sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 04 - Phần 4

Y Y: “Con không thể không có cha”.

Cha chính là ngọn núi và con chính là cái cây nhỏ mọc trên núi, cha mãi mãi là điểm tựa của con!

Đối với tôi, cha chính là ngọn núi đó, điểm tựa đó, cha không chỉ cho tôi sinh mệnh mà ông còn là người thầy của tôi, là thần tượng, là người dẫn đường của tôi. Mấy năm trước tôi có viết một cuốn: Người cha tốt hơn là người thầy tốt, trong cuốn sách này tôi đã viết: “Người cha tốt chính là người thầy tốt, người bạn tốt, người bạn chơi tốt và tấm gương tốt của con cái”. Ở thời đại của chúng tôi, muốn cha trở thành người bạn tốt, bạn chơi tốt của mình thì quả là khó, đặc biệt là ở những vùng nông thôn khi người cha cũng không được học hành nhiều. Nhưng cha của tôi tuyệt đối là người thầy tốt, tấm gương tốt.

Cả đời cha tôi sống ở nông thôn, ông hiểu rất rõ nỗi vất vả của người làm công việc đồng áng, ông cũng biết đứa con thứ sáu của mình chẳng thích thú gì với công việc này, hơn nữa ông cũng cho rằng tôi cần có một tương lai tốt đẹp hơn, vì thế mà ông đưa tôi đi một con đường khác: nhập ngũ.

Doanh trại quân đội đã thay đổi cả cuộc đời tôi!

Lúc nhỏ, trong lòng tôi cha là trời, không biết bao nhiêu lần tôi đã tự nhủ thầm: Tôi không thể không có cha. Nhưng sinh mạng cũng giống như ngọn lửa, cháy mãi thì cũng đến lúc phải tàn, năm tôi bốn mươi hai tuổi, cha tôi qua đời ở tuổi tám mươi mốt, mặc dù tuổi này cũng coi là thọ, nhưng tôi vẫn thấy vô cùng đau đớn. Một người trung niên mất đi người cha đã như vậy, nếu là một đứa trẻ thì sẽ như thế nào đây?

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi cũng đã làm cha.

Mười mấy năm nay, con gái không dưới một lần nói: “Con không thể không có cha”. Tôi cảm nhận rất rõ con khát khao tình thương yêu của cha đến nhường nào, vì vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào tôi cũng không thể bỏ mặc con, tôi sẽ tìm đủ mọi cách để con nhìn thấy hình bóng của tôi, cho dù là tôi đi công tác hoặc đi tỉnh ngoài làm việc, tôi cũng phải thường xuyên để con nghe thấy giọng nói của tôi, để con luôn nghĩ rằng: Cha vẫn luôn ở bên cạnh con, sẽ đi cùng con trong mỗi bước trưởng thành.

Nhân dịp Quốc tế lao động năm 2001, thầy giáo của tôi và vợ thầy đến thăm, để đáp lại tấm thịnh tình của họ, tôi đưa hai thầy cô đi thăm công viên Nam Hồ ở Trường Xuân, Y Y lúc đó mới bốn tuổi rưỡi cũng cùng đi. Trên đường, con gái nhanh nhẹn hoạt bát thường nhảy nhảy nhót nhót đi trước. Nhưng lúc đi ra khỏi công viên thì không biết con gái từ đâu hoảng sợ luống cuống chạy về phía chúng tôi, con sợ hãi hét lên: “Cha ơi cha ơi, cổng chính đóng rồi, chúng ta không ra được rồi!”. Nhìn con hoảng sợ như vậy, tôi dang tay ra, con gái ùa vào lòng tôi. Tôi bình tĩnh nói với con: “Vậy thì chúng ta xem xem có cửa phụ nào còn mở không, cho dù thật sự là không thể ra được, chúng ta vẫn có thể nghĩ cách khác. Con yêu, con phải nhớ rằng: Có cha ở đây, con không phải sợ bất cứ điều gì cả!”. Con gái nghe vậy, gật đầu quả quyết, như thể trong phút chốc đã trở nên trưởng thành hơn.

Sau này khi gặp phải bất kỳ chuyện gì, con đều nói: “Có cha bên cạnh, con không sợ gì hết”. Nhưng tiền đề là phải có cha bên cạnh, vậy nếu không có cha bên cạnh thì sao?

Một ngày không lâu sau, khi thầy giáo và vợ từ biệt tôi, tôi đưa Y Y đến đường Trùng Khánh gần tòa soạn để đi dạo, ngày thường con bé vốn rất ngoan ngoãn nghe lời, hôm nay không hiểu sao lại không chịu nghe lời, chỉ vì tôi không mua cho bánh kem nên con bé không chịu đi, tôi tức giận một mình đi thẳng, không thèm ngoảnh đầu nhìn lại. Đi được khoảng một trăm mét, nhìn thấy Y Y vẫn ở chỗ cũ, vì thế tôi lại quay lại. Lúc này, con phát hiện ra không thấy cha, sợ hãi khóc toáng lên. Người bán hàng ở hiệu thuốc thấy vậy bèn đưa con vào trong hiệu, hỏi con tên là gì và điện thoại ở nhà.

Khi người bán thuốc định gọi điện thoại về nhà thì tôi đến kịp, Y Y ôm lấy tôi và không ngừng khóc: “Cha ơi, con không thể không có cha”. Tôi ôm chặt con vào lòng, trong lòng rất thương con, tôi nói: “Con yêu, cha cũng không thể không có con”.

“Vậy tại sao cha lại không cần con nữa?”.

“Tại sao cha lại không cần con của mình chứ, cha vẫn để mắt theo con từ nãy giờ”.

Khi con gái sáu tuổi, tôi đi tàu đến Bắc Kinh họp và định lên kế hoạch ở lại Bắc Kinh phát triển sự nghiệp, Y Y cùng mẹ đến ga tàu để tiễn tôi. Khi tàu lăn bánh, con gái bỗng nhiên khóc òa, con lưu luyến vẫy tay chào tạm biệt tôi. Sau này nghe mẹ con kể, khi tàu rời khỏi ga, Y Y vẫn khóc mãi, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con không thể không có cha…”.

Khi con tám tuổi, mẹ con trở về Sơn Đông để dạy học, hai cha con ở lại Trường Xuân. Một buổi trưa tôi ra ngoài mua thức ăn, quên mang theo chìa khóa, không còn cách nào khác, tôi phải đến khu nhà xưởng của xưởng 228 tìm chủ nhà, nhờ chị ấy giúp mở cửa hộ. Trong quá trình tìm chủ nhà cũng phải nán lại một lúc, đúng lúc này con tan học về nhà, nhấn chuông cửa mãi mà không thấy tôi mở cửa liền gọi lớn: “Cha ơi, cha ơi”. Con gọi liền mấy tiếng mà không thấy tôi trả lời, con sợ lắm, sợ hãi khóc nấc gọi: “Cha ơi…”.

Lúc chị chủ nhà đưa chìa khóa cho tôi là mười một giờ bốn mươi phút, tôi nhanh chóng đi về nhà, từ đây cách nhà khá xa, dù con khóc to đến mức nào thì tôi cũng không thể nghe thấy được, nhưng trong sâu thẳm tôi đã nghe thấy Y Y gọi “cha ơi”, tôi rảo bước nhanh hơn. Khi tôi đến cửa chính của khu xưởng thì tôi đã thực sự nghe thấy tiếng khóc của con, tôi chạy như bay vừa chạy vừa hét lớn: “ Y Y, cha ở đây!”.

Nhìn thấy tôi, con khóc òa chạy lại ôm lấy tôi: “Cha ơi, cha đi đâu vậy?”.

“Cha đi tìm chủ nhà để mượn chìa khóa”.

“Tại sao cha không bảo con, con bấm chuông mà không thấy cha mở cửa, gọi chẳng thấy cha trả lời, con nghĩ rằng cha đi đâu mất rồi, nếu cha đi đâu mất thì con biết làm thế nào? Cha biết không, con không thể không có cha…”.

Tôi vừa xin lỗi con vừa an ủi: “Con yêu, cha rất xin lỗi, là cha không suy nghĩ chu đáo, cha làm con sợ rồi, nhưng con yên tâm, cha chẳng đã nói với con, cha sẽ không bao giờ rời xa con sao, sau này nếu con không tìm thấy cha, con cố chờ một chút, nếu thấy lâu mà cha không quay lại thì con đi tìm cô giáo hoặc cô chủ nhà”.

“Vâng ạ”, Y Y vừa thút thít vừa đáp lời tôi.

Lúc đó, ở thành phố Trường Xuân, chúng tôi không có bất kỳ người thân nào, hơn nữa tôi lại không đi làm, không có đồng nghiệp, vừa mới chuyển đến đây, hàng xóm cũng không quen ai, ngoài người thân duy nhất là tôi thì con không còn ai để nương tựa. Tôi có thể tưởng tượng ra cảm giác không ai giúp đỡ, tưởng tượng ra nỗi hoảng sợ của con. Mỗi lần nhớ lại chuyện này là tôi lại không cầm được nước mắt.

Sau này mỗi khi ra ngoài, Y Y thường nhắc tôi: “Cha, điện thoại, chìa khóa, tiền”. Sau khi biết chính xác là mình không còn quên thứ gì nữa hai cha con mới dắt tay nhau xuống dưới nhà.

Bàn tay không người nắm

Trong quãng thời gian ở Đại Liên, cứ mỗi cuối tuần tôi lại đưa con đi dạo phố, đến công viên, vườn thú, hiệu sách, thư viện, nơi nào cũng đều in lại dấu chân của hai cha con.

Đại Liên là một thành phố ven biển xinh đẹp, cũng là một đô thị hiện đại và lãng mạn. Tay lớn dắt tay bé, hai cha con đi hết những con đường góc phố của thành phố này. Cứ mỗi cuối tuần, những nơi mà chúng tôi đến thường gặp nhiều gia đình nhỏ ba người vui vẻ, họ cùng nhau vui chơi, ăn uống hay mua sắm. Mỗi khi nhìn thấy bạn nhỏ nào được cha mẹ dắt hai tay, bạn nhỏ đi ở giữa vừa đi vừa nhảy, đôi mắt con đều ánh lên sự ngưỡng mộ.

Một buổi tối đầu hè năm 2007, trước khi chúng tôi chơi trò chơi, con bé rụt rè nói với tôi: “Cha ơi, hay là chúng ta tìm một dì đi?”, “Hả?”. Tôi lặng người đi một lúc.

“Nếu như trong nhà chúng ta có thêm dì, chúng ta có thể chơi nhiều trò chơi nữa, khi chúng ta dạo phố thì có người nắm lấy bàn tay còn lại của con, hơn nữa cha cũng có người để bầu bạn, cha không còn phải cô đơn nữa…”. “Ừ, ừ”, tôi ôm con gái vào lòng.

“Cha đồng ý rồi nha”. “Ừ”.

“Lúc đầu con còn sợ cha không đồng ý nữa cơ”. “Cha cảm ơn con, con thật là một đứa con ngoan”.

“Bởi vì cha là một người cha tốt, vì thế cha mới có đứa con ngoan…”.

Trước khi con bé nói những lời này thì Tết năm 2007, như thường lệ tôi vẫn về quê để ăn Tết cùng với cha mẹ, có điều khác là Tết năm nay thiếu đi một người, chỉ còn lại tôi và con gái. Tết này cha mẹ tôi không được vui lắm, hai cụ không ngừng lo lắng: “Chỉ có hai cha con, làm sao cha mẹ có thể yên tâm đây, có chết cũng không nhắm được mắt”.

Vì thế mà cha mẹ và một số bạn bè thân thiết có khuyên tôi tái hôn. Cha mẹ tôi đã gần tám mươi tuổi, hai cụ lo lắng hai cha con tôi không ai chăm sóc. Một số bạn bè thân thiết cho rằng tôi là một người đàn ông, công việc bận rộn, cảnh gà trống nuôi con không tiện cho lắm, tìm một người chăm sóc thì sẽ tốt hơn. Lời của người khác tôi có thể không nghe nhưng lời của cha mẹ tôi không thể không suy nghĩ, là một đứa con được coi là hiếu thuận, nếu để cha mẹ lo lắng như vậy thì là một biểu hiện của sự bất hiếu, vì thế tôi phải chín chắn suy nghĩ về việc này, tất nhiên là tôi không tán thành việc hiếu thuận một cách ngu ngốc.

Nghĩ một cách thấu đáo, lời của cha mẹ và bạn bè cũng rất có lý. Nếu như chỉ có việc viết lách ở nhà thì không thành vấn đề, mỗi tháng tôi đều đi họp xa một lần, đi thuyết trình, mỗi lần không dưới ba ngày, nhiều thì năm ngày. Mặc dù thời gian không dài, nhưng để một đứa trẻ mười tuổi ở nhà một mình thì tôi làm sao có thể yên tâm được. Nếu cứ gửi con đến nhà hàng xóm, bạn bè suốt thì cũng làm phiền họ, rất ngại. Hơn nữa con ngày một lớn, để con gái lớn ở nhà người khác cũng không tốt.

Tôi suy nghĩ về vấn đề này trong vài tháng, vẫn chưa đưa ra quyết định thì Y Y đã nói với tôi về suy nghĩ của con.

Lúc đó tôi nghĩ ba người thân yêu nhất của tôi trên thế giới này: cha mẹ - những người đã sinh ra, nuôi tôi lớn lên và Y Y - người tôi sinh ra, nuôi khôn lớn, họ đều khuyên tôi nên tái hôn (lúc này mẹ Y Y đã tái hôn rồi). Thực ra, là một người đàn ông có đời sống tình cảm bình thường, tôi lúc nào cũng muốn có một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, muốn cưới một người mà mình yêu, người mà con gái tôi cũng yêu mến, nhưng vì người phụ nữ như vậy không dễ tìm thấy nên tôi cứ chần chừ mãi không quyết.

Cứ như vậy, thông qua bạn bè giới thiệu, tôi quen với một giảng viên của một trường đại học ở Thẩm Dương. Để vun vén cho tôi và cô giáo này, Y Y đã rất nỗ lực, lần đầu tiên gặp cô ấy, con trang hoàng nhà cửa cho có không khí, con vẽ một bức tranh cả nhà nắm tay nhau, viết lên đó những lời ấm áp, con còn tặng cô tấm thiệp rất đẹp do con tự làm với những lời chúc phúc, trong bữa cơm nhiệt tình mời cô dùng cơm…

Qua một thời gian tìm hiểu, hai người chúng tôi đều thấy tâm đầu ý hợp, Y Y cũng rất quý cô ấy, vì thế chúng tôi đã gắn bó với nhau. Vì cô ấy không thể bỏ công việc để đến Đại Liên, hai cha con tôi mặc dù không muốn rời xa Đại Liên nhưng với một người làm nghề tự do như tôi, ở Thẩm Dương hay Đại Liên đều không ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sự nghiệp, vì thế tôi cùng con chuyển về Thẩm Dương.

Bởi vì hai người sống ở hai nơi, việc trao đổi qua lại không thuận tiện, lại thêm thời gian quen biết chưa lâu, nên cô ấy lo lắng là sẽ khó chung sống hòa hợp. Lúc đầu cô ấy đưa ra quan điểm giống như một số cặp đôi thời nay, trước tiên sống chung, nếu hợp mới đăng ký kết hôn, nếu không hợp thì sẽ chia tay trong hòa bình. Tôi là người rất sùng bái quan niệm truyền thống, tôi rất coi trọng hôn nhân, hơn nữa tôi còn phải nuôi con, nếu không bao lâu sau tôi và cô ấy chia tay thì tôi phải nói thế nào với con, hai cha con phải làm thế nào. Vì thế mà tôi đưa ra ý kiến: Không kết hôn thì tôi không thể đưa con đến Thẩm Dương sinh sống. Cuối cùng chúng tôi đăng ký kết hôn.

Đáng tiếc là, một năm sau đó, vì tính cách không hợp, chúng tôi chia tay, cuộc hôn nhân này lại tan theo mây khói.

Trước khi chia tay, tôi đã suy nghĩ, tôi và con phải làm thế nào, không thể ở lại Thẩm Dương được nữa, chỉ còn hai nơi là Đại Liên và Trường Xuân. Hai thành phố này thì tôi quen thuộc như lòng bàn tay, vì tôi đã từng sống và làm việc ở đó, nếu xét về môi trường sống thì tôi muốn quay lại Đại Liên, nhưng nếu xét về góc độ tình cảm, tôi lại muốn về Trường Xuân. Vừa mới rời Đại Liên không bao lâu, giờ lại ủ rũ quay lại đó, trong lòng cảm thấy không được vui, suy xét mọi điều, tôi quyết định trở lại Trường Xuân. Hơn nữa tôi có một kế hoạch ấp ủ đã hơn mười năm nay, đó là xây một trang viên ở quê nhà.

Tôi luôn luôn mong muốn, nếu như có điều kiện, tôi sẽ mua một miếng đất ở quê, xây một khoảng sân to, xây mấy gian nhà, trồng một vài cây hoa, nuôi ít gà vịt, sau đó ở đó viết lách, làm ruộng hay nghỉ ngơi. Nếu như xây được trang viên, tôi sẽ thường xuyên về quê hơn, từ Đại Liên về trang viên phải mất mười tiếng lái xe, nhưng từ Trường Xuân chỉ mất gần hai giờ đồng hồ.

Vì thế tôi lại đưa con đi lên phía Bắc, về quê hương của tôi - Trường Xuân.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx