sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 05 - Phần 3

Y Y trở thành chuyên gia tin học nhí

Sau khi con gái lên trung học cơ sở, những kiến thức môn tin học ngày một nhiều thêm. Một hôm Y Y ở trường học làm các slide trong PowerPoint (PPT), sau tiết học, con có thể làm slide đơn giản, lại còn biết trình chiếu nữa. Lúc mới bắt đầu biết làm, cảm giác rất mới mẻ, rất tự hào, nhưng sau khi làm mấy lần, con nghĩ cứ trình chiếu từng slide như vậy thì không thú vị chút nào, vì thế mà con muốn thêm một chút gì đó, tăng thêm độ khó. Con quyết định tìm một bạn học biết làm ảnh động để học hỏi, dưới sự giúp đỡ của bạn, rất nhanh sau đó con biết làm những ảnh động đơn giản, còn biết làm “siêu liên kết”.

Bạn con còn giới thiệu cho con một trang web, ở đó có những ảnh động nho nhỏ, có thể dùng để làm PPT. Từ nhỏ con đã có thói quen học được gì là phải ứng dụng ngay, thực nghiệm ngay, một là để kiểm nghiệm thành quả đã học, hai là thể hiện sức hấp dẫn của tri thức.

Hôm đó sau khi về nhà, Y Y khoe với tôi rằng hôm nay con đã biết cách làm PPT rồi. Tôi nhìn con bằng ánh mắt nghi ngờ: “Thật sao?”. “Cha không tin ạ? Con có thể trình diễn cho cha xem!”, nói rồi con xắn tay áo và “xung trận”.

“Trước tiên con sẽ làm cái đơn giản cho cha xem”. Con vừa nói vừa nhấn chuột, chỉ một lát, một PPT đơn giản đã được hoàn thành. Tôi kinh ngạc: “Thật là đẹp quá! Không đơn giản chút nào!”. Con khua khua tay: “Không, cái này đơn giản cha ạ, con còn có thế làm cái đẹp hơn”. “Nếu con có thể làm đẹp hơn, hai hôm nữa trong buổi thuyết trình cho các bậc phụ huynh, cha sẽ dùng cái con làm”, tôi nói với con.

Thời gian tự học ở nhà trong̉ học kỳ II năm lớp chín, để cuộc sống của con thêm phong phú khi không phải đến trường, theo ý thích của Y Y, ngoài việc đi học Taekwondo, tôi còn đăng ký cho con một lớp học tin học. Vì thế, con trở thành chuyên gia tin học nhí trong gia đình tôi.

Con đã miêu tả việc học tin học của mình như thế này:

Trước khi đi học lớp tin học mình đã được tiếp xúc với máy vi tính nhiều năm, thường xuyên dùng máy vi tính để tra từ, chơi trò chơi, còn làm cả PPT cho cha mình nữa. Nhưng từ trước tới giờ mình chưa bao giờ nhìn thấy trong máy vi tính có những gì, điều này khiến mình rất hiếu kỳ. Mình tham giá lớp tin học lắp ráp, sửa chữa phần cứng và photoshop, chủ yếu dạy kỹ năng lắp ráp máy, sữa chữa và chỉnh sửa ảnh, nhưng muốn học cách lắp ráp máy thì phải biết một số tham số về phần cứng, như vậy mới có thể chọn được phần cứng tốt phù hợp với máy tính của mình trong rất nhiều các loại phần cứng.

Ngoài nội dung lắp ráp máy mình con học rất nhiều, trong đó có học về các nhà sản xuất phần cứng, giá cả, nhãn hiệu, hiểu nội dung BIOS (BIOS ở đây là viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Basic Input/Output System) có nghĩa là Hệ thống xuất nhập cơ bản), học những kiến thức về sử dụng hệ thống DOS.

Một hôm sau khi học xong, mình xin cha sử dụng máy tính, sau khi cha đồng ý, mình muốn thử chương trình Max-DOS vừa học được xem thế nào. Máy tính ở nhà trước đây không có chương trình này bởi vì chương trình đó đã không được sử dụng lâu rồi, nhưng nó có công dụng rất lớn, nhiều lúc khi Windown XP có sự cố thì có thể dùng nó để phục hồi.

Không chỉ có vậy, vừa mới học xong môn tin học thì máy vi tính của nhà mình đã bãi công, hình như là muốn kiểm tra xem mình đã học hành như thế nào. Cha nói Blog của cha không mở được. Không phải máy vi tính hỏng vì các trang web khác vẫn mở được, nhưng nếu trang này hỏng thì tại sao các máy khác vẫn có thể vào được, mình không biết làm thế nào. Mình hỏi rất nhiều thầy cô dạy tin học, các thầy cô khuyên mình nên đổi trình duyệt web xem thế nào, nếu vẫn không được thì phải cài lại hệ thống, nếu vẫn không được thì phải gọi nhân viên sửa máy vi tính đến để “chẩn đoán” bệnh của nó rồi.

Về đến nhà mình thử giải pháp đầu tiên: Đổi trình duyệt. Mình đổi sang trình duyệt tên là Qihu 360, nhưng mà Blog của cha vẫn không mở được. Chẳng còn cách nào, mình đành cài lại hệ thống, mình trước đây cũng có cài lại rồi, nhưng đó là giờ thực hành ở trường, cho dù là làm hỏng thì vẫn có thầy ở đó sửa, nhưng giờ mình đang cài lại máy ở nhà mình, ngộ nhỡ hỏng thì làm thế nào… Mình vẫn có chút sợ, không dám làm. Đúng lúc đó thì cha hỏi mình, nếu cài lại máy thì có mất những bản thảo và dữ liệu trong máy không. Bởi vì hệ thống thì ở ổ C, còn toàn bộ bản thảo, dữ liệu thì lại ở ổ D, như vậy sẽ không bị mất. Cha nói, chỉ cần bản thảo và những tư liệu liên quan không mất thì làm thành thế nào cũng được, không sao. Lời của cha nói khiến mình tự tin hơn, vì thế mình lấy đĩa cài win và chuẩn bị làm việc. Mình tắt máy, cho đĩa vào ổ, sau đó khởi động máy, tất cả đều diễn ra đúng thứ tự bài bản. Sau nửa tiếng chờ đợi, mình đã cài xong hệ thống, khởi động lại máy, máy tính hiện ra logo XP, điều này có nghĩa là mình đã thành công rồi! Nhưng lại còn vấn đề nữa: vì không có kinh nghiệm nên rất nhiều phần mềm đều cần phải cài lại, việc này mất rất nhiều thời gian.

Từ đó về sau, máy tính xách tay, máy để bàn ở trong nhà đều do Y Y sửa chữa, máy tính của họ hàng bạn bè có vấn đề gì mọi người đều đến hỏi Y Y. Sau hơn hai tháng học tập có hệ thống và vài năm thực tiễn, bây giờ Y Y đã trở thành một chuyên gia tin học nhí thực thụ.

Xuất bản cuốn Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất

Mùa thu năm 2009, vừa bước vào cổng trường trung học phổ thông, con đã có một thành quả mới, xuất bản cuốn sách thứ hai mang tên Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, đây là cuốn sách tả thực về cuộc sống trung học cơ sở của Y Y, lại là một cuốn sách nữa viết về sự trưởng thành vui vẻ sau cuốn sách được yêu thích Chơi qua tiểu học.

Tôi đã viết lời dẫn cho cuốn sách của con như thế này (có lược bỏ):

Cầm cuốn sách của con gái Phạm Khương Quốc Nhất (Y Y) trên tay, tôi vô cùng hạnh phúc, bởi vì tôi vừa được nhìn thấy những bước trưởng thành vui vẻ của con, vừa nhìn thấy thành quả giáo dục của bản thân mình.

Đây là một tác phẩm nữa với chủ đề là sự trưởng thành vui vẻ sau cuốn Chơi qua tiểu học đã xuất bản ba năm trước.

Khi Chơi qua tiểu học được xuất bản, cuốn sách đã nhận được sự quan tâm của báo chí và các tầng lớp xã hội, rất nhiều người cho rằng: Phạm Khương Quốc Nhất là một thiên tài, là thần đồng. Thực ra không phải vậy, con cũng giống như hàng trăm hàng vạn những đứa trẻ bình thường khác, chỉ là con được hưởng giáo dục gia đình khác biệt.

Thời điểm đó có rất nhiều phóng viên và phụ huynh hỏi tôi: Con gái nhỏ như vậy liệu học trung học cơ sở có theo kịp không? Anh không lo lắng hay sao? Ở tiểu học có thể chơi, nhưng đến bậc trung học cơ sở không dễ dàng như vậy, lên trung học cơ sở vẫn có thể chơi hay sao?

Câu hỏi đầu tiên tôi đã từng trả lời nửa đùa nửa thật: Điều tôi lo lắng là những đứa trẻ khác liệu có thể đuổi kịp con không (chỉ Phạm Khương Quốc Nhất), bởi vì tôi rất có niềm tin, kiến thức của con vững, thêm vào đó con lại rất hứng thú với việc học, nếu nắm được những phương pháp học hiệu quả, khoa học, con sẽ học rất tốt.

Câu hỏi thứ hai, khi học xong tiểu học tôi đã nói với con, khi lên trung học cơ sở sẽ không được chơi như hồi học tiểu học nữa, môn học nhiều, những nội dung cần học cũng nhiều lên, thời gian cần thiết cho việc học tất nhiên phải nhiều thêm, vì thế thời gian chơi sẽ ít dần đi, nhưng cha đảm bảo với con: Con vẫn là học sinh trung học cơ sở có thời gian chơi nhiều nhất Trung Quốc.

Ba năm trôi qua, tất cả đã trở thành sự thật.

Ban đầu khi tôi đưa ra “giáo dục vui vẻ” và tiến hành “giáo dục vui vẻ” với con gái, hầu như tất cả mọi người đều phản đối việc làm của tôi, thậm chí còn cho rằng tôi bị điên. “Học khổ học sở mà thi vẫn không tốt, thì chơi làm sao có được thành tích tốt?”. Mọi người đều có chung một nghi vấn. Cho dù là như vậy tôi vẫn đi theo con đường mà tôi đã chọn, không ngừng tìm hiểu và nghiên cứu, tôi đã dần hình thành quan niệm “giáo dục tam tam” và tư tưởng giáo dục “2.5-0.5>3”.

Tôi đã thực thi quan niệm “giáo dục tam tam” giúp con học xong tiểu học chỉ trong ba năm rưỡi, giờ đây tôi làm theo tư tưởng giáo dục “2.5-0.5>3” giúp con vui vẻ học tập trong hai năm rưỡi và tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thực tiễn hơn mười năm đã chứng minh, quan niệm giáo dục của tôi không chỉ là sự hoang tưởng tươi đẹp. Con gái không chỉ thực sự chơi qua tiểu học, trung học cơ sở mà còn trang bị được cho bản thân những tố chất tổng hợp có lợi cho sự trưởng thành như ý thức tự lập cao, tố chất tâm lý tốt, ý thức sáng tạo, tư duy độc lập… Có thể nói được chơi đùa vui vẻ, con gái ngày một lanh lợi hơn, tự tin hơn, con chơi nhưng vẫn đạt được ba tốt - điểm tốt, năng lực tốt, phẩm chất tốt.

Một số người khi nghe nói tôi cổ vũ việc giáo dục vui vẻ thì cho rằng quan điểm giáo dục của tôi chỉ chú trọng việc chơi đùa vui vẻ của trẻ mà coi nhẹ việc học tập, không chú trọng đến điểm số, thực ra cách suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Quan điểm giáo dục vui vẻ của tôi là một bộ phận cấu thành của giáo dục tố chất, cho dù là giáo dục vui vẻ hay giáo dục tố chất thì đều không phải là không quan tâm đến việc học, không cần điểm số mà đây là học tập khoa học, không đề cao điểm số.

Yêu cầu của tôi với việc học của Y Y như sau: Thứ nhất phải nắm được kiến thức cơ bản, thứ hai là phải ứng dụng nó vào cuộc sống, còn về điểm số và thứ bậc thì tôi không có yêu cầu gì đặc biệt, chỉ nói với con là con đừng kéo lùi thành tích của lớp, chỉ cần ở nửa đầu của lớp là được. Mặc dù tôi cũng giống những bậc phụ huynh khác, đều mong muốn con mình được điểm cao, đứng đầu lớp nhưng từ trước tới nay tôi chưa bao giờ yêu cầu con phải thi được bao nhiêu điểm, đứng thứ mấy trong lớp. Kết quả là con luôn đứng trong top đầu của lớp.

Đây là điểm tốt mà tôi đã nói, không phải là cao nhất mà là tương đối cao. Bởi vì điểm số kém mấy điểm, mười mấy điểm thậm chí là mấy chục điểm thì ảnh hưởng không lớn đến việc trẻ có thành tài hay không, mà quan trọng là trẻ phải “nắm được, hiểu được và biết ứng dụng”.

“Năng lực là điều kiện để sinh tồn” là câu mà tôi thường nói, cá nhân tôi đã trưởng thành như vậy. Vì thế mà mục tiêu cuối cùng của giáo dục không phải là học sinh học được bao nhiêu kiến thức văn hóa, thi được bao nhiêu điểm mà là liệu học sinh có thể trở thành những con người hoàn chỉnh, được phát triển toàn diện và có năng lực sinh tồn nhất định hay không.

Do vậy tư tưởng “năng lực tốt” đã được truyền vào máu của Phạm Khương Quốc Nhất, để làm được điều này tôi đã phải tạo cho con những cơ hội rèn luyện, phát triển năng lực tổng hợp của con: giặt quần áo, mua rau, nấu cơm, sửa giày dép, ngay cả việc may vá cũng phải biết làm; tôi giảng bài cần PPT cũng để con làm, máy tính có vấn đề cũng để con sửa; tết Thanh Minh về quê bái tổ, về thăm bà nội con gái đều làm thay cha.

Bây giờ khi chưa đầy mười ba tuổi con đã trở thành một trợ thủ nhỏ đắc lực của tôi. Việc học của con, những năng lực như biểu đạt ngôn ngữ, viết, tự do, sáng tạo, thích ứng, giao tiếp và tố chất tâm lý đều vượt xa các bạn đồng trang lứa, thậm chí có những việc mà người lớn không thể làm con đều có thể làm. Các năng lực ngày một nâng cao hơn, con ngày một tự tin hơn, ngày một rạng rỡ hơn.

Lại nói về “phẩm chất tốt”.

Khoảng thời gian trước khi nhận lời mời phỏng vấn của phóng viên giàu kinh nghiệm Quách Minh của báo Giáo dục Trung Quốc, tôi từng tâm sự: Một người không có tình yêu thương là một người tàn phế về nhân cách, loại người này cho dù có học thức cao đến mấy, có bản lĩnh đến mấy thì cũng không có được thành công lớn, không thu phục được người khác. Ngược lại đức tính khiêm nhường, nhường nhịn có thể mở rộng tấm lòng nhân sinh. Bất luận là giàu có bao nhiêu thì cần kiệm vẫn là một phẩm chất tốt của con người. Trị gia cần kiệm có thể trở nên giàu có, trị quốc cần kiệm có thể trở nên hùng mạnh. Một con người kiên cường mới có thể bước những bước vững chắc trên con đường đời rộng lớn, và bước được xa hơn. Một con người có nhân cách hoàn chỉnh, lại giỏi giang, khiêm nhường, cần kiệm, kiên cường nhất định sẽ đi trên con đường đời tươi đẹp và đầy sắc màu.

Vì thế tôi đặc biệt chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho con gái. Chúng ta bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo thường xuyên nhắc tới câu: phải có cả đức và tài. Có nghĩa là nếu chỉ có tài năng thôi thì chưa đủ, phải cần có thêm phẩm chất đạo đức tốt. Thực tế, không chỉ các cán bộ lãnh đạo mà bất kỳ một cá nhân nào cũng cần phải có phẩm chất đạo đức tốt, nếu không cá nhân đó không phải là một con người kiện toàn. Tại sao Y Y lại hiếu thuận với bề trên, biết cảm ơn, biết nhiệt tình giúp đỡ người khác, tất cả là thành quả bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của tôi.

Khi trẻ mới sinh ra chúng giống như một tờ giấy trắng, phụ huynh giống như là họa sĩ, nhà điêu khắc, chúng ta vẽ màu gì thì chúng là màu đó; chúng ta khắc hình thù gì thì chúng sẽ thành hình thù đó. Có được điểm tốt không, năng lực có tốt không, phẩm chất có tốt không đều là do đôi bàn tay của phụ huynh quyết định (tư tưởng giáo dục).

Nếu các bạn đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này, các bạn sẽ phát hiện ra rằng con gái Phạm Khương Quốc Nhất của tôi không có bất kỳ một câu chuyện thành công rực rỡ chói lóa nào, tôi cũng không có quan điểm giáo dục “bồi dưỡng thần đồng” hay “mục tiêu thành công là trường đại học danh tiếng Harvard”. Quan điểm giáo dục của tôi là bình dân hóa, đại chúng hóa, quan niệm giáo dục mà tôi đưa ra phù hợp với mọi đứa trẻ, đó là: học tập vui vẻ, phát triển khỏe mạnh và thuận lợi thành công!

Cuối cùng hy vọng khi các bạn nhỏ chia sẻ những câu chuyện vui của Phạm Khương Quốc Nhất, các bạn cũng vui vẻ trưởng thành như con, viết những khúc vui trên quãng đường trưởng thành của bản thân!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx