sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 03 - Phần 6

Trẻ lớn lên không thể tách khỏi tivi. Nhưng để có thể làm chủ được nó, xem tivi một cách khoa học, lớn lên mạnh khỏe thì cha mẹ phải là người hướng dẫn trẻ. Trước khi để Y Y tự do xem tivi, trước tiên tôi phải dạy con xem tivi như thế nào.

Trước tiên, tôi giúp con lập thời gian biểu xem tivi. Cùng con xem giới thiệu các tiết mục trên tạp chí truyền hình hoặc trên mạng internet, căn cứ vào thời gian phát sóng của các chương trình mà con thích xem, sắp xếp thời gian xem tivi. Sau đó lập thời gian biểu, dán ở trước bàn học của con. Con tự giác chấp hành theo thời gian biểu đó, lâu dần trở thành thói quen xem tivi đúng giờ, như vậy có thể tránh được việc xem tivi một cách vô tổ chức, hơn nữa việc xem tivi trở thành có mục đích.

Tất nhiên thời gian biểu này phải linh hoạt, chỉ cần tổng thời gian không thay đổi, thời gian cụ thể có thể thay đổi theo tình hình thực tế. Ví dụ, khi kênh thiếu nhi chiếu chương trình mà Y Y thích vào buổi trưa, thì trên thời gian biểu, thời gian xem tivi phải chuyển thành buổi trưa; nếu buổi tối có chương trình mà Y Y muốn xem, thì thời gian xem tivi chuyển thành buổi tối. Hơn thế nữa xem tivi không nhất định là phải sau khi làm hết bài tập thì mới được xem. Nếu sau khi tan học đã có chương trình hay, tôi vẫn để con xem. Sau khi con vui vẻ thưởng thức xong, sẽ tự giác tập trung học. Sau khi đã trở thành thói quen, Y Y trở nên tự giác, lúc nào xem tivi, lúc nào xem sách, lúc nào chơi, tự con sẽ sắp xếp hợp lý, ít khi cần đến sự đốc thúc của tôi. Sau khi con được miễn làm bài tập trên lớp, thời gian rỗi không dành hết cho việc xem tivi mà chia thời gian vừa chơi đùa, vừa xem sách tham khảo, làm việc nhà và xem tivi.

Để tự do không có nghĩa là “bỏ mặc”, âm thầm quan sát là cần thiết. Phải thường xuyên nói chuyện với con, tìm hiểu xem gần đây con xem những chương trình gì, có nhận xét, đánh giá như thế nào về chương trình; cần kịp thời đưa ra ý kiến của mình, đặc biệt khi con có những đánh giá sai lệch, cần phải nói chuyện thẳng thắn với con bằng thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng giúp con thay đổi quan điểm, cách nhìn sai lệch; cách một khoảng thời gian lại cùng con xem chương tình con yêu thích để tăng thêm tình cảm, như vậy không những con vui mà bản thân cha mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc…

Cũng giống như việc dạy con qua đường, dạy con cách thắt dây an toàn như thế nào để tránh nguy hiểm, dạy con biết chọn một chương trình truyền hình, thưởng thức nó ra sao để có thể tránh được những “nguy hiểm” mà tivi có thể mang lại, hơn nữa lại có thể phát huy được công năng giáo dục giải trí của tivi. Như vậy con bạn sẽ phát triển khỏe mạnh, vui vẻ cùng với sự đồng hành của tivi.

Tôi là bạn chơi tốt của con gái

Chơi là quyền lợi cơ bản của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, chơi đùa là tất cả đối với chúng, đối với học sinh tiểu học, chơi đùa là nội dung quan trọng nhất trong cuộc sống học tập; đối với học sinh trung học chơi đùa vẫn là một điều không thể thiếu trong cuộc sống học tập của chúng. Vì thế có thể nói, chơi đùa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Việc chơi đùa của trẻ ngoài tự mình chơi hoặc chơi với đồ chơi, chơi với các bạn nhỏ khi còn học mẫu giáo ra, thì không thể coi nhẹ một hình thức chơi đùa nữa, đó là: chơi đùa cùng cha mẹ. Điều này yêu cầu các bậc cha mẹ không những phải đáp ứng nhu cầu về ăn, mặc của trẻ mà còn phải trở thành bạn chơi của con.

Nhưng hãy thử nhìn những bậc phụ huynh xung quanh chúng ta, liệu họ có thể bỏ ra bao nhiêu thời gian để chơi cùng con? Tôi đã từng tiến hành điều tra về vấn đề này, câu trả lời thường là: “Công việc quá bận, ngày nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền nuôi gia đình, thời gian đâu mà chơi cùng với con?”. Hoặc là: “Chơi cùng trẻ nhỏ rất bực bội, mua cho chúng ít đồ chơi, để chúng tự chơi một mình”. Và còn một câu trả lời nữa: “Mình là người lớn thế này, làm sao mà chơi cùng với bọn trẻ đây?”.

Dù là câu trả lời nào cũng đều cho thấy: Phụ huynh chúng ta đã coi nhẹ việc chơi cùng con cái. Trong mắt phụ huynh bất kỳ thứ gì cũng quan trọng hơn việc chơi với con. Thậm chí có nhiều người còn cho rằng, nếu đã đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu về vật chất, lại thực sự yêu con cái, nhưng bản thân không có thời gian để chơi cùng con, điều này chẳng có ảnh hưởng gì không tốt đến sự phát triển của trẻ cả. Nhưng thực tế cho thấy nếu chỉ chú trọng nhu cầu về vật chất mà coi nhẹ nhu cầu về tinh thần thì đó là cách làm vô cùng phiến diện, xa lánh về mặt tình cảm sẽ làm cho trẻ cảm thấy cô độc và thiếu cảm giác an toàn.

Là phụ huynh, không nên chỉ đưa con đến nhà trẻ, trường học, mua cho con một đống đồ chơi hoặc là thuê bảo mẫu chăm sóc con rồi để mặc không quản. Đã là phụ huynh thì bất luận công việc bận đến đâu cũng cần phải dành thời gian bên con cái, chơi cùng con, làm người bạn chơi tốt nhất của chúng.

Cho dù sự nghiệp của bạn có thành công đến đâu, bạn có nhiều tài sản đến như thế nào, bạn làm chức quan to đến cỡ nào, nhưng là một người cha, không ở bên cạnh con, bạn đã không xứng đáng làm cha, bạn đã làm mất đi sự thiêng liêng của tiếng gọi “cha”.

Tôi bận rộn hơn những công nhân viên chức bình thường rất nhiều. Bởi vì hàng ngày ngoài công việc viết bản thảo, tôi còn phải nhận những cuộc gọi từ đường dây tư vấn tâm lý, phỏng vấn người khác hoặc nhận phỏng vấn, đến đài truyền hình, đến đài phát thanh để dẫn chương trình, cách một khoảng thời gian lại phải đi công tác các tỉnh để thuyết trình, báo cáo, hội nghị… Ở ngoài bận rộn như thế, về đến nhà lại phải đọc sách, tìm tài liệu.

Thế nào gọi là có thời gian, thế nào gọi là không có thời gian? Nếu bạn cho rằng tiền là quan trọng, công việc là quan trọng thì tất nhiên bạn sẽ không có thời gian ở bên cạnh con cái. Nhưng nếu bạn cho rằng niềm vui của con cái mới là điều quan trọng thì bạn sẽ có thời gian để ở bên cạnh chúng. Dù có bận đến như thế nào, chỉ cần ở nhà, bất luận thế nào tôi cũng phải dành thời gian để chơi cùng con. Từ cuốn Chơi qua tiểu học đến Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, hay Chơi cũng là một cách để trưởng thành đều có thể thấy tôi đã dạy cho Y Y biết cách chơi những trò chơi liên quan đến cờ và bài, hơn nữa tôi còn trở thành cạ cứng của con trong những trò này; mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi luôn dành ba mươi phút để kể chuyện cho con. Tôi kể cho con nghe chuyện ngẫu hứng “Vịt Donald đẻ trứng”, con gái thì “đuôi cáo nối đuôi chồn” kể tiếp câu chuyện đó; cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ tôi thường đưa con đi du lịch, khi lên núi, lúc thì xuống biển…

Khi đi chơi cùng con, tôi tự biến mình thành một “đứa trẻ lớn”, không những dạy cho con những trò chơi tôi thường chơi khi nhỏ, mà còn cố gắng học những trò chơi mà tụi trẻ bây giờ hay chơi và sau đó thì hoàn toàn hòa mình vào trò chơi đó.

Nhiều lúc tôi dành cả nửa ngày để chơi cùng con. Mà nửa ngày đó tôi có thể viết được một bản thảo, hoặc làm một buổi thuyết trình, kiếm được một khoản thù lao; tôi cũng có thể dùng thời gian đó để chơi bowling, đánh mạt chược, xem sách báo, thậm chí là ngủ một giấc. Nhưng tôi lại đưa con ra ngoại ô, đi khu vui chơi giải trí, đưa con đi những nơi mà con muốn đi, chỉ cần con vui là tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Giờ nhìn Y Y ngày một lớn, không cần cha cùng chơi nữa, đột nhiên tôi cảm thấy mất đi một điều gì đó rất khó diễn tả, mỗi lần nhớ lại những lúc chơi cùng con, tôi lại cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến…

Bắn hột hạnh nhân và bắn bi là hai trò mà tôi và Y Y thường hay chơi, từ lúc Y Y mới được ba tuổi chúng tôi đã bắt đầu chơi, đến nay đã được hơn mười năm rồi.

Khi lớn hơn một chút, con bé đã chơi được những trò liên quan đến chữ, ví dụ như tôi và vợ thường cùng con chơi trò “đặt câu”. Người chơi có thể tùy ý nói ra ba chữ hoặc từ không liên quan tới nhau, sau đó yêu cầu đối phương đặt câu, trong câu bắt buộc phải có ba từ hoặc ba chữ đó. Khi không đặt được câu thì bị phạt biểu diễn một tiết mục nào đó. Y Y rất thích trò chơi này, có lúc chơi đến rất muộn, chúng tôi muốn nghỉ, nói với con đến giờ đi ngủ nhưng con vẫn không chịu đi ngủ, vẫn níu kéo: “Chơi thêm một lần nữa, một lần nữa thôi…”.

Qua những trò chơi con hiểu được thắng không kiêu, bại không nản, phải luôn giữ trạng thái cân bằng. Như thế những gì thu hoạch được ngoài trò chơi là những tài sản quý báu không đo đếm được.

Nhìn lại những tháng ngày hạnh phúc được làm cha vừa qua, tôi cảm giác niềm hạnh phúc lớn nhất không phải là con gái đã vượt lớp, ra sách mà là vì có sự đồng hành của tôi, con có được niềm hạnh phúc vô vờ bến và nụ cười rạng rỡ.

Tôi mang con đến với thiên nhiên

Chơi cùng con, không thể chỉ chơi trong nhà được, vì dù sao không gian trong nhà cũng có hạn, các trò chơi sẽ đơn điệu, để con gái chơi vui hơn, tôi đưa con ra ngoài chơi, đến gần với thiên nhiên.

Thiên nhiên vốn là nơi mà trẻ muốn hướng tới nhất, cũng là lớp học lớn làm phong phú vốn tri thức của trẻ. Vì thế chỉ cần có thời gian, tôi đều đưa con ra ngoài chơi, hòa mình vào thiên nhiên. Cứ đến cuối tuần tôi lại đưa con đi leo núi, nhìn ngắm núi non sông nước, tìm hiểu về các loài chim, loài thú, cỏ cây hoa lá. Trong khung cảnh sông nước, con nhìn ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, tìm hiểu sự kỳ diệu của thiên nhiên. Hòa mình vào đó, con tự do, vui vẻ như một chú chim vậy.

Tôi cũng hay cho con đi biển, nếm trải tận hưởng những con sóng đại dương, lắng nghe tiếng chim hải âu, xắn quần rồi vui đùa với nước biển, chạy theo những con sóng nhảy nhót trên bờ cát… Mỗi lần như vậy Y Y đều vui tới mức không muốn về. Đến với biển, hãy để tâm hồn của con được bay nhảy, để con tự do vui chơi, nhảy múa hát ca.

Nơi mà con gái thích đi nhất vẫn là những vùng nông thôn. Từ sau khi Y Y ra đời, cho dù quê có xa thế nào mỗi năm tôi vẫn đều cho con về quê.

Sau kỳ thi đại học năm 2013, con gái về quê ở gần hai tháng, trong khoảng thời gian này ngoài việc viết lách và đọc sách, con còn đi làm đồng nữa. Trong tác phẩm “Chơi cũng là một cách để trưởng thành” của con, có vài câu chuyện con viết về cuộc sống trong hai tháng này như “Khế ngọt như mật”, “Vị ngô trên đầu lưỡi” kể về chuyện vui đi hái khế và nướng ngô ở ruộng, hay “Sự tĩnh lặng của bầu trời” viết về cảm nhận sau khi ngắm hoàng hôn và sao sớm.

Thiên nhiên thần bí và đẹp như vậy, thiên nhiên cất giữ trong mình những kiến thức vô cùng vô tận, có thể nói trên thế giới này không có người thầy nào tốt hơn thiên nhiên. Chúng ta không nên để trẻ rời xa thiên nhiên. Cuối tuần hãy cho con bạn đến với thiên nhiên. Khi trẻ hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận sự kỳ diệu của thiên nhiên, năng lực quan sát của trẻ sẽ ngày một nhạy bén, sức tưởng tượng ngày một phong phú, kiến thức về thiên nhiên, sự am hiểu về các loài sinh vật sẽ ngày một phong phú, hơn nữa năng lực cảm nhận cái đẹp của trẻ cũng ngày một cao lên.

Thiên nhiên tươi đẹp sẽ để lại những hồi ức đẹp đẽ trong cuộc đời của trẻ, đây là tài sản lớn không gì đong đếm được. Vì thế cuối tuần, chỉ cần thời tiết ủng hộ, tôi liền mang Y Y ra ngoại ô chơi. Hoặc là đi bộ, hoặc là đạp xe đạp (xe đạp điện) hoặc tôi lái xe đưa con đi, khi mùa hoa nở, tôi cùng con lên núi hái hoa dại, kết những vòng hoa xinh đẹp. Tôi cùng con đến những cánh đồng đón gió xuân cùng thả diều, vừa thả diều vừa hát; vào những ngày hè trời râm mát tôi đưa con ra biển, nhặt vỏ ốc, bắt cua…

Ngoài lên núi, xuống biển tôi còn đưa Y Y đi công viên, vườn thú… Những năm trở lại đây, trong mười mấy thành phố nơi tôi sống, làm việc gần như không một công viên nào, vườn thú nào mà tôi không đưa con đến chơi, không lưu lại bước chân, tiếng cười của con.

Thế giới bên ngoài muôn hình muôn vẻ, thế giới bên ngoài có sức hút vô cùng lớn đối với trẻ, vì thế cho dù có bận thế nào, tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian đưa con đi chơi, đi xem. Mặc dù như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, nhưng so với những gì con gái thu hoạch được thì không đáng là gì. Được hay mất, cũng là do cách nhìn nhận của mỗi chúng ta.

Tôi luôn luôn tin vào đạo lý “đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”, để cho con gái thấy thế giới bên ngoài rộng lớn như thế nào, kỳ diệu như thế nào. Đến kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, khi những đứa trẻ khác phải chạy theo những lớp học thêm, tôi lại đưa con đến Bắc Kinh thăm Cố Cung, đến Đại Liên thăm bến Hổ, đến Tây An xem lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đi Nội Mông Cổ để dạo chơi trên thảo nguyên…

Mười mấy năm nay tôi đã lần lượt đưa con đi Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Sơn Đông, Tô Châu, Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Đông, Thiểm Tây, Nội Mông Cổ, Bắc Kinh, Thiên Tân… hơn tám mươi thôn, trấn của hơn mười tỉnh trên cả nước, con vừa chơi vui lại vừa học được rất nhiều những kiến thức không thể tìm được trong sách vở. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, khi Y Y nói chuyện với người khác con sẽ có nhiều chủ đề để nói, khi viết văn nội dung cũng sẽ phong phú hơn, tư duy của con về một vấn đề cũng được mở rộng hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn nữa là con được vui vẻ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx