vàng”.

“Bán dây chuyền vàng thì có gì tốt, nghe đã thấy chẳng có chí tiến thủ chút nào?”. Vợ tôi xen vào câu chuyện của hai cha con.

“Bán dây chuyền vàng thì có gì không tốt ạ, có thể kiếm được tiền cho cha mẹ tiêu”.

Sau khi nói chuyện với con, tôi hiểu ra tất cả, tôi không cảm thấy buồn mà thấy vui. Không ngờ rằng vì nghĩ đến “bán dây chuyền vàng”, con gái đã phải tốn không biết bao nhiêu nơron thần kinh, hơn nữa câu: “Bán dây chuyền vàng” của con đã giúp tôi nhìn thấy điều đáng quý ở con gái.

Trước tiên, có thể thấy con gái là người có tư duy khác biệt, điều này không phải là dễ, không muốn làm điều giống với người trước đã làm, nói những lời người khác đã nói. Lớp mẫu giáo của con có tới ba mươi sáu bạn nhỏ, những bạn nói muốn làm cảnh sát, làm giáo viên, làm bác sĩ, làm nhà khoa học mỗi ngành nghề đều không dưới năm bạn, nhưng chỉ có con gái nói muốn trở thành người bán dây chuyền vàng, độc nhất vô nhị! Không đi theo số đông, có cá tính, đây là những tố chất cơ bản để trở thành một người thành công.

Thứ hai, có thể thấy con có đầu óc linh hoạt, không cứng nhắc, mặc dù trước đó con đã chuẩn bị nội dung phát biểu, nhưng con có thể căn cứ vào tình hình thực tế để thay đổi nội dung, không dập khuôn cứng nhắc. Một đứa trẻ mới có năm tuổi rưỡi mà làm được như vậy thì đáng được khen ngợi.

Thứ ba, qua chuyện này có thể thấy được con có trí tưởng tượng rất phong phú, có thể liên tưởng việc “bán dây chuyên vàng” với lý tưởng của bản thân, điều này người lớn chúng ta không phải ai cũng có thể làm được.

Còn một điểm nữa cần phải nói đến, đó là con luôn luôn hướng về cha mẹ, cho dù là “bán dây chuyền vàng” thì cũng vì “kiếm tiền để cha mẹ tiêu”.

Nghĩ như vậy, tôi làm sao nỡ lòng trách cứ con vì lý tưởng của con trong mắt người khác tầm thường? Không những không trách cứ mà còn cần phải khẳng định! Chuyện này cũng gợi cho tôi suy nghĩ: Khi trẻ làm một điều gì đó, trong mắt người lớn điều này trái với những chuẩn mực thông thường, thậm chí là hoang đường, nhưng cha mẹ không được trách mắng trẻ, trước tiên hãy hỏi tại sao, có thể cha mẹ sẽ phát hiện ra rằng người sai không phải là trẻ mà lại là chính bản thân chúng ta, không phải con đã vi phạm chuẩn mực mà là đầu óc chúng ta đóng khung trong những chuẩn mực…

Rất may là khi con nói ước mơ của mình là trở thành người bán dây chuyền vàng, tôi đã không trách mắng con ngay lập tức, nếu không thì lối tư duy riêng biệt, khả năng sáng tạo, ứng biến, thậm chí là lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ có lẽ đã mãi mãi biến mất…

Con lớn lên, ước mơ của con cũng theo đó mà thay đổi, con càng ngày càng trưởng thành, thực tế hơn. Giờ đây, tôi không có lý do gì mà không vui mừng khi ước mơ của con ngày một bay cao bay xa.

Tôi và vợ đối đầu: Để con chơi hay học

Kết thúc những năm tháng học ở trường mẫu giáo, con gái sắp bắt đầu một cuộc sống học tập mới ở trường tiểu học. Con sẽ học như thế nào? Ở phần đầu tôi đã nói, phải cho con vui vẻ học tập, nhưng những bạn nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường, có bao nhiêu bạn cảm thấy vui vẻ? Để không biến con thành cỗ máy học hành, nô lệ của điểm số, tôi kiên quyết giữ lập trường: “Nếu nền giáo dục đối phó kiểu Trung Quốc không thay đổi, con gái tôi sẽ không đến trường, tôi sẽ cho con tự học ở nhà đến khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu có điều kiện tôi sẽ cho con ra nước ngoài học, không có điều kiện thì sẽ để con tìm việc và đi làm, dù chỉ ở nhà tự học thì sau khi học xong chương trình trung học, những tố chất tổng thể của Phạm Khương Quốc Nhất tuyệt đối tốt hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học bình thường”.

Tôi tự tin như vậy bởi vì hai lý do, thứ nhất là tôi và vợ đều có thể trở thành giáo viên của con, cũng có thể mời gia sư đến nhà dạy cho con những kiến thức cơ bản trong chương trình học; thứ hai, nhìn vào nền giáo dục hiện nay của Trung Quốc có thể thấy giáo dục chỉ chú trọng điểm số mà không chú trọng bồi dưỡng năng lực cũng như phẩm chất đạo đức, tố chất tổng thể của sinh viên đại học cũng không cao. Tôi định chú trọng bồi dưỡng năng lực, phẩm chất đạo đức cho con, giúp con có tố chất tổng thể xuất chúng, bởi vì bản thân tôi hiểu rõ hơn ai hết, con người tồn tại là nhờ năng lực chứ không phải là học lực.

Nhưng ý tưởng tốt đẹp của tôi đã bị bóp nghẹt từ trong trứng nước, người thân và bạn bè kịch liệt phản đối ý tưởng này, họ cho rằng tôi đang lấy con gái ra làm thí nghiệm mạo hiểm. Vợ tôi, người vốn trưởng thành từ nền giáo dục đối phó kiên quyết phản đối, thậm chí vì điều này mà hai vợ chồng đã cãi cọ, tôi không có ý định thỏa hiệp, nhưng sau khi suy nghĩ cẩn thận, cuối cùng tôi vẫn phải đưa con đến trường tiểu học.

Quyết định này của tôi không có nghĩa là tôi đầu hàng người thân bạn bè, đại diện là vợ tôi và nền giáo dục đối phó, mà là vì tôi nghĩ cho con gái, nếu con học ở nhà, con sẽ không được chơi đùa với các bạn cùng trang lứa, như vậy con sẽ cô độc, sẽ bị trầm cảm, sống khép kín, hơn nữa nếu trẻ không được tham gia vào những hoạt động tập thể, trẻ sẽ thiếu ý thức hợp tác, ý thức cạnh tranh và thiếu tinh thần đồng đội, mà những điều này thì vô cùng quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, tôi lại không có khả năng đem lại cho con những thứ này, vì thế tôi để con đến trường học.

Mặc dù đưa con đến trường học, nhưng không phải như thế là tôi đã an tâm, bởi vì nếu hoàn toàn phó mặc cho nhà trường, có nghĩa là đã tự đưa chân vào bể khổ. Vì thế, tôi quyết định giữa giáo dục trong nhà trường và giáo dục gia đình, tôi sẽ đi một con đường vừa không mạo hiểm vừa có thể giải quyết được việc giáo dục con. Tư tưởng “Giáo dục tam tam” vì thế mà ra đời.

Thực ra tư tưởng giáo dục của tôi không hề cao siêu khó hiểu, cũng không hề phức tạp, mục đích là để trẻ vừa tiếp nhận giáo dục ở trường nhưng sẽ bớt được gánh nặng học hành cũng như tránh khỏi giáo dục trùng lặp, tư tưởng của tôi là đi một con đường mới, ở đó vui học, chơi mà học, phải thực sự để “học hành là niềm vui”. “Giáo dục tam tam” mà tôi nói là “ba nhiều, ba giỏi và ba tốt”; “ba nhiều là chơi nhiều hơn, xem tivi nhiều hơn, đọc sách ngoài chương trình học nhiều hơn”; “ba giỏi là viết chữ giỏi, quốc ngữ giỏi, học giỏi”; “ba tốt là tự lo liệu cho bản thân tốt, ý thức tự lập tốt và tố chất tâm lý tốt”.

Mười năm thực tế đã chứng minh, tư tưởng của tôi không phải là sự hoang tưởng. Con gái đã thực sự chơi qua tiểu học, vui qua trung học, vững bước vào cổng trường đại học, quan trọng hơn, ý thức tự lập, khả năng chăm sóc bản thân, tố chất tâm lý của con đều tốt, có ý thức sáng tạo, tư duy độc lập… những điều này đều có lợi cho việc phát triển tố chất tổng thể của con.

Từ trước tới nay chúng ta vẫn có tư tưởng “chơi sẽ ảnh hưởng đến việc học tập”, rất nhiều phụ huynh đều nói với con: “Chỉ biết chơi! Chơi thế có thi đỗ đại học không? Chơi thì làm sao có tiền đồ được?”.

Có thể hiểu được vì sao các bậc phụ huynh lại có ý nghĩ như vậy, văn hóa truyền thống của chúng ta vốn tôn sùng phương pháp học “cột tóc treo trần nhà”, “lấy dùi đâm chân”(1), những tấm gương miệt mài đèn sách trong trời đông giá rét cũng được chúng ta ca ngợi và học tập. Vì thế mà trong mắt mọi người chơi là biểu hiện của việc “không có chí tiến thủ”, không có tinh thần học tập.

(1) Tôn Kính thời Hàn ban đêm khi đọc sách thường ngủ quên, sau đó nghĩ ra lấy dây cột tóc lại, đầu dây còn lại cột trên xà nhà, khi buồn ngủ đầu gật xuống, dây sẽ giật mạnh và đau, như vậy sẽ tỉnh dậy được và tiếp tục học. Sau này ông trở thành người nổi tiếng, tinh thông kim cổ, có rất nhiều học trò đến học ông. Còn Tô Tần là người thời Chiến Quốc, hồi trẻ ông học không giỏi, không được coi trọng, ông quyết tâm phải học thật giỏi, ban đêm đọc sách khi buồn ngủ ông lấy dùi chọc vào chân mình, như vậy sẽ cảm thấy đau và không buồn ngủ nữa, sau này ông trở thành một chính trị gia nổi tiếng.

Chơi và học thực sự là hai việc đối lập nhau sao? Theo quan điểm của riêng cá nhân tôi: Chơi và học là hai việc thống nhất với nhau, chơi bổ ích thì chính là học, mà học một cách khoa học chính là chơi, chơi có thể thúc đẩy việc học và việc học thông qua những trò chơi thì sẽ dễ tiếp thu hơn và vui vẻ hơn.

Câu “Chơi bổ ích thì chính là học” ai cũng có thể hiểu được, bởi vì chúng ta đều biết, từ khi sinh ra, đứa trẻ đã nhận thức, cảm nhận thế giới, học giao tiếp, hiểu biết quan hệ giữa người với người chính bằng cách thông qua những trò chơi. Nhiều năng lực của trẻ phát triển tốt là nhờ những trò chơi đó. Nhưng nếu nói “học một cách khoa học chính là chơi” thì rất nhiều người lại không hiểu, bởi vì chúng ta đều biết học là một việc hết sức nghiêm túc, nếu không có thái độ học tập nghiêm túc, toàn tâm toàn ý thì rất khó để học tốt. Vì vậy, khi trẻ bắt đầu học văn hóa, chúng ta đã không còn coi “chơi” là một phương pháp học nữa mà coi nó là một hành vi ảnh hưởng đến việc học hành.

Trên thực tế việc học cần phải mang đến sự vui vẻ, chúng ta hoàn toàn có thể biến việc học cũng trở nên hấp dẫn thú vị như việc chơi. Tại sao trẻ con lại thích chơi đến như vậy? Bởi vì chơi có thể làm chúng vui. Nếu việc học cũng có thể làm chúng vui, liệu trẻ có còn ghét học không? Có còn coi việc học là một việc khổ sai không? Tất nhiên là không, mà ngược lại khi vui vẻ, học còn hiệu quả hơn. Như vậy thì tại sao chúng ta phải để trẻ chịu áp lực học hành, thậm chí khiến chúng cả đời đều căm ghét chuyện học hành.

Vì vậy, không những phải tăng cường đề xướng “giáo dục vui vẻ” mà còn phải đề xướng “dạy học qua những trò chơi”. Khi trẻ đã coi việc học và việc chơi là một, thống nhất giữa chơi và học, thì việc học sẽ trở thành một trò chơi mang lại niềm vui.

Con gái tôi học chữ bắt đầu từ chơi trò chơi. Khi đó Y Y mới được hai tuổi, con thích dùng cái que gỗ vẽ những hình thù kỳ quái lên trên mặt đất, tôi cũng cầm một que và vẽ cùng con. Con vẽ một nét ngang tôi vẽ thêm một nét dọc, con tiếp tục vẽ thêm các nét lên trên đó. Khi các nét vẽ tạo được thành một chữ, tôi nói cho con biết đó là chữ gì, con rất hứng thú tìm hiểu chữ này và đọc to lên. Khi tiếp tục vẽ, con vẽ một nét, tôi một nét, vô hình trung con viết được chữ mà con đã biết, sau đó con đắc ý nói với tôi chữ đó là chữ gì.

Y Y học làm tính cũng chính từ việc chơi bài poker. Ban đầu hai cha con đếm hình vẽ trên lá bài, con hiểu được khái niệm về con số; sau đó hai cha con thi nhau xem ai có thể đưa ra quân bài lớn hơn, con hiểu được có số lớn số bé; sau đó thì chơi đến 20 điểm, con biết làm phép cộng, sau đó lại chơi làm thế nào để gộp đến 24, lúc này con đã thành thạo cộng trừ nhân chia…

Sau này khi con đi học, tôi càng chú trọng hơn đến việc bồi dưỡng hứng thú trong học tập cho con. Cổ nhân dạy: Đối với việc học hành, người biết cách học như thế nào không bằng người yêu thích việc học tập, người yêu thích việc học tập không bằng người có thể coi việc học là niềm vui, nhấn mạnh khi coi việc học là niềm vui thì học sẽ nhanh hơn. Sự hứng thú chính là động lực lớn nhất khiến cho con người muốn học hỏi và tìm hiểu kiến thức, nếu chúng ta biết dùng những biện pháp, phương thức vui vẻ để tăng sự hứng thú của trẻ, trẻ sẽ học tập một cách tích cực hơn.

Đầu tiên tôi để con gái hiểu được rằng học không phải là để phục vụ thi cử, càng không phải vì điểm số, mà học là để có thêm nhiều kiến thức, trong quá trình tìm hiểu kiến thức đó chúng ta sẽ có nhiều niềm vui. Thứ hai, tôi chỉ cho con những phương pháp học khoa học. Vì thế từ khi đi học, lúc nào con gái cũng tràn đầy nhiệt huyết với việc học hành, hiệu quả học tập cũng rất cao.

Quan điểm của tôi từ trước đến này đều thống nhất: Mục đích cuối cùng của việc giáo dục là dạy cho trẻ khả năng sinh tồn, phát triển toàn diện, từ đó có thể bình thản sống một cuộc sống đầy niềm vui.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc đã đưa ra nhận định: “Giáo dục nên đi sâu vào bốn nội dung cơ bản lần lượt như sau: học nhận thức, học cách thức để lý giải vấn đề; học cách giải quyết vấn đề; học cách sống chung với cộng đồng; cuối cùng là học cách sinh tồn. Đây cũng là kết quả của ba hình thức học đã nói ở trên. Có thể nói, bốn nội dung học tập ở trên chính là trụ cột kiến thức trong cuộc đời của mỗi người.

Nhưng giáo dục trong nhà trường hiện nay, việc dạy bốn nội dung trên vô cùng ít. Cho dù các bậc phụ huynh đều biết kỹ năng sống quan trọng hơn thành tích học tập nhưng sự thật trong quá trình giáo dục con cái, họ vẫn đặt thành tích học tập lên hàng đầu và vô hình trung đã coi nhẹ việc bồi dưỡng những tố chất tổng thể của trẻ.

Thực tế chứng minh rằng một đứa trẻ có năng lực tổng thể tốt, vui vẻ, tràn trề sinh lực không nhất định phải có thành tích học tập ở trường tốt, nhưng khi ra xã hội, bất luận đứa trẻ đó ở hoàn cảnh nào thì nó cũng có thể tìm được vị trí của mình một cách dễ dàng và có thể phát huy giá trị của bản thân, bởi đứa trẻ đó có năng lực thích ứng với hoàn cảnh tốt, năng lực sinh tồn tốt. Vì vậy, mục đích cuối cùng của giáo dục không phải là đứa trẻ đó học được bao nhiêu kiến thức văn hóa, thi được bao nhiêu điểm, mà là đứa trẻ đó có trở thành một con người hoàn chỉnh, một con người phát triển toàn diện hay không?

Làm thế nào để hiện thực hóa mục đích cuối cùng của giáo dục? Một điều căn bản nhất là để trẻ chơi, mang lại niềm vui cho trẻ! Chơi đùa giống như vứt miếng bọt biển vào đại dương, sẽ mang lại biết bao nhiêu điều cho trẻ. Mọi kiến thức đều nằm trong những trò chơi đơn giản, vì thế hãy để cho trẻ chơi, phải dạy cho chúng chơi thế nào để vui hơn, bởi đứa trẻ nào càng biết chơi thì đứa trẻ đó càng xuất chúng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx