sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 04 - Phần 3

Con gái trổ tài làm bếp

Người xưa thường nói “Khi sống thì hai điều quan trọng nhất là ăn và mặc”. Mặc dù câu này nghe có vẻ hơi thô nhưng lại là nhân sinh quan và quan niệm về giá trị đơn giản, cũng là lý luận triết học cao nhất.

Cá nhân tôi thì không quá coi trọng việc “mặc”, chỉ cần đủ ấm là được rồi, nhưng vì chịu ảnh hưởng của cha tôi, nên tôi đặc biệt coi trọng việc “ăn”.

Cha tôi làm kế toán kiêm phụ trách việc ăn uống của nông trường mấy chục năm, vấn đề ăn uống của hơn 100 người đều đặt lên vai ông, ăn tốt thì mới có sức chiến đấu, để mọi người có sức làm việc tốt, cha tôi thay đổi thực đơn liên tục để đầu bếp có thể nấu cho mọi người những món ăn hợp khẩu vị.

Có thể là do công việc, cha tôi rất coi trọng đến vấn đề ăn uống, màu sắc mùi vị đều cần, ở đơn vị đã vậy, ở nhà cũng thế, vì thế mà mẹ tôi được rèn luyện trở thành một đầu bếp giỏi không bằng cấp. Lúc nhỏ các bạn hàng xóm thường nói thức ăn nhà tôi thường thơm hơn thức ăn nhà các bạn, vì thế mà tôi rất đắc ý.

Lúc nhỏ, mẹ tôi thường hay bệnh, anh trai phải lo việc đồng áng, em trai thì nhỏ tuổi, việc cơm nước vinh quang và gian khổ được giao cho tôi, mặc dù không thể so với tài nấu ăn của cha nhưng những món ăn tôi làm cũng được coi là có mùi có vị.

Sau này khi lập gia đình, do mẹ Y Y không biết nấu ăn nên công việc này lại đến tay tôi. Vợ tôi cũng từng nấu cơm, tôi từng trêu cô ấy: “Nếu ở trong quân đội mà em nấu ăn như thế này thì người ta sẽ đưa em đến sở quân pháp”. Cô ấy không phục, nói làm gì nghiêm trọng đến thế. Tôi lại trêu, nếu ăn những món như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chiến đấu của chiến sĩ, vì thế phải phạt theo luật quân đội.

Để không bị đưa đến sở quân pháp, vợ tôi bãi công, vì vậy tôi đành phải tiếp nhận nhiệm vụ nấu nướng. Lâu rồi thành quen, tài nấu nướng của tôi ngày một khá, có thể nói những món tôi nấu đều đủ cả “mùi, màu, vị”. Ngoài nguyên nhân khách quan ra thì về chủ quan tôi cũng thích nấu nướng. Nghe nói tôi thường xuyên vào bếp, một số anh em bạn bè tỏ ra khó hiểu, hỏi tôi vì sao có nhã hứng như vậy? Tôi nói với họ vào bếp là một công việc mang lại niềm vui, thứ nhất có thể nấu những món ăn mà mình thích, phù hợp với khẩu vị của mình, thứ hai là cả nhà từ lớn đến nhỏ đều ăn những món ăn mình nấu và cảm thấy ngon, cảm giác đó giống như là mình cho ra đời một cuốn sách được yêu thích vậy.

Thông thường khi tôi nấu ăn, từ khâu mua đồ ăn, chuẩn bị nguyên liệu đến lúc nấu chín thì không cần bất kỳ sự giúp đỡ của ai, đặc biệt là khi nấu, không ai được đứng bên cạnh xem xét, không phải là tôi lo lắng ai đó ăn trộm bí quyết, chỉ là có ai đó đứng bên cạnh thì không thể tập trung được, mà tâm không tĩnh thì sẽ ảnh hưởng đến thành quả lao động, cái này hơi giống với viết lách một chút.

Sau khi ly hôn, để con gái ăn ngon miệng, tôi phải trổ hết tài nghệ của mình để đáp ứng được khẩu vị của con gái, như thế con không những ăn ngon, ngủ ngon, chơi ngoan mà ngay cả cậu con trai của bạn thân tôi thi thoảng được ăn những món tôi nấu cũng phải cảm thán rằng: “Chú ơi, chú nấu ăn còn ngon hơn cả mẹ con”. Cha của cậu bé thì hiếm khi vào bếp, ngoài nhặt rau và bê đĩa ra không biết làm gì khác. Sau đó, cậu bé này còn đến nhà tôi ăn vài lần nữa, đặc biệt là món mỳ nấu dưa chua (thêm một ít thịt ba chỉ), cậu bé ăn đến lúc no không đi nổi mới thôi.

Y Y cũng chịu sự ảnh hưởng của tôi, từ nhỏ đã muốn học nấu nướng, nhưng vì nghĩ đến sự an toàn của con, tôi không đồng ý, để không làm mất đi sự tích cực của con, tôi nhờ con nhặt rau và rửa rau. Sau đó con không chịu tiếp tục làm “phụ bếp” nữa, muốn tự tay nấu một lần. Sau sinh nhật lần thứ tám không bao lâu, dưới sự “hướng dẫn chỉ đạo” của tôi, lần đầu tiên Y Y vào bếp, nhưng đáng tiếc là do chân tay vụng về, món trứng xào cà chua cháy tới mức không thể ăn được.

Không bao lâu sau, Y Y học được trên tivi món bánh ngọt mật ong, vì thế mà tôi lại được “mời tham gia chiến đấu”. Lần này có mẹ ở “trận tuyến” giám sát, chỉ đạo. Theo sự phân công của Y Y, vợ tôi chuẩn bị đầy đủ cho con bột mì, đường trắng, sữa tươi, trứng gà, mật ong, dầu thực vật và các gia vị khác. Y Y bắt đầu bắt tay vào thực hiện “công trình” của mình.

Sau một hồi bận rộn, đã ngửi thấy mùi thơm tỏa ra từ bếp, hai mặt bánh được rán vàng ruộm, có thể vớt ra được rồi! Y Y tắt bếp, cẩn thận dùng xẻng rán lấy từng cái bánh bỏ vào đĩa, bê đến bàn ăn, sau đó hô hào: “Ăn cơm thôi!”. Lần đó món bánh mật ong con làm tương đối thành công.

Sau Tết năm 2007, trước khi vào học kỳ mới mấy ngày, nhà trường tổ chức hoạt động học nghề, con đăng ký nội dung nấu ăn. Sau khi đi học về, con trổ tài nghệ nấu ăn, tôi muốn con làm món canh trứng gà dưa chuột, con nấu khá ngon, hôm đó tôi ăn đến hai bát canh to.

Nói về việc nấu ăn Y Y có viết một câu chuyện nhan đề “Tự thưởng thức thành quả của mình” như sau:

“Bất luận là học kiến thức hay kỹ năng, nếu như không ứng dụng thì kiến thức hay kỹ năng đó chẳng có giá trị gì”. Cha thường nói với mình như vậy. Để thể hiện giá trị bản thân, mình phải thể hiện tài nấu nướng của mình, và cha đã cho mình cơ hội để thể hiện.

Trước tiên, mình đưa “thực đơn” cho khách của mình là cha, cha gọi món “khoai tây xào ớt xanh”. Hai củ khoai tây khá to đã được mình gọt sạch vỏ, làm bạn cùng với chúng là một quả ớt xanh rất ngon và đẹp. Khi đã chọn xong, mình tiến hành công đoạn thái khoai và ớt, mình chia khoai thành hai nửa, sau đó thì thái lát mỏng, cũng coi là may mắn, mình không bị đứt tay. Lúc này mình cảm thấy hình như là vẫn thiếu thứ gì đó. Ôi! Trời ơi! Mình đã không chuẩn bị thịt! Mình vội lấy từ trong tủ lạnh ra một miếng thịt, thái chỉ, nhưng mà không dễ dàng gì, chỉ có việc thái thịt thôi mà mình đã phải mất tới hai mươi phút. Bởi vì thịt thái chỉ thường dính hết vào nhau, vì thế phần lớn thời gian mình phải tách chúng ra.

Mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, mình bắt đầu công đoạn khó khăn nhất: xào.

Bật bếp, cho dầu vào chảo, cho thịt vào, nêm gia vị, cho khoai vào, thêm ớt xanh… Tất cả đều được tiến hành lần lượt, nhưng thực tế không đơn giản như vây, khi mình cho xì dầu vào, mình gặp chút khó khăn vì mình không biết phải cho bao nhiêu mới đủ? Vốn muốn hỏi đầu bếp lão làng là cha nhưng nghĩ đến những lời cha nói với mình trước đó, mình không muốn để cha cười mình, vì thế mình liều một phen, mình quyết định cho xì dầu vào cho đến khi màu sắc đậm một chút thì dừng lại. Tay đảo liên tục khiến mình cảm thấy mỏi tay, nhưng nhìn món ăn tươi ngon sắp ra lò, mình tự động viên bản thân, hy vọng món ăn này sẽ mang lại cho cha một sự ngạc nhiên, mình muốn cho cha biết mình cũng có thể tự thưởng thức “thành quả” của mình.

Thấy khói bốc ra từ chảo, mình vội tắt bếp, cho tác phẩm của mình lên đĩa, vì quá hào hứng nên mình chẳng kịp nếm thử xem nó ra thế nào đã vội bê ngay ra bàn ăn. Mặt mày hớn hở, mình đưa cho cha đôi đũa: “Mời cha nếm thử!”. Cha gắp một miếng và nếm thử, mình vẫn đang say trong chiến thắng, nghĩ: Chắc là cha chuẩn bị khen mình đây! Nhưng cha lại nói: “Tại sao lại vẫn chưa chín hả con?”. “Hả, không thể nào cha ạ, con đã xào rất lâu mà!”. Mình hoài nghi lời cha nói và cầm đũa lên nếm thử…

Ôi thôi, không những không được khen mà còn xấu hổ với cha. Nhưng rồi ngay lập tức mình lấy lại sự tự tin, mình nói với cha: “Cơm ngon thì không sợ muộn, đợi con một chút, con không tin chỉ một món ăn bình thường con cũng không làm nổi”. Mình đi nhanh vào nhà bếp, cho món xào vào chảo và lại xào lại, bởi vì xào lần hai nên món ăn rất ngon. Mình và cha đã cùng thưởng thức vui vẻ.

Sau lần đó Y Y thường xuyên vào bếp, buổi tối hôm trước kì thi trung học phổ thông, con bé con làm món “Đậu Hà Lan xào lạp xưởng”.

Trong những ngày tháng hai cha con nương tựa vào nhau mà sống, để con được khỏe mạnh vui vẻ trưởng thành, tôi nấu cho con những món ngon và con thỉnh thoảng cũng vì tôi trổ tài đầu bếp, hai cha con đã cùng nhau trưởng thành, cùng nhau sống hạnh phúc như vậy.

Tôi tìm bạn chơi cho con

Sự trưởng thành của trẻ cần đến cuộc sống tập thể, cần có bạn, nếu không sự cô đơn sẽ khiến trẻ có tâm lý không tốt, ảnh hưởng đến năng lực thích ứng của trẻ với xã hội và sự phát triển nhân cách sau này, đặc biệt là những đứa trẻ trong gia đình đơn thân.

Ở phần trước tôi đã kể về những người bạn thuở nhỏ của con, để con có thêm nhiều bạn, năm 2004, khi đến Thẩm Dương công tác, tôi có quen với một bạn nhỏ đang học lớp ba, một cô bé lớn hơn Y Y hai tuổi, qua sự giới thiệu của tôi, hai cô bé trở thành những người bạn chưa từng gặp mặt - bạn qua thư. Khi tham gia ký tặng sách ở Thẩm Dương, hai cha con tôi đã dành riêng thời gian để đi thăm cô bé đó, hai người bạn nhỏ gặp nhau, ôm nhau xúc động và khóc.

Tôi rất hiểu con gái mình, cuộc sống của con không thể thiếu đi những người bạn, cho dù ngày nào tôi cũng ở cùng con nhưng tôi cũng không thể nào thay thế được những người bạn cùng trang lứa, vì thế sau khi quyết định ly hôn, khi chưa quay trở lại Yên Đài đón Y Y, tôi đã hỏi thăm hàng xóm xem nhà nào có con gái khoảng mười tuổi. Mấy lần hỏi thăm, tôi được biết, dưới căn phòng của cha con tôi, cũng chính là nhà đối diện với nhà chị Trịnh có cô con gái lớn hơn Y Y ba tuổi, chuẩn bị vào lớp tám.

Sau khi biết tin này tôi rất vui mừng, tôi tin với khả năng giao tiếp và khả năng thích nghi của con, chẳng mấy con sẽ trở thành bạn tốt của chị ở lầu dưới. Có một người cha có thể đưa con đi chơi, có những người bạn ở trường, lại có thêm cả chị hàng xóm chơi cùng, cảm giác cô đơn khi phải rời xa mẹ sẽ giảm đi rất nhiều. Con đã viết trong nhật ký như thế này:

Khi học lớp bảy ở Đại Liên, mình quen với chị hàng xóm ở lầu dưới, chị ấy lớn hơn mình ba tuổi, đang học lớp tám. Chị ấy vừa cao, vừa gầy, mái tóc đen dài, trên khuôn mặt nhỏ nhắn của chị đã có những mụn trứng cá của tuổi dậy thì, nhưng điều này không hề làm mất đi sự rạng rỡ của chị, trời phú cho chị một giọng nói nhỏ nhẹ và đã định trước chị là một cô gái dịu hiền.

Khi hai chị em chơi cùng nhau là đã thấy ngay sự khác biệt giữa mình và chị: mình thì chạy nhảy ầm ầm còn chị thì trầm tĩnh chín chắn. Mặc dù chị và mình không cùng học một trường nhưng khi tan học hai chị em thường xuyên gặp nhau, sau đó cùng về nhà. Chị đến tầng một thì về nhà, còn mình một mình lên tầng hai. Có lúc sau khi tan học, hai chị em làm xong bài tập rồi cùng ra khoảng sân tập thể để chơi đùa.

Hai chị em đánh cầu lông, cười nói chơi đùa. Lúc mới bắt đầu chị ấy chơi cầu lông không giỏi lắm, vì thế mà mình dạy chị ấy phát cầu như thế nào, đánh ra sao, làm thế nào để khống chế khoảng cách của quả cầu, làm thế nào để phát cầu vào đúng chính giữa… Sau khi mình nói rõ ràng từng thứ một thì chị bắt đầu “luyện tập”, mặc dù chị đánh cầu chẳng có quy luật gì lúc thì lên trên lúc thì xuống dưới, lúc sang trái lúc lại sang phải, làm mình phải chạy đông chạy tây nhưng chúng mình chơi rất vui…

Ở Đại Liên chỉ mới đi học có vài ngày nhưng Y Y đã quen hết bạn bè trong lớp, mới vào học được một tuần con bé về nhà đã thương lượng với cha: “Cha ơi, trường con chuẩn bị tổ chức liên hoan văn nghệ, con muốn đăng ký tham gia, bạn Y Nham muốn biểu diễn cùng với con, chúng con đã bàn nhau, bạn ấy sẽ đơn ca một bài, còn con sẽ đệm đàn điện tử cho bạn ấy, vì thế con muốn mời bạn ấy đến nhà chúng ta để luyện tập”. Tôi vui vẻ đồng ý với con, ngày hôm sau khi tan học Y Y dẫn một bạn nhỏ béo béo, cao hơn con một cái đầu về nhà và giới thiệu với tôi: “Cha ơi, bạn ấy là Y Nham”. Tôi vội vàng nói: “Hoan nghênh cháu đến nhà chơi”.

Hai chị em luyện tập cùng nhau khoảng hơn một tiếng, và từ đó trở thành những người bạn tốt, sau đó trong sinh nhật lần thứ mười của Y Y, ngoài Y Nham ra còn có bảy đến tám người bạn tốt nữa cùng đến tham dự, mấy đứa trẻ nhân cơ hội này đã chơi tưng bừng, bài hát tiếng Anh của Mạnh Tử Kiều và điệu nhảy chú thỏ của chúng cho đến bây giờ tôi cũng chưa thể quên được.

Y Y vừa mới xa mẹ, để con có thể nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn tâm lý trong thời gian này, ngoài có tôi và các bạn nhỏ cùng trang lứa, tôi còn thường xuyên cho con cùng tham gia những hoạt động xã hội. Buổi chiều hôm kỷ niệm ngày nhà giáo Trung Quốc, tôi đưa con đến trường Bồi dưỡng giáo viên ở khu Sa Hà Khẩu, ở đó tôi có buổi thuyết trình cho các bậc phụ huynh với chủ đề: “Giáo dục vui vẻ của Đông Tử”, buổi tối tham gia liên hoan chào mừng ngày nhà giáo của trường Thái Bình Dương (tôi cộng tác cùng trường mở lớp bồi dưỡng), một số phụ huynh và giáo viên rất thích Y Y, Y Y cũng rất vui khi nói chuyện với người lớn.

Một năm sau tôi và con chuyển đến Thẩm Dương sinh sống, con gái chuyển đến trường mới, rất nhanh Y Y đã cùng với bốn chị em gái lập thành hội chị em, xếp theo tuổi từ lớn đến bé, tất nhiên là con nghiễm nhiên trở thành em út, con thân nhất với chị Tư Trịnh Quân - cô bé đa tài, lớn hơn con hai tuổi, dáng người cũng gần như con, mấy chị em thường xuyên chơi cùng với nhau.

Sau đó tôi lại giới thiệu bạn cho con, lần này là một người bạn lớn, nói người bạn lớn vì thứ nhất là tuổi cũng khá lớn, cô bé lớn hơn con tám tuổi, cao đến tận một mét bảy mươi lăm. Cô bé tên là Liễu Đan, là một cô gái tính tình ôn hòa. Lúc đó cô bé đang là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành thiết kế thời trang của một trường chuyên nghiệp. Từ nhỏ Liễu Đan đã yêu viết văn, qua sự giới thiệu của bạn bè, cô bé theo tôi học viết lách, giúp tôi chỉnh lý một số bản thảo, như vậy cô bé trở thành một người bạn tốt của Y Y.

Sau đó tôi và Y Y chuyển đến Trường Xuân, Đan Đan cũng chuyển về học chuyên ngành ngôn ngữ văn học tại Học viện Nhân văn Đại học Trường Xuân. Mấy năm nay con bé vẫn sát cánh cùng Y Y, hai chị em ngoài việc vui chơi cùng nhau, Y Y có chuyện gì cũng đều tâm sự với chị, tôi cũng biết một chút về tâm lý của Y Y, trong số đó một ít là do Đan Đan tiết lộ, vì việc này mà con bé cảm thấy rất khó nghĩ, không nói thì thấy có lỗi với tôi, mà nói thì thấy có lỗi với Y Y, vì thế mà con bé luôn nói với tôi: “Sư phụ, Y Y không cho cháu nói với chú đâu”.

Sau đó khi tôi trao đổi với Y Y một số chuyện, con phát hiện ra một số thông tin là do chị Đan Đan nói nhưng con bé không hề trách chị, bởi vì con biết là chị cũng vì muốn tốt cho con. Mấy năm nay, bất luận là tôi đi công tác trong nước hay nước ngoài, Đan Đan đều đến ở cùng Y Y, hai chị em cùng chơi, cùng nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, cùng đi dạo phố…

Hai chị em tự thành lập một tổ chức mang tên là: Ủy ban tỷ muội, tổ chức này có một chủ nhiệm và một phó chủ nhiệm, Y Y đảm nhận chức phó chủ nhiệm và để Đan Đan làm chủ nhiệm. Mặc dù không có cấp bậc hành chính nào, nhưng cũng cao hơn phụ huynh là tôi đây. Cứ buổi tối cuối tuần, hai vị lãnh đạo nhỏ lại về nhà và ban bố mệnh lệnh cho tôi.

Thông thường sau bữa cơm tối, hai chị em lại về phòng thì thầm to nhỏ bàn bạc một hồi, sau đó gõ cửa phòng tôi, trình bày vài câu rồi đồng thanh: “Thưa đồng chí phụ huynh kính mến, chúng tôi lấy danh nghĩa là Ủy ban tỷ muội, đề nghị đồng chí cấp cho kinh phí của buổi hoạt động ngày mai là x nhân dân tệ”. Sau đó trình lên những khoản kinh phí cần chi tiêu như tiền xe, tiền chơi, tiền ăn v.v.

Trình bày nghĩa là nói mấy câu lấy lòng, gọi là đánh đòn tâm lý, chuẩn bị để đạt được mục đích. Có lúc hai đứa đứng xếp hàng, chỉ một đứa nói, Đan Đan hô “Đồng chí Sư phụ” còn Y Y hô “Đại nhân cha”, một đứa nói đứa kia hòa theo, nói là chủ nhật đi đâu chơi, chơi gì, có lúc vì muốn xin được nhiều kinh phí cho hoạt động gì đó, hai đứa cố tình nói phí cao lên, tôi lại trả giá với chúng, phần lớn là bị chúng bảo: “Phụ huynh keo kiệt nhất trong lịch sử”, thi thoảng tôi cũng hào phóng, hai đứa lúc này sẽ nói tôi rộng rãi, gọi tôi là: “Người cha đẹp giai”.

Tiết kiệm và chịu thương chịu khó là truyền thống giáo dục của tôi, mặc dù nhà có ô tô nhưng con gái ra phố đều đi xe bus, trừ phi là đi cùng với tôi hoặc là tôi tiện đường, vì thế hai chị em đều đi xe bus để đi chơi, thi thoảng có trường hợp đặc biệt thì mới được đi xe taxi, ví dụ những nguyên nhân sức khỏe, thời tiết hoặc đồ mang theo quá nhiều, thông thường, cả đi cả về chỉ mất mười nhân dân tệ; bữa trưa mỗi chị em được tiêu chuẩn mười nhân dân tệ là đã ăn ngon và ăn no rồi, nếu như tôi đưa chúng đi thì sẽ được ăn một bữa thịnh soạn mấy trăm nhân dân tệ; chơi trò chơi chỉ khoảng mười đến hai mươi nhân dân tệ, như vậy tính ra mỗi lần không quá một trăm nhân dân tệ, hơn nữa một số trò chơi hai đứa tự lo, tôi chỉ hỗ trợ một phần kinh phí.

Với thu nhập của tôi, con ra phố tiêu mấy trăm nhân dân tệ không thành vấn đề nhưng một khi thói quen chi tiêu tiết kiệm bị phá hỏng thì cho dù là bao nhiêu tiền cũng không thể lấy lại được; hơn nữa việc kỳ kèo bớt một thêm hai với bọn nhỏ chỉ là trò giải trí, trong khi viết những dòng này tôi lại ngồi gặm nhấm niềm hạnh phúc, tôi mong biết bao bên tai tôi lại vang lên: “Thưa đồng chí phụ huynh kính mến, chúng tôi lấy danh nghĩa là Ủy ban tỷ muội…”.

Phải nói rằng Y Y có thể giữ tâm lý lạc quan như vậy ngoài việc tôi đã làm tròn chức trách của một người cha ra thì còn nhờ đến sự yêu thương của Liễu Đan dành cho con bé, điều này đứa con gái ngoan của tôi rõ hơn ai hết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx