sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 03 - Phần 1

Chương III

CON GÁI VÀO TIỂU HỌC, TÔI CÙNG CON “CHƠI” QUA TIỂU HỌC

Nhìn lại những tháng ngày đã qua, niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi có được không phải là con đã vượt cấp hay là xuất bản sách mà là vì có tôi bên cạnh, nên con có trái tim tràn ngập niềm vui vô bờ bến và nụ cười rạng rỡ. Thông qua những trò chơi vui vẻ, con đã học được vô số những kiến thức mà sách vở không thể nào dạy được.

Con tôi không học trường điểm

Tôi đã từng may mắn được ra nước ngoài khảo sát giáo dục, mỗi quốc gia do tình hình đất nước, thể chế xã hội và văn hóa khác nhau mà phương thức giáo dục có sự khác biệt, nhưng có một điểm chung lớn ở những nền giáo dục này đó là giáo dục phục vụ con người và giáo dục khiến người học cảm thấy vui vẻ.

Đã từ rất lâu, ở Trung Quốc phân thành trường bình thường và trường điểm, nhưng tôi vốn không tán đồng với cách làm này, con người ai cũng bình đẳng, tại sao phải phân chia các trường, sự bất bình đẳng này do con người tạo ra. Điều đáng buồn nữa là tại một số trường điểm còn phân ra lớp chọn, lớp thực nghiệm, lớp A1, lớp A, rồi lớp AA…

Có trường điểm tiểu học, trường điểm trung học và tất nhiên có trường điểm đại học.

Trường đại học mà con gái tôi đang học xét tuyển căn cứ vào kết quả thi, còn trường tiểu học và trung học thì không cần điểm số, vì thế khi học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, con gái tôi đều không học ở trường điểm mà học tại những ngôi trường bình thường, hoàn thành những môn học văn hóa cơ bản.

Ở phần trước tôi đã nói, để giải quyết vấn đề vui chơi và giao lưu với những bạn cùng trang lứa, tôi gửi con đến trường học, nhưng trường học này có rất nhiều điều khác biệt. Chính vì điều khác biệt này mà đến tháng năm, tháng sáu hàng năm lại có những cuộc chiến nảy lửa về vấn đề lên lớp.

Nhìn tổng thể tình hình cả nước, các bậc phụ huynh giống như chuẩn bị ra trận, dốc toàn bộ sức lực để có thể cho con vào học trường tốt nhất: Con vừa học xong mẫu giáo, muốn con học trường tiểu học điểm, con học xong tiểu học muốn học trường điểm trung học cơ sở, những đứa sắp vào trung học phổ thông hay đại học thì cũng phải học trường điểm…

Trong mắt phụ huynh, ở tiểu học chỉ có học trường điểm thì lên trung học cơ sở mới được học trường điểm, học trường điểm ở trung học phổ thông mới có thể thi vào trường điểm đại học, như vậy con mới có thể thành công, thành tài. Như vậy cha mẹ mới an tâm, mới có thể thở phào nhẹ nhõm, mới được nở mày nở mặt. Vì muốn cho con được học ở những trường như vậy mà các bậc phụ huynh phải suy nghĩ nát óc, thậm chí không từ thủ đoạn, dồn hết tiền bạc, tìm các mối quan hệ…

Mười năm trước khi con gái học xong mẫu giáo, tôi cũng phải đối mặt với vấn đề như vậy. Gần nhà tôi có hai ngôi trường tiểu học trọng điểm nổi tiếng cả tỉnh là trường Thực nghiệm số 2 tỉnh Cát Lâm và trường Tiểu học thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc, và cũng có trường học rất đỗi bình thường là trường Tiểu học Các con em xưởng 228 và trường Tiểu học Các con em Quang Cơ. Trong khi một số phụ huynh tốn tiền của để con mình được học ở trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc thì tôi không ngần ngại ghi tên cho con học trường Tiểu học Các con em xưởng 228.

Một ngày nọ con gái sau khi tan học ở trường mẫu giáo về nhà, con nói với tôi: “Cha ơi, con không muốn học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228, con muốn học ở trường Thực nghiệm số 2”. “Tại sao?”. “Rất nhiều bạn lớp con sẽ học ở trường Thực nghiệm số 2, cô giáo bảo trường này tốt”.

Ngày hôm sau khi đưa con đến trường mẫu giáo, cô giáo của con vừa nhìn thấy tôi đã hỏi: “Thầy Đông Tử, Y Y nói là sẽ học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228, có thật vậy không ạ?”. “Đúng rồi”. “Tại sao thầy không cho cháu học ở trường thực nghiệm? Rất nhiều phụ huynh của các bé ở khu vực trái tuyến với trường Thực nghiệm số 2 phải bỏ ra hàng vạn nhân dân tệ để nộp phí chọn trường, nhiều gia đình công nhân không có nhiều tiền như vậy đều nhờ người giúp hoặc vay tiền để có thể cho con vào học ở đó. Ngay cả công nhân ở xưởng 228 đều tìm cách cho con chuyển đến trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc. Tại sao Y Y lại học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228?”. Rất nhiều phụ huynh đưa con đến trường khi nghe thấy cuộc trò chuyện của tôi và cô giáo nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Qua tìm hiểu tôi được biết, phần lớn các bạn trong lớp Y Y sẽ học ở trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc, chỉ có con gái tôi và một số con em của công nhân đã nghỉ việc là học ở trường Các con em xưởng 228.

Vậy tại sao tôi không cho con học ở trường điểm trong khi có đầy đủ điều kiện? Thứ nhất, thu nhập của gia đình có thể nộp các loại học phí; thứ hai trong mắt người khác, dù thế nào tôi cũng là một trí thức nổi tiếng, con của người nổi tiếng thì phải học ở trường điểm; thứ ba, nhiều năm nay tôi nghiên cứu giáo dục tâm lý cho thanh thiếu niên, vợ là giáo viên, những gia đình trí thức như gia đình chúng tôi đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục con cái, đã coi trọng việc giáo dục con cái, tại sao không cho con cái học trường điểm? Sau một hồi suy nghĩ, tôi đã hiểu tại sao mọi người lại không hiểu tôi. Nhưng tôi buộc phải giải thích cho họ tại sao tôi không cho con học ở trường điểm mà lại cho con học ở một trường bình thường.

Trước hết, tôi không tán thành việc chọn trường, quan điểm nhất quán của tôi là học những trường gần nhà, như vậy có thể tránh được việc phụ huynh và con em phải đi lại vất vả, lại tiết kiệm được phí chọn trường, phí giao thông và rất nhiều khoản chi khác. Thứ hai, tôi tin vào một điều: Một con người có thể thành công hoặc có tiền đồ hay không, phần lớn là do nhân tố chủ quan quyết định, môi trường khách quan chỉ là một trong rất nhiều những nhân tố khác. Còn một điểm nữa đó là: Các trường bình thường thì có môi trường học tập tương đối nhẹ nhàng, vui vẻ, có lợi cho sự trưởng thành của con.

Nghĩ lại hồi chúng tôi đi học, vì xuất thân là nông dân, tôi chỉ học tại ngôi trường cũ nát trong thôn, tôi tự thấy rằng mình đã cố gắng không ít để có được ngày hôm nay. Vì thế, những học sinh học ở trường điểm không nhất định đều là nhân tài và những ngôi trường bình thường không có nghĩa không thể bồi dưỡng ra nhân tài. Huống chi, các bậc phụ huynh đều quên mất rằng, bất luận là học ở trường điểm hay là trường thường thì nội dung học tập đều giống nhau, sách giáo khoa giống nhau, các tiết học giống nhau, hơn nữa giáo viên và chất lượng dạy học cũng không khác xa nhau là mấy. Tôi tin rằng dù Y Y học ở trường điểm hay là học ở trường dành cho con em công nhân thì con vẫn là con, không phải vì học trường điểm thì con sẽ trở thành thần đồng hay học ở trường thường thì con sẽ trở thành một đứa trẻ vô dụng.

Tôi không để cho con học ở trường điểm chỉ để con hiểu rằng: Sự thành công của con trong tương lai hoàn toàn là do chủ quan cá nhân con có nỗ lực hay không, không được có bất cứ tư tưởng ỷ lại nào vào điều kiện ngoại cảnh; cha mẹ mặc dù mong con sau này thành tài, có tiền đồ nhưng quan trọng hơn cha mẹ mong con được vui vẻ. Tránh xa trường điểm nơi có sự cạnh tranh khốc liệt do con người gây ra, cho con học ở môi trường học tập thoải mái, đó chính là tâm nguyện của chúng tôi…

Như vậy, con gái năm tuổi rưỡi nắm tay tôi đến trường tiểu học 228, trở thành một học sinh tiểu học bình thường của một ngôi trường bình thường. Trên đường đến trường, tôi nói với con: “Hoa trong trường 228 với hoa trong trường thực nghiệm đều đẹp như nhau, nụ cười của các thầy cô ở trường 228 và nụ cười của các thầy cô ở trường thực nghiệm đều rạng rỡ như nhau. Trường 228 không kém bất cứ một ngôi trường nào, các trường khác có gì thì trường 228 cũng có cái đó”.

Cho đến bây giờ, mọi thứ đều nằm trong ký ức của con gái.

Con gái và các bạn của con

Cổ nhân nói, con người sinh ra không thể không có tập thể. Con người có thuộc tính xã hội, ai cũng cần phải có bạn bè, không có các mối quan hệ con người sẽ trở nên cô độc, yếu ớt.

Cũng giống như người lớn, trẻ con cũng cần có bạn, giao lưu cùng các bạn đồng trang lứa là một nhu cầu xã hội của trẻ. Nghiên cứu cho thấy đối với trẻ em quan hệ xã hội với những bạn đồng trang lứa là mối quan hệ không thể thay thế bởi những quan hệ khác. Xét từ góc độ tâm lý, khi học tập, sinh hoạt, vui chơi cùng các bạn đồng trang lứa có thể bồi dưỡng năng lực giao tiếp xã hội của trẻ, bồi dưỡng nhân cách toàn diện, giúp trẻ dễ dàng hòa mình vào tập thể. Xét về phương diện phát triển tình cảm, có quan hệ tốt với những bạn cùng trang lứa, trẻ sẽ nhận được nhiều sự chăm sóc, cổ vũ, giúp đỡ, từ đó trẻ càng tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể. Hơn nữa chơi cùng các bạn đồng trang lứa, trẻ sẽ học được cách hợp tác, bao dung và trong quá trình đó nâng cao năng lực thích ứng với người khác và với xã hội ở một mức độ nào đó.

Điều quan trọng nhất là có bạn sẽ mang đến niềm vui cho trẻ, từ đó trẻ sẽ không cảm thấy cô độc, có cảm giác an toàn và biết mình thuộc về đâu.

Nói tóm lại, trong quá trình phát triển trẻ cần một người thầy tốt và quan trọng hơn nữa là người bạn tốt, không có bạn bè, trẻ sẽ cảm thấy cô độc và buồn tủi, như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, cá tính cũng như tình cảm của trẻ.

Nhưng hãy nhìn mà xem, bọn trẻ bây giờ đang lún sâu vào “khủng hoảng bạn bè”, lún sâu vào sự cô độc khi không có bạn bè. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do chúng đều là con một, chúng không có anh chị em, ở nhà là “mặt trời nhỏ”, là duy nhất; ra đường thì toàn thấy các tòa nhà mọc cao san sát, nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm, không qua lại, vì thế mà “khó gặp tri âm”.

Nguyên nhân chủ quan khiến trẻ rơi vào trạng thái cô độc lại chính là do sự lo lắng của phụ huynh. Thứ nhất, hàng ngày khi tan học, trẻ có một đống bài vở chồng chất cần hoàn thành, cho dù có hai ngày nghỉ cuối tuần nhưng vẫn phải đi học các lớp phụ đạo. Thứ hai, cho con ra ngoài tìm các bạn chơi thì cha mẹ lại không yên tâm. Thứ ba, có bậc phụ huynh cho rằng mặc dù con họ không có bạn, nhưng cha mẹ có thể chơi cùng con, và hơn nữa con lại có rất nhiều đồ chơi. Vì thế, nếu có thể chơi ở nhà vui vẻ thì không cần thiết phải ra ngoài chơi cùng bạn bè.

Để con gái có thể được chơi vui vẻ với các bạn bè cùng trang lứa, tôi tìm đủ mọi cách để giúp con có điều kiện giao lưu cùng các bạn, ủng hộ con có thêm nhiều bạn bè.

Tôi để con có nhiều thời gian chơi cùng với bạn bè. Tính cách Y Y rất chan hòa, thích kết bạn, điểm này con rất giống tôi. Khi con mới lẫm chẫm học đi, chỉ cần đưa con xuống lầu chơi tôi luôn có ý thức mang con đến những nơi có nhiều trẻ con chơi, sau đó nhìn con và những đứa trẻ khác vui vẻ chơi đồ chơi của nhau và cùng chơi các trò chơi.

Khi lớn hơn một chút, con đã có ý thức tìm các bạn nhỏ để chơi cùng, con thường đến khu tập thể dục dưới lầu, chả mấy chốc con đã “nhập hội” chơi cùng các bạn.

Khi được ba tuổi, Y Y đã hiểu ý nghĩa của từ “bạn bè”. Lúc đó con đang học mẫu giáo. Ở lớp mẫu giáo có một bạn nhỏ tên là Hàn Tử Nghi, chơi rất thân với Y Y, hai đứa không chỉ chơi cùng nhau mà Y Y còn có trách nhiệm chăm sóc Hàn Tử Nghi nữa. Mặc dù Hàn Tử Nghi là một cậu con trai, lại còn hơn Y Y nửa tuổi nhưng cậu bé lại không “dạn dĩ” như Y Y, cậu bé thường hay ỷ lại vào cha mẹ. Một lần khi tan học về nhà, Y Y đột nhiên rút từ trong túi ra một chiếc tất. Vợ tôi hỏi con là tất ở đâu ra, con nói là của bạn, lúc ngồi trên xe bị rơi ra, con giúp bạn ấy nhặt, ngày mai khi đến lớp gặp bạn ấy thì sẽ đưa lại. Vợ tôi hiếu kỳ hỏi thêm: “Ai là bạn con vậy?”. Y Y trả lời rõ ràng: “Bạn Hàn Tử Nghi mẹ ạ!”.

Sau đó, con thường xuyên nói từ “bạn con”. Khi lên năm tuổi, một hôm khi con đang chơi dưới lầu, bà cụ hàng xóm hỏi con tại sao lại đứng im trước cổng mà không đi, con trả lời bà với vẻ mặt rất nghiêm túc: “Cháu đang đợi bạn cháu ạ”. Câu trả lời của con khiến bà cụ không thể không cười. Bà cụ nói một đứa trẻ mới năm tuổi mà có thể nói như vậy thật khiến bà bất ngờ và thú vị. Nhưng Y Y rất nghiêm túc, trong suy nghĩ của con, trẻ con hay người lớn cũng đều được có bạn, cho dù con chỉ là một đứa bé nhưng con cũng giống như người lớn, cũng có những người bạn của mình.

Từ trước tới nay tôi không bao giờ phản đối Y Y đưa bạn về nhà chơi. Y Y rất nhiệt tình và mến khách, thích mời các bạn đến nhà chơi. Nhiều lúc đưa đến năm, sáu bạn nhỏ về, mấy đứa chạy nhảy trên sàn nhà, nô đùa ầm ĩ, lăn lộn trên giường, thậm chí còn chơi trò trốn tìm trong nhà… Đợi khi các bạn nhỏ đã ra về hết, nhìn lại căn nhà: khắp nơi đồ chơi vứt lung tung, chăn trên giường bị “giẫm đạp” đến nỗi không còn nhận ra nó là cái chăn nữa, khi chơi trốn tìm có bạn trốn trong tủ khiến tủ lộn xộn, hoa quả mua cho con ăn thì đã “sạch sành sanh”, vỏ hoa quả thì vứt lung tung trên sàn… Kết quả là tôi và vợ cùng với con phải thu dọn mất rất nhiều thời gian.

Theo tôi được biết thì rất nhiều phụ huynh không thích điều này. Rủ nhiều bạn về nhà chơi như vậy, làm bẩn nhà, đồ đạc vứt lung tung, thu dọn mới phiền phức làm sao… Nhưng so với niềm vui mà con có được khi chơi cùng các bạn, những phiền phức này đều không đáng gì cả.

Chủ nhật đầu tiên khi Y Y vào tiểu học, con hẹn các bạn cùng lớp là Vương Trung Huy, Vương Tử Dương cùng chơi dưới lầu. Hình như là các cô cậu chơi chán rồi nên Y Y mời các bạn về nhà chơi. Hai bạn nhỏ kia đồng ý ngay, đi cùng Y Y lên trên lầu. Ba đứa ở trong phòng Y Y đọc sách, chơi đồ chơi, và chơi cả trốn tìm nữa, tủ, sau cánh cửa, ban công, thậm chí là gầm giường đều trở thành nơi để chúng trốn. Trong phòng thi thoảng lại vọng ra tiếng cười vui vẻ của mấy đứa nhỏ. Khi đã thấm mệt, Y Y mời mọi người ăn trái cây, uống nước, rất ra dáng của một người chủ nhỏ.

Chả mấy chốc đến giờ ăn cơm trưa, cha mẹ của Vương Trung Huy, Vương Tử Dương đến nhà tìm con về ăn cơm, nhưng mấy đứa đang chơi hăng say, chẳng đứa nào chịu về nhà. Y Y lại rất nhiệt tình mời các bạn ở lại, con lại xin cha mẹ hai bạn để hai bạn ở lại nhà mình ăn cơm. Khi được cho phép Y Y mừng rỡ nhảy cẫng lên, nắm lấy tay của hai bạn như sợ hai bạn sẽ đi mất, rồi dắt hai bạn quay lại phòng mình. Sau đó con ngoái đầu lại nói với mẹ là Vương Trung Huy thích ăn mỳ còn Vương Tử Dương thì thích ăn cơm rang trứng.

Sau một hồi bận rộn, mấy đứa nhỏ đã ăn cơm trưa xong, chúng lại chơi một lúc, sau đó hai đứa trẻ lần lượt được gia đình đón về. Khi tạm biệt các bạn, Y Y không quên nhắc các bạn cuối tuần sau lại đến chơi. Đây là lần đầu tiên con đưa bạn về nhà chơi. Sau đó, con thường xuyên đưa các bạn về chơi, lúc đông nhất là một lúc đưa cả năm bạn về nhà chơi. Cho dù là bạn nào đến, con đều mang đồ chơi hay nhất ra để mọi người cùng chơi, mang đồ ăn ngon nhất mà cha mẹ mua cho con ra tiếp đãi các bạn.

Ngoài việc mời các bạn ở lại ăn cơm, Y Y còn mời bạn ngủ lại nhà. Ngày 13 tháng 6 năm 2003, lúc đó con vừa thi hết kỳ, được nghỉ hai ngày. Buổi tối khi ở nhà chơi không thấy vui, con đề nghị mẹ đưa đến nhà bạn Triệu Duyệt chơi. Lúc đó trời vẫn chưa tối nên mẹ con đồng ý với điều kiện là nửa tiếng sau con phải về nhà. Quả nhiên nửa tiếng sau con về nhà đúng giờ, nhưng theo sau con là bạn Triệu Duyệt. Thì ra thấy trời càng lúc càng tối, nhưng hai đứa trẻ lại không muốn chia tay. Không biết ai đã nghĩ ra nhưng hai đứa nhất định là phải ngủ chung với nhau. Nhưng rốt cuộc là ngủ lại nhà ai đây? Y Y nhiệt tình: “Về nhà tớ đi, cậu với tớ sẽ ngủ chung giường”. Sau đó thì lại ra sức xin phép cha mẹ của Triệu Duyệt, khi cha mẹ Triệu Duyệt đồng ý, con mừng như ăn Tết, vui vẻ đưa Triệu Duyệt về nhà mình.

Buổi tối hôm đó hai đứa trẻ rất hào hứng, hai đứa nói không hết chuyện, chơi không hết trò. Đến nửa đêm hai đứa trẻ vẫn vui chơi cười đùa, không có động tĩnh gì là muốn đi ngủ. Mấy lần tôi nhẹ nhàng ra khỏi giường, quan sát hai đứa qua khe cửa, giục hai đứa đi ngủ sớm nhưng nhìn nụ cười tươi trên khuôn mặt chúng, tôi không nhẫn tâm làm gián đoạn niềm vui của chúng.

Buổi tối hôm đó tôi không tài nào ngủ yên được, lòng dạ bồn chồn nghĩ đến Y Y và cô bạn nhỏ của con. Mờ sáng tôi rón rén đến phòng Y Y để quan sát tình hình, nhìn thấy hai đứa mỗi đứa ôm một con búp bê vải ngủ ngon lành. Tối qua hai đứa đều chơi hết mình nên mới mệt như vậy. Vốn định gọi chúng dậy nhưng thôi, lại để chúng ngủ thêm chút nữa. Tôi vừa quay người đóng cửa phòng lại thì Y Y tỉnh giấc, con khẽ ra khỏi giường, chạy đến phòng tôi, muốn tôi rót cho con một cốc nước mát. Tôi hỏi con muốn làm gì, con nói đợi lát nữa Triệu Duyệt thức dậy để bạn ấy uống.

Hai đứa lại chơi cả một ngày như hình với bóng, chả mấy chốc lại đến tối, lần này thì Triệu Duyệt nhất quyết muốn Y Y đến nhà cô bé ngủ, coi như là “đáp lễ”. Buổi tối hôm ở nhà Triệu Duyệt hai đứa đã chơi như thế nào, tôi không thể biết được. Mới sáng ra Y Y đã cùng Triệu Duyệt về nhà, tinh thần rất phấn chấn. Tôi hỏi con rằng ở nhà bạn ngủ mà không nhớ cha mẹ hay sao, con nói là không kịp nhớ. Tôi hỏi con ngủ ở nhà bạn có lạ nhà không? Con lém lỉnh nói: “Thật là tuyệt cha ạ!”.

Vì con đối xử với các bạn rất nhiệt tình, nên bạn bè của con ngày càng nhiều. Lần đầu khi vượt lớp, con lo lắng khi vào lớp mới các bạn ở lớp mới sẽ không thích con, nhưng chẳng bao lâu sau rất nhiều bạn trong lớp đã trở thành bạn của con.

Tôi rất ủng hộ việc Y Y liên lạc với các bạn. Bất luận là ở lớp mẫu giáo hay là đã lên tiểu học, bất luận là ở thành phố hay nông thôn, ở đâu Y Y cũng có những người bạn rất thân. Tôi cổ vũ con cho các bạn số điện thoại nhà và thường xuyên liên lạc với các bạn.

Từ khi Y Y đi học, tôi còn làm cầu nối giúp con kết bạn qua thư. Mặc dù những người bạn qua thư thì không thể cùng chơi đùa nhưng quá trình trao đổi thư từ với các bạn cũng là quá trình giao lưu với những người bạn cùng trang lứa, điều này giúp ích rất nhiều đối với quá trình phát triển tâm lý, cá tính, xã hội hóa của trẻ. Sau khi cuốn Chơi qua tiểu học được xuất bản, Y Y đã có thêm rất nhiều “những người bạn nhỏ vui vẻ”, dù cách xa hàng ngàn cây số nhưng chúng thường xuyên gọi điện cho nhau, viết thư điện tử hoặc là trao đổi thông qua QQ.

Con gái nhẹ nhàng vượt lớp

Chuyện con gái vượt lớp, khi ra sách, báo chí đưa tin, rất nhiều người đều biết, một số phụ huynh không ngừng hỏi: “Tại sao phải vượt lớp?”, “Vượt lớp liệu con có học kịp các bạn khác không?”, “Có phải vì vượt lớp mà con bé đã phải vất vả lắm đúng không?”, “Liệu con của chúng tôi có thể vượt lớp không?”… Trong quá trình học, trẻ chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố, chủ quan có, khách quan có, những đứa trẻ có thể học vượt lớp không nhiều, vì thế việc con gái tôi vượt lớp đã khiến nhiều người chú ý.

Thực ra, trong kế hoạch giáo dục con, tôi đã có kế hoạch cho con vượt lớp hai lần. Từ trước tới giờ tôi luôn cho rằng, chế độ giáo dục của Trung Quốc bố trí không hợp lý, có đến tận 12 năm học phổ thông, học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ 10 năm, một người nếu học hết tiến sĩ thì đã gần ba mươi tuổi, như vậy vô cùng lãng phí thời gian. Đặc biệt là thời gian học tiểu học, giáo trình đơn giản, nếu trẻ có hứng thú học, vui vẻ học, thì chỉ trong bốn năm là có thể nhẹ nhàng hoàn thành chương trình học ở bậc tiểu học.

Tôi không có khả năng để thay đổi chế độ giáo dục của quốc gia, nhưng tôi có thể giúp con tôi học vượt lớp để rút ngắn thời gian học, để con có thể giữ lại cho mình vài năm tuổi trẻ quý giá. Theo kế hoạch của tôi thì Y Y tốt nghiệp đại học khi chưa tròn hai mươi tuổi, nếu con học đến tiến sĩ, thì lúc tốt nghiệp cũng chỉ khoảng hai mươi lăm tuổi, độ tuổi này hợp lý hơn.

Hai lần vượt lớp vốn định ở thời gian học tiểu học, còn cụ thể vượt từ lớp nào lên lớp nào thì không có kế hoạch cụ thể, điều này phải căn cứ vào tình hình thực tế của con, nhưng không thể một lần mà vượt đến hai lớp. Lớp một nhất định là không vượt, bởi vì đây là năm học cơ bản của bậc tiểu học, là quãng thời gian vô cùng quan trọng để hình thành những thói quen hành vi, vì thế mà không nên có ý định cho con vượt lớp. Nhưng lên lớp hai, khi con đã ra dáng là học sinh, nên xem xét đến vấn đề cho con vượt lớp.

Khi Y Y bắt đầu học tiểu học con mới năm tuổi rưỡi, là học sinh nhỏ nhất trong lớp. Mỗi khi có người hỏi cháu học lớp mẫu giáo nhỡ hay học lớp lớn, Y Y thường trả lời dõng dạc: “Cháu đã đi học lớp một rồi ạ”. Người hỏi thường kinh ngạc: “Nhỏ như vậy mà đã đi học rồi?”. Nhưng nhỏ như vậy mà Y Y lại còn vượt lớp, vì thế mà mọi người càng kinh ngạc hơn.

Hai kỳ của lớp một, hầu như Y Y chơi mà học, con thường đứng đầu lớp về thành tích học tập. Ngày thường khi trên lớp, cô giáo giảng câu trước, con có thể nói câu sau, cô muốn nói gì con đều biết, những kiến thức cô giảng con đều hiểu hết. Thi cuối kỳ học kỳ I, điểm thi của con đứng đầu lớp, thi cuối kỳ học kỳ II con tiếp tục xếp thứ nhất vì điểm ngữ văn, toán và tiếng Anh đều đạt điểm tối đa. Lúc này tôi và vợ bắt đầu kế hoạch để con vượt lớp.

Lúc đó mới là suy nghĩ ban đầu, chưa có kế hoạch từng bước cụ thể. Hơn nữa lúc đó tôi đang công tác ở Đại Liên, không có nhiều thời gian để suy nghĩ về vấn đề này. Chẳng mấy chốc đã đến cuối tháng 10 năm 2003, con gái lên lớp hai đã được hơn một tháng, vợ tôi gọi điện nói với tôi căn cứ vào tình hình hiện nay của con, liệu có thể nghiên cứu việc vượt lớp của con hay chưa. Tôi bảo với vợ tôi nói chuyện với Y Y trước, nếu con không có gì khác biệt thì nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm của con. Buổi tối hôm đó vợ tôi hỏi con có muốn vượt lớp hay không. Lúc đầu con không hiểu “vượt lớp” nghĩa là gì, sau khi nghe mẹ giải thích cặn kẽ con đã hiểu ra, con rất hào hứng, lý do là vì nếu vượt lớp, con sẽ học cao hơn các bạn bây giờ một lớp. Không những thế con còn không ngừng hối thúc mẹ mau giúp con thực hiện kế hoạch vượt lớp. Thấy con rất hứng thú với việc vượt lớp, tôi với vợ tôi đều cho rằng việc vượt lớp rất khả thi.

Ngày hôm sau, vợ tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm của Y Y, cho cô biết về kế hoạch của chúng tôi và phản ứng của con, sau đó xin ý kiến của cô về vấn đề này. Sau khi nghe vợ tôi trình bày cô giáo nói Y Y rất thông minh, phản ứng nhanh, tiếp thu nhanh, những kiến thức mà hiện giờ đang học đối với con mà nói thì “đơn giản quá”. Nếu năng lực đã có thừa như vậy, có thể xem xét vượt lớp. Nhưng từ trước tới nay trường chưa có tiền lệ vượt lớp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx