sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 04 - Phần 1

Chương IV

HÔN NHÂN ĐỔ VỠ, TÔI GIÚP CON “TRỊ THƯƠNG” TÌM NIỀM VUI

Vừa làm người cha, vừa đóng vai trò làm mẹ, cùng con vượt qua hơn 2.000 ngày, tôi thực sự thấu hiểu câu nói của Bạch Nham Tống: “Đau nhưng vui vẻ hạnh phúc”. “Đau” vì nỗi đau của con gái, “vui” vì nhìn thấy con gái kiên cường, hiểu chuyện, “hạnh phúc” vì cảm nhận được tình yêu và sự cảm thông của con dành cho tôi.

Một bức thư điện tử, vợ tôi “rời bỏ” tôi

Ở phần trước như tôi đã kể, sau khi cuốn Chơi qua tiểu học được phát hành, tôi cùng con gái đến rất nhiều nơi để tuyên truyền quảng bá, mãi đến cuối tháng sáu, chúng tôi mới trở về Trùng Khánh.

Tháng sáu thời tiết ở Trùng Khánh nóng như đổ lửa, mấy ngày liên tục nhiệt độ đều rất cao khiến tôi phiền muộn bất an. Lúc này tôi đột nhiên có ý tưởng rời xa thành phố này, trong lòng tôi thực sự rất thích thành phố và những con người nơi đây, nhưng tôi không thể thích nghi được với thời tiết và đồ ăn ở đây, còn một điều nữa là nơi đây cách quê tôi quá xa.

Đối với những người hay phiêu bạt nay đây mai đó thì việc thay đổi chỗ ở liên tục là việc rất đỗi bình thường. Mỗi khi rời nơi ở cũ chuyển đến một nơi ở mới, ngoài tâm lý hướng tới nơi ở mới, kỳ vọng với cuộc sống mới, trước giờ tôi không hề có thói quen nuối tiếc những gì thuộc về nơi cũ. Tôi cũng không có thời gian để nhìn lại những chặng đường đã qua, vì những điều ở trước mắt có sức hấp dẫn quá lớn, nhiều năm trở lại đây, nhìn về phía trước và không dừng bước đã trở thành thói quen của tôi. Nhưng thấm thoắt tôi cũng đã bốn mươi tuổi, chim mỏi tìm về tổ ấm, tôi bắt đầu nghĩ đến việc định cư hẳn ở một nơi nào đó.

Từ mùa xuân năm 1983 tôi bắt đầu rời quê, trong hai mươi tám năm tôi đã sống ở hơn mười tỉnh thành phố từ Nam tới Bắc, cuộc sống phiêu bạt như vậy rất thích hợp với tính cách con người tôi, nếu như không phải đã là chồng, là cha, có lẽ tôi sẽ sống mãi cuộc sống như vậy. Vì muốn cho vợ con một cuộc sống ổn định, để con có điều kiện phát triển tốt hơn, tôi quyết định kết thúc cuộc sống du cư, tìm một thành phố mà mình yêu thích và định cư, như các bạn tôi nói: An cư mới lạc nghiệp.

Đối với những người làm nghề tự do như tôi, sống ở thành phố nào thì cũng không ảnh hưởng lớn lắm đến sự nghiệp, nhưng tôi vẫn có những yêu cầu nhất định đối với nơi tôi sẽ gửi gắm nửa quãng đời còn lại: Thứ nhất là phải ở phía Bắc, thứ hai phải gần biển và thứ ba thành phố đó phải ít nhất là thành phố trực thuộc tỉnh. Với ba điều kiện này thì chỉ có ba thành phố lọt vào danh sách là Thiên Tân, Thanh Đảo và Đại Liên. Thiên Tân thì cách biển cũng khá xa, mùa hè lại oi bức ngột ngạt, vì thế sớm đã bị loại ra khỏi danh sách, chỉ còn lại Thanh Đảo và Đại Liên.

Với tôi giữa hai thành phố này vẫn có sự khác biệt, thứ nhất Đại Liên vẫn gần quê nhà của tôi hơn là Thanh Đảo, thứ hai tôi là người Đông Bắc, về Đại Liên sẽ có cảm giác về nhà mà ở Thanh Đảo không thể có được. Khi biết tôi nghiêng về Đại Liên nhiều hơn, vợ tôi kịch liệt phản đối, cô ấy muốn về Yên Đài định cư, có rất nhiều lý do trong đó có một lý do là: Yên Đài là quê của cô ấy, cô ấy không muốn phiêu dạt cùng với tôi nữa. Để thuyết phục cô ấy đến Đại Liên định cư, khi còn ở Trùng Khánh tôi đã gửi cho cô ấy một bức thư điện tử với nội dung “Tám lý do để chọn Đại Liên là nơi định cư và phát triển”.

Dù là thế nhưng vợ tôi vẫn kiên quyết ở lại Yên Đài, cuối cùng cô ấy nói với tôi: “Anh muốn đến Đại Liên thì mình anh đi!”. Tôi không biết làm gì hơn, ngày 8 tháng 7 tôi đóng gói những vật dụng cần thiết gửi đến Đại Liên, tạm biệt bạn bè ở Trùng Khánh, rồi về Yên Đài. Ở nhà hai ngày, tôi chơi cùng Y Y một ngày, giúp con trả lời thư của một số độc giả nhí, sau đó một mình cô độc bước lên thuyền đến Đại Liên…

Ngày thứ 19 sau khi đến Đại Liên, vợ tôi gọi điện cho tôi thông báo có gửi cho tôi một bức thư điện tử, nói tôi dành thời gian mở ra xem. Chuyện không thể nói qua điện thoại mà phải viết email nhất định không phải là chuyện bình thường, trước khi mở thư, tôi đã nghĩ đến vài khả năng nhưng sự thực lại nằm ngoài tưởng tượng của tôi.

Bức thư rất dài nhưng nội dung chính chỉ có một: Ly hôn!

Từ trước tới nay tôi luôn cho rằng cuộc hôn nhân của mình vững như thành đồng. Làm công việc tư vấn tâm lý mười mấy năm nay, tôi đã giải quyết khó khăn trong hôn nhân của hàng vạn người, giúp đỡ không ít người cứu vãn hôn nhân của họ, vậy mà giờ hôn nhân của chính mình lại đang trên bờ đổ vỡ. Tôi vốn thuyết trình về tình yêu, hôn nhân, giúp mọi người giải đáp thắc mắc về lĩnh vực này, vậy mà nay chính tôi lại vấp phải chính vấn đề này, không biết có phải là ông trời đang trêu chọc tôi không?

Tôi hiểu rất rõ về cuộc hôn nhân của mình, mặc dù nó không phải là đẹp nhất nhưng cũng không đến nỗi phải ai đi đường nấy, trong xã hội bây giờ cuộc sống hôn nhân chủ yếu là tạm bợ, nhìn nhau mà sống, cuộc hôn nhân của chúng tôi vẫn có thể coi là hạnh phúc hơn rất nhiều nhà, nếu như một gia đình như gia đình tôi phải ly hôn thì ít nhất có đến 300 triệu gia đình Trung Quốc nên giải tán.

Do vậy, tôi không hề quá để ý đến “thư ly hôn” của vợ, mà đơn giản trả lời cô ấy, khuyên giải cô ấy, đợi tôi ổn định cuộc sống ở Đại Liên sẽ đón cô ấy và con đến. Nhưng lần này “lão giang hồ” là tôi đây đã quá ngây thơ, vợ tôi nhanh chóng trả lời: “Ly hôn, không còn sự lựa chọn nào khác!”.

Tôi nhận ra đây là chuyện nghiêm túc, không phải là trò đùa nữa rồi, nên cũng bắt đầu nghiêm túc đối diện với chuyện này. Tôi vẫn cố gắng níu kéo, đặc biệt khi nhắc đến sự ảnh hưởng đến con cái sau khi ly hôn, cô ấy từng giúp đỡ tôi trong công tác tư vấn tâm lý, cô ấy không phải là không biết khi gia đình đổ vỡ sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi. Sau vài lần thương lượng, tôi thấy ý cô ấy đã quyết, tôi cũng buông tay từ bỏ.

Cuộc hôn nhân mười năm cuối cùng đã đi đến hồi kết.

Hôn nhân đổ vỡ tất nhiên không có ai là người chiến thắng, trong bất kỳ một cuộc hôn nhân đổ vỡ nào thì hai bên đều có trách nhiệm, chỉ là ở mức độ không giống nhau. Bởi cho dù thế nào thì cuộc sống vẫn cứ tiếp tục, vì thế tôi bắt buộc phải lên kế hoạch cho cuộc sống mới của mình, mà điều quan trọng nhất trong cuộc sống mới đó chính là con gái, điều tôi phải “giành giật” để có được.

Sau khi đồng ý ly hôn, tôi lập tức liên hệ với nhà trường, đặt mua sách vở, vì đang trong kỳ nghỉ, tôi không tìm được ai ở trường, tôi đến phòng giáo dục của khu Cam Cảnh Tử, qua sự giới thiệu của chủ nhiệm Trương Huy, tôi liên lạc được với hiệu trưởng Uông Trinh Học của trường Trung học số 77 thành phố Đại Liên, sau khi đã giải quyết xong vấn đề nhập học của con, tôi bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để đón con về Đại Liên.

Tay lớn dắt tay bé, cha con mình cùng đi

QQ của tôi là do một người bạn lập giúp, đó là năm 2005 khi tôi đang dạy học ở Trùng Khánh, lúc đó tôi chẳng hiểu thế nào là để status, chỉ biết gửi bản thảo, gửi ảnh rất thuận tiện, lại có thể gửi, nhận tập tin.

Sau đó mới biết ở ô ngang nhỏ có thể đánh chữ vào, thêm biểu cảm, lại có thể diễn đạt ý mình muốn nói, phần lớn người ta dùng nó để thể hiện tâm trạng, mà còn thay đổi thường xuyên, liên tục, hôm nay vui thì để một status vui vẻ, ngày mai không vui nữa thì lại để một câu đau thương oán trách. Đầu tiên tôi chẳng viết gì ở ô đó, thứ nhất là không quan tâm, thứ hai là tâm trạng không tiện thổ lộ cho người khác biết.

Nhưng sau khi ly hôn, tôi đã thay đổi ý nghĩ ban đầu, đột nhiên tôi gõ vào đó dòng chữ “Tay lớn dắt tay bé, cha con mình cùng đi!”. Đây cũng là câu miêu tả chân thực cuộc sống mới của hai cha con, cha Đông Tử bốn mươi tuổi dắt tay con gái chưa đầy mười tuổi Phạm Khương Quốc Nhất, bắt đầu viết những chương mới trong cuốn sách cuộc đời.

Cho đến giờ sáu năm đã trôi qua, mọi thứ đều âm thầm thay đổi, Đông Tử ngày một già đi, Phạm Khương Quốc Nhất ngày một lớn lên, chỉ có một điều không thay đổi đó là trạng thái trên QQ “Tay lớn dắt tay bé, cha con mình cùng đi!”, ngày hôm qua như vậy, ngày hôm nay cũng thế và ngày mai vẫn tiếp tục thế, bởi vì tôi vẫn muốn dắt tay con bước tiếp những chặng đường phía trước.

Ở phần đầu tôi đã nói, con là do tôi kiên quyết giữ lại, cho con được đến với thế giới này, vì vậy dù thế nào tôi cũng không để mất con. Khi ly hôn, một trong những lý do vợ tôi đòi quyền nuôi con vì cô ấy là công chức, như vậy sẽ đảm bảo cho tương lai của con, còn tôi thì không có, lo lắng sẽ có ngày tôi không có khả năng đảm nhận việc chăm sóc nuôi dạy con. Tôi đã nói từ trước rằng: “Cho dù phải đi ăn xin, tôi cũng phải nuôi con lớn khôn”. Mặc dù tôi không thể cho con một cuộc sống vật chất dư thừa, nhưng tôi hoàn toàn có thể cho con cuộc sống cơm áo no đủ, cuộc sống tinh thần phong phú, và một tuổi thơ vui vẻ!

Vừa phải làm vai trò của người cha, vừa đóng vai trò làm mẹ, cùng con vượt qua hơn 2.000 ngày, tôi thực sự thấu hiểu câu nói của Bạch Nham Tống: “Đau nhưng vui vẻ hạnh phúc”. “Đau” vì nỗi đau của con gái, “vui” vì nhìn thấy con gái kiên cường, hiểu chuyện, “hạnh phúc” vì cảm nhận được tình yêu và sự cảm thông của con dành cho tôi. Đối với tôi, nỗi đau lớn nhất, sâu nhất đó là khiến con phải chịu nỗi đau về thể chất và tinh thần. Khi con phải chịu nỗi đau tinh thần là mất đi tình thương của mẹ, con đã cùng lúc phải chịu nỗi đau về thể chất.

Để giảm bớt nỗi đau của con khi phải xa mẹ, để con có thể vui vẻ, tôi làm tất cả vì đứa con gái tội nghiệp. Sau khi xác định sẽ ly hôn, tôi đặt in băng rôn với dòng chữ “Chào đón con gái Y Y về nhà”, trước khi tôi về Yên Đài đón con, tôi đã treo nó ở những nơi dễ nhìn nhất là phòng khách và phòng của con gái, để con có được cảm giác trở về nhà, để con chấp nhận một thực tế là ở căn nhà thuê này chỉ có hai cha con, và gia đình giờ chỉ có hai cha con mà thôi.

Để tạo không khí ấm áp, tôi trang trí căn phòng của con với phong cách hoạt hình, từ ga trải giường, chăn, gối và các đồ dùng trong phòng, đồ chơi, tất cả đều là những thứ con thích, tôi còn phóng to một bức ảnh của con treo ở đầu giường…

Sau khi đón con đến Đại Liên, tôi đưa con đi chơi khắp nơi, để con có thể yêu thành phố này, yêu ngôi nhà mới của chúng tôi. Để làm con vui, tôi mua cho con rất nhiều đồ chơi con thích, nhưng cũng chính vì những đồ chơi này khiến con phải chịu đau đớn.

Hôm đó là ngày thứ ba con ở Đại Liên. Buổi tối hôm đó sau khi ăn cơm xong, con gái Y Y chưa đầy mười tuổi cầm theo ván trượt mà cha vừa mua cho cùng cô hàng xóm đến công viên Quang Minh ở núi phía sau nhà chơi. Cô hàng xóm rất tốt với Y Y, Y Y cũng rất quý cô ấy. Tôi chỉ dặn con có hai câu: “Chơi phải cẩn thận” và “Phải nghe lời cô”, nghe xong lời dặn của tôi con vui vẻ xuống dưới nhà cùng cô hàng xóm đi công viên chơi.

Một tiếng sau, cũng là lúc Y Y lẽ ra đã phải về đến nhà, tôi nhận được điện thoại của cô hàng xóm: “Đông Tử, Y Y bị thương rồi, cậu mau xuống đây, chúng tôi đang ở bệnh viện của khu dân cư”. Nghe điện thoại, đầu tôi chỉ có tiếng u u. Tôi mở ngăn kéo, lấy tiền, chạy nhanh tới bệnh viện. Lúc tới chỉ thấy trước cửa bệnh viện có rất nhiều người xúm lại, len được vào đám đông đó, tôi nhìn thấy Y Y của tôi người đầy máu, kêu: “Cô ơi đau, cô ơi đau…”.

Tôi ôm lấy con vào lòng nói: “Con yêu, đã xảy ra chuyện gì vậy?”. Con kêu lên: “Cha ơi con đau, cha ơi con đau”. Khi mọi người giục mau đi bệnh viện thì tôi và con lên xe của chồng cô hàng xóm để đến bệnh viện. Ở trên xe cô hàng xóm kể lại tình hình lúc đó cho tôi nghe: Lúc ở trên núi Y Y chơi rất vui, khi xuống núi, cô hàng xóm gặp mấy người đồng nghiệp, vì thế họ vừa đi vừa nói chuyện. Y Y trượt ván nên đi nhanh hơn mấy cô rất nhiều, con bé không chịu đi chậm cùng với mấy người lớn, vì thế mà con bé nói với cô hàng xóm là nó sẽ đi trước. Nhưng vừa đi không bao xa, do xuống dốc, tốc độ trượt nhanh, con bé không kịp phanh lại, quán tính lớn nên con bị ngã văng vào bên đường, mặt con đập vào lề đường. Một lúc sau các cô mới đi tới, lập tức cõng con đưa đến bệnh viện khu dân cư dưới chân núi, thấy răng cửa của con lung lay, toàn thân đều là máu, bác sĩ không dám xử lý ngay tại chỗ, khuyên lập tức đưa đến bệnh viện lớn. Vì thế cô hàng xóm mới gọi điện cho tôi.

Nghe cô hàng xóm kể lại chuyện, tôi phải kìm nén không để mình khóc, nhìn con gái mặt toàn là máu, nghe tiếng rên vì đau đớn của con, lòng tôi đau như bị dao cắt. Con gái mặc dù nhắm chặt mắt nhưng vẫn cảm thấy sự lo lắng và đau đớn của cha. Con không ngừng an ủi tôi: “Cha ơi, con không sao đâu ạ, con không kêu đau nữa, được không cha?”. Thấy con gái kiên cường, hiểu chuyện như vậy, tôi vừa khóc vừa nói với con: “Con gái yêu của cha thật ngoan, thật kiên cường, một lát nữa chúng ta sẽ đến bệnh viện, để bác sĩ băng bó vết thương cho con, thế là khỏi rồi”. Trên xe, con gái vẫn không ngừng sửa lại những gì cô hàng xóm nhầm lẫn trong khi kể lại sự việc.

Trước tiên chúng tôi đến bệnh viện tai mũi họng Đại Liên, kiểm tra hai cái răng cửa (sau khi cố định răng, chữa trị trong vòng nửa năm vẫn không giữ được hai cái răng đó, cuối cùng đành phải lấy tủy, giữ lại hai chân răng, đến năm nay mới thay răng mới) và hai cái răng sữa đều bị thương tổn ở mức độ khác nhau, ngoài chân trái ra, thì hai tay và chân còn lại đều bị thương nghiêm trọng ngoài da, phần mặt, vai đều bị sây sát. Sau khi xử lý xong ở bệnh viện tai mũi họng, chúng tôi lại tiếp tục đi đến Bệnh viện số 3 của Đại học Y để chữa trị những vết thương khác. Vài ngày sau đó liên tục đi lại giữa hai bệnh viện, trong quá trình chữa trị mặc dù rất đau đớn nhưng Y Y rất lạc quan và kiên cường.

Mười ngày sau đó vết thương dần dần hồi phục, Y Y mặc dù chưa khỏi hẳn nhưng vẫn tham gia kỳ huấn luyện quân sự dành cho học sinh mới do nhà trường tổ chức, con rất kiên cường. Nửa năm sau đó trong hoạt động đi bộ ba mươi kilômét, con là người nhỏ tuổi nhất trong số một trăm nghìn nghìn người hoàn thành cả quãng đường, một lần nữa con đã cho mọi người thấy nghị lực phi thường của con.

Đó là đầu hè năm 2007, mỗi năm cứ đến thời điểm này Đại Liên đều tổ chức hoạt động Đi bộ Quốc tế. Khi đọc được tin này trên báo, Y Y liền nảy ra ý định ghi tên tham gia. Hoạt động lần này chia thành ba cấp độ: đi bộ mười kilômét, hai mươi kilômét và ba mươi kilômét. Tôi khuyên con nên chọn mức mười kilômét thôi nhưng con chê quãng đường ngắn, không đủ thỏa mãn. Con kiên quyết chọn hai mươi kilômét, vì thế mà tôi miễn cưỡng đồng ý.

Ngày hôm sau khi đi học, cô giáo bảo có thể đăng ký tham gia tập thể, cả lớp có hơn hai mươi bạn tất cả đều đồng loạt tham gia hoạt động lần này, hầu hết các bạn đều ghi tên tham gia hạng mục ba mươi kilômét, Y Y từ nhỏ đã rất kiên cường, không chịu khuất phục khó khăn nên lần này con cũng đăng ký hạng mục ba mươi kilômét như các bạn. Khi biết được điều này, trước hết tôi phải khẳng định tinh thần không cam chịu thất bại của con, nhưng tôi vẫn kiên quyết phản đối, tôi nói với con là hạng mục này quá sức của con, sau đó con thuyết phục tôi là có cô giáo đi cùng, vì thế cuối cùng tôi cũng phải đồng ý.

Hôm đó con dậy rất sớm, giống như một chiến sĩ chuẩn bị lên đường đi viễn chinh, sau khi chuẩn bị xong hành lý, con xuất phát với tinh thần đầy phấn chấn…

Vốn đã hẹn trước là 5 giờ 30 phút tập trung ở trạm xe bus chờ xe 503 để cùng đi đến điểm khởi hành của hoạt động đi bộ là quảng trường Tinh Hải. Nhưng sau khi đến thì chẳng có bạn nào ở đó cả, Y Y hốt hoảng: Các bạn đi đâu hết cả rồi? Hỏi một bác đang xem báo gần đó mới biết vì 7 giờ xe 503 mới xuất phát nên các bạn đến trước đều đã lên xe khác và đi rồi. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của một chú, trải qua bao khó khăn, cuối cùng Y Y cũng đã đến nơi lúc 7 giờ 30 phút.

Vốn nghĩ rằng đến đây sẽ gặp được cô giáo cùng các bạn, ai ngờ rằng ở đây là một biển người, không thể nào nhìn thấy bóng dáng của các bạn đâu, Y Y rất buồn, giống như là một đứa trẻ bị bỏ rơi vậy. Nghe cô phụ trách nói, hoạt động lần này ai đến trước đi trước, mọi người đến rồi nhất định là đã đi rồi. Vì thế, Y Y cầm lấy bản đồ lộ trình đường đi, đi theo những chỉ dẫn bên đường bắt đầu hành trình gian nan của mình…

Những người đuổi kịp con rất nhiều nhưng trên đường con lại chẳng theo kịp mấy người. Bởi vì các bạn cùng lớp đều lớn hơn con ba, bốn tuổi, chân đều dài hơn chân con, khỏe hơn con, làm sao con có thể đuổi kịp các bạn. Khi con đi được mười kilômét, con mệt đến nỗi muốn từ bỏ nhưng cố chịu đựng đi đến mức hai mươi kilômét. Sau khi nghỉ ngơi một thời gian dài, con đi nốt quãng đường mười kilômét, toàn thân mệt mỏi, khi nhìn thấy cô giáo và các bạn đang chờ ở vạch đích, con xúc động òa khóc.

Con gái hai vai sưng đỏ, nhưng vẫn nở nụ cười khải hoàn, khi tôi giơ tay con lên như một người anh hùng, đột nhiên hai mắt tôi nhòe đi vì xúc động…

Khi bắt đầu dạy vỡ lòng cho con, tôi đã nói với con: Trên con đường đời có những lúc ta sẽ gặp gió to, gặp mưa bão, nếu ta không vượt qua những khó khăn này thì sẽ không bao giờ nhìn thấy cầu vồng. Tay lớn dắt tay bé, trên con đường mưa gió, có cha là người dẫn đường, có bước chân kiên cường của con theo sau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx